Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Sông Đỏ

- Im ắng quá!

Mạ nói, cha nhìn mạ một lúc rồi đi ra phía bờ sông. Trời tối đen, tựa như đời người mấy mươi năm có lẻ. Mạ nhìn cha đi mà không có thắc mắc. Cứ nhìn, hơi chới với nhưng cũng lại tịnh. Mạ ngồi im, đêm ni chắc có chuyện lớn. Sau ngày im ắng tối thường bão giông. Lạ chi chuyện, đợt rồi hai bên chết nhiều quá! Cả khúc sông này nhuốm màu hoa gạo. Cha trở về từ đợt đó sau khi mất đi cánh tay phải. Cha nói, điên quá đi bây, còn quân khốn mà cha trở thành người vô dụng. Hôm đó, mạ ngồi cạnh cái đòn bào cắt sắn còn tôi víu vô cánh tay cụt của cha. Cánh tay còn một khúc khoảng 15cm. Bên dưới da thịt nhúm lại và còn màu đen của khói súng. Còn khúc đó tỳ súng được chơ phải, rứa mà không cho mình đánh. Cha ức, nhưng tôi thực sự thấy hạnh phúc vì lúc này đây được ngồi bên cha. Tôi sợ lắm những ngày cha vô thành. Vì những người vô đó không thấy ra nữa. Những người khác lại vô và mịt mù ngày về. Mạ thì nói, lớn lên bây sẽ hiểu. Cha bây chưa chịu dừng lại mô. Bây con gái nhưng 13, 14 tuổi rồi, chuẩn bị cầm súng đi là vừa rồi đó.

- Rứa răng mạ không cầm súng? Tôi hỏi nhưng như trách mạ.

- Tao mắc chèo đò.

Và tôi thấy mạ cố tình xắn quần lên. Tôi khóc, những vết thẹo chi chít tàn phá làn da trắng phau ở hai đùi mạ. Có những vết thương mới rỉ rả máu như những vệt trầu. Đỏ ối, bầm tím và có nơi xỉn màu.

- Mạ có đau lắm không?

- Đau chơ, nhưng xứng với cánh tay cụt của cha bây là được.

Mạ ra sân và đi về hướng cha đi. Mỗi tối, tôi thấy hai người họ lẩn vào trong bóng đêm đi về phía Sông Đỏ. Còn tôi, tôi ngồi thu mình vào chiếc bạt ở góc hiên chờ mạ và cha tôi về. Đêm đêm, Sông Đỏ gần nhưng không nghe thấy tiếng nước chảy. Tiếng súng đã lấn át. Và tiếng chó sủa râm ran cả đêm lẫn ngày. Có súng là chó sủa, có giặc tràn về là chó sủa. Con Vầm nhà tôi bị chết từ dạo đó, khi nó lao vào cắn xé mấy tên lính Mỹ hiếp mụ Cầu. Lần đó mụ Cầu chết sau khi bọn lính kéo quần lên còn con Vầm cũng chết vì mấy phát đạn. Chuyện đó khiến tôi trở thành con bé ít nói nhưng lại đi nhiều. Tôi đi vào giữa trưa, đi từ đầu làng đến cuối xóm. Tóc tai rũ rượi, nước bọt chảy lè nhè, cười nói lung tung và có khi tôi cởi áo tung mịt mù lên trời. Mọi người thương cho cảnh tôi, bị mất con chó thân yêu và chứng kiến cảnh bọn lính Mỹ hiếp mụ Cầu. Chuyện rồi cũng đến tai cha. Cha nhìn tôi, lầm lỳ và dò xét. Đến cuối thì cha hỏi, mạ ngồi thấp thỏm.

- Bưn… cha gọi tên tôi một cách khác thường. Nghĩa là giọng cha rất to và âm thanh phát ra tên tôi như người sắp bắt lỗi.

- Nói cho cha biết, vì răng con làm rứa? Cha tiếp. Và tôi thấy không có nghĩa vụ phải trả lời câu hỏi này. Hay nói đúng hơn, tôi không thể trả lời cha. Mạ ngồi ngó nghiêng và sốt ruột khi tôi lặng im. Mạ nói.

- Con là con gái, mần rứa coi chi được. Tao và cha bây buổi tối bận rộn, buổi ngày còn phải ra đồng. Thời buổi loạn lạc, bây coi chơ cởi áo cởi xống đi rứa, con gái tao lo. Mà ông coi hay là con nó mất vía. Hồi mụ Cầu bị toán Mỹ hiếp con nó chứng kiến chơ ai. Từ đó đến chừ tui thấy con bé khang khác.

Được nước, tôi lặng im. Thương mạ nhưng tôi cũng đành lặng im. Và thầy cầm vía về thiệt. Thầy thấp bằng tôi, mặt nhăn, con mắt ti hí nhưng cái miệng thì rộng và râu thầy đen đúa. Đêm đó nhiều người đến xem, có cả mấy tên lính cắm quân gần nhà. Trong tiếng xì xào của thầy cúng nói với vong, mấy tên lính cũng thêm vào câu chuyện. Nghĩa là chúng tiếc cho tôi sắc nước hương trời mà bị người âm nhập. Tôi cởi áo vung lên trời và chạy biến đi trong đêm. Sau lần đó tôi có thể đi bất cứ đâu mà tôi muốn. Trên con đường làng, trong đồn địch và cả những nơi chiến sự hiểm nguy nhất như trong thành tôi cũng lẻn vào. Lạ là tôi không chết, cha ngao ngán nhìn tôi. Mạ thì nói thôi kệ đi ông à, con người có độ rồi sẽ qua. Nhưng mạ nhìn vào mắt tôi, sâu hoắm và mạ cười quỷ quyệt. Tôi không biết ánh nhìn đó là gì, có thể thấu tôi chăng? Bận sau mỗi trưa tôi lang thang, lúc về mạ hỏi.

- Bưn, thấy thằng Hển hay đi lại vùng mô?

- Cuối sông. Mạ hỏi chi rứa?

- À, mạ đưa hắn sang sông.

Trưa hôm sau thì thằng Hển chết. Nó bị ai cứa cổ bằng một cái liềm, người ta nhìn thấy cổ nó xơ xác và cây liềm đặt bên cạnh, máu chảy ngập nửa cái tai. Bên cạnh nó có mảnh giấy ghi “ác ôn vừa phải, trời còn để lại…”. Bà con ở đó qua lại hả hê. Thằng ác ôn nhất trong bốt địch đã bị hành xử. Tôi lao vào ôm xác thằng Hển khóc. Tôi lấy máu nó bôi lên mặt tôi và ghì lấy khi toán lính mang xác thằng Hển đi. Đoạn chúng lao nhao với nhau.

- Mẹ nó! Không khéo con bé là thủ phạm. Một thằng trong bọn chúng ngoái đầu nhìn tôi và nói.

- Đa nghi, con bé có mười mấy tuổi đầu lại bị điên… một thằng cãi lại.

- Ở đây nhiều quân điên khốn lắm!

Chúng đi xa hơn và tiếng nói của chúng nhỏ dần. Mạ đến đỡ tôi dậy và lấy chiếc khăn ướt lau mặt cho tôi. Mạ lại cười và nhìn vào mắt tôi. Tôi lẩn tránh ánh nhìn đó trên suốt cả quãng đường về.

- Bưn, con thấy nguy hiểm không mà cứ đi lảng vảng trên đường làng vào trưa? Thằng Hển nó gian ác rứa mà còn không sống nỗi.

- Ác chết là phải rồi, con có ác mô.

- Hơ, nó nói tỉnh chưa mạ mi tề.

Cha quay sang phía mạ, ánh mắt cha ngờ vực nhưng tràn niềm vui. Cũng lâu rồi tôi mới đáp lời cha. Thường cha hỏi tôi cứ cười khụt khịt. Mạ thì hay hỏi tôi, toàn chuyện liên quan đến bọn thằng Hển. Đây là toán lính ác ôn, hay cướp của và hiếp đáp dân làng. Cái chết của mụ Cầu và con Vầm của tôi cũng do bọn này tạo ra. Giờ thì chúng bị giết gần hết, cái số lính cũ. Nhưng bọn mới nhập ngũ sau này có vẻ ác tận hơn. Mặt thằng nào thằng nấy đùng đùng sát khí. Có lần, chúng cua tôi lại ở đoạn mấy bụi tre già. Một tên trong bọn thằng Hển hỏi, mà tôi nghĩ nó là người được cấp trên phong chức thay cho thằng Hển mới chết.

- Con bé, có phải mày làm vụ này?

Tôi lặng im, và nó túm lấy áo dúi tôi xuống đường.

- Không mày thì bố mày. Rồi mày thấy, bọn tao sẽ trả thù.

* * *

Người dân làng tôi không còn múc nước trên Sông Đỏ. Máu của ta, của địch vấy cả ra sông. Đoạn khúc sông trước nhà tôi có cả những thi thể trương sình, thịt thối rửa màu trắng nhợt và mùi thối bốc lên rất kinh. Chiến tranh đến bao giờ thì kết thúc? Có lần, tôi tự thắc thỏm vậy. Vì tôi không còn muốn nhìn thấy bóng cha lẫn vào đêm. Có thể lắm, sẽ có ngày cha không quay lại. Và ở mái hiên tôi ngồi chờ trong sự trống vắng đến vô biên.

* * *

Sáng, tiếng dân làng đã hô hoán ở ngoài sông. Tôi vẫn còn nằm ngủ chèo ngoeo ở bậc thềm. Vậy là đêm qua không thấy họ về. Khi tôi thức giấc, không có dáng mạ, không có tiếng cha. Tôi chồm dậy và chạy ra sông. Tôi đứng khựng lại, mọi người đang nháo nhác lội xuống sông vớt hai thi thể ngập ngụa trong nước với máu đỏ ối váng ra sông. Tôi có thể nhìn thấy, hai thi thể ấy. Một đàn ông và một đàn bà. Tôi nấc lên và nhào xuống.

- Mạ ơi! Cha ơi!

- Mạ cha chi ở đây, chú Thuận và thím Út con mụ Cầu bị toán lính giết.

Tôi ngồi thụp xuống bên bậc sông, lòng vẫn đau như cắt và ngực tôi chực vỡ tung.

- Rứa ba mạ tui mô?

- Ai biết.

Tôi ngẩn ngơ đi và rảo mắt nhìn con Sông Đỏ trong buổi sớm mai. Nó trầy xước bởi khói súng lởn vởn trên sông, nó đục nhờ nhợ vì xác trôi ngập ngụa. Vậy là nhà mụ Cầu không còn ai nữa. Chú Thuận và thím Út cưới nhau được nửa năm và thím đang mang thai. Tôi nắm chặt bàn tay mình lại, tựa như lòng bàn tay của tôi bị rạn nứt ra và bao nhiêu máu tắc nghẽn lại trong đó, chúng vón thành cục, chát, uất nghẹn, đầy thù hằn.

- Bưn, răng đêm qua ngủ hiên mạ đem vô giường rồi lại trở ra?

- Đêm qua mạ có về à?

- Cả ba mi nữa. Hùi, cấy con ni mệt quá!

Mạ nói chuyện với tôi vào lúc chập tối. Khi tôi hả hê với một ngày dài mênh mông dọc Sông Đỏ và tôi biết được nhiều thứ có thể khiến lòng bàn tay tôi xiết chặt thêm một chút.

- Mạ…, tôi nói. Mạ ngước mắt đợi chờ câu nói của tôi. Quân thằng Hển đến chiều, khoảng 3 giờ hay tụ tập ăn uống ở quán bờ sông…

- Đủ không?

- Đủ.

- Đông lắm!

- Dùng thuốc chuột.

- Chi được.

- Con mần.

Và tôi đi tối hôm đó, tôi ngủ lại bên bụi tre chỗ có cái quán thịt chó của mụ Thanh làm đĩ. Nơi bọn quân thằng Hển hay tụ tập. Đến chiều, chúng xuất hiện trong bộ dạng hết sức phấn khích. Đêm qua, chúng đã làm được một trận khốn nạn nhất đời chúng. Chúng đã càn quét làng tôi. Trong câu chuyện của chúng, thì đố còn sống sót dù chỉ là một con chó. Một đứa trong bọn chúng nhếch mép nhìn về phía tôi.

- Con bé mà tắm rửa sạch sẽ là ngon ơ. Gấp trăm ngàn lần mụ Thanh đấy chúng mày. Mà phải thử chứ nhỉ, chắc gì nó điên.

- Thằng này kinh, con bé điên mà.

- Điên thì cũng biết làm đàn bà…

- Thôi, uống đi, nhớp cả miệng mày.

Chúng nâng cốc và tôi vừa đủ thời gian để rút lui, trong im lặng và trong sự thù hằn. Tôi biết chắc, đoạn tôi về chúng sẽ lăn quay với thứ thuốc tôi trộn vào đồ nhắm và rượu. Mụ Thanh cũng đời, mụ đã giúp tôi một tay trong chuyện đó. Đành thôi, tôi không muốn làm điều đó nhưng bọn chúng đã khiến tôi phải nghiến răng sữa của một con bé thay cho sự trưởng thành tự nhiên. Tôi trở về, làng xóm xác xơ không một bóng người. Họ lặng im, ngả nghiêng trên mặt đất. Họ lặng im... Tôi đi lật từng cái xác, xem ai còn sống không, xem ai còn nói được gì, xem ba mạ tôi ở đâu. Không ai cả, không một tiếng động dù là nhỏ nhất. Tôi thẫn thờ bước đi, tôi muốn cấu nát cả không gian và ném bầu trời sụp xuống để đè nát chúng ra, từng tên, từng tên một. Mạ tôi đâu, cha tôi ở đâu rồi? Tôi lang thang nhấc từng bước nặng trĩu.

- Bưn…

Tiếng của mạ, của cha tôi. Tôi đích xác đó là tiếng kêu của họ. Nhưng tôi không tìm thấy họ ở làng, ở con Sông Đỏ cũng không tìm thấy. Những ngày sau đó tôi đã không còn thấy mạ, không còn thấy cha trở về với mái đầu ướt đẫm sương đêm. Tôi nhớ họ đến vô cùng. Và từng đêm, tôi bước xuống Sông Đỏ. Tôi nghe nước chảy, nghe tiếng súng thất lên giữa mặt đất và tiếng máy bay dội bom nát cả bầu trời. Bưn ơi! Tiếng gọi phun lên từ mặt Sông Đỏ. Tôi lội xuống đó, ngụp lặn. Sâu hoắm trong lòng sông tôi nhìn thấy gương mặt của mạ tôi, của cha tôi. Họ nằm ngửa, hướng lên trên mặt nước lung linh trong cái nắng của một sớm mai bình lặng. Năm 1973, quê hương tôi giải phóng, cờ hoa đỏ khắp trời. Họ rước cờ đến bên Sông Đỏ và tôi thẫn thờ bước theo sau. Có nhiều người quen, nhưng cũng lắm người lạ. Ai ai cũng rạng rỡ trong ngày hòa bình. Tôi … lặng lẽ. Vì tôi nghĩ rằng màn đêm của Sông Đỏ đã mang mạ tôi, và những đêm ướt đẫm sương đã mang cha tôi đi xa, thật xa lắm! Trong giây phút đó tôi cảm thấy lạnh. Và tôi bất giác nghe bàn tay đặt lên vai mình…

- Bưn…

- Mạ!

Và câu chuyện về cha trở về như ngày nó mới bắt đầu. Cha nằm dưới sông, mạ đã nói thế. Mạ cũng nói về tôi cho cha rõ. Cha rất đổi tự hào khi có một người con như tôi. Trong đêm đó, trước lúc bom dội trúng thuyền, cha đã gọi tên tôi.

Chuyện đã xa rồi, xa lắm rồi! Hôm nay tôi bước đi trên con Sông Đỏ của những ngày hòa bình. Nhưng nó như mới vừa hôm qua, khi tôi ra đứng bên bậc thềm của con Sông Đỏ. Cuộc sống, nó đã như con Sông Đỏ đầy ắp nước, đôi bờ trong xanh, cả cánh đồng bắp no nê trong màu xanh của trời đất, của con sông. Nhưng có một khoảng trống không thể khỏa lấp được - chiến tranh đã cướp mất của tôi - đó là tiếng gọi của cha từ những ngày xưa ấy. Mặt Sông Đỏ lặng ngắt, nước trong xanh đến vô cùng. Tôi bất giác gọi tên mình, Bưn ơi!

 

H.H.L

 

HOÀNG HẢI LÂM
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 231 tháng 12/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground