Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 07/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

vọng phu làng cát

M

ạ nói, thằng Văn đi như thế cũng đã được sáu năm rồi, tình nghĩa con dành cho nó mạ thấy không mấy ai bằng, bây chừ có người nào thương yêu thì con cứ nhận lời đi...

Mưa không nói như mạ mà vẫn ngậm ngùi buồn thương, dăng dăng từ cửa sông Linh vào, trắng xóa. Biển, gần thôi, ầm ào sóng dội dưới bầu trời chưa được thắp sáng. Màu trắng của mưa, màu trắng của cát và có lẽ cả màu trắng của những ngọn sóng vỗ bờ nữa đang hòa trộn vào nhau, nao nao trắng, trong nỗi thổn thức của người góa phụ tuổi ba mươi.

Dạ, mạ cứ để từ từ cho con nghĩ, bên con đã có mạ, có thằng Hiếu và cả chồng con nữa...cũng ấm áp lắm rồi. Con chẳng muốn gì hơn, chỉ thương mạ ngày một già yếu thêm, thằng Hiếu mồ côi cha sớm quá. Trà từ tốn trả lời mạ rồi bước đến bàn thờ thắp mấy nén hương cho người đã khuất. Người trong ảnh thờ là một thiếu úy hải quân có  khuôn mặt hiền từ, nở nụ cười nhỏn nhoẻn. Trần Văn. Đôi mắt anh như muốn nói với Trà một điều gì đấy, chân chất và trìu mến như từng đã chân chất và trìu mến với người vợ trẻ của mình.

Sinh cùng năm. Ở cùng xóm. Cả hai, một thằng cu, một con bẹp, khi oe oe đã có cát, có sóng. Làng Cát nhìn ra cát, nhìn ra sóng, mênh mang biển Đông trước mặt. Mùa hè, mới sáng ra cát đã chang chang nắng, bù lại, gió sông gió biển tươi rười rượi thổi lên mát đến chân tóc, làn da; hai đứa cứ thế lớn vổng lớn vồng trong ầu ơ của phóng khoáng nồm nam. Giá như đừng có những trái bom của Mỹ dội xuống đây thì tuổi thơ của Văn và Trà bình yên đẹp đẽ biết bao nhiêu. Sau lễ thôi nôi của Văn và Trà, hai người cha trẻ lên đường nhập ngũ. Chiến tranh đã lan rộng ra miền Bắc, hậu phương cũng mịt mù khói lửa của đạn bom. Người đi, đi biền biệt, không mẩu tin gửi về. Người chờ, chờ thăm thẳm, hoang hoải cả tâm can.

Trẻ con nghe bom đạn ùng oàng thì cũng sợ đấy nhưng lâu dần thành quen và cái sự hồn nhiên ngây thơ chẳng bao giờ mất. Văn và Trà lớn lên bên nhau, tự nhiên gắn bó với nhau bởi những trò con nít nhăng nhít vui vẻ. Sau này, đi học cũng thế, Trà luôn luôn bám theo Văn. Trà sợ ma lắm, mỗi khi đi qua bụi duối đầu làng đều níu chặt áo Văn không rời một phút. Cả hai đứa đều được nghe kể nhiều về chuyện ma ở bụi duối này. Nhiều ma lắm, ma mẹ ru con ời ời, ma nữ ma nam trêu nhau kèn kẹt, ma nít tranh nhau quả duối chín í óe. Một lần, trời chập choạng tối, hai đứa có việc phải đi ngang đó, Trà sợ cuống chân không bước nổi, Văn bảo, để tau trị bọn ma này cho. Nói xong, cu cậu vạch quần đùi, lôi chim ra tè vào bụi duối một trộ dài dài. Trà thèn thẹn, vừa cười vừa phải quay mặt đi chỗ khác. Hai đứa thân thiết đến nỗi, bị bọn trẻ con trong xóm i a hát trêu: Con cò mà trắng như vôi/ Văn Trà hai đứa thành đôi vộng chờ.Vộng chờ nói lái lại là vợ chồng đó.

Trước đó, hồi chưa đi học vỡ lòng, cả hai đã ngọng líu ngọng lô hỏi mạ, ...a...i...ô...âu...ề...ứa...è? Cả hai mạ nén nỗi nhớ, nỗi lo vào trong, trả lời, cha đi đánh Mỹ con nờ. Lại hỏi,...ĩ...à...ai...à...a...ải...ắng? Mỹ là bọn ác như ma như quỷ nên cha phải đi đánh nó, các mạ giải thích. Ứa...i...ô...a...ề? Hai mạ im lặng, quay mặt đi chỗ khác, làm sao biết được khi mô cha về...Phải đến gần mười năm, làng sống trong cảnh chiến tranh. Năm 1975, miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất hòa bình nhưng cha của Văn và Trà vẫn không về. Bao nhiêu câu hỏi nghi vấn nổi lên trong làng, trong xã xoay quanh việc bặt vô âm tín của hai người. Có tin, họ là tình báo nên phải mai danh ẩn tích ở đâu đó, biết đâu đang hoạt động bên Mỹ. Lại có tin đồn, họ chạy về phía bên kia nên một là đã bị giết, hai là còn sống nhưng chắc đang bị giam giữ cải tạo. Chỉ đến lúc Quân đội thông báo cha của Văn và Trà là chiến sĩ đoàn tàu không số đã hi sinh trong khi làm nhiệm vụ ở Vũng Rô thì làng xã mới ngẩn ngơ thương tiếc tự hào. Lễ tưởng niệm hai liệt sĩ được xã tổ chức rất trang nghiêm. Khi ấy, Văn và Trà mười ba tuổi.

Mưa chưa ngớt dù đã sắp hoàng hôn. Có một điều gì đó bồn chồn trong Trà. Chắc là anh ấy nhắc mình ra đây? Sáu năm rồi, ngày nào cũng như ngày nào, đúng vào giờ này, Trà thường ra chỗ ấy với anh. Một cây phi lao thân xù xì lá thẫm xanh, vi vút gió. Mấy khóm hoa tứ quý màu hồng thắm rung rinh, rung rinh. Trà tựa lưng vào cây, nhìn ra biển, nhìn ra vời vợi mênh mang, nhìn ra mịt mù thăm thẳm và im lặng trò chuyện với chồng mình.

Em đến rồi đây anh. Mua the ma. Mưa thì mang ô, đội nón, có sao đâu anh. Em lanh khong? Em chỉ sợ anh lạnh thôi, ngoài ấy chắc lạnh lắm anh nhỉ? Day bien van thuong lanh ma em nhung gio thi anh thay am roi. Em chỉ sợ anh lạnh thôi...Kia em, dung khoc nua, em khoc mai roi. Dạ, em biết vậy, nhưng không ngăn lại được, em thương anh, nhớ anh, lúc nào cũng vậy. Anh biet ma nhung anh khong muon em buon nhieu nhu theCon me, con thang Hieu, em phai giu gin suc khoe de nuoi con thanh nguoi. Dạ, anh yên tâm đi, con mình khỏe mạnh và ngoan lắm, học giỏi nữa anh ạ. The la hanh phuc roi em a. Dong doi anh có nguoi ra di ma chua he duoc yeu ai. Dạ, may mà anh ra đi còn để cho em thằng Hiếu, nếu không chắc em chết mất. (Một thoáng lặng im). Con thang Hieu là con anh do, Tra a. Hinh nhu, cang lon len no cang giong anh phai khong em? Dạ, giống đúc, khuôn mặt, đôi mắt, cái miệng...cứ y hệt anh thời nhỏ. Thoi, anh te vao bui duoi de tri ma day gi? Ma nay em, ma hien lam, co lam ma moi biet ma hien. Dạ, anh còn đùa được nữa à, như anh, làm gì cũng hiền cả, vì thế mà em không thể nào quên được chồng mình đâu. Tra nay, nghe anh noi nhe, den luc em phai nghi khac di, em phai song cho minh. Thôi anh, chuyện ấy mạ đã nói với em chiều nay rồi, em chưa nghĩ tới và có lẽ em không nghĩ tới nữa. Dung, em con tre, doi con dai lam ma em, den luc em cung phai song cho em. Dạ, khi nào em hết nhớ anh thì em sẽ đi...lấy chồng. (Im lặng). The thi biet den bao gio em?...

*  *  *

Láng giềng của gia đình Trà là gia đình người đàn ông trạc năm mươi tuổi. Anh tên là Trung, Đặng Đại Trung. Trên khu vườn rộng rãi do ông cha để lại, Trung dựng lên một ngôi nhà ba tầng rất bề thế, tường ngoài lăn sơn màu hồng. Chủ nhân của cơ ngơi hoành tráng này vốn thích màu hồng, màu đỏ. Trong những dịp quan trọng, dân làng Cát thấy anh hay mặc áo đỏ, áo hồng hoặc nếu mang màu khác thì không thể không có chiếc cà vạt đỏ thắm. Trung mới nổi lên mấy năm nay, nhờ đi buôn đá quý. Đại Trung có một cơ ngơi nữa trên thành phố Hoa Hồng nhưng giao cho con trai đầu quản lý, anh thích sống ở làng Cát vừa là quê cha đất tổ vừa thoáng mát yên tĩnh. Vợ anh, người đàn bà ít lời, lớn hơn Trung hai tuổi vừa qua đời tám tháng nay do bị ung thư phổi. Ở với anh hiện nay tại làng Cát có cô con gái út tuổi mười sáu rất lười học và khá đỏng đảnh. Trung hay dọa con, mày không chịu học hành thì đời khốn khổ đấy con gái ạ. Cô gái ỏn ẻo đáp trả, ba có học mấy đâu mà giàu thế này, ba đừng lo, sau này con sẽ chọn một đại gia làm chồng, chẳng cần làm gì cũng ăn diện sung sướng suốt đời... hi hi...Trung chỉ còn biết cốc yêu mấy cái vào trán con gái, mày...mày...chỉ được thế là giỏi.

So với cơ ngơi lừng lững của Đặng Đại Trung, ngôi nhà cấp bốn lợp ngói của mạ con Trà chỉ như chiếc thuyền câu bé tẹo đậu cạnh hạm tàu lớn. Tình thân giữa hai gia đình trước đây ở mức bình thường, chỉ từ lúc Trần Văn hi sinh thì Đặng Đại Trung mới siêng qua lại nhà Trà. Ấy, chớ vội nghĩ gì khác oan cho anh ta. Lạ, là điều gì anh ta cũng biết trước. Tin Trần Văn được Nhà nước phong tặng Anh hùng trong dịp Quốc khánh là do Trung qua báo cho mạ con Trà đầu tiên. Và, tin thành phố Hoa Hồng quyết định lấy tên Trần Văn đặt cho con đường mới nối liền đường Trường Sa với Hoàng Sa cũng do Trung sang báo cho Trà trước tiên. Thằng Hiếu cũng hay được bác Trung cho quà, Trà ngại không cho con nhận thì bị người láng giềng nói ngay, chà, cô cứ hay khách khí, tôi quan tâm tới cháu là quan tâm tới con liệt sĩ, có chi không đúng không phải đâu Trà. Bấy lâu nay, mạ chồng biết thế nhưng cũng không nặng nhẹ gì chỉ lặng lẽ nhìn con dâu, thở dài. Mạ đẻ thì nhắc nhở khi gần con gái, cẩn thận nghe mi, ăn xôi chùa ngọng miệng đó. Trà ôm lấy mạ, cười, mạ nì, con có phải là con nít đâu mà không biết.

Trà không kể chuyện này với Văn, bởi vài thứ quà trẻ con có là gì đâu chứ. Như chiều nay, mười bốn ta, cô lại ra chỗ cây phi lao xù xì, vọng biển, đợi Văn về tâm sự, Trà cũng không có ý định kể chuyện bác Trung cho thằng Hiếu quà làm gì. Anh đấy à? Gio nom hom nay long long, mat qua em nhi. Hôm nay, rằm đó, anh nhớ không? Nho chu, cai hom anh ve tham em de ra Truong Sa cung ram, dung khong? Dạ, đúng. Ram thang tu, trang rat dep...

Đặng Đại Trung qua nhà Trà dày hơn và chẳng bao giờ quên mang theo quà tặng mạ và thằng Hiếu. Món quà mới nhất là chiếc máy mát xa nhãn hiệu Mỹ anh tặng mạ và chiếc máy bay trực thăng điện tử mác Tàu anh cho thằng Hiếu. Toàn là thứ đắt tiền. Thằng cu Hiếu thấy chiếc máy bay thì vồ lấy ngay, cảm ơn bác Trung ríu rít còn mạ thì từ chối khéo. Nhưng Đặng Đại Trung còn khéo hơn. Mạ là mẹ liệt sĩ, những gì tốt nhất phải dành cho các mẹ liệt sĩ, con là một doanh nhân cũng phải có trách nhiệm tri ân chứ, Trung thuyết phục. Nói hay, nói đúng như thế thì người được tặng khó từ chối lắm và sự băn khoăn cũng vợi đi rất nhanh. Riêng Trà, anh ta chưa hề tặng một món quà nào, kể cả ngày 8 tháng 3 và 20 tháng 11. Cô tin, anh ấy đã chừng mực trong quan hệ với mình.Đêm đó là rằm tháng tư, biển trời tràn ngập ánh trăng mùa hạ dịu mát. Trăng vàng mơ trải lụa trên bãi cát làng. Bóng cây phi lao đổ xuống mặt cát như hình dáng cây phong cầm nơi Văn và Trà ngồi. Vi vu, vi vút gió reo. Gió trời, gió biển, gió cây hòa âm vào nhau, man mác xôn xao. Này em, Văn cười cười, cô giáo đã nghe câu ca dao mới này chưa? Trà xoa xoa lên bàn tay chồng, câu gì anh? Hay lắm, hay lắm đấy, nhưng mà thôi, anh không đọc nữa? Ứ, không đọc em bỏ về đây, bỏ anh ngồi lại một mình cho ma cái nó bắt. Dào ơi, ma là cái đinh rỉ, em không nhớ à, thời con nít anh đã đái cho cả bầy ma ướt đó rồi còn gì, bây giờ lính biển nghiêm văn chỉnh rồi thì có ma tàu anh cũng chả ngán. Thôi, biết rồi, ma sợ anh nhưng em không sợ đâu nhé, có đọc không thì nói. Bất chợt, Trà xô Văn ngã xuống cát rồi lấy toàn thân mình đè lên, thiếu úy, có đọc không thì nói? Văn cười sằng sặc, cả thân rung lên, thôi thôi anh thua rồi, đọc ngay đây, đọc đây, cô giáo nhớ kỹ để mai truyền lại cho học sinh nghe, Vợ là cơm nguội của ta/ Nhưng là đặc sản thằng cha láng giềng. Dào, tưởng mới mẻ gì, câu này, mấy ông ở trường em đọc rồi. Chưa hết đâu, còn câu này mới là độc, của lính hải quân anh đó, Vợ là đặc sản của ta/ Cũng là đặc sản thằng cha láng giềng. Lính hải quân quanh năm suốt tháng lênh đênh trên biển hay ở đảo xa tít mít mù khơi, lúc nào cũng nhớ vợ, thèm vợ, lâu lâu mới được về nhà nên thấy vợ mình lúc nào cũng mới, cũng hay, cũng ngon chả khác chi đặc sản, hi hi hi, Văn giải thích thêm. Nằm trên Văn, Trà cười nấc lên, thế anh có sợ vợ anh thành đặc sản thằng cha láng giềng không? Anh không sợ, không sợ, thằng láng giềng nào đụng vào vợ anh, anh thiến cái ấy đến tận gốc. Trà cười rũ ra khi nghe Văn nói. Đêm ấy, hai vợ chồng được một bữa tiệc trăng no nê trên cát. Trên trăng, dưới cát, biển một bên và em một bên, nhễ nhãi đầm đìa, như đây mới là đêm thứ nhất của tuần trăng mật.

Chuyện này thì Trà đã kể cho Văn nghe. Toi nghiep ma, nghi ma thuong con qua, neu nhu anh con song, chac cung du suc mua do choi cho no. Em cảm thấy không an lòng chút nào khi anh Trung qua nhà mình. Qua nhiều, tiếng vào tiếng ra, tiếng xa tiếng gần, mang tiếng lắm anh ạ. Chac khong co gi phuc tap dau, em dung nghi ngoi nhieu keo om dau thi kho. Anh biết không, em càng ngày càng nhớ anh hơn, em cứ nghĩ rằng một ngày nào đó anh sẽ về với mẹ con em.Thi anh dang o ben em day. Không, anh trở về với mạ, với em, với con, với xóm làng bằng xương bằng thịt cơ. Nói đến đây không nén được nỗi xót thương, Trà òa khóc. Em, dung khoc nua, nuoc mat em khong lam cho anh tro lai bien duoc dau. Anh, này anh, đừng trở lại biển nữa, ở lại đây với em...

Ánh đêm buông xuống nhập nhoạng, mơ hồ. Trà, tối rồi sao em chưa về mà còn ở đây,vang bên tai Trà tiếng nói đàn ông. Văn, anh quay lại với em à? Anh đến với em đây, cô giáo ạ. Thế mà, em cứ tưởng anh về với biển rồi! Ơ, biển nào, anh vừa từ xóm ra, nghe mạ nói em ra biển, anh đi tìm Trà đây. Cô sực tỉnh, trước mắt mình là Trung. Anh Trung đấy à, anh đi dạo mát hay sao mà ra đây? Trung cười, anh đi tìm em...Tìm em? Trà ạ, cho anh được nói với em điều hệ trọng này, anh yêu em. Yêu, tôi có chồng rồi, làm sao anh yêu tôi được. Kìa Trà, em đang ngủ mơ hay sao, Văn của em đã chết rồi. Nói bậy, anh Văn chết làm sao được, những người như anh ấy chết làm sao được, giọng Trà căng dần. Anh Văn hi sinh trong trận chiến đấu không cân sức với bọn bành trướng trên quần đảo Trường Sa năm 19...em quên rồi à? Tôi không quên nhưng nói cho anh biết nhé, Văn vẫn sống cùng tôi, chiều nào anh ấy cũng về với tôi. Trời ơi, em vẫn đang mê sảng, Trung kêu lên, nỗi đớn đau làm cho em lẫn lộn thực hư rồi. Dù đau khổ đến mấy thì vẫn phải sống em ạ. Tôi nguyện làm điểm tựa cho em trong cuộc sống mới Trà ạ.

Trung vừa nói vừa định cầm tay Trà. Cô lùi lại, giọng rắn đanh, anh đứng yên, đừng đụng vào tôi, tôi không yêu anh đâu. Em, Trà...em tỉnh lại đi...anh yêu em nhiều lắm. Trà nhìn xoáy vào mắt Trung, tôi nói cho anh biết nhé, vợ anh vừa mới mất chưa được một năm, không khí tang tóc chưa tan hết trong nhà, thế mà anh đã chực lấy vợ rồi, anh nghĩ sao thế anh Trung.Người chết thì đã chết rồi, người sống phải sống em ạ, Trung biện hộ. Không được, ít nhất thì anh cũng để hết tang vợ đã chứ, đằng này mộ vợ chưa xanh cỏ đã tính chuyện lấy vợ mới. Tôi không ngờ anh tệ thế. Thế thì, em cứ nhận lời đi để anh có cớ qua lại, còn chuyện cưới xin để mấy năm sau cũng được, giọng Trung van nài dỗ dành. Trà nói to gần như thét lên, không, đó là tôi nói anh tìm người khác để cưới, còn tôi...tôi không yêu anh. Mặt Trung như méo xệch đi, kìa Trà, đừng nói thế, anh yêu em rất nhiều mà.

Trà không thèm nói thêm lời nào, bỏ đi. Trung xộc tới ôm chặt lấy Trà, đôi cánh tay cứng như gọng kìm xiết chặt tấm thân mảnh mai của cô. Anh Trung, buông tôi ra ngay, anh thôi cái trò bậy bạ này đi, tôi kêu lên đấy. Mắt Trung đỏ rực lên như mắt hổ đói, kêu đi, cô kêu đi, giờ này ai về nhà nấy rồi, còn ma nào ở đây nữa mà kêu, cô ngoan ngoãn nghe theo tôi thì mọi việc sẽ an lành sung sướng. Bằng không, tôi cũng sẽ chiếm đoạt cô. Vừa nói, Trung vừa nghiến răng trèo trẹo, hắn ôm chặt Trà làm cho cô muốn nghẹt thở. Buông tôi ra, đồ khốn nạn! Trà vừa giãy dụa vừa thét lên. Hắn vật cô xuống cát, cả tấm thân nặng gần bảy mươi cân đè lên người cô.

Càng vùng vẫy, Trà càng bị lún sâu xuống cát. Môi hắn đã đặt lên môi cô. Tay hắn đã đặt lên cạp quần cô. Hắn đang tìm cách cởi ra. Chiếc quần bò với những chiếc cúc đồng chắc chắn làm cho hắn lúng túng. Tay trái ghì Trà rất chặt, tay phải hắn mở chiếc cúc quần của cô. Được rồi. Hắn kéo tiếp chiếc phéc mơ tuya xuống. Phần thấp của người phụ nữ đã lộ ra. Trà luống cuống khép đùi lại, hắn lôi cái đàn ông ra, tìm cách làm cô dạng ra để đưa vào. Đầu cái ấy của hắn, nóng hôi hổi, đã dí vào phần giữa hai đùi cô, Trà hét lên Anh Văn ơi!

Một luồng khí ào qua, lạnh và xoáy khác thường quật qua Đặng Đại Trung. Hắn bật ra khỏi người Trà, ôm bụng rên rĩ, trời ơi, đau quá, đau quá! Hắn trợn mắt, ôm bụng lăn lộn trên cát chiều đang dịu lại. Trà đứng dậy mặc lại quần áo, vội vàng chạy đi bỏ lại đằng sau bãi biển đêm hoang vắng miên man...

*  *  *

Tu nay, chieu toi em dung ra bien mot minh nua nghe. Anh va em se gap nhau trong ngoi nha cua minh. Ke ac, cai ac dang con nhieu lam tren tran gian. Khong the khong canh giac em a. May ma chieu nay, anh da nghe tieng em goi và bay tro lai...

Trà đã đọc được những dòng ký tự này trong một giấc mơ sau cái đêm khủng khiếp ấy. Giấc mơ có rất nhiều chim hải âu bay ngang dọc trên bầu trời cao xanh, trên những hòn đảo nổi đảo chìm lộng lẫy của đất nước ở phía Đông. Những cánh chim báo bão. Giấc mơ có rất nhiều cây phong ba và cũng có rất nhiều sóng bạc đầu. Giấc mơ có tiếng trẻ đọc bài bi bô và có tiếng chuông chùa thánh thót lan lan trên mặt san hô. Giấc mơ có những vòng hoa tươi tưởng niệm các liệt sĩ hi sinh dập dờn trên sóng và luồng nước rẽ ra lấp lánh dưới mặt trời khi những con tàu phấp phới cờ Tổ quốc đi qua. Giấc mơ có tiếng oa oa của bé sơ sinh và giọng hát dân ca dìu dặt của cô văn công bên cột mốc. Giấc mơ có tiếng gà gáy sớm, gáy trưa, gáy chiều, tiếng chim bồ câu gù trong nắng, tiếng lợn ủn ỉn dọc đường bê tông và tiếng ru con đậm đà giai điệu Việt nơi quần đảo Trường Sa...

Theo lời chồng dặn, cô giáo Trà chiều chiều không ra chỗ cây phi lao xù xì có vóc dáng như một cây phong cầm xanh để trò chuyện với Trần Văn nữa. Anh ấy nói đúng, kẻ ác cái ác vẫn còn nhiều lắm trên trần gian, không thể không cảnh giác. Ở làng Cát, cuộc sống vẫn trôi đi bình thường, đàn ông ra biển đánh cá, đàn bà ở nhà chợ búa nội trợ, trẻ con đến lớp. Dù làm gì và là ai thì biển vẫn can dự vào cuộc sống của người dân làng Cát. Như từ thuở nảo thuở nào biển đã lặn vào nước da, đã vọng vào giọng nói của họ; nước da ngăm ngăm và giọng nói nằng nặng. Biển là tình yêu và nỗi lo toan của họ, khi trời yên sóng lặng và khi bão tố phủ phàng. Biển chính là cánh đồng lớn nhất, lâu nhất của làng Cát, muôn đời nay, đã có biết bao con thuyền cày xới trên đó, những vụ cá nam lấp lánh lộng khơi, niềm vui đầm đìa cùng mồ hôi mặn chát trên mặt. Biển cũng là nghĩa trang lớn nhất của làng; biết bao số phận ngư phủ bị vùi trong bão tố, xoáy lốc, những người con của làng đã ngã vào lòng biển trong các cuộc chiến đấu giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Biển cùng là hi vọng, tương lai của làng. Mấy trăm năm nay vẫn thế, làng nhìn ra biển Đông, đi ra biển Đông, bám trụ trên biển Đông như một hành trình không thể đổi thay.

Chỉ có một chuyện khác thường là cây phi lao nơi chiều chiều cô giáo Trà ra trò chuyện với chồng tự nhiên biến đổi kỳ lạ. Tất cả biến thành màu trắng. Thân trắng. Cành trắng. Lá trắng. Màu trắng của cát, của sóng đã nhiễm vào cây. Cả rừng phi lao chạy dài theo bãi biển duy nhất chỉ có một cây này thôi.

Vọng phu làng Cát.

Đi tới đâu tôi cũng nghe dân làng này gọi tên cây phi lao như thế. 

 

Nguyễn Hữu Quý
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 216 tháng 09/2012

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

08/05

25° - 27°

Mưa

09/05

24° - 26°

Mưa

10/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground