Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Muôn nẻo gập ghềnh

 

T

hế đấy! Mấy anh em nhà em có cái tên ngược hoàn toàn với tính cách. Ông anh họ con bà bác tên là Keo tính tình phóng khoáng. Một chú em tên Nghiêm, nghiêm thì ít mà nghỉ thì nhiều. Còn em là Đông nhưng lại rất xuân.

Gặp anh, em mừng lắm! Bây giờ già rồi la cà quán xá để nói chứ ăn được bao nhiêu. Hôm nay anh đi cả ngày với em, chi phí em lo. Cái chính là bác nghe em kể về đời em và trao đổi đôi chút về thơ. Cuộc sống trong này sôi động khác với cách sống trầm lặng ngoài ta. Ở tổ thơ Xóm Chợ của các bác hàng tháng có uống bia và đọc thơ. Còn trong này vừa uống bia vừa bàn công việc chứ cứ đọc xong mấy bài thì thời cơ đã “Vẫy tay, vẫy tay chào nhau” rồi.

- Hay ta về nhà chú cho nó lành

- Ấy chớ! Khi em “Ôn nghèo, kể khổ” thì con nó bảo: Ba cứ kể chuyện cổ tích làm gì. Có lúc nó lại hỏi: Thơ là phải có vần có điệu phải không ba? Em bảo: Để nghiên cứu, trả lời sau. Con ơi! Bố đã nói thế thì cứ dài cổ mà chờ nhé! Vì trả lời thế nào được hả anh? Và trong mắt của bọn nhỏ thì thơ nào có ích chi? Ấy là tại nó chưa biết nhờ bài thơ của Vương Trọng mà mộ của Nguyễn Du mới được khang trang. Nhờ một bài thơ của tổ thơ Xóm Chợ mà mộ của bà bác em tức là mẹ của anh Keo đấy, mỗi khi lễ tết lại được phủ đầy hoa. Còn cái chuyện sao lại như vậy thì từ từ sẽ rõ.

Bố em là chánh tổng ở một huyện duyên hải Hải Phòng. Nhà có gần ba trăm mẫu ruộng, có ngựa, có xe tay gọng đồng, có cả súng để chống cướp. Một lần bố em khai hỏa: Sau tiếng nổ của súng là tiếng thét của người. Một lão già say rượu lạc vào vườn nhà, hỏi chẳng nói nên phải bắn thôi. May mà chỉ vào chân nhưng cũng phải mất tiền đền cho lão và lót tay quan huyện.

- Sao lại vậy?

- Để quan thôi tra cứu mà nay gọi là cho “chìm xuồng” đó anh

- Ngày ấy mà đã thế

- Ngày nào mà chả thế. Cho nên cái câu: “Có ba trăm lạng việc này mới xong…” Không lặn mất tăm mà nó cứ bồng bềnh, trôi nổi cùng với kiếp người. Sắp đến ngày Tổng khởi nghĩa thì một cán bộ cách mạng vào khuyên bố em đi theo chính quyền do cụ Hồ lãnh đạo. Cái chính là họ muốn qua bố em để vận động quan huyện giao triện đồng cho chính quyền mới. Bố em thuyết phục được ngay vì quan huyện nghĩ: Nhà em giàu như thế còn đi theo cách mạng thì của cải nhà quan chưa là cái đinh. Thế là cuộc cướp chính quyền ở huyện em: đạn không mất một viên, máu không đổ một giọt. Sau đó gia đình em ủng hộ chính quyền mới nhiều tiền của. Rồi bố em được bầu làm chủ tịch Liên Việt xã kiêm thẩm phán tòa án huyện.

Nhưng… Đời người mỗi lần gặp chữ “nhưng” tức là gặp bước ngoặt mà trong này gọi là khúc quẹo. Bước ngoặt có thể thăng hoặc giáng. Nhà em gặp phải nốt giáng. Ấy là cái ngày vàng thau lẫn lộn. Nhà em mất gần hết, còn lài vài sào ruộng, một góc vườn. Bố em dựng cái mái tranh che mưa, che nắng. Mẹ em làm ruộng còn bố em sắm hòm đồ nghề đi cắt tóc dạo. Thế mà gia đình nuôi em ăn học hết lớp 10.

Học đại học ư? Ai cho mà đi. Đi làm ư? Ai dại gì mà nhận người có lý lịch như em. Thế thì em xin tiền mua hòm đồ lên Hà Nội đi cắt tóc dạo. Em vào đền Ngọc Sơn, ở đấy đã có một ông phó cạo rồi. Khách của ông đông vì ông tán chuyện hay lắm, còn em chẳng có ma nào. Sau này em mới biết bác phó ấy là một nhà văn. Đi rạc cả cẳng may ra gặp một khách. Sáng nào không gặp khách thì buổi trưa uống nước máy ở vườn hoa con cóc thay cơm. Buổi tối về nhà anh Keo ngủ nhờ. Chị Sấm vợ anh Keo tốt lắm. Chị biết em đói nên trong nồi lúc nào cũng còn vài lưng cơm, một ít tép kho với khế hoặc mấy miếng đậu rán. Nhà anh chị giàu có gì đâu? Nhà lại đông con nên em thấm thía câu: “Một miếng khi đói bằng một gói khi no” anh ạ. Vậy mà khi chị mất, em không ra thắp hương được. Em ân hận lắm.

- Thì bài thơ Chị ơi! Của chú gửi ra đã là một nén tâm nhang rồi. Bài thơ được tổ chức Xóm Chợ đánh giá là hay nhất trong những bài thơ chia buồn với gia đình.

- Nhân lại nói chuyện thơ Xóm Chợ mà lúc ấy bác Keo nhà em làm tổ trưởng. Thỉnh thoảng bác lại mới các nghệ sỹ tới để thể hiện các tác phẩm rồi ghi âm và gửi về quê để “chia sẻ vui buồn”. Mà quê em cũng lạ cứ mê thơ như nghiện thuốc lào. Nghiện rượu có thể cãi nhau, còn nghiện thuốc lào chỉ ở trạng thái lơ mơ dễ ra thơ lắm. Hay như cái cách tự diễu mình mà người quê em thường nói: “Hút thuốc lào, phà ra khói, ói ra thơ” là thế đấy. Lần ấy anh Keo gửi băng thơ về quê cho em gái. Gần nhà cô là nhà ông bí thư Đảng bộ và ông chủ tịch xã. Hai ông rất bận vì đang cho in cuốn Lịch sử Đảng bộ xã nhưng thấy có băng thơ gửi về liền sang nghe. Cái chính là nghe thơ tếu táo của anh Keo để cười một trận cho đã rồi đêm về them hăng hái làm việc. Thôi kể làm chi những bài thơ ấy, riêng có bài Khóc bà của con anh Keo là đáng nói. Bài thơ kể về thời kháng chiến chống Pháp tại nhà bà có hầm bí mật và chính bà người nuôi bí thư huyện ủy và nhiều cán bộ khác. Chỗ này em nói thêm ngoài bài thơ: Sở dĩ cán bộ ở đó vì bà sẵn cơm, canh tiếp tế và giặc không nghi. Giặc Pháp đã nhầm. Một cái nhầm chết người. Đã là người Việt Nam trừ một số ít bán nước, hại dân còn đa số tuy giàu nghèo khác nhau nhưng lòng yêu nước lại giống nhau. Bài thơ kể cái ngày công thành tội, bao nhiêu công lao của bà đổ xuống sông, xuống biển. Bà phải mót khoai, mót lúa, tước đay bện sợi tứa cả máu tay kiếm sống qua ngày. Khi bà mất thì ngoài họ hàng, con cháu còn chẳng ai đoái hoài. Bài thơ kết bằng một câu lục bác:

“Huân chương đỏ ngực bao người

Nào ai thăm mộ bà tôi một lần”

Với giọng ngâm da diết của nghệ sĩ Minh Lý hòa tiếng nức nở của đàn bầu, chị em gục mặt xuống khóc rưng rức. Hai ông cán bộ chủ chốt của xã cùng bà con lối xóm lặng lẽ ra về và hôm sau cái điều phải đến đã đến. Hai ông cho ngừng in cuốn sách để bổ sung thêm một trang nói về thành tích của bà. Từ đó trên mộ bà thường ngào ngạt hương hoa.

Bây giờ lại kể tiếp đời em: Ngày ấy ở bờ hồ Hoàn Kiếm có ông Văn Lanh vẽ truyền thần rất giỏi. Khi ông vẽ em cứ đứng nhìn. Bất chợt ông hỏi: “Cậu thích vẽ à? Bút giấy đây cậu vẽ cái tháp rùa tôi xem”. Em vẽ xong ông bảo: “Có khiếu đấy theo tôi về nhà tôi truyền nghề cho”. Mặt người thì ông vẽ còn em vẽ quần áo và ghế ngồi. Người thành phố thì mặc Complé áo dài. Người nông thôn thì cụ ông mặc quần áo trắng, áo the, khăn xếp, cụ bà quần thâm áo gụ. Ai cũng được ngồi trên ghế có ngai trông oách lắm. Chỉ sau một tuần em được kẻ ô vẽ mặt người và tuần sau nữa em không kẻ ô mà nhìn ảnh vẽ luôn đến nỗi ông chủ cũng phải tròn mắt đứng xem.

Từ đấy em không vét cơm mà vào mậu dịch Vân Hồ ăn cơm đàng hoàng. Em để ý khi đưa “tích kê” lấy cơm, chị nhân viên cầm một cái dùi bằng cái kim khâu bao tải khẽ chọc một lỗ thế  là “tích kê” ấy không còn giá trị. Thấy không ai để ý em vơ một nắm đem về đặt xuống nền gạch rồi lấy búa dọt. Tờ bìa được dàn ra, cái lỗ không thấy nữa. Thế là em ăn cơm mậu dịch thoải mái. Bây giờ các chị nhân viên ấy cũng bộn tuổi rồi. Em muốn gặp những biết đâu mà tìm.

- Gặp làm gì?

- Để em xin lỗi vì em ăn cắp cơm của các chị là ăn cắp cơm của Nhà nước mà ăn cắp cơm của Nhà nước là ăn cắp cơm của nhân dân.

- Thôi! Chú! Mấy suất cơm thì nhằm nhò chi!

- Thế lời thề không lấy cái kim, sợi chỉ của dân thì bỏ đi à?

- Bỏ là bỏ thế nào? Chỉ không lấy cái bé như cái kim, sợi chỉ còn những thứ to hơn thì đã thề đâu.

- Nói thế thì còn gì là đạo đức Cách mạng.

- Chú cũng biết sám hối nhỉ?

- Một dân tộc mà không có người biết sám hối thì dễ gặp họa: “Tiêu nha, bại chủng”.

- Là thế nào?

- Một cao tăng đã dịch là “Mầm cháy, giống mục”

- Có thể lắm.

- Nhưng… lại gặp “nhưng” anh ạ. Ông chủ có đứa cháu ở quê ra học việc. Thế là em lại khăn gói gió đưa. Lần này thì dạt về một thị trấn ven biển Nam Định. Gọi là thị trấn nhưng chỉ có một phố dọc. Hai bên đường là những dãy nhà mái ngói. Mỗi nhà cách nhau một khoảng vườn nhỏ trồng các loại rau thơm xanh rờn. Một buổi sáng em ra biển vẽ cảnh mặt trời mọc, bỗng sau lưng có người hỏi:

- Cậu có vẽ truyền thần không?

- Dạ! Có

- Thế thì theo tôi về nhà, cậu vẽ xong cho gia đình, tôi sẽ giới thiệu người khác cho cậu có việc mà làm.

Nhà ông là hiệu thuốc bắc và chữa bệnh gia truyền. Vợ mất sớm nên ông ở với cô con gái mười ba tuổi. Ông tên là Đặng Thế Nhân. Con gái là Đặng Thị Ái.

Em vẽ ông bà nội rồi bố mẹ ông. Thế là ngày ngày cơm gà, cá gỡ do bé Ái phục vụ sướng như tiên. Nhưng…

- Lắm “nhưng” thế

- Vậy mới là đời em! Gần nhà ông Nhân cũng có hiệu thuốc bắc. Với bảng hiệu y chang, thì cũng giống như khi ah lên Quảng Bá. Đố anh biết đâu là quán Ông Già thật hoặc anh lên Hàng Gà đố biết đâu là quán thuốc lào chính hiệu bà lang trọc.

Thói đời người mở hàng sau lại tức người mở hàng trước, vợ bé lại ghen với vợ cả. Cái ông gia truyền rởm căm ông gia truyền thật lắm nhưng không làm gì được thì cái việc em đến ở nhà ông Nhân là cái cớ để ông ta ra đòn. Ông ta lên đồn Công an bảo rằng: Ở nhà ông Nhân có một thanh niên sáng nào cũng ra biển vẽ bãi đáp cho tàu chiến giặc đổ bộ. Thôi! Chết em rồi. Em ở nhà ông gia truyền thật nhưng giấy tờ tùy thân của là giả. Đấy là cái giấy thông hành của ông anh, em tẩy đi rồi đề tên mình vào. Đi đường còn khả dĩ chứ vào đồn thì có mà chạy đằng trời. Em bị giam mất ba ngày để Công an điều tra. Trong ba ngày đó, bé Ái cứ xách cặp lồng “tắc tế”. Trên cơm trắng là dưa cải vàng ươm. Trên dưa là khúc cá biển kho nâu sẫm và trên cùng là trái ớt đỏ chói hái ở vườn nhà. Khi em ăn cô bé cứ nắm tay vào song sắt đứng nhìn rồi nước mắt rơi lã chã. Em thề rằng sau này sẽ tưởng tượng lại để vẽ bức tranh này.

- Vẽ chưa?

- Chưa! Không phải khó không vẽ được mà vẽ xong thì lời đề bên dưới như thế nào?

- Hiểu rồi.

Sau đấy cũng đến ngày hết việc, em nghĩ đời mình lang thang mãi rồi sẽ ra sao? Em quyết định về quê viết đơn bằng máu xin đi bộ đội. Đấy là những năm tháng chiến tranh đến đoạn quyết liệt. Chiến trường đang cần người. Khi chia tay Ái cứ ôm lấy ông anh mà khóc. Cứ tưởng đó là tình cảm của em út trong gia đình mà quên mất câu “gái thập tam” của các cụ để lại.

Thế là em đi lính. Khi mặc quân phục em thấy mình bình đẳng với mọi người bởi máu, xương này cũng hy sinh cho Tổ quốc như ai.

Qua một thời gian chiến đấu ở Quảng Trị cũng phải tự nhận là dũng cảm cộng thêm trình độ văn hóa lại có cái “phoóc” người trông tàm tạm nên em được điều lên quân lực trung đoàn. Một hôm em được phận công đến đơn vị Thanh niên xung phong đóng ở cánh rừng cách đấy không xa để tuyển hai nữ đội viên đi học bác sỹ quân y. Các cô đã ra mặt đường cả rồi chỉ còn lại những cái lán vắng hoe và dãy dây phơi với nhiều chiếc áo có “cái túi chéo làm sao mà quên được”.

Ban chỉ huy đưa ra năm bộ hồ sơ. Em chọn hai. Bộ thứ nhất là của cô Lan quê Thanh Hóa, bộ thứ hai khi xem em suýt reo lên may mà chị chỉ huy mải rót nước nên không để ý. Đấy là hồ sơ của Đặng Thị Ái con ông Đặng Thế  Nhân ở thị trấn X tỉnh Nam Định. Em dặn lại: Sau 3 ngày 2 nữ đội viên này phải có mặt ở quân lực trung đoàn để nhận nhiệm vụ mới.

Khỏi kể nỗi mừng của Ái khi gặp em. Trước “Ba quân” mà cứ nhào tới ôm chầm lấy “người ta” rồi khóc cười kết hợp làm em ngượng chín cả người. Cái câu trẻ nít ngày xưa trêu nhau lại hiện về “Vừa khóc vừa cười ăn mười cục…”

- Thôi! Khỏi!

- Sau đấy chiến tranh cứ cuốn mỗi người một ngả

- Còn gặp lại không?

- Bây giờ Ái là bác sỹ ở một bệnh viện trong thành phố này nhưng em ít gặp vì ngại…

- Hiểu rồi!

- Ở chiến trường em thường ký họa gửi đăng báo Quân đội Nhân dân. Khi đất nước thống nhất em muốn học hành cho tử tế. Em quyết định về quê xin chứng thực để đi Đại học Mỹ thuật.

Gặp chủ tịch xã lại là bạn học em tranh thủ trình bày: Ngày xưa tôi viết đơn bằng máu và chính cụ nhà đã ký cho tôi đi bộ đội. Còn bây giờ tôi xin đi học đại học mà lại viết đơn bằng máu nữa thì có kỳ quá. Mong anh thông cảm ghi thế nào đấy để tôi được đi học.

Lúc ấy ở Ủy ban không có ai nên anh ta nói: Tôi biết cậu và những người có hoàn cảnh như cậu. Họ sống biết thân, biết phận lắm. Gia đình không quyền thế thì cậy vào đâu để mà ngông nghênh. Hơn nữa đã là con nhà gia giáo có đôi chữ thánh hiền thì dù gian truân đến mấy, phải lên rừng hay xuống biển hoặc bôn ba nới xứ người thì họ vẫn giữ được nếp nhà. Thôi cứ để giấy tờ đấy, tớ ghi cho rồi mai tới mang đến nhà. Cũng phải ngồi với nhau vài phút để “Bắn điếu thuốc lào, nâng cao sĩ diện” nữa chứ. Thế là em vào học Đại học Mỹ thuật thành phố. Tốt nghiệp xong ở lại trường làm giảng viên. Bây giờ về hưu nộp hết lương cho vợ rồi kiếm thêm để bia bọt bằng cây cọ. Hiện nay các trường đại học và các công ty đều muốn có lô gô của mình. Họ mở cuộc thi và giải thưởng hàng mấy chục triệu. Em dự thi và hay được giải. Anh vào đây thì ở đâu?

- Ở nhà bà cô

- Tưởng ở nhà nghỉ. Mà kể cũng kỳ gọi nhà nghỉ nhưng khi vào đấy có ai nghỉ đâu?

- Biết rồi!

- Em định khi không vẽ vời được nữa, em sẽ nhảy sang lĩnh vực văn chương. Em viết truyện ngắn về đời em rồi lấy tên truyện là: “Muôn nẻo gập ghềnh” có được không anh?

- Được! Nhưng viết ngay đi, để lâu quá nhỡ lúc ấy tớ “thăng” rồi thì sao?

- Yên trí! Em sẽ gửi lên cho. Lưu ý: Khi đi nhớ mang theo kính

Nói xong Đông (nhưng lại rất xuân) cười khà khà, hàng ria con kiến cũng nhảy múa theo… Trông hãy còn duyên.

 

T.D.H 

 

Trần Dũng Hùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 223 tháng 04/2013

Mới nhất

Đại hội Phân hội Nhiếp ảnh khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029

19/05/2024 lúc 01:23

TCCV Online - Chiều ngày 18/5/2024, Phân hội Nhiếp ảnh, Hội VHNT Quảng Trị đã tổ chức Đại hội khóa VII, nhiệm kỳ 2024 - 2029. Tham dự đại hội có đồng chí Nguyễn Văn Dùng - Chủ tịch Hội VHNT Quảng Trị. Dự đại hội còn có đại diện lãnh đạo các ban, ngành liên quan và đông đảo hội viên Phân hội Nhiếp ảnh…

Thương lắm gánh đậu hũ của mẹ

17/05/2024 lúc 05:07

“Ai đậu hũ không? Ai đậu hũ không?”, những tiếng rao của mẹ văng vẳng vang lên từ đầu con hẻm nhỏ.

Vẹt ngực hồng

17/05/2024 lúc 05:04

Cái rét đã đi qua lâu rồi, nắng nóng đến sớm hơn mọi năm vậy mà hôm nay bà già mới chịu mang chăn ra phơi để thơm tho cất gọn trong góc tủ.

Bận lòng cơm cháy

17/05/2024 lúc 05:01

Ba bảo nhạt miệng, ăn gì cũng chẳng thấy ngon, giá có miếng cơm cháy ở đây rồi chấm tí mắm ruốc thì hết sẩy. Bữa đi, mạ có đùm theo cho ba hũ ruốc nhưng gói không kỹ nên bị tịch thu. Hũ ruốc đó, ba đinh ninh sẽ giúp mình mặn miệng trong những ngày nếm thức ăn ở phố.

Nhớ một thời theo dấu chân Bác Hồ từng đi qua

15/05/2024 lúc 00:32

Trong suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, một trong những vấn đề Bác Hồ kính

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/05

25° - 27°

Mưa

22/05

24° - 26°

Mưa

23/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground