Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Ván cờ cuối năm

 

Ô

ng Khoát tắt cái ti-vi đang lải nhải về giá cổ phiếu xuống và vàng lại đột biến tăng, đến ngồi bần thần bên bàn cờ. Những lượn khói trầm từ chiếc lư tỏa ra lượn nhẹ một vòng trước mặt ông, rồi theo gió tháng chạp vụt ra ngoài, hoà vào màu xanh của mặt sông còn vương sương sớm bên hông nhà. Trên bàn là thế cờ hay ông vừa tìm được trên báo. Thế cờ ít quân nhưng hiểm hóc. Cái anh thua rõ mười mươi nhưng lại thắng nhờ  mỗi nước đi tiên  ắt là phải có mẹo lắm!

Ông Khoát châm thêm nước sôi vào ấm trà, ngồi thừ người trước bộ cờ bằng sừng. Sừng trâu trắng. Thường cứ ngồi trước bàn cờ, trong trí ông năm tháng cũ lại níu kéo hiện về.

Thời ấy, đâu vào giữa thập niên sáu mươi, thiên kỷ trước. Đang chiến tranh, nhà ông ở lại thuộc vùng “xôi đậu”, ngày địch đêm ta, nên ngút ngàn đạn bom khói lửa. Trước sự chết chóc, hiểm nguy lúc nào cũng có thể xảy ra cho gia đình, cha của ông quyết định đùm túm nhau về thành.

Về thành có nghĩa là tất cả phải bỏ đi, làm lại. Mà làm lại, sinh sống lại, hoàn toàn khác. Từ người chân rẫy biến thành thị dân. Nói thì một nhưng khó lại muôn vàn. Khó nhất trong việc ra đi lúc bấy giờ là cặp trâu trắng của nhà nuôi, giúp làm đất, rẫy. Cặp trâu có từ khi Khoát mới sinh . Không chỉ là “đầu cơ nghiệp”, chúng đã đồng lao cộng khổ cùng gia đình qua biết bao nhiêu biến cố. Sừng mỗi bên của con dài gần bằng chiếc đòn gánh. Bỏ lại không đành, còn về phố chợ ai lại mang theo trâu? Lánh về vùng tạm chiếm là việc chẳng hay hớm gì, nên chớ để ai biết và vì thế cũng không thể bán nó cho ai. Đang chưa biết giải quyết thế nào thì mấy hôm sau, một khuya có trận súng nổ dữ dội giữa lính Sài Gòn và mấy ông Cách mạng. Sáng ra, cặp trâu trắng đã chết lăn kềnh trong chuồng bên rẫy.

Vậy là gia đình Khoát ra đi, cặp trâu theo chỉ có mỗi bốn cái sừng. Theo để tưởng nhớ nó chứ rồi cũng xếp xó vì diện tích ở ăn eo hẹp nơi phố thị.

Những năm tháng tị nạn, Khoát dần lớn lên. Nhờ vào thương tật từ bé ông được miễn dịch, không phải đi lính cho chế độ Sài Gòn. Khoát tham gia vào việc nuôi sống gia đình bằng nghề đánh giầy. Hồi đó trên các đường phố Châu Thành, đây đó thấy có người ngồi theo kiểu ông đồ, trước mặt bày ra bàn cờ tướng với mấy thế độc, thế hay mời, thách đố khách bát phố, qua đường tham gia đánh, giải. Ấy là cách tiêu khiển thời gian trong chiến tranh của dân phố chợ. Đường nào cũng thấy người tụm năm túm ba suy nghĩ, bàn tán trước những cuộc cờ mà cá cược của nó từ vài điếu Ru-biCapstan… cho đến số tiền có thể mua tới  cả con trâu! Đó là nơi khách duỗi chân ngồi chơi cờ, tha hồ cho kẻ đánh giầy như Khoát hành nghề. Có hôm đánh giầy xong, chờ cả buổi khách xong cuộc cờ mới trả tiền. Những ngày vắng khách đi giầy, Khoát tham gia làm kẻ giải cờ mồi. Gặp người  qua đường thấy dễ ăn “nóng máu” tham gia, chủ bàn tùy thắng nhỏ to, cũng cho Khoát được khi dăm đồng lúc vài ba chục. Riết rồi ông thành cao thủ cờ lúc nào không hay. Việc gì Khoát có thể ngu ngơ, ù tịt nhưng với cờ tướng mắt ông cứ sáng lên và trí lự lại trở nên minh mẫn vô cùng. Còn cờ thế thì đôi khi chỉ nhìn qua, ông có thể biết ăn thua là đi bao nhiêu “nước”. Lớn lên chút nữa, Khoát  bỏ hộp đánh giầy xoay qua bày cờ tướng thế. Những công việc thuần trí óc khác có tai nạn nghề nghiệp hay không, chẳng biết; riêng ông khám phá rằng cái nghề bày cờ thế này, hệ số rủi ro trong cá cược là rất ít. Thậm chí còn ít hơn cả đánh giầy! Đánh giầy vô phúc gặp thằng say, không những không trả tiền nó còn đá cho một phát văng cả người lẫn đồ nghề. Nhưng bày cờ tướng thế, dù cá cược lớn, khách chơi nước đầu nếu cầm đúng vào quân cờ trúng thế giải, mình chỉ cần vái dài “xin đại ca đừng phá, để em kiếm chút cháo!” và kỉnh mời điếu thuốc thơm, là xong. Khách sẽ tự hào bỏ đi đúng kiểu của người cao thủ. Còn khởi đầu đi, vớ vào quân trật, lộn thế dù người đó có giỏi cờ như … Đế Thích ngày xưa, kể như chủ cũng cứ rung đùi, hốt bạc. Mà trong cờ tướng, người “chưa sạch nước cản” lại càng ham đánh, giải cờ!

            Rồi Khoát lập gia đình. Và thời cuộc, chiến tranh cứ trôi đi bên ông với những thế cờ “ăn chắc” trên phố phường cho đến ngày Miền Nam giải phóng. Ông giải nghề cờ thế rồi tiếp đến cha mẹ ông qua đời…

            Gia đình ông ngót mươi năm ổn định nơi thị thành, nên cũng chẳng trở về quê cũ. Dải  đất ở quê, thoai thoải nằm vắt từ mép biển lên đồi nơi làng Bình Tú trở thành rẫy vườn cung cấp lương thực trong những năm đầu thập niên tám mươi áo cơm đầy khốn khó. Những năm ấy do nhận thức và cũng do tình hình kinh tế, số người ra đi, vượt biên khá nhiều, nhất là bằng đường biển. Những người ra đi có kẻ vì sinh kế, muốn đổi đời, kẻ vì không thể sống với chế độ, và cũng có người ôm vàng khối ra nước ngoài để thỏa chí kinh doanh, làm giàu. Lén lút vượt biên bằng đường này, vùng thuận tiện nhất là khu vực Bình Tú, nơi có vườn rẫy cũ của ông. Do địa thế thuận tiện, ông Khoát cũng đã mấy lần tham gia vào các vụ tổ chức vượt biên. Biết là sai trái song cũng do khốn khó quá đi. Với túp nhà cất trên nền cũ, gần biển lại vắng vẻ, ông cho thuê làm nơi tập kết  những người vượt biên từ Sài Gòn ra, Đà Lạt xuống… Các cuộc vượt biên ở vùng này thường thành công. Tuy vậy cũng không ít vụ thất bại đến xơ bơ, xất bất…

            Trong những năm tháng này, ông Khoát tình cờ gặp lại một người mà cơ hồ như phép lạ. Người ấy là Chà. Và đầu đuôi của quen nhau, gặp lại là thế này: Cũng từ thuở ông còn bày cờ kiếm cơm trên phố. Lúc đó tài cờ ông đã đạt đến trình độ có thể bịt mắt mà chơi cờ với người khác. Theo kiểu hai người ngồi kiệu gặp nhau trên đường, vén rèm đánh cờ miệng, không cần bàn như các cụ cao thủ ngày xưa.

            Xế ngày hôm đó, đường phố Châu Thành bỗng dưng khá vắng người qua lại. Vắng đến có thể nghe được tiếng súng từ đâu đó ầm ì vọng về. Bất ngờ có một người lính áo còn vương mùi thuốc súng ghé lại bàn cờ thế của ông. Người lính ấy không thấy đeo lon lá gì nhưng nom phong cách chừng là sĩ quan. Sau khi xem qua thế cờ, ngẫm nghĩ một lát, anh ta bằng lòng theo bên thắng đến mười mươi. Nhưng lại kèm hai điều kiện: Một, ông phải bịt mắt mà chơi; Hai là ai thua phải chịu một chầu bia nhậu, chứ không chung tiền. Đánh bình thường ông còn bịt mắt, huống chi cờ thế mình bày đã thuộc như lòng bàn tay, nên ông bằng lòng. Sau khi ông bịt mắt mình bằng dải vải đen, anh lính cẩn thận buộc thêm lớp nữa bằng mùi xoa của mình, cuộc chơi bắt đầu. Sau mỗi lần anh lính đi, ông rờ rẩm suốt cuộc cờ giống một người mù. Và tất nhiên, cuối cùng ông Khoát thắng. Nghề kiếm cơm của ông mà. Chỉ có điều lần này là… bia! Trong cuộc nhậu anh ta cho biết mình sĩ quan, tên Chà và cũng tay cờ bạc nhà nòi. Khi hai người đã ngà ngà, Chà hỏi làm thế nào, bịt mắt ông vẫn đi hay và đánh thắng? Ông Khoát cười. ”Đánh cờ nhiều tất thuộc lòng các ô trong bàn. Nếu bịt mắt, đối phương khi khai cuộc, hành kỳ phải xướng rõ tấn thối, tả bình hữu bình. Còn không xướng như trường hợp tôi với anh, nhất thiết phải để ngón tay giữa  định vị trên đầu tướng phía mình, đối phương đi cờ đến đâu ta rờ theo và tưởng tượng ra chỗ đứng đến đấy. Bàn cờ sẽ sáng lên trong trí như được bày trước mắt vậy”. Sau đó là chia tay. Dù có ước gặp lại nhau nhưng… chiến tranh mà! Có những cuộc gặp tưởng chắc sẽ xảy ra nhưng lại xa…  tuốt bên kia thế giới.

            Vậy mà ông đã gặp lại Cha!

            Chà cho biết vừa cải tạo về. Cuối buổi chuyện, anh lộ ý định lui tới  các vùng biển này để tìm cách vượt biên. Thế là ông Khoát giúp anh ta. Sau thời gian lo liệu, chuẩn bị, đêm đó chuyến vượt biên của Chà lên thuyền nơi đất cũ của ông bị động, phải bỏ của chạy lấy người, nhưng cuối cùng gần sáng cũng gom nhau ra tàu được từ nơi bờ cách đó khá xa.

            Rồi Chà đi thoát hẳn và định cư ở Mỹ. Tết năm rồi về có ghé thăm ông và nơi đất có cuộc vượt biên trầy trật ngày xưa. Anh biếu ông trăm đô.

            Gần năm nay qua điện tín, thư từ, Chà ngỏ ý muốn mua lại mảnh vườn đất cũ của ông để làm kỷ niệm và dưỡng già ở Việt Nam. Lúc ấy ông không đồng ý, nhưng giờ thấy mình đã lớn tuổi, lũ con lại chẳng đứa nào thích về nơi “khỉ ho cò gáy” đó, nên muốn bán. Lần điện trước, Chà bằng lòng mua với giá trăm triệu, trong khi ướm thử người khác trả chưa tới năm mươi. Đầu tháng Chạp rồi trong điện thoại, ông Khoát nói với Chà: “Tôi bằng lòng bán vườn ấy theo giá anh đề nghị, nhưng với điều kiện là… Tết này về, anh phải đánh cờ tướng thắng được tôi!”. “Cờ tướng ư? OK, OK… That’s right !”(*), tiếng cười của Chà trong ống nghe vang như lệnh vỡ…

            Bây giờ đang vào cuối Chạp. Chà đã về và đang ở đâu đó trong Sài Gòn. Anh điện ra, sẽ tỉ thí với ông cuộc cờ vào ngày giáp tết. Ông Khoát đổ hết bộ cờ còn lại trong cái âu mây ra bàn. Tiếng rơi của sừng xuống mặt gỗ nghe trong thanh như ngọc đổ. Ông Khoát mồi điếu thuốc và sắp lại bàn cờ. Hồi nửa năm, nhân dọn nhà bỗng tòi ra bốn cái sừng trâu trắng cũ. Ông chợt nghĩ đến việc làm nên bộ cờ sừng. Làm để lưu giữ lại thời chăn trâu cắt cỏ của ông và cũng để nhớ về những cuộc cờ mưu sinh vào thời đầu tập làm dân phố chợ. Nghe nói ngâm nó vào nước xà phòng, đun sôi lên sẽ rất mềm, dễ cưa, dễ gọt. Suy đi tính lại, thấy mình không có kinh nghiệm nên ông Khoát thuê thợ làm. Rồi nhờ người viết chữ Hán theo lối thư pháp và đục chữ… Tất cả công cán, ơn nghĩa mọi thứ đến gần nửa triệu bạc. Làm xong, ông biện cái lễ khánh kỳ nho nhỏ và cúng bái hẳn hoi. Và cũng nhân có được bộ cờ sừng quý báu như thế, ông mới bày chuyện thách đấu với… Việt kiều Chà. Mảnh vườn đã có ý định bán, song nếu thắng, mình sẽ có điều kiện kèo nèo thêm với anh ta.

            Năm tháng nay, kể từ trận động kỳ đầu tiên, có ba ván cờ ông Khoát đều thắng cả. Mà thắng toàn những tay cao cờ. Chỉ tiếc một điều trong lần thứ ba, do cuộc cờ kéo dài từ xế đến chạng vạng, dọn dẹp thế nào lại mất bén đi quân cờ bên trắng. Mà là con tướng, mới chết! Sau cả tuần tìm kiếm muốn tung cả ngôi nhà không thấy, ông phải tìm sừng khác thay vào. Tất nhiên là sừng của trâu đen. Loài trâu trắng bây giờ gần như tuyệt chủng! Thời nay con cờ được làm cũng từ tay những người cưa, viết, đục chữ trước đây. Nên con tướng y chang con cũ, duy màu sừng chỉ sậm hơn một tí mà thôi.

            Hôm nay đã là hai chín Tết.

            Và hôm nay trong nhà ông Khoát, ngoài cái rộn rịp, thiêng liêng của ngày áp tết, còn có cuộc cờ quan trọng, lý thú giữa ông và Chà. Chà ra từ chiều qua với một người bạn, ngủ khách sạn, tám giờ sáng nay lên nhà ông. Cả nhà ông Khoát rất vui vì có cuộc cờ này. Cuộc cờ để họ bán đi khu đất được gọi là “te te ỉa phỏng đít”. Họ sửa soạn, chuẩn bị cho cuộc cờ chu đáo, lịch sự. Riêng ông Khoát có phần hồi hộp chút đỉnh. Chút đỉnh thôi vì ván cờ này dù thắng bại, ông cũng chỉ “cửa ăn, cửa huề”, chứ không thua. Riêng Chà, vì không biết ý đồ ông Khoát nên có vẻ căng thẳng, lo lắng thật sự. Để chai rượu Hennessy đời XO lên chiếc bàn nhỏ, có tờ giấy bán đất đã ký dằn sẵn của ông Khoát, mồ hôi trán anh thấy rịn ra lấm tấm.

            Họ đồng ý tỉ thí ngay và chỉ một ván một. Và thống nhất cứ động tay vào con nào là phải đi con nấy. Trọng tài là Johny Tran, người đi với Chà và ông Chung, bạn cờ ông Khoát.

            Hai bên sắp cờ, Khoát bên trắng – Chà bên đen, xong. Trọng tài Johny tung “xấp ngửa” như bóng đá để tìm người “đi tiên”. Quyền đi trước thuộc về Chà. Đen là xanh, trắng là đỏ. Xanh đi trước âu cũng phải thôi. Sau khi mỗi người cạn hết ly rượu Hennessy nhỏ do con gái ông Khoát rót mời, họ khai cuộc cờ.

             Chà vào ngay pháo đầu. Pháo đầu đi tiên là những ván Chà hạ không biết bao nhiêu là hảo thủ ở level(**) bảy, khi anh luyện cờ với máy tính bên Mỹ. Ông Khoát lên ngựa đội và ông cũng là người nổi tiếng hay về ngựa. Vẻ bình thản, trông như tự tin của ông làm mồ hôi trán của Chà mới ra quân đã tươm thành giọt…

            “Kẻ tám lạng người nửa cân”, cuộc cờ đã qua trên bốn mươi nước nhưng chưa thấy bên nào sai lầm, núng thế. Bốn xe đã bị loại khỏi vòng chiến và quân của hai bên hao hụt khá nhiều. Điểm lại: Bên ông Khoát còn cặp pháo, con ngựa. Chà cặp ngựa, con pháo. Sĩ, tượng hai bên đều khuyết. Tốt mỗi bên còn đúng hai con và đã qua sông…  Cuộc cờ căng thẳng đến nỗi rượu rót tiếp đã lâu, chưa ai buồn động môi. Thế trận đưa đẩy đến trớ trêu, kẻ giỏi pháo lại nhiều ngựa, người giỏi ngựa lại nhiều pháo… Chợt ngựa của Chà giật lùi về chiếu. Tướng trắng chuồi khỏi tay ông Khoát, tạt trái. Vừa tầm ngựa đen phải thối chiếu. Tướng Khoát lui xuống nấc nữa. Quân  tốt đen  cùng đường như đợi đó tự khi nào lách vào, con pháo thụt trắng ngáng bên làm tướng của ông Khoát bỗng khựng đứng…!

            Ông Khoát bàng hoàng như không tin ở tay mình. Mà không tin thật! Già đời cờ như ông, lại tạt tướng như người “chưa sạch nước cản” thế ư? “Tôi đã chuẩn bị thế này từ khi mã còn nằm ở chân tượng của anh kìa. Tên đầy đủ của nó là “hồi mã thương liên hoàn!”. Chà vừa trả lời vừa gom cờ cho vào cái âu mây và với tay nâng cao lên ly rượu: “Nhưng chuyện nhỏ. Nào mời tất cả cùng nâng ly, mừng năm mới mới là chuyện lớn!”.

            Khi khách đi rồi, ông Khoát bỏ cả ăn trưa, ngồi trầm ngâm uống luôn phần rượu còn lại của chai Hennessy. Thắng thua không thành vấn đề lắm vì khu đất vườn đã quyết bán, lại được giá. Nhưng còn danh dự của mình? Ngày xưa nhắm mắt cũng thắng Chà, sao giờ mở mắt lại thua? Mà thua đúng vào con chốt vứt đi vì đã cùng đường! Ông Khoát đổ bộ cờ ra bàn và sắp lại thế mình vừa thua. Cuộc cờ giờ rõ mồn một! Chỉ cần ông lắc phải tướng, thế trận sẽ “vững như  bàn thạch”. Vậy mà nó lại tạt vào vòng vây đối phương và bị giết bởi con tốt mạt hạng! Cái con tướng này đã làm trò quái quĩ gì dưới tay mình? Ông Khoát cầm lên và bỗng nhớ ra rằng nó là từ sừng trâu đen, chứ không phải trâu trắng. “À, thì ra mày… !”, trong cơn giận bùng lên bất thần, ông Khoát búng mạnh nó qua cửa. Trên đầu hai mẹ con vợ ông đang kiểm mấy cọc tiền trăm triệu, con cờ sừng trâu đen làm thành một vệt ra sông như sao sa trong ánh chiều.

            Khuya đó ông Khoát nằm mơ, chợt thấy lại đôi trâu trắng mến yêu thời tuổi nhỏ của mình. Thời mông ông nhẵn lông lưng nó. Chúng đang kéo cày trên khu đất cũ sát biển của ông. Người cầm cày chốc chốc hò trâu lại, tìm kiếm thứ gì. Tưởng cha mình, Khoát chạy lại. Hoá ra là Chà. Anh ta vừa lôi từ đường cày lên cái túi xách mục có những tia ánh ra vàng choé.

            “… Đúng là vàng!”, ông Khoát tỉnh giấc vừa kịp nghe câu nói thốt ra từ giấc mơ của mình.

                                                                                                      L.N.N

 

 

 

 

 

_________

(*)Vâng, vâng… Phải thế chứ!

(**)Mức, bậc.

 

Lê Nguyên Ngữ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 184 tháng 01/2010

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground