Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 04/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Tết này nhà có khách

TCCV Online - Vài cây đào khẳng khiu trong thị trấn đã bắt đầu bung hoa sớm. Chúng điểm xuyết trong nền sương mờ ảm đạm những đốm lửa hồng ấm áp. Dưới gốc cây bàng đang trổ lá non vốn là quán cháo sáng của bà cụ có mái tóc bạc phơ giờ bày thêm vại hành chua. Cái vị hành mới muối còn cay ăn nhẩn nha với cháo vừa ấm bụng lại vừa có không khí Tết. Vỉa hè một số nơi đã bày bán hoa. Lốm đốm sắc vàng sắc đỏ run run trong giá rét. Vài em bé hỏi mẹ chuyện mua áo mới, đòi chọn lợn đất xinh xinh để đúc tiền lì xì. Những người lớn trầm lặng hơn, tâm trí họ còn đang nghĩ xem thưởng Tết năm nay được bao nhiêu? Phải chi tiêu hai bên nội ngoại những khoản gì? Nhà đã đến lúc phải sơn lại. Chiếc xe máy cũ cứ nổ máy là kêu ầm trời chắc cũng đến lúc phải bảo dưỡng cả đống tiền. Có ai đó vẫn thắt ruột khi nghĩ đến tiền vé máy bay về thăm quê. Mới sáng sớm mà khuôn mặt nào cũng bận bịu suy tư. Chỉ những đứa trẻ ngồi sau xe là hồn nhiên nói cười, mắt sáng lên khi xe trôi qua một cửa hàng bán đầy đồ trang trí Tết. Chỉ một lúc nữa thôi trong số chúng sẽ ùa vào cánh cổng nhà trẻ. Nơi có bà Tư già đã dậy từ rất sớm để quét sạch cửa nhà vườn vặng, đun nước ấm, nấu nồi cháo bốc hơi chờ những bàn tay bé nhỏ.

Bà Tư già không có con cháu. Lúc còn trẻ, bà sống vậy chăm sóc cho bố mẹ già. Đến khi bố mẹ khuất núi thì bà lầm lũi một mình trong căn nhà rộng thênh thang. Nếu có thể đứng từ trên cao nhìn xuống thì vườn nhà bà không khác gì một viên ngọc xanh nổi bật trong thị trấn. Trong vườn có nhiều cây cổ thụ thân to cả vòng ôm, quanh năm tỏa bóng mát và trĩu trịt những mùa quả ngọt. Thậm chí có ai đó đã nói, khu vườn ấy giống như lá phổi của thị trấn giữa những khu công nghiệp đen ngòm ống khói và bụi mù đường sá. Gần 10 năm nay khu vườn ấy còn rộn tiếng trẻ thơ, ru những giấc ngủ non nớt, và vỗ về những thổn thức hồn nhiên. Giữa líu lo tiếng chim chuyền là tiếng của con trẻ bi bô dưới những tán cây xanh mát…

Từ ngày nhà nhận trông trẻ bà Tư đâm ra bận rộn. Ấy thế mà vui, không còn cảm giác trống trải cô đơn mỗi khi ngắm người dưng thiên hạ sum vầy. Giờ thì bà đã có cả một gia đình đông đúc gần 20 đứa trẻ bụ bẫm và ngoan ngoãn. Sáng sớm, chúng ùa vào vòng tay bà, ăn những bát cháo bà nấu một cách ngon lành rồi vui chơi cùng nhau cho đến khi các cô giáo mầm non tới. Căn nhà được chia làm hai lớp học, một lớp 3 tuổi và một lớp 4 tuổi. Bà Tư chỉ nhận nhiệm vụ chăm sóc bữa ăn giấc ngủ tụi nhỏ còn việc dạy dỗ bà nhờ cậy vào hai cô giáo. Cha mẹ gửi con ở nhà bà đều yên tâm vì không lo những bữa ăn bị bớt xén hay những giấc ngủ phải chen chúc chật chội. Ai cũng biết bà Tư mát tay và yêu trẻ lắm, chăm đứa nào là đứa ấy ăn tốt ngủ ngoan. Bởi vậy nên mỗi sáng tụi trẻ thường háo hức được đến khu vườn đó. Không có cảnh sáng ra bọn trẻ mếu khóc đòi nghỉ ở nhà. Còn gì hơn khi mỗi ngày đón con từ nhà trẻ về thấy chúng học được bao điều mới lạ. Những câu chuyện thường bắt đầu bằng hai tiếng “bà Tư…”.

Bà Tư sợ nhất những ngày cuối tuần và ngày Tết. Khi những đứa trẻ được ở nhà quây quần bên gia đình thì cả ngôi nhà trẻ chỉ còn bà với bàn ghế, cốc chén lặng câm. Gốc cây này không thấy bóng cu Tùng ngồi đung đưa vặt lá mít làm nghé ọ. Góc sân kia vắng bé Mai, bé Hạnh ngồi tết tóc cho “em” búp bê vải. Ấy vậy mà bà cứ giật mình thon thót khi tưởng như có tiếng vấp ngã ngoài sân, tiếng khóc thét ngoài vườn. Những lúc rảnh rỗi bà thường ngồi đan áo len cho bọn trẻ. Cái áo len thứ 10 đang đan dở là món quà bà sẽ dành tặng bé Hạnh trong năm mới. Con bé mất mẹ từ nhỏ, sống cùng bố trong căn nhà thuê chật chội. Cảnh gà trống nuôi con vốn chẳng dễ dàng gì, huống hồ bố Thuần của nó làm công nhân lương ba cọc ba đồng khéo co kéo lắm cũng chỉ đủ trang trải một cuộc sống đạm bạc. Thuần làm ca kíp nên việc trôm nom một đứa nhỏ càng khó khăn hơn. Bà Tư nhớ lần đầu Thuần đưa con đến gửi nhà bà, lóng ngóng đứng trước cửa hồi lâu không dám gọi. Con bé Hạnh đứng nép vào chân bố, rụt rè nhìn lũ trẻ chơi đùa. Thuần nói có những ngày không gửi được ai trong khu công nhân, Thuần đã phải khóa cửa nhốt Hạnh trong nhà. Các ổ điện được bịt kín, dao kéo hay vật dụng sắc nhọn được cất lên cao. Chỉ còn bốn bức tường xung quanh và chiếc ti vi nhiễu sóng vài ba kênh đơn điệu. Suốt 10 tiếng đồng hồ Hạnh lủi thủi chơi một mình trong bóng tối.

Trong chiếc ba lô nhỏ xíu Thuần gói sẵn cho con bộ quần áo, mấy viên thuốc tiêu hóa. Hạnh mặc chiếc quần ngắn cũn cỡn, hai bàn tay còn dính đầy mực. Sự vụng về của người đàn ông hiện ra trên mớ tóc rối bù của Hạnh. Bà Tư thương con bé bằng tình thương của một người bà. Bà trông nom nó không thu một đồng tiền, có cái gì cũng dành phần cho nó. Con bé còn bé tí nhưng ngoan và hiểu chuyện, không bao giờ mè nheo đòi hỏi như những đứa trẻ khác. Cuối buổi nếu bố chưa kịp đến đón thì nó ở lại theo bà Tư ra vườn chăm mấy luống rau. Chiều muộn thì kiếm củi ngoài vườn cho bà Tư nhóm bếp. Cơm canh đạm bạc, đôi khi chỉ cần ít tép rang và bát canh chua là con bé ăn ngon lành. Thỉnh thoảng Thuần cũng về ké bữa, những hôm ấy bà Tư thấy vui hẳn. Nhà cửa bớt trống trải dù biết đó chỉ là thứ ấm cúng vá víu của những phận người.

Thời tiết năm nay lạ quá, cứ thay đổi thất thường. Chỉ tội nghiệp bọn trẻ sức đề kháng kém hơi tí là hắt hơi sổ mũi liền. Hạnh ốm, phong phanh áo mỏng khi đống quần áo ấm Thuần chưa kịp lôi ra khỏi tủ. Thuần chở con đến cùng nắm lá xông mua vội ngoài chợ, vài túi thuốc xanh đỏ lẫn lộn và cặp lồng cháo đã nguội ngơ nguội ngắt. Bà Tư bế Hạnh, xót xa thấy chỉ qua một đêm sốt cao mà con bé gầy xọp hẳn. Nó dụi đầu vào lòng bà để tìm hơi ấm, nặng nhọc thở khò khè. Sờ trán con bé thấy nóng ran, bà tất tưởi ra vườn hái nắm rau diếp cá đem đun sôi với nước vo gạo. Nấu nồi cháo nóng, pha thêm ít nước gừng mật ong, bà dõi theo cơn sốt biến chuyển từng chút một. Tuy chẳng có con cái mà chăm nhưng các bài thuốc dân gian thì bà biết đủ. Chẳng vậy mà đứa trẻ nào ốm đau lặt vặt cứ đưa đến nhà trẻ là bà sốt sắng chữa cho bằng khỏi. Suốt bao nhiêu năm nay tụi nhỏ là nỗi bận tâm, vừa là gia đình ấm cúng của bà. Có chúng bà Tư thấy đời mình trẻ lại…

*

Người ta đếm từng ngày háo hức chờ đến Tết. Mấy mà hết năm, mấy mà người ta sum vầy đón Tết. Cánh cổng nhà trẻ sẽ đóng lại im lìm, không gian yên tĩnh đến mức có thể nghe thấy tiếng những chiếc lá vàng cuối cùng rụng xuống. Khi ấy bà Tư hay hồi tưởng những tháng ngày bố mẹ còn sống. Căn bếp nhỏ còn có cơ hội nhen lên những ngọn lửa ấm áp. Không gì hạnh phúc hơn khi được tự tay nấu cho người thân vài món ăn ngon. Cùng ngồi quây quần bên bếp lửa kể câu chuyện đầu xuân. Xót xa nhau đến từng tiếng ho khan, hay tiếng của xương khớp ngày lạnh kêu lên rời rạc. Nấu nồi bánh chưng, mổ con lợn éc, muối vại dưa hành đâu phải chỉ vì nhu cầu ăn uống vài ba ngày Tết. Mà đó là món ăn tinh thần mang không khí ngày xuân, chỉ cần nhìn thôi cũng thấy đủ đầy. Những cái Tết sau này khi chỉ còn một mình bà, bếp vẫn ấm lửa đấy thôi, nhưng lòng người nguội lạnh.

Nhưng năm nay thì khác. Bà Tư tất bật chuẩn bị Tết ngay từ khi cây đào già ngoài vườn vừa mới trổ nụ lưa thưa. Bà đặt người ta nếp cái hoa vàng để nấu bánh chưng. Củi cũng được gom lại từ nhiều đợt nắng. Đám lá dong xanh mướt cuối vườn bà không gọi bán như mọi năm, chỉ biếu hàng xóm vài bó còn đâu để lại nhà dùng. Năm nay bà gói thêm giò xào, nấu món thịt đông. Để có bát canh măng ngon thắp hương tổ tiên bà đã mua măng tươi từ tháng 9, tháng 10, mang về tự luộc tự phơi. Hai cô giáo thắc mắc bà có một mình ăn uống là bao mà sao phải cầu kỳ cho nhọc. Bà cười bảo “Tết này có khách”. Khách của bà không ai khác chính là hai bố con Thuần. Thuần làm ca kíp, đêm 30 Tết năm nay phải trực trong nhà máy thì nói gì đến chuyện cùng con đón giao thừa. Cũng không thể để con ở nhà thui thủi một mình trong khoảnh khắc mà mọi gia đình đều quây quần ấm áp bên nhau. Nên Thuần đã mấy lần định ngỏ lời nhờ bà Tư trông giùm bé Hạnh mà cứ ngại ngần. Bà Tư hiểu chuyện, thương cảnh gà trống nuôi con thiếu bàn tay đàn bà vun vén. Nên bà bảo “Tết này hai bố con qua đây ăn Tết cho vui”. Những mảnh đời neo đơn đã nương tựa vào nhau như thế…

Ngày học cuối cùng trong năm những đứa trẻ háo hức ùa vào vòng tay bố mẹ. Ngày mai đối với chúng là giấc ngủ nướng, là không khí chộn rộn đón Tết trong mỗi mái nhà. Chúng sẽ được mè nheo nụng nịu trước những gian hàng Tết tràn ngập sắc màu. Chỉ có Hạnh ở lại với bà Tư già cùng bọc quần áo bố Thuần mang sang gửi gắm. Không muốn nhìn thấy cảnh con bé ngồi một xó buồn thiu nên bà Tư quyết định dắt nó đi chợ phiên ngày Tết. Để bà được nhìn thấy nó cắn ngập răng trong chiếc bánh rán bọc đường đỏ. Nó hí háu chờ người ta quấn thoăn thoắt những muỗm kẹo mạch nha có màu vàng hổ phách. Nó tần ngần trước quầy bán quần áo mới khi bà Tư giục chọn lấy một bộ cho mình. Sạp rau quả ngày Tết cũng rực rỡ sắc màu. Cà chua đỏ, ớt xanh, rau bắp cải trắng ngần nằm đầy ứ hự bên mẹt cà rốt tươi ngon. Mỗi thứ bà Tư mua một ít, trong lúc tay lựa bà đã ngửi thấy sẵn mùi món ăn trong tưởng tượng. Tết này nhà bà có khách. Khách mang tình thân giống một gia đình. Nên bà có lý do để vào bếp, có người để đợi cơm. Có thêm tiếng cười lúc cùng nhau bóc bánh, vớt dưa hành, đảo đường vài món mứt. Chỉ cần nghĩ thế thôi là bà đã thấy một cái Tết đủ đầy…

V.T.H.T

Nguồn: Tuần Báo Văn Nghệ TP.HCM

http://tuanbaovannghetphcm.vn/tet-nay-nha-co-khach-so-483/

Vũ Thị Huyền Trang
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 281 tháng 02/2018

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

05/05

25° - 27°

Mưa

06/05

24° - 26°

Mưa

07/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground