Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Thi nhân

B

à chủ quầy sách béo phục phịch. Nếu bà ngồi, người ta sẽ tưởng bà không thể đứng được, càng không thể đi được vì chính sức nặng của bà. Không thèm nhìn khách, bà vừa lục lọi cái gì đó dưới hộc bàn, hỏi trống không:

- Bán sách?

Người đàn ông đứng ngoài quầy, đối diện bà, có một cơ thể đối lập: Gầy nhẵng. Đầu dài. Thân dài. Tay chân dài. Rất có thể người ta nghĩ rằng anh  thuộc loại “Dài lưng tốn vải, ăn no lại nằm”, khó tin rằng anh là một thợ nề. Nghe hỏi: “Bán sách?” anh ngạc nhiên. Anh đã nói gì đâu? Túi sách nặng, kè kè bên hông, sách chưa lôi ra khỏi bao.

Dạ!

Thơ?

Dạ, thơ!

Lại thơ. Nhà thơ làm thơ. Nhạc sĩ, họa sĩ làm thơ. Nông dân làm thơ. Bà bán nước mắm, chị bán thịt heo làm thơ. Người người làm thơ, nhà nhà làm thơ. Thơ đầy trời đầy đất. Chẳng ai mua, chẳng ai đọc.

Anh vào quầy khác. Chủ quán trông có vẻ trí thức. Aó quần trang nhã, kính cận. Anh đặt túi sách lên bàn, chưa kịp chào hàng, chủ quán đã hỏi:

- Bán sách? Thơ?

- Dạ!

- Văn hóa đọc thời này xuống cấp rồi. Anh trông kia, thơ của các nhà thơ tên tuổi cả đấy. Bảy năm nay tôi bán được bảy cuốn. Người đọc sách nhiều nhất vùng này là tôi. Đứng trong quầy này, bốn phía là sách, không đọc thì làm gì. Đọc để giết thời gian, để có ai hỏi cuốn ấy viết gì còn biết đường trả lời người ta, may ra họ mua. Đây là thành phố du lịch, người ta cho thuê đất để mở quầy sách. Mình không mở quầy sách, người ta thu hồi đất. Nhưng mà kiếm sống, không phải nhờ sách, mà nhờ mớ kia.

Ông chỉ vào mấy mẹt hoa quả để sát đất, cạnh chân tường, dưới chân anh. Anh nhìn về phía trái, phía phải, đúng là phố sách nho nhỏ. Phía trước quầy sách là đường phố lớn. Bên kia là phố xá sầm uất. Phía sau quầy là một dòng sông, đã đi vào thơ của anh hóa thành dòng sông thơ mộng. Người ta cho dựng phố sách ở đây thật là hợp lý. Nó ở giữa ranh giới giữa đời và mộng, giữa sự xô bồ và yên tĩnh, giữa giàu sang và sự hư vô. Phía ngoài, kê sát đất, quầy sách nào cũng có vài mẹt hàng bán hoa quả, hoặc đồ chơi bạo lực của trẻ con, hoặc vàng bạc đồ mã, hương đèn phục vụ người chết. Người xúm trước quầy sách chủ yếu mua các thứ bày trên mẹt.

- Anh nhìn kia, trên quầy sách của tôi là những tập thơ của những nhà thơ danh tiếng cả đấy. Bảy năm nay, bán được bảy cuốn.

Anh ta nhắc lại cái câu vừa nói.

                                                *    

Chủ nhà có một mâm cơm rượu mời đội thợ trước ngày động thổ, mở móng nhà. Rượu vào, người ta ngất ngưỡng gõ bát hát. Người ta thúc đội trưởng của mình đọc thơ. Cũng như bao lần khác trong các cuộc vui với các bạn làm ăn, anh lại đọc thơ của chính mình. Họ vỗ tay không phải vì thơ anh hay. Ai hát, hát hay, hát dở, hát đúng, hát sai; ai đọc thơ, thơ người, thơ mình đều được vỗ tay tuốt, càng tếu táo, vỗ tay càng to. Chủ nhà chăm chú lắng nghe. Chủ nhà ôm qua vai anh:

- Đúng là thơ anh sáng tác chứ? Hay! Hay tuyệt. Đây là cuộc hội ngộ trời sắp đặt – chủ nhà nói thế - Tôi có nhu cầu xây biệt thự, anh là tổ trưởng xây dựng nổi tiếng khéo tay. Tôi là chủ bút một tờ báo, đồng thời là chủ một nhà in, anh là người làm thơ hay. Trước hết tôi giới thiệu bài thơ anh vừa đọc lên báo của tôi, để quảng bá với công chúng. Vàng ngọc nếu cất ở trong tủ, cũng chỉ là đá. Thơ hay phải để cho công chúng thưởng thức. Làm thơ được như anh, hiếm lắm, tài năng lắm.

Ông ta nói nhiều về bài thơ của anh, về ngôn từ và kết cấu, về chi tiết và hình tượng, về cái mới và sắc thái riêng… nhiều vấn đề mà khi làm thơ anh cũng chưa hề nghĩ tới. Các bạn trong tổ thợ nề của anh, chẳng biết mô tê chi, há hốc mồm, cảm phục, tự hào vì họ có một đội trưởng đa tài. Hèn nào ông ta là chủ bút. Ông ta rất am hiểu về thơ. Càng nghe ông nói, anh càng xúc động, phấn khích, càng tin tưởng rằng mình có tài mà mình không biết. May quá, đã có người phát hiện. Một ngày gần đây, thơ anh sẽ xuất hiện trên mặt báo. Nằm mơ, anh cũng chưa bao giờ dám mơ đến điều đó. Mọi người sẽ đọc thơ anh. Các con sẽ đọc thơ cha, sẽ được tự hào, hạnh phúc biết mấy. Người anh như nhẹ nhàng, như tan chảy, bồng bềnh như sương mây, men rượu nâng cánh phiêu diêu, bảng lảng.

Hơn hai tháng, hoàn thành phần móng. Ông chủ bút tòa báo lại mời tổ thợ cơm rượu, trao cho anh tờ báo có đăng bài thơ của anh và tám chục ngàn đồng nhuận bút. Những ngày dài vừa qua anh nóng ruột mong chờ. Những viên đá móng to kềnh, những thùng vôi vữa đầy ắp, không còn là nặng. Bây giờ là hiện thực. Tên anh: Hoàng Hữu Phúc được in trang trọng bên cạnh bài thơ “Sông thơm”. Qua mặt báo, thơ của anh sẽ bay đi khắp đất nước. Anh như nghe Đài tiếng nói Việt Nam đang ngâm thơ anh trong buổi tiếng thơ. Cô văn công ăn mặc đẹp như công chúa đang trân trọng cúi chào khán giả trước khi ngâm bài thơ của thi sĩ Hoàng Hữu Phúc. Những tràng vỗ tay, những lời khen ngợi vang lên bầu trời, lung linh cả những vì sao xanh màu ngọc.

Có phải vì vậy không, anh vừa là đội trưởng thi công vừa là giám sát công trình cho ông chủ. “Cần mở rộng thêm rá sắt 20 phân”. “Cần đào móng trụ sâu thêm 30 phân nữa”. “ Bỏ lại bao xi măng cho người ta. Xơng lẹc ở đâu chứ với nhà này, mình xin các cậu đừng táy máy”. Anh giữ gìn cho ông chủ từng mẩu sắt, từng tấm ván cốt pha, từng đoạn cọc chống. Tốp thợ hiểu, anh đang trả ơn cho ông chủ. Ở những công trình khác, việc xơng lẹc khi vắng chủ, một ngày một ít, cũng là nguồn thu nhập đáng kể của những người thợ nghèo. “Công trình khoán mà làm kỹ như thế à? Chỉ có nước chết đói”. “Không có cách nào khác. Ăn có nơi chơi có chốn. Với ông chủ nhân hậu, trí thức như thế, không thể xử sự khác được”. Anh kiểm tra từng mạch vữa, từng mẻ trộn hồ, bắt thợ khắc phục từng sai sót nhỏ. Vài người thợ lo không kiếm nổi gạo đã cáo ốm bỏ cuộc. Mặc kệ. Anh quyết tâm xây dựng một công trình kỷ niệm, đẹp nhất, chắc chắn nhất, tiết kiệm nhất, để sau này mỗi dịp được trở lại đàm đạo thơ với ông chủ, nhìn biệt thự không một chỗ lún, không một vết nứt, nghĩa là không một chút biếm khuyết, lòng anh sẽ thanh thản.

- Anh chọn lọc khoảng hai lăm bài thơ anh yêu thích. Tôi sẽ xuất bản cho anh một tập.

Anh tưởng cái tai mình nghe nhầm. Nhìn mặt ông chủ rất nghiêm túc, anh biết ông ta không nói đùa. Anh yêu thơ từ thủơ còn học sinh. Nhà nghèo không mua nổi một cuốn sổ tay, anh phải chép những bài thơ, những đoạn thơ anh yêu thích vào một cuốn vở, những khi học xong bài, lại mang ra đọc. Nhiều bài thơ đó, đến nay anh vẫn còn thuộc. Từ thủơ học trò, anh đã làm thơ cho báo lớp. Bao năm nay đi làm thợ, anh vẫn làm thơ, chỉ vì yêu thơ, để đọc khi uống rượu cùng bạn thợ, không bao giờ dám nghĩ đến ngày hôm nay. Thơ anh được đăng báo. Ông chủ nhà xuất bản còn đề nghị in thành tập. Bao nhiêu ý nghĩ có cánh bay lên thêu dệt gấm hoa, xòe nở trong đầu… Một bài thơ đăng báo được trả tám chục ngàn nhuận bút. Hai mươi lăm bài sẽ được khoảng hai triệu. Anh sẽ mua cho các con mỗi đứa mỗi chiếc cặp sách mới, nhiều vở mới và bút chì. Từ ngày mẹ nó mất, gà trống nuôi con, lo chạy cái ăn cho cả nhà, anh không có điều kiện chăm sóc con

Trao tập bản thảo cho ông chủ, anh thấy mình thiếu tự tin, hơi lo. Ông chủ lật trang bìa, chăm chú đọc. Ông gật gù. Anh mừng. Mắt ông sáng dần lên. Trong lòng anh tưởng như có mặt trăng đang mọc. Gấp bản thảo lại ông nói: “Không cần phải đọc thêm. Có thể nói thơ anh là tuyệt tác. Tập thơ của anh ra đời sẽ gây được tiếng vang lớn trên văn đàn. Tôi không thể nói hết những gì sẽ xẩy ra. Nhưng với tập thơ này, cuộc đời của anh sẽ chuyển sang trang mới hạnh phúc hơn, huy hoàng hơn. Từ nay trở về sau, anh tranh thủ sáng tác. Làm thơ không chỉ cho mình, làm thơ cho cuộc đời lớn, cho nhân dân, thậm chí cho nhân loại. Ông ta còn dặn: Nhưng mà công việc xây dựng biệt thự của tôi phải hết sức nghiêm túc. Làm việc nghiêm túc thơ ca mới không dễ dãi, mới thấu tận nỗi vất vả, nỗi đau của sự đời.

Phải chăng ông chủ đã đánh thức tâm hồn thi sĩ trong anh. Ngồi bên dòng sông ô nhiễm, nước nặng nề chảy, anh cảm được mùi thơm thoang thoảng của hương hoa. Những đám khói bốc lên từ những đống rác đang cháy, lan tỏa mù mù trên mặt nước, anh ngỡ như sương khói huyền ảo, lung linh cổ tích. Các đại thi hào, từ chốn cuối trời, trở về bên anh đàm đạo. Nguyễn Du đã rũ bỏ mũ áo quan trường, mặc áo vải thô, chân đi dày cỏ, đầu đội mũ rơm, khoác tay lên vai anh căn dặn: “Đời người là ngắn, đời thơ là vĩnh hằng. Bàn tay ngươi chỉ kiếm được cơm gạo. Cây bút của ngươi rửa hận được cho đời.” Nguyễn Trãi vẫn oai nghiêm trong áo mũ cân đai đại lễ phục. Giọng nói vẫn sang sảng như thủơ nào đọc Cáo Bình Ngô: “Xác thịt không giúp được cho ai. Thơ ca có thể vá trời chống giặc.” Hàn Mặc Tử xác xơ, nhức nhối vì bệnh tật, tâm hồn vẫn hướng tới tình yêu. Anh nghe ấm vọng trong đất trời tiếng nói của Hàn: “Tình yêu, yêu đời và yêu người là linh hồn của thi ca.”… Anh nguyện hứa với các tiền nhân, với chính mình, sẽ hiến đời cho thi ca.

Xây xong phần thô, ông chủ nói: “Tập thơ của anh đã lên khuôn.” Tô trát xong, ông chủ nói: “Tập thơ của anh đã in những trang đầu tiên, chắc chắn sẽ in xong cùng lúc với khánh thành biệt thự này. Vậy là tiệc rượu khánh thành biệt thự của tôi cũng là mừng tập thơ đầu tay của anh. Niềm vui sẽ được nhân đôi, phải không! Tôi đã bảo cuộc hội ngộ của chúng ta do trời sắp xếp mà lại.”

Lòng anh luôn có gió mát lành. Anh đốc thúc bạn thợ làm thêm giờ “Để chóng bàn giao công trình.” Anh chăm chút từng đường bay, nét vữa, những đường uốn lượn như rồng bay phượng múa. Bên tai anh luôn có lời nhắc nhủ của ông chủ bút: “Làm việc nghiêm túc, thơ ca mới không dễ dãi, mới thấu tận nỗi vất vả, nỗi đau của sự đời” 

                                                         *

Công trình hoàn thiện đã hai tuần, vẫn không thấy ông chủ đâu. Bạn thợ giục anh đi thanh toán số tiền công giai đoạn ba, để chia nhau đong gạo.

Bà chủ nhìn anh vô cảm: “Ông xã nhà tôi có việc đột xuất phải đi công tác xa, không biết bao giờ về. Ông có dặn tôi lấy tiền in sách cho anh với giá rẻ nhất hai mươi lăm ngàn đồng một cuốn, nhân với một ngàn cuốn vị chi là hai mươi lăm triệu đồng, trừ vào tiền công xây nhà.”

Anh ngạc nhiên, choáng váng:

- Ông chủ in sách của tôi, không trả tiền nhuận bút, còn bắt tôi trả tiền nữa sao?

Bà chủ càng ngạc nhiên hơn: 

- Anh xây nhà, anh lấy tiền công. Chúng tôi in sách cho anh sao lại không lấy tiền? Không lấy tiền thì tiền đâu để mua giấy mực, trả tiền công nhân, hao mòn máy móc, đóng thuế nhà nước, chưa kể đến cái khoản chạy giấy phép xuất bản cho anh nữa đấy. Không có cái uy như ông xã nhà tôi, thơ như của anh, mục thất cũng không xin được giấy phép xuất bản.

Bà chỉ những thùng giấy lớn hình khối, chất đống ở góc nhà:

- Thơ của anh đấy, một nghìn cuốn, không hơn không kém, khuân về đi!

Bà chép miệng:

- Chậc! Thơ! Thơ! Thơ với thẩn, ai cũng thơ, ai cũng cho mình là thiên tài, ai cũng in, rồi chẳng ai đọc, chẳng biết bán cho ai. Nhà giàu in, nhà nghèo cũng in, in ra để làm oách, tốn tiền!

                                                         *      

Bước ra khỏi quầy sách, anh thấy nản. Ngược chiều anh có mấy người đang bước vào. Một người đàn ông khoác một chiếc áo cũ, sờn, dán nhấm lỗ chỗ bờ vai. Một người đàn bà mang một đôi dép nhựa vẹt gót, đứt quai hậu. Họ mang những túi nặng như anh. Không đợi họ nói, ông chủ quán liếc nhìn họ, hỏi trống không:

- Bán sách? Thơ?

Anh nghe tiếng trả lời nhỏ nhẹ như cầu khẩn:

- Dạ!    

                                                          * 

Ra giữa cầu, anh lặng nhìn dòng nước ô nhiễm, đen ngòm, thối hoắc. Phía bên kia bờ, biệt thự của ông chủ bút vươn mái đỏ lên mây. Một con đại bàng trên đỉnh, dang rộng cánh, vễnh cái mỏ nhọn, thách thức. Tòm! Anh ném túi thơ xuống sông. Một cột nước dựng lên, bắn ngược về phía anh. May quá, anh đứng cao, không vấy bẩn. Mặt nước lại trở về dạng thái cũ, như chưa hề có chuyện gì xẩy ra.

Dòng sông đen ngòm, thối hoắc, nặng nề chảy.  

 

Lê Văn Thê
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 217 tháng 10/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground