Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Viên kim cương biển

T

án gẫu đúng là vô bổ. Những ông bố, bà mẹ thường đe con đang ít tuổi:

- Chỉ có mất thì giờ với những chuyện ba lăng nhăng. Họ nói cũng có lý nhưng kể ra không phải là tất cả. Tôi đã gặp một buổi tán gẫu thú vị ở những người đã lớn tuổi.

- Tán gẫu thường là không có chủ đề tập trung. Anh nói chuyện này người nói chuyện kia, cốt để cho vui khi rảnh rỗi. Cũng có lúc hăng lên, nhất là khi có chút mồi, chút rượu, thậm chí có lúc choảng nhau vì một ý kiến bất đồng. Rượu vào, lời ra, hình như lúc ấy mọi sự thật được phơi bày. “Trà tam” thì không nói nữa, là tâm tình, là thanh nhã, sâu lắng, “rượu tứ” thì dễ sinh chuyện, mà chắc cũng là để can nhau nếu có ai nổi cơn thịnh nộ, cho nên ít có người uống rượu một mình, vì biết “lời ra” với ai! (Trừ nhà văn, nhà thơ – xin lỗi nếu không chính xác!)

- Vùng tôi là một vùng sâu, xa giới tuyến. Thời chống Pháp thì thanh niên đi bộ đội nhiều, và tham gia du kích dân quân. Nhưng sau đến thời Mỹ - ngụy do chúng bắt lính, nên có nhiều ngụy binh, bởi vì cũng khó cho lớp thanh niên, không phải ai cũng đã hiểu được cách mạng, hay thoát khỏi vùng kìm kẹp của chúng. Hơn nữa, cha anh họ phần lớn đã đi tập kết, và ngọn lửa cách mạng chưa phải đã giữ nguyên mạnh mẽ được.

Chính vì thế mà sau giải phóng thống nhất đất nước, lớp ngụy binh đông đảo ấy đã trở về làng làm ăn sinh sống. Họ thành những người công dân bình thường vì họ cũng là những nông dân từ trước. Họ lại gắn chặt với ruộng đồng, cưới xin, giỗ chạp cùng bà con, làng xóm, bạn bè. Có dịp thưa việc đồng áng, cũng bù khú chén chú, chén anh – con người mà! Còn một số có chút chức quyền, sĩ quan thì đã tách sang Mỹ với cái mác H.O. Số đông ra đi cũng là bất đắc dĩ, nhưng những năm sau này, họ cũng trở về thăm viếng quê cũ, kể cả giúp đỡ bà con dòng họ khó khăn. Không quên gốc là quý rồi. Cho nên cũng không đáng kể một số ít bất mãn, hám tiền, nên từng tìm lối vượt đất, vượt biển!

- Nước thủy lợi tràn trề. Cỏ ruộng đã dọn sạch, “lúa con gái” chỉ có đợi “phất cờ” mà lên. Đấy là lúc nông nhàn. Ới nhau một tiếng là đã đủ mặt ba bốn đứa rồi! Hợp cảnh, hợp tình, kể cả hợp tuổi, nghĩa là suýt soát trang lứa với nhau, lại có khi họ hàng nữa, cho nên chúng gặp nhau là hợp lý. Đứa năm, mười đồng góp gió thành bão là đã có vài đĩa lòng lợn, vài xị rượu. Có phải lúc nào cũng gặp giỗ chạp để nhậu nhẹt được. Mà giỗ chạp ngồi với các cụ lớp bề trên thì cũng khó mà múa mép khua môi thoải mái!

- Thế là tôi đã gặp bốn đứa bọn chúng. Cũng phải xin lỗi trước, không phải gọi “bọn chúng” là khinh bỉ, miệt thị đâu, nhưng vì lớp chúng là hàng con, hàng cháu cả, có đứa gọi tôi bằng bác, bằng ông.

- Chúng mày say sưa thoải mái nhỉ!

- Dạ thưa bác chẳng qua là chưa đến lúc “cấp tập” gặt lúa, nên anh em gặp nhau tán láo thôi ạ!

Bác có nói sao đâu! Cứ tự nhiên, bác ngồi nghe bọn cháu nói chuyện được không?

Mấy đứa cháu toàn lính ngụy Sài Gòn, lại có thêm bác “Việt cộng cụ” thì bọn cháu sướng lắm, mà được bảo đảm nữa!

- Chúng cháu không làm việc gì sai trái, việc gì phải bảo đảm!

- Rứa thì bác làm với chúng cháu một chén cho vui!

- Ừ! Một chén thôi – bác ít uống lắm!

- Vậy là bác xoàng quá, sao cháu gặp nhiều bố Việt cộng như bác uống “hết lịch” luôn!

- Ừ cũng có người uống được. Món này thì bác thua bọn cháu rồi.

Cuộc mở đầu như thế. Cũng là bình thường trong thời buổi hòa bình này. Đất nước mấy chục năm nay chỉ còn lo việc xây dựng, từ nông thôn đến thành thị. Nhà cửa khang trang dần, xe đạp ít đi, nhà nào cũng đã có xe máy, ít thì một, nhiều thì hai, ba do đường sá đã được trải nhựa hoặc đổ bê tông mà người ta gọi là “bê tông hóa”. Nhiều từ là lạ như thế, nào là “ngói hóa”, “sắt thép hóa” v.v… Thật khó cho các nhà làm sách văn phạm sau này!

- Bác kể cho bọn cháu nghe về thời bác đi bộ đội và đánh giặc đi!

- Thì các cháu cũng đã biết cả rồi đó. Có Điện Biên Phủ 54, Pháp phải cút khỏi nước ta, đến 30 – 4 – 1975 thì Mỹ cũng cút nốt!

- Cả bọn cháu cũng nhào luôn, có đúng không?

- Bọn cháu cũng giỏi thời sự nhỉ. Các bác, các chú đi bộ đội thì gian khổ lắm! Có đứa nào lên Trường Sơn chưa? Đi bộ hay trực thăng?

- Bọn cháu có mấy khi đi bộ, ít lắm. Có đi thì đôi ba đoạn thôi, khi đi lùng càn các bác đấy mà! Còn thường thì chúng cho lên trực thăng, rồi ném xuống đâu đó. Tất nhiên bọn cháu cũng có tí chút suối đèo như là để nếm cho vui. Bọn Mỹ thì hầu như không thế. Qua một con suối nhỏ vừa mình lội được mà chúng cũng gọi trực thăng chở qua. Ở Cồn Tiên bọn chúng giờ giấc lắm. Mấy giờ thì ăn sáng, rồi đúng đến chín giờ, tất cả chúng đều trần như nhộng, tô hô trên đồi, có máy bay đến phun nước cho tắm như tắm mưa. Áo quần trực thăng mang về giặt, rồi lại bay ra thả xuống cho chúng. Có nhiều người mình giặt thuê cho Mỹ, còn vớ được cả đôla, đồng hồ trong quần áo của chúng nữa. Cho nên Việt cộng xơi cho chúng mấy lần vào những dịp tắm ấy. Khoa học cho lắm vào!!!.

- Thế bọn cháu thấy Mỹ chết có thích không?

- Nói thực với bác, bọn cháu tuy đi với Mỹ, nhưng thấy chúng bị Việt cộng nện cho, chúng cháu cũng thích chứ, và chỉ nói riêng với nhau thôi, nhất là những khi bọn cháu nghe lén đài Hà Nội hay đài BBC, thấy cả máy bay B52 chúng rụng như sung, mấy đứa thân nhau cứ bảo thầm là chúng sắp toi rồi! Thế mà hóa ra thật. Đấy bác xem, cả bọn cháu, cả cái ổ Việt Nam cộng hòa của ông Thiệu tan tành, lính tráng bọn cháu có đứa nào rõ một giọt nước mắt đâu! Thật thì cũng hơi tiếc là mất lương và không ai nuôi nữa!!! Nhưng rồi bọn cháu cũng thấy hóa ra bây giờ mình thoải mái hơn. Mình cày, mình cuốc, mình ăn cơm mình, bên vợ, bên con, cha mẹ, bà con, làng xóm. Độ đầu hơi vất vả chút ít, bây giờ thì không lo gì nữa! Rỗi rãi, thừa chút thì giờ thì dăm ba chén, ôn chuyện cũ cho vui vậy!

- Bác hỏi thật, các cháu đi lính với Diệm, Thiệu, với Mỹ, vậy có tin bọn cháu sẽ thắng Việt cộng không?

- Nói thiệt với bác, ban đầu cũng có tin, nhưng ngày càng không tin nữa!

- Ví dụ?

- Đầu tiên, họ cho Việt cộng là giặc, là ăn cướp, đói khát nên làm càn, và họ đã dẹp hết rồi. Nhưng càng ngày cái kim trong túi cũng thòi ra. Bảo bảy anh Việt cộng đu một tàu lá đu đủ mà không gãy. Đấy là lúc bọn cháu bắt đầu nghi ngờ, nên càng ngày càng tăng sự nghi ngờ thêm. Khoảng gần cuối cuộc chiến tranh, chúng đưa tin ông Đại tướng Võ Nguyên Giáp chết rồi nên Việt cộng sắp tan rã. Anh em  tuy không hề gặp hay biết nhiều về ông Đại tướng ấy, nhưng rất phục và thương người tài ba. Hóa ra chúng bịa chuyện như thế, nên càng thấy bọn chúng là đồ đểu, đồ xỏ lá… Trong khi đó, ông tướng vẫn nguyên vẹn và nện cho chúng tơi bời, phải cút, phải đầu hàng! Nghĩ cho cùng bọn ấy ngu thiệt. Mãi lâu sau giải phóng, nghe kể lại hồi ấy, khi có tin đài Sài Gòn bảo ông chết, mấy ông tham mưu đề nghị ông tướng phát biểu trên đài Hà Nội, không cần cải chính gì hết, nhưng để tỏ ra ông vẫn nguyên vẹn, không mất một sợi lông chân. Nhưng ông cười bảo “cứ để cho chúng bảo mình chết, mình vào miềm Nam, ra miền Bắc càng dễ chứ sao!” Thật là cao kiến!.

- Trong khi đó, Mỹ thì thay hết tướng này đến tướng khác, đến cả Tổng thống, còn tướng Sài Gòn thì đấm đá chửi bới nhau lật lên lật xuống y như canh hẹ!!! Thua là đúng thôi, và thật cũng không biết xấu hổ là gì!...

- Thế khi còn đi lính Sài Gòn bọn cháu có sợ Việt cộng không? Bây giờ thì bọn cháu nói thoải mái, không ai bắt bớ gì đâu.

- Thú thật với bác, ban đầu cũng không sợ mấy là vì tin quân đội ông Diệm, ông Thiệu là mạnh, lại có Mỹ mạnh, Mỹ giàu bên cạnh, nhưng rồi đi đánh mới càng thấy Việt cộng càng ngày càng mạnh hơn thật, dù họ kham khổ hơn mà biết chịu đựng hơn. Không, cái chính là họ có mục đích, lý tưởng rõ ràng. Còn bọn cháu kể cả lính Mỹ cũng chả biết đánh ai, và đánh để làm gì. Chả giấu gì bác, bọn cháu đi lính – một là bị bắt đi, hai là có lưưng tiền xài phí, đĩ điếm tha hồ, mà nghe nói bên Việt cộng thứ ấy là cấm kỵ. Họ nghiêm lắm. Thế cũng phải, chứ không thì hư cả người!

- Thế bọn cháu có cho rằng Mỹ cũng sợ Việt cộng?

- Ban đầu, chúng mới sang thì chúng đâu có sợ. Chúng cho rằng sang đây như là đi dạo mát thôi, nên chúng khinh tất cả người mình nữa. Chúng gọi dân mình là “gúc”. Chúng cháu chả hiểu “gúc” là gì, tra từ điển tiếng Anh cũng không có từ ấy. Sau dần mới biết đấy là tiếng lóng của Mỹ, “gúc” có nghĩa là không phải con người, là quỷ quái gì, chỉ là một vật đáng khinh, đáng tiêu diệt. Dần dà bọn cháu cũng tức chứ! Thế là chúng chửi mình, cha mẹ mình, tổ tiên ông bà mình. Chúng cậy chúng có nhiều đô la, nhiều súng mà! Càng ngày càng thấy nhục cho giống nòi mình, nhưng xét cho cùng nhục nhất là không dám nện lại chúng hay không dám vứt súng mà đi với cách mạng. Bây giờ, có hối hận thì bác cười cho với cái chuyện đã qua rồi!

- Như tôi đã nói, ban đầu chúng coi thường các bác, nhưng sau chúng lại khiếp sợ. Chuyện là thế này… Nghe đâu – mà đấy là chuyện lính Mỹ nói với nhau rằng trong cái trận đầu tiên ở Núi Thành, núi thiếc gì đó mà các bác có cái khẩu hiệu “nắm chặt thắt lưng Mỹ mà đánh” các bác chỉ dùng toàn dao găm không thôi, xông vô bất ngờ áp sát chúng và mổ tim từng thằng vứt ra ngoài tất cả. Ấy là chúng kháo nhau, chẳng biết có thật như thế không, bọn cháu cũng chả hay mà không nghe đài, báo của chúng nói gì cả. Chắc là nói ra sợ lính khiếp mà không dám đánh nhau với Việt cộng nữa. Có thật như thế không, chắc các bác biết rõ hơn bọn cháu.

- Bác cũng không nghe chuyện ấy, mặc dù trong chiến tranh có thể xảy ra đủ thứ, nhất là phía bác, làm sao càng diệt được nhiều địch càng tốt nếu không thì nó lại diệt mình. Nhưng các cháu nhớ một điều là các bác, tức như bọn cháu gọi Việt cộng không đến nổi ác thế đâu. Mà nếu có chăng cũng là để cho chúng không dám ở trên đất này nữa mà thôi!

- Hẳn bọn cháu đã nghe, thấy hoặc được uống rượu ngâm tai Việt cộng chưa? Bây giờ bọn cháu cứ vào ngay các bảo tàng tội ác chiến tranh của Mỹ - ngụy sẽ thấy rõ những cái tai xâu thành chuỗi trưng bày ở đó. Bọn giết người gọi là “vật kỷ niệm”! Tệ hại hơn nữa là do những tên tay sai người Việt làm cái việc thất đức ấy cho Mỹ, nên nhân dân gọi chúng là lũ ác ôn! Không ngoa chút nào!

- Thưa bác, chúng cháu học lịch sử Việt Nam, nhớ trong bài Bình Ngô Đại Cáo của Nguyễn Trãi có câu “chặt hết trúc Nam sơn, không đủ ghi tội ác”. Đúng thế thật! (ngày xưa người ta viết chữ lên thẻ tre).

- Cháu cũng thuộc lịch sử đó, nhưng tiếc là bọn cháu lại không ở phía Lê Lợi, Nguyễn Trãi mà ở phía quân Minh – ý bác nói bây giờ là quân Mỹ - ngụy.

- Bác nói đúng nhưng do hoàn cảnh lúc ấy…

- Ừ, bây giờ bọn cháu thấy rõ thế là tốt. Con người đôi khi bị người khác lợi dụng mà mình không thấy ra. Lịch sử đã đi qua rồi, nhắc lại để thấy lúc đó bọn chính quyền ngụy phải mượn những hình ảnh anh hùng dân tộc cha ông mà bịp, mà giáo dục bọn cháu chứ! Thôi không kể chuyện ấy nữa, bảo rồi bọn cháu cứ cho rằng bác nhắc mà phê bình lên án bọn cháu!

- Vậy đến bây giờ bọn cháu có gì thắc mắc nữa không, nếu bác hiểu, bác sẽ trả lời cho bọn cháu. Bác đã lớn tuổi, có từng trải, biết được gì, rõ được gì, sẽ làm cho bọn cháu vui lòng, mà ngược lại, các cháu có thể bày cho bác!

- Chúng cháu chả dám!

- Không, thật đấy! Có sao đâu, cứ xem như đây là một cuộc gặp vui gia đình cũng được.

- Bác đã cho phép, chúng cháu xin hỏi bác một câu.

- Ừ thì cứ nói!

- Thưa bác, ở trong này, nghĩa là phía ông Diệm, ông Thiệu cứ cho rằng bên Việt cộng có vẻ thiếu lịch sự, khi nào cũng gọi thằng Mỹ, thằng Diệm, thằng Thiệu,… Họ cũng là người lớn cả sao lại gọi thế?

- Tưởng gì, thế thì bác có thể trả lời ngay cho bọn cháu. Bác hỏi nếu có một thằng ăn cướp, ăn trộm đến trộm cướp nhà cháu, cháu gọi nó bằng gì, chả nhẽ cháu kể với mọi người đêm qua có một “ông ăn trộm” hay một “ông ăn cướp” đến nhà cháu! Tất nhiên bọn cháu sẽ gọi là thằng ăn trộm, thằng ăn cướp. Vậy bọn Mỹ và bọn tay sai của chúng không đáng gọi bằng thằng hay sao? Thật không đáng là thằng nữa kìa. Các cháu thấy thế nào? Được chứ?

- Hoan hô bác, bác đúng là nhà ngoại giao rồi. Mình ngu thiệt, cứ quen mồm gọi mà không bao giờ chịu suy nghĩ cho sâu xa hơn. Đúng là bọn cháu có lỗi, nếu không nói là có tội!

- Nhận ra được thế còn gì hơn!

Thấy cái đĩa đặt giữa chiếu đã là đĩa không, và cái be rượu cũng đã lăn lông lốc một bên, tôi bỗng nghĩ vui về cái không khí cuộc gặp, và rút ví đưa cho đứa ngồi gần tờ bạc một trăm nghìn màu xanh.

- Này bọn cháu tiếp tục đi.

- Đứa này nhìn đứa kia, lấp láy đôi mắt một lát rồi không e dè.

- Bác đã cho thì xin bác cụng chén, mấy khi bác cháu gặp nhau.

Hóa ra rượu cũng có mặt tốt của nó. Thêm một chai rượu và vài thức nhắm mà tôi đưa thêm tiền cho bọn cháu cuộc nói chuyện hay có thể gọi là cuộc trao đổi giữa những người làng cũng vui vẻ sôi nổi hơn, dù chúng là con cháu.

Tôi cũng thêm một chén nữa cho chúng vừa lòng, và cảm thấy mình chân thật hơn, bao gồm cả sự khoan dung nữa, chứ mấy khi tôi dùng quá hai chén. Và tự nhiên, thấy gần gũi với lớp trẻ trung này. Khổ nỗi, đôi khi về làng gặp một vài đứa cháu “chào ông, chào bác” mà mình cũng chẳng biết chúng là ai. Lại hỏi đến bố mẹ, chúng trả lời con “ông này, ông kia” hóa ra mình mù tịt, thậm chí phải hỏi lên tận ông bà nội ngoại mới lần ra “à thế, cháu là con ông ấy, họ hàng nhà ông đấy!” Cuộc kháng chiến chúng ta quá dài, chẳng phải lỗi gì của mình, của ai cả. Một khoảng cách hai, ba thế hệ thật khó chung mối đồng cảm, nhưng may có cái tình làng quê nó nối lại. Rồi bỗng thương những người xa quê cũ không còn biết người thân thích, dòng họ nữa. Có lẽ cái mối riềng ấy làm cho dân tộc ta mãi gắn bó với nhau để đuổi thẳng giặc nghìn năm, trăm năm và mấy chục năm đô hộ, chia cắt chúng ta đã qua trong lịch sử.

Thật tình trong thâm tâm, có lúc nghĩ những đứa cháu lính ngụy này có còn mang mặc cảm gì với cha ông đã dám hy sinh xương máu để có được hôm nay yên ổn và hòa bình không. Có thể lắm chứ, chúng đã từng sống trong cái lồng sắt thép với đầy đủ vật chất mà những chính quyền Mỹ - ngụy ban phát cho.

Nhưng cũng mừng hình như cái ranh giới “chia cắt” đã được liền da liền thịt trên nét mặt của chúng trong cái làng quê quen thuộc với lũy tre, ruộng vườn xanh tốt mát mẻ.

Bất chợt, tôi nghĩ là phải biết thêm về những cách đánh giá của phía đối thủ trên sách báo trong và ngoài nước mà tôi đã được đọc, được nghe, không nói ra, nhưng tôi muốn cái diễn đàn tự do này có khác gì với những nếp nghĩ mà tôi đã quen…

*  *  *

Những chén rượu mới lại được đưa lên môi, tôi nói:

- Mỗi lần uống, bác thấy lớp trẻ bọn cháu cứ “dô…dô…” sao hôm nay không thấy “dô… dô…”.

- Đúng là bác quê thật. Uống bia, người ta mới “dô… dô…” chứ rượu thì ai làm thế, chỉ cụng thôi…

- Ừ, thế thì bác quê thật. Phía bên bác, ít người sành điệu như thế!

Một thằng cháu ngồi đối diện tôi, bỗng xoay thế, đặt chén rượu xuống, một tay chống lên chiếu, nói ngay như sợ những đứa khác cướp lời:

- Nay nhân bác uống rượu vui với bọn cháu, cháu hỏi bác đã bao giờ thấy kim cương chưa?

Tự nhiên tôi có cảm giác sửng sốt “hắn muốn lục vấn tôi cái gì đây!”. Bảo chưa thì rõ ràng là mình quê, là lạc hậu, mà bảo rồi thì mình có biết viên kim cương hay cục kim cương xanh đỏ tím vàng ra sao, tròn hay méo mà nói, biết đâu thằng cháu lại chẳng bẫy gì mình đây! Tôi thật thà “nghe thì có, chứ chưa thấy bao giờ!”

Thế mà cháu thấy rồi đấy, sờ mó tận tay nữa, nhưng không phải của cháu mà chính là của phía các bác.

- Ủa, sao cháu lại nói vậy! Chỉ có những nhà giàu và thật giàu, thật sang mới sắm nổi kim cương chứ! Như cháu thì có thể thấy hoặc sờ mó như cháu nói, chứ bác và phía bên bác thì lấy đâu ra cái quý hiếm ấy. Nghe nói nó còn đắt gấp bao nhiêu cả vàng nữa. Phải là triệu phú, tỉ phú, người  ta mới nói chuyện kim cương hay buôn bán nó.

- Được rồi, thế thì cứ kể cho bác nghe!

Đứa ngồi cạnh thằng ngồi khoe chuyện, giằng vớ lấy chén rượu trước mặt nó, nói lên:

- Bác ơi, bác đừng tin thằng ấy, hắn bịp bác đấy. Nó thì sức mấy mà kim với cương, cái kim khâu còn chưa có, và nếu có thì là kim cương giả thôi, đồ nhựa ấy…

- Mày dám hỗn với bác, mày bảo tao xạo à! Nếu tao nói đúng, mà bác công nhận, mày mất gì với tao nào?

- Mất hai cái đá, cùng lắm tao cho mày xị rượu được chưa? Mừng quá rồi nhé. Liệu hồn, nhưng xong phải do bác kiểm chứng đã!

Nói lui, nói tới mấy câu nữa rồi nó mới hắng giọng:

- Năm 72 sau khi chúng chiếm lại thị xã Quảng Trị hoang tàn, chúng bắt đầu lại tủa ra một số nơi. Hôm ấy trực thăng ném bọn cháu xuống một rìa làng biển. Chúng cháu là biệt kích mà! Bọn cháu biết là Việt cộng chúa ghét biệt kích, ghét hơn cả lính ngụy và Mỹ nữa – bọn cháu nghĩ thế, vì biệt kích săm soi, lùng sục hơn cả lính, nên biệt kích tuy thường được nuông chiều nhưng cả lính (tất nhiên là lính ngụy) cũng ghét, cùng một duộc cả, nhưng có lúc chúng bảo “bọn chó săn chúng mày”

Tưởng trong làng có bộ đội háa ra họ đã rút đi hết. Thằng chỉ huy chửa đổng. “Ba cái thằng thám báo như con c…, toàn báo cáo láo, chẳng có một bóng ma bộ đội nào cả?” Nhưng rồi hắn cứ hô “lùng tiếp đi, biết đâu đấy”

Chúng cháu cứ băng bừa qua các vườn, không xộc vào nhà nữa. Nhưng trong một vài mái tranh vẫn loáng thoáng ít đàn bà, con gái, quần áo nâu sòng rách rưới. Chúng cháu đoán chắc họ không đến nổi tiều tụy đến thế, nhưng thường khi thấy lính quốc gia hay lính Mỹ, họ đổi dạng ra vẻ nghèo khổ, xấu xí. Mà cũng có thể là thật, vì những vùng bị bom đạn hoặc đốt phá nhiều lần thì làm sao đời sống có thể ổn định mà làm ăn cho khấm khá lên được. Vườn ở miệt biển này, gọi là vườn, nhưng kỳ thực bao quanh bởi vài bụi xương rồng cao với dứa dại. Xương rồng – thứ cây có sức chịu đựng mạnh để mọc trên cát. Mùa mưa thì cát ẩm, đi lại, dấu chân, dấu dép in rõ mồn một, còn mùa hè thì đi chân đất, lún lõm xuống như có ai bới lên một rãnh nhỏ, nhưng đặc biệt nóng như bỏng lửa. Thế mà dân miền biển quen đến mức đi lại bình thường, hình như lòng bàn chân và da dẻ họ đã quá quen với sức nóng đến nổi thả hạt ngô xuống có thể nổ bung.

Bọn cháu mồ hôi, mồ kê ướt đẫm hết quần áo. Dưới cằm mồ hôi cứ nhỏ giọt như đầu vòi nước không khóa kỹ. Đứa này đứa khác, áo quần bốc hơi ngùn ngụt dưới nắng gắt, mùi thum thủm chua loét, súng lăm lăm trong tay như chực nổ. Nhìn cát lóa cả mắt, từng vòng tròn chói chang màu cầu vồng cứ lấp láy, thêm mồ hôi từ trán đổ xuống mà lông mày lông mi không ngăn nổi, làm mắt cay xè. Quệt ống tay áo vào, mắt cứ rậm như là bị xát muối. Lùng sục trong câm lặng, chỉ có khẩu súng kêu lách cách khi chui qua những bụi cây to nhỏ, thấp cao. Có đưa xuýt xoa với gai xương rồng đâm gãy vào người, vào tay đau điếng. Nhổ vứt đi, có khi phần nhọn vẫn nằm trong thịt. Về nhà chắc phải dùng kim, dùng nhíp mà nhổ ra, khều ra. “đến khổ” chui hết xó này đến xó khác, mắt cứ hoa đom đóm lên! Nhưng bỗng một tiếng reo lên “ Việt cộng; Việt cộng đây rồi” Tất cả đều ào đến nơi có tiếng reo. Trước mắt là một người trạc tuổi dưới ba mươi đang ngồi xổm đầu tóc bù xù, lưng trần, chỉ có một chiếc quần cộc. Toàn người như được bọc bằng một lớp cát mịn ướt, chả là người ta đẫm mồ hôi.

- Mày là bộ đội, hay dân quân du kích? Thằng thiếu úy chỉ huy bọn cháu hỏi. Có điều lạ khác những lần khác, nó hỏi tuy thô lỗ nhưng cũng nhẹ ngàng, không quát tháo gì. Có lẽ thấy anh ta không có vũ khí, nên tỏ thái độ như thế, để rồi dụ dỗ điều gì chăng!

- Chẳng bộ đội, dân quân gì hết. Tui là dân biển, chỉ biết tôm với cá thôi!

- Có súng, lựu đạn mày không đánh lại chúng tao sao? Trong bộ hiền lành nhưng cũng biết giả vờ đấy chứ!

- Giả gì, có đánh là đánh… ngoài biển kia kìa… Anh hất đầu lên mắt hướng  ra biển thay tay đã bị trói quặt lùi phía sau lưng.

- Mày không khai báo gì cho chúng tao hả, mày có sợ chết không?

- Có chi mà sợ, ra biển sóng gió bão bùng còn không sợ, huống chi… Hình như anh muốn nói thêm… “bọn mày”… Ở biển thì chết với biển giọng anh khô khốc, như không nghĩ rằng việc gì sẽ xảy ra. Thằng thiếu úy đi đi, lại lại trước mặt anh ta, tỏ vẻ bình tĩnh, lại rút thuốc lá ra hút. Mùi thuốc Ru - bi khét lẹt phả ra. Những thằng lính đứng xung quanh vẫn súng trong tay lẳng lặng chờ chỉ huy quyết đoán. Bỗng nó quay lại:

- Ừ, dân biển tao cho chết ngoài biển. Nó hất đầu xem như ra lệnh cho một tên lính đứng gần ra mấy cái thuyền nằm phơi trên bãi, cái nào có máy có dầu, lấy một chiếc. Thằng lính theo lệnh chạy ra phía bãi. Có mấy chiếc thuyền nằm phơi mình ở đó. Hắn chạy từ chiếc này sang chiếc khác và vụt nhảy đến lên đuôi một chiếc, chụm tay lại hô vọng vào “thuyền này có đủ dầu mỡ, thưa thiếu úy…”. Tiếng vọng hòa vào trong tiếng sóng oàm oạp đập đều đều vào bờ cát, thế mà tất cả cũng nghe rõ!

- Dẫn thằng này lên thuyền!

Những tên lính kéo anh dân biển đứng lên và dẫn đến chiếc thuyền nơi có thằng vừa gọi.

- Cho ra khơi…

Anh dân biển bị xô vào ngồi giữa lòng thuyền. Chúng cháu ngồi ở bốn xung quanh. Thằng vừa cất tiếng gọi ở phía lái, một đứa kéo dây cho nổ máy. Qua mấy cái giật mạnh, máy xình xịch rồi rồ lên nổ đều. Thằng lái quay cái cần, chiếc thuyền lao đè lên sóng. Chúng cháu rời xa chân bãi, từng quầng sóng trắng xóa cứ nối nhau tỏa vào bờ như không hề biết công việc của chúng cháu. Biển vắng lặng, chắc mọi người dân đã tránh càn không một bóng người. Chỉ có chiếc thuyền của chúng cháu cướp được cùng với anh dân biển bị bắt. Trời xanh cao, mặt trời hơi nghiêng về phía Tây – phía núi.

- Mở trói cho nó!

Chúng cháu làm theo, hơi có vẻ ngần ngừ.

- Cho hắn tự do, để chết tự do, chúng mày ngồi xung quanh, bốn thằng bốn góc. Rồi thằng chỉ huy bắt đầu lên giọng.

- Đấy tao cho mày tự do, và cũng cho “tự do” trả lời tao!

- Hắn đứng hai chân dạng ra, lấy thăng bằng giữa lòng thuyền, khẩu súng ngắn lăm lăm trên tay, mũi đầu ruồi chĩa vào người dân biển.

- Nói đi. Mày không thoát khỏi năm họng súng này đâu, nếu mày muốn câm họng và mấy khẩu cực nhanh kia còn nhanh hơn cả mầy đấy, nếu mày muốn làm gì, nghe chưa?

- Hắn dằn mạnh hai tiếng “nghe chưa” cùng một lúc với một chân giày nện xuống lòng thuyền.

Mặt biển ở ngoài khơi lặng sóng hơn ở trong bờ, nhưng càng về chiều gió cứ dần mạnh lên cho nên chiếc thuyền cũng phải lắc lư theo. Thằng thiếu úy cảm thấy đứng không vững, nên ngồi xuống mép mạn, gần một thằng lính cũng đã ngồi xuống. Tất cả cùng ngồi xuống, súng không rời tay. Nhưng có lúc thuyền lắc lư mạnh hơn một tay chúng cầm súng, nhưng một tay phải bám mạn thuyền.

Anh dân biển ngồi thu lu ở giữa lòng thuyền, tay đã được cởi trói nên cũng cảm thấy thoải mái hơn, dù xung quanh đen ngòm những họng súng. Vẫn thằng chỉ huy hỏi tiếp:

- Mày ở đâu đến hay dân ở đây? Những câu hỏi được trả lời ngay, nhát gừng.

- Dân đây!

- Thế  tên màylà gì?

- Biết dân biển là được rồi, tên chi cũng được!

- Thằng này láo!

Chừng như hắn muốn nổi nóng, nhưng một cái lắc của thuyền làm hắn phải bám vào mạn, nên anh dân biển khỏi phải một cái tát hay một cú đấm gì đó!

Thuyền bây giờ đã được tắt máy. Thằng ngồi ở lái đã ở khơi xa, nên không cho chạy nữa. Con thuyền cứ vật vờ, chao đảo như không khí tra vấn có vẻ nặng nề lặng lẽ. Anh dân biển chắc là đang nung nấu những ý nghĩ riêng. Thằng thiếu úy thì hình như cũng muốn bớt căng thẳng, nên đút súng vào cái túi da ở thắt lưng. Hắn lại lôi thuốc lá ra hút. Bật lửa mấy lần đều tắt.

- Mẹ kiếp cái dip – pô này. Rồi một tay che gió, tay cầm chiếc bật lửa, hắn bật liền mấy lần nữa thì châm được điếu thuốc cắm trên môi.

Nhưng chuyện gì đã xảy ra…

Chính là lúc tên chỉ huy mồm ngậm thuốc và hai tay bụm lại để lấy lửa, hắn đã quên chính cái phút quan trọng của anh dân biển cần. Bóng người mình trần, quần cụt, như một mũi tên, hay như một viên đạn phóng vụt lên thằng chỉ huy, đẩy hắn xuống biển. Chiếc thuyền chao đảo, lúng liếng mạnh. Chiếc mũ trên đầu thằng thiếu úy đã bật văng ra. Anh dân biển như đã định trước, nắm lấy đầu hắn dìm xuống nước. Mấy thằng lính trên thuyền bấm cò loạn xạ. Nhưng có đứa đã hét lên:

- Đừng bắn! Đừng bắn, trúng thiếu úy bây giờ!

Thằng nào thằng nấy hoảng loạn, muốn đứng lên nhưng nghiêng ngả, loạng choạng súng tuy vẫn trong tay, nhưng một tay vẫn phải níu chặt be thuyền. Lúng túng lại càng thêm lúng túng.

Cuộc vật lộn ở dưới nước càng thêm mãnh liệt, mặc cho chiếc thuyền bên cạnh cứ bập bềnh càng bập bềnh hơn.

Đám cháu lính ngụy Sài Gòn cũ ngồi trên chiếu từ nãy đến giờ cứ ngồi dỏng tai mà nghe như một chuyện lạ. Chẳng đứa nào còn ngó ngàng gì đến những chén rượu chúng đã rót. Tất nhiên tôi cũng nghe, nhưng trong tôi có cái bình tĩnh của người cao tuổi và tôi cũng im lặng như để đợi cái viên kim cương nào đó mà thằng cháu đã giới thiệu từ ban đầu.

- Rồi sao nữa, kể mau đi, kim cương đâu? Của thiếu úy à? Cỡ ấy có thể có của ấy lắm! Nhiều khi bọn vợ sĩ quan làm giàu nhờ chồng đấy bác ạ! Lắm con mẹ đeo vàng ở cổ, ở tay, nhẫn vàng, có cả kim cương thật. Bọn họ cũng áp phe tài lắm!!!

- Thiếu úy dần dà như không đủ sức vùng vẫy dưới cái bàn tay gân guốc của người dân biển ấy. Một bên mình trần trụi, một bên áo quần lụng thụng làm sao linh hoạt bằng, mà tay dân biển cứ nắm tóc, mà đè mãi cái đầu xuống, làm gì mà chẳng nước đầy bụng! Lại là nước mặn kia mới khổ. Tay dân biển cứ trồi lên ngụp xuống y như cá mập chén mồi. Thật khủng khiếp!

Mặt trời cứ tụt dần xuống rặng núi Trường Sơn. Mây đen trùm lên cả cái mảng màu vàng sáng của hoàng hôn. Trời càng nhập nhoạng, mờ dần, mờ dần. Đúng là đêm đã ụp xuống.

Không còn tiếng nước vùng vẫy của hai người kình địch, trong biển đã đổi màu. Con thuyền chao lên chúi xuống và gió như cùng bắt đầu nổi lên.

Tay dân biển bỗng biến mất. Bốn thằng biệt kích chúng tôi trên thuyền bỗng thấy như mình đứng không vững nữa. Con thuyền cứ chao bên này sang bên kia như cái bập bênh nằm dọc. Một thằng hô bừa, vừa ném cái neo xuống lòng biển.

- Bắn đi chúng mày, bắn đi…

- Tiếng hắn hô cũng gãy khúc với sự nghiêng ngả của con thuyền cứ đứt quãng từng dóng một, nhưng tất thảy đều nghe ra. Chính bấy giờ thằng nào cũng lo bám lấy mạn, bởi không chặt thì sẽ rơi tỏm xuống lòng sâu kia. Tưởng là gió sóng lắc con thuyền, hóa ra không phải. Lại là tay dân biển khôn khéo đã bám lấy đầu mũi thuyền. Hay tay bám vào hai mạn và cố lắc cho thuyền nghiêng ngả khiến chúng tôi không đứng được, chứ nói gì đến bấm cò súng. Mà lúc này có bắn được, có thể chúng cháu lại ăn đạn của nhau.

Mặt biển hoàn toàn tối đen, mù mịt. Chúng cháu không còn thấy xác của thiếu úy chỉ huy đâu nữa. Và tất nhiên cũng không thấy bóng dáng tay dân biển kia, sau khi hắn đã đu bám và lắc lư cho thuyền như cơn say sóng, hắn cũng biến mất.

- Chắc hắn cũng toi rồi. Có đứa nói như thế.

Đứa khác cãi:

- Dân biển họ bơi như cá, sức mấy mà chết được!

Chúng cháu nói với nhau, tưởng chỉ là ban ngày, nên không đứa nào mang theo đèn bấm để soi tìm, vài đứa than thở:

- Bám vào thuyền còn chưa vững còn đòi soi với mói. Để chết cả lũ à! Đấy cũng chỉ là một cách nói tiếc nuối vô vọng khi công việc đã hoàn toàn thất bại.

Chúng cháu chả bỏ công tìm kiếm xác viên thiếu úy giữa mênh mông biển khơi, tối om. Một thằng nhảy ngay lên phía lái:

- Nổ máy đi, về thôi, lỡ gặp thêm vài tên Việt cộng nữa thì khốn, tao oải lắm rồi!

Chẳng đứa nào cất lời.

Thế rồi thuyền được phóng vào bờ, may là dầu còn đầy đủ và máy tốt.

- Chúng mình cũng hên đấy! Tội nghiệp cho thiếu úy!

- Tội gì, ngu thì có!

- À, ai ngờ, tưởng súng vây kín thế, cho nên thiếu úy mới ra oai cho cởi trói cho nó, dè đâu tự làm hại mình!

Lên bờ chúng cháu trở lại chỗ tay dân biển bị bắt để gọi điện cho trực thăng đến chở về. Bỗng một thằng dẫm phải một khẩu A.K. Hắn reo to:

- Chắc là súng của thằng dân biển buổi chiều đấy thôi. Hết đạn, hắn chôn súng, thế rồi bị bắt. Thế mà nó thoát, công toi.

Khi về đến đơn vị, chúng cháu báo cáo với trung úy chỉ hủy. Hắn nói ngay.

- Thiếu úy đâu, chuồn về nhà hú hí vợ con hả?

- Dạ không, tử nạn rồi!

- Sao, chết? Nói ngay đi, sao không mang xác về? Chúng mày là một lũ ăn hại! Tao bắn bỏ!

Chúng cháu báo cáo tỉ mỉ sự việc lúc bắt được tay dân biển, cho đến lúc đưa hắn ra giữa khơi!

- Ngu, ngu! Chúng mày toàn là một lũ chó chết! Tóm được một thằng lại để cho hắn làm chết một chỉ huy của mình.

Chúng cháu nộp khẩu A.K. Trung úy bực tức bảo:

- Hắn bảo dân biển mà chúng mày cũng tin, súng nằm gần chỗ nó thì là của nó, chứ của ai! Đấy chúng mày xem tinh thần Việt cộng ra sao. Không súng, hắn vẫn chiến đấu, chiến đấu hăng nữa là khác! Mà lặng lẽ! Dân biển!

Hừ! Kim cương biển thì có!

Hình như ông ta buột miệng thì phải! Mấy thằng chúng cháu cứ tiu nghĩu nhưng cũng rất ngạc nhiên là lần đầu nghe trung úy khen một tay Việt cộng như thế.

Tận những ngày hòa bình hôm nay, cháu cứ nghĩ về lời khen của viên trung úy chỉ huy bọn cháu trước. Đúng là ông ta biết cảm phục. Với bọn cháu thì quá cảm phục đi chứ! Tiếc một điều là anh ta cứ ấm a ấm ớ không chịu nói tên mà chỉ tự xưng là dân biển, sống chết về với biển thôi…

Nhưng chắc anh ta không chết và không bao giờ chết.

Như trên tôi đã nói vui – Một cuộc tán gẫu thú vị! Đúng thế!

Tôi cũng từng đọc rất nhiều báo cáo và thành tích được tặng khen. Nhưng chưa hề tìm thấy một thành tích chiến đấu như anh “dân biển” mà tên lính biệt kích ngụy Sài Gòn cháu ở làng tôi kể lại trong buổi gặp bọn chúng.

Có lẽ anh dân biển nào đó không thấy cái việc mình thoát khỏi tay kẻ thù, dù có dìm chết một tên thiếu úy ngụy cũng là bình thường hay quá nhỏ nhoi so với nhiều người khác! Tất nhiên anh không được nghe hay chẳng cần nghe viên trung úy ngụy kia tán tụng anh là “viên kim cương biển”. Hình như tôi cứ đi tìm anh dân biển vô danh. Và chắc có lẽ không bao giờ tôi tìm được. Và đúng thế, khó mà lặn mò dưới đáy biển sâu kia một viên kim cương – viên kim cương mà kẻ thù đã đặt giá!

Điều mừng là sau buổi gặp mấy thằng cháu “ngụy tặc hồi loạn” tôi bỗng có cảm nghĩ rằng chúng cũng còn có một phần trí tuệ và tình cảm để nhận ra vẻ đẹp anh hùng của một con người bình thường trong hàng ngũ chiến đấu của chúng ta.

 

T.H 

 

Tấn Hoài
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 213 tháng 06/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground