Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 03/01/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cuối năm ấy gặp nghệ sĩ nhiếp ảnh Sĩ Sô

Thấm thoắt mới đó đã 44 năm trôi qua, tôi còn nhớ như in buổi trưa cuối năm 1978, khi đất trời Cố Đô - Huế cổ kính ngan ngát hương xuân, tết Nguyên Đán đang cận kề.

Hôm ấy là ngày học cuối cùng để sinh viên gần xa về quê ăn Tết cùng gia đình. Từ giảng đường tôi đạp xe về nhà nội ở ngoài cửa An Hòa. Từ phía bờ Nam, vừa đến dưới chân cầu Sông Hương, tôi bắt gặp một người đàn ông độ 40 tuổi kéo chiếc xe ba gác chất đầy gỗ cưa phế liệu, hướng qua phía Bắc cầu, sau xe có một cậu bé khoảng 10 tuổi phụ giúp, chiếc xe ba gác nặng nề chậm chạp lăn bánh lên cầu. Thấy vậy, tôi vội dừng xe đạp, tay trái cầm ghi đông, tay phải đẩy xe. Có sức trai tuổi đôi mươi hỗ trợ nên chiếc xe ba gác không còn ì ạch như trước nữa. Xe qua hết cầu Sông Hương rẽ phải gặp con đường Trần Hưng Đạo, đi khoảng hơn trăm mét rẽ trái vào cửa Thượng Tứ, thẳng theo đường Đinh Tiên Hoàng đến khu vực Hồ Tịnh Tâm quành vào đường Lê Hữu Trác, đến số nhà 36 người kéo xe dừng lại.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô (người bên phải) đã thực hiện 250 bức ảnh  về lãnh tụ Fidel Castro. - Ảnh: Nguyễn Văn Hai

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Sỹ Sô (người bên phải) đã thực hiện 250 bức ảnh về lãnh tụ Fidel Castro. - Ảnh: Nguyễn Văn Hai

Khi chiếc xe ba gác yên vị bên góc sân, người đàn ông đang mồ hôi mồ kê nhễ nhại vui vẻ đến bắt tay tôi nói lời cảm ơn. Thấy chồng con về, người vợ từ dưới bếp nhanh nhẩu đi ra thấy một thanh niên xa lạ. Ông nói với vợ và nhìn tôi mỉm cười:

- Nếu không có cậu này giúp, chắc cha con tui đuối lắm và còn lâu mới bò được về nhà.

Vợ ông nhẹ nhàng mời tôi vào nhà uống nước. Tôi định từ chối ra về kẻo phiền gia đình, trời cũng gần trưa rồi. Ông nhiệt tình nói:

- Có duyên mới gặp, cậu cứ vào nhà uống ly nước cho mát để mình còn biết tên, đặng khi mô gặp ngoài đường mà còn chào hỏi nhau nữa chứ!

Tôi theo ông vào phòng khách. Uống một hơi hết ly nước lọc vì khát, ông giới thiệu tên là Hồ Sĩ Sô (bút danh Sĩ Sô), đang công tác tại ty Văn hóa - Thông tin và phân hội trưởng phân hội Nhiếp ảnh thuộc Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Bình Trị Thiên, trụ sở số 26 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế. Tôi vui mừng à lên một tiếng và nói đã từng xem ảnh ông đăng báo và nghe danh ông từ lâu. Nghe tôi nói vậy, ông vui ra mặt. Ông nói số gỗ phế liệu đó do chủ xưởng cưa tư nhân bên phường An Cựu quý mến ông, nên cho ông mang về làm củi đun, đỡ đi những buổi sáng tinh mơ ngày chủ nhật, hai vợ chồng mang bao tải lên núi Ngự Bình quét lá thông chở về thổi nấu khói bay mù mịt. Ông hỏi tên tôi, nay học ở trường nào, vì thấy tôi áo trắng bỏ trong quần xanh, khuôn mặt trắng trẻo, vóc dáng thư sinh. Tôi nói rõ họ tên đầy đủ, đang học năm 1 khoa Văn, trường Cao đẳng sư phạm số 4 Trần Cao Vân - Huế. Ông nhìn tôi thân thiện hỏi:

- Có phải thỉnh thoảng cậu có thơ đăng ở tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên và báo Dân không? (Báo Dân sau này đổi tên là báo Bình Trị Thiên). Tôi trả lời đúng rồi ạ. Ông xởi lởi nói:

- Không ngờ hôm nay may mắn gặp nhà thơ trẻ, có tấm lòng từ bi, nhiệt thành giúp đỡ người khác khi gặp khó khăn, thật quí hóa quá. Tớ tuy bên chuyên ngành nhiếp ảnh nhưng rất mê thơ. Có một bữa tớ hỏi nhà thơ Võ Quê tác giả Nguyễn Xuân Sang của những bài thơ tình trẻ trung đăng ở tạp chí Văn nghệ Bình Trị Thiên thời gian gần đây là ai? Nhà thơ Võ Quê nói:

- Tui cũng chưa gặp mặt lần mô cả, tiền nhuận bút mấy số chưa thấy đến lĩnh, nghe nói sinh viên trường Tổng hợp Văn. Nghe vậy, tôi nói:

- Dạ, em đi thi vào trường đại học Tổng hợp Văn. Buổi sáng ngày thi thứ hai, khi đạp xe từ nhà nội ngoài cửa An Hòa đến gần chợ Tây Lộc không may phuốc xe đạp bị gãy, mặt va xuống hòn đá nhỏ, dù mé mắt bên trái rách chảy máu đành băng tạm, cố ngồi xe thồ chở đến điểm thi kẻo sợ muộn giờ. Con mắt bị thương cứ nhưng nhức, chỉ còn một mắt nhìn không được rõ để làm bài, kết quả môn ấy em chỉ đạt điểm trung bình. Cộng ba môn thiếu một điểm nên em không trúng tuyển. Sau đó em nhận hai giấy báo: Học dự bị đại học Tổng hợp Văn và học Cao đẳng Sư phạm khoa Văn. Em hồn nhiên chọn khoa Văn, trường Cao đẳng Sư phạm Huế. Vậy là em nhập học luôn, em không ở ký túc xá, ở với ông bà nội ngoài cửa An Hòa.

Nghe xong, ông ồ lên một tiếng như tiếc rẻ cho tôi. Uống hết ly nước lọc thứ hai, ông nói với tôi:

- Cậu ra trường dạy môn Văn học, là người làm thơ, nếu biết thêm bộ môn Nhiếp ảnh nữa tâm hồn cậu sẽ phong phú thêm lên, khi quan sát cuộc sống luôn dịch chuyển và đổi thay không ngừng từng giây từng phút. Vậy cậu có thích chụp ảnh không? Nếu thích, tớ sẽ chỉ dẫn cho. (Tôi đang phân vân không biết gọi là chú hay là anh, vì ông hơn tôi gần 20 tuổi) cho hai bên gần gũi nhau. Tự dưng tôi thốt thành lời:

- Dạ, em vừa có chiếc máy ảnh Praktica mới tinh, anh trai vừa gửi từ Liên Xô về (anh trai học trường quân sự), em đang mày mò tự học nhưng không có cuốn sách nào dạy nhiếp ảnh cho bài bản cả. Nếu được anh chỉ dạy cho thì còn gì bằng.

Trời đã trưa, bao lần tôi nhấp nhổm định xin phép ra về, anh chị cứ muốn giữ tôi ở lại. Vợ anh bưng lên mâm cơm nóng hổi mời tôi dùng cơm trưa cùng gia đình kẻo cũng đến bữa rồi. Tôi xin phép về kẻo ông bà nội đợi cơm (Ba tôi là bác sĩ, buổi trưa ở lại bệnh viện Trung ương Huế dùng cơm cùng đồng nghiệp, bữa tối mới về ăn cơm với gia đình). Nghe vậy, anh chị không níu giữ tôi ở lại nữa, lưu luyến tiễn tôi ra về và không quên mời tôi vào nhà ông ăn Tết, tôi trả lời ông rằng Tết nay ra quê ngoại (chả là năm 1954 ba tôi là chiến sĩ đội biệt động thành Huế bị lộ, tổ chức cho ông tập kết ra Bắc và kết hôn với mẹ tôi ở Quảng Bình).

Từ đó tôi có người thầy đầu tiên dạy bộ môn nhiếp ảnh. Với phương pháp “cầm tay, chỉ việc” nên tôi lĩnh hội khá cơ bản. Anh dạy tôi kỹ thuật sử dụng máy ảnh cơ. Anh nói:

- Máy ảnh cơ (còn gọi là máy ảnh phim) là máy ảnh hoạt động bằng cơ học, có sự kết hợp giữa độ nhạy của phim và ánh sáng thật hoàn hảo mới cho ra tấm ảnh đẹp. Dạy lấy tốc độ và khẩu độ phù hợp chụp ảnh trong nhà, chụp ảnh bên ngoài khi trời mưa hay trời nắng; chụp ảnh vào các buổi sáng, trưa, chiều, tối trong tiết mùa hè; chụp bên bãi biển cát trắng loang loáng ánh nắng mặt trời hắt lên từ mặt nước. Cách chụp toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh, đặc tả; tiền cảnh, hậu cảnh; chụp chân dung, chụp hội nghị, chụp cảnh lao động sản xuất, chụp phong cảnh. Chụp ánh sáng xuôi, ánh sáng ngược, ánh sáng bên, ánh sáng chếch, cân chỉnh không gian ba chiều, đặc biệt là chú trọng khuôn hình, chọn góc độ. Đảm bảo hình ảnh phải rõ nét (không rung máy), đủ ánh sáng, bố cục rõ ràng làm nổi bật chủ thể. Anh nói nắm vững lý thuyết và thành thạo kỹ thuật sử dụng máy ảnh là tối quan trọng để tác nghiệp. Mỗi lần đi chụp ảnh thực tế về, coi từng tấm ảnh để đánh giá cái nào được, cái nào chưa được, tại vì sao. Mỗi ngày nên cố gắng bấm máy trong các góc độ và ánh sáng khác nhau cho nhuần nhuyễn, tạo dần phản xạ nhạy bén để nắm bắt nhanh khoảnh khắc cần bấm máy.

Phần thực hành, anh dẫn tôi đi chụp ảnh một số nơi trong và ngoại ô thành phố Huế. Một lần đạp xe về cánh đồng xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang lúc 10 giờ sáng, thấy dễ đến mấy trăm thanh niên nam nữ đội thủy lợi 202 huyện đang đào con kênh. Hai anh em dựng xe đạp bên vệ cỏ ven đường, lăm lăm hai máy ảnh bước về phía công trường. Anh động viên tôi:

- Cậu nắm vững kỹ thuật sử dụng máy ảnh và lý thuyết rồi, vậy cứ mạnh dạn bấm máy ở các góc độ khác nhau; lấy toàn cảnh, trung cảnh, cận cảnh; sử dụng ánh sáng xuôi, ánh sáng ngược, chú ý đến khuôn hình. Tôi háo hức cầm máy “vào trận, tả xung, hữu đột” gần trưa hết 2 cuộn phim, khi không còn gì để bấm máy nữa, hai anh em mới đạp xe về Huế. Trước khi chia tay, tôi tháo 2 cuộn phim đưa cho anh. Anh hẹn tôi sáng chủ nhật tuần tới đến nhà anh xem thành quả của chuyến đi sáng tác thế nào.

Khi tôi đến nhà anh, từng cuộn phim đã được tráng xong, anh bày lên mặt bàn chữ H có tấm kính trong suốt, phía dưới chiếc bóng đèn tuýp hắt ánh sáng lên. 72 kiểu ảnh hiện lên rất rõ, anh chấm được có 2 kiểu đạt chỉ… điểm 5. Còn 70 kiểu kia lại quá kém, cái thì thừa sáng, cái thì thiếu sáng, cái thì khuôn hình không chuẩn, cái thì nhòe ảnh… nói tóm lại là “tay máy” còn rất non. Anh phân tích điểm yếu từng kiểu ảnh một, làm cho tôi vỡ ra cái kém cỏi của mình. Đó là bài học vỡ lòng đầu tiên cho những năm tháng sử dụng máy ảnh sau này. Anh kèm cặp tôi như vậy một thời gian dài của những ngày chủ nhật khi anh không bận. Đi chụp ở chùa Thiên Mụ, chùa Từ Hiếu, đồi Vọng Cảnh, điện Hòn Chén, khu Chín Hầm, núi Ngự Bình, lăng Khải Định, trong Thành Nội, Cột cờ Phu Văn Lâu… Mỗi lần đi chụp ngoại cảnh về, anh đánh giá những bức ảnh tôi chụp ngày một tiến bộ: khuôn hình dần chuẩn hơn, ảnh có hồn hơn, lấy tốc độ khẩu độ phù hợp hơn … làm cho tôi tự tin mỗi khi bấm máy.

Để cập nhật, học hỏi, trau dồi kiến thức nhiếp ảnh, tôi đặt mua tạp chí nhiếp ảnh Việt Nam, tạp chí nhiếp ảnh thành phố Hồ Chí Minh. Sau này được cơ quan cử ra Hà Nội học lớp quay camera và nhiếp ảnh ở trường Sân khấu - Điện ảnh Việt Nam; học trường đại học báo chí có phân khoa nhiếp ảnh, nên tôi nắm bắt rất nhanh về các thao tác và kỹ năng nhiếp ảnh. Dù được đơn vị trang bị một máy quay camera M.4000, một máy ảnh kỹ thuật số hiện đại để làm công tác tuyên truyền. Nhưng chiếc máy ảnh Praktica ấy vẫn luôn bên tôi như người bạn tri kỷ của lứa tuổi đầy mộng mơ và lắm hoài bão những ngày đến giảng đường, những năm tháng trong quân ngũ và sau này chuyển ngành lên công tác ở miền biên giới Việt - Lào phía tây tỉnh Quảng Trị, với hoạt động xuất nhập khẩu sôi động được thu vào ống kính.

 Kể từ ngày đó, tôi đã có nhiều ảnh đăng trên một số báo, tạp chí trung ương, báo địa phương và báo ngành; ảnh nghệ thuật tham dự một số cuộc triển lãm… vinh dự được nhận giải này, giải nọ. Có được chút thành công của bộ môn “nghệ thuật thứ 8” này, nhờ ơn chỉ dạy ban đầu của người thầy - nghệ sĩ nhiếp ảnh Sĩ Sô, tôi luôn khắc ghi, tri ân và không bao giờ quên.

Cái buổi trưa trời se se lạnh cuối năm ấy trên cầu Sông Hương, thành phố Huế, như là cơ duyên gắn kết tôi với ông từ bấy đến nay.

_________________

*Tác giả Hồ Sĩ Sô được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật cuối năm 2022 với với cụm tác phẩm gồm bộ ảnh: Fidel Castro - Quảng Trị một ngày lịch sử, 1973; và Bộ ảnh Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (1960 -1975).

 

NGUYỄN XUÂN SANG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 340

Mới nhất

Đội ngũ văn nghệ sĩ phát huy truyền thống vẻ vang, không ngừng bồi đắp, xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tạo sức mạnh nội sinh cho phát triển đất nước*

8 Giờ trước

TCCVO - Chiều ngày 30/12/2024, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm gặp mặt đại biểu văn nghệ sĩ toàn quốc. Tạp chí Cửa Việt trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt.

Mây về thành phố

15 Giờ trước

Tôi làm đơn xin nghỉ phép để vào bệnh viện chăm chú Ngụ. Không gói ghém gì nhiều, chỉ cần bỏ vào túi cái khăn mặt, chai dầu gội, bàn chải đánh răng và một vài đồ dùng để phòng khi cần đến. Nhà tôi cách bệnh viện bốn cây số, cách nhà chú Ngụ năm cây, nó nằm trên hai trục đường khác nhau.

Dọn nhà cuối năm

15 Giờ trước

Đã thôi những cơn mưa dai dẳng, chỉ thi thoảng mới có vài thoáng phùn như là mưa xuân buổi sáng sớm, tới trưa hửng chút nắng kéo tận chiều. Xuân tới rõ ràng từ độ giữa tháng chạp.

Đặc sắc chương trình nghệ thuật Chào năm mới 2025

01/01/2025 lúc 17:24

TCCVO - Trong thời khắc chuyển giao sang năm mới 2025, tối 31/12/2024, tại Trung tâm Văn hóa Điện ảnh tỉnh Quảng Trị

Lễ hội Vì hòa bình 2024: Giá trị nhân văn để tiến vào kỷ nguyên mới

31/12/2024 lúc 09:36

 Năm 2024, dấu ấn đậm nét nhất trên mảnh đất Quảng Trị là lễ hội Vì hòa

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

04/01

25° - 27°

Mưa

05/01

24° - 26°

Mưa

06/01

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground