Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Những bậc thang màu trắng

 

N

àng ngồi nơi cầu thang, bậc thứ hai từ dưới lên, chân để chạm xuống nền, tay trái vòng ôm bụng, tay phải chống cằm. Ở tư thế ấy, có vẻ như nàng nửa đang suy nghĩ, nửa lại thong thả. Những bậc thang màu đá trắng lạnh toát trong đêm. Trăng ngoài cửa sổ hắt vào, đổ một ít ánh sáng lên phía sau chỗ nàng ngồi, chính xác là trăng quệt một vệt chéo băng qua bốn bậc thang ở giữa. Và cũng nhờ có trăng, nên nàng bớt thấy cô đơn ngay trong căn nhà của mình. Hôm nay nàng chở bé Mầm đi chơi công viên suốt chiều, về đến nhà, ăn cơm xong là Mầm ngủ say giấc. Chỉ còn nàng, một mình nàng thức với ánh trăng đang đổ vệt trên cầu thang trắng.

Ngôi nhà xây cách đây ba năm, màu sơn tường vẫn còn mới, chỉ có một góc phía sau do ẩm nên có đám xỉ xanh nhạt. Nhưng chẳng ai để ý. Cái khiến người ta để ý nhất khi bước vào nhà là cầu thang. Màu trắng. Có người nói màu ấy sạch sẽ, có người lại không thích, bảo màu trắng buồn. Song, với nàng thì màu trắng tượng trưng cho sự thánh thiện. Và nàng có thói quen ngồi nơi thềm cầu thang ấy. Cũng vì sở thích của nàng nên chồng mới đồng ý xây cầu thang, chứ thực ra nó là phần thừa trong căn nhà một tầng này. Nàng nói với chồng, thì cứ xây sẵn cái cầu thang, để khi nào có tiền làm thêm tầng hai luôn. Đằng nào mình chả phải lên lầu, khi con nó lớn. Xây sẵn cái cầu thang để đặt cái tiền đề như thế mà phấn đấu lên được lầu.

Đôi vợ chồng trẻ chưa đầy ba mươi tuổi, với một bé gái mười lăm tháng mà xây được cái nhà kiên cố ở phố thì cũng đáng khen. Chính nhờ vợ chồng cùng chí hướng làm ăn. Chàng là cán bộ nhà nước, nàng tốt nghiệp ra trường chưa có việc. Cưới xong được bao nhiêu của hồi môn gom góp lại, chồng cầm sổ lương vay thêm tiền mở một quán net cho vợ ở nhà quản lý. Rồi khấm khá hẳn. Đến khi xây được nhà xong, nợ nần trả cũng vơi đi nhiều, tưởng như đang lúc thịnh thì chàng bỏ mà đi. Hôm ấy hai mẹ con về quê, chồng ở lại phố đàn đúm với bạn bè về muộn, rồi trúng gió đổ gục xuống cầu thang. Thế là đi. Bỏ lại người vợ xinh và bé Mầm mới biết gọi bố.

Mới đó mà đã ba năm rồi. Nàng đã vơi bớt nỗi đau mất chồng. Ngày ngày quản lý quán net bận rộn, chỉ đêm về, nhìn cái cầu thang màu trắng nàng mới thấy trống trải, lạnh lẽo. Giá như... Nhưng nếu cuộc đời có thể “giá như” được thì người ta đã chẳng nuối tiếc, và con đường của mọi người sẽ rất phẳng, chẳng có gì cần thiết phải kể lể dài dòng.

Đối với nàng bây giờ, bé Mầm là niềm vui lớn nhất, niềm an ủi cho nàng và cũng là điều động viên nàng sống lạc quan lên. Bé Mầm còn nhỏ, hằng ngày quấn quýt lấy mẹ. Tiếng gọi “ba, ba” bập bẹ hôm nào đã quên khuấy đi mất, giờ Mầm chỉ còn biết gọi mẹ. Nhưng một lần, khi nàng đang nựng Mầm thì đột nhiên bé nhìn thẳng vào mắt mẹ kêu “ba” khiến nàng giật mình. Nàng lo lắng cho con. Rồi đây bé Mầm sẽ nhận ra sự hụt hẫng bởi thiếu cha, thiếu một bến bờ yêu thương. Chắc bé sẽ tủi thân lắm. Nàng làm mẹ, dù có cưng chiều, có dành cho con bao nhiêu thứ thì vẫn không sao lấp đầy khoảng trống mà bé Mầm rất cần để được như bạn bè. Nàng nhớ có lần cô bạn, là giáo viên mầm non kể, có một cháu khi đi nhà trẻ hôm nào mẹ cũng đưa tới lớp và đón về. Bỗng một hôm bé hỏi sao ba không đón con hả mẹ? Thế là ngày hôm sau người bố phải tức tốc xin nghỉ phép vài ngày, từ xa trở về để đưa đón con. Bất cứ ai đã làm mẹ đều hiểu, con cái là tất cả của đời mình, là tương lai của mình. Giống như người trồng lúa gieo hạt rồi phải luôn chăm sóc ngày ngày. Hễ lúa có biểu hiện còi cọc là người nông dân buồn lo. Làm mẹ, chao ôi thật khó. Đối với nàng bây giờ trách nhiệm ấy phải nhân lên gấp đôi. Chẳng biết nàng có thể cáng đáng nổi phận sự ấy không. Nàng nghĩ, giá như cái món nợ tiền bạc hồi xây nhà có nhiều gấp hai lần thì nàng cũng chẳng lo, chứ việc đắp bù thêm tình cảm người cha cho bé Mầm thì khó. Hèn gì nhà Phật bảo món nợ lớn nhất của đời người là tình cảm.

Khi bé Mầm được hai tuổi rưỡi thì nàng bắt đầu dạy cho con hát. Trong những đêm cô tẻ giữa phố phường, tiếng hai mẹ con vui đùa ca hát cũng khiến cho căn nhà rộn rã hẳn. Mẹ hát một câu ngắn, con bập bẹ hát theo. Giọng bé Mầm chưa rõ lắm, nhưng chính cái ngọng nghịu ấy mà nàng thấy vui. Nàng dạy cho con những bài hát của trẻ nít. Hết con cò bé bé lại đến con chim nó hót. Bé Mầm tỏ ra thông minh, đụng cái gì cũng hỏi. Hôm nàng dạy bé hát bài nắng sớm lên rồi, Mầm hỏi mẹ nắng là gì? Và nàng phải đợi đến sáng hôm sau, khi con tỉnh giấc mới chỉ vào vệt nắng đổ qua khung cửa sổ ngự nơi chân cầu thang để trả lời cho bé biết, nắng đấy. Bởi sự tò mò con trẻ ấy mà nàng không dạy cho bé Mầm những bài hát liên quan đến cha. Cứ sợ bé hỏi thì nàng chả biết phải trả lời ra làm sao.

Nàng gửi con tới trường mẫu giáo sớm hơn những đứa trẻ khác. Mầm mới ba tuổi thôi, nên nàng gửi vào lớp nhà trẻ của ngôi trường tư thục trong phường. Nàng muốn bé Mầm có thêm bạn bè, có thêm nhiều trò chơi chứ không phải suốt ngày chỉ quẩn quanh bên mẹ. Lại nữa, dạo này quán net đông người. Đã vào năm học mới, lũ học trò tới quán chơi game nhiều hẳn, có khi chúng ngồi hết máy. Học trò bữa nay thật lạ, cứ nói tục chửi thề rôm rốp. Nàng sợ con ở nhà lại nhiễm thứ âm thanh ấy. Buổi chiều nàng đóng quán sớm hơn để đi đón bé Mầm.

***

Sau sự cố sấm sét, máy vi tính ở thành phố hỏng rất nhiều. Có máy cháy modem mạng, có máy cháy card mạng, máy thì chết nguyên cái ổ cứng. Quán nàng có hai chục máy, cháy modem  tổng. Nàng bấm điện thoại gọi cho viễn thông về sửa. Thay modem xong, chỉ được mười ba máy chạy được bình thường. Còn bảy máy cháy card không thể vào mạng được. Nàng phải gọi cho công ty lắp đặt bảo hành máy tính về xem.

Nửa tiếng sau anh nhân viên của công ty máy tính đã tới. Anh giới thiệu mình tên Trắc, tức trắc ẩn ấy, phụ trách kỹ thuật của công ty lắp đặt bảo trì thiết bị vi tính. Nàng rót cốc nước mời Trắc:

- Anh uống nước đã. Hẵng lát rồi xem giúp mấy cái máy cho em.

Trắc độ ba nhăm tuổi, người hơi gầy, nước da ram rám, và đặc biệt dễ thấy nhất là đôi môi thâm đen vì thuốc lá. Uống một cốc nước mà anh ta đã châm liền hai điếu. Nàng vốn ghét người hút thuốc, nhưng sao bây giờ trông Trắc hút nàng lại không hề tỏ vẻ khó chịu, ngược lại, càng thấy cái anh này hiền hiền sao ấy. Trắc hỏi mượn nàng cái gạt tàn. Nàng bảo:

- Cứ gạt giữa sàn nhà anh ạ. Chẳng ngại đâu. Hồi mới mở quán em cũng sắm mỗi bàn máy một cái gạt tàn. Nhưng bọn chơi game cứ tiện đâu xả đó, thành ra em cũng không bày ra nữa. Chịu khó mỗi ngày quét nhà đôi ba bận, chứ mình bắt buộc chúng nó là lại mất khách.

Trắc liếc mắt qua bàn vi tính bên trái, thấy có một vỏ bao thuốc rỗng. Thế là chàng gạt vào đấy.

- Tôi không quen gạt tàn bừa bãi chị ạ. Cái tàn thuốc độc hại lắm. Mình hút đã làm khổ mình rồi, mắc mớ chi làm cho người ta khổ nữa, đúng không?

Nàng mỉm cười. Mười người hút thuốc mới có một người ý tứ như vậy. Và giữa đời này có mấy ai biết nghĩ cho người khác kiểu như thế. Nàng thấy mến cái anh thợ kỹ thuật này ngay từ lần đầu tiếp xúc. Nàng nghĩ, người mà biết như thế chắc sẽ sửa chữa máy móc cẩn thận lắm đây. Đáng tin.

Trắc sửa chừng một tiếng đồng hồ thì các máy đều vào mạng tốt. Nhưng chàng lại phát hiện có đến phân nửa số máy ở đây bị nhiễm virus nặng. Máy tính kết nối Internet thường bị mắc lỗi như thế. Chàng có ý sẽ quét virus cho mấy cái máy đó. Nhưng ngó đồng hồ, đã trưa, chàng xin phép đi ăn cơm, đầu giờ chiều sẽ quay lại xử lý virus. Nàng vội giữ Trắc ở lại dùng bữa trưa với hai mẹ con cho vui luôn. Trắc tỏ ra ngần ngại.

- Tôi đi ăn ngoài cũng được chị ạ! Cơm bụi buổi trưa quen rồi. Ăn xong về công ty ngã lưng lát là qua bữa trưa ấy mà.

Nàng một mực giữ chàng ở lại:

- Nhà em chả có ai đâu mà anh phải ngại. Hai mẹ con thôi.

Trắc giúp nàng khép cửa quán net, rồi đi qua ngôi nhà kế bên. Ấn tượng đập vào mắt anh là cầu thang. Trắc không để ý lắm đến cái màu trắng của nó, mà anh chỉ hơi thắc mắc sao làm cầu thang kiểu lạ vậy. Bình thường nếu người ta làm sẵn cầu thang để sau này xây lên gác hai thì phía trên cầu thang phải để một cái mái nhỏ. Đằng này nhà chị ta lại đổ trần bê tông kín mít. Chỉ cần nhìn thôi đã thấy nó cùn cụt. Còn theo dịch lý mà nói, thì làm như thế là không có hướng sinh. Đường yểu. Trắc nghĩ thế vì chàng có quan tâm và nghiên cứu về chuyện dịch học và tâm linh. Nhưng chỉ nghĩ thôi chứ anh không nói ra. Mới gặp lần đầu mà chê nhà người ta, lại chê trúng cái điểm căn bản thì dễ mất lòng lắm.

Trắc dùng bữa với hai mẹ con. Bữa cơm đạm bạc, có tôm rim với thịt heo, cá bống kho nghệ, canh rau tập tàng nấu thịt bò. Trắc định khen vài lời sau khi ăn thử qua một lượt các món. Quả thật là rất ngon, hợp khẩu vị. Thế nhưng anh lại sợ bị người ta nghĩ là khen chiếu lệ, cho ăn thì khen. Nàng hỏi anh ăn vừa miệng không? Lúc đó Trắc mới được dịp bày tỏ mấy lời thật lòng.

- Ngon lắm chị ạ, món nào cũng ngon nhưng riêng canh rau tập tàng thì trúng khoái khẩu của tôi. Lạ, người ta thích ăn sơn hào hải vị, còn mình cứ thích những thứ dân dã quê mùa thôi.

Nàng mỉm cười, giễu lại anh:

- Anh thích ăn rau hèn chi người ốm nhom như thế!

Trắc cũng bật cười theo. Anh thấy bữa cơm trưa hôm nay thật vui. Nó giúp anh xua đi cảm giác chán chường của ba năm cơm bụi vỉa phố. Và cái người phụ nữ đang ngồi trước mặt anh nữa, sao mà dịu dàng thế, đảm đang thế, lại vui vẻ nữa chứ. Anh ghét những người đàn bà xởi lởi đon đả quá mực, bởi nó làm cho người ta có cảm giác đề phòng. Thế nhưng sự vui vẻ của nàng thì khác, rất thân thiện, chừng mực. Và trong một thoáng giây, anh thấy tội nghiệp cho người phụ nữ này quá. Chợt anh nhớ câu thơ trong Truyện Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta, chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Người đẹp, hiền hòa lại phải chịu đứt gánh giữa đường sớm như thế. Bức ảnh người chồng của nàng đặt nghiêm ngắn trên bàn thờ, phủ vải điều đỏ che hết con mắt. Trắc nhìn lên, cũng chỉ dám lướt qua như một cái liếc nhìn trộm, sợ người phụ nữ phát hiện ra sẽ thấy khó xử.

Suốt bữa ăn, bé Mầm thi thoảng len lén nhìn Trắc. Mấy miếng cơm đầu Mầm nhai hơi uể oải, cơm đưa vào miệng bé ngậm lại, đưa mắt nhìn về phía người đàn ông lạ. Nhưng Trắc đã khéo nở nụ cười và dỗ:

- Ăn đi con kẻo chú ăn hết cơm bây giờ.

Nàng cũng đưa mắt nhìn con, thấy thương. Giá như cái vị trí ở chỗ Trắc ngồi là bố của Mầm thì hay biết chừng nào.

Sau bữa trưa, Trắc lại tiếp tục công việc của mình. Chính xác là công việc tự nguyện, nằm ngoài yêu cầu của khách hàng. Anh bật công tắc cho đồng loạt các máy vi tính khởi động, rồi lần lượt quét virus cho từng máy. Đến hai giờ chiều mới xong. Trắc dặn nàng:

- Tôi cài sẵn chương trình diệt virus tự động rồi đấy. Máy kết nối mạng là dễ mắc chứng vì virus lắm.

Trắc viết phiếu sửa chữa, thay bảy cái card mạng phải tính tiền, phần này nằm ngoài bảo hành chị ạ! Nàng không hề thắc mắc, cầm bút ký ngay vào phiếu, số tiền này sẽ thanh toán cho công ty của Trắc vào định kỳ sáu tháng một lần.

Ký xong, nàng rút ra một phong bao đưa cho Trắc:

- Anh cầm cái này uống nước cho vui.

Trắc đẩy phong bì về phía nàng:

- Cảm ơn chị. Nhưng tôi không nhận đâu. Đây là trách nhiệm của công ty, phải bảo hành cho khách hàng.

- Thì anh cứ cầm lấy. Lẽ ra em mời anh đi uống nước, nhưng chắc là anh bận việc nên hẹn dịp khác.

Nói xong nàng nhét phong bao vào túi áo của Trắc khiến anh không thể nào từ chối được nữa. Trắc chào nàng, định ra về thì nàng gọi theo:

- Quên mất. Anh cho em xin số di động. Có gì em liên lạc trực tiếp với anh cho tiện.

Trắc cho nàng số điện thoại và không quên dặn:

- Chị cứ gọi vào số máy của công ty. Lỡ lúc tôi bận thì sẽ có người khác đến bảo trì máy cho.

- Dạ. Em biết rồi. À, mà anh đừng có gọi em bằng chị xưng tôi như thế. Nghe khách sáo lắm.

- Ừ. Tôi về đây chị.

Trắc phóng xe ra khỏi vỉa hè và nhằm về hướng công ty. Nàng vẫn đứng ở đó một lúc rồi mới quay vào. Tự nghĩ, người đâu mà thật thà thế. Giữa phố phường này, kiếm người thật thà khó lắm. Ai đã lên phố đều ít nhất có chút mánh lới ma lanh. Không thì khó sống nổi với chốn tất bật chen đua nơi đây.

***

Nhận xét của nàng quả không sai. Trắc vốn là con nhà nông dân thứ thiệt. Quê anh ở cách thành phố mười hai cây số. Hằng ngày cứ sáng là anh chạy xe lên công ty, trưa cơm bụi, đến tối mịt mới về nhà. Chính vì xuất thân như thế, bám quê mà ở nên tính anh hiền lành chất phác và có phần hơi nhút nhát. Trắc tốt nghiệp Đại học tổng hợp, ngành Tin. Ra trường nhằm vào cái lúc người ta không nhận dân Tổng hợp vào ngạch giáo viên nữa. Thế là anh lận đận tìm việc. Trắc không thân thế, nhà chả có bạc tiền, nên nói chạy việc nghe xa vời. Anh bám quê làm ruộng, hát về cây lúa hôm nay. Ông bố đấu thêm ba sào ruộng hợp tác, khai hoang thêm được nửa sào đất bãi. Làm ruộng thì có gạo ăn, nhưng để khấm khá thì khó. Thế là Trắc nuôi thêm bầy vịt. Nuôi được hai lứa, đến lứa thứ ba lại mắc bệnh dịch. Đành bỏ hẳn chăn nuôi. Năm năm trời như thế. Cái bằng đại học nhét vào một góc tủ mà cất. Cuối năm dọn dẹp nhà cửa, lục ra, Trắc thấy cái bằng, mới giật thột hóa ra mình đã tốt nghiệp đại học cơ đấy. Kẻ sĩ khi không được làm cái mình đã học thì quên khuấy bằng cấp, mặc dù kiến thức thì cũng chỉ vơi vớt đôi ba phần.

Sau tết năm đó anh lên phố kiếm việc, nghĩ phải tận dụng cái mớ kiến thức bốn năm đã theo đuổi ở trường đại học. Mà trường tổng hợp, lúc đó bài bản lắm chứ bộ. Trắc vào công ty cung cấp lắp đặt máy tính, chìa cái bằng ra cho anh giám đốc xem. Anh chủ lướt qua rồi trả lại cho Trắc. “Cái này tốt rồi. Nhưng anh không cần. Chú em vào thử làm cho anh vài thứ xem sao”. Trắc ngồi vào bàn máy vi tính. Anh huy động tất cả kiến thức và kỹ năng đã lâu chưa dùng đến. Hai tiếng đồng hồ sau. Khi nhận thấy Trắc hoàn thành hơn bảy mươi phần trăm các công việc đặt ra, người chủ đồng ý nhận Trắc vào làm nhân viên kỹ thuật.

Ba năm rồi Trắc làm ở công ty đó. Có lương, có đồng ra đồng vào, lại đỡ mang tiếng với bà con xóm làng ở quê là thằng cử nhân thất nghiệp. Nhưng làm cái anh thợ kỹ thuật ở một công ty tư nhân nhỏ tẹo giữa thành phố này thì lương cũng chỉ đủ xăng xe, cơm trưa, tháng dư đôi ba trăm bạc đem về cho mẹ thôi. Nhiều lần có việc đột xuất như đi ăn cưới, Trắc phải xin tạm ứng tiền rồi đến kỳ lĩnh lương đắp qua bù lại. Ba năm như thế, cộng thêm năm năm trời ở quê nữa, tính đến nay anh đã ngấp ngửa tuổi ba nhăm. Tiền không, tình không. Trong lúc bạn bè cùng trang lứa ở quê đã nên gia đình, có đứa sòn sòn cho ra ba đứa con rồi. Mà chúng nó chả học hành gì nhiều, chỉ tới ngang lớp chín thì bỏ dở làm thợ, rồi lấy vợ sớm. Khỏe re. Thế mà Trắc chưa hề có một mối tình vắt vai chớ đừng nói tính chuyện vợ con. Đó là bi kịch của trí thức mà thời nào cũng có. Một khi người ta theo nghiệp chữ nghĩa mà vỡ mộng, thì những thứ khác họ dễ bỏ qua. Âu cũng bởi cái anh trí thức là hay suy nghĩ phức tạp. Là cử nhân, mà ra trường không làm được việc đã được học, không có đồng tiền dư dật, lo cho bản thân đã khó còn đâu dám nghĩ đến chuyện cáng đáng cùng ai. Chẳng như anh lao động chân tay, ngày làm cật lực nhưng tối êm ro một giấc lại khỏe. Hồi mới bước sang tuổi ba mươi, khi còn giữ bầy vịt cỏ ba trăm con, Trắc cũng định lấy vợ. Thôi thì kiếm cô nào ở quê, lý lịch bần nông là được. Nhưng bần nông cũng không phải dễ. Gái quê có vài cô Trắc để ý tới thì họ lại không ưa, chê cái anh thư sinh dáng vẻ ốm yếu trói gà không chặt. Thế là Trắc lê vệt dài ế vợ cho đến nay thì đã chán ngấy chuyện tìm hiểu.

Lâu lâu bà mẹ Trắc cũng có nhắc khéo cho anh ta nhớ, rằng anh là con trai duy nhất, trước sau cũng cần lấy vợ, sinh cho ông bà đứa cháu đích tôn. Trắc im lặng không nói gì. Anh có học, có tiếp cận với văn minh thời đại, anh biết ở quê có nhiều quan niệm quá nặng nề không còn phù hợp nữa. Chẳng hạn như việc trọng nam khinh nữ, vợ chồng chưa sanh được con trai thì còn phải sòn sòn cho ra đến bao giờ được quý tử thì thôi. Trắc phản đối quan niệm ấy. Song, chuyện có cháu đích tôn thì anh không dám phản đối dù là trong suy nghĩ. Thì thử mà xem chuyện đang sờ sờ ra đây ai mà chịu nổi. Bố anh đường đường là vai vế anh cả trong dòng họ, cũng đã lục tuần, thế mà đến cái việc đánh chiêng đánh trống ở đình làng người ta chẳng thể giao cho cụ được. Ở quê, cái chức to nhất, vinh dự nhất, dù chẳng có lương bổng nhưng ai cũng muốn, đó là làm Đại bái làng, gọi ngắn là hầu Ngài. Chỉ cần Trắc có con trai, thì chừng hai ba năm nữa có khi ông bố được chức hầu Ngài như chơi. Có lần đi lễ chạp về, ông cụ dằn Trắc ra mà trách: “Anh phải sơm sớm, cho tôi được hầu Ngài, còn ra giữa đình giữa miếu với người ta nữa chứ?”

***

Buổi tối, nàng vẫn ngồi nơi chân cầu thang màu trắng. Nhưng hôm nay nàng thấy khang khác, có vui vui trong lòng. Lâu rồi mới lại có người đàn ông cùng ngồi ăn cơm trong căn nhà này với hai mẹ con nàng. Bé Mầm còn nhỏ, nàng không biết con sẽ cảm giác thế nào, chắc là hơi bỡ ngỡ trước một người lạ tự dưng ngồi chung mâm. Còn nàng, nàng biết rõ cảm giác của mình. Tuy chỉ mới lần đầu gặp nhưng nàng không hề cảm thấy lạ lẫm với Trắc. Từ khi chồng mất, nàng rất cảnh giác với cánh đàn ông. Cái ngữ đàn ông hễ cứ thấy gái là xông vào, nhất là trong hoàn cảnh như nàng, trẻ trung, có căn nhà kiên cố mặt phố càng kích thích niềm hiếu thắng của đàn ông. Ba năm qua, cũng đã có đến dăm bảy người nhòm ngó, có ý với nàng. Người thì bốn chục tuổi mất vợ, người thì ly dị vợ. Họ đều đã đổ vỡ một lần hạnh phúc rồi tìm tới nàng. Lại có anh đang vợ con đường hoàng như thế cũng muốn chèo kéo nàng. Đểu thế. May, nàng xinh đẹp mà không hề ngốc xuẩn, đứt gánh giữa đường mà chẳng dại buông triêng. Ngược lại, nàng đủ tỉnh táo và sẵn thông minh để đánh giá đàn ông ngay lần đầu gặp gỡ, qua ánh mắt, cử chỉ, giọng nói là nàng đoán ra người ta thuộc hạng đàn ông nào ngay. Có lần đi coi bói, bà thầy coi nàng hợp mạng với mụ bà cô nên có linh cảm đoán biết người đối diện. Lợi bất cập hại – bà bói nói thêm – chính cái linh cảm đó sẽ khiến cô khổ, ít nhất phải sang hai chuyến đò họa hoằn lắm mới tới bến yên. Nàng đặt lễ năm chục bạc rồi ra về, tự hứa sẽ chẳng bao giờ tin mấy trò bói toán. Mừng chưa thấy đâu đã phải chuốc sự lo âu. Nhưng kể từ khi chồng mất đột ngột, nàng mới nhớ lại lời bà bói hôm nào. Cũng đúng chớ bộ. So với đàn ông, đàn bà thuộc hạng cả tin và hễ tin một lần thì sẽ còn nhiều lần họ muốn tìm cái chỗ mê tín ấy mà tới. Có vài bận nàng cũng định tới lại chỗ bà lão mù nọ xem một quẻ, rồi nếu cần nhờ giải hạn dương sao cho luôn. Nhưng công việc quản lý quán net bận rộn quá, với lại nàng sợ lần này bà bói phán thêm cho bé Mầm nữa thì khổ. Mấy bà coi bói là dạn mồm dạn miệng lắm. Chuyện chẳng ai hỏi cũng nói. Cứ ỷ lời của thánh thần mà nói, chẳng sợ ai.

Hôm nay nàng gặp Trắc. Tiếp xúc với anh qua cách nói, nhìn anh say mê làm việc, và nhất là cái cách anh ý tứ khi bước vào căn nhà khiến nàng có ấn tượng tốt về Trắc. Khi Trắc chào về, nàng để ý thấy anh lên xe máy, đạp chân ga đến năm lần xe mới nổ. Tự dưng nàng thấy thương Trắc. Đàn ông ba nhăm tuổi mà chiếc xe đi cũng không nên thân. Rồi cái cách anh vụng về chối từ phong bì bồi dưỡng của nàng. Nó thật lòng đến tội. Những lần trước, cái cậu nhân viên cũng ở công ty của Trắc đến sửa máy, khi nàng đưa phong bao thì cậu ta vui vẻ nhận và ánh mắt cười rạng rỡ mừng húm.

Mười giờ đêm, nàng vẫn ngồi nơi bậc thang thứ hai. Màu trắng của những bậc thang ở sau lưng nàng giống một dải lụa. Bậc thang góc cạnh nhưng trong đêm, nó mang lại cảm giác mềm mại. Nàng ngồi chờ trăng lên. Đêm nay hai mốt. Trăng sẽ muộn lắm đây. Nhưng nàng vẫn đợi, vì lúc này hai con mắt của nàng vẫn chưa thèm ngủ. Ngồi không như vậy, và nàng càng nhớ lại chuyện lúc trưa. Cái anh Trắc kia, cũng chỉ là một người đàn ông trong hàng chục người đàn ông nàng gặp ngày ngày, nhưng sao lại khiến nàng phải để tâm nhiều như vậy.

***

Một buổi sáng chủ nhật. Như thường lệ nàng đóng quán net nghỉ ngơi để dành thời gian đem bé Mầm đi chơi đâu đó. Nhưng hôm qua mẹ của nàng ở dưới quê gọi điện lên bảo bà nhớ bé Mầm quá, thế là nàng đem Mầm về ở chơi với bà. Thành ra sáng nay nàng không có chương trình gì cả.

Nàng bật máy điện thoại bấm vu vơ, lướt qua danh bạ. Lâu nay nàng ít liên lạc với điện thoại. Nàng nhớ đến Trắc. Cũng được mươi ngày kể từ bữa anh đến sửa máy cho nàng rồi nhỉ? Chẳng biết hôm nay anh ấy có đi làm không. Nàng vẫn còn nợ Trắc một bữa đi uống nước.

Điện thoại rung. Trắc thấy số lạ.

- A lô.

- Anh Trắc phải không ạ!

- Dạ đúng rồi.

- Em là chủ quán net ở đường Hàm Nghi hôm bữa nhờ anh đến sửa máy đấy.

- À, à. Chào chị.

- Hôm nay anh có đi làm không?

- Có chị ạ. Mà không. Chỉ là đi làm quen, thành ra chủ nhật ở dưới quê không làm gì nên cũng lên phố vậy thôi. Đang ở công ty đây. Có việc gì không chị?

- Em mời anh đi cà phê một lát.

Họ hẹn nhau ở quán cà phê đầu đường Hàm Nghi, cách nhà nàng chừng trăm mét. Nàng đến sớm, chọn chỗ ngồi bên cạnh hàng hoa lan đất. Quán này không đẹp nhưng trồng những loài hoa dân dã mà nàng thích, với lại không gian rất yên tĩnh. Trong lúc chờ Trắc, nàng ngắm những bông lan đất đỏ tía, vuốt gọn như những chiếc móng tay xinh xinh. Và nàng có cảm giác đang hẹn hò của những kẻ say yêu. Một buổi sáng đẹp trời dễ khiến người ta nghĩ đến tuổi xuân và thứ tình cảm thú vị nhất của độ tuổi ấy. Sương vẫn còn đọng lại trên những chiếc lá, lem ra ươn ướt. Chủ quán bật nhạc. Nhạc Vũ Thành An, bài không tên. “Triệu người quen có mấy người thân”. Quả đúng thế thật. Kể từ khi chồng mất đến nay, nàng gặp gỡ nhiều, quen biết cũng kha khá, nhưng thân thiết thì ít. Bạn bè chí thân lại càng hiếm. Chính vì cái vốn bạn bè khiêm tốn ấy mà nàng thường đi cà phê một mình. Hôm nay hẹn cà phê với Trắc, nếu nàng nhớ không nhầm thì kể từ khi lập gia đình, đây là lần đầu tiên nàng đi cà phê với một người đàn ông chưa vợ. Ngay lúc này, nàng có một sự tò mò, hay đúng hơn là tính hiếu kỳ, thích tiếp xúc kỹ hơn với cái anh thợ kỹ thuật hiền lành. Dường như ở anh ta có một điều bí ẩn, và khuôn mặt toát lên một người giàu lòng trắc ẩn, như tên gọi của anh vậy.

Mùa thu, thiên nhiên có nhiều ân sủng cho những cuộc hẹn hò. Buổi sáng chủ nhật hôm nay là một minh chứng. Nắng nhẹ đủ làm cho những giọt sương khô từ từ, gió thoảng làm lung lay mấy giò lan treo bên mái hiên. Khung cảnh ấy, tiết trời ấy như kéo nàng trở về tuổi đôi mươi, chưa vướng víu gia đình, chưa hề có rạn vỡ, thuở ấy nàng hồn nhiên và pha chút khờ khạo ngại ngùng khi được một người hẹn hò. Rồi yêu nhau lấy nhau. Nàng yêu một người và lấy làm chồng. Đó là tiêu chí của những cô gái thông minh và nàng đã đạt được. Rất may mắn. Theo thống kê thì có chưa đầy mười phần trăm những mối tình đầu được thành đôi. Và nàng nằm trong con số ít ỏi ấy. Nhưng cái niềm hân hoan ấy chưa được bao lâu thì chồng ra đi đột ngột. Hạnh phúc bất ngờ thì đau khổ vô bờ. Ba năm qua, nàng nguôi ngoai ít nhiều. Nàng lạc quan hơn để sống và chăm chút cho bé Mầm – “kỷ vật” thiêng liêng của mối lương duyên đầu đời. Chỉ những buổi tối ngồi nơi bậc thang màu trắng, khi bé Mầm đã ngon giấc, nàng mới dám tỏ ra buồn, rơm rớm khóc. Sáng nay, nơi quán cà phê này, nàng đã vô ưu, thoát được cái sầu bi ấy. Và nàng cảm nhận được hơi thở mùa thu rất rõ của tuổi trẻ, mười năm trước nguyên vẹn sáng tươi.

Trắc đến.

- Chị!

Nàng cười, nheo mắt tỏ ý không hài lòng với cách xưng hô mà tuần trước đã nhắc khéo anh.

Trắc chữa lại:

- Em… đến lâu chưa? Tôi, à… anh lỡ tí việc nên hơi trễ.

Có chút luống cuống ngại ngùng trong cách nói của Trắc khi bỗng dưng đổi cách xưng hô đột ngột. Chính cái vẻ rụt rè ấy mà nàng càng thấy mến Trắc, tin cẩn ở anh. Triệu người quen, ai biết được đây là một người thân. Giữa phố phường kiếm ra một người để tri âm đâu phải dễ.

Họ chào nhau ra về sau chừng một tiếng đồng hồ nhâm nhi cà phê. Hai tách cà phê đen chỉ vơi đi chút ít. Chuyện trò cũng không nhiều, chỉ nhìn nhau. Ai cũng có ý muốn nán lại thêm chút nữa nhưng lại sợ người kia bận. Thế là hẹn bữa khác.

***

Trắc đến nhà nàng thường xuyên hơn. Ban đầu thì một tuần, dần dần hai ba ngày lại phải ghé qua quán net. Kiểm tra thử xem máy có lỗi gì không. Anh nói máy tính cũng giống như con người, nếu phát hiện có bệnh phải chữa ngay chứ không nó lây lan ra phá hỏng vài thứ khác. Những lần như thế chính Trắc tự nguyện tới kiểm tra chứ nàng không gọi. Nhưng nàng cũng thú nhận là chính mình có nhơ nhớ Trắc. Thấy có anh đến nàng mừng vui, giữ anh ở lại dùng cơm trưa cùng hai mẹ con. Bé Mầm lúc đầu lạ lẫm với Trắc, nhưng rồi cũng quen, bé mến chú thợ sửa máy. Lần Trắc đến, bé Mầm nhào tới ôm lấy anh như một người cha. Nàng đứng ở phía sau nhìn ra, cảm giác vui vui, sờ sợ, lại thương thương bé Mầm.

- Lúc nào rảnh anh ghé qua đây chơi với Mầm cho vui. Bé cũng quý anh lắm! - Nàng nói.

Trắc mỉm cười:

- Trẻ con dễ thương thật đấy.

Và ngay khi nói câu ấy, Trắc lại cảm giác có lỗi với bố mẹ, nếu ông bà có thêm đứa cháu chắc là mừng lắm. Nhẽ ra anh phải cho ông bà cháu bế cháu bồng từ lâu rồi.

Một buổi tối, hôm ấy trời mưa nên Trắc ở lại công ty chứ không về dưới quê. Anh chạy xe đến nhà nàng. Thấy nàng ngồi nơi cầu thang màu trắng, yên như hóa tượng. Ở tư thế ấy trông nàng đẹp cực kỳ, quả là gái một con trông mòn con mắt. Trắc đứng ngoài cửa nhìn sững một lúc. Nàng ngước đầu nhìn ra, giật mình khi thấy Trắc xuất hiện bất thình lình.

- Ôi, anh đến lúc nào. Mưa to quá không nghe tiếng xe anh đến. Vào nhà đi kẻo lạnh anh.

Trong đêm mưa, căn nhà của nàng giống như lạc lõng giữa phố. Nhưng nó không tẻ ngắt mà chính cái bối cảnh ấy làm cho căn nhà được một sự tự do nhất định. Trời mưa thì chẳng ai nhòm ngó vào đây làm gì. Nếu không, bình thường mà có một gã đàn ông đến vào buổi tối thể nào cũng có lời ra lời vào.

- Sao em lại ngồi ở cầu thang như thế?

Trắc hỏi. Chàng từng ấn tượng với cái cầu thang màu trắng, và bây giờ, khi chứng kiến nàng ngồi nơi bậc thang ấy thì anh có một chút thắc mắc.

- Là thói quen thôi anh ạ. Thói quen từ lâu rồi. Tối nào em cũng ngồi ở đó một lúc rồi mới đi ngủ được, như thể ai bắt vậy. Bà thầy bói nói đến lúc nào em thôi không ngồi nơi bậc thang ấy nữa thì đời sẽ có biến chuyển.

- Thế sao em không thử? Anh thấy ngồi ở cầu thang nó giống kiểu đang chờ một ai đó.

Nàng cười nhẹ.

- Vẫn biết thế. Em cũng muốn đừng ngồi ở đó nữa. Thế mà nhiều hôm đi nằm không ngủ được, lại phải bật đèn ra ngồi đúng bậc thang thứ hai.

- Anh… Anh sẽ giúp em từ bỏ thói quen đó. Mùa đông anh thường ở lại công ty, buổi tối anh sẽ đến đây nói chuyện với em, bao giờ em buồn ngủ thì anh về. Anh muốn em được quên cái cầu thang màu trắng.

Mùa đông năm ấy căn nhà của nàng không còn lạnh ngắt như ba mùa đông trước. Sự có mặt của một người đàn ông làm cho nàng và bé Mầm bớt lo sợ cái hớt hãi lê lết của mưa đêm. Và cơn sấm đất giữa mùa đã đốn ngã bản năng cứng cỏi của nàng, nhấc bổng đôi chân bám quỵ nàng khỏi những bậc thang màu trắng của phẩm hạnh. Trong khát khao mưa đêm, từng cơn giông gieo vào nàng sự trổi mầm roi rói tươi trẻ lãng quên từ ba năm nay. Nàng như một vòi cây bầu bí, cứ mơn mởn ngoi lên và quằn cong. Bên cửa sổ, mưa vẫn ạt ào trút nước.

Sáng hôm sau thì nắng lên. Trắc đã kịp bật chốt cửa trở về công ty trước khi bé Mầm tỉnh giấc. Nàng ỏn ẻn kéo chăn ra, ngửi một mùi là lạ, không thơm nhưng đáng yêu. Và cái ấm hôi hổi trong khoảng chăn bông kia vẫn còn, đậm sâu quấn lấy nàng thêm dăm mười phút nữa. Nàng rụt rè cười, cứ như sợ có ai biết mình đang vui vậy.

***

Trắc thưa chuyện với mẹ.

- Nếu con lấy người đã từng một đời chồng có được không mẹ?

Bà cụ im lặng một lúc lâu. Là đàn bà, cụ hiểu cái phận của giới mình. Hơn nữa, ở tuổi bà thì chỉ cần một đứa cháu bế bồng cho khuây khỏa tuổi già, chẳng mong chi hơn. Nhưng cụ bà không dám quyết. Cụ khuyên Trắc:

- Anh hỏi ý kiến bố anh xem sao. Mẹ thì… thế nào cũng được.

Ông cụ đi họp thôn. Trắc đã pha sẵn trà từ hồi nãy, ngồi giữa bàn đợi bố về. Cụ bước vào sân, thấy Trắc ngồi ở bàn giữa, đoán biết chắc anh cả có điều gì muốn thưa đây.

Trắc trình bày một hồi. Lời lẽ nhẹ nhàng, đôi chỗ anh run run nên giọng chùng xuống. Nghe xong, ông cụ bảo:

- Anh không tìm được đám nào khác à? Tôi ngại lắm. Còn bà con họ hàng xóm làng nữa. Người ta đồn đại, dèm pha. Cực.

Hôm sau Trắc lên cơ quan với vẻ buồn buồn. Nhưng chả ai nhận ra anh buồn vì kiểu mặt xương xẩu của anh, với cái dáng gầy gò lâu nay vốn đã thế rồi. Bình thường, người ta vẫn có cảm giác Trắc là kiểu người không thể buồn hơn được nữa. Cũng nhờ thế mà ngay cả nàng, dù đã tiếp xúc với anh hai tháng trời, gần gũi với anh lắm rồi, vẫn chẳng thể nhận ra sự sầu ủy nơi anh. Trắc không kể cho nàng nghe chuyện anh đã thưa với gia đình. Và nàng, nàng cũng không dám nghĩ là Trắc có thể làm chuyện đó. Nàng biết sẽ thật khó để có chuyện dài lâu với Trắc. Anh ấy là trai tân, chẳng lẽ dám gắn bó với gái đứt gánh đoạn đường như mình. Nàng xem Trắc như một người bạn, để chia sẻ những lúc vui buồn, vá víu khoảng trống nàng đang cần ở độ tuổi đương xuân. Còn cái đêm mưa giông bão ấy, nàng nghĩ, đó là một sự rung động quá mãnh liệt và cú liều lĩnh đáng sợ. Nhất quyết không nên xảy ra thêm lần nào nữa.

Nhưng nàng chẳng cầm giữ được lòng mình lâu. Trắc và nàng đã gần gũi lần thứ hai. Đêm ấy không mưa, không sấm sét. Chẳng có lý do nào để đổ tội cho ông trời sai khiến, chỉ có nàng biết, mình muốn Trắc. Và Trắc, tất nhiên cũng thế.

Trong lúc phấn chấn, Trắc đã không cầm được điều mình giấu diếm: “Anh sẽ lấy em”. Nàng chảy nước mắt. Trắc đưa lưỡi liếm quanh mi nàng. Cử chỉ ấy khiến nàng biết Trắc nói thật lòng, chứ không phải là do hưng phấn mà buột miệng ra. Nàng khóc, cũng không biết sao lại khóc vào lúc này. Buồn hay vui. Hay chỉ là một phản xạ rất tự nhiên của đàn bà.

Hôm sau, nàng hỏi bé Mầm:

- Con có muốn chú Trắc về ở với mẹ con mình không?

Bé Mầm nhìn chằm chặp vào mẹ, rồi trả lời:

- Con muốn về ở với ông bà nội.

Nàng thất vọng. Đúng ra là nàng hụt hẫng. Đừng tưởng trẻ con không biết gì mà dụ dỗ nó. Trẻ con rất nhạy và nó phân biệt tình cảm rất tốt. Lâu nay bé Mầm mến Trắc, nhưng sự có mặt của Trắc trong nhà này một cách thường trực thì nó không ưa. Nàng thì chủ quan. Cứ nghĩ bố Mầm mất khi bé mới hơn một tuổi, nó sẽ chẳng phân biệt cha đẻ với người khác đâu. Nhưng nàng đã nhầm. Nàng không có ý đánh lừa con. Khi nàng nói vậy với Mầm là vì nàng tôn trọng con, cũng là thử xem tình ý của con thế nào thôi. Khó khăn rồi đây. Giả thử Trắc lấy nàng thật, thì còn bé Mầm nữa, con nó đã không ưng ý làm sao sống với nhau.

Nàng còn nhớ lời của ông bà nội Mầm mỗi lần mẹ con nàng về thăm các cụ. “Nếu có ai thương thật lòng thì con cứ đi bước nữa. Đừng sống thế mà tội. Còn bé Mầm, nếu nó không chịu thì cứ đem về đây cho ông bà”. Nàng dạ vâng, nhưng nàng nhất quyết không rời bé Mầm. Không thể có một người đàn ông nào chia sớt tình cảm nàng dành cho bé Mầm và thay thế vào chỗ của con được. Nàng phải chăm sóc nuôi nấng con, dạy dỗ con được bằng người ta; đừng để con vì thiếu cha mà thua kém chúng bạn. Nàng thường xuyên mua cho Mầm những bộ áo quần mới, tranh thủ thời gian rỗi rãi chơi với con. Sẵn sàng đóng quán net vào những buổi tối và ngày chủ nhật để chơi với con, dù biết khoảng thời gian ấy là lúc quán net đông khách. Nàng nghĩ, chẳng nên bon chen nhiều với đời làm gì. Mình đã có một căn nhà nho nhỏ, tiền thu từ quán net ban ngày cũng đủ trang trải chi tiêu cho hai mẹ con và để dành dụm một ít. Cái nàng thiếu là một người chồng, thì đã có con.

Nhưng vấn đề mà Trắc đặt ra cái đêm hôm ấy, nàng chẳng hề xem nhẹ. Nàng tin là Trắc nói thật. Vu vơ mà nghĩ, nàng cũng thấy nó hay hay. Đàn bà sang tuổi ba mươi là chóng già lắm. Nàng sợ tuổi xuân trôi qua – đó không chỉ là nỗi lo sợ của riêng mình, mà tất cả đàn bà trên thế gian đều thế cả. Lòng kiên định của nàng chắc cũng có giới hạn, như những bậc thang màu trắng sẽ có ngày ố vàng đi theo thời gian. Không lẽ nàng cứ ngồi nơi bậc thang ấy để gìn giữ sự trung trinh của mình được mãi chăng?

***

Tháng củ mật. Ngày chạp mả dòng họ. Trắc xin phép nghỉ buổi chiều để về làng dự dễ chạp. Anh chạy xe từ công ty về, tới nhà thờ họ tộc thì các cụ đã khăn đóng áo dài chỉnh tề, đứng quây quanh căn bảy chứng kiến lễ tạ. Trắc thấy bố đứng một bên, vẻ mặt đăm chiêu nghĩ ngợi. Anh biết cụ đang buồn. Nếu như anh có con, chắc chắn giờ cụ đã lên chức trưởng tộc, và được quỳ ở đấy để thỉnh sớ hầu Ngài. Rồi anh lại nghĩ đến nàng. Nếu anh lấy nàng thì chưa chắc ông cụ đã dám nhận chức trưởng họ. Theo tục họ lệ làng, ai làm trưởng tộc hoặc đại bái làng thì phải có con trai, có cháu đích tôn. Hơn nữa, con cái phải thành thất tử tế. Trắc mà lấy gái đã qua một đời chồng, khéo rồi ông cụ xấu hổ chẳng dám vác mặt ra giữa làng giữa miếu nữa chứ đừng nói làm trưởng này trưởng nọ.

Ngày chạp mả có mâm xôi chén rượu. Ông cụ bố Trắc cứ thế mà uống. Ông vốn chẳng phải người nghiện, nhưng hôm nay, trong nhà thờ họ, ông liếc nhìn thằng con đang ngồi ở kia mà buồn với người ta. Thế là uống. Trắc dìu bố về. Anh cảm thấy cơn say này lỗi thuộc về mình.

Chạp mả xong, ngày mai là chủ nhật. Theo thói quen, và bây giờ còn vì có nàng ở trên phố, nên Trắc vẫn đến công ty. Anh tới thẳng nhà nàng. Hôm nay theo kế hoạch nàng sẽ đưa bé Mầm đến nhà sách cho bé tô vẽ màu. Nàng rủ Trắc đi cùng. Nhưng anh ngại. Tới nhà, chơi với bé Mầm thì nhiều nhưng nếu ra đường, đến một nơi khác cùng mẹ con nàng sẽ khó coi lắm. Anh nhủ hai mẹ con cứ đi, để anh giữ nhà cho.

Hai mẹ con đi một lúc, Trắc ngồi buồn không có việc gì, anh ngó lên trần nhà, thấy có mạng nhện bám. Thế là anh đi lấy cái phất trần, buộc vào sào tre để quét. Do sơ ý, cán tre đụng vào bức ảnh cỡ 20 x 30 treo trên tường, ảnh chụp bé Mầm lúc hai tuổi. Cái khung ảnh rơi xuống nền, vỡ toang gương kính. Trắc luống cuống đi lấy túi giấy, gom thật sạch mớ vụn vỡ. Không thể để nàng phát hiện ra một sự đổ vỡ nào trong căn nhà này. Đàn bà từng một lần đắm đò sẽ rất sợ nhìn thấy sự tan hoang, dù đó là một vật rất nhỏ trong căn nhà của họ.

Anh đem khung ảnh đến một tiệm cắt gương để thay lại. Khi tháo khóa nẹp sau ra, anh phát hiện bức ảnh bé Mầm chồng lên trên bức ảnh vợ chồng nàng. Hai người cùng ngồi nơi chân cầu thang màu trắng. Và Trắc hiểu ra, tại sao nàng có thói quen ngồi ở đó. Anh chợt thấy sợ khi nhớ lại lời nàng từng nói: “Cứ như thể có ai bắt em phải ngồi ở bậc thang”. Nhưng nỗi sợ ngay tức khắc bị xua đi bởi một chút…. ghen. Trắc ghen với người chồng quá cố của nàng chăng? Không, không ai điên rồ đi ghen với người đã mất. Anh đang ghen với cái thói quen của nàng, nó giống như một sự chân tình chung thủy thái quá với người chồng kia.

Trắc lặp lại khung ảnh bé Mầm lên tường, tất nhiên bức ảnh của đôi vợ chồng nàng vẫn nằm kẹp phía sau. Nguyên xi như chưa hề có sự bể vỡ. Anh tin nàng sẽ chẳng phát hiện ra sự thay đổi ấy đâu.

Ba ngày liên tục kể từ hôm ấy Trắc không ghé lại nhà nàng. Không phải anh muốn quên nàng. Mà vì bức ảnh hôm nọ, bức ảnh hai vợ chồng nàng ngồi ở chân cầu thang trắng. Nó cứ ám ảnh Trắc, dày xéo anh bằng một thứ cảm giác giống như ghen. Đàn ông yêu lần đầu thường như vậy, rất hay ghen vì những thứ vớ vẩn. Anh đã ở tuổi ba nhăm, nhưng trái tim của anh vẫn còn vẹn nguyên như thuở đôi mươi, chưa từng yêu ai. May mà gặp nàng, trái tim kia mới hồi sinh lại sự xao động, nếu không nó vẫn chai lỳ sốc sỏi. Nhưng khi trái tim ấy rung động thì đồng thời nó gây lên nỗi đa cảm trong anh. Anh đã từng đọc nhiều tiểu thuyết tình cảm, rồi anh chìm đắm trong thế giới tiểu thuyết mà phân nửa trong đó là sự bịa đặt và cảm tính của các nhà văn.  Nhưng anh lại rất tin. Anh hay gặp trong sách kiểu nhân vật đã từng yêu ai đó, rồi không lấy họ, để mãi sau nàng vẫn nhớ tưởng người cũ. Hay cũng có một kiểu đàn bà lấy lại chồng khác mà vẫn lén lút đi với chồng trước. Nhiễu nhương oái oăm lắm.

Trong ba ngày không gặp nàng, Trắc cũng chả gọi điện cho nàng. Dù có đến dăm bảy lần anh đã cầm điện thoại lên, định a lô hỏi nàng rảnh không để anh tới chơi. Nhưng thôi.

Hôm thứ tư thì anh chạy đến nhà nàng, nhớ quá không chịu nổi. Nàng cũng thế, trong ba ngày qua nàng cứ nghĩ anh giận mình điều gì đó.

Trắc bước vào cửa, nàng lao đến ôm anh mà thủ thỉ.

- Có chuyện gì vậy anh? Ba ngày không gặp nhau em tưởng tượng ra nhiều điều thật kinh khủng. Rồi em nghĩ, có lẽ nên sơn lại nhà để đón tết, năm nay phải khác. Và cũng sẽ thay luôn đá trắng ở cầu thang. Giờ em thấy màu đó không còn phù hợp nữa.

Thế mà Trắc đã mất ba ngày để trằn trọc suy nghĩ về mấy cái bậc thang cho nhọc công. Trước khi đến đây, Trắc đã dự tính sẽ nói với nàng là nếu em không bỏ được thói quen ngồi nơi bậc thang màu trắng, thì anh sẽ đến ngồi cùng. Có gì đâu.

Trong vòng tay ôm, nàng thoáng nhớ đến bé Mầm, còn anh thì nghĩ về bố. Nhưng họ vẫn siết nhau, chặt hơn chút nữa.

H.C.D 

 

 

Hoàng Công Danh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 218 tháng 11/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/05

25° - 27°

Mưa

07/05

24° - 26°

Mưa

08/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground