Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Người ngồi trong quán cà phê

N

ằm chếch phiá trước cổng vào của trường Cao đẳng sư phạm tỉnh là một cái quán café nho nhỏ. Quán không ồn ào bởi lượng khách uống đa phần là sinh viên của trường, thỉnh thoảng mới thấy có mấy vị khách trung niên, hoặc vài ông già nghỉ hưu ghé ngồi chốc lát. Tuy vậy lại có một ông trạc ngoại ngũ tuần, mưa nắng gì cứ sáng ra cũng chiếm một góc sâu trong quán, từ đó có thể trông qua cửa sổ để ngó ra đường. Thực ra ông hay ngó vào cổng trường sư phạm, để mắt vào đám sinh viên đi bộ vào ra; thế rồi tới lúc, ông ta rướn người lên, vói cổ nhìn theo một nữ sinh cho đến lúc cô bé thấp thoáng sau dãy hàng rào sắt han rỉ, rồi khuất hẳn cuối bức tường nham nhở của một lớp học. Dĩ nhiên chẳng ai để ý. Nhưng có một người biết rõ điều này, ấy là chính cô sinh viên kia, một cô gái nhỏ nhắn, luôn cúi đầu bước vội mỗi sáng khi theo bạn vào lớp. Chính thái độ như chạy trốn đó của cô bé khiến ông ta càng gắng nhìn theo, cảm giác như mỗi ban sáng, không được thấy cô bé một lần, thì ngày đó ông sinh ra khó ở, hay cáu gắt, thậm chí không ngon miệng trong bữa ăn…Hai con người ấy biết rõ nhau, và họ luôn gặp nhau trong những thước phim cứ lặp đi lặp lại đã từ khá lâu như vậy. Cô nữ sinh nhập học được đâu nửa học kì, thì ông ta xuất hiện, ngồi đó, với cái ghế mây cũ kĩ, mọi tinh lực trong bộ khung to con đã sớm xuống dốc như tập trung cả vào đôi mắt có lẽ cả ngày cũng chỉ chờ lúc cổng trường kéo mở. Những lúc ấy, hẳn đầu óc ông lại gắng chắp nối để nhớ về những kỉ niệm một thời, khiến ông hé nở một nụ cười khó khăn đầy hài hước chen lẫn sự chua xót, mà hẳn ai đã sống đến độ tuổi ấy cũng có thể khó một lần tránh khỏi.

Bấy giờ là những năm cuối của cuộc chiến tranh gian khổ. Tại một hội nghị thi đua của tỉnh tổ chức giữa rừng; Hà Vinh Danh, Trưởng công ty Dược phẩm, chừng ba mươi tuổi, to con, đẹp trai làm quen với Lê thị Nhân, một cô dân quân từng dùng súng đại liên cùng chị em bắn cháy máy bay giặc, là người đã có một bản báo cáo thành tích chiến đấu khiến cử toạ vỗ tay không ngớt. Đó là một cô gái mặt trái xoan, mắt đen láy, mềm mại trong dáng đi thoăn thoắt. Sau hội nghị, dù Nhân quê tận cuối tỉnh, một làng cát cách xa công ty Dược phẩm cả trăm cây số, đi lại trong chết chóc bom đạn vô cùng khó khăn, nhưng chẳng gì ngăn nổi tình yêu. Rồi họ thành vợ chồng; và sau ngày chiến tranh kết thúc, họ đã có với nhau ba mặt con. Cô du kích đẹp gái ngày nào sống ở vùng quê cát mênh mông heo hút, theo tháng ngày, dung nhan xuống dốc rất nhanh với khuôn mặt dãi dầu, mái tóc khô bay trong nắng gió đầu sông cuối bãi; trong lúc ông Trưởng Công ty Dược phẩm của tỉnh ngày càng bệ vệ, béo trắng ra. Thủa chiến tranh nếu có phải  xa nhà vì bom đạn, là có lí do; cơ mà thời bình, do chuyển hẳn về thành phố vừa xa vừa bận túi bụi ở cái thời bệnh tật nhiều thuốc men ít, làm sếp như ông làm sao còn thời gian gần vợ con được, lại không phải là lí do chính đáng chắc! Thế rồi mọi chuyện chuyển xoay, ông Danh đâm ra bê tha, hư hỏng. Một người đàn bà nhan sắc, trẻ trung theo đuổi, khiến ông xiêu lòng, cuối cùng ông tìm đủ cớ từ bỏ Nhân và ba con một trai hai gái để làm lại cuộc đời! Cái tổ ấm mới làm ông quên hẳn những kỉ niệm thời gian khổ, và ông tin rằng ông rất hạnh phúc bên người vợ trẻ biết tô môi, sơn móng tay, móng chân, lông mày kẻ chì than, biết vuốt ve mơn trớn những lúc chung đụng!...

          Trong khi đó, Nhân đành cam phận nuôi con một bề, bởi biết kêu ai; trách móc, chửi bới anh chồng bội bạc chán chê rồi cuối cùng vẫn phải lãnh đủ! Đàn bà mà! Trăm nỗi khốn khổ khốn nạn trên đời này cuối cùng không phải những người đàn bà ưỡn tấm ngực tong teo vắt kiệt từng giọt sữa nhai sắn lát, hột bo bo thủa đạn nổ bom rền ra nuôi bầy con bao nhiêu năm cùng trăm nghìn công việc có tên không tên ra gánh chịu, thì ai?! Và thế rồi như rất nhiều phụ nữ đáng thương và đáng kính ta vẫn gặp trong đời, Nhân căng sức nuôi con khôn lớn, học hành dần dà rồi cũng trưởng thành. Thằng đầu tôt nghiệp đại học, con bé kế học ngành kế toán, cả hai lăn lóc tháng ngày rồi ra cũng ấm chỗ với việc làm phù hợp. Riêng con bé út, nó khổ từ trong bụng mẹ, là bởi ông Danh bỏ mẹ con nó mà đi lúc nó đang trong bào thai! Nhân bảo nó là cục tôị trên đời, vì “tác giả” của giọt máu mong manh kia đã tìm cách vin cớ để li dị, cho rằng Nhân ngoại tình với dân quân du kích, chứ không phải con mình! Trời ơi! Nhân đã bò lết khắp nhà mà van cạn nước mắt với chồng hết một đêm trắng, tiếp một ngày dài giữa biết bao nụ cười rạng rỡ của dân làng ngày đầu tiên hoà bình trở lại; nhưng Danh vẫn giữ nguyên dòng máu cá lạnh tanh, rồi quyết tâm dứt áo ra đi! Con bé tội nghiệp đó, tên Nhung, là cô nữ sinh vẫn cúi đầu bước vào cổng trường sư phạm mỗi sáng trước con mắt của người đàn ông mà đến đây hẳn bạn đọc cũng đã biết, chính là ông Trưởng công ty Dược phẩm của tỉnh một thời!

Không biết trên đời này có thực có luật quả báo không, chứ cái số ông Danh sao mà lận đận? Có với người vợ trẻ hai mặt con, trai gái đủ bộ, những tưởng sẽ hạnh phúc, nhưng hình như không phải. Thiên hạ đồn rằng con Hồng Đào thì con ông rõ ràng, chớ cái thằng Vinh Dự đẻ sau, thì mặt ông nào đó thôi, là vì nó choắt, da lại đen đen, mắt thao láo, chả nét nào giống ông Danh cả. Ông quyết không tin, bởi đời này thiếu chi cái sự lạ, hình dáng, mặt mày, tóc tai, răng lợi cha con không giống nhau thì đã sao! Có vợ chồng nhà nọ đen thui, con đẻ ra lại trắng trẻo, có đứa bé người ta bảo nó rất  giống ông cố ông sơ của nó chết từ thơì vua Bảo Đại mang quần đùi, chứ chẳng giống ai trong nhà… Thiên hạ chỉ lắm chuyện. Họ thấy ông sướng, nhà cửa đàng hoàng, vợ đẹp con khôn, nên cứ ghen tuông mà thêu dệt lung tung. Đi nghe mấy kẻ thối mồm, thì có mà xẻ nghé tan đàn. Ông chịu đao búa dư luận quen rồi, chịu tiếng xấu bỏ vợ bỏ con theo gái quen rồi, kiểm điểm phê bình lên bờ xuống ruộng chai lì rồi, sợ gì! Ông nói trời sinh tao da dày như da voi nhé, đạn bắn không thủng, sá gì miệng lưỡi ngoắt ngoeo!

Nhưng phải tới lúc bà vợ quý của ông, sau ngày trên buộc ông phải về vườn sớm vì nhiều tội trạng, đau ốm liên miên với đồng lương còm, trong một cơn thịnh nộ, đã công bố “sách trắng”, ông mới dài mặt ra:

- Thằng Dự không phải con ông đâu. Tôi nhắc lại, thằng Dự không phải con ông đâu, nhá!

Nghe vậy, ông Danh lăn đùng, bọt mép sùi lên như bọt xà phòng, mắt trợn trừng nhìn trần nhà xoay xoay!...Đận ấy ông phải ôm giường sắt bệnh viện mất nửa tháng, may mà cái lưỡi hái tử thần đang treo ở nhà khác.

Mặc dù thế, lúc khoẻ lên, ông Danh đã kịp xốc lại tinh thần, cố nhiên không khỏi buồn phiền. Ông cho rằng thiên hạ lắm người cũng thế, nhân vô thập toàn, đòi hỏi gì cho lắm. Ừ, thì cứ cho thằng Dự không phải con ông, nhưng nó vẫn sà vào lòng ông gọi ba ba, cười nheo mắt với ông đó thôi. Với lại rất có thể đó không phải sự thật, thì giống đàn bà mới dám nhơn nhơn nói ra, chứ ai đời… Còn con mụ vợ điêu toa kia (ông rút ra nhận xét này khoảng mươi năm nay) cho mày cứ lu loa, ngoa ngoét đi, tao không nhờ mày. Nói vậy, là bụng ông nghĩ tới bọn thằng Hùng, con Nhã, con Nhung ông sai lầm vứt lại bên triền cát bỏng kia bao nhiêu năm nay: Gì thì gì, chứ cha con máu mủ ruột rà, đâu chúng nó nỡ bỏ rơi mình.

Nhưng mà  mọi thứ không như ông nghĩ.

Trước hết, là cặp đôi Hồng Đào và Vinh Dự. Con Đào mồm rộng, ăn quà như ngoé, gọi bạn trai vào phòng cho coi “chỗ kín” từ thủa mới mười ba, đến năm mười lăm tuổi, thì phải ôm bụng vào viện để “giải quyết” hậu quả! Kết cục là học hành dở dang, rồi theo một gã vô nghề nghiệp vào tút trong Nam không tăm tích, coi như đứt luôn. Riêng Vinh Dự, mới cực kì tai hoạ. Nó chẳng thèm học lấy nửa chữ, tụ bạ với bọn đầu trọc choai choai, sẵn sàng ăn trộm bất kì thứ gì của bất kì ai. Đã mấy lần, Dự vung con dao Thái sáng loáng lên trước mặt mẹ nó, để lột lấy chiếc dây chuyền mỏng như tơ nhện, hoặc nói cộc lốc một câu “Không đưa tiền, đây chết ngay trước mặt cho bà xem!”, rồi thọc tay vào áo mẹ, vét tận tờ bạc lẻ nhàu nát cuối cùng còn lại. Danh tính nó có trong “sổ đen” của công an phường.

Còn Bà Liên, Lưu Bạch Liên, nhân vật ta chưa nhắc đến, hương sắc một thời, ăn chơi có hạng, suốt ngày ngồi một chỗ dằn vặt mình ngu, ngu hơn bò, thời xuân xanh, vì sao đi chê dài anh X., nay đang là Vụ trưởng Bộ nọ, rồi đâm đầu vào gã hâm bán thuốc xức mụn nhọt, giang mai, lang ben, hắc lào, ghẻ lở…tức chửi khéo ông Danh cán bộ dược phẩm!

Hai ông bà chia nhau hai phòng, bà tầng trên, ông tầng dưới, và luôn lánh mặt nhau, bữa cơm cũng không thèm ngồi với nhau! Có hôm ông Danh đi đâu cả ngày, bà Bạch Liên đi xài bát phở tái ngoài phố, thế mà lại thấy sung sướng.

- Cái lão ấy sao chưa chết, lạ quá? – Mụ lẩm bẩm - Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi…năm nay lão gặp hạn sao Thái Bạch nặng lắm đây – Mụ không che giấu câu rủa ấy với bất kì ai khi nói chuyện nhà. Có điều ông Danh đâu đã dễ chết, là vì ông còn có lí do để mà chưa chết.

Bà Nhân nhớ cái hôm ông Danh về lại làng cát Phù Hải sau bao năm “cao chạy xa bay”. Ông không dám vô nhà bà, chỉ ngồi ở nhà hàng xóm, nhắn “mẹ mấy đứa” gắng ra để nói chuyện với nhau. Trước đó, ông đã đánh tiếng xin lỗi rất chi chân thành rồi, nào tội ông rất to, rất đáng trừng phạt, chết cũng không oan…Cô dân quân trẻ trung, tươi như bông hoa đồng nội ngày nào giờ đã nhăn nhúm đôi gò má sạm sịt nắng mưa, dẫu đâu đã già, bỗng hừng lên chút nắng mùa đông muộn màng. Thế là nước mắt lại ứa ra sau bao ngày khô cạn. Nhân khóc cho thân phận mình, thương quá mấy đứa con côi cút vượt qua biết bao thác lũ đời người nay đã đủ lông đủ cánh nhưng trong tâm hồn trọn đời vẫn mang nặng vết chém thương đau!…Thời gian thế mà trôi đi nhanh lạ lùng; ngoảnh đi ngó lại, ấy vậy là đã hơn hai mươi năm. Cứ tưởng như mới hôm qua bữa nọ gì đó mà thôi. Không! Tất cả hãy còn đây: ngày gặp nhau trên Trường Sơn, trong kì đại hội thi đua, hồn nhiên lắm, rồi cái lễ cưới bên chiến hào, rồi đêm đầu tiên rụt rè, bẽn lẽn, thẹn thùng, đau ê ẩm khắp người, rơi cả nước mắt nóng hổi vào vai chồng trên tấm ván cửa gỗ kê đầu hồi nhà, trong tiếng bom rền lúc xa lúc gần…

- Chị qua đi. Anh ấy chờ cả sáng nay. Làm người sao khỏi lỗi lầm. Anh Danh anh ấy biết lỗi rồi; đánh kẻ chạy đi, ai nỡ đánh người chạy lại!

Ngồi lặng một lúc, rồi Nhân lắc đầu:

-         Không! Tôi có ai quen tên Danh đâu.

Bà hàng xóm nài nỉ:

- Thôi mà! Chín bỏ làm mười đi. Người ta quay lại, là người ta biết tìm về rồi. Anh ấy bảo, anh sẵn sàng quỳ lạy chị, dù bị chửi bới, đay nghiến, anh vẫn sẵn lòng tạ tội…Dù sao đó cũng là người chồng có cưới hỏi đàng hoàng; anh ấy nói cái bà Liên nọ chẳng qua do đeo đai lấy anh mà thôi, chứ danh chính gì đâu.

- Tôi không có chồng! Tôi đẻ con hoang!

Người kia vẫn dịu dàng:

- Tôi có dự đám cưới anh chị...Tôi phụ trách nấu mấy ấm nước chè xanh mà…

- Ừ, thì cũng có, nhưng…chết lâu rồi; con tôi mồ côi cha lâu rồi! Mọi chuyện chị biết cả đó thôi!

- Chị ơi! Sông có khúc, người có lúc. Không lẽ cứ cố chấp mãi? Chị nghe tôi thử nào! Nghe tôi một lần thử! Chị Nhân!

Nhưng ông Danh thất bại hoàn toàn. Cuộc “hội đàm” bất thành, ông ra đi. Hôm ấy gió to, biển động, bao nhiêu lá xanh lá vàng bay tơi tả khắp các nẻo đường mịt mù cát bụi. Bà Nhân có nghé mắt theo, quả thực không nhận ra chút gì bóng dáng xưa nữa. Bà thấy may, đúng đó chỉ là một kẻ xa lạ, một người đàn ông thoáng gặp trên đường ở một nơi một đi không hề trở lại!

 

*

 

Đã quá quen thuộc, người phục vụ lách qua tấm màn hoa, bưng li café ra, đặt lên bàn nơi góc quán, đúng vị trí ấy. Những giọt đắng bắt đầu nhỏ chầm chậm, như trái tim tử thương của người ngồi đó cũng đang chầm chậm rõ máu. Ngoài đường đầy nắng mới, và tiếng nói cười xôn xao, và bao ánh mắt vô tư nhìn trời xanh trong vắt. Đừng làm hỏng tuổi thanh xuân đi, các cháu nhé. Đừng! Hết sực cẩn trọng. Cuộc đời đầy cạm bẫy. Một ông nhà văn từng nói rất hay, rằng tuổi trẻ hỡi, bạn hãy còn rất nhiều thời gian để mà…lầm lỗi! Trời ơi! Sao hay vậy? Tuổi trẻ của ta đầy lầm lỗi, không, tội lỗi! Giờ thì đã nom thấy con đường dẫn ra nghĩa địa rồi; ai cho ta làm lại cuộc đời?!... Ông Danh rướn người lên, ngó theo đoàn sinh viên, mấp máy đôi môi. Rồi ông căng mắt tìm một bóng dáng. Sao không thấy? Hay nó có làm sao rồi? À, kia rồi. Nó kia rồi. Nhung! Ba đây con ơi! Ba của con đây. Sao xa xôi thế? Sao tôi không đến được với con tôi? Nó cách tôi có hơn chục bước chân, mà như tận bên kia trái đất!...Con ơi! Trời ơi!

Đường vào trường vắng dần. Tách café nguội ngắt một góc bàn trong cái quán chỉ còn một bóng người với mái tóc điểm bạc bơ phờ!

Nhung kể hết mọi chuyện cho mẹ nghe, nào “ông ta” ngồi đâu, mắt mũi ra làm sao, nhìn như nuốt lấy con như thế nào…Nó tính tìm đường đi khác để vô trường, nhưng ngặt vì không có, thành thử sáng ra, cứa phải đi nhanh qua đúng cái nơi “ông ta” ngồi bên li café. Nó nghe lời mẹ, từ chối thẳng thừng những lần ông Danh hẹn gặp; và bà Nhân, vốn không tin, nên luôn tìm cách kiểm tra xem con nói đúng sai. Bà cho Nhung ăn mang rất mốt, guốc cao đúng bảy phân, cả son phấn, loại hàng hiệu, cần gì có nấy, cho cái lão khốn kia lác mắt ra; nhưng mà Nhung thẹn, không chịu, bảo đi học chứ đâu phải đi dạ tiệc.

Ông Danh đã gõ cửa thằng Hùng, cả con Nhã nữa, mà bọn chúng không tiếp. Cái bà Nhân này ghê thay! Ông rên lên khi bị lũ con xua đuổi một cách khéo léo mà dứt khoát. Ông làm sao biết bà Nhân đã cột vào ngón tay ba đứa con sợi chỉ đỏ từ ngày còn bé bỏng, buộc thít đến nhức nhối, rồi dặn: “Không bao giờ được quên nỗi đau cha vứt bỏ con đầy đau đớn này!”. Rồi bà bắt chúng giữ lấy những sợi chỉ ấy, cất vào đáy hòm, như chứng tích của một lời nguyền!

Vậy là mọi con đường về lại chốn xưa bão táp hận thù đã xoá sạch dấu vết. Cái quán café nhỏ bé bên ngoài cổng trường sư phạm tỉnh là nơi cuối cùng dành cho một con thuyền đời sắp vỡ vụn không còn bến đợi.

Ông Danh chỉ dùng độc loại café đen đặc sánh không đường không đá. Sáng nào ông cũng đến đúng giờ để dốc cạn chén tân toan như tự trừng phạt! Thoạt tiên, nó nằm nơi đầu lưỡi, rồi vị đời sặc mùi ngải đắng rỉ xuống họng, hình như sau đó nó vào phổi, ai bảo không, bởi nghe quặn thắt nơi ngực, tưởng đâu sẽ đóng băng lại, nhưng rồi nó xuống dần, cuối cùng mới chịu nằm yên trong cái bao tử rỗng. Phải dềnh dàng như thế, phải chu du như thế, để khắp lục phủ ngũ tạng của ông ngấm hết nỗi buồn phiền của số kiếp!

Mỗi khi đi vào trường, tuy chẳng ngó nhìn, nhưng cô sinh viên bé nhỏ nọ vẫn có trong đáy mắt hình ảnh “ông ta” đang ngồi kia; và thành quen, lần nào Nhung cũng cúi đầu bước vội, như một lời khước từ, lại như xin ông đừng ngồi đó nữa, hãy coi như không có tôi trong cuộc đời ông đi. Và rồi lời cầu xin thầm lặng “đừng ngồi đó” không ai nghe kia hầu như ứng nghiệm. Một dạo sau, lúc phượng vĩ đã bắt đầu lú nhú thắp hoa lửa bên đường, Nhung cảm thấy, rồi ngó thấy cái ghế mây cũ kĩ trong góc quán trước mặt trở nên trống vắng. Hôm đầu, Nhung ngờ chủ nhân của nó chưa tới, hôm sau lại cho có thể do bận việc đột xuât, hôm tiếp nữa, Nhung đứng lại nhìn kĩ, mới thấy có một vị nào lạ hoắc ngồi vào thế chỗ rồi. Thế là đâm ra suy nghĩ, rõ ràng không thể không động não. Trăn trở suốt đêm, cuối cùng Nhung đánh bạo vào hỏi nhà hàng:

- Thưa chị. Cho em hỏi, chứ cái bác hay ngồi chỗ góc uống café hàng sáng sao độ ni không thấy tới hả chị?

Chủ quán, một phụ nữ trạc ngoài ba mươi, trả lời:

- À, ông Danh Dược.

- Bác ấy tên…Danh, ngày trước làm việc ở…- Nhung ngập ngừng.

- Vào đây uống có hai Danh, ông Danh Dược và ông Danh Chấm Phẩy. Chứ cô là thế nào với Danh Dược? Mà hỏi chi?

- Em là cháu trong họ với bác ấy. Lâu nay thấy bác uống đây, nay không thấy, em hỏi thăm thôi.

Chị nhà hàng trợn mắt lên:

- Thế mà cũng cháu à? – Chị ta chỉ tay về phía mặt trời lặn – Thăm thì đi nhanh lên bệnh viện, nhá ông ấy nghe nói đang thở oxi trên đó.

Nhung tái mặt:

- Thật sao chị?

- Lại chả thật. Bị tai biến não nặng lắm, mấy hôm rồi.

Nhung vào lớp, nhưng như ngồi trên lửa, thế là bỏ về, chạy ngay đến bệnh viện. Vấp liên tiếp mấy cái, mắt nhìn quáng quàng, hỏi líu miệng mấy nơi, cuối cùng Nhung cũng có mặt trước con người mà ngày còn bé dại, mẹ từng cột sợi chỉ đỏ vào ngón tay dặn năm lượt bảy lần, rằng đừng bao giờ xáp mặt!

Không có ai trong gia đình cả. Nhung nghe nói vậy, chứ đâu có hỏi. Trên chiếc giường chuyên dụng inox sáng loáng kê nghiêng, một thân hình trắng toát trong trạng thái rũ sạch bụi trần - mọi vinh nhục trên đời mà ông, xét tận cùng, là do thiếu thông minh nên trót trở thành gánh nặng phải chuốc vào thân! Nhung bắt bàn tay lạnh giá của ông đặt vào lòng tay mình, lần đầu và cũng là lần cuối, nắm lấy, nắm chặt lâý, rồi gục đầu vào ngực ông. Nước mắt chảy nóng hổi trên gương mặt thiếu nữ dịu hiền khiến không sao chặn nổi một tiếng kêu thương não nề:

- Cha ơ…ơi! …

 

Đồng Hới, tháng 11-2010

               H.T.S.

 

Hoàng Thái Sơn
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 197 tháng 02/2011

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground