Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trận đánh cuối cùng

T

ất cả đều nghĩ rằng, đó là trận đánh cuối cùng, kết thúc hai cuộc kháng chiến kéo dài non ba mươi năm. Đến bảy giờ sáng ngày mai, 28/1/1973, ở miền Bắc, miền Nam bọn trẻ đến trường như thường lệ và nghe cô giáo công bố: Từ hôm nay, hai lăm tháng chạp, bắt đầu kỳ nghỉ tết Quý Sửu. Chúng sẽ a lên sung sướng. Bản tin thời sự sáu giờ sáng của cả hai đài Hà Nội và Sài Gòn sẽ công bố tin sốt dẻo: Một giờ nữa, bảy giờ sáng (đầu giờ thìn) Hiệp định Pari có hiệu lực, súng sẽ không nổ nữa, người sẽ không chết nữa.

Vâng! Hiệp định Pari về lập lại hòa bình ở Việt Nam được thông báo rành rẽ trên các kênh thông tin đại chúng. Tất cả đội viên của đại đội Tăng - Thiết giáp chốt giữ cảng Cửa Việt đều biết, rằng, chỉ mười lăm giờ nữa, ai ngã xuống thì chết hẳn, ai sống sót thì sống mãi. Lúc ấy mọi người đều yên trí là sẽ còn sống lâu lắm. Vì, thực ra, đa số họ, mỗi người mới đội trên đầu có hai mươi cái xuân xanh.

Còn bây giờ là 16 giờ ngày 27/1/1973 trên bãi cát nam Cửa Việt.

Uỳnh! một phát nổ ở đâu đó hơi gần.

- Nghe như ĐKB - thằng Hòa nhận xét.

- Bê bê cái cục cứt…pháo hạm đấy, ngồi mà chờ ĐKB!

- Nghe giống lắm, có ĐKB chi viện thì bọn mình đỡ, hỏi anh Hoán xem.

Hoán là thiếu úy đại đội trưởng trực tiếp chỉ huy xe tăng 704 K3B chủ công. Anh không nghe cuộc đối thoại vì đang bận theo dõi một “con nòng nọc” bay dọc bờ biển rất khả nghi. Nghe nói đêm nay chúng mở chiến dịch Tràn ngập lãnh thổ mang tên Sóng Thần, tàu há mồm sẽ cho xe tăng đổ bộ để “nuốt” cảng Cửa Việt trước khi ngừng bắn. Pháo địch vẫn đều đặn từ chiến hạm ngoài biển dội vào bãi cát xã Triệu Vân, quanh trận địa của tiểu đoàn 66 thuộc trung đoàn Tăng - Thiết giáp 202. Đáp lại, toàn tuyến mặt trận im lặng. Sự im  lặng điềm tĩnh và quyết liệt trước một trận đánh lớn.

Ván bài “tiến lên” dưới gầm xe tăng 704 đang căng thẳng: đôi “2 đen” của Toàn Tú Tài vừa chặt đứt đôi “át đỏ” của Hòa, giam thối con ba bích trên tay. Hòa mất đứt ba điếu thuốc Tam Đảo cho cả hội.

Hòa cáu:

- Đéo đánh nữa, các cha ăn gian. Thủ trưởng Hoán đâu rồi, đến lượt em làm Napôlêông chưa?

Biệt ngữ “làm Napôlêông” có nghĩa là đến phiên gác. Cái tổ từ này bắt nguồn từ lái chính Huyền Bích, một chàng sinh viên văn khoa khá lãng mạn. Đêm hôm trước, đúng phiên gác, Huyền Bích đội mũ sắt, ôm súng AK báng xếp đứng trước xe ngắm trăng rất ra dáng. Pháo bắn rất nhiều. Khi có dấu hiệu địch bắn pháo đinh, mọi người nhắc Huyền ngồi xuống hoặc đứng lùi vào sát mũi xe thì gã liền giở giọng tiểu thuyết. Gã kể về vị Hoàng đế Napôlêông trong trận Oateclô nào đấy từ đầu thế kỷ 19. Khi thấy viên đạn pháo rơi sát mình ngựa, ông ta nói giọng lạnh tanh: “Cái chết đang đến gần chúng ta”, rồi cứ thế điềm nhiên nhìn những viên đạn pháo phát nổ. Nghe cái giọng “chập mạch” ấy, cả hội bèn quay vào với ván bài trong ánh điện ăcquy mờ ảo được che kín dưới gầm xe. Choác! Một tiếng nổ như vỡ bình thủy tinh cùng với quầng lửa nhoáng đỏ cách xe chục bước chân. Cả hội quẳng bài rạp xuống, năm giây sau ngẩng lên đã thấy “Napôlêông” không biết bằng cách nào đã tọt vào góc xa nhất ngồi nhe răng cười. Toàn Tú Tài vốn có biết chút đỉnh văn học sử bèn gọi luôn Huyền Bích là “Napôlêông Buyônapác”, một cách trào lộng ông vua Pháp này.

 

Thực ra, ngay từ hồi mới nhập ngũ, với cái tên nặng phái yếu Huyền còn phải gánh cái  tên kép rất èo uột. Quê anh chàng ở miền trung nhưng nhập ngũ từ một trường đại học tại Hà Nội. Ngày lên đường đúng lúc các bạn học cùng lớp đều phải đi chống lụt. Đang bơ vơ  lạc lõng thì bất ngờ một nữ sinh da nâu lạ hoắc có cái nốt ruồi nơi khóe miệng rẽ đám đông kéo cậu ra sau thành xe quân sự dúi cho cái khăn mặt, chìa bàn tay và nét nhìn âu yếm: “Bạn lên đường mạnh khỏe nhé!”. Cầm nắm bàn tay người bạn gái chưa quen biết, chàng sinh viên Văn khoa bàng hoàng cả người, không ngờ bàn tay thiếu nữ mềm mại mát lành đến thế. Trên suốt tuyến đường về đơn vị, mặc xe xóc nẩy cậu ta cứ khư khư nắm chặt tay như giữ báu vật, lại còn đọc thơ tự trào: “Đập cổ kính ra tìm lấy bóng/ Xếp tàn y lại để dành hương”, ra cái điều nắm chặt tay để giữ mùi hương người đẹp. Giữa khóa học ở trường lái, cậu trốn về hỏi được tên nàng là Bích, khoa sử, trở lên tuyên bố hết chiến tranh sống chết gì cũng về cưới nàng làm vợ. Và , danh xưng Huyền Bích ra đời.

 

Minh họa: HỒ THANH THOAN

 

Giờ này không phải phiên gác Huyền Bích mà của Hòa - ca sĩ khá nổi danh của binh chủng. Hòa quê Hải Phòng. Hết lớp mười cậu chàng trúng tuyển vào khoa thanh nhạc trường đại học Âm nhạc Hà Nội. Có giấy báo nhập học, đang loay hoay cắt lương thực hộ khẩu thì nhận luôn giấy báo nhập ngũ, thế là, giấy tờ chuyển luôn về bộ tư lệnh Tăng - Thiết giáp. Hòa bị cái “bệnh” không đứng yên được. Cậu ta cứ đi vơ vẩn quanh xe. Trời chiều, nắng nhạt, se lạnh. Bãi phi lao xơ xác lúc lại tung lên sau tiếng đạn pháo bắn cầm canh. Đơn vị ngụy trang theo kiểu nghi binh. Mọi người đào hầm ngập băng xích cho xe xuống, dùng cây khô tấp sơ sài lên trên như một lùm cây đã bị đạn nổ đào bới. Cách khu vực đóng quân vài trăm mét thỉnh thoảng nổi lên một đụn khói để nhử pháo địch. Thế là ổn. Páo, pháo hai, người dân tộc Tày đang nấu cơm, đúng ra là luộc cơm sấy. Gạo nước bạn viện trợ đã được hấp chín, sấy khô, quân ta chỉ cần luộc lại là chén được. Páo vừa loay hoay chữa lại cái bếp Hoàng Cầm rất khó đào trong cát vừa ư ử một ca khúc trữ tình: “Nọong ơi! Non ngàn nở hoa…Nọong về cùng ta…”.

 

Hòa đi về phía Páo:

- Nọong, nọong cái gì! Cơm chín chưa?

- Không chín được, củi  không cháy. Mày về lấy cho tao vài viên AK, tháo đầu đạn, xì ít thuốc vô đây, sôi là được.

- Sợ thủ trưởng Hoán lắm.

- Không sợ đâu vớ. Hôm qua thủ trưởng Hoán  cũng làm vậy mà.

- Ừ, thế thì được. Mà này, lúc nãy mày hát bài gì đấy. Nhớ Nọong à? Mày có nọongchưa? Khi nào rỗi mày hát tiếng dân tộc cho tao chép với nhé.

- Thôi đi. Tao không hát được đâu vớ. Nghe nói mày định vào cái đại học âm nhạc thì đi bộ đội à?

Ịch! một tiếng động rất lạ tai rung lên sau lưng họ. Cả hai nằm sấp bẹp xuống cát, lát sau cùng đứng dậy dụi mắt: Một viên đạn pháo không hiểu duyên cớ gì lại rơi ngang, không nổ, nằm chình ình trong lớp cát ướt kêu xèo xèo. Páo bưng soong cơm sấy: “- Chạy thôi Hòa ơi!”. Thế là lại phải soạn một cái bếp mới, không biết đến lúc nào mới luộc được nồi cơm sấy cho cả xe.

Hoán mới đi kiểm tra đại đội trở về. Thực ra chỉ là một đại đội thiếu gồm bảy chiếc thì có tới năm xe K63 chở bộ binh cơ giới. Một chiếc PT50 có pháo hai nòng 23ly. Duy nhất chiếc bảy linh tư  này là xe tăng trang bị pháo 85ly. Phiên chế bộ binh cơ giới lại hụt hạt. Đạn B40 và AT lại thiếu, không biết đêm nay rồi đánh chác thế nào đây!? Lái hai Toàn Tú Tài từ gầm xe chui ra mặt mày phớn phở. Từ đầu  đến chân hắn tinh tươm như một đồng xu mới. Bộ quần áo Tô Châu cất giữ từ đời nào, được sửa chữa bởi một thợ may nào đó ngoài Bắc, hôm nay không hiểu duyên cớ gì hắn hì hụi tìm nước tắm rồi đóng bộ vào, vừa như in. Cả hội ngạc nhiên.

- Mày làm cái gì đấy?

- Làm gì đâu, chỉ là mặc quân phục mới.

- Sao bỗng dưng…!

- Dưng dưng gì? Sắp chết toi rồi còn cất quần áo mới …

- Thằng Toàn làm đúng đấy. Hắn đề phòng sang bên kia có quần áo mới diện tết, mẹ hắn khỏi đốt đồ hàng mã.

- Mấy thằng mất dạy, toàn nói điềm gở.

Cách đó vài mét, Páo vừa moi lại cái bếp Hoàng Cầm để nhóm lửa vừa ư ử cái bài hát duy nhất mà cậu phát âm chuẩn tiếng phổ thông. Mấy tháng trước, khi còn nằm dưới rừng cao su bắc Bến Hải, Páo đã làm cả đại đội cười vỡ bụng. Hắn từ ngoài bờ suối chạy về, mặt tái xanh tái xám líu lưỡi tuôn ra một tràng tiếng dân tộc. Mọi người ngớ ra, không hiểu. Bất ngờ hắn chuyển sang tiếng kinh:

- Các anh ơi! Con bò.

- Con bò làm sao?

- Không biết…

Đúng lúc ấy, một con bò cái của nông trường đủng đỉnh đi ngang trước thân xe. Páo sốt sắng:

- Đó, đó, các anh xem, ai đâm con bò chảy máu chỗ cái L...hay là con bò có kinh nguyệt.

Không còn một nguyên tắc bí mật nào giữ nổi trận cười của những gã lính tăng vốn khỏe mạnh lại đã ém mình dưới gầm xe chờ chiến dịch. Páo không giận nhưng bớt tò mò xốc nổi, chỉ hay hát bài “Nọong ơi” muôn thuở. Có lúc cậu ngồi nghệt ra trông rất thộn. Páo đang nghĩ gì, anh em trong xe không ai bỏ công tìm hiểu. Có thể cậu nhớ Mế, nhớ Cao Bằng có thác Bản Dốc, có bìm bịp kêu buổi chiều, sương giăng buổi sớm. Páo nhập ngũ năm mười tám tuổi. Không ai hiểu lệnh động viên nào có thể lôi một anh cu hiền lành ngây ngô như thế từ rừng sâu hun hút Cao Bằng ném vào cái đống sắt thép này. Và đêm nay, trong trận đánh đầu tiên của đời quân ngũ, hắn ta sẽ tác chiến ra sao đây!? Hôm qua thằng Toàn nói đùa:

- Anh Hoán à! Xong trận này anh ký quyết định cho thằng Páo về với Nọong của hắn, để hắn tiếp tục sự nghiệp Phát- cốt- đốt- trỉa.

- Ê, ê,không đâu, không đâu vớ!

Hoàng hôn xuống dần. Biển lấp lánh ánh bạc lân tinh. Bên trái nơi đại đội đóng quân là cảng Cửa Việt. Bắt đầu từ ngày kia số phận cảng này sẽ ra sao, những người lính không hình dung được. Chỉ biết đêm nay họ phải giữ lấy nó. Những việc lớn là của những…ông lớn. Toàn đến gần đại đội trưởng:

- Có nhớ chị không, anh Hoán?

- Công bằng mà nói là cũng có, nhưng nhớ con nhiều hơn

- Tết này thằng cu ba tuổi rồi đấy anh nhỉ.

- Ừ, nhớ nó quá! Xong trận này tớ xin tranh thủ.

Toàn cười:

- Xong trận này thì thoải mái chứ còn “tranh thủ” gì nữa. Về. Hả! Hết chiến - anh rồi anh có ở lại binh chủng không?

- Chả hiểu, cấp trên giữ thì ở, nếu không thì về đánh cá sông Thao.

- Ơ, sông Thao cũng có cá hả anh, em tưởng chỉ có lụa tơ tằm?

- Sông nào chả có cá. Cái cậu này! Mà hình như pháo nó bắn dày hơn phải không?

Hai người cùng nhìn ra mặt biển đang sẫm lại. Từ giữa cái mênh mông vô tận ấy, đêm nay sẽ có những thế lực mạnh mẽ và tuyệt vọng đổ bộ lên quyết một trận cuối cùng. Những khoảng lặng trước ngã rẽ sinh tử thường đong đầy trắc ẩn. Hoán hỏi, giọng lơ đãng như người mộng du:

- Vậy cậu có vào đại học không?

Toàn cũng như đang trong trạng thái mơ màng:

- Em cũng chưa biết thế nào. Ba em cứ mong em được như thế. Em thì chưa thi mà được công nhận tốt nghiệp đặc cách, mấy thằng chúng nó chế em “tú tài” là vì thế đấy. Có lẽ em sẽ xin đi bồi dưỡng ở trường Văn hóa Quân khu. Nghe nói bộ đội đi thi đại học được cộng thêm điểm hả anh?.

Từ xa, một người lính chạy lại tay huơ mấy mảng giấy trắng:

- Báo cáo thủ trưởng, địch thả truyền đơn.

- Thì sao, lúc nào chẳng thả?

- Nhưng, chúng nó làm thơ.

- Thơ á, thì đưa cho thằng Huyền Bích xem sao? Hay đọc lên nghe coi.

Tờ truyền đơn in một bài thơ binh vận. Người lính đọc:

Tiếng pháo nổ rồi từng tràng pháo nổ

Trên bàn thờ mâm cỗ đã bày xong

Mẹ tôi đang thắp nốt nén hương vòng

Và xếp lại trái hồng mâm ngũ quả

Anh tôi cắt khoanh giò vừa bóc lá…”

Các bạn cán binh Việt Cộng! Xuân Quý Sửu sẽ là một mùa xuân hạnh phúc nếu các bạn biết hồi chánh Quốc gia. Đêm nay là đêm cuối cùng giao tranh. Các bạn đừng bỏ lỡ cơ hội, hãy tỉnh táo để hướng tới chánh nghĩa”

- Vớ vẩn…!

- Làm thế nào thủ trưởng?

- Thì thế nào, kệ nó, hơi đâu. Cậu về bảo anh em ăn no đi, thay nhau ngủ để khi cần thì dậy cho tỉnh. Mà lúc nãy phía xe của cậu hình như có tiếng AK phải không

- Vâng ạ, anh em bộ binh ở cánh phía trong đấy. Mấy tay lính Hải Phòng, Quảng Ninh mò lên đài quan sát trên điểm cao xin lương khô, không được, bèn chĩa súng bắn lên.

- Rồi sao, ở trên nó không  xuống à?

- Không, họ xuống kể với bọn em.

- Chết thật, sắp đánh nhau to rồi mà…Bên các cậu còn BA70 cho chúng nó một ít

- Ôi, tiếc lắm, lấy gạo sấy cho cũng được.

- Tùy cậu, nhưng gạo sấy bây giờ nấu sao được. Ừ, mà thằng Páo nấu chín cơm chưa nhỉ. Thôi cậu đi đi. Páo ơi! Páo đâu rồi, cơm chín chưa?

Tiếng Hoán vang lên trong buổi hoàng hôn giữa những giây phút yên tĩnh hiếm hoi. Khoảng sáng cuối cùng trên mặt biển thu hẹp dần rồi mất hẳn.

… Ba giờ sáng. Không phải tiếng còi báo động hay tiếng nổ của đạn pháo mà chính là âm thanh náo loạn của trận địa đánh thức các chiến sĩ xe tăng. Thốt nhiên, khu vực đại đội tràn ngập lính bộ binh. Dưới ánh trăng suông hạ tuần họ rút thành từng tốp, thấy xe tăng liền dạt vào. Nhiều người dìu nhau, mình đầy máu me.

- Các cậu từ đâu rút về đấy?

- Từ Thanh Hội với Vĩnh Hòa Phường…bọn mình hết đạn - Người lính nói như thanh minh

- Nó từ trong nống ra à?

Một người lính tóc tai xơ xác rờ rờ vào khẩu 85 ly:

- Mẹ kiếp! Bọn tôi chọi nhau cả buổi với M48, còn các cha nằm ở đây.

- Có phải chiều hôm qua chính các cậu bắn lên chốt?

- Thôi anh, cậu ấy “chốt” rồi. Trước khi xuôi tay hắn còn bàn giao cho em hai thanh lương khô, đâu như bên các anh cho. Các anh còn nữa không?

- Còn, vào đây - Hoán nói giọng hào hiệp - Bảo mấy cậu trong xe lấy cho mà ăn rồi rút ra tuyến sau đi, để tụi M48  đấy cho bọn tớ, mẹ kiếp!

                                               *

Các tờ báo ra cuối tháng 1/1973 đồng loạt đưa tin:

“ …Mặc dù bị tổn thất nhưng Mỹ ngụy vẫn cố gắng tập trung một lực lượng lớn tiếp tục đánh chiếm cảng Cửa Việt. Chúng âm mưu tạo thế bất ngờ bằng cách tổ chức tiến công ngay trong đêm 27 rạng ngày 28 trước khi hiệp định Pari có hiệu lực. Chúng sử dụng 80 tăng, thiết giáp cùng 3 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ men theo ven biển tiến lên chiếm nam cảng Cửa Việt. Tiểu đoàn Tăng - Thiết giáp 66 hiệp đồng chặt chẽ với bộ binh chiến đấu liên tục từ 1 giờ 30 đến 7 giờ ngày 28/1, bẻ gãy 6 đợt tiến công của địch, bắn cháy 7 tăng, thiết giáp, bắn hỏng 2 chiếc khác, diệt 200 tên, bắn rơi 1 máy bay. Riêng xe tăng bơi 704 diệt 4 tăng địch”.

Các bản tin đều không nói đến một thông tin chi tiết: Trong đội hình tiểu đoàn, đại đội thiếu Tăng- Thiết giáp chủ công của Hoán đã đánh đến xe cuối cùng. Xe tăng 704  trúng đạn khoảng 7 giờ kém 5 phút. Không một thành viên nào kịp nhảy ra khỏi xe.

Vâng! Tất cả! Khi cùng bốc cháy thành khói bay lên trời đều yên trí rằng, họ là những người lính cuối cùng ngã xuống. Họ đâu biết rằng, những người lính xe tăng đồng đội của họ còn đi tiếp hơn hai năm nữa trên những nẻo đường chiến tranh từ Quảng Trị vào tận Sài Gòn, phải tiêu tốn bao nhiêu dầu đieden, bao nhiêu máu, băng xích còn nghiến qua bao nhiêu đường đất nữa mới đến được điểm cuối cùng: Cổng sắt dinh Độc Lập.

                                                                                                         N.T.T 

 

 

Nguyễn Thế Tường
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 220 tháng 01/2013

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/05

25° - 27°

Mưa

05/05

24° - 26°

Mưa

06/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground