Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phố cây bàng

 

N

ằm bên sông Thạch Hãn, thị xã Quảng Trị ngày ấy hiền hòa, nhỏ nhắn như bàn tay con gái. Mỗi lần ra đường mọi người đều chào hỏi nhau. Trên những con đường nhỏ có nhiều bóng cây xanh. Chung quanh nhà tôi là hàng cây muối trắng với những chùm hoa nhỏ màu trăng trắng, mùa trái chín, vô số các chú chào mào cổ đỏ về ríu rít, lủng la lủng lẳng bu đầy ăn trái chín, có lẽ không bao giờ có thể gặp lại hình ảnh một rừng chào mào trên cây nhiều đến thế. Khó quên được vì đó là niềm vui của tuổi nhỏ hàng năm chờ đợi mùa chim về, hay tại biết không bao giờ tìm lại được cái cảm giác nao nức ấy, hoặc tự sau này ở các thành phố chim không dám trở về. Xen kẽ, là những hàng cây vông đồng cao vút đầy gai nhọn, trái khô rụng xuống ngày thơ bé làm những bánh xe nhỏ chạy khắp phố thị. Bên sông, hàng phượng vĩ đổ lửa rạo rực như chưa bao giờ đỏ như thế mang theo những mùa hè phẳng lặng yên ả trôi theo dòng sông mùa nước cạn để bọn trẻ nhỏ lội qua sông quậy phá vườn bắp, bãi dưa phía bên kia bờ cát.

           Ngày sinh ra tôi, bố lại trồng một cây bàng nơi góc vườn. Cây bàng lớn lên theo tháng năm. Những chiều cuối đông, bố vẫn thường tư lự, một mình. Trong những khoảng tối nhập nhòa, bố và cây bàng sau mùa rụng lá đỏ bầm tím chỉ còn trơ cành thường vẫn gợi cho tôi một hình ảnh của hắt hiu chờ đợi. Hỏi, bố chẳng trả lời, đôi khi ngài ngại nên âm thầm bỏ đi nhưng linh cảm mơ hồ có điều gì đó bố còn chôn kín. Sau này nghĩ lại, bố bằng tuổi mình bây giờ sao ngày ấy u uất đến thế...

          Rồi chiến tranh nổ ra, dạo 81 ngày đêm Thành cổ năm 1972, bom Mỹ bằm nát cả thị xã, ngoài đá sỏi ra chẳng còn lại dấu tích nào. Tôi ra đi từ thuở ấy mang theo một câu hỏi rơi rớt trong ký ức chưa có lời giải đáp. 

         Nhiều năm sau trở lại. Cả thị xã thân thuộc chẳng còn ai nhận ra tôi. Nhà cửa sau chiến tranh vừa được dựng mới lên hoàn toàn. Nhưng vẫn còn đó, một điều ủ kín, ẩn sâu bên trong, thấp thoáng một chút hồn xưa của phố cũ. Bây giờ người ta không trồng cây muối, cây vông đồng nữa mà là những cây bàng. Bỗng dưng dậy lên câu thơ cũ trong ngày trở về: Ô hay buồn vương cây ngô đồng/ Vàng rơi vàng rơi thu mênh mông. Có những câu thơ cứ đến bất chợt rồi bỏ ta lại giữa đời chao đảo với phút giây đơn độc... Những cây bàng lớn lên rất nhanh từ sau bom đạn, kéo theo một dãy hàng quán liêu xiêu trên vỉa hè dưới bóng hàng cây.

Mà sao lại phố cây bàng nhỉ? Bố đã không còn để chẳng kịp hỏi vì sao ngày sinh ra tôi không trồng một cây tùng, cây bách như người xưa để gởi gắm ước mơ về đứa con trai của mình. Khi ấy mẹ mới bảo: Trước Hiệp định Genève, chú ruột  của tôi tập kết ra Bắc. Bố trồng cây bàng như để chờ đợi ngày về gặp mặt. Chú là em út, ông nội mất sớm chưa kịp nhìn mặt đứa con trai. Bố phải thay mặt cha còng lưng làm việc để nuôi nấng đứa em học hành đến nơi đến chốn, nghe nói chú trước khi tập kết đã đậu Bac II. Năm ấy cả tỉnh vào Huế thi, chỉ mình chú đậu. Vì thế, chú là người mà bố tôi thương yêu nhất, hơn thế, chú là niềm tự hào và hy vọng của cả dòng họ.

Và chú cũng chẳng về, đã hi sinh ở chiến trường Dầu Tiếng một năm trước ngày im tiếng súng, để chẳng biết ngày mình ra đi có một cây bàng mang nỗi lòng của con người vẫn âm ỉ cháy đỏ suốt một đời chờ đợi.

Tháng chạp, những cây bàng ở thị xã sau một thời gian lá đổi màu bầm đỏ rồi rụng. Tôi vô tình về ngồi lại bên hiên ngôi nhà xưa. Tôi còn nhận ra được vị trí nhà cũ bởi còn lại một cánh cửa nằm phía sau lưng nhà, mà ngày trước vẫn thường gọi là Cửa Hữu. Còn nhớ ngôi trường tôi học vì nằm một bên nên gọi là trường Nam cửa Hữu.Cô gái bán hàng quán cứ ngờ ngợ rồi cuối cùng mới tin rằng hàng quán của cô ngày trước là nơi tôi sinh ra và sống suốt thời thơ ấu. Trong câu chuyện thăm hỏi của cô có gì như muốn chia sẻ với người ở xa về: Hèn chi thấy anh cứ ngồi lâu... và chắc anh về có việc? Tôi chỉ im lặng.

Tôi nhớ lại câu chuyện đọc thời nhỏ, lâu lắm nên chỉ mang máng mhớ là của William Saroyan. Chuyện kể rằng có một anh chàng bỏ nhà đi phiêu bạt giang hồ, nhiều khi trên bước đường lữ thứ bỗng chịu không nổi vì nhớ nhà nên vội vã quay về, nhưng về chỉ dám đi ngang nhà thầm lén nhìn qua cửa sổ để thấy người em gái đang ngồi học và người mẹ đang khâu áo. Và rồi tiếp tục ra đi. Tôi cũng thế, ghé lại phố thị này chẳng có việc gì cả, về để rồi...đi.

Vâng, chỉ thế thôi mà sao cứ mỗi mùa bàng rụng lá tôi cứ phải níu bóng quay về với những thề hẹn xa xăm của những người không còn có mặt, như thể rằng mảnh đất thiêng này vẫn còn làm chứng cho những hẹn ước nặng như số phận đời người.

 

 

Lão mai của Nội

 

 

Ông nội mất sớm khi ba tôi còn rất nhỏ, bà nội trở thành góa phụ năm 26 tuổi nên những câu chuyện về ông, bố tôi vẫn mù mờ. Hình bóng của người để lại là cây mai mà nội trồng thời niên thiếu trước sân nhà...

Bà là người chăm sóc cây bao năm một cách thầm lặng, bền bỉ và đầy tình yêu thương. Nhìn bà tưới nước, bón phân rồi tuốt lá ngày cuối đông thật nhẹ nhàng, nâng niu như cất giữ một kỷ niệm riêng.

Gần 60 năm nơi hiên nhà, tóc người thiếu phụ từ lúc còn xanh cho đến ngày bạc trắng. Những ngày lễ lạt bà vẫn cắm hương dưới gốc mai, lần nào giỗ ông lại có thêm một mâm nhỏ để cúng ở gốc mai, khiêm tốn và trân trọng giấu kín một tình yêu không nói ra với ai nhưng luôn dai dẳng, nhức buốt cả đời người.

Cây mai của nội thuộc hàng đại lão, cành lá xum xuê, dáng và thế rất đẹp, vạm vỡ, vươn cao. Có lẽ bà nội là người hiểu được tính khí của lão mai nhất nên nhiều khi thời tiết bất thường, chẳng năm nào giống năm nào, bà vẫn biết cách chăm sóc riêng và chọn đúng lúc để tuốt lá, kịp vào thời khắc giao mùa, để đúng dịp Tết là hoa nở rợp trời.

Hình như cây được nuôi dưỡng và săn sóc bởi một thứ tình cảm nồng ấm của bà nên luôn kiêu hãnh và tự hào. Có năm cây đã cho hoa tới tám, chín cánh. Năm nào màu vàng của hoa cũng tươi rói mơn mởn, bao giờ cũng khát khao cháy bỏng muốn bộc lộ hết cái nhan sắc mãn khai nồng thắm của riêng mình.

Mùa hoa nở, ai đi qua cũng ghé lại trầm trồ đứng ngắm. Tiếng đồn khắp cả vùng, lão mai trở thành niềm tự hào của cả thôn xóm. Nhiều người nghe tiếng từng đến nài nỉ xin mua bớt một vài cành. Bà chỉ cười: “Mua bán chi, Tết nhất có chỗ cho con cháu đi về...”.

Nhà tôi ở thị xã, năm nào tôi cũng theo bố về quê ăn Tết. Từ đầu ngõ, màu vàng mai của nội đã rực thắm cả khu vườn, nhìn từ xa đôi khi thấy thấp thoáng nụ cười của quê nhà chào đón người xa về nôn nao sum họp.

Cả một bức tranh quê ngày Tết luôn xôn xao tiếng nói cười thân thiết. Bà con, họ hàng đến chơi đông đúc. Bên gốc mai vàng, những ông lão khăn đóng áo dài ngồi uống trà, nhấm nháp chén rượu đầu năm, mấy thằng cu áo mới xanh, đỏ chạy lon ton. Rộn ràng nhưng yên bình trong hương sắc mùa vàng thôn dã luôn tạo nơi tôi niềm phấn khích khó tả.

Cứ tưởng bức tranh quê ấm áp ấy theo mình đi mãi, nhưng rồi... cuộc vui ngắn chẳng tày gang. Trước Tết năm ấy, ông quận trưởng đem xe jeep về, đi theo là mấy người lính và hai người trên hội đồng xã, với yêu cầu hết sức lạnh lùng: Tết năm nay “cụ tổng thống” đặc biệt ghé thăm tỉnh nhà, vì vậy bà phải dâng gốc mai để chưng nơi dinh tỉnh trưởng mà trang trí đón cụ...

Nước mắt rưng rưng, bà một mực chống đối đến cùng. Nhưng cuộc chiến đấu ấy có bao giờ cân sức. Bà cụ yếu đuối, đơn chiếc chỉ biết lặng nhìn người ta tàn nhẫn đốn tận gốc mai và mang đi. Tết năm ấy bố chở tôi về. Mưa xuân bay bay xao xác trên đường làng.

Trước hiên nhà trơ trọi một gốc cây bị đốn sát đất. Tôi nghe nhói lên trong lòng tiếng nấc căm phẫn, tưởng rằng ai đã cướp mất cả mùa xuân thơ  ấu ở quê nhà. Bà nằm liệt giường, kê gối lên cho cao đầu, nằm xoay về hướng lão mai. Bà nằm mãi, không dậy nổi. Năm đó bà mất.

Bây giờ cứ mỗi lần Tết đến, chỉ cần gặp lại sắc hoa mai là tôi nhớ về dáng nội nằm bên hiên nhà cũ. Lạ một điều, mỗi năm hình bóng ấy trở về trong ký ức càng lúc càng rõ và mãnh liệt hơn.

 

 

Bản du ca đời người

 

 

1. Anh em chẳng còn mấy, anh cố gắng thu xếp về… Nhận được tin Hoàng nhắn, tôi vừa vui vừa áy náy vì thật ra, việc xây lăng cho dì là trách nhiệm của anh em tôi, nói về huyết thống thì Hoàng chẳng có quan hệ gì, kể cả với người nằm dưới mộ. Hồi mới hay tin, tôi đã ngăn cản sao lại xây lăng vào cái mùa mưa bão ngoài mình, có mà điên chắc, nhưng Hoàng nói như đinh đóng cột: Quyết rồi anh ạ, không trù trừ được, mình làm được sớm khi nào hay khi ấy mà không lẽ để dì nằm dầm thêm một mùa mưa lũ nữa. Thế là từ cả tháng trước anh ta đã lặn lội từ trong Nam để về làng ngoại lo tất tần tật mọi công việc thiêng liêng đó. Nhận được tin, dù rất bận rộn, tôi cũng phải về quê.

Thực ra thì lăng của dì đã được xây hơn mười năm trước sau khi dì mất, nhưng hồi đó do khó khăn nên làm cũng sơ sài mà mộ của dì lại đúng vào vuông đất bị sụt lún rất nặng nên bây giờ làm lại, khang trang bề thế hơn nhiều. Lăng có nhà bia cao ráo, trên mái chạm khắc ở đầu hồi bằng vật liệu chén bát vỡ trông rất nghiêm cẩn, trước cổng có 2 con nghê đá mang từ làng đá Non Nước về, bên trong phần mộ, la thành đều ốp đá đen granit. Nhìn vào toàn bộ công trình ai cũng trầm trồ, không chỉ khen ngợi mà bà con đều cảm phục Hoàng, người đã bỏ tiền bạc và công sức ròng rã cả tháng trời để theo dõi đôn đốc xây dựng dù anh ta chẳng có quan hệ máu thịt gì với dì.

2. Hoàng lớn hơn tôi mấy tuổi. Hồi nhỏ ở quê, cha hoạt động du kích trong vùng rồi bị địch bắn chết, sau đó mấy năm bà mẹ bệnh rồi mất để lại hai anh em Hoàng mồ côi khi mới 2, 3 tuổi. Dì Hai, dì Ba của tôi ở làng bên cám cảnh, đưa hai anh em về nuôi, cho ăn học đàng hoàng tử tế. Hai dì vốn chẳng phải giàu có gì, chỉ chạy chợ kiếm bữa từng ngày nên đành lòng chia mỗi người nuôi một đứa. Anh của Hoàng lớn lên bị đôn quân đi lính rồi cũng chết trận.

Đã gần 20 năm không gặp kể từ ngày Hoàng vào tuốt dưới Bến Tre lập nghiệp, mang theo cả dì nữa, chỉ loáng thoáng nghe anh ta làm ăn phát đạt lắm và nhất là phụng dưỡng dì cũng hết lòng. Ngày dì mất, chiều theo tâm niệm của dì nên đưa về quê an táng, rồi bỏ tiền xây lăng đắp mộ nên bà con rất quý, ai cũng cho là dì tôi có phước.

Con đường lập thân của anh ta cũng nhiều sóng gió, bước đầu Hoàng làm việc trong một cơ quan Nhà nước được năm sáu năm, được cất nhắc lên làm trưởng phòng rồi dần dần lên tới giám đốc. Công ty làm ăn rất phát đạt nhưng cũng vì chuyện bè phái tranh giành đấu đá nội bộ… Nản, bỏ ra làm ngoài, bươn chải vật lộn mưu sinh “lên rừng xuống biển” nhiều năm, đến giờ thì mọi việc ổn cả rồi. Hoàng kể, mình đã bước qua cái tuổi tri thiên mệnh, hoàn cảnh từng đối mặt trước bao sóng gió bể dâu, tang thương ngẫu lục, gặp biết bao những kẻ lợi dụng lòng tin, thọc gậy bánh xe, đố kỵ thâm hiểm... Nhưng em chiêm nghiệm một điều (anh ta gọi tôi bằng anh theo vai vế bên ngoại), cuộc đời dù có đớn đau phức tạp nhưng bên cạnh những con người xấu, vẫn còn những người thật tử tế đã luôn đứng bên cạnh mình vào những lúc khó khăn. Phải tin vào điều đó anh ạ.

3. Nghe anh ta nói bỗng dưng như một người đồng điệu, chợt nhớ đến một cuốn tiểu thuyết đọc hồi nhỏ - Bản du ca của loài người không còn đất sống của Erich Maria Remarque. Đó là câu chuyện kể về những người Do Thái thời Đức quốc xã bị săn đuổi chạy trốn qua các nước ở châu Âu. Câu chuyện nhiều tình tiết, nhân vật nhưng nhớ nhất là một chi tiết làm sống dậy miên man trong tâm cảm khi theo dõi câu chuyện đời của Hoàng. Đó là chuyện kể của đôi tình nhân trẻ tuổi là Kerm - Ruth Holland. Đêm đêm Kerm thường hẹn đến gặp người yêu của mình bằng cách phát tín hiệu là đốt một que diêm. Anh ta bị bắt vào một đêm thường hẹn, sau khi lần lượt đốt mấy que diêm mà Ruth Holland vẫn không nhận ra tín hiệu, nóng ruột quá anh bèn châm lửa đốt luôn cả thùng diêm, thế là bọn mật vụ phát hiện và bị bắt.

Khi ra tòa, Kerm được nói lời cuối cùng - đọc lâu quá không nhớ rõ, đại ý là thế này: Cho dù luôn bị rình rập, bủa vây bởi những con người đã bán linh hồn cho quỷ dữ, rằng tôi vẫn hằng tin trên trần gian này vẫn còn những con người lương thiện, nhân ái sẵn sàng giúp đỡ người khác.

Kết thúc cuốn tiểu thuyết cũng là lời nói của một người trẻ tuổi đang đứng trước cái chết, cũng chỉ là một thông điệp đơn giản của niềm tin cần nói với chính mình nhưng giá trị của ý nghĩa thì thuộc về vĩnh hằng. Hoàng ngồi nghe, trầm ngâm: Ngày trước, nếu không có mấy dì thì làm sao mà tụi em có được như ngày hôm nay. Mấy ai mà tốt bụng như mấy dì, cho ăn cho học đàng hoàng, mà phải chi mấy dì giàu có cho cam…

 

Nơi miền đất cù lao

 

 

 

Làng ngoại tôi là một cù lao nằm ở ngã ba sông Thạch Hãn gần Cửa Việt. Thời trước đây là vùng đất luôn xảy ra những cuộc giao tranh dữ dội giữa đội du kích và quân đội của chế độ Sài Gòn. Đã thế, nằm giữa cửa sông nên có nhiều cách trở, mỗi ngày chỉ có vài chuyến đò ngang. Nhiều khi phải đợi cả buổi mới qua sông được, làng ngoại trở nên biệt lập cheo leo giữa miền sông nước. Vì vậy mà anh chị em tôi lớn lên chẳng hề biết quê ngoại là gì. Trong những câu chuyện “đời xưa” của gia đình, bố tôi cho biết gia đình ông bà ngoại cũng thuộc loại “có máu mặt” trong làng, ruộng đất rất nhiều mà mẹ tôi là con gái duy nhất. Về làm dâu trong một gia đình đông anh em, ông nội tôi mất sớm khi bà nội tôi mang thai chú út, bố tôi là anh cả với trách nhiệm đầu tàu để nuôi một đàn em ăn học, mẹ tôi chịu nhiều hy sinh. Khi ông ngoại tôi mất, bà ngoại theo mẹ tôi về bên nội tôi, cùng con gái sớm khuya dệt vải qua ngày. Bao nhiêu ruộng vườn bà ngoại và mẹ tôi lần lữa bán đi, dồn hết cho bố tôi lo việc gia đình. Có lẽ đời mẹ từ ngày theo chồng, bao nhiêu lo lắng sức lực đều tập trung chia sẻ cùng chồng, chẳng hề so đo hơn thiệt.

Những câu chuyện ấy tôi chẳng hề hay biết vì mẹ không hề kể, cả những đau đáu nhớ thương về quê ngoại suốt cả cuộc đời, mẹ khép lòng không nói. Chỉ đến khi mẹ mất, mấy ông chú ruột ở xa không về được viết thư chia buồn với lời lẽ thật thống thiết, ai cũng cho rằng khó tìm được một người chị dâu đã sống hết lòng với bên chồng như thế. Trong thư của chú út ở Canada gởi về cho bố và con cháu có đoạn: Chị (mẹ) về nhà ta khi tụi em còn quá nhỏ, cơ cực trăm phần, lương tiền của anh (thời ấy bố tôi đi làm ở xa gởi tiền về) chị để chúng em tự quyết định, không hề tham dự, tính toán. Chị đã cực cả đời vì nhà ta, ở đất khách lòng em tự hứa, chỉ mong dành dụm có quà về cho chị, thế mà… Có những người sau khi mất, nhiều khi cả những ai gần gũi nhất, kể cả những đứa con ruột thịt, mới dần dần khám phá những sâu thẳm, góc tối bên trong của một tấm lòng đôn hậu và sáng trong. Mẹ tôi là một người như thế. Lúc ấy, tôi chưa đủ trưởng thành để suy nghĩ cho chín chắn, càng sống, tôi càng thấu hiểu hơn tấm lòng của mẹ.

Mẹ chăm sóc con cái cũng âm thầm thương khó chưa hề than thở cùng ai, cả vào những khúc quanh khó khăn của cuộc sống. Nhớ hồi mới vào Sài Gòn, nhà ở trên tầng năm của khu chung cư, lúc ấy mẹ đã trên 65 tuổi, lưng đã gập xuống rồi, ba bốn giờ sáng phải lên xuống cư xá vất vả thường xuyên để bán cà phê ở tầng trệt. Quán chỉ bán cho khách là dân xe thồ, người buôn bán chợ đêm, đến bảy, tám giờ sáng là phải nghỉ vì quán trước cửa hàng của người ta, nhưng mẹ chưa hề nghỉ bán lần nào, chỉ với lý do: thằng út nhà tôi còn học năm cuối đại học ở Huế cần có tiền để ăn học. Đôi khi cứ nghĩ, đi bên cạnh đời con, mẹ như một bóng mờ nhân ảnh. Chỉ đến những ngày sau khi mẹ mất, trong tâm tưởng của con cái bóng mờ ấy cứ dần hiện lên không chỉ là nỗi nhớ thương mà còn là niềm trắc ẩn, bứt rứt vì sự vô tình của mình.

Ngày trước khi mẹ tôi ngã bệnh, bố tôi lúc đó đã 80 tuổi, tôi nhớ khoảng năm 1982, 1983 gì đó, khoảng thời gian gia đình gặp nhiều khó khăn về kinh tế. Thế mà ông gom góp hết tiền của, lặn lội từ Sài Gòn tận làng ngoại ở Cửa Việt xây lăng cho ông bà ngoại. Các anh chị phần vì cuộc sống mưu sinh nên ơ hờ mọi chuyện, phần vì lo ngại sức khỏe của bố tôi đã già cả, giai đoạn ấy đi lại thật khó khăn, nên tìm mọi cách để ngăn cản. Thế nhưng, bố tôi vẫn lên đường với một lời tâm nguyện: Mẹ đã làm cả đời cho bên chồng, thế mà ông bà ngoại mất không có một nấm mồ cho đàng hoàng, làm sao nhắm mắt mà yên lòng cho được. Mẹ nằm quay mặt vào tường; lén nhìn, tôi thấy bà rưng rưng. Tôi thương mẹ nhưng cũng lặng người trước nghĩa cử sâu nặng nghĩa tình của cha. Người già thường sống bằng những suy nghĩ nặng lòng sâu sắc đăm đắm về một ý nguyện tâm linh để đủ sức vượt qua những trở lực trước mắt.

Mới đây có dịp về quê nội, lần nào cũng vội vội vàng vàng, tôi cũng định ngủ một đêm là đi. Ông anh họ mới bàn: Chú về có vội, nhưng qua làng ngoại bây giờ có cầu mới xây xong, cầu khang trang lắm… khó khăn mấy chú cũng nên về một chuyến. Thú thật vì mấy lần trước đò giang cách trở, phần vì ngại bà con chẳng còn ai, thậm chí chẳng ai biết mặt mình… Nhưng lần thần một chút, bận rộn mấy tôi cũng phải về quê ngoại một lần. Thú thật, tôi định về rồi hỏi đường ra thắp hương ngoài mộ, rồi đi. Nhưng thật bất ngờ, nhiều người bà con - bà con rất xa - nghe tin đã ùn ùn kéo ra nghĩa địa thăm hỏi, và níu chân tôi ở lại. Hết người này đến người khác mời về nhà cho bằng được với một tình cảm ấm áp như đã từng ràng buộc nhau từ lâu lắm. Cuộc sống đô thị quen cân đo đong đếm nên khi cận kề với những nỗi lòng dân dã chân thật đến kỳ lạ mới ngộ ra rằng: ta đã vô tình đánh mất nhiều thứ tình cảm quý giá trong đời. Trong mấy đêm ở lại hàn huyên, ai cũng nhắc đến mẹ tôi với lời những tình cảm như lời tri ân. Ngày ấy, nhà tôi ở trên thị xã, bà con ở quê gặp lúc khó khăn nên ở lại, mẹ đều tìm mọi cách giúp đỡ một cách bao dung, nhiệt tình. Tôi ngất ngây với những chén rượu quê, ngất ngây và tự hào về mẹ, về những câu chuyện đời của người sau khi mất được kể lại giữa đất cù lao trên sông nước của những người bà con lần đầu tôi gặp.

Đêm rảo bước trên cây cầu mới xây, trăng hạ huyền ở miền cửa sông vằng vặc một màu đáo để. Trong nỗi niềm giữa yên ba thâm xứ bỗng ray rức nhớ mẹ vô cùng. Giá như mẹ còn sống tôi sẽ cùng mẹ qua sông để khỏa lấp nỗi mong ước đời mẹ về lại quê nhà không còn chiến tranh và đò giang cách trở.

H.S.B 

 

Hồ Sĩ Bình
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 221 tháng 02/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground