Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Số phận

X

ã hội nào cũng vậy, cũng có sự phân hóa lớn về giàu nghèo, no đói. Người hành khất không chỉ có ở Việt Nam mà trên đường phố của một số quốc gia phát triển vẫn có kẻ chìa tay xin bố thí.

***

Bây giờ tôi đã được đứng trong hàng ngũ những người no ấm nhưng một thời trước đó sống khá lâu trong đông đảo những người đói.

Tôi tốt nghiệp phổ thông năm 1966 và được gọi vào Khoa văn Trường Đại học Sư phạm Vinh (bấy giờ mang mật danh thời chiến là Trường Văn hóa 12 tháng 9). Khi còn là học sinh phổ thông chúng tôi mơ về trường đại học, ở đó có những giảng đường cao rộng, những khu trường bề thế, sang trọng và chúng tôi “mặc áo sinh viên”. Những điều này chỉ đúng với sinh viên thời nay và hoàn toàn không đúng với chúng tôi thời đó.

Trường Đại học của chúng tôi bấy giờ sơ tán lên huyện Thạnh Thành (miền Tây Thanh Hóa) giảng đường, thư viện, nhà ăn, nhà ở…đều là lán trại nửa chìm, nửa nổi theo kiểu lán trại nhà binh thời bấy giờ, che chắn được mảnh bom đạn nếu bị oanh tạc. Ngay những ngày đầu nhập học chúng tôi đã đối diện với cái đói. Mỗi ngày được hai bữa cơm sáng, cơm chiều. Mỗi bữa hai lưng bát. Nhiều bữa phải ăn ngô bung, sắn xéo thay cơm. Thức ăn đa phần chỉ là canh rau nấu với mỡ hóa học, rất ít khi có thức ăn mặn, thịt lại càng hiếm. Trong sinh viên bấy giờ truyền nhau một định nghĩa: “Thịt là một vật chất cực kỳ quý hiếm, nhỏ hơn cát bụi, mắt thường không nhìn thấy. Nó lẫn trong rau, hòa trong nước, những người số đỏ mới gắp được”…

Bấy giờ chúng tôi đang tuổi cường tráng, ăn khỏe, ăn nhiều. Khi còn ở nhà, nếu không có đủ cơm thì mẹ cũng cho ăn thêm khoai sắn, rau dưa đủ no lòng. Bây giờ chỉ trông vào bếp tập đoàn, cái đói hành hạ chúng tôi suốt đêm ngày. Bụng luôn réo sôi. Người bãi hoải. Chân tay trở nên yếu mềm. Đầu ong ong u u, luôn có cảm giác như sắp bị thổi bay, sắp ngã. Chúng tôi mong được làm quen với cái đói nhưng không thể. Đói vẫn là cảm giác xa lạ, thù địch. Đang giữa giờ học, Thúy Ngân, một trong những người bạn gái của tôi nói nhỏ vào tai tôi: “Đói thế này học quái nào được”. Câu nói của Ngân như châm ngòi sự bùng nổ cái đói trong tôi. Tôi như muốn gục xuống bàn. Nhiều bạn học của tôi đang dùng hai tay chống cằm, đỡ cho cái đầu được ngay ngắn. Ai cũng mong nghe tiếng kẻng báo hết giờ để được ăn cơm. Cứ thế, buổi sáng mong được ăn cơm trưa. Buổi chiều mong được ăn cơm tối. Bưng được bát cơm chan canh vài sợi rau loãng, muốn ăn từ từ thưởng thức cái ngon, cái sướng được ăn nhưng cái đói buộc chúng tôi ăn ngấu nghiến, loáng cái chỉ còn cái bát không. Mắt nhìn kỹ lại cái bát, có hạt cơm nào sót lại, giọt canh nào còn thừa là ăn nốt. Chúng tôi thường đùa: Bát của sinh viên, ăn xong không cần phải rửa.

Trong đời sinh viên có hai đợt tôi và một số bạn được  ăn no. Mùa đông 1968, gà cả bản Cẩm Vân bị dịch. Sáng nào ngủ dậy dưới các nhà sàn đều có dăm ba con gà chết. Dân không ăn hết cho chúng tôi. Suốt một tuần chúng tôi được no đủ cho đến khi con gà cuối cùng của Cẩm Vân bị chết dịch. Ngày nay có vịt gà dịch, trâu bò, lợn lở mồm long móng là tiêu hủy cả đàn, thậm chí tiêu hủy cả một vùng có dịch. Thuở ấy chỉ chôn vào dạ dày, không có chuyện chôn xuống đất. Tôi nghĩ vận động ý thức ăn sạch, ở sạch không bằng dân giàu. Dân giàu dân sẽ biết cách ăn sạch, ở sạch.

Tết nguyên đán 1969, bạn học của lớp tôi về quê gần hết, chỉ còn tôi và Nguyễn Công Danh quê Quảng Trị, Quảng Bình không về được. Các bạn nhận gạo tiêu chuẩn, thổi cơm ăn tất niên và đùm gói ăn trên đường về, không ai quan tâm tới chảo ngô bung, khẩu phần ăn bữa cơm cuối năm của cả lớp. Chị cấp dưỡng nghĩ rằng sẽ không ai ăn chảo ngô đó nên đãi vôi sơ sài. Tối đó tôi và Danh ăn no bụng. Hậu quả là đầu óc quay cuồng, đau thắt ruột, nôn ra mật xanh, mật vàng. Vậy mà ngày hôm sau hai chúng tôi đưa số ngô đó ra suối đãi sạch vôi, giã bột làm bánh, số còn lại sấy khô cất dành, nhờ thế được no suốt tết.

Để chống lại cái đói chúng tôi làm tất cả những gì có thể: Mót sắn khoai ở những nương rẫy đồng bào đã thu hoạch, ăn lá rau rừng, phần nhiều là rau tàu bay và lá bướm.

Ở Thạch Thành rất nhiều ốc sên. Chúng bò lung tung ở những vùng ẩm ướt, lá mục, đeo bám quanh các gốc chuối. Thời kỳ đầu nhìn ốc sên bò chúng tôi thấy tởm. Đằng sau nó kéo theo một dải nhớt. Về sau chúng tôi tìm cách ăn thịt nó. Đập vỏ óc sên, lấy phần đầu, chà vào tro bếp cho hết nhớt rồi xào, nướng. Một đêm, tôi và Thôi (bạn gái cùng lớp) lên lán giáo sư muốn xin ý kiến thầy về đề cương một bài luận văn. Phòng Thầy khép cửa. Tôi nhìn qua khe cửa thấy thầy đang ăn. Cạnh ngọn đèn dầu lay lắt trên bàn viết của thầy chỉ có mấy quả cà kiu chấm ruốc tôm pha loãng, hai xâu ốc sên nướng. Thầy ăn rất ngon lành. Vậy là các thầy cô cũng đói như chúng tôi. Tôi bấm Thôi lẳng lặng ra về để thầy được ăn tự nhiên. Tôi thấy nặng lòng, thương thầy và cảm phục. Những giờ giảng của thầy bao giờ cũng say mê, cuốn hút. Phong thái của thầy bao giờ cũng ung dung. Thôi dặn tôi về lớp đừng kể với các bạn thầy ăn ốc sên. Bấy giờ tôi đã không kể nhưng bây giờ viết lại những dòng này tôi muốn nói: Thôi ơi, bạn và tôi, các thầy cô và chúng ta đã được sống trong một thời vĩ đại. Chúng ta đói vàng mắt, đói quặn lòng, thắt bụng nhưng chúng ta vẫn có những đêm hội diễn văn nghệ với nhiều tiết mục chèo, quan họ, ca múa, kịch ngắn tự biên tự diễn. Chúng ta có những ngày hội thể thao: Điền kinh, bơi lội, bóng chuyền, bóng đá, bắn súng… Chúng ta có những đại hội sinh viên giỏi chói ngời những luận văn đạt điểm tối ưu. Và sau đó bạn và chúng ta đã trở thành những nhà giáo đức hạnh và đầy nhiệt huyết đến với học sinh mọi miền đất nước.

***

Năm 1970 tôi về công tác tại huyện Tiên Hưng tỉnh Thái Bình. Thái Bình dạo đó và bây giờ vẫn được mệnh danh là vựa lúa của miền Bắc nước ta. Nằm giữa vựa lúa nhưng người Tiên Hưng dạo đó vẫn đói ăn. Chẳng phải sản xuất không đủ. Người Tiên Hưng và người dân cả nước dạo đó đều tự nguyện thắt lưng buộc bụng với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến. Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”…

Nơi tôi công tác gần nhà chị Cảnh. Chị và tôi thân nhau như chị em. Chồng chị đang ở chiến trường. Tính đến ngày đó đã hơn hai năm chị không có một tin tức gì về anh. Chị có ba con nhỏ, hai gái một trai. Đứa lớn nhất học lớp 9 đứa nhỏ học lớp 3 gọi là cái Na. Bữa cơm nào chị cũng xới cơm thành bốn lưng bát để ở bốn góc mâm. Giữa mâm là một rá khoai, sắn luộc. Củ khoai củ sắn chỉ nhỏ bằng hai ngón tay trở xuống, có củ sùng ăn nham nhở. Những rễ khoai lớn sần ra cũng được cắt gọt cẩn thận cho vào luộc. Nuốt được thì nuốt, không nuốt được thì nhai nhổ bã như bây giờ ta nhai kẹo cao su. Sau khi ăn hết rổ khoai sắn đó mấy mẹ con mới ăn tới bát cơm của phần mình. Sang lắm rổ khoai, sắn mới được luộc chung với vài nắm lạc non, lạc xép. Chị nói: “Khoai to để đưa ra chợ bán, lấy tiến nuôi các cháu ăn học. Khi cần đổi một cân khoai sắn củ to được một cân rưỡi tới hai cân củ nhỏ, các cháu được no lòng.

Một lần tôi vào nhà bắt gặp chị đang dùng roi đét vào mông con bé Na. Con bé ào tới ôm lấy tôi mà khóc. Tôi thương bé, trách chị: “Nó còn nhỏ, có gì dùng lời bảo ban” “Nó đoảng quá - chị ca thán với tôi - nhiều lần chị dặn nó: Hái rau vào luộc phải hái cọng già, lá già, để dành cọng non cho rau phát triển mà ăn bữa sau. Nó cứ hái cả cọng già, ngọn non lẫn lộn, bữa sau còn gì. Lá già vàng rụng, cọng già thành dây mây, vứt à?”

Chị rất cưng chiều con, nhất là bé út Na với tình mẫu tử thiêng liêng còn một lý do đặc biệt: Bố nó đang ở mặt trận. Nhưng lãng phí những cọng rau, lá rau thì không thể. Cần phải có cái ăn để bốn mẹ con tồn tại. Cần tiết kiệm để chi viện miền Nam. Với chị, còn để chi viện cho chồng đánh giặc. Tôi còn nhớ cuối ngày mùa cách hôm đó chừng một tháng, chị chất lên xe ba gác sáu bao lúa lớn, phơi khô khén, quạt rất kỹ, cắm một lá cờ đỏ, kéo về kho hợp tác xã làm nghĩa vụ ủng hộ phong trào “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”. Ngày nhập thóc nghĩa vụ vào kho nhà nước tưng bừng như một ngày hội của cả vùng Tiên Hưng: Trống giong, cờ mở, băng rôn, khẩu hiệu sáng ngời. Điều kỳ diệu là tất cả những người dân ấy đều thiếu đói như mẹ con chị Cảnh. Tôi thầm nghĩ: Sáu bao thóc ấy đủ bốn mẹ con ăn trong sáu tháng. Tôi về ngồi bên ngọn đèn vặn nhỏ cho đỡ tốn dầu chị hỏi tôi: “Có khi nào những hạt gạo chị đóng góp đến được với bát cơm của anh trong chiến trường”? Tôi động viên chị “Cuộc sống kỳ diệu, mọi điều tưởng như không thể đều có thể. Nhưng chắc chắn những hạt gạo chị gửi đi, bộ đội ta ở chiến trường có thêm nhiều nắm cơm ấm bụng.” Qua ánh đèn dầu tôi thấy mắt chị ngời sáng. Tưởng như chị đang nhìn thấy anh và những người đồng đội, áo quần lấm bụi đất, đang ăn những nắm cơm do những hạt gạo chị gửi vào.

Vợ tôi kể cho tôi nghe rằng: Thời đó vợ tôi đi K8 (Chủ trương Trung ương sơ tán học sinh Vĩnh Linh ra các tỉnh phía Bắc) ở Ninh Bình sống cùng chị Thuật. Chị cũng có chồng ở chiến trường và nhiều con nhỏ. Món ăn thường nhật của hai chị em và các cháu là cọng rau muống già phơi héo, muối dưa. Món dưa ấy vừa là thức ăn nhưng cũng là thức độn thay lương thực. Nhà nào cũng ăn như vậy, người nào cũng ăn như vậy, ngày nào cũng ăn như vậy nhưng không thấy chán. Khi người ta đói thứ gì nhai được cho vào dạ dày đều thấy ngon. Vậy mà - vợ tôi nói - khi nộp thóc nghĩa vụ, cả làng đều phơi thóc thật khén, quạt thật sạch. Cờ nhỏ cắm trên thúng thóc, cờ to cắm trên xe kéo. Khẩu hiệu bướm dán trên vành nón: “Không có gì quý hơn độc lập - tự do”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”. Ngày ấy con người cam chịu đói mà vĩ đại. Bây giờ nhiều người giàu có vậy mà….” Vợ tôi bỏ lững câu nói mặc tôi hiểu thế nào thì hiểu.

Trong kho tàng thơ ca chống Mỹ cứu nước, Phạm Ngọc Cảnh có bài thơ “Mẹ” rất hay, trong đó có hai câu:

Bát cơm đầy tay mẹ xới cho con

Rau con trồng mẹ luộc những mầm ngon

Tôi hỏi nhiều bạn đọc trẻ bây giờ, họ nói gần như thống nhất. Bài thơ hay nhưng hai câu đó không có gì đáng nói vì chỉ là tự sự. Riêng tôi và những người cùng thế hệ đã từng xót xa khi thấy bé Na phải đòn vì không hái cọng rau già để luộc, khi thấy thức ăn và đồ độn của một thời là cọng rau muống già muối dưa. Bữa cơm mẹ tiễn con ra trận cũng chỉ là khoai sắn. Lon gạo quý hiếm ém vào một góc nồi để xới riêng cho con một bát cơm đầy. Mẹ nhường con, con mời mẹ. Không nói nên lời nhưng tiễn con ra trận người mẹ nào không lo lắng, rất có thể đấy là bữa cơm cuối cùng. Mạnh dạn hái ngọn rau non để luộc là vì vậy. Hai câu thơ tả thực đặt trong thời đại ấy nặng tình và thương cảm lắm. Ẩn dấu đằng sau câu thơ là lòng yêu nước và nhân cách lớn lao…

Tôi và vợ tôi có một đồng cảm: muốn gặp lại bé Na để cùng cháu lại ăn một đĩa cọng rau già. Gặp lại chị Thuật để cùng chấm muối món dưa cọng rau muống già như một sự hoài niệm, một sự trở lại cội nguồn.

***

Năm 1971 ta mở chiến dịch đường Chín Nam Lào. Huyện Vĩnh Linh thành lập một tiểu đoàn gùi cõng phục vụ chiến dịch gọi là đi B ngắn. Nhiệm vụ chủ yếu của tiểu đoàn là cùng các tiểu đoàn B ngắn của tỉnh bạn tiếp tế lương thực phục vụ các binh đoàn đang tác chiến ở đường Chín, Nam Lào và Bắc Thừa Thiên Huế. Mỗi người gùi cõng khoảng ba mươi kg lương thực cùng vũ khí tự vệ. Mỗi chiến sĩ vào ra đã ăn hết mười cân. Số lương thực còn lại cho bộ đội chẳng được nhiều. Vào chiến trường gặp bộ đội anh em biết quân ta còn thiếu thốn. Bộ đội hậu cần binh trạm, quân y, thông tin, xăng dầu… mỗi ngày chỉ ăn một bữa cơm, để dành cho bộ đội cơ động ăn no trực tiếp đánh giặc. Nhiều chiến sĩ khi trở ra tình nguyện không nhận gạo ăn đường. Họ ăn sim móc, rau rừng, và sắn nhổ ở rẫy sắn Cộng sản (rẫy sắn Cộng sản là một sáng kiến hữu hiệu hậu cần tại chỗ của bộ đội Trường Sơn. Bộ đội chôn hom sắn vào bất cứ nơi nào có thể trồng được dọc Trường Sơn. Người đi sau nhổ một cây sắn chôn trở lại ít nhất là hai hom sắn. Nhờ thế các rẫy sắn Cộng sản ngày càng nhiều).

Dạo đó cạnh nhà tôi có một chiến sĩ tham gia tiểu đoàn vận tải của Vĩnh Linh. Mẹ của anh, tôi gọi bằng thím. Ngày ngày thím nhìn về phía Namthắt ruột mong con trở về. Ngay trước mắt thím và chúng tôi, trời Nam ngập trong màu khói. Máy bay địch quần đảo dội bom. Đại bác nổ từng hồi rung chuyển. Đột nhiên anh trở về, thím chưa kịp mừng đã thấy anh đổ vật xuống nền nhà, sùi bọt mép, chân tay run rẩy. Anh lẩm bẩm: - Mẹ ơi! Con đói.

Ngày hôm sau anh kể: Tiểu đoàn anh trả xong gạo phân tán thành từng tiểu đội quay ra. Tiểu đội anh tình nguyện không nhận lương thực ăn đường. Khi vào nhổ sắn Cộng sản, vì gấp rút và không có khí tài dò mìn, các anh dính lựu đạn gài dưới gốc sắn của bọn biệt kích hy sinh hai chiến sĩ. Tuyến rút quân bị lộ. Trực thăng quây lại lùng bắn. Anh cười hề hề: “Bọn miềng chạy thục mạng vòng qua đất Lào mới thoát được ra Bắc. Ba ngày ba đêm trong bụng chỉ có sáu trái sim”.

Tối đó anh lại lên tiểu đoàn tập trung nhận hàng đi B ngắn chuyến khác. Thím tôi năn nỉ: “Con ở nhà vài ngày cho lại sức”. Anh nhăn nhó chỉ tay vào Nam: “Mạ nói hay! Ở trong đó quân giải phóng đang làm ăn to. Miềng ở nhà răng được. Phen ni - anh cười hề hề - đánh đối công - mặt giáp mặt, không thèm đì đòm du kích nữa mô”. Tôi nhìn anh hớn hở ra đi, tưởng như đi trẩy hội chứ không phải gùi cõng đến trầy vai chảy máu, không phải vào chốn đạn bom khốc liệt sống chết trong gang tấc.

***

Có lẽ sống quá lâu trong cái đói, chứng kiến quá nhiều cái đói, bây giờ no đủ tôi vẫn bị cái đói ám ảnh. Một lần tôi đọc được trong mẩu báo gói mì xíu mấy câu thơ:

Ta đã từng đói no

Nên quý từng hạt gạo

Từng chịu rét nhiều lần

Nên thương từng mảnh áo

Không biết mấy câu thơ ấy bị xé ra từ bài thơ nào? Ai là tác giả? Nhưng cứ nghĩ ai đó viết cho tôi. Mỗi khi dự tiệc tùng, đứng dậy nhìn bàn ăn thừa mứa nhiều thức ngon vật lạ, lại nhớ về bé Na, chị Thuật, người chiến sĩ gùi cõng hàng… lại giá như những thứ đó đến được với các em bé vùng sâu, vùng xa đang đói. Tôi cũng biết cứ nặng nề như vậy thì tâm lý khó bề thanh thản. Nhưng đã có bệnh ám ảnh thì phải cam chịu với trời.

Hiếm có những thời cả dân tộc ta bị đói một thời gian dài, đói khốc liệt như vậy. Nhưng cũng chưa bao giờ trăm vạn người một đầu, ngàn vạn người một ý chí. Chưa bao giờ dân tộc ta vĩ đại và hùng mạnh như bấy giờ. Đã đánh bại hai đế quốc hùng mạnh nhất địa cầu, đã viết nên những trang sử vàng chói lọi, lập những chiến công ngàn năm sáng chói. Dân đói dân vững vàng lý tưởng, Người đói càng luyện vàng ý chí

Thì ra đói nghèo chưa chắc đã yếu, giàu chưa chắc đã mạnh.

  L.V.T

 

 
 
Phương Lan
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 187 tháng 04/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground