Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người đàn bà ấy…

C

hỉ cần nhìn thật kỹ vào khuôn mặt ả, cái mặt nhòn nhọn, với đôi con mắt ánh lên cái nhìn thăm thẳm, bướng bỉnh, cũng đủ biết ả là người chanh chua, hàm hồ. Cả xóm này không ai lạ gì tính nết của ả. Một ngày mà ả không gây gỗ với ai đó, là hình như ả ăn không ngon ngủ không yên. Một ngày mà ả không mở miệng chửi vu vơ một lần, là hình như ngày đó ả không chịu nổi. Bất kể chuyện gì ả cũng có thể chửi được. Có những việc hết sức nhỏ nhặt như con gà, con lợn hàng xóm, lỡ qua bươi móc vườn nhà ả, ả cũng chửi. Mà ả chửi thì độc địa và sâu cay lắm! Có khi ả còn lôi cả ông bà ông vải nhà người ta lên nữa. Khi chửi tiếng ả cứ sa sả như hắt nước vào mặt người ta vậy. Người bị ả chửi khó chịu đã đành, mà đến cả người nghe cũng không sao chịu nổi. Ai cũng có cảm giác như là ả đang chửi mình vậy. Thì mới hôm kia đấy thôi. Chỉ vì mấy bông hoa mẩu đơn nhà ả không biết bị ai ngắt mất, thế là ả lúc phát hiện ra chửi. Chao, ả chửi như mưa như gió. Chửi như không còn biết giữ mồm giữ miệng là gì nữa. “Tiên sư bố thằng nào, con nào, hái trộm hoa nhà bà. Hoa nhà bà trồng ra chứ đâu phải mọc hoang mà chúng mày muốn hái là hái. Chúng mày hái hoa nhà bà về để thắp hương cho cố tổ, ông bà, cha mẹ chúng mày à? Cha mẹ chúng mày có chết, thì chúng mày lên chợ mà mua, chứ sao lại hái hoa của bà…”. Đấy! Ả luôn chửi vu vơ như thế! Kỳ thực mấy bông hoa đó cũng chỉ hoa ở hàng rào, mấy đứa trẻ chăn trâu đi ngang qua, thấy đẹp thì tắt mắt hái chơi.

        Nhà ả sát với nhà tôi. Thế mới rầy rà to. Mỗi lần nghe tiếng ả gióng lên từ bên ấy, thì bên này, tai tôi cũng như ù đi. Không còn biết phân biệt đâu là âm thanh gì nữa. Nhất là những lúc tôi đang viết lách gì đấy. Những lúc ấy tôi không còn làm được gì nữa, không còn viết được gì nữa. Thần kinh tôi như bị tê liệt hoàn toàn. Tôi quẳng bút đứng dậy, nhìn sang nhà ả mà lòng đầy căm giận. Có người khuyên tôi, nên sang tận nhà góp ý với ả. Còn như không nghe thì cứ đưa ra giữa làng giữa xóm nhờ…can thiệp. Tôi cũng đã mấy lần lựa lời nói với ả. Có lúc gần như cầu xin ả. Rồi cũng có lúc không chịu được, tôi đã nổi nóng, to tiếng quát nạt ả. Nhưng rút cục tôi đã không làm gì được ả. Không những tôi, mà cả xóm này cũng không ai làm gì được ả. Có mấy lần, trong các cuộc họp xóm, người ta đã đưa chuyện này ra kiểm điểm. Ả vâng vâng, dạ dạ, hứa sẽ sửa, nhưng rồi đâu lại hoàn đấy. Ả chửi cứ chửi, người nghe cứ nghe. Và nó đã gần như một thói quen mà ả không thể bỏ được.

        Ả tên là Tuyết. Cái tên ấy đẹp, gợi nhớ một thời thiếu nữ mộng mơ. Hồi còn con gái, nhìn ả trông cũng dễ thương lắm! Cả bây giờ khi đã xấp xỉ tuổi bốn mươi, hương sắc ả vẫn còn rất mặn mà. Dáng người cao ráo. Nước da trắng. Cái cổ cao. Và nhất là ả có một đôi mắt rất đẹp. Đôi mắt ấy luôn luôn hiển hiện một cái nhìn thăm thẳm, bướng bỉnh, khiến cho ai cũng phải nao lòng. Chỉ tội cái tính ả thật lạ lùng, hiếm có. Chua ngoa, đanh đá nhất làng. Đầu thôn cuối xã không ai là không biết. Chính vì thế mà dù có đôi chút nhan sắc, nhiều ông bố bà mẹ hồi ấy chẳng ai dám chọn ả làm nàng dâu. Ai cũng bảo, nó ngoa ngoắt vừa phải thì còn sửa được. Chứ người đâu có thứ người hơi tý là lồng lộn lên. Lấy về rồi vợ chồng lại chả cải nhau chí chóe cả ngày. Có khi còn đánh đập nhau nữa thì chết. Ấy thế mà vẫn có người đến với ả. Để rồi, đúng như thiên hạ đã nói. Vợ chồng ả chỉ yên ấm với nhau đâu được vài bữa rồi ầm ầm cả lên. Suốt ngày cãi vã, chửi rủa nhau. Mỗi lần vợ chồng cải nhau, là ả Tuyết lại ra đứng ngay đầu ngõ mà oang oang giữa thanh thiên bạch nhật. “Ban đêm thì mày ngon ngọt, để bà chiều mày, cho mày rúc đầu vào váy bà. Mày đay, mày nghiến, mày cắn, mày xé…cả đêm chưa thỏa hay sao mà ban ngày mày còn định đè ngửa bà ra. Bà không cho thì mày đòi thượng cẳng chân hạ cẳng tay với bà…”. Mỗi lần nghe ả chửi chồng như thế là ai cũng phải ôm bụng mà cười. Có người nói, cái con Tuyết này, nó vừa chua ngoa vừa chập mạch. Bởi, chỉ có chập mạch, chỉ có mát nặng thì ả mới thế. Nếu không, ả đã phải lấy làm xấu hổ với những gì mình nói. Đằng này ả cứ tỉnh bơ. Thế mới lạ!

        Từ ngày chồng bỏ đi, không có ai đến với ả nữa. Ả ở vậy với bố đẻ từ ấy cho đến bây giờ. Hồi ông Cụng, bố ả còn sống, vì là tình làng nghĩa xóm, lại nhà trước nhà sau, tôi vẫn thỉnh thoảng qua chơi với cụ. Cụ là thầy giáo vỡ lòng của tôi cách đây bốn mươi năm về trước. Tôi rất lấy làm lạ, không biết tại sao, một ông giáo làng hiền lành, đức độ như thế mà lại sinh ra cô con gái tính khí kỳ cục như vậy. Hồi ấy, mỗi lần nghe con gái chửi bóng chửi gió là ông Cụng lại cầm cái gậy chỉ chỉ về phía con, miệng hổn hà hổn hển:

        - Cái con Tuyết, mày có im đi hay không. Mày có biết mày làm như thế là mày bôi tro trát trấu lên mặt bố mày không. Con với chả cái! Không còn ra thể thống gì nữa…

        Nói xong, ông cụ ôm bụng ho sù sụ trông rất tội nghiệp. Nhiều lần, cụ than thở với tôi:

        - Khổ thế đấy anh ạ! Chỉ vì cái tính ngang ngược, bướng bỉnh của nó, mà đường chồng con nửa đời nửa đoạn, không đâu vào đâu. Nào tôi có dạy con tôi như thế đâu anh. Tôi cũng muốn con tôi bằng chị bằng em lắm chứ! Rồi sau này không còn tôi nữa, liệu nó sẽ sống sao đây?

        Nơi khóe mắt ông cụ bỗng lăn ra mấy giọt lệ. Tôi thấy thương cho ông Cụng quá, nhưng không biết phải làm gì. Chỉ biết nói đôi lời động viên, an ủi. Và tôi biết những gì tôi nói với ông cũng chả có tác dụng gì.

        Từ ngày ông Cụng mất, tôi ít qua nhà hơn. Thậm chí có khi hàng nửa năm trời, tôi không bén mảng đến. Chỉ năm thì mười họa, như ngày tết, ngày giỗ ông Cụng, là tôi không thể tránh được mà thôi. Không phải tôi ngại gì, mà cái chính là vì tôi ghét cái tính chửi xiên chửi quàng của ả. Đã thế lại không chịu nghe lời ai, nên tôi càng coi thường. Nhưng ả thì qua nhà tôi luôn. Động tý là ả lại chạy qua. Khi thì ả nhờ tôi tính hộ lại các khoản mà hợp tác xã thu nộp của ả xem có đúng không. Khi thì ả nhờ tôi kê khai cho ả cái bản thành tích để ông Cụng được hưởng chế độ ưu đãi. Có khi, chẳng có việc gì, ả cũng qua. Mỗi lần như vậy, cái miệng ả lại bô bô:

        - Anh cứ tính lại cho em thật kỹ xem, làm gì mà tới mấy trăm bạc. Thuế khóa gì mà mỗi ngày mỗi cao ngất ngưởng. Rồi quỹ này quỹ nọ. Đàn bà góa như em làm gì ra mà nộp. Mấy cha trong ban quản trị chỉ được cái ghi khống thêm, để lấy ra chia chác với nhau, nhậu nhẹt với nhau, em còn lạ gì chúng nó. Em mà biết là em chửi cha chúng nó lên.

        Rồi, đến cái bản thành tích của ông cụ, thì ả hoa chân múa tay:

        - Bố em cả một đời vì dân vì nước, cả một đời tận tụy với nghề dạy học. Không như các thầy các cô bây giờ, tiền bạc, quà cáp, phụ huynh, học sinh biếu xén liên tục. Rồi lại bày ra khoản này khoản kia để trục lợi. Bố em hồi ấy có gì? Chỉ quanh năm đem cái chữ đến cho học trò. Nhiều buổi đi dạy còn không có mà ăn nữa. Không biết mấy ông trong ban thi đua khen thưởng có biết cho bố em điều ấy không. Hay lại như một lũ ăn hại thì em chửi cho vào mặt chứ chẳng chơi.

        Đấy, nói với tôi mà ả cứ cái giọng chợ búa ấy. Nhiều lúc nghe ả nói, tôi chỉ làm thinh, không nói lại một lời. Vì tôi biết tính ả. Có nói ả cũng chẳng thèm nghe. Có khi, thấy mình đưa ra ý kiến, ả còn lấy đó làm đà mà toang toác cái miệng nữa thì chỉ thêm rách việc.

        Nhưng thấy ả Tuyết qua nhà tôi nhiều quá, cũng làm tôi đâm ngại. Vì dẫu sao tôi cũng đang sống độc thân. Ả đến nhiều, làng xóm không hiểu lại đâm ra dị nghị. Từ ngày vợ tôi mất, các con tôi mỗi đứa một phương làm ăn, tôi vẫn…thui thủi một mình. Nhiều người thấy vậy thì khuyên tôi…tục huyền, cho có đôi có bạn, đỡ quạnh hiu lúc tuổi già. Thấy ai khuyên cũng có lý có tình. Nhưng tôi lại chưa bao giờ nghĩ đến điều đó. Tôi tự thấy mình đã bắt đầu bước vào cái tuổi của người già. Vợ con mà làm gì khi đã đầu hai thứ tóc, gối đã chồn, chân đã mỏi. Tôi vốn quen sống trong cảnh đơn côi kể từ ngày ấy. Cuộc sống tuy có côi cút, nhưng cũng không đến nỗi nào. Các con tôi, tuy ở xa, vẫn thường chăm sóc tôi. Vậy thì tôi đâu còn cần gì nữa. Nay, nếu như phải làm lại cuộc đời với một người đàn bà nào đó, liệu cuộc sống của tôi có được như bây giờ không? Hay lấy vợ vào lại chả khác gì con trâu đeo thêm ách vào cổ, thì càng khổ thêm. Các con tôi cũng vậy. Chúng tuy không nói ra thành lời, nhưng tôi biết chả đứa nào muốn cha chúng lấy vợ khác. Nhìn ra bên ngoài, tôi thấy nhiều ông đơn thân cũng na ná như hoàn cảnh của tôi. Nhưng họ khác tôi ở chỗ là ai cũng có vợ khác. Mặc dù trước đó các con họ chẳng ai đồng ý cho họ lấy vợ khác. Đã đành rằng, các con mà như thế là ích kỷ, hẹp hòi với cha mẹ. Không hiểu được nỗi lòng của cha mẹ. Không cảm thông cho cha mẹ. Nhưng, đã như một tiền lệ, xưa nay chẳng bao giờ có đứa con nào lại muốn cha chúng, hay mẹ chúng đi lấy vợ khác chồng khác cả. Chúng luôn khư khư giữ lấy cha mẹ chúng, không muốn cha mẹ chúng chia sẻ tình cảm với bất cứ ai. Những ông này lạ lắm! Hình như không có vợ là họ không chịu được. Thế nên, có ông vợ mất chưa được năm đã có vợ mới rồi. Lại có ông, sáu lăm, bảy mươi tuổi rồi, mắt đã mờ, chân đã chậm rồi, mà vẫn lấy vợ khác.

        Chính vì thế mà khi thấy ả Tuyết đến nhà là tôi lại ngại. Nhất là gần đây, tôi nghe thiên hạ đồn rằng, tôi và ả Tuyết phải lòng nhau. Ở nông thôn chẳng ai giấu được ai chuyện gì. Mà những tin tức kiểu như thế bao giờ cũng lan nhanh như gió thổi. Chỉ một người nghe thôi là chẳng mấy chốc khắp cả làng cùng nghe. Rồi thì từ không thành có, từ chuyện chỉ có một, đột ngột thành ra mười, ra trăm, là lẽ thường tình. Cho nên có một dạo, thấy ả Tuyết đến nhà, là tôi lại tránh không gặp mặt. Nhưng ả vẫn cứ đến hoài thành ra rất khó xử. Chẳng lẽ lại đuổi người ta về. Với lại, ả đến nhà tôi đâu phải vì chuyện ấy. Ả đã có tình ý gì với tôi đâu. Mình nghĩ thế chẳng hóa ra mình tự đề cao mình sao! Tôi không ưa gì ả đã đành. Mà chắc ả cũng đã ưa gì tôi. Thôi thì kệ. Làng xóm họ nói gì thì nói. Cây ngay không sợ chết đứng. Mình đâu có làm gì mà phải sợ. Ngặt một nỗi, mỗi lần thấy tôi là mọi người, nhất là bọn thanh niên choai choai, lại nhao nhao cả lên gán ghép tôi với ả Tuyết. Còn bọn trẻ con thì không biết làm được hai câu thơ từ bao giờ, thấy tôi là lại ngâm nga: “Chị Tuyết mà lấy anh QuâyNhư cá gặp nước như mây gặp rồng”. Thế có chết không cơ chứ! Những lúc ấy, thú thực tôi có hơi bực. Nhưng chẳng biết phải làm gì. Thôi thì cứ coi như giả câm giả điếc mà cho qua. Bọn trẻ làng này, nó đã trêu ai, thì tốt nhất là hãy im lặng. Chứ không biết rồi cứ ra lời chống chế lại, chúng càng trêu đến cùng.

 

        Mấy đứa con tôi về thăm nhà, chưa hiểu đầu cua tai nheo ra sao đã đem chuyện này ra trách cứ tôi. Chúng hỏi tôi, tôi có ý định lấy vợ từ bao giờ thế? Sao không nói với chúng một tiếng? Chúng lại còn ra vẻ ta đây phân tích điều hay lẽ phải. Rằng tôi cần lấy vợ đến thế sao? Rằng, chúng không lo cho tôi được đầy đủ hay sao mà phải cần đến một người đàn bà khác? Rồi, cuối cùng, chúng kết luận, nếu tôi có lấy vợ thì cũng tìm cho được người nào đó tử tế mà lấy. Chứ không thể có ý định với cái người đàn bà vừa ngoa ngoắt vừa chập mạch ấy? Chúng lại còn nặng lời xúc phạm đến người ta nữa chứ! Nào là cái hạng đàn bà hơi tý là chửi, hơi tý là lăn đùng ngã ngửa ra. Nào là cái hạng đàn bà diều tha quạ mổ…Nghe đến đây thì tôi đã không thể im lặng được nữa. Tôi nổi khùng lên, quát cho chúng một trận tơi bời. Thế là cả mấy đứa ngồi im như thóc, không dám hó hé điều gì nữa.

 

Minh họa: TRƯƠNG ĐÌNH DUNG

 

        Mà cũng thật lạ! Từ mấy tháng nay ả Tuyết như không còn là ả ấy nữa. Chẳng ai còn nghe tiếng chửi vu vơ của ả. Ả gần như thay đổi hoàn toàn cả tâm hồn lẫn thể xác. Tôi không thể hiểu vì sao một người, mà ngày ngày, tưởng như không mở miệng chửi, là không sao chịu nỗi ấy, nay bỗng im bặt. Có cảm giác như con thuyền đang từ một nơi phong ba bão táp, đã trở về với bờ yên biển lặng vậy. Không những tôi mà làng xóm ai ai cũng lấy làm ngạc nhiên. Họ nói với nhau, thế là từ nay làng đã bớt đi được cái loa công cộng, đỡ điếc tai hàng xóm. Còn với người xưa nay vốn gán ghép tôi với ả, thì lại nói theo cách khác. Họ nói, tại nó đang yêu nên cũng phải thay đổi tính nết đi để được lòng người yêu. Họ còn thêm thắt ra, nói rằng, tại tôi ra điều kiện với ả như vậy, nên ả sợ. Ả phải bỏ dần thói xấu thì mới chiếm được cảm tình của tôi. Tôi nghe vừa buồn cười vừa bực bội. Nhưng cũng như những lần trước, tôi không thèm đôi co làm gì cho thêm chuyện. Tôi còn nghe nói, ả Tuyết mỗi lần nghe ai đó gán ghép với tôi là vui lắm, cười tươi như hoa vậy. Tất cả những gì tôi nghe, tuy chỉ là lời đồn thổi trong thiên hạ, nhưng không phải không làm tôi suy nghĩ. Tôi tự hỏi, không lẽ ả Tuyết thầm yêu tôi thật? Và những thay đổi nơi ả cũng xuất phát từ phía tôi? Nếu không phải như vậy thì tại sao khi nghe thiên hạ gán ghép tôi với ả, ả lại không một mảy may phản đối? Bình thường như trước đây, những trêu chọc kiểu ấy, ả đã đào mồ nhà người ta lên rồi. Mà nếu quả đúng như vậy thì tôi phải làm sao đây? Thú thực, từ trước đến nay tôi chưa hề có cảm tình với ả. Thậm chí có lúc tôi còn thấy ngại khi tiếp xúc với ả. Bây giờ nghe vậy, tôi lại đâm ra suy nghĩ mung lung.

 

        Dạo này ả còn diện lắm nữa cơ. Trước đây ả đâu có như vậy. Bây giờ tôi để ý thấy ả mỗi ngày thay đổi một sắc áo. Mà toàn đồ lụa là, vừa mỏng, vừa bóng, trông rất khêu gợi. Có hôm ả còn mặc cả váy nữa. Váy chỉ lưng lửng ngang chân, nhìn rất…dễ thương. Rồi hôm phụ nữ liên hoan văn nghệ, tôi còn thấy ả mặc cả áo dài nữa. Tà áo dài truyền thống ôm khít lấy thân hình ả, trông thật thướt tha, mềm mại. Lúc ấy tôi thấy ả vừa xinh đẹp, vừa duyên dáng lạ lùng. Có hôm ả qua nhà tôi, vừa mới bước vào nhà, tôi đã nghe mùi nước hoa thoang thoảng. Rồi khi ả đến cạnh tôi, tôi còn phát hiện trên đôi môi của ả có xoa một lớp son mỏng. Bình thường trước đây, ả qua nhà tôi, nhờ tôi giúp gì đó, xong việc là về ngay. Nay, tôi để ý thấy ả rất nhiều lần cứ nấn ná, chần chừ, như không chịu về. Có lần tôi còn thấy ả cứ nhìn chăm chăm vào mặt tôi. Những lúc ấy, tôi cũng chăm chăm nhìn lại ả. Để rồi khi bắt gặp ánh mắt của tôi, ả lại rất nhanh nhìn sang hướng khác. Tôi biết ả đang muốn nói gì đó với tôi. Và cả cái điều mà trước đây tôi nghi ngờ, thì bây giờ tôi đã có đủ cơ sở để không còn nghi ngờ nữa. Tôi đã khẳng định và tin chắc điều mình khẳng định là đúng. Rằng, ả đang thầm yêu tôi, đang muốn xây đắp hạnh phúc cùng tôi. Còn tôi, nếu như bắt buộc phải đứng trước hai sự lựa chọn, có hoặc không, tôi sẽ phải làm gì? Mà sao ả lại không chọn ai, ngoài tôi? Không lẽ cái số tôi đã vận vào câu nói, ghét của nào trời trao của ấy sao?

        Rồi điều gì đến cũng đã đến. Buổi tối ấy ả Tuyết lại sang nhà tôi. Vẫn bộ đồ hoa lụa là mát mẻ ấy. Vẫn thoang thoảng cái mùi nước hoa quyến rũ ấy. Và vẫn đôi môi mộng đỏ ấy. Vừa vào nhà, ả đã bước thẳng đến chỗ cái bàn viết mà tôi đang ngồi. Rồi hình như không một chút chần chừ, nấn ná, ả ôm chầm lấy tôi. Ả kéo mạnh đầu tôi về phía ả, ép chặt đầu tôi vào bộ ngực đang phập phồng, nóng hôi hổi của ả. Tôi có cảm tưởng như mặt tôi đang kê lên hai bầu vú của ả. Và miệng tôi thì ngáp ngáp như con cá vừa được lôi từ dưới nước lên bờ. Tôi ngồi yên, nhưng hai tay thì cố gỡ tay ả ra. Nhưng tôi càng ra sức gỡ, thì hai tay ả càng xiết chặt lại. Tôi đành ngồi yên, để rồi sau đó là tới tấp, dồn dập những nụ hôn từ đôi môi mộng đỏ của ả phủ trên khắp mặt tôi. Tôi gần như không thở được. Cảm thấy cả cái thân hình còm cõi của tôi cứ run lên từng hồi một. Nhưng người tôi lại nóng ran như đang lên cơn sốt vậy. Tôi không còn biết mình phải làm gì. Chỉ biết mình đang trong một tình trạng hưng phấn kỳ lạ. Vừa lưng lưng, vừa rạo rực. Như một phản xạ tự nhiên, tôi cũng vòng tay ôm chặt lấy thân thể ả. Hai tay tôi xoa nhè nhẹ trên khắp tấm lưng thon chắc của ả. Tôi hôn ả khắp mọi nơi. Tôi hít thật sâu hương vị ngọt ngào từ khắp cơ thể ả tỏa ra. Cảm thấy lồng ngực mình như đang căng tràn một sức sống mãnh liệt từ con người ả truyền sang.

        Rồi, như không ai bảo ai, cả tôi và ả cùng nhích dần, nhích dần về phía chiếc giường gần đó. Tôi và ả cùng lăn ra, cuộn tròn lấy nhau…Trong nỗi đam mê, đắm say tột độ, tôi mơ màng tỉnh dậy. Tôi thấy đầu tôi đang kê trên đùi ả. Mát rượi. Còn ả thì ngồi đó, hai tay mân mê trên mái tóc đã bạc quá nửa của tôi. Trong mơ màng, tôi bỗng nghe văng vẳng tiếng ả nói với tôi đầy chứa chan, trìu mến: “Anh ơi, em yêu anh từ lâu lắm rồi. Em muốn được cùng anh chia sẻ mọi đắng cay, ngọt bùi trong quãng đời còn lại của hai chúng mình. Em biết anh không hề yêu thương em. Nhưng em thì không có ai khác ngoài anh. Không có anh, đời em sẽ chẳng còn gì nữa…”. Tiếng ả trở nên nghẹn ngào. Rồi ả bỗng thút thít khóc. Nước mắt từ mặt ả ướt cả sang mặt tôi. Tôi không trả lời, chỉ biết ôm chặt lấy ả. Lần đầu tiên, kể từ ngày vợ tôi mất, trái tim tôi đã bắt đầu biết rung động trở lại…

N.N.C


 

 

Nguyễn Ngọc Chiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 219 tháng 12/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground