Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nạn nhân của lòng nhân ái

C

ái li vỡ làm nhiều mảnh dưới nền gạch hoa. Thị coi lại trên tay, còn năm cái. Thị bước tiếp. Nhiều lần cứ sắp bước vô phòng sếp, là thế nào thị cũng đánh rơi một thứ vật nào đó, nếu không phải chân vấp cầu thang...

- Bố nhắc gì con? - Đôi lần trong lòng thị loé lên câu ấy.

Bố thị và ông Ba là bạn vong niên, cụ thể ông Ba thua ông Nhã chín mười tuổi chi đó. Họ thân nhau trong công việc, trong tính nết, họ giúp nhau vượt qua cuộc kháng chiến chống ngoại xâm gần đây nhất… Cái mối tình bằng hữu ấy giữ mãi ngay khi một bên đã về vườn còn một bên vẫn oai phong tại vị với một cái ghế kha khá của địa phương. Thị tìm hiểu kĩ, và biết giữa hai người không hề có ràng buộc kinh tế, văn hóa, chính trị nào, chỉ là tình thân chân chính; tức là ông Ba không hề mang chút ơn huệ gì với bố thị cả, kiểu như ông từng được ông Nhã cưu mang, giúp đỡ này kia chẳng hạn. Điều đó làm thị càng không hiểu vì sao ông Ba sẵn sàng nhận mình vào cơ quan, khi bố thị chỉ cần mang nụ cười ra đặt vấn đề bên li nước tại nhà ông ta (kể ra bố thị có mang đến một kí cam, len lén đặt một góc phòng, ông Ba thấy tội nghiệp, đáng thương quá, không nỡ chối từ, dù chỉ một câu xã giao!). Người ta đi xin việc, mất tiền, mất nhân cách, có khi mất cả tiết trinh…thế mà thị có mất gì đâu. Lạ thật. Đời dạy thị cái gì không mua được bằng tiền, thì phải dùng tiền nhiều hơn nữa để mua! Ngày nay mọi thứ không thứ gì không bị đồng tiền đốt cháy, nhằm lập lại mọi công bằng; và lòng nhân ái, tình người ngày càng trở thành miếng bánh ngọt hết hạn sử dụng rồi... Vậy sao có hiện tượng này, một thực tế không hề đúng với thảy mọi người, mọi nơi? Có một sự thật, là không hẳn tiền là đấng toàn năng ư? Có một cái gì đó, từ nơi nào, thời nào sót lại, nhảy bổ vào giúp thị trong cuộc tìm kiếm công ăn việc làm trong khi cả nhà run sợ, nhất là thị và mẹ thị, đã tính trước bán cái gì, vay mượn những đâu cho đủ cây đủ chỉ hay cách nào, miễn sao được việc…Nghĩ thế, nên thị vẫn luôn trong tình trạng bất an, hoang mang, nghi hoặc như chưa hóa vàng sau màn ma chay tế lễ cho người nơi chín suối, là chưa yên!

Vì thời buổi người nhiều việc ít, học hành cũng loàng xoàng, nên ông Ba nhận thị vô cơ quan nhưng cũng chỉ bố trí làm việc vặt. Ông hứa với ông Nhã: “Anh yên tâm. Đợi một thời gian nữa, tôi sẽ đưa cháu Hương Lan vào phòng nghiệp vụ” nhưng chờ mãi, chẳng thấy đâu; ông Nhã trước khi mất, đã định hỏi “chú em” một câu, nhưng rồi cái tấm lòng bác ái của chú Ba nhận chay đứa con gái không lấy gì làm xuất chúng vào cơ quan đã là phúc đức quá tưởng tượng rồi. Thành ra ông lặng im mà về chín suối!

Chẳng mất đồng nào! Trong tâm tưởng thị một thời gian thường vang lên âm hưởng cái cụm từ vàng son đó. Nhưng về sau, càng ngày cái cụm từ ấy lại mọc chông gai nhọn hoắt chọc tức thị, nhất là khi thị đối diện với “chú sếp”. Hỏi có khổ tâm không? Bạn của thị, những đứa như thị, cứ nghĩ thị phải chồng cao bao nhiêu tiền mới lọt mắt sếp; bởi đứa nào cũng đi theo con đường ấy mà vào làm chỗ nọ chỗ kia chứ chưa bao giờ thấy chuyện nước bọt dám thay dầu bôi trơn cỗ máy chạy việc. Chúng nó khai hết với nhau mọi nỗi đoạn trường khi đi xin việc, và tra vấn thị. Thế là thị cười, lắc đầu quầy quậy khiến cả bọn chửi đồ đạo đức giả, thời buổi này, chó cũng biết phân biệt tờ bạc và tờ giấy lộn, vậy ai điên cho không mày công việc, hay mày cống đứt cái khoản “vốn tự có” cho lão giám đốc?

Đồng tiền hoặc giúp người ta ngẫng đầu lên, hoặc nhận mặt người ta xuống. Thị đang bị nhận xuống, tuy chỉ gián tiếp, và bằng một phương thức rất khác lạ; nhưng suốt ngày suốt tháng suốt năm cứ băn khoăn thắc thỏm bởi món nợ cầm chắc việc làm nhưng chẳng mất đồng  nào! Thà đi vay mà xin việc, giờ có mang nợ như núi, cũng sướng hơn thế này. Không nợ Việt Nam đồng, nợ Đô, nợ Rô, không nợ vàng cây đá quý nhưng khoản nợ vô hình này mới là thứ cực hình. Cực hình thật đấy. Ngày ngày vào ra cơ quan, trông mặt ông Ba không dám trông, thấy ông ta cười, cũng ngờ ông cười cái ngu của kẻ không thức thời, cứ ôm khư lấy lối sống ngày xửa ngày xưa để đối xử với nhau trong thời đại kim tiền này, chỉ dựa vào cái gọi là “tình cảm” mà ném con vào buộc người ta nhận. Tình cảm cái con tiều! Ta không nói ta thèm tiền, nhưng phải hiểu…Thị cầm chắc ông Ba chẳng ngu gì mà không nghĩ thế!

Thị buồn rầu sao chẳng dùng tiền mua đứt bán đoạn, đằng này quả đúng “của biếu là của lo, của cho là của nợ”! Thị nghĩ ông Ba vẫn cười cợt mình: “Ồ, cái con bé con ông già ngớ ngẩn, cả cha cả con, ngơ ngẩn một cây, ngớ ngẩn gia truyền, vậy cứ mà ngồi thế đã nhá”. Lúc nào thị cũng thấy như có lỗi, đi đứng rụt rè, cúi thấp, bởi cái ơn của ông Ba cưu mang luôn ám ảnh trong đầu, bởi trong lòng luôn hỗ thẹn vì người ta cho không công việc. Nỗi khổ tâm này còn quá hơn ăn trộm bị bắt quả tang. Thị từng lấy trộm tiền con bạn học, bị kiểm điểm, suýt đuổi học, nhưng có đau khổ gì đâu.

 Gía hồi ấy đánh liều ném cho lão ta một cục? Lão nói oai nơi mồm, nhưng bụng không đầy cứt à? Giờ mới thấy hối! Cứ làm tới đi, xem lão có chối từ không? Mà lão chối, thì con vợ lão, đàn bà một cây, sạch sẽ gì, chưa biết chừng lại khuyên lão quan tâm nâng lương, đề bạt, cho mình đi học nọ kia lâu rồi…Nếu thế bây giờ mình đã leo cao rồi, đâu phải thứ nhân viên quèn sau bao năm hợp đồng quét nhà, rửa chén mòn tay! Tại mình kém thông minh, chứ có bỏ tiền ra, đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn, thì cái mồi câu ấy đã thu về bao lợi lộc, lãi gấp vạn lần chứ mất đi đâu...  Trời Phật ơi! Ăn năn đà quá muộn!

Thỉnh thoảng thị nhớ lại năm hăm sáu tuổi, bấy giờ thị được ông Ba nhận vào cơ quan đã gần năm. Cái ơn của ông ta với thị quá to, khiến thị nghĩ không ra cách đền đáp, mà không đền đáp, thì vẫn nơm nớp, vậy lấy gì ràng buộc người ta, để người ta còn ngó lại, trong khi cái ơn kia cứ sinh lãi ngày ngày không để thị yên. Phải trả nợ. Cách gì? Thế rồi thị quyết tâm đem cái “của quý” ra. Phải rồi, người ta không cần tiền, thì rất có thể cần “tình”. Phải đưa cái “ba cạnh” ra thay cho cái “bốn cạnh”, mới xong!

Thực ra cái “nường” của thị đã bị “bóc tem” từ ngày còn học ở trường. Hương Lan kết nghĩa với một ông thầy hơn mình mười ba tuổi; và ông nọ đã phải mang thị đến gõ cửa vài lần tại một phòng khám tư chuyên giúp các cô lỡ đà quá mức trong chuyện “vui vẻ”. Thế nên thị tìm cách gần “chú sếp” không chút băn khoăn. Nhiều lúc trong phòng sếp vắng người, thị sà đến bên bàn, khi rót chén nước, khi sắp lại cho ngay ngắn chồng tài liệu, các thứ giấy má. Lần nào thị cũng ăn mang hở hang, nước hoa thơm lừng, mọi “vùng miền” nóng nhất cứ chìa ra mòng mọng, nung núc, cứ thế thị miệng cười cười, mắt đong đưa, rồi sán đến sát mặt “chú”. Thế mà “chú” cứ ngồi yên, chẳng nói chẳng rằng.

- Ồ, chú có tóc sâu.

- Thế à?

- Dạ, để cháu nhổ cho.

Rồi thị tựa vào vai “chú”, tay lần mần trên đầu “chú”. Một lúc,  thị xoay ra phía trước, vùi cái đầu “chú” vô bộ ngực trần trắng ngần phum phúp của mình, tiếp tục tìm tóc sâu, nhưng hình như “chú” vốn ưa hít thở thứ không khí trong lành, nên sau một phút suy nghĩ, “chú” cũng suy nghĩ đó nhá, thế rồi đã nhẹ nhàng đẩy ra kẻo ngộp thở. Không “thắng” được lão này rồi! Thất bại hoàn toàn! Thế có chán không! Sao có con người như vậy? Hâm không chịu thấu! Năm mươi tuổi, tráng kiện, đánh bóng bàn liền liền các buổi chiều, bia uống khỏe, đám các bà các chị cơ quan thì thầm bảo nhau sếp còn “tiêu diệt” khối “bông hoa nhỏ”, chứ đừng khinh…Lẽ nào “chú” không hiểu, rằng đừng thánh thiện quá, đàn ông là giống đực, đố ông nào tránh khỏi cái chất phàm phu lèm nhèm dây nhợ! Cháu đã nói hết bằng thứ ngôn ngữ xác thịt ngồn ngộn thơm tho rất quyến rũ thế kia, đã dẫn dụ tận môi tận mũi tận cả nơi nhạy cảm nhất thế kia, vì sao “chú” cứ là Phật giữa cái thời nhộm nhoạm? Chẳng có Thích Ca Mâu Ni nào hết, chỉ toàn giống thích Karaoke, thích ăn, thích gái mà thôi…Trừ “chú sếp”, à, trừ lão, lão ngơ ạ. Đúng lão dẫm phải cứt ông anh kết nghĩa ngày xưa, tức bố thị. Một đời cống hiến, đến khi về hưu, chỉ mang về nhà một cái xác ốm xo nằm bẹt xuống giường! Trong sạch thật. Mẹ thị kêu trời về tính nết ông chồng hâm luôn  bảo tôi và bà “không cùng tầng văn hóa”! Bố thị đấy; giờ đến lượt lão “chú” này. Thật điên đầu!...

*  *  *

Nhưng rồi mọi chuyện trở nên tốt lành: sau nhiều thất vọng, trông mong, cuối cùng thị cũng được xếp về phòng chuyên môn nọ như ông Ba từng hứa với người nơi chín suối. Thị vô cùng sung sướng. A ha!... Hóa ra không mất tiền mua mà vẫn xong việc. Lạ nhỉ? Không tiền, không mọi thứ nhé… Thật không hay mơ? Thật chứ, thất cả mớ đây, mơ là mơ làm sao!

Nhưng món nợ vô hình khiến thị vẫn ngơ ngác, bất an, nên thỉnh thoảng, chỉ thỉnh thoảng thôi, trước khi bước vô phòng sếp (cố nhiên nay đâu còn bưng bê trà nước nữa, mà là cặp công văn “trình kí” bìa nilon xanh hẳn hoi), thị l¹i đánh rơi một thứ vật gì đó nếu chân không vấp cầu thang! (Trước đây, theo cầu thang dưới tầng trệt đi lên; nay lại lần theo cầu thang từ tầng trên đi xuống, v× mọi con đường đều dẫn vào phòng sếp).

Cộp!

Cặp giấy tờ văng khỏi tay. Thị cúi xuống ôm gối. Cái chân cầu thang thứ hai này lại đấm vào chân thị, đúng cái nơi ấy, tức phía dưới đầu gối, sát cái xương bánh chè, nơi bao năm rồi, nó đã bị cái khuỷu chân cầu thang thứ nhất đấm cho không rõ mấy lần…Nghĩa là nàng Hương Lan tội nghiệp của chúng ta vẫn chưa thoát khỏi món nợ mà ngày xưa vốn là một món quà tặng đẹp! Ấy, thời kim tiền trơ lì mọi xúc cảm này mà còn có người khó rủ bỏ khỏi mình cái món nợ oái oăm ấy cũng đáng khen thật!

 

              H.T.S

 

 

HOÀNG THÁI SƠN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 202 tháng 07/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground