Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sắp đến rằm tháng Bảy

1.

Tên hắn là Lê Thinh. Khoảng hơn bốn chục tuổi, nét mặt gân guốc, mắt vằn tia máu đỏ, nhưng nom hom hem và buồn chán. Điều ấy thật quan trọng vì người ta có thể đoán biết hắn vừa trải qua những oan trái, cơ cực nào đấy. Và không dễ gì quên được..

Năm năm trước, hắn là Trạm trưởng Trạm Kiểm lâm Kẻ Nu. Trạm gồm mười ba người trai trẻ. Cái thời ấy, bọn họ đã tam khoanh, tứ đốm rút ruột rừng bán lấy tiền và đã uống, hút, hát hò, mơ mộng và yêu đương…Lê Thinh dựng hẳn một ngôi nhà gỗ ba gian lợp ngói vảy, thưng ván vàng khươm tặng cho cô giáo trẻ Huyền Trang. Huyền Trang thực hiện lý tưởng Thanh niên Cộng sản, lên dạy học ở vùng sâu, vùng xa. Trường học ở rìa rừng đầu nguồn. Học sinh là bọn trẻ của dân miền biển không chịu được cảnh chật chội lên rừng khai hoang dựng nhà, lập vườn và của người Mã Liềng, bộ đội Biên phòng đưa từ trong rừng Trường Sơn ra. Huyền Trang nói: “Anh thật tuyệt vời. Anh là người đàn ông thời đại mới”. Thế rồi Huyền Trang thành vợ Lê Thinh. Sau đấy, hắn bỏ mười hai chàng trai trẻ trong rừng ra ngôi nhà gỗ ba gian tựa lưng vào sườn đồi, ngoảnh mặt ra ngã ba đường, một ngả vào rừng, một ngả về Thành Phố. Thế rồi một năm sau, Huyền Trang sinh cho hắn một thằng con trai. Họ đưa một bà cô góa chồng, không có con ở quê lên giúp việc gia đìnhBà cô người nhỏ bé, nhanh nhẹn và vui tính. Nhà ra bốn người, ngày liền đêm ríu tít tiếng cười, nói. Sự ấy không được lâu. Ngôi nhà ba gian hương trầm của gỗ nhạt dần, thay vào đó là mùi ẩm mốc.

Lê Thinh khỏe mạnh, đẹp mã song không biết thu vén gia đình. Đã thế hắn vẫn giữ thói quen rượu chè, chơi bời phóng túng. Bất hạnh như chực chờ hắn ốm yếu là ập tới. Con trai hắn chết vì sốt rét. Mẹ hắn bị tai nạn. Một cái ô tô tải mất lái nhằm thẳng vào nhà hắn lúc nửa đêm về sáng, tông thẳng vào giường ngủ bà cụ. Tiền bạc của cải trôi theo những lần chuyển bệnh viện, lên bàn mổ của bà. Tai họa khiến thần kinh hắn không ổn định. Hắn thường ngẩn ngơ, cái ngẩn ngơ của một kẻ bất lực trước mọi sự. Hắn cần chỗ bấu víu. Rồi một điều không ngờ đã đến. Một người có thế lực tìm hắn, đúng hơn là gọi hắn đến nhà riêng. Người ấy tên là Đỗ Ky. Đỗ Ky vốn dân miền biển, học ngành Lâm nghiệp ở Liên Xô, thời trẻ ở trong rừng, gần về già thành lãnh đạo của những người làm nghề rừng. Lãnh đạo mấp mé tuổi sáu mươi như Đỗ Ky đều có thói sống gấp, cứ như mọi thứ đã được Thượng đế bày đặt ra trước mắt phải nhanh chóng hưởng thụ nếu không sẽ chẳng bao giờ còn cơ hội, nếu không cơ hội cuối cùng chỉ là cái chết. Những đống của cải đã có là không ít, nhưng con cháu còn cần nhiều hơn nữa. Đỗ Ky có quyền, có thế. Nhưng quyền và thế cũng có lúc thấp hơn luật pháp. Ông cần một kẻ để sai bảo làm thứ công việc mà ông không dại làm. Nghĩa là lặng lẽ rút ruột rừng. Còn ông, Đỗ Ky thì đứng đằng sau, đứng ở xa dõi mắt nhìn. Người tự trọng, đủ đầy, đời hanh thông sẽ không nghe theo ông. Phải kiếm một kẻ đang lặn ngụp giữa cùng quẫn. Kẻ khát tiền. Kẻ chạm mũi vào ngõ cụt sẽ đủ gan lì để mở lối thoát, nâng barie bằng bất kỳ giá nào. 

 Lê Thinh đã diện kiến Đỗ Ky mấy lần, những khi ông ta vào Kẻ Nu kiểm tra  rừng nguyên sinh. Hắn chưa bao giờ trọng ông ta. Ông ta lạnh lùng, nghiêm khắc với cấp dưới, nhưng trong giới quan chức thì xởi lởi, mềm dẻo và sẵn sàng phóng khoáng tình cảm lẫn tiền của. Đỗ Ky cũng chẳng mấy thích tay Trạm trưởng. Già đời, từng trải, tiếp xúc với đủ hạng người, ông ta thấy hết mọi sự: Một kẻ ky bo, cứng nhắc với thiên hạ, trừ mình. Nay thì cái nghèo khó phủ trùm, tâm trạng hoang mang, tư tưởng bấn loạn và một niềm tin mong manh vào cuộc sống...

Họ ngồi trong góc tối một quán cà phê ngoài rìa Thành phố.  

- Có việc tôi cần anh giúp -  Đỗ Ky nói.

- Tôi giúp ông? Lê Thinh gần như thảng thốt.

- Phải. Sự giúp ấy cũng còn là vì anh. Hoàn cảnh anh quả là gian nan. Anh sẽ có mọi thứ  cần cho cái chức Trạm trưởng, cho sức khỏe bà mẹ và vợ con. 

Lê Thinh ngỡ đang nghe nhầm. Hắn sẽ có mọi thứ?

Hắn im lặng. Hồi hộp. 

Đỗ Ky đọc thấy điều ấy. Đã đến lúc khống chế, sai khiến, ban phát. Ông ta nghĩ và nhìn thẳng vào mặt người Trạm trưởng, nói:

 - Làm ngơ khối lượng gỗ ghi trong cái quyết định mà tôi đã ký. Làm ngơ, im lặng  cho xe kéo gỗ qua barie Trạm Kẻ Nu. Một sự làm ngơ chẳng tốn kém, tổn hại gì nhưng có giá hẳn hoi đấy.

Lê Thinh hiểu và đáng ra phải tập trung trí óc để suy nghĩ thì hắn lại thở phào, méo mó cười và hỏi:

- Bao nhiêu?

Đỗ Ky nói giá. Nói hai lần. Lê Thinh biết mình không nghe nhầm. Với số tiền ấy, hắn sẽ chữa lành bệnh cho mẹ, mua thuốc bổ cho vợ. Sau đó, mua sắm máy móc, thuê thợ, mượn tên cha căng chú kiết nào đấy thành lập một Doanh nghiệp sản xuất đồ mộc cao cấp… Mà chỉ cần nhắm mắt làm ngơ! Hắn làm ngơ trước dăm chục mét khối gỗ rừng, còn có kẻ làm ngơ để mất cả một nhà máy, một cánh rừng, một dòng sông, một cánh đồng hàng trăm ha…Hắn làm ngơ trước những cây rừng bị chặt hạ, còn có kẻ làm ngơ trước những con người bị đày đọa. Có sao đâu. Hắn làm ngơ là vì nghèo túng, cơ cực; còn thiên hạ làm ngơ vì tham lam …

Thế rồi Lê Thinh mở barie cho Doanh nghiệp Tứ Lâm với số tiền nào đấy đã thỏa thuận giữa Đỗ Ky và tay Giám đốc. Sau đó thì Thanh tra, Công an lên Kẻ Nu. Chỉ còn sờ sờ mỗi hắn và mười hai người của Trạm kiểm lâm. Đỗ Ky đã biến mất. Cả lúc Lê Thinh gục đầu trước vành móng ngựa, ông ta vẫn vẫn đứng đâu đấy nhìn vào. Hôm Lê Thinh bước lên xe hòm, Đỗ Ky rỉ tai hắn rằng, sẽ không quên cái việc hắn làm cho ông ta; rằng, thời gian là bóng chim câu, vào tù vài năm rồi về nơi cũ; và rằng, bà cụ thì đã sớm trăm tuổi, còn cô giáo Trang có ông chăm lo…

  Mãi một năm sau, khi cô giáo Huyền Trang héo hon vì cô đơn và nghèo khó, Đỗ Ky mới chợt nhớ lời hứa giúp đỡ vợ người cán bộ kiểm lâm đã nhận tội lỗi về mình để ông ta ra ngoài vụ phá khu rừng H. 453. Đỗ Ky tìm đến ngôi nhà gỗ ba gian  trên sườn một ngọn đồi mọc toàn cây dại. Ông ta và cô giáo trẻ ngồi trên chiếc chiếu trải giữa nền nhà. Huyền Trang nói về nỗi cơ cực của mình không giấu diếm. Đỗ Ky bày tỏ sự xúc động trước hoàn cảnh của cô giáo dạy học ở vùng sâu, vùng xa nghèo khổ và đơn côi. Huyền Trang thấy thiện cảm với người khách, dù cô mơ hồ nhận ra ông ta có liên quan tới việc Lê Thinh đi tù. Hôm ấy, Đỗ Ky đặt lên bàn trong phòng ngủ của vợ anh Trạm trưởng một xếp tiền … 

Huyền Trang dày dạn, khôn ngoan lên nhờ năm tháng chống chọi với sự khinh thị của người đời. Cô hiểu không thể sống nghèo đói trong ngôi nhà trống trải hoang lạnh với sự cô đơn luôn nức nở trong lòng. Thế là cô hẹn hò với ông sếp của chồng. Thế là cô vung ra liên tiếp những quyết định làm thay đổi tính cách, thân phận của mình: quyết định không vào nhà tù thăm chồng, quyết định về Thành phố, nơi tiếng hò hát thay cho tiếng thầm thì, đàm tiếu, nơi sẽ có những người đàn ông làm trái tim cô khỏi đông cứng… Mùa thu năm ấy, Huyền Trang về Thành Phố mang theo sự chăm sóc của cô dành cho Lê Thinh. Và bìa đỏ năm trăm mét vuông đất với một số đồ đạc trong nhà.

Lê Thinh nghe tin ấy vào một đêm mưa. Mưa ở rừng sâu thường ồn ào:  Tiếng nước rơi trên mái nhà, tiếng suối chảy, tiếng gió vật vã trên tán lá cây, tiếng thú rừng hú gọi, tiếng đất âm u… Dữ dằn mà buồn thảm.

Một gã “cố ý gây thương tích” mang án tù bảy năm, ở cùng phòng với Lê Thinh, nói:

- Ỉu xìu, nhăn nhó làm đ… gì. Con vợ mày có học, thông minh nên nó không yên nổi đâu. Làm sao nó yên được khi mà một ngày hai mươi bốn giờ thì hai mươi giờ động trời, trở gió. Nó khát nó đi tìm nước uống. No say nó sẽ về thôi.

Lê Thinh lắc đầu:

- Nó không về đâu. Đàn bà nó tham, nên bạc. Làm vợ kẻ đi tù, nó càng bạc.  Nói xong hắn nằm vật xuống sàn xi măng.

Gã “cố ý gây thương tích” bảo:

- Rơi xuống đáy đời hoang tàn rồi, thì mỗi cách đứng dậy. Khuỵu xuống là gục luôn. Đừng ngóng chờ cái gọi là lương tâm nó đỡ. Lương tâm lấy đâu ra đủ để dành cho kẻ dưới đáy. Ra khỏi chốn này đi tìm cái thằng lợi dụng mày đến nỗi mày phải vào tù mà sòng phẳng với nó.

- Sòng phẳng - Lê Thinh cau có lẩm bẩm, răng nghiến ken két.

 2.

Một tháng sau, Lê Thinh ra tù. Hắn lên chuyến xe khách về Thành phố lúc mờ sáng. Xe chạy đến đến Kẻ Nu thì dừng lại. Hắn nhảy xuống đường, lặng nhìn về phía rừng không chớp mắt. Một lúc lâu. Rồi hắn xốc quai túi. Cái túi vải giả da lép kẹp, bên trong đựng mỗi  bộ áo quần cũ nhàu, mấy thứ lặt vặt như bàn chải đánh răng, dao cạo râu, hộp kim chỉ… và một con dao nhíp năm lưỡi, lưỡi nào cũng sáng loáng. Hắn cúi đầu lầm lũi đi. 

  Phía xa rừng đã kết thành khối xanh đen, nặng nề. Qua ngã ba, qua một con dốc, Lê Thinh nhìn thấy ngôi nhà gỗ ba gian. Ngôi nhà của hắn. Nhỏ bé, đơn độc. Mái tranh phơi dưới nắng chiều vàng hoe. Những tán lá cây rũ trên nó không còn nữa. Đằng sau ngôi nhà là sườn đồi lúp xúp những bụi cây mọc hoang không có tên gọi. Lê Thinh đi qua lối ngõ lổn nhổn đá cuội, qua mảnh sân lan man cỏ dại. Gió cuộn bụi đất dọc thềm. Hắn đẩy mạnh cánh cửa. Một khoảng trống. Một mặt đất sẫm đen. Chơ vơ một cái bàn gỗ, một cái ghế đẩu. Gian trong, sát khuôn bếp nguội lạnh là một cái giường, trên gường một thân hình còm nhom nhô lên dưới tấm chăn vải in những bông hoa màu hồng nhợt nhạt: Bà cô. Một mình bà.

Lê Thinh khẽ gọi:

- Cô ơi, cháu về đây.

Bà cô nhổm dậy, dụi mắt rồi tụt khỏi giường, loạng quạng về phía Lê Thinh. 

- Suốt đêm, tôi cứ nhảy mũi, đoán anh sắp về. Anh về thật. Trời đất, thánh thần ơi. Anh về đây thật.

Lê Thinh qụy xuống đỡ đôi vai run bần bật của bà cô.  Bà đập đập bàn tay lên ngực Lê Thinh. Nói và khóc. Khóc và nói. Thều thào. Nỉ non. Sụt sùi. Câu được câu mất. Chắp nối lời bà, Lê Thinh hiểu ra Huyền Trang bỏ đi sau khi hắn vào tù đúng một năm. Bà cô thì ở lại. Bà phải giữ nhà cửa, chờ hắn về.

Lê Thinh đưa hai tay ôm mặt. Hắn khóc khan, nấc lên từng cơn. Thương cho kiếp người. Thương cho mình. Thương mẹ. Thương đứa con trai mệnh yểu. Thương bà cô tốt bụng. Thương một thời đủ đầy, phóng khoáng…

- Nín đi, nín đi - Bà cô vừa quệt nước mắt trên đôi má nhăn nheo vừa an ủi Lê Thinh.

Một bà già đơn độc và một kẻ cơ cực.

- Nay nó ở đâu? - Lê Thinh hỏi, hổn hển.

Bà cô vẻ lưỡng lự. Đoạn nói:

- Cô không biết. Năm ngoái có mấy người dưới xuôi lên rừng tìm trầm xin nghỉ nhờ nhà ta, bảo là con Trang và ông Đỗ Ky trên tỉnh ôm nhau đi vào Nam. Rồi con Trang lại theo người khác, ông kia về một mình. Ông kia mất chức lãnh đạo, rồi bị vợ bỏ, bị con cái chúng ngoảnh mặt, phải đến nương cửa Phật. 

Lê Thinh hỏi nhanh:

- Chùa nào?

- Cô đâu có biết. Hàng năm nay không đi  khỏi ngã ba...

Lê Thinh dìu bà cô lại giường. Họ ngồi xuống, sát vào nhau. Gió từ rừng ra, thổi ràn rạt trên mái nhà. Lê Thinh thấy lòng dạ bồn chồn. Hắn không dám hỏi thêm gì nữa vì thấy một nụ cười nở trên đôi môi khô héo của bà cô: Cô đã nguôi ngoai, đã vui lên.  

Hắn vuốt vuốt bàn tay khô xác của bà cô, nói:

 - Cô tốt quá, tốt quá.

Bà cô ngần ngừ một lúc, rồi nói:

- Mai kia yên ổn, rồi tôi giao nhà lại cho anh, tôi về dưới quê…

Biết khi nào thì yên ổn, Lê Thinh nghĩ, mắt nhìn ba gian nhà trống huênh.

- Cô ở lại đây. Cô đừng đi - Hắn vật nài.

- Tôi ở với anh lâu rồi, hoai người ra rồi.

Lê Thinh nói:

- Ở quê cô còn ai thân thích đâu. 

Bà cô nói:

- Cạnh làng có chùa Tam Lương. Cơm chùa cho cả kẻ không là phật tử…

Hắn cắn môi. Trong cơn bối rối và cảm giác bất lực, hắn nhận ra hắn chưa từng yêu thương bà cô và đấy là một tội lỗi. Đầu hắn bỗng đau nhức, người căng ra, hắn muốn đập phá cái gì đó.  

3. 

Rồi Lê Thinh cũng biết được Đỗ Ky ở chùa Tịnh Lâm trong núi Lĩnh Sơn. Hắn nói dối bà cô là về Thành phố nộp giấy ra tù cho cơ quan chức năng, rồi  theo đường đến Lĩnh Sơn. Hắn đi qua nhiều cây số đường rừng, sang đường đồi. Lửng chiều hắn đến một ngã ba. Một ngã hun hút về Thành phố, một ngã rẽ vào chùa Tịnh Lâm. Đã thấy mái chùa thấp thoáng sau những ngọn thông và nghe tiếng nước suối chảy róc rách đâu đây.

Vòm trời cao ngút ngợp. Nắng nhưng nhức. Đất phả hơi nóng hầm hập. Những cái ki ốt bán kinh phật, hương hoa, đồ mỹ nghệ, lưu niệm… màu sắc sặc sỡ. Lê Thinh bước vào một ngôi nhà thấp và nhỏ nằm tách khỏi dãy ki ốt, dưới bóng râm của những cây thông, ngay cạnh lối dốc lên chùa.  

Một chị phụ nữ, chắc chủ nhà  từ trong nhà đi ra.

- Mời vào - Chị ta nói- Chiều nay nắng quái, nóng…

Lê Thinh  đổ người xuống cái ghế  kê cập kênh cạnh cửa.

- Đường lên chùa mấy bậc? - Hắn độp hỏi 

Chủ nhà đáp:

- Chín mươi chín.

Lê Thinh hỏi:

- Có những ai ở trong chùa?

- Có sư Huyến chủ trì, ni cô Thúy, một chú tiểu và mấy người giúp việc. Ni cô Thúy là con gái tôi đấy.

- Thế à - Lê Thinh dửng dưng.

Chủ quán không quan tâm thái độ của khách, hào hứng nói như chẳng mấy khi có người chuyện trò với mình. Chị nói, chị đi Thanh niên xung phong về thì đã quá lứa, lỡ thì. Chị che mặt để có đứa con. Đứa con gái của chị hiền hậu, yếu ớt không dám động đến cả một con kiến niệng. Thế mà rồi nó bỏ chị vào chùa. Nó đã quy y cửa Phật, nương dưới bàn tay Phật, nhưng chị vẫn không yên. Nó tốt bụng quá mà đời thì nhốn nháo. Chị lên đây dựng nhà, bán hàng lặt vặt để được ở gần con. 

- Tốt bụng đi trốn nhốn nháo – Lê Thinh  lẩm bẩm.

- Ai vào chùa cũng có căn cớ riêng của người ta. Chủ nhà nói và ngoảnh nhìn khách, ánh mắt ngờ vực, rồi hỏi - Ông từ đâu đến? Và rồi về đâu? 

Lê Thinh im lặng.

- Ông từ đâu đến? Định về đâu? - Chủ nhà lại hỏi.

Lê Thinh cảm thấy nghẹt thở.

- Tôi vào chùa - Hắn nói nhanh.

- Dưỡng tính, xả tâm à?

- Xả hận - Hắn đáp: 

- Nam mô… Đừng nói thế. Chủ quán ngẩn người, lo lắng vì thấy mắt khách long lên.

Lê Thinh đứng dậy đặt lên mặt bàn chằng chịt vết nứt mấy tờ giấy bạc nhàu nhĩ rồi bước ra đường. Ở giữa đường hắn ôm đầu ngửa mặt nhìn trời, rên một tiếng nghe thật thê thảm. 

Chủ nhà nhìn theo khách, thở dài.

Chùa Tịnh Tâm nằm giữa rừng cây, cây thông và cây trúc. Lối lên chùa ghép bằng những tảng đá đen, thành bậc, im lìm vẻ nhẫn nhịn. Hai bên xây tường, cũng bằng đá, cao ngang đầu người. Cỏ len lách giữa khe hở của đá. Một vài cây dại bám chơ vơ trên tường, lá xanh mướt. Không khí mát mẻ. Có tiếng nước chảy róc rách và tiếng chim hót đâu đây. Chín mươi, chín mốt, chín hai…chín chín… Lê Thinh lẩm bẩm đếm. Không phải để biết mà để quên đi mỏi mệt. Qua một bãi đất trống lơ thơ cỏ, chung quanh khép kín tán lá cây là cổng Tam quan. Hắn lưỡng lự một lúc rồi đi vào cửa bên trái. Một mảnh sân rộng, xếp hàng mấy dãy cây cảnh, nhiều nhất là đại. Rải rác những bông hoa trắng trên mặt đất.

Một chú tiểu đang quét lá rụng giữa sân. Thấy khách, chú cúi đầu, đưa bàn tay trái lên ngực, lí nhí:

- Dạ, chào ông.

Lê Thinh xốc quai túi.

- Tôi hỏi sư Huyến chủ trì.

- Dạ,  hôm nay thầy tôi sang chùa Hương, còn ni cô Thúy ở nhà.

- Và ai nữa?

Chú tiểu mở to mắt nhìn khách:

- Một người giúp việc ở dưới nhà Tăng.

- Tôi xuống nhà Tăng được không?

Chú tiểu:

- Sắp đến giờ tụng kinh.

- Khỏi, tôi người ngoại đạo.

- Thế thì ông đi đi. Lối bên trái ấy.  

Lê Thinh đi theo một lối nhỏ rải đá cuội giữa hai hàng thông non dẫn vào vườn trúc thân vàng cao ngang đầu người. Một ngôi nhà thấp nhưng dài ở cuối vườn, nơi ở của người nhà chùa.

Đỗ Ky đang gom rác vào cái giỏ tre dưới một bụi trúc cạnh cửa vào nhà Tăng. Lê Thinh đến gần vẫn chưa thể nhận ra ông già gầy gò, lưng còng, tóc bạc, da dẻ xạm đen là Đỗ Ky hồi nào.

- Đỗ Ky đây… Người ấy nói, không quay mặt lại. Tôi biết là trước sau gì rồi anh cũng đi tìm gặp tôi.

Lê Thinh nói:

- Gặp trong chùa.  Đời nó trớ trêu, hỉ? 

- Đời nó trớ trêu - Đỗ Ky nhắc lại.

- Là sư? Là Phật ư? - Lê Thinh nhếch môi buông một tiếng cười ngắn, trong bầu tĩnh lặng nghe rờn rợn.  

Đỗ Ky lo lắng nhìn quanh:

- Chưa đâu. Tôi đang giúp việc nhà chùa. Rồi cũng sẽ đến lúc…

Lê Thinh thấy mặt nóng phừng, hắn lắc cái đầu tóc bù xù, rít qua kẽ răng:

- Ông là đồ đểu, đồ lừa lọc. Ông đã phá nát gia đình tôi.

Đỗ Ky quay người lại, ngước nhìn Lê Thinh, nói khẽ:

- Anh thì không à? Ngày ấy, anh cơ cực mà không nhận ra là mình lừa mình, lừa bao người khác nữa. 

Lê Thinh thấy nghẹn đắng trong cuống họng. Hắn bước lại gần Đỗ Ky, giận dữ:

- Tôi sẽ đấm vỡ cái mặt ông.

Đỗ Ky đi vào nhà Tăng. 

- Đừng làm trong chùa - Ông ta nói - Nhà Phật là cõi Chư Thiên, nơi diệt ngã, xả tâm…Và gì đi nữa cũng để qua rằm tháng Bảy.

- Tôi cho ông vỡ mặt rồi đến bữa đó xá tội luôn.

- Tôi chết, ai trả nợ cho anh. Anh tìm tôi chẳng phải là để đòi món nợ ngày trước: Nợ tội lỗi và nợ tiền nữa. Tôi sẽ trả hết. Trước rằm tháng Bảy, tôi trả hết tiền cho anh… Và anh cũng phải trả nợ cho tôi. Trả trước khi tôi chết. Nợ người sống chứ nợ người chết nặng nề lắm.

Lê Thinh nhăn mặt, nghĩ ngợi gì đấy. 

- Tôi nợ ông? - Hắn hỏi.   

Đỗ Ky vịn tay vào gờ bàn thờ Phật.  

- Anh tham lam và nhu nhược nên cúi đầu nghe tôi mà phải vào tù. Anh ngồi tù nên tôi mới hư hỏng, tan nát mọi thứ… rốt cuộc là phải vào chùa - Giọng Đỗ Ky dồn dập, đôi chỗ nấc lên. Anh nợ tôi, tôi nợ anh là thế… Và người khác nữa. Một vòng luẩn quẩn.

 Ông ta dừng lại để thở. Lát sau nói tiếp:

- Anh đang cần nhiều thứ, tiền và tình, giống như tôi ngày trước.  Còn  tôi nay chỉ còn gánh nợ nhân quả…

- Đủ rồi - Lê Thinh gằn lên, khua khoắng tay trong không khí. 

Đỗ Ky gục đầu xuống ngực, vai run lên. Ông ta khóc, nghẹn ngào. 

- Khóc đi, khóc đi…

Lê Thinh ngẩng nhìn mấy bức tượng Tam Thế Phật uy nghi, lặng im và bỗng một cơn run rân lên khắp người.

Vào lúc ấy, phía cổng Tam quan bỗng rền lên một chuỗi thanh âm binh bong, binh bong, lan ra, vỡ vụn rơi lả tả xuống mặt đất rồi bất ngờ lụi tắt.

Lê Thinh bỏ đi. Hình ảnh cuối cùng hắn thấy là gương mặt ngờ ngạc của Đỗ Ky trong ánh sáng chập chờn, rờn rợn phát ra từ chỗ nào đó ở những cặp chân đèn và lư hương trên bàn thờ Phật.

 Lê Thinh theo hành lang vào Bái đường. Trên hương án hương khói quẩn quanh. Trong bầu tĩnh mịch thoang thoảng mùi trầm. Ra đến cửa, Lê Thinh gặp ni cô Thúy. Ni cô Thúy mặc bộ đồ dài màu nâu, áo cài chéo nách. Ni cô còn trẻ, mảnh mai, nét mặt rất xinh.  

- Nam mô A Di Đà…Cảnh chùa có làm vơi mỏi mệt cho ông không? 

- Không biết…Hắn nói.

Ni cô Thúy dịu dàng:

- Bần tăng nghe ra lời nói thật.

Lê Thinh xốc quai túi trên vai, cảm thấy lưỡi dao chạm vào hông. Hắn bối rối nhìn Ni cô Thúy.

Ni cô Thúy như đọc ra tâm trạng người khách, thì thào một mình:

- Cởi gánh nặng nợ nhân quả thì không ai giống ai - Rồi ngẩng nhìn khách nói tiếp- Gần đến lễ Vu Lan người nhà chùa được đón bá tánh thập phương. Mời ông lưu lại dùng bữa cơm chay.

- Tôi phải đi, đường còn xa - Lê Thinh nói nhanh rồi chậm chạp xuôi theo những bậc đá trước cổng chùa. Mặt trời ở đâu bên kia núi dọi sáng vòm trời, còn trên mặt đất bóng tối sâm sẫm đã bắt đầu loang rộng. Hắn ngẩng nhìn lên khoảng không trên đỉnh đầu. Có tiếng nước chảy và tiếng chim xao xác gọi đàn đâu đây. Nhiều người, nam có, nữ có đi ngược chiều hắn, lên chùa.

Xuống khỏi con dốc, Lê Thinh lầm lũi bước, mắt nhìn thấy đầu tóc bạc gục xuống ngực và đôi vai gầy run run của Đỗ Ky, tai vẳng lên câu nói: cởi gánh nặng nợ nhân quả thì không ai giống ai.

Hắn trút một tiếng thở dài.

Phía trước, một quãng ngắn nữa là ngã ba.

 

Đ.B

 

ĐỨC BAN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 231 tháng 12/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground