Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người làng Bãi Trữ

T

ôi trở lại quê lúc trời đã về chiều. Làng tôi - làng Bãi Trữ, trước mặt là sông, sau lưng là núi, nằm lọt thỏm trong khúc ngoặt con đê vòng vòng ngăn nước lũ.

Đứng trên đê nhìn vạt nắng cuối thu vàng vàng vương trên ngọn tre và xóm làng lô nhô

 

những mái ngói, mái tranh, tự nhiên tôi thấy buồn muốn khóc.

Bốn năm học đại học, nghỉ hè, nghỉ tết năm nào tôi cũng về quê. Nhưng lần nào trở về làng, tôi cũng thấy rưng rưng. Tôi học sử, thầy giáo của tôi dạy rằng: Nước ta chinh chiến liên miên, đã nhiều lần mất nước, nhưng chưa bao giờ mất làng. Riêng tôi, tôi còn thấy: Làng không mất bởi một phần người đi giữ nước có tuổi thơ ở làng.

Tôi trở về làng. Tôi đang đứng trước cánh đồng bãi chân đê, ngô đang thì con gái xanh mướt. Nắng nhạt và gió, từng sóng lá dập dờn, dập dờn. Tiếng sáo diều cao cao, réo rắt, ngẩng mặt nhìn lên chỉ thấy mấy chấm nhỏ nghiêng nghiêng chao liệng. Dưới đồng mấy chú nghé con đang chạy lăng xăng tìm mẹ. Dòng Hoàng Long lượn sát làng tôi nước trong vắt. Tiếng nô đùa té nước của lũ trẻ chăn trâu rộn rã cả khúc sông, chúng đang đánh trận giả. Tôi bỗng nhớ anh Hân con bác Hạnh, ông trưởng họ Vũ to nhất làng. Tháng năm đã đi vào dĩ vãng, ký ức một thời chăn trâu cắt cỏ, đánh trận giả bị đòn roi của anh Hân tôi, của tôi ở làng bỗng chốc hiện về.

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, bác Hạnh tôi là người trở về cuối cùng trong làng. Bác gái đã mất mấy năm. Hai đứa trẻ ngỡ ngàng không dám nhận bố. Phải một lúc sau bố con bác mới quấn quýt vào nhau. Lưng cõng con trai, tay dắt con gái, bác ra thăm mộ bác gái. Nấm mộ đắp to vuông vắn. Cỏ phủ xanh rờn. Bác tôi ngậm ngùi nghe bố tôi kể về cái chết của bác gái.

Quân Pháp kéo về đóng ở bốt Hoàng Đan bên kia cầu Gián. Khúc sông trước cửa đình nước sôi lên sùng sục, bọn giặc đi ca nô tuần tiễu cả ngày. Thế rồi Pháp càn vào làng, đàn bà trẻ con phải tản cư hết. Làng xóm tiêu điều, lợn gà, trâu bò bị giết sạch. Đang ở nơi tản cư, bác gái thấy sốt ruột nhờ bà nội trông cháu rồi lần về làng. Đến đầu ngõ bác bị một qủa đại bác câu từ ngoài sông vào. Đêm! Mọi người đốt đuốc đi tìm. Chiều hôm sau mọi người phát hiện thấy một bên đùi bác gái nằm vắt vẻo trên ngọn tre. Ngày ấy anh Hân còn ấp vú mẹ, chị Hồng thì chập chững biết đi...

Bác Hạnh xoè diêm đốt cả nắm hương. Bàn tay chai sần của bác run run cắm lên mộ ông bà, mộ bác gái. Bác nhìn hút xuống dưới đất. Đôi môi dày run run mà chả nói được câu nào.

Trở về quê đến năm, sáu năm sau bác Hạnh mới tham gia tổ đổi công, rồi hợp tác xã cấp thấp. Hết làm đội trưởng đội sản xuất lại đến làm trưởng trại chăn nuôi. Việc gì bác Hạnh cũng làm trôi chảy. Nhưng tính nóng như lửa nên nhiều khi không hợp lòng người. Sau mấy bận bàn bạc công việc, cảm thấy “trống đánh xuôi kèn thổi ngược”, bác chán, xin nghỉ không làm nữa. Bác dồn hết tình cảm nuôi dạy hai đứa con.

Ngày anh Hân còn nhỏ, bác chiều anh lắm. Càng lớn anh càng giống bác. Mái tóc rậm xoăn tít, hai hàng lông mày xếch lên thái dương. Duy chỉ có khác dáng người, bác Hạnh thì tầm thước, còn anh Hân cao vống lên, tồng ngồng. Cứ theo như bác nói thì so với thời bác còn nhỏ, anh Hân nghịch ngợm gấp nhiều lần.

Nhà bác nuôi một con trâu đực. Mặt nó dữ tợn, trán gồ, sừng cong cong như cánh ná, đỉnh đầu có khoáy tròn nhìn xa như cái mắt thứ ba. Chúng tôi sợ phát khiếp, nhưng anh Hân thì chăn dắt nó ngon lành, cứ như là Đinh Bộ Lĩnh cưỡi trâu xung trận núi Mã Yên vậy. Có hôm anh bế tôi lên cho cưỡi chung, nhưng cứ đến lúc anh nằm rạp xuống lưng trâu, tay nắm chặt thừng và chuẩn bị ra roi thì tôi giãy nảy lên đòi thả xuống. Tôi sợ. Anh bảo:

 - Đúng là đồ con gái. Mày sợ gì. Cứ ôm chặt lấy tao thì ngã thế nào được.

-  Em sợ ngã cả hai anh em mình.

-  Sợ, sợ cái gì. Đồ thỏ đế. Lần sau không cho mày theo nữa.

Lũ trẻ con xóm tôi đứa nào bơi cũng giỏi. Chiều tàn, khi hoàng hôn tím ngắt trên sông, anh Hân dẫn cả lũ cởi truồng cưỡi trâu bơi qua sông đánh trận giả với bọn trẻ con xóm bãi Hối. Tôi gọi:

-Anh Hân cõng em lên mình trâu với.

Dướn đôi lông mày xếch lên. Anh quát.

-Vớ vẩn, mày đàn bà con gái biết gì trận mạc mà theo. Về đi. Nhớ đừng mách lẻo

Tôi đứng trên bờ đê phụng phịu, sụt sịt khóc. Anh lại bảo:

-Về đi hôm nay tao làm Đinh Bộ Lĩnh đấy, cõng mày phải vía đàn bà. Với lại phải luồn lách, rẽ năn, lác tiến sát vào “sở chỉ huy địch” ở bãi bên kia. Quân bãi Hối bắt được mày thì lấy gì mà đổi lấy tù binh. Thôi hay mày cứ đứng trên bờ sông phất cờ lau vậy.

Tôi hậm hực lắm nhưng chỉ được một lúc rồi cũng đứng ở bên này sông cầm bông lau hò hét, cổ vũ cho các anh.

Ngày ấy dưới con mắt của tôi anh Hân oai như vị thủ lĩnh chỉ huy quân ở núi Trường Yên. Cũng có lúc anh ngồi kể chuyện hay ra phết. Anh bảo:

- Ngày xưa Đinh Bộ Lĩnh cũng là trẻ chăn trâu cắt cỏ như bọn tao bây giờ. Bọn tao đã leo lên dãy núi Trường Yên bắt sáo. Tao đã sờ tay lên đỉnh ngọn núi cao nhất dãy rồi nhá. Chỗ Đinh Bộ Lĩnh cắm cờ lau ấy. Đố chúng mày biết tất cả có bao nhiêu quả núi ở dãy Trường Yên?

Rồi anh kể: Ngày xưa đã lâu lắm rồi, có một trăm con đại bàng bay đến vùng đất Trường Yên. Nó đậu thành một dãy hình vòng cung, uống nước. Có một con lượn mãi mà không tìm được nơi ưng ý để hạ cánh. Nó vỗ cánh bay đi. Vì nó là con chim đầu đàn nên chín mươi chín con kia cũng vỗ cánh bay theo. Sau này, những chỗ ấy mọc lên thành chín mươi chín quả núi.

- Tiếc thật! Giá như con chim đầu đàn nó đậu ở trước mặt xóm mình!

Anh Hân cốc vào đầu tôi đau điếng:

- Sao mày ngốc thế! Đồng ruộng phì nhiêu lại chả thích hơn núi đá à? Đấy mày xem, mở mắt ra là thấy núi. May mà còn có dòng Hoàng Long này.

Lại một lần giữa trưa hè tháng sáu, trời nóng như đổ lửa. Bà Thẻm vừa đi, vừa chửi. Tay bà xách cả con thỏ đã lột da còn trơ lại nguyên thịt, xương, tim, phổi đỏ lòm, lòng thòng cả đoạn ruột dính đầy cát. Bà ném oạch vào sân, cạnh chân đống rơm nhà bác Hạnh.

- Đẻ con ra mà không dạy thì đẻ ra cho rát...

Bà xỉa sói, chõ mồm về trước cửa mà tru tréo:

- Đem nấu, xào, nhào, nặn cả nhà ăn rồi đền con khác cho bà. Của giống má nhà bà đâ... â...ấy đấy...

Mẹ tôi chép miệng:

Khổ quá! Lại cái thằng Hân.

Tôi bưng cả bát cơm ăn dở chạy ra đầu hồi nhà, ghé mắt sang bên bác, không thấy anh Hân đâu, chỉ thấy bác Hạnh thập thững đi ra, dúi vào tay bà Thẻm mấy đồng bạc. Chắc là bác xin lỗi và đền tiền cho bà. Chiều tối đã thấy bộ lông thỏ nhồi trấu khâu kín treo lủng lẳng trên ngọn xoan cạnh cầu ao. Anh Hân khoái chí cười tít cả mắt :

- Nhà thằng Thẹo hèn thật. Béo như con lợn mà đi khám nghĩa vụ cứ giả vờ điếc, trốn bộ đội, ở nhà nuôi thỏ để chén thịt. Hôm nào ông thả hết thỏ ra đồng cho bõ ghét.

Bác tôi giận lắm, đi tìm mãi. Anh Hân cứ vắt vẻo trên cây xoan. Tay ôm con thỏ đã nhồi trấu. Mặt bác Hạnh tím lại, hai hàng lông mày xếch ngược. Bác gầm lên:

- Mày có xuống không? Mày làm tao mất mặt với xóm làng. Ngày xưa bằng tuổi mày, tao đã biết chui vào bốt cầu Gián thó trộm lựu đạn mang về cho Việt Minh. Còn mày...

- ...

- Có xuống không? Tao chặt cây xem mày chạy đi đâu?

Hai gân cổ bác tôi nổi lên. Bác lôi rựa ra chặt độp độp, nhưng lại chặt đằng sống dao. Cây xoan già rung lên. Anh Hân nhảy ùm xuống ao. Lặn một hơi dài sang bên kia và lủi mất...

 

*  *  *

Cánh đồng bãi mùa này nước ngập đến chân đê. Quê tôi, quê đám trẻ chăn trâu Đinh Bộ Lĩnh từ ngày xửa, ngày xưa, đến bây giờ vẫn là vùng chiêm trũng. Cứ mùa nước nổi là dân làng lại chèo thuyền thúng ra vớt ốc nhồi, ốc bươu. Tôi đứng trên đê nhìn xuống đồng bãi mà lòng cứ nao nao. Tiếng lội nước uồm uồm và tiếng vịt kêu ầm ĩ. Tôi nhận ra bác Hạnh đang cầm sào lội ở cái thùng đấu cạnh dốc lên đê. Bác tôi đội nón lá và đi chăn vịt, có lúc bóng bác lẫn vào cánh đồng chiêm buổi chiều. Tôi đi như chạy về phía ấy.

- Bác! Bác ơi! Bác nghỉ thôi. Bóng đã ngả dài rồi.

- Ơ, mày về hả cháu?

So với đám con cháu trong nhà, tôi là đứa trẻ được bác quí nhất. Có lẽ tuổi thơ tôi có nhiều kỷ niệm với anh Hân, với bác. Quây vịt xong thì chiều đã muộn. Nắng le lói, dòng sông hắt ngược ánh sáng, tạo nên những mảng sáng tối hai bên bờ. Bác đi trước im lìm, tôi lặng lẽ theo sau đến nghĩa trang liệt sỹ. Bác bảo:

Vào đây cháu, tao sẽ đưa anh mày về đây. Sự im lặng trong tôi vỡ oà. Tôi bước theo bác lâng lâng hụt hẫng, đến dãy mộ cuối bác dừng lại:

- Cái mộ này xã và bác đã xây sẵn. Bác và anh Thân sẽ vào Quảng Trị tìm, đưa anh mày về đây. Thắp cho anh mày nén hương đi.

Có cái gì đấy tưng tức trong lồng ngực dội lên, tôi thấy mình chao đảo. Đốt cả nắm hương tôi cắm lên mộ xây sẵn của anh. Bác tôi cứ  lẩm bẩm nói cái gì đó không rõ. Bây giờ thì tôi mới nhìn kỹ mặt bác. Hai gò má xương xẩu, đôi mắt mờ đục, tóc râu nhiều sợi bạc. Bóng bác liêu xiêu đổ về phía trước. Cái lưng gù gồ lên khắc khổ. Bác thành ông già rồi. Bác không phải là bác Hạnh nữa mà thành ông Hạnh mất  rồi. Giờ bác nói chuyện với tôi chậm lắm.

Dạo này bác thấy trong người nhọc lắm. Già rồi để con nằm nơi đất khách, quê người nó cứ canh cánh trong lòng. Nói dại nay mai nhắm mắt cũng không yên được. Bác tôi lấy tay vơ vơ mấy cái lá phi lao rụng trên mộ giả của anh Hân. Bác kể: Từ lúc báo tử anh Hân, chưa bao giờ bác ngủ trọn giấc, có những đêm nằm thao thức, bác cứ đếm tiếng tằng tặc của con thạch sùng cụt đuôi vẫn bò trên tường bắt muỗi. Chán, bác lại thắp đèn, đi lại, lục cục sắp đồ đạc trong nhà. Mà có ai bày ra đâu, sắp đi rồi lại sắp lại thế thôi. Mẹ mày sốt ruột bảo chị Hồng xin phép nhà chồng dọn về ở cùng bác. Thôi thế cũng được, được cái là con rể nhưng anh Thân cũng thương bác.

Sau lần cúng giỗ anh Hân mày vừa rồi, bác cảm thấy trong người mát mẻ. Đêm mưa xuống bác ngủ một giấc dài từ tối đến sáng. Nửa đêm bác nghe tiếng bước chân rất nhẹ ngoài cửa, giống tiếng chân thằng Hân ngày xưa đi chơi về. Nó mặc quân phục mới, nó lướt đến bên giường và gọi: “ Thày ơi! Con ở đây”. Bóng nó chập chờn ẩn hiện. Rồi bác nghe như có ai đấy kể với bác rằng: Thằng Hân bị chết dưới sông Thạch Hãn, địch phơi xác nó trên cầu ba ngày. Chúng lại canh gác không cho chôn cất. Có một chị phụ nữ vật mình khóc thảm thiết, nhận thằng Hân là chồng rồi đưa nó về chôn cất ngay trong vườn nhà. Thì ra nó báo mộng cháu ạ. Chẳng biết có đúng không. Nếu thế thì đau lòng lắm.

Tôi cúi đầu đi bên bác. Ngõ nhà tôi nhập nhoạng dưới bóng tre, thơm thơm mùi rơm mới. Rơm rạ quấn quýt dưới chân. Hai hàng dâm bụt xén bằng làm rào ngăn. Trăng non xiên qua khe hở của mấy tàu lá chuối để lại trên mặt vườn những đốm sáng mờ. Tôi cứ hình dung mọi ngày bác Hạnh cô đơn, lần hồi thật buồn.

- Nếu thằng Hân còn sống thì có dễ đã được mấy đứa con rồi. À mà cháu học xong chưa? Có định về quê dạy học không? Về thôi cháu ạ. Quê mình còn nghèo đấy, nhưng chả ở đâu sống bằng nơi đã đẻ ra mình.

Bất chợt tôi lại nhớ đến hòn sỏi anh Hân cho để tôi đánh chuyền lúc anh đi bộ đội... Bãi cát mênh mông ấm mịn dưới chân; bàn tay chai sần của bác Hạnh; ánh mắt dân dấn nước của mẹ và tuổi ấu thơ của tôi, của anh Hân đã kéo tôi trở về nơi tôi đã sinh ra.

Vào cuối những năm sáu mươi, không khí nhập ngũ hừng hực khắp nơi. Bác tôi nghe đài truyền thanh của xã mới biết anh Hân trúng tuyển bộ đội và sắp lên đường. Thế là anh bỏ học lớp mười. Bác chạy xồng xộc lên uỷ ban. Mặt bác hầm hầm, bác bắt đền xã. Chú An xã đội trưởng bảo: “Chúng tôi cũng đang bắt đầu đi một lượt đến các gia đình có con em ra trận để động viên. Cứ tưởng gia đình anh đã “thống nhất”. Thế sao lại có cái này?. Chú An chìa tờ đơn anh Hân viết bằng máu có cả chữ ký của bác cho bác xem. Bác không nói câu nào. Đôi mắt bác lại xếch lên. Hai thái dương của bác giật giật. Bác như chợt hiểu ra, tờ đơn để trống, thằng con trai đã lừa bác làm đơn xin miễn học phí. “Hôm nay nhà trường xét. Thày cứ ký vào đây rồi đến lớp tranh thủ lúc ra chơi con viết cho kịp”. Ngẫm nghĩ một lúc rồi bác buông một câu chắc nịch: “Thôi được! Trai thời loạn, gái thời bình. Giá cái Hồng cũng là con trai thì tôi chẳng phải chạy lên đây. Đã đến nước này thì cả làng chỉ còn có đàn bà và ông lão...”

Ba tháng sau bác Hạnh cơm đùm, cơm nắm vào tận Ngọc Trạo, Thanh Hoá thăm anh Hân. Nhìn thấy bác, anh lao đến ôm chầm lấy bố. Anh cười hềnh hệch hai hàm răng trắng lấp loá. Anh khoe:

- Thày xem này con bơi giỏi nên được xếp vào đặc công nước đấy.

Anh lừng lững trong bộ quân phục mới, tóc tai cắt gọn gàng, da anh bóng lên, chững chạc. Bác ngắm nghía anh:

- Cha mày! Ai cấm mà phải trốn. Mày cứ nói với tao một tiếng có phải vui vẻ mà lên đường không?

Rồi bác cười, bác ngắm lại, bác sờ, bác nắm cánh tay, bả vai anh. Bác xoa xoa một bên chân bị thương của bác đang tê tê, bác đứng thẳng người trước mặt anh như vị thủ trưởng kiểm tra điều lệnh lính mới:

- Ngày trước tao vào bộ đội làm gì được đầy đủ áo xống, mũ mão như mày. Liệu mà rèn dũa.

Anh Hân dập gót giầy vải cao cổ đánh cộp, đứng nghiêm, tay phải giơ lên trán:

- Rõ! Thủ trưởng bố cứ yên tâm.

Bác cười dúi cho anh mấy đồng, nắm cơm nếp bằng quả bưởi và nửa con gà luộc rồi dặn:

- Cố mà luyện tập cho bằng anh bằng em, cho xứng với con trai dòng họ Vũ nhà mình. Thỉnh thoảng gửi thư về cho thày đỡ sốt ruột.

Cha con gặp nhau độ nửa tiếng đồng hồ thì anh Hân phải ra bãi tập tiếp. Nghe bác kể, mẹ tôi cũng mừng. Còn tôi biết bác đang vui.

Mà cũng lạ thật, sao ngày ấy bị anh Hân doạ dẫm thế nào mà  tôi lại không mách với bác. Anh sang nhìn trước nhìn sau không thấy mẹ tôi ở nhà anh bảo:

- Nguyệt ơi! Tao trốn đi bộ đội. Mày đừng mách. Tao cho hòn cuội này mà đánh chuyền. Nhưng nhớ phải chăm học. Đừng có dãi thẻ... ra.

Tôi hí hửng, mừng lắm. Hòn cuội tròn vo, nhẵn thín, màu gan gà to như gón chân cái người lớn. Tôi vụt chạy vào nhà. Một lát sau tôi đưa cho anh Hân cái súng bắn quả xoan bằng hóp. Cái súng tôi cất đã mấy năm ở chân giường.

- Ơ cái con này. Tao đi bộ đội, đánh nhau thật bằng súng thép, đạn đồng chứ có phải đánh trận giả bằng súng hóp, đạn xoan đậu. Đúng là đồ trẻ con!

Tôi xịu mặt. Cái súng bắn xoan này anh Hân làm bằng hóp chặt trộm ở bờ rào nhà tôi. Mẹ tôi biết nhưng lặng im không nói. Có thể anh Hân quên rồi nhưng tôi vẫn nhớ. Bố tôi làm ở trên tỉnh ít khi về. Nhà dột, chờ mãi bố không về, mẹ tôi dỡ ra lợp lại bằng mái rạ. Mẹ tôi nhờ bà Hoá, bà Chành sang đon rạ giúp. Bác Hạnh ở trên lợp. Mẹ tôi đứng dưới quẳng từng đon rạ lên. Chẳng hiểu quẳng thế nào một đon rạ mắc vào cây mít ở sát hồi nhà. Chọc mãi không rơi, bà Hóa chanh lanh leo lên gỡ đon rạ xuống. Bà Hoá mặc váy đụp. Xoè ra như cái nơm, trèo lên lưng chừng mép váy mắc vào cành cụt. Mông bà chìa ra trắng hếu. Đang loay hoay thì thấy “đóp” một cái. Bà Hoá kêu: “Ối lời ơi” Tay bà bịt lấy mông rồi dơ lên. Thì ra một quả đạn xoan của thằng trẻ con nào bắn trúng. Bà Hoá mếu máo. Mẹ tôi cười. Bà Chành cũng cười. Tôi chưa kịp cười thì thấy bóng anh Hân chạy vụt qua. Rồi bác Hạnh nhảy từ mái nhà xuống đống rạ chưa đon. Bác chạy uỳnh uỵch đuổi theo. Một lát bác quay lại mặt mũi đỏ gay: “con với cái...”. Bác cầm dao rựa vừa chặt mấy cái súng hóp, vừa kêu: “Súng này... ống này... đạn này...”. Tôi tiếc, tôi nhào đến: “Bác ơi! Cho cháu một cái...”. Bác dừng lại, nhìn tôi ngỡ ngàng. Không hiểu sao bác bảo: Ừ thì bác cho! Nhưng đừng nghịch hiểm như anh Hân mày”. Tôi cất cái súng hóp vào góc nhà, chỗ có viên gạch vỡ kê chân giường.

Thế mà anh Hân đã quên. Anh coi tôi là đồ trẻ con. Còn anh là người lớn. Nhưng mà không, anh cười, rồi lại trầm ngâm:

- Ừ! Thôi tao cầm mang theo, lúc hành quân, lúc ở doanh trại thỉnh thoảng lấy ra xem, nhớ lại thời trẻ con, đỡ nhớ nhà, đỡ nhớ mày.

Vậy là dạo ấy, trong hành trang ra trận của anh Hân tôi có một cái súng làm bằng hóp, bắn đạn xoan, có cả tuổi thơ của anh ở làng.

Mấy tối trước khi lên đường, anh Hân bần thần lắm. Anh ở nhà thơ thẩn vào ra cứ như có điều gì muốn nói. Khuya, anh chui vào ngủ cùng bác Hạnh: “Con ngủ với thày cho ấm”. Đó là những tối cuối cùng anh nằm chung với bác.

Từ ngày anh Hân đi bác tôi già sọp hẳn. Bác không buồn nhưng nhớ con lắm, nhớ quay quắt. Tối đến bác tắt đèn, đóng cửa đi nằm sớm. Bác ít nói. Con thỏ nhồi bồng ngày nào, bác tôi mang treo cạnh tủ chè ngay giữa nhà. Nó tóp lại và đã chuyển thành màu xám.

Hôm báo tử anh Hân, bác ngồi im phăng phắc như một pho tượng. Bác không nói, không rằng. Mọi người sợ hãi nhìn bác. Dường như không chịu được nữa mẹ tôi nhắc:

- Anh khóc đi. Anh khóc lên một tiếng cho vơi bớt nỗi lòng.

Bác tôi vẫn không khóc thành tiếng được. Hai giọt nước mắt đục lờ đờ cứ lặng lẽ lăn qua đôi gò má nhăn nheo, hốc hác. Mọi sự trông đợi của bác tôi đã trở thành vô vọng. Chỉ đến khi đêm về bác tôi mới khóc. Tiếng khóc lặng lẽ như dội từ trong lồng ngực. Có lúc tưởng như bác nấc nghẹn lại. Tôi có cảm giác bác đang sống lại với ký ức xa xăm cùng anh Hân; tiếng bồm bộp của sống lưng dao cùn đập vào gốc xoan sần chai nghe như lúc ở gần, lúc lại ở xa. Những chiều hoàng hôn buông tím lịm, bác dắt anh Hân ra bến sông. Bác tập cho anh Hân sải nước...

Bác tôi đã ngồi hàng buổi trầm ngâm, lặng lẽ. Bác ân hận, bác đau đớn, bác dằn vặt. Đôi vai gầy sụp, đôi mắt bác vời vợi mông lung, trông ra phía trước mặt...

Khổ thân bác Hạnh. Bác không dứt anh Hân ra khỏi ký ức. Cứ chiều chiều, bác tôi lại ra đầu ngõ đứng. Bác ngóng lên con đê chạy qua cửa đình ra đường quốc lộ. Bác tôi ngóng, bác tôi trông, bác tôi đợi, bác tôi chờ... một sự ngóng trông vớt vát niềm hy vọng. Biết đâu một ngày nào đó, anh Hân tôi thập thõm trên bờ đê trở về như một điều kỳ diệu của chiến tranh đã từng xảy ra.

Tối hôm sau, tôi vừa gội đầu xong thì chị Hồng chạy sang báo: “Có anh bộ đội bạn cậu Hân về chơi. Em sang giúp bác với chị làm cơm”.

Tôi sang đến thềm hè đã thấy anh bộ đội đang giao chiếc ba lô cho bác Hạnh. Anh bộ đội bảo: “Vết thương khỏi Hân tìm về đơn vị. Lẽ ra chưa phải đi đánh tiếp. Nhưng Hân cố xin đi... Thế rồi Hân... hy sinh...” Cũng như lần báo tử trước, bác tôi không khóc. Bác tôi bảo tôi mở ba lô của anh Hân ra: Hai bộ quần áo, một cái võng dù, một quyển nhật ký... và mắt tôi nhoè đi: Một cái súng làm bằng hóp bắn đạn xoan thủơ nào.

Người đồng đội của anh Hân một bên tay bị cụt tận khuỷu. Anh đeo kính đen ngay cả lúc trời đã tối. Có lẽ anh bị hỏng một bên mắt. Anh kể về anh Hân nhiều lắm.

Tôi lần giở từng trang nhật ký đã ố vàng, nhiều chỗ nhoè nước. Tôi đọc cho bác Hạnh nghe:

Ngày... Con đã xa quê tròn hai tháng. Nhớ thày quá, thày ơi! Con nhớ những ngày ngụp lặn ở dòng sông quê...

Ngaỳ... đêm nay hành quân dã ngoại từ đồi Dâu đến đồi Tranh rồi về doanh trại. Đường đi trập trùng khúc khuỷu. Mấy “thằng công tử bột” ngã ì oạch, còn mình cứ bước băng băng. Nhớ những trò nhảy nhót leo trèo ngày xưa. Cám ơn tuổi thơ... Làng Bãi Trữ thân yêu ơi, bao giờ ta trở lại.

Ngày... Mình đã qua vùng Vĩnh Linh giới tuyến. Nhìn bọn trẻ con đội mũ rơm đi học dưới đường hầm. Mình nhớ đến em Nguyệt ở nhà. Nguyệt ơi! Em có hay sang đỡ đần cho bác không. Em nhớ học giỏi, em vào đại học. Rồi em lấy chồng, em sinh nhiều con trai nhé. Nhiều con trai để con trai ra trận, con gái ở nhà...

Ngày... Cả ba đứa ém quân từ chập tối. Nước triều lên lớn quá. Mấy con thuyền trôi dọc trên sông. Văng vẳng đâu đây một điệu hò khoan nhặt “Hò ơ ơ... vì cam quýt phải đèo bòng... Hò ơ... ơ...”. Tiếng hò da diết nhớ nhung quá. Những thằng lính không biết làm thơ như mình chỉ muốn khóc.

Ngày... Cả tiểu đội đã trở lại dòng sông Thạch Hãn. Đêm trời hơi lạnh. Mùa này nước lớn, Tàu địch đậu chềnh ềnh, đen sì như những con cá sấu khổng lồ ngoài cửa sông. Trên boong tàu đèn pha bật sáng trưng, chiếu xuống nước loang loáng. Bọn lính đứng trên boong lố nhố, chốc chốc lại chúc nòng súng AR 15 bắn từng đợt xuống sông. Một lúc sau mấy thằng nữa bê cả thùng lựu đạn, rút chốt ném từng quả xuống nước. Nước tung lên,  những tiếng ùng ục liên hồi. Sắp khuya rồi. Địch bắn pháo sáng nhiều quá. Không thể tiếp cận địch theo đội hình được, đành phải thực hiện phương án hai lợi dụng những cụm lục bình trôi, mình bơi đứng cách tàu năm mét... ba mét nữa. Bằng linh tính mình lặn xuống sâu, tránh qua bên phải. Quả nhiên mấy viên đạn nổ lụp bụp... Đám lục bình tơi tả, nổi dập dềnh theo chiều nước trôi. Chắc tụi lính đố nhau bắn trúng, hay đã thành thói quen bắn bảo vệ từ xa. Mình ôm khối thuốc nổ áp sát mạn tàu, lần đồng hồ hẹn giờ. Chắc ở phía đầu tầu, thằng Tân đã sẵn sàng... Loạt lựu đạn nghe xa hơn... Sờ tay vào bánh lái, đặt khối thuốc nổ kiểm tra thật kỹ rồi trườn mình ra xa. Bụp, bụp. Đạn vẫn ghim xuống nước. Đau nhói trên vai. Đau quá! Mình không được dừng lại. Bơi tiếp, nước ngấm vào người lạnh ngắt. Một quầng sáng... Một tiếng nổ dữ dội... Thày ơi...

Ngày...Hơ May đẩy nắp hầm chui xuống: “Anh đã khá rồi đấy”. “ừ! Cho anh tìm về đơn vị”. “Không được đâu. Pá con em chăm anh khỏi hẳn đã”. “Em đừng lo, đâu phải lần đầu anh bị thương. Lần trước, đã tưởng làm mồi cho cá ở sông Thạch Hãn rồi. Ai ngờ... lại có thêm lần này nữa... Để được gặp em...” Em nằm xuống cạnh mình. Thịt da con gái nồng nàn quá. Em áp mặt vào bên vai không bị thương của mình... Mình thấy khao khát biết chừng nào. Rồi hai đứa đã lịm đi, tan ra, miên man và nhẹ bỗng...

Tôi không thể nào đọc tiếp được nữa. Tôi khóc, quay sang thấy bác Hạnh khóc, mẹ tôi khóc, anh bộ đội khóc, những người hàng xóm ngồi nghe cũng khóc.

Một lúc sau bác Hạnh thì thầm khấn: “Hân con ơi! Thày có phúc, họ Vũ này có phúc thì con hiện về. Con hãy bảo thày con đang nằm ở đâu? Con có để lại giọt máu nào không thì hãy chỉ đường dẫn lối cho nó tìm về... Con...ơ...ơ...ơi”.

Bảy năm sau. Bác Hạnh tôi đã già thêm nhiều. Tóc thày, mẹ tôi cũng đã bạc. Thày tôi đã về nghỉ hưu. Ngôi nhà từ đường dòng họ Vũ được sửa lại khang trang và sáng sủa. Khu vườn thiêng cây cối um tùm, cành lá giao nhau thành tán rộng. Cây nhãn góc vườn nở đầy hoa. Ong bay về dập dờn làm mật.

Vào một buổi chiều cuối xuân. Trên con đê ngoằn nghèo từ đường quốc lộ chạy về làng. Người ta thấy có hai người đàn bà mình quấn xà rông, cổ và tay đeo vòng bạc, hai hàng khuy bạc lấp lánh, búi tóc hoe vàng, vấn cao tận đỉnh đầu. Vẻ mặt họ ngơ ngác, đôi mắt đăm đăm hướng về làng. Theo sau họ một cậu bé trai tóc xoăn tít, vầng trán dô dô bướng bỉnh. Cậu vừa đi, vừa nhảy chân sáo miệng cười líu lo...

Họ hỏi thăm về làng Bãi Trữ nhỏ bé bên sông Hoàng Long.

 

 

V.M.N 

 

Vũ Minh Nguyệt
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 199 tháng 04/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

1 Giờ trước

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

15 Giờ trước

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground