Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ngọn lửa thiêng

T

ôi lên Trường An vào một chiều mưa. Lúc này đang đầu thu nên mưa cũng không nặng hạt nhưng vì không nặng hạt nên đường càng khó đi. Bụi đường như thứ bột pha nhuyễn, nhão nhoẹt và đặc quánh. Chiếc ba lô áo quần thì ít, giấy bút thì nhiều đè nặng trên vai, khiến tôi cứ phải rướn người lên phía trước; thỉnh thoảng bị mất đà lạng choạng suýt ngã nhào xuống vực. Phải gần nữa ngày đường tôi mới đặt chân tới bản. Ngồi ở đầu dốc trong một chòi cạnh vườn, tôi moi thuôc lá ra hút. Chao, chút khói mới ấm bụng làm sao? Hút và nghỉ ngơi…Mông lung nhìn những ngôi nhà sàn thấp thoáng trong mưa, lòng tôi chạnh buồn. Chao ôi, có lẽ nào?...

Tôi mới ra trường đại học – Có tên nôm na là đại học tiểu học. Những tưởng lấy được bằng, các trường miền xuôi sẽ đón tôi, sẽ “nâng như nâng trứng hứng như hứng hoa” nào ngờ ông trưởng phòng giáo dục gọi lên trao cho quyết định sở gửi về. Nội dung quyết định là đưa tôi về phụ trách trường tiểu học bản Trường An, hưởng chế độ giáo viên miền núi… Và – theo lời giới thiệu của ông trưởng phòng, tôi sẽ ở nhà ông trưởng bản có tên gọi Hồ Tân…

***

Sau khi lội qua một con suối hẹp, leo lên một dốc đá ngắn thì bản Trường An hiện ra như một cái mỏ lộ thiên. Bản có vài chục ngôi nhà, xếp hình vòng cung, cong như trăng lưỡi liềm. Tôi từng nghe nói đồng bào dân tộc thiểu số còn nghèo lắm, xơ xác lắm! Nhưng với Trường An chẳng khác gì những thôn làng dưới xuôi; thậm chí còn hơn dưới xuôi bởi ở rừng mà bản thoáng đãng, không có cây cối rậm rạp um tùm. Nhà ở cách nhà vài chục mét, ngăn chia nhau những dậu mồng tơi trên đường vào ngõ. Nhà sàn! Cả bản đều nhà sàn, mái lá. Duy nhất một nhà đầu bản lợp ngói đỏ au. Nhà ông Hồ Tân…

Tôi chậm rãi leo lên chiếc cầu thang nhỏ bằng gỗ loại đắt tiền. Sàn dưới được quét dọn rất sạch sẽ. Dưới những cây ăn quả như: Mãng cầu, mít, chanh là những mạ gà ôm con chờ mưa tạnh…

Tôi đứng ở cánh cửa nhìn vào. Trong nhà được bài trí rất đơn giản nhưng trang nhã. Đó là bộ bàn ghế rặt gỗ mun thoáng nhìn đã mát lạnh; một tủ đứng ba buồng cũng được làm bằng gỗ tốt. Trên bàn thờ, hiếm ai ở xuôi có được bàn thờ như thế! Bàn thờ đặt ở vị trí vừa tầm tay để thắp hương và cắm hoa khi thờ cúng. Tất cả đồ cúng lễ được chế tác bằng đồng lúc nào cũng sáng rực như phát quang; trên bàn thờ chỗ trang trọng nhất là bức ảnh Bác Hồ. Rõ là “Bác đứng trên cao đưa tay bác vẫy chào”. Và, điều tôi chú ý nhất vẫn là ngọn đèn. Một ngọn đèn dầu được đặt trong khung kính lúc này vẫn đang cháy sáng… Đã mười giờ sáng, chủ nhân vẫn chưa về. Đặt ba lô xuống bên góc nhà, tôi định bước xuống cầu thang để “xem ló ngó đồng” một lúc cho đỡ buồn thì thấy một người đàn ông đang xăm xăm đi vào ngõ. Hồ Tân đã về…

Mặc dù nhìn thấy tôi nhưng Hồ Tân không chút vồn vã, niềm nở tựa như tôi ở trong ngôi nhà này đã lâu lắm rồi. Chậm rãi đến mức khoan thai và thong thả, ông bước về phía bể nước. Sau khi chùi sạch cái cuốc trên vai, ông bắt đầu kì cọ chân tay; vuốt hai ống quần xuống, ông nhìn quanh một lúc rồi đi lên cầu thang. Không đợi tôi chào, ông hỏi ngay:

- Thầy giáo mới lên à?

- Dạ!...

Ông đi tới một góc phía bàn thờ, thò tay lấy đôi kính trắng rồi ngồi xuống ghế:

- Thầy cho tôi xem cái giấy!...

- Giấy gì ạ? Tôi trở nên chậm hiểu.

- Thầy lên đây bằng hai tay không à?

Tôi thoáng nhìn ông và hiểu ra món giấy tờ tùy thân. Đọc mấy dòng ông ngước mắt lên:

Thầy tên là Hào… Đỗ Vĩnh Hào à? Hai mươi hai tuổi trẻ quá hè!...

Trao lại tờ giấy cho tôi, ông hỏi tiếp:

- Thầy thông cảm, dù sao cảnh giác vẫn không thừa! Độ này bọn lâm tặc, thú tặc đang săn lùng ráo riết.

Tôi ngạc nhiên:

- Thú tặc là gì ạ?

- À, bọn buôn bán động vật hoang dã đấy mà!

Hồ Tân nói xong liền hỏi luôn: Thầy Hào không mang theo gạo à?

Không trả lời ông, tôi chỉ tay vào chiếc ba lô và nói:

Bác tính, ngần ấy sách cũng nặng lắm rồi! Thấy tôi không nói gì thêm, ông bố trí cho tôi cái phòng lồi để ngủ; rồi ông dặn:

- Trong nhà này có hai nơi thầy bất khả xâm phạm. Một là bàn thờ, hai là buồng ngủ của vợ chồng tôi… Còn thì, thầy cứ tự do trong khuôn phép mà thầy đã học ở đời…

Như một nhà hiền triết, Hồ Tân đứng dậy làm những công việc thường nhật. Còn tôi, tôi đến thăm lớp học mà mình sắp đứng trên bục giảng. Một lớp học khá đàng hoàng và khang trang. Đây là kết quả của các dự án “một ba lăm, một ba tư” của chính phủ dành cho miền núi. Ở lớp học này, tôi đứng lớp hai buổi. Buổi sáng lớp một, buổi chiều lớp hai còn lớp ba thì lên trường xã… Vòng vo một lúc tôi ghé chân vào một ngôi nhà bên cạnh lớp. Biết tôi thầy giáo ở xuôi lên, chủ nhà – một người đàn ông trung niên khỏe mạnh như một súc gõ lim, vội vã lấy rượu ra mời.

- Ở đây chỉ có rượu thôi vớ!... Nước trà không quen vớ!...

Anh ta nói rằng mình có con sắp vào lớp một, đứa khác đang học trường dân tộc miền núi dưới huyện.

- Hai con thôi à? Tôi buột miệng hỏi.

- Thầy giáo mà cũng hỏi thế à? Ở đây nghe theo trưởng bản, chỉ hai con thôi!

Tôi được thế hỏi luôn

- Trưởng bản mấy con?

- Cũng hai thôi vớ! Hai đứa con gái xinh đẹp và ngoan lắm vớ! Cả hai đứa đang học đại học ở Hà Nội!...

Qua câu chuyện tôi được biết ở bản này mọi người đều gọi Hồ Tân là con cả của Bác Hồ. Hễ động đến việc gì Hồ Tân cũng bảo: Bác Hồ nói, Bác Hồ dạy cần phải làm theo... Hồ Tân là con “mọt” đài. Bất cứ đi đâu, làm gì trong túi áo của ông đều có một chiếc đài nhỏ bằng bao thuốc lá, kè kè trong túi áo. Nghe nói chiếc đài này ông được đài phát thanh tỉnh tặng trong cuộc thi “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đợt một. Bữa đó Hồ Tân kể một câu chuyện về Bác mới lạ mà chưa ai được nghe. Đó là sau ngày giải phóng miền Nam cả nước tổ chức “Rước đuốc Bác Hồ”, Hồ Tân phải cuốc bộ hơn một ngày ròng rã, ăn chực nằm chờ ở trung tâm văn hóa huyện mới lấy được ngọn lửa vừa được nhà truyền thống thắp lên. Trên đường về, trời bỗng nỗi lên giông bão; con suối đầu làng nước dâng lên ngập cả đôi bờ. Tiến thoái lưỡng nan, Hồ Tân phải chui vào trong hang đá, dùng ngọn lửa của Bác đốt lên một lò than hồng suốt ba ngày ròng rã… Ngày đó ai cũng tưởng Hồ Tân chết rồi!...

Buồn lòng, tôi kể cho anh nghe chuyện Hồ Tân hỏi xem giấy tờ và hỏi chuyện gạo cơm… Anh ta giật thốt kêo lên:

Thôi chết, trưa nay thầy bị đói rồi! Ở lại đây ăn cơm cũng được… Ai chứ ông ấy thì phải báo trước!

Anh ta khuyên tôi nên giữ ý, nhiều người cho rằng Hồ Tân khó tính nhưng suy cho cùng không phải thế! Ông ta học đòi rập khuôn theo Bác Hồ nhưng vì thái quá nên trở thành khắt khe. Những tưởng làm theo được Bác nhưng làm sao theo được một vĩ nhân? May lắm chỉ học theo được Bác những điều rất nhỏ nhưng với con người bình thường – như chúng ta, như Hồ Tân được thế cũng mãn nguyện lắm rồi! Tôi trộm nghĩ.

Tôi từ chối bữa cơm mà anh ta mời, rồi ra về. Nhà lại vắng. Tôi đi ra sau bếp lật vung nồi cơm điện và nhận ra không có một hạt cơm nào? Tôi nghe đói! Không lẽ lấy gạo nhà ông để đặt lên bếp ga? Bụng bảo dạ, thồi đành nhịn vậy!

Chiều hôm đó tôi ngủ thiếp đi. Chiều tối, vợ ông - người đàn bà đã luống tuổi, đánh thức tôi dậy:

- Thầy giáo có ăn cơm không ạ?

Tôi ngồi bật lên:

- Có, chị nấu cho tôi với.

Buổi tối, bên mâm cơm khá thịnh soạn với các món: Thịt rừng, cá hấp, canh rau ngót; Hồ Tân bê ra một thẩu rượu nhìn tôi và hỏi:

- Thầy giáo có xài được không?

Dù không mấy khi uống rượu nhưng tôi không nỡ chối từ.

- Dạ! Ít thôi ạ…

Hồ Tân uống cũng không nhiều; ly trước vừa qua, ly sau ông đã nẽ theo mực tàu:

- Trưa nay thầy nhịn bụng phải không? Thầy đói là phải thôi! Ngày xưa Bác Hồ đi công tác luôn mang theo khẩu phần ăn của mình. Để tôi kể chuyện thầy nghe…

Hồ Tân bắt đầu thao thao bất tận chuyện về Bác Hồ mà ông đã đọc trên báo, nghe trên đài, xem trên ti vi… Còn hứng lên đọc hai câu thơ: “Bác thường bỏ đĩa thịt gà mà ăn trọn quả cà xứ nghệ, không nói tiếng to và đi nhẹ cả trong vườn…” Chuyện bạn bè quốc tế biếu cho Bác nhiều thứ lắm nhưng Bác đem san sẻ cho mọi người. Rồi Hồ Tân kết luận:

- Cái bản này, không có Bác, không có Đảng thì còn khổ muôn đời…

Hồ Tân kể rằng, ông đi bộ đội năm 1972; trận đầu cũng là trận giữ thành Quảng Trị. Ông đang làm lính bắn tỉa ở Động Do, phục thằng lính ngụy xuống Quảng Trị để “tỉa” cho hắn một phát đạn; nào ngờ khi nó vào tầm ngắm thì hắn ra vẻ “Vì tương lai con em nước nhà” cúi xuống ôm lấy một đứa bé và bồng luôn trên tay như đang bồng một đứa con tin… Chỉ vì không chớp được thời cơ, ông bị kỷ luật cho sang lính bộ binh đánh xáp la cà với bọn ngụy ở trong Thành Cổ. Bắn được vài thằng, đâm được dăm thằng, rút lê ra vuốt máu định đâm tiếp thì ông bị trúng thương ở khoang bụng… Khi tỉnh lại ông thấy mình đang ở trong bệnh xá dã chiến Tà Rụt. Người chăm sóc ông là y tá Hồ Thị Lựu… Cô Lựu vừa học xong Trường trung cấp y Quảng Bình thì được điều lên đây thực tập và quyết định ở luôn dài dài…

Sau giải phóng Hồ Tân ra quân rồi quay vào Ta Rụt cưới cô Lựu làm vợ. Đưa vợ về quê, Lựu cứ lóng ngóng trước việc nhà chồng: Sinh được đứa con gái đầu lòng, cả nhà lầm vào nghèo đói. Ngày đó ở quê người ta rủ nhau vào kinh tế mới miền Nam như một đợt di cư đồng loạt. Hồ Tân không vô Trảng Bom, Đồng Nai, Đồng Xoài, mà chở vợ con trên một chiếc thuyền, khai khẩn đất này làm ăn…

- Bác Hồ nói rồi, nước Việt Nam này đâu cũng là quê hương; cha ông cũng nói rồi, đất lành thì chim đậu… À, ngày Bác lên đây…

Bà Lựu nhắc:

- Khuya rồi, thầy giáo mệt rồi!...

- Ờ, tao cũng mệt rồi! Ngủ thôi, mai sẽ kể tiếp cho thầy nghe…

Không cần Hồ Tân kể tiếp nhưng càng ở trong nhà ông, tôi càng đọc được ý ông qua mỗi việc làm, qua từng cách ứng xử. Khi ông lên đây, bốn bề um tùm những loài cây hoang dại; hai vợ chồng gửi lại con cho ông bà nội chăm bẵm, mang theo hai bàn tay trắng, một con trâu đực, và một chiếc cày gỗ… Hồ Tân cùng vợ chặt cây, bứt cỏ tranh dựng một ngôi nhà tạm; để tránh rắn rết, thú dữ. Ông kết cấu ngôi nhà theo kiểu nhà sàn của đồng bào dân tộc. Rồi thì chặt đốt, hớt trỉa; đất làm tới đâu trâu cày tới đó! Chỉ vài năm ông đã mở mang tới chục héc đất, canh tác đủ loại: Cao su, hồ tiêu, khoai sắn; xung quanh trang trại ông chuối, cam, chanh và nhiều loại đây ăn quả khác. Ông còn chặn dòng một con suối cụt để tạo thành hồ nuôi cá… Trâu bò vài con ban đầu, nay thì trâu đàn, bò đàn; mỗi năm ông bán tới vài chục con. Trong nhà ông dưới tấm ván thờ có một tờ áp phích to: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển quyết chí ắt làm nên” Trên băng ngang, xà ngang dán đầy đủ những câu nói của Bác Hồ nhìn cứ tưởng một đàn bướm trắng đậu lên trên đó. Câu nói của Bác, ông cắt từ báo ra cũng có, mà tự tay ông sao chép lại cũng nhiều….

Thấy ông phát tài, bà con dân tộc mấy bản bên kéo sang nhận làm anh em kết nghĩa. Ông nhận tất! Lại giúp họ mở mang đất, làm nhà, rồi sinh con đẻ cái lập nên cái bản Trường An bây giờ…

Hồ Tân không ai bầu nghiễm nhiên trở thành trưởng bản. Sau khi có quyết định thành lập bản mới, cũng nhiều lần bản tổ chức bầu lại nhưng Hồ Tân đã đóng rễ trong lòng dân mất rồi. Dần dà tên tuổi của ông lên trên mặt báo huyện, báo tỉnh và báo trung ương với những cái tít rất dân dã Hồ Tân, đứa con của rừng; người giàu xứ núi; đứa con cả họ Hồ… Mới đây ông được ra Hà Nội dự lễ tổng kết cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đợt đầu… Về nhà Hồ Tân chia quà cho dân lại kể thêm chuyện mới về Bác Hồ.

Mới đây có chuyện Hồ Tân mất một con bò cái đang bụng mang dạ chửa. Công an Huyện bắt được kẻ chủ mưu liền gọi cho ông đến để dắt bò về. Hồ Tân phải đi xa lắm mới tới được nhà kẻ trộm. Tới nơi mới thấy cảnh nhà hắn nghèo quá, tơi tả quá, Hồ Tân không nở dắt bò về liền phán:

- Tôi cho anh con bò con! Khi nào nó khôn thì trả lại cho tôi con bò mẹ

Và, ông bãi nại. Tuần vừa rồi, người kia dắt con bò mẹ trả ông với một cút rượu gọi là trả nghĩa…

Trao tôi chén rượu tình ấy Hồ Tân hỏi:

- Thầy có nhớ Bác Hồ dạy câu gì không? Rồi ông nói luôn: Thấy việc tốt có lợi cho dân thì làm!

Người trong bản còn kể: Bộ bàn ghế bằng gỗ mun trong nhà Hồ Tân và đặc biệt là khung gỗ gian thờ nó vô giá lắm! Đó là quà tặng của ngành kiểm lâm thưởng công ông đã báo cho họ chặn bắt một xe gỗ mun trên chục khối lọt trạm kiểm soát trong đêm… Bọn lâm tặc trả thù bắt cóc ông khi đang một mình trên rẫy. Chúng trói ông rồi vất vào một hang đá, mấy hôm sau dân trong bản mới tìm ra. Còn nhà ngói: Mỗi lần về huyện họp ông cõng một ba lô. Kiến tha lâu cũng đầy tổ ông lợp đủ nhà. Có người bảo: Bọn lâm tặc nó sợ gì ông? Nó sợ tư tưởng Bác Hồ thấm trong máu ông đấy thôi.

Tôi đã ở trong nhà Hồ Tân năm năm! Vâng, một quãng thời gian rất đáng nhớ. Tôi đã học được ở ông rất nhiều điều và cũng từ bỏ được chữ “tôi” trong nhiều điều khác. Nói chung ông với tôi luôn luôn hợp ý tâm đầu. Duy chỉ có một điều mà tôi chưa thực hiện được. Đó là rất nhiều lần Hồ Tân khuyên tôi nên bỏ thuốc lá… Tôi hút nhiều lắm, khiến ông vô cùng khó chịu.

Cho tới một hôm… Phải, hôm đó trời mưa, Hồ Tân cùng vợ sang nhà bên ăn đám giỗ. Tôi ở nhà hì hục soạn giáo án. Vừa pha một ấm trà ngon, nhấp môi chợt nhớ đến màu thơm điếu thuốc. Tôi lấy gói thuốc trong túi đặt lên mặt bàn và quờ quạng tìm bao diêm. Trong hộc bàn la liệt vỏ bao thuốc lá và vỏ bao diêm nhưng tiếc thay không còn một que diêm nào cả. Tôi chợt nhớ tối qua ngồi bên bếp lửa, thuận tay lấy bao diêm còn lại một que duy nhất, đốt lên châm vào điếu thuốc, Ông Hồ Tân nhìn tôi, trách:

- Thầy sao phí thế? Khi cần một que diêm cũng quý!

Ông kể, dạo còn trai tráng đã từng theo chúng bạn “ngậm ngãi tìm trầm”. Lần ấy cả bọn vượt qua một con suối trong mùa lũ không ngờ túi ni lông đựng bật lửa và thuốc lá bị nước cuốn trôi. Qua tới bờ, ai nấy chết rét tìm lửa để sưởi nhưng cả bọn đành bất lực. May sao, ông chợt nhớ trong túi quần của mình còn có một bao diêm và bao diêm ấy – như của tôi lúc đó, cũng chỉ còn duy nhất một que. Cả bọn lạy sống lậy chết mong thoát nạn…

- Rồi sao bác? Tôi hỏi.

- Thì thoát được chứ sao? Nếu không có que diêm ấy thì phải quay về… Mà về đâu có dễ?...

Tôi biết ông nhắc tôi bài báo hôm qua kể chuyện Bác Hồ đến thăm một đơn vị quân đội. Lúc xuống thăm bếp ăn, trong tay Bác đang cầm một điếu thuốc. Người anh nuôi thấy vậy liền đưa bao diêm để Bác dùng nhưng Người ra hiệu không dùng đến. Bác châm điếu thuốc bằng một que củi nhỏ và nói: Khi cần một que diêm cũng quý.

Tôi giật mình: Phải chăng Bác đã báo cho tôi điều ấy! Tôi nhìn quanh và nhìn lên ảnh Bác. A! Có lửa rồi… Trên bà thờ, ngọn đèn vẫn  sáng. Tôi biết, Hồ Tân quý ngọn đèn hơn cả tính mạng của mình. Đi đâu về, đứng ở bậc cửa ông cũng đau đáu nhìn lên bàn thờ. Mỗi tuần một lần, ông đưa ngọn đèn xuống tiếp thêm dầu vào lau chùi rất cẩn thận. Mặc dù ngọn đèn vỏ bằng đồng rất nhẹ nhưng lúc nào ông cũng trịnh trọng nâng đỡ bằng hai bàn tay. Ông ngồi tần mẫn bên ngọn đèn như đang tâm niệm một điều gì thiêng liêng lắm:

Ngoài trời vẫn mưa

Ngoài bếp cửa khóa.

Ngoài đường vắng ngắt.

Chần chừ một lúc thật lâu, tôi không cưỡng được sự thèm thuồng của người nghiện thuốc liền đứng dậy. Theo cách làm của Hồ Tân mỗi lần quét dọn bàn thờ, tôi kê thêm chiếc gỗ ghế nhỏ; từ từ - rất chi từ từ, tôi đứng lên rồi rướn tay về phía ngọn đèn. Tay tôi vừa chạm vào đèn mát lạnh thì con người cũng lanh luôn; một tiếng quát như của Trương Phi ở cầu Tràng Bản vọng lên:

- Thầy giáo!... Xuống!

- Dạ! Cháu… Tôi nói như một kẽ sắp chết giấc

- Xuống! Cút ngay!... Hồ Tân trừng mắt nhìn tôi như nhìn đứa con nít, tay chỉ ra đường mặt đằng đằng sát khí…

Tôi cúi gằm mặt, không lời nào lọt qua được cửa miệng. Để ông bớt giận, tôi nhìn ra cửa từ từ xuống cầu thang; tôi ôm lấy chiếc cột nhà dưới sàn và òa khóc. Tôi khóc rấm rứt như thế rất lâu. Hồ Tân xuống cầu thang và tiến lại bên tôi. Đặt tay lên vài tôi, giọng ông như một sợi dây truyền cảm;

Thầy Hào à?... Thầy hãy tha lỗi cho bác. Một lúc lâu, ông lại nói như quở trách; bác đã dặn trước rồi, thầy đừng đặt tay lên đó, lỡ ra…

- Thưa bác – tôi đã lấy lại bình tĩnh: Đó là một vật gia bảo nhà ta phải không ạ?

Hồ Tân gật đầu:

- Không phải riêng nhà ta đâu mà của cả dân tộc này đấy! Giọng ông trở nên tha thiết: Cháu biết không đó là ngọn lửa của Bác Hồ mà ta đã gìn giữ từ ngày rước đuốc Bác Hồ đến nay. Ông ngậm ngùi nói thêm. Hơn ba mươi năm đã qua rồi, nhanh thật đấy!

Nghẹn ngào, tôi ôm lấy Hồ Tân và tôi đã hiểu trái tim của người lính già một người lính từ đau khổ của nhân dân mà bước vào đời; một cuộc đời bắt đầu từ ngọn lửa rất đỗi thiêng liêng ấy…

 

Đ.D.T

 

Đinh Duy Tư
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 191 tháng 08/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground