Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Trăng làng cát

S

au lễ khánh thành cầu Cửa Tùng, Trần Tam không theo đoàn ra Hà Nội ngay mà xin phép được ở lại thêm một thời gian nữa. Nhưng ông không nghỉ tại khách sạn bên bờ bắc mà lững thững một mình xách hành lý đi bộ qua cầu, sang bờ nam, tìm một phòng trọ bình dân ở một làng chài ven biển xin nghỉ lại. Có vẻ như ông rất thông thạo với cái làng chài có tên là làng Cát nằm ở cửa sông này.

Chủ phòng trọ là một cặp vợ chồng người làng Cát, cả hai đã suýt soát tuổi ba mươi. Họ rời làng ra làm dịch vụ nhà nghỉ ở đây khi cầu Cửa Tùng và tuyến đường nối hai huyện ven biển chỉ mới bắt đầu được khởi công xây dựng. Phòng trọ nằm ngay ven đường, tuy chưa lấy gì làm khang trang nhưng rộng rãi, thoáng mát. Đặc biệt ở đây còn có những bãi cát thoai thoải, rợp bóng cây xanh, vừa yên tĩnh vừa trong lành rất hợp với những người tuổi tác như ông. Trần Tam vẫn có thói quen mỗi lần đi công tác, hay đi du lịch, nghỉ mát cùng gia đình, bè bạn, ông thường tìm những phòng trọ bình dân để nghỉ. Với ông, đây không phải là vấn đề tiền bạc mà cái chính là ông không muốn phải giam mình trong bốn bức tường ở những khách sạn cao tầng, rồi lại phải leo lên trèo xuống cầu thang mỗi khi có việc. Đó là chưa kể đến bao nhiêu phiền toái khác mà ông từng được nếm trải. Một phòng trọ bình dân, tất nhiên đừng tồi tàn quá, nhưng đáp ứng được nhu cầu nghỉ ngơi trong một ngày, thậm chí vài ba ngày, một tuần, đối với ông là lý tưởng hơn cả. Ở đó mọi cái đều hài hoà, gần gũi, nó khiến ông luôn luôn được tự do, thoải mái. Ở đó ông còn cảm nhận được mình lúc nào cũng gần gũi với thiên nhiên, trời mây, non nước, tha hồ mà đắm mình trong suy tư và tưởng tượng. Cũng còn một lý do nữa để ông tìm đến phòng trọ bình dân nơi làng Cát này.

         Hôm qua, với tư cách là chuyên viên cao cấp ngành cầu đường, được tháp tùng Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải vào công tác, ông đã có một buổi chiều “chơi hết mình” chia vui với đồng bào địa phương khi cây cầu được chính thức đưa vào sử dụng nối đôi bờ nam - bắc dòng sông một thời chia cắt đất nước. Vốn tính trầm lặng, ít bia rượu, nên chiều ấy, Trần Tam đã ngà ngà say. Say nhưng tỉnh và vui. Ông ra đứng một mình ở bãi tắm, mặc cho sóng gió vờn trên da thịt để được thư giãn với đất trời và thưởng ngoạn cho hết tất cả những gì mà thiên nhiên đã ưu đãi ban tặng cho miền đất này. Trong ráng chiều, biển Cửa Tùng thật đẹp. Trên cương vị công tác của mình, Trần Tam đã từng đi nhiều nơi, đã từng đến nhiều bãi biển đẹp của đất nước, nhưng ông đặc biệt yêu thích vẻ đẹp hoang sơ ở đây. Đó là vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời, biển cả, không cần lắm sự bài trí, sắp đặt của con người. Một vẻ đẹp thuần khiết, trắng trong, tựa như vẻ đẹp của người con gái vừa bước vào độ tuổi trăng tròn. Cảm thấy chưa hài lòng trước những gì mình muốn, Trần Tam đã mấy lần qua lại hai bên bờ sông để được ngắm nhìn cây cầu từ nhiều góc độ khác nhau. Quả là một cây cầu tuyệt vời tọa lạc ngay bên cửa biển. Có lẽ, trên đất nước này, ở mọi con sông, chưa từng có một cây cầu nào lại gần với biển, sát sạt với biển như cây cầu này. Với con mắt của một kỹ sư có thâm niên hàng chục năm lăn lộn trong ngành cầu đường, ông thấy cầu Cửa Tùng là một cây cầu vừa vững chắc vừa duyên dáng bởi những đường nét cấu trúc hết sức đặc biệt. Trong ánh bình minh khi mặt trời vừa ló rạng, cây cầu hiện ra cong cong như một nét vẽ trên vành mi thiếu nữ. Cũng có lúc Trần Tam lại thấy cây cầu nghiêng nghiêng như một mảnh trăng bên cửa biển. Ấy là lúc hoàng hôn mới chỉ kịp buông xuống, mặt biển còn trong cảnh tranh tối tranh sáng, trăng còn trốn đâu đó trong những đám mây chưa vội ló ra. Ngắm nhìn cây cầu, nghĩ về vầng trăng, ông lại nhớ đến Nguyệt, cô du kích làng Cát năm xưa. Ừ, mới đó mà đã mấy chục năm trôi qua. Thời gian thật quả như người ta nói, chẳng chờ đợi ai bao giờ. Không biết bây giờ Nguyệt có còn ở làng Cát không? Cô ấy sẽ vui mừng đến mức nào khi mơ ước của cô ngày xưa bây giờ đã trở thành hiện thực. Một cây cầu hiện đại, đẹp như một công trình du lịch đã vắt mình sang sông, sừng sững tọa lạc ngay chính tại quê hương làng Cát của cô. Trần Tam còn nhớ trong một lần bị thương, phải rời làng Cát sang bờ bắc, khi chèo thuyền đưa ông qua quãng sông này, Nguyệt đã từng mơ ước: “Anh Tam ơi, sau này nước nhà thống nhất em mong sẽ có một cây cầu thật to, thật đẹp bắc qua cửa sông này. Ngày ấy, khi vào thăm quê em, các anh sẽ chẳng phải lội sông khổ cực như bây giờ nữa đâu”. Hôm đó ông đã trả lời Nguyệt rằng, chẳng phải đợi đến ngày nước nhà thống nhất đâu, mà chỉ một thời gian rất ngắn thôi, khi lành vết thương, ông sẽ trở lại làng Cát, sẽ gặp lại Nguyệt. Nào ngờ từ ngày ấy đến nay coi như biền biệt.

         Đêm ở làng Cát thật yên tĩnh. Một sự yên tĩnh không phải dễ dàng tìm thấy nơi cửa biển được xem là vùng đất đang trỗi dậy thay da đổi thị từng ngày với cơ man nào là nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch giải trí rồi bến cảng, âu thuyền, khu chế biến thuỷ hải sản…đang đua nhau mọc lên như nấm. Ở đây, ven ngôi làng nhỏ này chỉ có tiếng sóng biển là lúc nào cũng ồn ào, náo nhiệt, lúc nào cũng trầm trầm, bổng bổng không một phút giây ngơi nghỉ. Càng về khuya tiếng sóng càng dạt dào, sâu thẳm. Rồi gió. Gió mênh mang, phóng túng. Gió vô hồi kỳ trận. Gió tạo nên những bản nhạc thiên nhiên réo rắt, vi vu trên những ngọn cây khắp đồi cát ven biển. Ánh trăng ở đây cũng như sáng hơn, trong hơn. Mặt cát phẳng lỳ ròng ròng ánh trăng lan toả. Biển cũng sáng, sáng như đang được thêu dệt bởi hàng triệu triệu chuỗi đăng-ten trên mặt sóng và kéo dài cho đến hết tầm mắt.  Đất trời, non nước, trăng sao như được hoà làm một, lẫn vào nhau, tạo nên một thiên nhiên làng Cát đầy quyến rũ.

          Trần Tam rời phòng trọ lững thững thả bộ ra bãi cát ven biển. Cát lạo xạo, mát lạnh dưới chân. Ông dừng lại và ngồi xuống cạnh một gốc dương liễu. Rồi, như một thói quen vốn có từ những ngày trai trẻ, khi còn làm lính đặc công ém quân chờ lệnh nổ súng, ông đưa mắt nhìn quanh như đang quan sát trận địa. Trong đêm trăng, nơi làng chài ven biển này, dù vạn vật đã thay đổi, dù thời gian đã trôi qua, dù tất cả đang chỉ là mờ mờ, ảo ảo trong ánh trăng thanh, Trần Tam vẫn dễ dàng nhận ra tất cả. Phía nào là làng Thuỷ Bạn, Nhĩ Hạ, Lâm Xuân, Mai Xá…phía nào là sông Hiếu và cảng Cửa Việt. Rồi nơi nào là chỗ trú quân ở Cang Gián trong một đêm mưa tầm tã hành quân chặn địch lấn chiếm vùng giải phóng. Cái cồn cát như quả núi đang bồng bềnh trong trăng kia chính là nơi lần đầu ông gặp Nguyệt, cô du kích làng Cát được ban chỉ huy xã đội giao nhiệm vụ làm giao liên dẫn đường cho bộ đội.

         Nguyệt hai mươi hai tuổi, người mảnh mai, duyên dáng. Con gái làng biển mười cô như chục không một cô nào có được nước da mịn màng, trắng trẻo, thứ nước da mà tạo hoá từ cổ chí kim vốn chỉ dành riêng cho các cô gái. Hình như ngay từ thuở mới lọt lòng mẹ, người con gái vùng biển ai ai cũng hít thở vị mặn của muối, mùi đắng chát, lam lũ, nhọc nhằn của mồ hôi cha, của nước mắt mẹ nên nước da cô nào cũng đầm đậm, ngăm ngăm, thứ nước da khoẻ khoắn, dãi gió dầm mưa, thứ nước da như lúc nào cũng sẵn sàng lấn át mọi ốm đau, bệnh tật. Nguyệt cũng có một nước da như thế trên một khuôn mặt hình trái xoan. Nhưng khuôn mặt Nguyệt lại đẹp ở đôi mắt, một đôi mắt đen lay láy; đẹp ở cặp môi, một cặp môi ươn ướt; đẹp ở mái tóc, một mái tóc rất dày. Trên khuôn mặt ấy còn đẹp ở hàm răng trắng đều, ở nụ cười như lúc nào cũng muốn san sẻ hết niềm vui cho tất cả mọi người. Như bất cứ cô du kích nào ở mặt trận, Nguyệt cũng dép cao su chéo quai sau gót, cũng mũ tai bèo màu xanh, thêm một tấm vải dù màu xanh - chiến lợi phẩm thu được của địch - khoác trên người. Rồi cũng áo bà ba màu đen, quần lụa đen, lúc nào cũng xắn ngang gối. Ra trận thì chỉ thích được mang cạcbin vừa nhẹ vừa gọn. Sau này có AK thì cô nào cũng tranh cho bằng được khẩu báng xếp. Khi gặp con trai, nhất là các chàng lính trẻ vừa từ Bắc vô thì rủ nhau tụm năm tụm ba lại làm bộ bắt nạt, tán tỉnh, rồi thì nghịch ngợm gán ghép, trêu chọc, cấu véo nhau chí choé. Nhà Nguyệt ở ngay đầu làng Cát, một căn nhà chỉ như cái lán nhỏ vừa dựng lên sau ngày bọn giặc ở đây bị ta đánh cho tơi tả buộc phải tháo chạy về bên kia Dốc Miếu. Nghe đâu hồi ấy Nguyệt suốt ngày chỉ làm mỗi một việc: chèo đò. Bến đò ấy nằm ngay ở cửa biển, là một trong ba cái bến đò trên quãng sông này hoạt động hai bốn trên hai bốn giờ trong ngày có nhiệm vụ đưa đón bộ đội, thương binh, tử sỹ…qua lại đôi bờ dòng sông này. Hôm Trần Tam gặp Nguyệt thì cô không còn chèo đò nữa mà đã chuyển sang một công tác khác. Cánh lính nhà ta khi có dịp qua đây không ai là không được nghe một vài mẫu chuyện về cô du kích chèo đò có tên là Nguyệt. Trần Tam cũng được nghe và cứ thấp thỏm mong được gặp Nguyệt, được tận mắt nhìn thấy cô du kích chèo đò dũng cảm năm xưa. Nghe đâu Nguyệt đã có cả thảy gần bảy trăm ngày đêm với trên bảy mươi nghìn chuyến đò đưa đón bộ đội, du kích qua lại nơi đây trong tiếng gầm rú bắn phá dữ dội của các loại máy bay, tàu chiến địch. Nguyệt đã phải hơn mười lần bị thương trong khi làm nhiệm vụ chèo đò.

         Trần Tam đứng lên đi về phía cồn cát. Trăng đã lên ngang đỉnh đầu. Ánh trăng như nước vỡ bờ tràn trề, lênh láng khắp nơi. Cái cồn cát bỗng chốc sáng bừng lên như ban ngày. Những hạt cát ly ty thấm đẫm ánh trăng cũng óng ánh như kim tuyến, thuỷ ngân. Đây rồi, đúng chỗ này...Đêm ấy trăng cũng sáng như đêm nay. Chỉ có khác trăng đêm nay là một đêm trăng thanh bình, yên ả, một đêm trăng ngọt ngào, tinh khiết, còn trăng đêm ấy lại là một đêm trăng lẫn trong khói súng, khói bom, lẫn trong vô vàn tiếng nổ, lẫn trong nhì nhoằng tia chớp dọc ngang như muốn xé rách bầu trời. Ánh trăng đêm ấy như cũng chao đảo, rung rinh tưởng có thể rơi rụng không tồn tại nữa. Khẩu đội DKZ do Trần Tam chỉ huy vừa vượt sông Bến Hải vào đây chưa kịp nghỉ ngơi đã được lệnh ém sẵn bên cồn cát này ngay từ chập tối. Lúc ấy trăng mới chỉ lấp ló trên ngọn cây, ánh trăng mới chỉ quét một vệt sáng nhờ nhờ trên mặt cát. Nhiệm vụ của ông và đồng đội lần này là phải bằng mọi giá tiêu diệt cho được chiếc tàu chở dầu của địch từ Đông Hà ra Cửa Việt. Đây là mệnh lệnh từ chính Tư lệnh bộ chỉ huy mặt trận. Đã mấy tiếng đồng hồ trôi qua. Nhìn ông trăng tròn vành vạnh càng lúc càng thấp dần về phía tây mà ai cũng hồi hộp, nơm nớp, đứng ngồi không yên. Ai cũng tự hỏi sao giờ này rồi mà giao liên chưa có mặt? Rồi có những ý kiến cho rằng đánh tàu địch sao không đánh vào những đêm không trăng mà lại nhằm ngay vào đêm nay, một đêm trăng rất sáng, sáng như ban ngày? Cuối cùng thì người giao liên cũng xuất hiện. Người đó không ai khác mà là Nguyệt, cô du kích chèo đò một thời tiếng tăm lừng lẫy, người mà cả khẩu đội ai ai cũng khát khao muốn gặp, muốn được bắt chuyện làm quen và nếu có thể còn muốn được…trêu chọc, tán tỉnh nữa. Nhưng tất cả đã diễn ra ngoài dự kiến. Bằng một thái độ dửng dưng, có vẻ hơi lạnh lùng, Nguyệt giới thiệu qua về mình, trình bày tóm tắt phương án tác chiến rồi nhanh chóng ra hiệu cho cả khẩu đội đi theo mình sau khi đã hỏi một câu, giọng lạnh tanh: “ Có ai có ý kiến gì nữa không?”. Đó là lần đầu tiên Trần Tam gặp Nguyệt. Gặp mà không được nhìn ngắm, không được chuyện trò. Nhiệm vụ diễn ra quá cấp bách, thời gian phải tính từng phút từng giây. Vả lại, cô du kích làng Cát coi nhỏ con vậy thôi, hiền hiền vậy thôi chứ nghiêm khắc, kỹ càng căn cơ lắm! Cả khẩu đội lúc ấy chỉ còn biết làm mỗi một việc là răm rắp nghe theo. Là con nhà lính, lại là lính “ đặc biệt tinh nhuệ”, Trần Tam rất hiểu cái khái niệm “chấp hành mệnh lệnh” nó có ý nghĩa thế nào với người lính, nhất là người lính ở chiến trường. Mệnh lệnh của người giao liên lúc này không hề thua kém mệnh lệnh của người chỉ huy. Mà trong một chừng mực nào đó nó còn có vẻ cụ thể hơn, thiết thực hơn là đằng khác. Cả khẩu đội bốn người bước thấp bước cao, lầm lũi theo Nguyệt. Không một tiếng chuyện trò, xuýt xoa. Không một tiếng thở dài. Không một cái đập muỗi…Tất cả cứ thế mà đi. Đi theo cái bóng nhỏ nhỏ, thương thương của cô du kích làng Cát. 

         Trần Tam quay trở lại nhà trọ. Không biết lúc này nước biển đang xuống hay đang lên nhưng trăng thì đã chếch hẳn về phía tây. Đôi bờ cầu Cửa Tùng ánh điện vẫn như sao sa, rực rỡ một góc trời. Tiếng sóng biển nghe có vẻ như trầm lắng hơn, xa ngái hơn. Vợ chồng người chủ phòng trọ vẫn mải miết làm gì đó bên cái giếng khoan. Trần Tam ngả người xuống tấm đệm muốn ngủ một giấc nhưng không tài nào chợp mắt được. Có lẽ ở một người tuổi tác như ông phải khó khăn lắm mới dỗ được giấc ngủ. Huống hồ đây lại là đêm xa nhà, hơn thế, lại là đêm đầu tiên trở lại với cảnh cũ người xưa. Ông lại nhớ tới cô du kích làng Cát năm xưa, nhớ lại cái trận đánh tàu địch trên sông Cửa Việt. Trận ấy ông và đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc, bởi không chỉ chiếc tàu chở dầu bị bắn cháy mà cùng với nó còn có một chiếc tàu khác bị bắn hạ. Hai cột lửa  bốc cao giữa lòng sông trong một đêm trăng vằng vặc, sung sướng không sao tả được. Sau này khi có dịp ngồi kiểm điểm lại trận đánh, Trần Tam mới vỡ lẽ ra rằng chính Nguyệt là người đã có sáng kiến đề xuất với bộ chỉ huy mặt trận cho tập kích tàu địch vào đúng cái đêm trăng ấy. Bởi theo cô đó là thời điểm mà bọn địch sơ hở nhất, ít ngờ tới nhất. Trận đánh thắng lợi, kẻ địch tổn thất nặng nề nhưng ta cũng phải trả một cái giá không nhỏ, một người hy sinh và một người bị thương. Người bị thương không ai khác mà chính là Trần Tam. Vết thương không nặng lắm nhưng oắi oăm thay nó lại trúng ngay vào bắp chân nên thật khó có thể một mình đi lại được. Còn lại ba người lành lặn với một tử sỹ, một thương binh, một khẩu DKZ và mấy khẩu tiểu liên. Đi vào đã khó, bây giờ đi ra lại càng khó hơn. Phải làm sao rút ra an toàn trước lúc trời sáng. Đây là địa bàn đang nằm trong thế cài răng lược giữa ta và địch nên không thể chủ quan, sơ suất. Mang vác, đi đứng thế nào đây? Bàn bạc một lúc rồi mọi người cũng tìm được cách khắc phục. Hai người khoẻ có nhiệm vụ cáng tử sỹ. Cho thêm vào cáng khẩu DKZ. Có nặng một tý nhưng vẫn cáng tốt. Trần Tam bị thương chịu khó khoác thêm vào người khẩu tiểu liên sẽ được Nguyệt dìu đi, thế là ổn. Nói thì dễ, nhưng khi đi mới thấy khó khăn làm sao! Dù đã được băng bó kỹ càng, nhưng vết thương vẫn rỉ máu. Mỗi bước đi là đau nhức không sao chịu nổi. Trần Tam vẫn bám vào Nguyệt, nghiến răng lại mà bước. Nguyệt cũng chẳng thảnh thơi gì. Trên người đã lỉnh kỉnh đủ thứ lại phải dìu phải đỡ Trần Tam nên mệt rã người. Đi được chừng vài cây số thì Trần Tam không sao bước nổi nữa. Cả vành băng quanh bắp chân máu đã thấm ra ướt đẫm. Hai người cáng tử sỹ đã vượt lên phía trước rất xa. Nguyệt phải băng lại vết thương cho Trần Tam rồi mới tiếp tục lên đường. Nhưng Trần Tam đã không sao bước được nữa. Phải làm thế nào đây? Không lẽ bỏ Trần Tam ở lại một mình để Nguyệt băng lên phía trước tìm sự chi viện? Như thế sẽ không kịp, sẽ nguy hiểm cho Trần Tam. Cuối cùng, không còn cách nào hơn Nguyệt đành đưa ra phương án là Trần Tam phải chấp nhận để Nguyệt cõng. Sau một lúc chần chừ, miễn cưỡng, Trần Tam cũng phải đồng ý để cho Nguyệt cõng mình. Cô du kích coi nhỏ bé, gầy gò vậy mà thật khoẻ. Cõng thương binh đã đủ chết rồi, thế mà còn phải mang theo bao nhiêu thứ trên người. Không biết làm cách nào mà Nguyệt lại  có thể đi được, lại có thể bước được những bước nặng nề như vậy trên mặt cát. Có lẽ Nguyệt đã phải cố gắng lắm mới cáng đáng nổi. Con người ta vào những lúc nguy nan chẳng còn biết trông cậy, bấu víu vào đâu để tự cứu mình, cứu đồng đội thì ngay lập tức không chỉ nảy sinh cái trí mà còn tăng thêm sức mạnh về thể xác. Đó là những cái mà lúc bình thường không thể có. Và cứ thế, ròng rã mấy giờ liền, Nguyệt đã cõng Trần Tam trên đôi vai nhỏ bé của mình. Bóng hai người đổ dài trên cát.

           Vợ chồng người chủ phòng trọ vẫn mải miết làm gì đó bên cái giếng khoan. Có vẻ như họ rất bận bịu với công việc. Từ lúc đến đây Trần Tam để ý thấy họ chẳng lúc nào ngơi tay. Cặp vợ chồng này trông cũng khá đẹp đôi, chỉ tội cái nước da hơi đen. Và cả vợ lẫn chồng ai cũng nhanh nhẹn, tháo vát, miệng mồm lởi xởi. Đã mấy lần ông định gặp họ hỏi han đôi điều nhưng xem ra cả hai chẳng lúc nào rảnh rỗi. Bây giờ không ngủ được Trần Tam lại muốn tìm đến với họ. Thì ra cặp vợ chồng này đang tranh thủ làm mắm. “Tụi con tranh thủ làm thêm. Dân miền biển mà không tận dụng lúc cá được mùa giá rẻ làm vài chum mắm để đấy là sai sách chú à!”. Đắn đo một lúc rồi Trần Tam cũng hỏi họ về Nguyệt. Họ nói rằng ở làng Cát này có tới ba người phụ nữ cùng tên Nguyệt, cả ba đều sàn sàn tuổi nhau và trước đây ai cũng từng là du kích chiến đấu rất dũng cảm. “Chú muốn hỏi về cô Nguyệt một thời chèo đò và làm giao liên…”. Cả hai bỗng dừng tay nhìn ông. “Chú quen cô Nguyệt đó à?”. “Ừ, hồi chiến tranh chú đóng quân ở đây nên chú quen cô ấy”. “Và bây giờ chú muốn tìm thăm lại cô ấy?”. “Ừ! Các cháu có biết cô ấy không?”. Cô vợ nhìn chồng tủm tỉm cười rồi quay lại phía Trần Tam nói với ông có vẻ rất phấn khởi: “Không những biết mà cô Nguyệt đó còn là người thân của vợ chồng cháu, vì…vì cô ấy là mẹ cháu mà chú!”. “Mẹ của cháu?”. “Dạ!”. Trần Tam gần như reo lên: “Trời, sao lại có sự trùng hợp này? Thế từ ấy đến nay mẹ cháu làm gì và giờ thế nào?”. “Dạ, sau giải phóng, mẹ cháu làm việc ở xã, rồi được điều lên huyện, lên tỉnh công tác ở hội phụ nữ. Cách đây mấy năm mẹ cháu nghỉ hưu...”.  Cô gái nói đến đó thì dừng lại không nói nữa, vẻ mặt trở nên u uất, trầm lặng. “Mẹ cháu có khoẻ không?”. Trần Tam sốt sắng hỏi. Phải một lúc cô gái mới trả lời, giọng run run: “Mẹ cháu ốm nặng và mất được nửa năm nay rồi chú ạ!”. “Trời! - Trần Tam kêu lên. - Vậy mà chú cứ đinh ninh rằng lần này chú sẽ gặp lại mẹ cháu!”. “Dạ! Giá mà mẹ cháu còn sống chắc mẹ cháu sẽ mừng lắm khi có chú vào thăm. Nay, mẹ cháu không còn nữa chú sẽ là khách quý của vợ chồng cháu. Tên cháu là Hằng Nga!”. Bấy giờ Trần Tam mới nhìn kỹ khuôn mặt cô gái. Ừ, Hằng Nga cũng có khuôn mặt hao hao giống Nguyệt. Nhất là đôi mắt, một đôi mắt đen lay láy không thể lẫn với ai. Nhìn Hằng Nga ông có cảm giác như thấy Nguyệt đang đứng trước mặt mình. Và cả cái tên của con gái Nguyệt nữa. Hằng Nga! Tên ấy cũng có nghĩa là vầng trăng.

           Trần Tam quay trở lại phòng ngủ. Ông nằm xuống nhưng chỉ một lát lại ngồi dậy. Ông biết chắc chắn rằng đêm nay ông sẽ không ngủ được, không thể nào ngủ được. Có quá nhiều những tình cảm buồn vui lẫn lộn đang dập dồn ùa đến làm rung động, xao xuyến cõi lòng ông lúc này. Thôi thì hãy thức trọn một đêm nay với làng Cát. Hãy thức trọn với những ký ức của quá khứ và của cả những gì đang đến. Trần Tam mở cửa bước ra bên ngoài. Trên đầu ông là cả một trời đầy sao. Và trăng. Lạ chưa? Trăng đã chếch hẳn về hướng tây mà ánh trăng vẫn ròng ròng tuôn chảy, vẫn tỏa ra bát ngát, mênh mông…

               

N.N.C

 
Nguyễn Ngọc Chiến
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 186 tháng 03/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground