Đó là quê hương của những người dân bình dị mà can trường, của những người lính anh hùng trong các cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, của những bậc tài danh của đất nước; quê hương của những làng nghề truyền thống và cũng là mảnh đất của những điệu hò, câu lý với biết bao nghệ sĩ tài hoa. Nơi ấy còn sinh ra một người say mê với nghệ thuật sân khấu, viết kịch ngắn tâm huyết và nhiệt thành: Nguyễn Công Bảy.
Nguyễn Công Bảy - bút danh Tùng Thiện, là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị. Anh tốt nghiệp Đại học Sân khấu, chuyên ngành đạo diễn và chuyên ngành viết kịch ngắn. Tùng Thiện đã có nhiều kịch bản, tiêu biểu như: kịch ngắn Chiếc nón trôi sông, đoạt Huy chương Bạc Hội diễn toàn miền Bắc, năm 1962; kịch ngắn Gia đình cụ Dần, Huy chương Vàng Hội diễn toàn miền Bắc, năm 1965; kịch ngắn Tuyến chốt, Huy chương Vàng Hội diễn tỉnh Bình Trị Thiên, năm 1987; Giải Khuyến khích cuộc thi Sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học nghệ thuật chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương...
Gần đây Tùng Thiện cho ra mắt tập kịch nói một màn Gương mặt (NXB Thuận Hóa, 2021), gồm hai phần. Phần 1, có 3 tác phẩm: Gương mặt, Con rỉ, Cuộc đời với người lính. Phần 2, có 15 tác phẩm: Hương đất, Dốc trượt, Lạo, Mặt sàng, Tình yêu và đôi mắt, Ngày cưới, Rừng lạc, Mùa nước bạc, Châu riêng treo, Tông tích, Mắt lưới, Tảo mộ, Bến mới, Hoa của đất, Cái van. Cầm trên tay tập kịch ngắn một màn của Tùng Thiện, tôi đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bởi vốn sống phong phú, đa chiều và thâm trầm của người quê chân đất vui thú với ruộng nương, vườn, ao, chuồng như anh. Quả thật, các tác phẩm kịch của anh đã lôi cuốn tôi từ trang đầu đến trang cuối với những câu chuyện rất đời thường, diễn ra hàng ngày quanh ta, nhưng anh đã tư duy logic, sáng tạo ra những ngôn từ, lời thoại, tình tiết, mâu thuẫn và xử lý nó đầy tình người, tình đời và rất nhân văn
Đơn cử một vài tình tiết của ba vở kịch tiêu biểu để thấy rõ cái tài, cái tâm và vốn sống phong phú, đa chiều của anh. Trong vở kịch Gương mặt, Hà là một học sinh giỏi toàn diện của lớp 9A, có mẹ tên là Vinh. Giao, Lan Anh, Vũ là bạn cùng lớp với Hà. Bố Hà là một cán bộ có cỡ, đã lợi dụng chức quyền, tuyển Vinh (Mẹ Hà) - một cô gái trẻ đẹp, ngây thơ vào làm thư ký. Khi ông ta biết Vinh có thai đã hứa với mẹ Hà đủ thứ và chu cấp nhà, xe, nội thất xa xỉ, nhưng ông ta không sang tên của cải ấy cho Vinh. Hà đến trường, chơi với bạn bè họ trêu chọc không có bố, hoặc bố Hà không phải là bộ đội đã hy sinh như lời mẹ Hà kể. Và sự thật đã bày ra, bố Hà là một tên cặn bã, dối lừa, tha hóa. Qua nhiều tháng ngày đấu tranh tư tưởng giằng xé, cuối cùng mẹ con Hà xách va li ra khỏi ngôi nhà đó, sống một cuộc đời thanh bạch và tự trọng. Vở kịch có câu thoại ấn tượng của Hà: Lâu nay chỉ mình mẹ đeo mặt nạ. Bây giờ lại bắt con đeo thêm chiếc mặt mo này nữa sao?
Cuộc đời với người lính là kịch bản nói về người lính vào sinh ra tử, người còn sống trở về đời thường, đối mặt với muôn vàn khó khăn, cám dỗ. Song và Hiếu là vợ chồng quân nhân phục viên, buôn bán sắt vụn kiếm cơm qua ngày và lo cho ba đứa con đi học. Bỗng một hôm có người quen nơi đô thị tên là La (nơi Song an dưỡng sau bị thương ở chiến trường) gửi thư cho Song về việc tìm hài cốt lính Mỹ để bán 150 ngàn đô la/1 xác Mỹ. Một hôm Song đào bới một hài cốt đem về nhà mừng rỡ vì sắp có tiền vàng rồi. Hiếu (vợ Song) không đồng tình với Song kiếm tiền bằng cách: Mưu cầu sự giàu sang bằng xác chết của kẻ khác. Và: Là người mẹ như tôi phải trả lời sao đây cho các con nó biết: Có cái tội nào hơn cái tội sống bằng xác chết của kẻ khác nữa không. Không ngờ xương cốt Song đào được là xương cốt của đồng đội mình. Cuộc đấu tranh tư tưởng bán cốt để có tiền vàng và mua tiểu chôn cất người đồng đội diễn ra khá gay go. Cuối cùng Hiếu và Song đã chiến thắng vì nhân nghĩa, vì tình đồng đội và lớn hơn là vì xứng đáng là con người.
Chân ruộng treo là vở kịch nói bối cảnh nông thôn những ngày đầu Đổi mới, cái cũ còn nặng nề, cái mới vừa hé mở. Đó là cuộc đấu tranh cam go của đôi trai gái (Chân và Thủy) và bố Thủy là ông Hạ - một cựu chiến binh đồng đội của bố Chân đã hy sinh. Ông Hạ làm chủ nhiệm Hợp tác xã. Chỉ vì bọn xu nịnh, bần tiện, ăn chặn (như Điều) xúi giục mà ông Hạ can ngăn con gái (Thủy) không được yêu đương Chân (con trai của người đồng đội hy sinh). Ông Hạ đã đẩy Chân vào thế cùng quẫn. Điền (trợ lý của ông Hạ) đã ăn chặn số gạch của Chân làm ra, vì cho rằng: Chân chống đối cơ chế hợp tác hóa xã hội chủ nghĩa; cấp đất trồng lúa lại nấu gạch, theo lối làm ăn của tư bản chủ nghĩa... Chân đã khẳng khái nói với ông Hạ: Bác nên cảnh giác. Những con rắn độc bao giờ lưỡi nó cũng đỏ, những con rắn lưỡi đỏ là rắn cắn chết người... Thế nhưng, ông Hạ vẫn không vượt qua sự nịnh bợ của Điền và đã ký giấy thu hồi số gạch và bắt Chân nộp 290.000 đồng vì gia đình Chân thiếu hụt sản lượng trong hai vụ. Gia đình Chân không có tiền nộp, bà Nồng (mẹ Chân) đã dỡ bàn thờ chồng (bố Chân) đem bán lấy tiền nộp. Thủy con gái ông Hạ (người yêu Chân) đã bí mật bán máu lấy tiền để nộp thay gia đình người yêu. Ông Hạ phát hiện và định tát con gái, nhưng Chân ngăn lại. Chân đã nói với ông Hạ những lời sắc bén mà chua cay: Bây giờ, hiện tại trên mảnh đất này, kẻ thù không phải mặt đối mặt như thủa nào bác với ba cháu cầm súng mà nó đang đứng sau lưng, thậm chí đứng cả trên đầu, trên cổ chúng ta, chúng đã lợi dụng bác, biến bác thành cái bóng che chở cho chúng, hóa thành con rối cho chúng sai khiến. Và Chân đã sập hầm đào vàng của Điền, bỏ lại làng quê, bỏ lại mẹ và Thủy... Cái chết của Chân đã thức tỉnh lương tri ông Hạ và ông Hạ thốt lên: Trời ơi, biết lúc nào tôi trả hết món nợ này cho các con tôi. Tôi cũng đã từng bị 5 vết thương chiến tranh, tôi biết thế nào là nỗi đau xé thịt da... còn bây giờ... bây giờ vết thương gì mà xói lở lòng tôi thế này... con ơi... cháu ơi...
Tập kịch Gương mặt là tập kịch nói một màn với giọng điệu khác nhau nhưng đều phản ánh hiện thực đa chiều cuộc sống. Ta đọc Gương mặt sẽ bắt gặp dáng dấp quê mình, thân phận nhân vật rất quen, rất gần, đôi khi ngỡ sự việc xảy ra ở làng thôn, người quen thân của mình vậy.
Có thể khẳng định đây là tập kịch nói có giá trị nhiều mặt cả nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật. Tôi thật sự bị lôi cuốn bởi những câu chuyện được kịch hóa và trân trọng tinh thần lao động sáng tạo nghiêm túc và trách nhiệm, nhiệt huyết của tác giả Tùng Thiện. Khi biết anh đang trên giường bệnh chống lại cơn bạo bệnh mà vẫn biên tập, chọn lựa để kịp xuất bản tập sách kịch nói này thì tôi càng cảm phục trân quý nhiều hơn.
Tập kịch Gương mặt vừa mới xuất bản, Tùng Thiện cầm sách bằng tay run run nước mắt trào tuôn và chỉ mấy ngày sau anh từ biệt cõi tạm về cõi vĩnh hằng.