Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Nghĩa tình chợ quê

Mạ nói rằm tháng bảy năm sau tụi bay về sớm sớm mà đi chợ, chợ quê mình bữa nay sung túc lắm. Mạ cúp máy, tôi quay lại cái màn hình máy tính tiếp tục công việc. Tự nhiên nhớ mạ. Nhớ ngày nào cái xóm chợ nghèo quê tôi.

Trưa nay chưa biết ăn gì, mua gì. Ngày nay đi chợ muốn mua gì cũng sợ giả, sợ có độc, việc đi chợ chưa bao giờ thấy khó khăn như thế. Ngày xưa đi chợ với mạ vui gì lạ, thời gian mua sắm thì nhanh mà đến trưa trật đứng bóng mới về đến nhà. Mạ níu tay người này mạ hót vai người kia, rồi người ta cũng túm lấy nón mạ kéo lại buôn chuyện. Người quen mời hàng, đôi khi không biết có ăn không mà thấy mời đon đả cũng ngồi xuống mua đôi ba ngàn cho nhau vui. Đi chợ, cho nhau bó rau, cho nhau củ gừng, cho nhau câu chuyện làm quà. Rau thì sạch, trái cây cũng trong vườn, con cá dưới ruộng, dưới ao, gà con, chó con cũng đem ra đấy bán. Vừa bán vừa cho. Tôi rất thích đi chợ với mạ.

- Vì răng chợ quê mình chỉ có một tiếng, gọi là chợ Do rứa mạ?

- Chịu. Bay hỏi rứa ông nội bay chưa chắc trả lời được huống chi mạ.

- Rứa mạ chưa có khi mô hỏi ông nội vì răng à?

- Không. Mà mạ nghĩ người miền Trung ta tính tình thẳng thắn, chất phác, thích gọi ngắn gọn cho giản tiện ấy mà. Còn cái từ Do xuất phát từ đâu không ai rõ. Gọi mãi thành quen.

Chợ Do quê tôi có đặc sản bánh tráng xúc mít trộn. Đi chợ với mạ chỉ mong nhanh nhanh đến hàng ăn vặt. Chén xong một tô mít xúc bánh tráng, đi một vòng ăn thêm chén chè mệ Sửu là no đến chiều. Ngoài mít trộn bánh tráng còn nhiều món quê ngon mà rẻ như bánh sắn, xôi dừa, bánh ram, bánh ít, kẹo xoắn. Đến mấy món ăn cũng nghe rất quê, rất giản dị rồi. Ngày đó mạ đặt hai câu lục bát: “Hỏi em đi chợ mua gì/ Em rằng chè Sửu, mít dì Út Con”.

Nhắc đến dì Út Con lại nhớ về một chuyện tình cảm động rơi nước mắt của xóm chợ nghèo ngày ấy. Bấy giờ dì Út Con đã hơn ba mươi mà chưa lấy chồng. Có lẽ dì mặc cảm với hoàn cảnh của mình. Dì chỉ được bốn ngón tay trên mỗi bàn tay. Năm mười sáu tuổi đang thổi bếp nướng bánh giúp mẹ, mảnh than cháy rực bắn vào mắt khiến dì bị hỏng mắt trái. Vậy mà mít dì trộn rất ngon, bánh dì nướng rất đều. Dì còn bán rẻ và lúc nào cũng cười tươi dù trời nắng hay mưa, bán chạy hay ế. Dì buôn bán kiếm tiền nuôi người mẹ già đã yếu. Hai mẹ con côi cút trong ngôi nhà ngói tồi tàn ở xóm chợ nghèo. Hoàn cảnh thế nhưng chưa bao giờ tôi thấy dì Út Con buồn, dù đang quạt lửa nướng bánh mà mây ùn ùn kéo đến, trời rắc xuống vài giọt mưa trớ trêu, vừa dọn hàng dì vẫn nói cười rôm rả động viên tinh thần mọi người. Cũng nhờ thế mà ai cũng quý dì. Hình ảnh dì Út với mẹt bánh trên đầu, thúng mít kê dưới hông sớm sớm dọn hàng đã trở thành cái gì đó thân thuộc.

Cho đến một ngày, năm đó tôi học năm cuối cấp ba, dì Út không bày hàng, chỗ của dì người ta bày bán dưa cà, chè xanh. Tôi cứ tưởng bà cụ bị ốm nhưng không phải. Ở góc chợ người ta đang xì xào bàn tán chuyện chú Đàn bỏ nhà đi hai hôm nay. Chú Đàn bị cụt một chân làm sao đi đâu xa được, còn đi cả đêm. Người làng kéo đến báo công an nhưng trẻ con nhà chú nói chú tự bỏ đi, đi với đàn bà.

Chú Đàn là con trai thứ hai của bà Lựu. Năm hai lăm tuổi đang cuốc đất thì quả bom từ trong lòng đất phát nổ làm người chú văng ra bất tỉnh. Tai nạn lấy đi của chú nửa phần thính lực và để lại một vết thẹo méo xệch bên tai kéo mắt phải của chú trĩu xuống, khuôn mặt nghiêng sang một bên. Chàng thanh niên trẻ bỗng nhiên ít cười, ít ra ngoài và mê rượu. Có lẽ không một cô gái trẻ nào dám nhìn thẳng vào mắt chú, hoặc có cũng chẳng dừng ở khuôn mặt chú được lâu. Chú say, bà Lựu dìu vào giường nằm ngủ. Giọt nước mắt người mẹ già rơi xuống mi mắt khép chặt phập phồng những mạch máu li ti chằng chịt. Nhà nghèo quá, không có đủ tiền để chữa trị cho con kịp thời, cứu được mạng sống và giữ được đôi mắt nhìn mọi vật đã là mừng lắm. Vậy nhưng ruột gan bà đau như cắt khi nhìn thấy con buông thả, cố say để quên nỗi mặc cảm cuộc đời mình.

Hai năm trôi qua chú vẫn không muốn tỉnh. Cho đến một ngày, chú nằm mềm bên cái cột mốc và hôn mê mấy ngày liền. Tỉnh dậy trong căn phòng đầy màu trắng, bốn bức tường, bác sĩ, y tá, chiếc chân gãy và suối tóc mẹ cũng trắng, lần này chú thực sự tỉnh. Chú ôm chầm lấy người mẹ già tội nghiệp tóc bạc, chú rấm rứt ân hận. Sức khỏe hồi phục chú xin vào một lớp học làm hàng mộc mỹ nghệ rồi về mở một xưởng mộc nhỏ ở góc chợ. Chú vốn thích nghiệp này và cũng khéo tay nên tay nghề lên rất nhanh. Cái chân giả khiến chú bất tiện nhiều thứ nhưng chú vẫn vươn lên, chăm chỉ làm việc.

Bốn mươi tuổi chú vẫn chưa nghĩ đến chuyện lấy vợ. Bà Lựu nhắm mắt vẫn day dứt về người con trai tật nguyền, mong mỏi hạnh phúc thật sự sẽ đến với con. Chú Đàn ở thế, sinh hoạt chung với gia đình anh trai, tiền bạc làm về đều đưa chị dâu lo cho các cháu ăn học. Một hôm, chị dâu đỡ tay chú lại.

- Anh chị không dám cầm hết của chú. Chú tính không lấy vợ sao?

- Em chưa tính đến chuyện đó. Anh chị cần thì anh chị cứ dùng đi đã. Khi nào cần em nói.

- Chú không tính thì để anh chị tính thay chú.

Bao nhiêu đám anh chị đem về giới thiệu chú đều không ưng. Chú thấy người ta thích nhòm ngó cái xưởng của chú hơn là nhìn chú. Đến cái nhìn thẳng vào mắt họ còn chưa làm được làm sao có thể yêu thương và ngủ chung với nhau. Mà quan trọng hơn là chút cảm tình cũng không có làm sao chú đến với người ta. Chú lảng tránh mọi sự sắp đặt và trói mình vào công việc như một sự khước từ đối với những người phụ nữ cũng quá lứa lỡ thì ngồi ngoài kia. Có người im lặng bỏ về. Có người khoát đít ném cho chú một cái lườm rồi bỏ đi, miệng lằm bằm: Vừa điếc vừa què lại còn chảnh. Chú ngậm ngùi nhìn xuống miếng gỗ sứt sẹo gần đống mùn cưa, cười mỉa.

Đám nào anh chị đem về cho chú cũng lành lặn, thậm chí có cô cũng ưa nhìn. Vậy mà chú vẫn không để tâm. Chú lại đem lòng thương dì Út. Cơ duyên cũng tại hôm đó đang bào mấy tấm gỗ thì mất điện, chú lê chiếc chân giả đi dạo quanh chợ một vòng, thăm bà con mình lâu nay buôn bán ra sao. Chú bắt gặp hàng mít trộn của dì Út. Chú ngồi xuống gọi một bát. Vị ngọt của mít, mùi thơm của rau mùi và vị béo của mè trong miếng bánh tráng giòn rụm làm chú không giấu nổi hai tiếng “ngon tuyệt”. Dì Út cứ liếc nhìn người đàn ông ăn mít trộn của mình vừa ăn vừa tấm tắc khen như một đứa trẻ trông rất đáng yêu. Khi đến gần chú mới nhận ra đây là cô bé Út Con ngày nào. Lúc còn bé xíu cô bé có đôi mắt đen long lanh hiền lành thường ra chợ dọn hàng cùng mẹ. Giờ cô đã rất lớn, khuôn mặt phảng phất chút gì đó buồn được che đậy khá tỉ mỉ và một mắt kia cũng không còn.

Ngày lại ngày, nắng hay mưa, chú Đàn ghiền quán dì Út. Hôm nào bận việc chưa thấy chú Đàn đến ăn, dì Út tự đưa mít và bánh tráng vào tận xưởng cho chú. Dường như có sợi chỉ vô hình nào đó buộc họ với nhau chứ không hẳn là món mít ăn mãi không chán kia. Để rồi ánh mắt họ dừng lại ở nhau, khuôn mặt méo có chút gì đó buồn cười của chú bỗng thèn thẹn đáng yêu, còn đôi mắt bị hỏng một con của dì Út cũng trở nên trong vắt trên khuôn mặt bừng sáng tràn trề niềm hạnh phúc. Chú Đàn cũng không ngần ngại ra đình dọn hàng giúp dì Út. Ai nấy đều mừng cho hai người.

Thế nhưng anh chị của chú không muốn chú lấy dì Út. Họ bảo rằng, hoàn cảnh chú thế còn đèo bồng một cô chột mắt, tay có tật và cả mẹ già đau ốm trong khi nhiều đám lành lặn vẫn xếp hàng chờ chú gật đầu. Chú không muốn làm anh chị buồn nhưng cũng không đồng tình sự sắp đặt. Chú tin dì Út mới là duyên phận ông trời sắp sẵn cho chú. Ánh mắt dì nhìn chú khác hoàn toàn những người phụ nữ kia, đôi tay dì cũng không đáng sợ như lũ trẻ vẫn thường trêu dì là phù thủy tám ngón. Bàn tay ấy đã sờ lên khuôn mặt chú, lau những bụi mùn cưa trên vết thẹo với cử chỉ ân cần, yêu thương thực sự.

Một lần căng thẳng chú đã quả quyết:

- Không lấy cô Út thì em ở vậy nuôi mấy đứa nhỏ đến khi chúng nó lấy vợ gả chồng hết thì thôi.

Đêm hôm đó hai anh em uống say. Anh trai dìu chú vào phòng. Nửa đêm tỉnh dậy chú thấy quần áo mình mở toang, có cái gì đó đè nặng trên ngực chú, chân chú cũng không nâng lên được. Chú cố rướn người dậy, lần đầu tiên trong cuộc đời chạm phải thứ mát mát, mềm mềm, trong bóng đêm mờ mịt nhưng chú vẫn cảm nhận được thứ đang nằm bên cạnh mình được gọi là đàn bà. Chú hốt hoảng. Chú tức giận. Chú thấy có lỗi với dì Út. Lồm cồm bò dậy, gài quần áo, chú mò mẫm lấy chiếc nạng và bỏ chạy giữa đêm.

Tiếng gõ cửa dồn dập trong đêm, dì Út soi đèn pin vào mặt chú.

- Anh Đàn. Sao anh đến đây giờ này.

- Ai vậy con? - Tiếng bà cụ vọng từ buồng trong.

- Út ơi! Mạ ơi! Con có lỗi vô cùng. - Chú Đàn quỳ sụp xuống nền nhà kể lại sự tình vừa xảy ra. - Con đã hẹn với Út sẽ xây cho mạ ngôi nhà cứng cáp che mưa che nắng rồi đón mạ và Út về. Vậy mà giờ con lại phụ lòng Út. Mạ và Út tha tội cho con với.

- Nếu có gì với người ta thì anh phải chịu trách nhiệm chứ không thể bỏ người ta được. - Nói rồi dì Út bưng mặt khóc.

- Út giết tôi đi còn hơn. Đừng bắt tôi sống với người tôi không thương chỉ vì trách nhiệm.

Bà cụ chầm chậm ngồi xuống ôm hai con vào lòng. Mắt bà bỗng nhiên sáng lên, buông giọng cứng rắn:

- Bay dắt nhau bỏ trốn đi. Đi đi!

- Mạ nói chi lạ rứa? Mạ ở nhà ai lo?

- Mấy bữa nay thấy bay tìm được hạnh phúc mạ khỏe ra. Hết bệnh rồi. Mạ tự ra chợ, tự nấu ăn được. Còn có hàng xóm láng giềng. Bay đi đi. Khi mô yên thì về. Đừng lo cho mạ. Đi đi. Bay hạnh phúc một mạ khỏe ra mười.

Tiếng chó sủa ran cả xóm chợ. Chú Đàn và dì Út dắt nhau đi trong đêm. Lần đầu tiên chú Đàn kiên quyết chống lại ý kiến của gia đình, cũng lần đầu tiên dì Út để mẹ một mình mà đi xa. Dì làm đôi chân cho chú, chú làm đôi mắt cho dì.

Bẵng một tháng trời xóm chợ không ai thấy hai người. Xưởng mộc đóng cửa. Góc đình chỗ dì Út bán mít trộn cũng nhường chỗ cho người ta. Không ai còn xì xào bàn tán chuyện dì Út và chú Đàn. Thi thoảng có ai đi xa về ghé tìm ăn món mít của dì hỏi đến người ta mới chắp miệng nhìn nhau. Bà cụ trong bề cũng khỏe hơn, tươi tắn lạ thường. Ai hỏi bao giờ cô Út về, bà chỉ nói nó đi làm ăn xa, tết mới về. Anh chị của chú Đàn có vẻ hiểu ra và thuận theo ý trời. Họ cũng tìm đến gặp bà cụ, xin lỗi bà vì đã chia rẽ dì Út và chú Đàn, mong bà cụ biết tin gì hãy báo cho chú quay về.

Lễ cưới của chú Đàn và dì Út là đám vui nhất tôi từng được chứng kiến. Hầu như cả xóm chợ từ già đến trẻ đều đến chung vui chúc mừng họ. Đám cưới quê ngày đó đơn giản thôi, chỉ một con lợn quay và vài món quê, rượu và vài món bánh kẹo, trầu cau, thuốc lá, nhưng vui. Mọi người đều rơi nước mắt khi chú Đàn hôn lên con mắt bị mù của dì Út và dì Út cũng đưa bốn ngón tay sờ lên vết thẹo của chồng. Cơn mưa hôm ấy tưới xuống xóm chợ nghèo.

- Cuối tuần con sẽ về. Đem cả tụi nhỏ về nữa. Mạ dẫn con đến quán mít trộn của dì Út mạ nghe!

N.D.H

Ngô Diệu Hằng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 277 tháng 10/2017

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground