Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sau bữa cơm tối

 

V

ừa  ăn cơm xong, cả nhà lại kéo nhau vào phòng riêng của vợ chồng Toàn xem tivi, cười nói râm ran. Hảo ngồi nép sát vào góc giường, bên cạnh chồng, thi thoảng góp một vài nụ cười gượng gạo. Dường như không ai để tâm đến trạng thái của cô. Một cảm giác khó chịu khi không gian riêng mà đáng ra chỉ có hai người tận hưởng những giây phút ngọt ngào bị chiếm mất.

Cô phát thanh viên đài VTV3 vừa nói lời chào kết thúc chương trình giải trí, mọi người mới nhúc nhích về phòng của mình. Trước khi đi ra, mẹ chồng nán lại căn dặn: Tụi mày coi nhanh có cháu để bà bồng, cho vui cửa vui nhà, chớ đến lúc tao nằm xuống một chỗ là mệt đó nghe. Còn nữa, bữa nay mấy chuyện kế hoạch cho lắm rồi sau không đẻ đái gì được nữa, hãi lắm. Tụi mày coi đó mà liệu. Hảo dạ. Tiếng dạ chắc nịch như một lời hứa, nhưng cứ như thế này mãi thì vợ chồng cô đâu có cơ hội để mà thực hiện. Lúc chỉ còn lại hai người thì đã quá muộn, cả cô và chồng mệt lả người sau một ngày công sở, phải ngủ lấy sức mai chiến đấu với công việc nữa. Đó là chưa kể có hôm mẹ và cô Yến, em chồng xem cải lương rồi ngủ quên, không ai nỡ đánh thức. Hai vợ chồng chỉ biết thở dài, ôm hờ nhau ngủ.

Toàn hiểu cảm giác đó của vợ, anh cũng có gợi ý, rằng ở phòng khách cũng có ti vi nhưng vẫn không cải thiện được tình hình. Chẳng lẽ anh nói thẳng toạc móng heo ra, như vậy thì kỳ lắm. Hảo lại càng không thể. Cũng may, anh thông minh nghĩ ra cách bảo vợ giả đò ốm một tuần liền, cần yên tỉnh, tránh hơi người nên không ai vào phòng riêng của họ nữa. Thế là tòi ra thằng cu Bin ngay.

Thực ra, chuyện mẹ và em chồng thường xuyên vào phòng riêng của Hảo cũng chỉ là chuyện nhỏ, bởi nếu nghĩ rằng vì gia đình chồng đã quá quen cuộc sống sum vầy ở phòng con trai mỗi tối, nên khi có con dâu, họ vẫn chưa bỏ được thói quen đó. Âu cũng là một nếp sinh hoạt gia đình tốt, tuy nhiên hơi thiếu tế nhị trong hoàn cảnh này.

Hơn năm sau, cô Yến lấy chồng. Toàn được thăng chức trưởng phòng. Hảo cũng hết thời gian nghỉ phép. Bữa cơm hôm đó, Hảo bàn chuyện đưa cu Bin đi gửi trẻ nhưng mẹ chồng lập tức phản đối. Cháu tôi còn đỏ hỏn thế kia gửi đi đâu. Anh chị không thấy tivi phản ánh bây giờ nhiều nhà trẻ bất hợp pháp mọc lên, rồi chuyện bảo mẫu đánh đập hành hạ trẻ một cách tàn nhẫn vậy, anh chị nỡ đưa con mình vào đó ư. Anh chị cứ đi làm, cháu tôi để tôi giữ, không gửi đi đâu hết. Hảo phân tích: Con biết mẹ thương cháu, nhưng mẹ còn phải chạy qua chạy lại với cả mẹ con cô Yến nữa, con sợ mẹ vất vả. Mà mình chọn nhà trẻ đã được cấp giấy phép thì an tâm mẹ à. Đã bảo không là không, hay là anh chị khinh tôi không biết chăm cháu? Kìa mẹ, nhà con lo mẹ vất vả nên nói thế, sao mẹ nỡ nặng lời. Á à, anh giỏi thật đấy, tôi nuôi anh ăn học đến giờ lên chức này chức nọ, giờ anh đi bênh vợ cãi tôi. Ối giời ôi là giời. Từ trước tới giờ mày có thế đâu hả con. Mẹ buồn cười, có gì đâu mà kêu trời van đất như là... Như là sao, anh có giỏi thì anh nói đi, nói đi. Thấy tình hình căng thẳng, Hảo xoa dịu. Thôi con xin mẹ, em xin anh. Ý con sợ mẹ vất vả, chứ nếu mẹ thương chúng con thì con nhờ.

 

                                                       ***

Vừa đi làm về, lật đật dựng xe ở sân, Hảo cuống cuồng vào cho con bú. Khổ thân Bin, cả ngày chắc khát tý mẹ lắm nên mút chùn chụt. Bin ở nhà với bà có ngoan không ạ? Hư, hư lắm, cứ khóc suốt. Cha bố mày, cứ làm như bà thả đói cả ngày không bằng. Cháu nó nhớ tý mẹ bà ạ. Bin ngoan, ăn sữa xong chơi với bà để mẹ đi nấu cơm nhé! Bố về mà chưa có cơm là bố đánh đòn đấy. Ờ, tôi ẳm nó suốt ngày, tay chân có rảnh chút nào đâu mà nấu cơm. Con nựng cháu thôi mà. Bà đừng bế cháu trên tay nhiều quá, nó quen hơi người sẽ hư đấy.

Hảo ăn vội ăn vàng rồi bế con vào phòng riêng, Toàn cũng theo sau. Chừng năm phút thấy Toàn mặt cau có chạy ra: Mẹ, sao mẹ lại để muỗi cắn cháu đỏ hết hai chân thế kia. Nó mà phát sốt thì khốn. Đã bảo gửi nhà trẻ rồi không chịu, để ở nhà thì ra thế đấy. Mẹ chồng đang bưng bát cơm bỗng thả xuống bàn, tủi thân khóc bù lu bù loa. Khổ cái thân tôi, bế nhiều trên tay cũng nói, thả ra muỗi cắn cũng nói. Sao tôi khổ thế này. Hảo nghe tiếng khóc, bế con ra: Chỉ là vết muỗi cắn thôi, sao anh mắng mẹ. Toàn vẫn cương: Hôm thì xước trán, hôm thì muỗi cắn, tội nghiệp nó chứ. Bà mắt kém quá rồi. Vâng, tôi già cả, làm đâu hỏng đấy, tôi vô dụng. Toàn chỉ biết lắc đầu ngao ngán. Em đừng để tâm, người già là thế đấy.

Cu Bin đã ngủ ngon lành trên tay mẹ. Khuôn mặt thánh thiện của đứa trẻ mới viên mãn làm sao. Chỉ có trẻ con với tâm hồn ngây thơ trong trắng chưa vướng mắc chuyện trần gian nên mới có khuôn mặt bình thản như thế! Không biết điều đó có đúng không? Hay là chúng đang chiêm nghiệm suy nghĩ những điều mà người lớn đã nói, đã làm? Thi thoảng thấy nó cau mày, rồi cười, rồi khóc. Phải chăng trong giấc mơ đứa trẻ tái hiện lại những gì chúng đã nghe thấy mà chưa kịp lớn để phản ứng? Hảo đặt con lên chiếc nôi, phủ kín màn rồi đi giặt chậu tả lót to tướng. Toàn đi đi lại lại, đoạn ngồi xuống giặt cùng. Mẹ chồng trên nhà nhìn thấy, nói khía: Cơm nước giặt giũ là việc đàn bà. Từ nhỏ tới lớn tao đã bắt mày nấu ăn giặt giũ lần nào chưa mà giờ mày giỏi thế? Nhà con làm một mình tội quá, con... Đi cả ngày, giờ về làm có chút đó thôi mà kêu gì. Mày không nghe mấy bà hàng xóm ganh tỵ, con dâu nhà này là sướng nhất đó hả. Ngày tao đẻ mày, chưa đầy tháng là phải giặt giũ cơm nước, làm việc đồng áng rồi. Đến khi đẻ con Yến thì ba mày mất, một mình tao lo tất cả, bây giờ chả sướng quá còn gì. Em làm được mà, anh lên ngủ trước đi. Toàn thả dở chiếc tả xuống, lên nhà ngồi vào bàn máy tính.

 

                                                 ***

Cu Bin thấy mẹ về mừng rỡ, ào ra đón lấy túi kẹo từ tay mẹ khi chiếc Max chưa kịp dựng chân chống, rồi chạy vào nhà vừa ăn vừa xem tivi. Hảo nhắc con mời bà, bà đẵn giọng: Ghớm nữa, tôi lại đi ăn phần trẻ con à. Hảo nạt con: Bin, bất kể trước khi ăn gì cũng phải mời người lớn, nghe chưa. Cu Bin phụng phịu, mấy lần con mời, nhưng bà không ăn, bà bảo bữa sau biết thế rồi không cần bày đặt mời nữa. Hảo làu bàu: Bà làm thế hư cháu. Mẹ chồng thả bó rau xuống nền nhà, xốc hai ống quần: Chị không phải dạy khôn tôi, tôi nuôi hai đứa con khôn lớn ăn học làm việc này việc nọ, giờ chị bảo tôi không biết dạy cháu tôi nên người hả. Hảo im lặng, lách qua cánh cửa bước vào phòng.

Dạo này, cứ về đến nhà là Toàn cắm đầu vào chiếc máy tính. Hảo pha một cốc cà rốt sữa mang đến cho chồng, khoe: Hôm nay em mua được con cá lóc ngon lắm. Em nấu canh cá lóc măng chua, rau khoai lang trộn muối tiêu cho anh ăn nhé! Toàn ừ, có phần cau có: Em nấu gì cũng được, việc cơm nước đừng có hỏi anh, anh không biết gì đâu. Trước đây, Toàn thường chủ động bảo Hảo nấu món này món nọ. Canh chua cá lóc và rau lang trộn muối tiêu là hai món ăn dân dã mà anh thích nhất. Món đó phải tự tay vợ anh nấu, nó mang hương vị đặc trưng của miền trung vừa cay vừa mặn, lại thơm mùi tiêu, hành chứ không chua chua ngọt ngọt như ở thành phố hiện gia đình cô đang sinh sống. Về phòng riêng, Hảo giận dỗi: Anh bữa nay lạ lắm, đã làm về muộn, về đến nhà là chỉ biết cái máy tính, chẳng giúp gì cho em cả. Em buồn cười, anh lo công việc chứ có phải chơi đâu. Đàn ông đàn ang lo việc lớn, chứ mấy việc lặt vặt đó ai làm chả được. Anh à, bữa nay bà hay đi nói xấu em với mấy bà hàng xóm lắm. Em chỉ bảo bà không nên tập mấy thói quen xấu cho con, vậy mà bà bảo em là nói bà không biết dạy con cháu. Em e là...Thôi, bà già rồi em trách làm gì, ngủ đi mai anh còn đi làm sớm nữa. Hảo chỉ biết thở dài, lặng nghe từng tiếng sương rơi trong thành phố yên bình.

Ăn lùa vội bát cơm rồi trở về với chiếc máy tính. Cu Bin cũng đã chầu chực bên tivi xem hoạt hình. Mâm cơm chỉ còn mình Hảo và mẹ chồng. Hảo muốn nói điều gì đó với mẹ nhưng bà không nhìn lấy Hảo một lần. Không khí trong nhà ngột ngạt, chỉ nghe tiếng Tom và Jerry lanh lảnh, pha lẫn tiếng cười khoái chí của cu Bin. Chợt cu Bin vỗ đùi đánh đét: Chết mẹ mày này. Hảo hoảng hốt, quát: Con chửi ai thế hả? Cu Bin phân bua: Con bảo thằng Tom, nó ngốc quá nên bị Jerry trả đũa, chứ có chửi ai đâu. Tom hay Jerry gì cũng thế, con học đâu thói chửi thề đó hả? Tại con hay nghe bà bảo vậy, nên con nói theo. Hảo nhìn mẹ chồng. Bà giải thích: Ờ thì, tao chỉ mắng yêu nó. Đó anh xem, cu Bin giờ nói năng như vậy đó. Toàn bước hẳn về phía con: Từ nay không được chửi bậy nữa nghe chưa. Như thế là xấu lắm. Rồi Toàn quay sang mẹ: Cháu nó đang tuổi ăn tuổi học, nó bắt chước tất cả những gì chúng ta làm, bà đừng nói tục chửi thề nữa. Ờ, tôi nói tục chửi thề, vậy chứ đứa nào nói với thằng Bin là tôi khó tính cục cằn, mách lẻo, bà già lẩm cẩm. Nó còn nói với con là anh ham việc mà bỏ bê gia đình nữa đó. Cu Bin nó mách lại với tôi thế đó. Bin, ai nói với con vậy? Dạ, mẹ nói với con. Hảo, sao em lại nói với con như thế? Là bà dẫn cu Bin đi chơi hàng xóm, nghe bà kể xấu về em là xúi anh mắng bà, em sợ con nghĩ xấu về mình, nên phân bua. Còn anh tối về là ngủ, em buồn quá không biết tâm sự với ai nên em nói với con. Em không nghĩ là... Trời ơi, loạn, loạn hết trong căn nhà này rồi. Hảo cũng gằn giọng: Cả anh nữa, anh thử xem lại mình đi. Anh đi làm về chỉ biết cái máy tính và ngủ. Con nó học theo anh đó. Nó chơi điện tử, em bảo nó làm giúp việc, nó bảo đàn ông con trai lo việc lớn, cơm nước là chuyện đàn bà. Cái đó tốt hay xấu? Không lỗi của anh còn của ai…

Toàn ôm đầu, anh không nghĩ là gia đình anh lại có ngày như thế. Cũng lỗi là ở anh. Người con trai, người chồng trong gia đình là cái cân bão hoà để giải quyết những khúc mắc giữa mẹ và vợ để liên kết hàn gắn lại, ấy vậy mà anh nỡ lờ đi tất cả, và cũng có lúc anh là ngòi châm bởi sự không khéo léo khi giải quyết mâu thuẫn giữa mẹ chồng nàng dâu. Nhưng hậu quả lớn nhất là những lời nói, hành động của người lớn lại tác động trực tiếp cho con trẻ. Bởi, gia đình là môi trường đầu tiên nó tiếp xúc. Đến lúc này, cả nhà mới tá hoả về việc làm của mình. Mỗi người đều thấy mình có lỗi. Cu Bin đã bị ảnh hưởng từ những thói quen xấu đó không từ ai khác mà chính là những người thân của mình. Nó như mầm cây mới nhú cần phải được uốn nắn lại.

Toàn kêu cả nhà ngồi vào bàn, anh nghĩ, đã đến lúc nên thay đổi suy nghĩ của các thành viên trong gia đình, phải biết thẳng thắn nhưng sống hoà đồng với nhau để con trẻ có một môi trường tốt. Bắt đầu là anh nhận lỗi của mình...

N.T.H

 

Cát Miên
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 189 tháng 06/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground