Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ván cờ cuối cùng

B

an tổ chức lễ hội chùa Bút Tháp không thể ngờ giải cờ tướng năm nay lại đông kỳ thủ tham gia đến thế. Lúc đầu dự kiến 48, sau thấy đăng ký đông quá thì quyết định 64, đến phút chót lại thành 96.

          Gần hết buổi sáng ngày thứ nhất, đám đông chợt rẽ ra nhường chỗ cho chiếc xe lăn trên đó chở một thương binh mặt mũi cháy xém sần sùi, cụt cả hai chân và hình như cũng chỉ còn một mắt, bởi bên phải dưới gọng kính đen lõm xuống kéo theo chiếc thẹo dài như chú thạch sùng đánh đu vào đầu gọng. Nhiều người bảo rằng sáng sớm hôm nay đã gặp anh lưỡng lự ở ngã ba chợ Dâu, chỉ cách đây chưa đầy ba ki-lô-mét, không hiểu có chuyện gì mà giờ này anh mới tới. Anh lúng túng trình bày lý do đến chậm, khẩn khoản xin Ban tổ chức cho được tham dự cuộc cờ. Ban tổ chức hội ý nhanh, quyết định câu lạc bộ địa phương rút hai kỳ thủ chỉ để lại tôi đại diện và nhất trí để anh không phải qua đấu vòng nhất thắng. Nhưng anh không nghe, anh bảo đây là thi tài chứ có làm chính sách đâu mà phải ưu tiên.

          Tôi nhìn anh ái ngại, bâng khuâng. Từ trong xa thẳm có cái gì đó lờ mờ tái hiện. Vẻ lúng túng khẩn khoản của anh bất chợt làm tôi nhớ về một người bạn thời đánh Mỹ.

          Ngày thứ ba khi bước vào vòng ngũ, anh được xếp thi đấu với Trần Hưởng, vận động viên Quốc gia người Hà Nội. Cảm giác thân quen cứ tăng dần, nhưng hỏi thì không tiện mà cố mãi tôi cũng không tài nào có thể nhớ ra. Rồi tôi cũng bị cuốn vào những nước cờ hiểm hóc. Quả là kì phùng địch thủ, kẻ chín người mười. Khán giả cũng hồi hộp, bàn tán, tranh cãi ầm ĩ. Sân cờ chật ních ồn ào. Đến gần trưa Trần Hưởng dồn anh vào thế bí. Mọi người lo lắng, dự đoán anh sẽ phải thí cả xe lẫn pháo may ra mới giữ được hòa. Nhưng thật bất ngờ anh lại thoái con mã bẩy rồi tách pháo đấu xe. Chỉ hai nước cờ tình thế đã chuyển xoay, Trần Hưởng bị dồn vào thế lưỡng nan tiến thoái. Cuối cùng anh đã thắng, tôi và anh gặp nhau trong trận chung kết tranh giải nhất nhì.

          Cả sân cờ sôi động chờ đợi cuộc đọ sức quyết liệt giữa tôi và anh. Tôi có phần tự tin là ở sân nhà, nhưng quả thật khi thấy anh đánh bại Trần Hưởng tôi cũng hơi ngài ngại.

          Vào trận anh vẫn đánh pháo đầu nhưng thận trọng củng cố không có ý tiến công quyết liệt như những trận trước. Tôi cảnh giác đóng kín sĩ tượng, rồi lên mã bỉ, chờ thời cơ tiến trận. Đến nước thứ tám, anh bỗng thăng xe bỏ mã. Bên ngoài hò reo cổ động tôi ăn không con ngựa mà những trận trước đối thủ nào gặp anh cũng phải sững sờ bởi bước thiên lý hiểm hóc tài hoa. Tôi cũng phấn khởi ra mặt. Nhưng kinh nghiệm thi đấu và cả kinh nghiệm cuộc đời đã giúp tôi chững lại. Cái buổi chiều mùa thu cách đây ba mươi năm đột ngột hiện ra khiến tôi tự hỏi: Anh là ai?

 

          Ngày ấy, tôi đóng quân ở một làng ven con sông Cầu thơ mộng. Những khi rỗi rãi, chúng tôi mang bàn cờ ra bãi cỏ ven sông. Gió nồm nam lao xao qua cánh bãi, mơn man mặt nước gợn sóng lăn tăn, liệng chao câu quan họ giao duyên, luyến láy. Bàn cờ bày ra. Hậu – người bạn tri âm tri kỉ rất ít nói và vô cùng cẩn thận, tế nhị như một người từng trải, vừa dí con tốt ba thì một cô gái bất ngờ xuất hiện. Tôi và Hậu sững người trước vẻ đẹp dịu dàng đằm thắm, đôi núm đồng tiền xoáy vào trái tim chúng tôi bao khát khao mơ ước.

          Cô rụt rè, lúng túng:

          - Thưa… Em có việc muốn qua sông. Dưới bến có thuyền mà bác lái lại đi đâu. Nếu hai anh biết  lái em mượn thuyền, nhờ hai anh giúp em một chút.

          Tôi thì dân ven sông Đuống, còn Hậu dân biển Hải Hậu Nam Định, đều là những tay sông nước, đều muốn được lái đò đưa người đẹp qua sông. Nhưng chả lẽ có con đò nhỏ mà cả hai cầm một mái chèo, với lại đằng nào cũng phải có một người ở lại để nếu bác lái đò về còn thưa chuyện mượn thuyền.

          Sau một hồi suy nghĩ, Hậu hỏi cô gái:

          -Cô có gấp lắm không? Nếu không có thể chờ chúng tôi một chút.

          Thấy cô gật đầu. Hậu giục tôi:

          -Đi tiếp đi. Ai thua người đó ở lại ngắm bến đợi đò.

          Tôi đồng ý, bởi tin mình sẽ là người chiến thắng. Được dăm nước, Hậu bỗng thăng xe bỏ không con mã. Tôi vốn từ nhỏ đã hay hấp tấp vội vàng. Chả thế mà hồi thi tốt nghiệp cấp một, vừa đọc xong đề toán tôi đã cắm cúi viết nửa giờ sau đã nộp bài. Năm ấy, nể chú tôi làm Bí thư Đảng ủy xã, tôi lại là người học toán giỏi nhất lớp nên được xét đỗ vớt, bị chú cho ăn mấy con "chạch" lằn đít nhớ đời. Thế nhưng tôi vẫn chứng nào tật ấy. Năm 1963 trong cuộc thi học sinh giỏi toán toàn miền Bắc, nếu kiểm tra kỹ không nhầm dấu âm sang dương thì bài đại của tôi đã đạt điểm 5, đã là một trong ba thí sinh đạt số điểm cao nhất, được chọn đi học ở Liên Xô hoặc một nước Đông Âu nào đó…

          Tôi liếc nhìn cô gái, hình như cũng quên chuyện sang sông đăm đắm theo dõi nước cờ, vội ơ lên một tiếng, tiếc cho Hậu mất không con mã. Tôi ra bộ quân tử hỏi "Có xin hoãn không nào?    Hậu khẳng khái "Không". Lúc đó tôi mới khoái chí cầm con pháo đập đánh chát một cái, thu con mã về mình không quên liếc nhìn cô gái. Nhưng, trời ạ, Hậu đã cắm pháo xuống vị trí pháo của tôi vừa rời đi ăn mã và sau dăm nước chống đỡ tôi đành chịu bó tay nhìn Hậu khua nhẹ mái chèo đưa người đẹp chìm vào hoàng hôn mênh mông sóng nước. Cũng lạ, sau bao nhiêu lần, đặc biệt là hai lần thi cử, chỉ vì bất cẩn hấp tấp để luyến tiếc một đời mà cũng không giúp tôi cẩn thận hơn, nhưng sau trận cờ ấy tôi bỗng trở nên điềm tĩnh. Càng những lúc tình hình khẩn cấp, hình ảnh con đò như vầng trăng đầu tháng trôi vào bầu trời xanh ngắt, mang theo người con gái quan họ lúng liếng đa tình lại nhắc tôi bình tĩnh xét suy, tìm lời giải cho những điều rắc rối.

          Khi tôi và Hậu đã là đại đội trưởng hai đại đội có thành tích chiến đấu xuất sắc nhất trung đoàn, thì lại xảy ra một chuyện: Trung đoàn cần một đại đội chủ công cho trận đánh quyết định, mở cửa ngõ tiến vào Sài Gòn. Tham mưu trưởng trung đoàn cho gọi tôi và Hậu. Sau khi nghe tham mưu trưởng tỏ ý băn khoăn chưa biết chọn ai, tôi nghĩ ngay tới ván cờ. Thật lòng tôi chưa quên chuyện xưa. Không có duyên phận với người con gái ấy, tôi quyết thắng Hậu lần này giành bằng được vòng nguyệt quế vinh quang. Tôi nói nhỏ với Hậu. Hậu mỉm cười nhất trí. Tôi liền gãi đầu nói với tham mưu trưởng:

          -Xin thủ trưởng cho chúng em hội ý riêng.

          -Được. Sáu giờ sáng mai phải có quyết định cuối cùng.

          Đêm ấy, tôi và Hậu lại giở bàn cờ. Hậu không quên cái buổi chiều may mắn và hạnh phúc trên dòng sông "Nước chảy lơ thơ" nên lại lừa tôi vào thế thăng xe  bỏ mã. Tôi chẳng mắc mưu, bởi tôi đâu còn là anh lính tò te lốp bốp. Nhưng chắc là Hậu đã nhầm, thế này bỏ mã nhưng không bị chiếu, đằng này Hậu đã gác sĩ, tôi ăn mã còn chiếu tướng cơ mà, quá đủ thời gian để tôi quay về cản pháo. Tôi tủm tỉm cười bảo Hậu: "Chiến trận lâu ngày không giở sách nên thế cậu bị hở sườn rồi. Có xin hoãn không nào?" Hậu ậm ờ chưa kịp trả lời, tôi đã làm đánh chát thu về chú mã, đưa lên môi hít hà, rung  tít hai đùi. Hậu ung dung kéo pháo về. Tôi ngớ ra. Nếu chạy pháo lại sa vào thế tử, đành liều đánh đấu hy vọng sĩ Hậu sẽ phải ăn về. Nhưng Hậu lại thản nhiên không thèm để ý  tới pháo của tôi mà nhẹ nhàng đặt đúng cái thế bỏ mã thăng xe. Kết quả là tôi phải nhường vị trí chủ công cho Hậu và đại đội Hậu trở thành đại đội anh hùng, cũng từ trận ấy. Nhưng tôi được tin Hậu – Người bạn thân nhất của tôi đã ngã xuống ngay cửa ngõ Sài Gòn chỉ mấy tiếng đồng hồ trước khi thành phố hoàn toàn giải phóng.

          Lần phép đầu tiên tôi xuống ngay ga Nam Định tìm về quê Hậu. Bố mẹ Hậu đều chưa đến tuổi 60 mà trông như những cụ già đã ngoài thất thập. Tóc các cụ bạc trắng, đôi mắt già nua bạc phếch lang thang ánh nhìn  không nơi neo đậu. Tâm – vợ Hậu xõa sượi, ôm khư khư tờ báo tử ố vàng những chấm tròn lớp lớp chồng chất lên nhau. Thấy tôi họ có một giây bùng lên hy vọng, như ngọn đèn trước khi phụt tắt, khiến bóng đêm càng đen đặc phũ phàng.

          Tôi đã chứng kiến quá nhiều đồng đội vĩnh viễn ra đi, có lúc cũng ướt đầm khóe mắt, phải vội lau đi để còn tiến lên phía trước, tôi chưa thể hình dung cảnh thương đau tang tóc thế này. Cổ họng tôi nghẹn lại, mí mắt nặng cứng. Tôi quên mình đang đứng trước bao người xa lạ, quên ve áo mình đỏ chót đôi quân hàm đại úy. Tôi òa khóc nức nở, nghẹn tắc. Cả nhà xáo xác tức tưởi an ủi động viên tôi. Tâm vùng dậy chạy ra ngoài, đem vào cho tôi chiếc khăn tay thấm ướt. Tôi tự trách mình sao đông anh đông em, vợ con chưa có, lại không chết thay cho Hậu, sao tôi lại để Hậu lừa một thế cờ? Hậu đã hy sinh thay cho tôi. Tôi biết làm gì trước nghịch cảnh này?...

          Thế rồi năm tháng cũng trôi qua, hai ông bà cùng cô con dâu dựa vào nhau vượt qua những ngày sóng gió. Họ vẫn phải sống, phải đối mặt với cuộc đời, đón đợi một tương lai, một kết cục. Tôi và Tâm viết cho nhau những lá thư dài hơn, nhắc lại những kỉ niệm xưa. Rồi tự lúc nào chúng tôi không thể thiếu nhau dù rằng không ai có quyền quên Hậu.

          Lần phép thứ ba, hai ông bà đứng ra tác thành cho tôi và Tâm nên chồng nên vợ. Chúng tôi ở luôn nhà Hậu nuôi dưỡng ông bà, chăm lo giỗ tết. Mỗi lần về quê nội chúng tôi lại ngược sông Cầu thăm quê ngoại, vì Tâm chính là cô gái chiều mùa thu ấy được Hậu lướt mái chèo đưa qua dòng sông ắp đầy bao kỉ niệm.

          Mười năm sau, ông bà lần lượt qua đời, vợ chồng tôi xin phép họ hàng nhà Hậu, trở về quê, đem theo ba tấm hình và mỗi năm vẫn cơm canh đầy đủ ba cái giỗ. Mỗi lần như thế vợ tôi lại âm thầm ngước nhìn ảnh Hậu, kín đáo săn sóc tôi, thấp thỏm lo âu một ngày nào đó tôi lại ra đi như Hậu.

          Rồi tôi rời quân ngũ. Mỗi năm tóc chúng tôi bạc thêm, nước mắt vợ tôi cũng dần dần cạn kiệt. Còn Hậu vẫn tươi trẻ như xưa, từ trên bàn thờ luôn mỉm cười nhìn chúng tôi dịu dàng nhân hậu. Nhiều đêm, cả hai  vợ chồng chúng tôi đều mơ thấy Hậu và khi đã bước qua cái tuổi 50 vợ tôi giành khá nhiều thời gian lên chùa tụng niệm, cầu cho Hậu siêu thoát ở cõi vĩnh hằng…

          Giờ đây, nước cờ vô tình của người thương binh nặng làm tim tôi đau quặn. Tôi trân trân nhìn anh. Vết thẹo dài hình con thạch sùng, cặp môi dăn deo bạc phếch, cặp kính đen u tối không gợi cho tôi chút kỷ niệm nào. Tôi vẫn chìm sâu vào kí ức, tiếng trống giục liên hồi làm tôi bừng tỉnh. Tôi chặc lưỡi: Chắc là sự trùng lặp ngẫu nhiên. Ở đời có cái gì mà lại không thể. Nghĩ vậy tôi thận trọng lắp tiếp pháo đầu, âu cũng là cuối đời sửa một sai lầm đã thành ký ức.

          Bỗng anh ngây ra, đờ đẫn. Chắc anh không ngờ tôi không bị lừa vào cái thế vô cùng hiểm hóc mà anh đã dầy công sắp đặt. Anh run rẩy lăn chiếc xe lùi lại suýt nữa lật nhào, tìm nơi chạy chốn ánh mắt một người đàn bà đang thất thểu tiến dần từng bước, gạt đổ liểng xiểng những quân cờ. Cả sân cờ nháo nhác ồn ào, giận dữ. Tôi quay lại. Thì ra là vợ tôi. Mặt cô bợt bạt, đôi mắt mờ mịt giăng đầy màn nước, đôi môi tím bầm như vệt máu lâu ngày. Trong giây phút kinh hoàng tôi há hốc miệng, không hiểu điều gì. Vợ tôi lao tới, gục vào tôi thét lên "Anh Hậu!" Anh thương binh cuống quýt quay xe hướng ra phía đường quốc lộ. Chiếc xe đâm phải bờ hè bật lại lật nghiêng. Anh ngã lăn ra. Chiếc kính đen bật khỏi mắt lộ ra hố sâu tím ngắt và con mắt ánh lên nỗi buồn nhân hậu.

          Bằng kinh nghiệm của người chỉ huy mười năm lăn lộn chiến trường, tôi chợt hiểu ra tất cả. Thì ra khi tình yêu chưa hết không ai có thể giấu họ điều gì. Tôi tin vào độ nhạy và linh cảm nơi trái tim Tâm. Tôi nắm tay Tâm lao về phía người thương binh. Anh líu lưỡi nói không thành tiếng:

          -Nhầm rồi. Các người đã nhầm rồi. Tôi đâu phải là Hậu. Tôi là…Xin các người hãy để tôi đi.

          Mặc anh van lơn, cáu kỉnh, gào thét, tôi dựt tung cúc áo ngực anh. Bên ngực trái, nơi trái tim đang đập thập thình dai dẳng hiện rõ hai chữ H.T lồng vào nhau xăm bằng thứ thuốc có màu chàm xanh lét. Đó là nét chữ của tôi đã xăm cho Hậu trước khi đơn vị rời con sông Cầu tiến về phương Nam mịt mù khói lửa.

          Tôi bàng hoàng:

          -Hậu, Hậu ơi!

          Vợ tôi gục xuống thành xe nức nở. Nước mắt tôi tràn ra. Cả sân cờ ngơ ngác, xôn xao. Tôi ôm chặt lấy anh:

          -Hậu ơi! Hoàng đây. Hoàng đây mà. Vì sao lại có cái giấy báo tử? Vì sao lại thế này?

          Hậu đờ đẫn, bất động. Con mắt còn lại trân trân ngó vào khoảng không vô định. Vợ tôi ngẩng lên nắm chặt tay anh. Mi mắt anh cụp xuống, hai dòng nước mắt trong suốt chảy ra, ở bên mắt lành thì ạt ào như lũ, bên lõm sâu thì ri rỉ đặc quánh như thể một thứ nước hồ. Rồi anh giơ hai cánh tay yếu ớt kéo chúng tôi về bên anh thì thào tha thiết:

          -Hoàng ơi! Cám ơn bạn. Tâm, em hãy tha lỗi cho anh!

          Đám đông xô tới nâng chúng tôi lên. Đây đó vài tiếng ho gằn, nhiều người ý tứ lau đi những dòng nước mắt.

          Hoàng hôn của một ngày hội sắp tàn le lói trên ngọn cây đang từ từ tắt lịm. Đằng đông vầng trăng chưa tròn tỏa lênh láng trên khắp cánh đồng. Những tia sáng màu xanh mát rượi nhuốm lên những khuôn mặt còn long lanh nước mắt vẻ thanh thản yên bình, để lại phía sau những tháng ngày quý giá.

          Ban tổ chức lễ hội chùa Bút Tháp đang thực sự boăn khoăn: Biết trao cho ai giải nhất bây giờ?

 

                                                              Làng Bến, những ngày tháng Tư.

                                                                                    H.G

 

 
 
Hoàng Giá
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 188 tháng 05/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground