Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cây tre - biểu tượng và bảo tồn

Người Việt sinh ra ở nông thôn hay thành thị đều không xa lạ với cây tre. Dù những rặng tre dần thưa thớt, thậm chí vắng bóng ở một số vùng quê, thì tre vẫn là một biểu tượng của ý chí bền bỉ, tinh thần đoàn kết.

"Chuyện ngày xưa đã có bờ tre xanh"

Trong văn chương, diễn tả đầy đủ nhất về cây tre chắc hẳn là bài thơ Tre Việt Nam của nhà thơ Nguyễn Duy. Tác phẩm được đưa vào sách giáo khoa hàng chục năm, theo suốt bao nhiêu thế hệ học sinh, ẩn chứa niềm tự hào về khí chất Việt. Được viết bằng thể thơ lục bát truyền thống dân tộc dễ nhớ dễ thuộc, bài thơ được xem là kiệt tác của Nguyễn Duy.

Tre Việt Nam

Tre xanh / Xanh tự bao giờ? / Chuyện ngày xưa... đã có bờ tre xanh.

Đúng thật những câu chuyện cổ tích ngày xưa gắn liền với cây tre đã đi vào tâm trí nhiều trẻ em. Chàng Thánh Gióng gốc gác lương nông hiền hậu, một hôm nghe tin giặc Ân đến thì vụt lớn dậy, nhổ tre quật ngã, đánh đuổi quân xâm lăng. Chuyện thần thoại có vẻ hồn nhiên mà thấm đẫm anh hùng ca, đánh giặc bằng tre. Vũ khí tre không phải là chuyện thần thoại hoang đường. Bằng chứng là gậy gộc, giáo mác từ tre cũng là những vũ khí thô sơ đã giúp quân dân ta bao phen diệt trừ ngoại xâm. Ghi lại trong sử sách, những cây tre đã giúp đỡ người chính nghĩa.

Đứng về phía chính nghĩa được ngụ ngôn hóa trong câu chuyện cây tre trăm đốt. Anh chàng nghèo bị phú ông lừa gạt, thách đi kiếm được cây tre trăm đốt mới gả con gái cho. Chàng hăm hở lên rừng tìm mãi vẫn không có cây tre nào như thế. Khi ấy bụt xuất hiện. Bụt xuất hiện như một thế lực thần linh, truyền cho anh phép thuật để ghép nối hoặc tháo rời trăm đốt tre bằng thần chú: khắc nhập, khắc xuất.

Tương truyền khi xưa ma quỷ hay quấy phá, chiếm hết đất của con người. Bụt bảo con người hãy mua của quỷ một miếng đất bằng cái bóng của tấm áo cà sa. Con người móc áo cà sa lên ngọn tre và cắm xuống đất. Bụt liền hóa phép cho cây tre cao dần, cao mãi, bóng chiếc áo phủ hết mặt đất và quỷ phải bỏ đi. Từ đó có tục lệ dựng nêu mỗi dịp Tết để xua đuổi ma quỷ. Sự tích cây tre dựng nêu, cũng tương đồng với cổ tích cây tre trăm đốt, đều mang ý nghĩa phò chính diệt tà.

Tương truyền khi xưa ma quỷ hay quấy phá, chiếm hết đất của con người. Bụt bảo con người hãy mua của quỷ một miếng đất bằng cái bóng của tấm áo cà sa. Con người móc áo cà sa lên ngọn tre và cắm xuống đất. Bụt liền hóa phép cho cây tre cao dần, cao mãi, bóng chiếc áo phủ hết mặt đất và quỷ phải bỏ đi. Từ đó có tục lệ dựng nêu mỗi dịp Tết để xua đuổi ma quỷ. Sự tích cây tre dựng nêu, cũng tương đồng với cổ tích cây tre trăm đốt, đều mang ý nghĩa phò chính diệt tà.

Hẳn nhiều người đều biết câu chuyện bó đũa, một ngụ ngôn về sự đoàn kết từng được học. Nếu đứng đơn lẻ thì yếu, hợp sức cùng nhau tạo thành sức mạnh vô cùng. Điều này cũng đúng với quy luật sinh tồn của cây tre, luôn mọc thành từng cụm, từng lũy. Qua bao nhiêu gió bão những rặng tre vẫn bám chặt đất, gióng ngọn lên trời. Tre có kết cấu thân theo sứa dọc tạo nên sự cứng và dai. Dân gian ví von "khó nhất chặt tre, khó nhì ve gái". Khó chặt tre vì chúng vừa cứng, lại mọc sát nhau rất khó vung rựa vào chém. Đến khi chặt đứt được thân tre rồi thì lôi được cây tre ra khỏi lùm cũng không dễ, những nhánh nè ràng bện lấy nhau trên ngọn.

Tre chắc bền và sẵn có nên ngày trước, người nông thôn đều dùng làm nhà. Kèo cột là tre, lại chẻ tre ra mà đan thành từng tấm phên dựng tường. Đến thời làm nhà bê tông, những chỗ đất sình lầy lại đóng cọc tre vào lòng đất để chống lún. Tre ngâm dưới nước có độ bền hàng chục, thậm chí hàng trăm năm. Người nông dân dùng tre làm nhà đều đem tre ngâm xuống nước vài tháng mới lấy lên.

Có phải tre dần vắng bóng?

Mới đây đi qua vùng Càng ở huyện Hải Lăng (Quảng Trị), chúng tôi bắt gặp rất nhiều rặng tre. Càng là một vùng trũng, mùa nước ngập dài ngày, lênh láng cả cánh đồng như một miền Tây sông nước. Người ta sắm sẵn những chiếc đò làm phương tiện đi lại trên nước. Mùa mưa đi vào Càng thấy những túp nhà nằm giữa nước, và những lùm tre bao quanh nhà bảo vệ. Ngọn tre xơ xác, lá úa vàng vì gió mưa và ngâm nước, thế nhưng tre ở vùng ấy vẫn rất bền bỉ. Ngoài ra, bộ rễ của tre là rễ chùm, chằng chịt nên tre giữ đất rất tốt. Ở những vùng đất hay bị ngập nước như ven sông hói, tre được trồng để ngăn sự xói lở.

Dễ thấy những vùng nào càng xa đô thị thì tre còn nhiều, người ta để tre như một thứ giữ đất rỗi, làm phên dậu chắn gió, và cũng là một nguyên liệu để làm nên những thứ đồ dùng.

Khi còn làm công tác dạy nghề ở thị xã Quảng Trị, đi về các làng quê xã Hải Lệ ven sông Thạch Hãn thấy tre còn rất nhiều, tre rập rậm rạp để ngăn bờ sông xói lở. Khi ấy lãnh đạo thị xã có hướng đào tạo nghề làm lồng đèn cho lao động nông thôn. Đèn lồng cung ứng cho trang trí lễ hội ở thị xã Quảng Trị và các vùng lân cận như Huế, Hội An... Ý tưởng hay và sử dụng được nguồn tre có sẵn ở địa phương, tận dụng thời gian nhàn rỗi của người nông dân sau vụ mùa.

Ở huyện Triệu Phong, làng nghề tre có tiếng là làng Phương Ngạn. Gần đây, cũng chỉ còn được một vài nhà giữ nghề, chủ yếu đóng chõng tre. Chõng tre để người ta ngồi uống nước chè hoặc dùng khi phụ nữ nằm khi sinh nở. Đâu đó giữa các làng vẫn còn hiếm hoi vài cụ già chẻ tre đan nống, đan mủng. Thực tế những nghề từ tre được xem là nghề tranh thủ, nghề mà không phải nghề vì nó có thu nhập thấp, "vô nghề đan thúng túng nghề đan nia". Dù năm khi mười họa mới bán được một món đồ tre, nhưng chính những thứ đó làm cho tre còn có giá, và người ta còn có cớ giữ lại những rặng tre.

Thời xưa đi học, sách dạy rằng Phạm Ngũ Lão là chàng đan sọt giữa đường rồi trở thành vị tướng. Lên cấp hai, trong chương trình môn kỹ thuật chúng tôi được dạy đan nong mốt, đan nong hai để làm những thứ rổ, mẹt. Học sinh bây giờ chắc là không học những thứ ấy và sẽ xa lạ dần với vai trò của cây tre trong đời sống. Khi mà công nghiệp hóa đã thay đổi dần những thứ đồ dùng quen thuộc, những sọt sàng rổ rá tre đan nay đã được thay bằng đồ nhựa. Thúng là vật để đong lúa, một thúng sáu chục lon, thì nay đã dùng cân tính khối lượng. Đồ dùng từ tre có chăng nay trở thành một vật lưu niệm, vật trưng bày trong các nhà hàng món quê, hay để vài người thỏa mãn cái thú hoài cổ.

Khi về Phương Lang, ngôi làng cổ có lịch sử 550 năm và nổi tiếng với nghề bánh ướt ở huyện Hải Lăng. Ở đây vẫn còn nhiều rặng tre mọc giữa làng, nhiều vật dụng bằng tre còn được sử dụng như nơm cá, thúng mủng. Chúng tôi gặp cụ Nguyễn Trường tuổi ngoài tám mươi vẫn còn khỏe khoắn minh mẩn và còn làm nghề đóng cối xay. Có thể gọi cụ là nghệ nhân làm cối xay. Cụ cho biết nghề đóng cối xay ở làng Phương Lang đã có từ lâu lắm rồi, khi cụ lên mười tuổi đã theo ông nội đi khắp vùng đóng cối cho người ta. Rồi cụ giữ nghề cho đến tận hôm nay. Bây giờ thì chẳng ai dùng cối xay này, nhưng cụ vẫn nhận làm thường xuyên cho các khu du lịch, các bảo tàng và người sưu tập trong nước. Những cái cối xay lúa của cụ làm bằng tre công phu, tỉ mỉ. Ấy cũng là một cách để tre còn được mọc ở làng.

Để tre mãi "nên lũy nên thành"

Năm 2011, Bộ VHTT&DL có đưa ra một cuộc bình chọn quốc hoa Việt Nam, hoa sen được chọn nhiều hơn cả. Nhưng trước đó, Ấn Độ đã chọn hoa sen làm quốc hoa. Thế là có nhiều ý kiến bảo không chọn hoa nữa mà nên chọn cây tre làm biểu tượng cho nước ta. Ý kiến này xem ra cũng có lý, dù sau đó cơ quan hữu quan không đưa ra kết luận nào chính thức cả.

Lũy tre xanh ở địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị) - Ảnh: T.A

Lũy tre xanh ở địa đạo Vĩnh Mốc (Quảng Trị) - Ảnh: T.A

Hiện nay, xu thế thay đổi diện mạo nông thôn luôn tồn tại những bất cập của môi trường sống, trong đó có sự thưa thớt dần của bóng tre. Để tre mãi "nên lũy nên thành" như trong thơ Nguyễn Duy, nhất thiết cần sự vào cuộc của nhiều phía, từ cơ chế và người dân.

Mới đây, ngày 4/9/2022, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo "Phát triển ngành Tre Việt nam theo chuỗi giá trị hàng hoá và định hướng mô hình kinh tế tuần hoàn”. Hội thảo đã xác định rõ vai trò, giá trị của cây tre. Tuy nhiên, người nông dân trồng tre đang phải chịu áp lực trước nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao khác. Để phát triển ngành hàng tre, ngay từ bây giờ doanh nghiệp cùng chính quyền các địa phương và Bộ NN&PTNT phải chung tay xây dựng những vùng quy hoạch nguyên liệu đáp ứng yêu cầu sản xuất, chế biến, xuất khẩu, hình thành chuỗi giá trị ngành hàng, liên kết sản xuất. Đây là những vấn đề mà doanh nghiệp, người sản xuất và chính quyền các địa phương phải cùng vào cuộc thì mới phát huy được giá trị của tre, bảo tồn giá trị văn hóa cây tre và phát huy giá trị kinh tế của những sản phẩm chế biến từ tre. Đồng thời với việc đa dạng hoá sản phẩm, dùng tre làm vật liệu thay thế gỗ và nhiều hợp chất hóa học đang là xu thế thời đại. 

Cũng trong tháng 9/2022, hội thảo Tre thế giới lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam ở làng tre Phú An (tỉnh Bình Dương), đây là khu du lịch sinh thái nổi tiếng, vừa là nơi bảo tồn sưu tầm các giống tre với trên 1.500 bụi tre của 300 giống tre khắp nơi. Giám đốc Tổ chức tre thế giới Michel Abadie đã chia sẻ: “Cuộc hội thảo Tre thế giới lần IV này không chỉ là một cuộc gặp gỡ trực tiếp của những người đã trót yêu cây tre mà còn là một khoảnh khắc của sự đổi mới - sự đổi mới của một liên minh tự nhiên giữa con người với cây tre. Và đặc biệt, tại Việt Nam, tại chính làng tre Phú An này, mối quan hệ ngàn năm đó rất có ý nghĩa. Ở đây, hơn bất kỳ nơi nào khác trên hành tinh này, bàn tay của con người đã cho thấy rất rõ rằng, cây tre và silica tự nhiên (một hợp chất hữu cơ có ích chiếm 70% trong tre) của nó, cùng đồng hành trong quá trình phát triển để dần hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn”.

T.A

TRÚC AN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 340

Mới nhất

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước*

9 Giờ trước

TCCVO - Chiều ngày 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.

Mây về thành phố

15 Giờ trước

Tôi làm đơn xin nghỉ phép để vào bệnh viện chăm chú Ngụ. Không gói ghém gì nhiều, chỉ cần bỏ vào túi cái khăn mặt, chai dầu gội, bàn chải đánh răng và một vài đồ dùng để phòng khi cần đến. Nhà tôi cách bệnh viện bốn cây số, cách nhà chú Ngụ năm cây, nó nằm trên hai trục đường khác nhau.

Dọn nhà cuối năm

15 Giờ trước

Đã thôi những cơn mưa dai dẳng, chỉ thi thoảng mới có vài thoáng phùn như là mưa xuân buổi sáng sớm, tới trưa hửng chút nắng kéo tận chiều. Xuân tới rõ ràng từ độ giữa tháng chạp.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2025

01/01/2025 lúc 17:24

TCCVO - Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới 2025, tối 31/12/2024, tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Quảng Trị

Lễ hội Vì hòa bình 2024: Giá trị nhân văn để tiến vào kỷ nguyên mới

31/12/2024 lúc 09:36

 Năm 2024, dấu ấn đậm nét nhất trên mảnh đất Quảng Trị là lễ hội Vì hòa

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/01

25° - 27°

Mưa

05/01

24° - 26°

Mưa

06/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground