Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đêm Quảng Trị và ông tướng làm thơ

T

rưởng trạm giao liên N32 trao cho tôi bức điện "Đoàn văn công đến trạm N32, nghỉ lại một ngày. Rẽ xuống K14, nhận nhiệm vụ. Tín".

Chúng tôi mừng. Đi bộ từ Quảng Bình vào đã quá ba tuần lễ. Dốc cao, đường dài, vác nặng. Đi mỗi bước là thêm một cảm xúc thiêng liêng nhưng mệt quá. Ca múa, nhạc, kịch là dân chân yếu tay mềm. Lớp có tuổi thì đầu gối cũ lạc, sống lưng uể oải dây chằng. Lớp non tơ thì bộp bạp. Có thịt mà chưa có gân. Vào đến quân khu còn mấy trạm nữa. Chỉ mong có ai đó hạ lệnh dừng hành quân.

Chúng tôi lo. Đã có mấy chữ nhận nhiệm vụ trong bức điện là biểu diễn rồi. Nhiệm vụ mà chúng tôi nhận từ Quân ủy Trung ương, từ tấm lòng tin cậy của ông Nguyễn Chí Thanh, của những bạn bè Quảng Trị - Thừa Thiên Huế tập kết ra Hà Nội… là biểu diễn. Chúng tôi mang phần "văn hóa của cuộc chiến tranh" ra mặt trận. Chúng tôi biểu diễn từ những trạm giao liên bên Bắc đường 9. Buổi biểu diễn nào cũng được hoan hô, cổ vũ. Nhưng nhiệm vụ mà người ký vào bức điện cái tên "Tín" gọn gẽ kia là gì?

Việc gấp gáp nhưng là việc gọi đến mình trong niềm hưng phấn. Việc của ba mươi bảy anh em hăm hở từ Hà Nội vào đây. Một ngày nghỉ nhưng là một ngày tập duyệt các tiết mục say mê. Chúng tôi chưa có một điệu múa, bài ca nào phản ánh được khí thế của chiến trường Trị Thiên năm 1966 - 1967. Nhưng chúng tôi có sức Hà Nội phơi phới trong từng khuôn mạt, tấm lòng. Và dù là một vở kịch của Ngô Y Linh ở chiến trường Nam bộ, dù là màn chèo của Đăng Thục và Hoài Giao ở châu thổ sông Hồng thì cái gì mà không liên hệ máu thịt với chiến trường chúng tôi vừa đặt chân đến.

Tôi thức trắng một đêm ở trạm giao liên N32 này. Vì cái tên ký dưới bức điện ấy. Phải là một thành viên chỉ huy cao cấp của chiến trường này. Giao nhiệm vụ cho một phân đội nhỏ khi chưa biết thuộc hạ của mình là ai. Gọi một đoàn nghệ thuật đến nơi gặp tao ngộ thì nếu là tướng phải là song toàn song võ. Nếu nơi gặp đang là trận mạc, gọi một đơn vị "thân là bóng lượt" đến là trăm sự nhiêu khê rềnh ràng bước võ công của người chủ soái. Nhưng nếu biết khúc sênh ca, câu hò điệu lý thúc thêm ngọn lửa quyết thắng thì người lý là Tín kia phải nhất mực đa tình. Chí ít cũng là người ấp ủ bóng thi nhân.

Tôi muốn cuộc sơ kiến này phải thật ấn tượng. Tôi nằm bên cạnh Lê Lự. Chúng tôi xin giọng ngâm thơ miền Trung này ở quân khu 4. Và tôi chắc Lê Lự sẽ là tiền vệ tiếp ứng cho tôi đủ thuận lợi ghi bàn khi vào trận.

- Lự. Mai dẹp mọi việc và cố gắng học thuộc, ngâm hay bài thơ nhé.

- Được, thơ đâu, đưa đây.

- Là nói trước vậy. Thơ đã viết đâu.

* * *

Tôi lén ra bờ suối. Bốn bề im ắng như thưở khai thiên lập địa nơi đây chưa biết mùi chiến trận là gì. Nhà trạm giao liên dựng chìm trong đất núi. Tôi ngỡ mình là một nhân vật của huyền thoại nào đó hiện về. "Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận đánh. Thủ pháo rung rung đầu kíp nụ xòe". Tôi sắp bùng nổ vào cuộc chiến này. Cái ý nghĩ đó lóe lên từ khi lội qua sông Bến Hải chỗ Hói Cụ. "Đêm kỳ diệu…rồi đêm nghìn đời…" Tôi "viết" Đêm Quảng Trị trong đêm trầm. Không giấy mực, không đèn bút. Như một nhà ảo thuật nuốt vào bụng "một quá khứ" đầy kỷ niệm rồi kéo ra một bài thơ dài 60 câu. Sau này khi nhớ lại, nhất là khi lăn qua nhiều thử nghiệm thi pháp, tôi biết bài Đêm Quảng Trị chỉ có một câu. Một câu dài 480 từ, nối bằng một thứ vần có nhạc, đọc tên là nhớ. Sau này, tôi cũng chưa bao giờ chấm điểm cho bài thơ này. Tôi vốn không màng thi với thưởng. Nhưng đêm sinh đẻ ra Đêm Quảng Trị là một quảng âm vô cùng đẹp trong cuộc đời tôi. Tôi không ngờ lại có đêm trở về Quảng Trị - Như con đẻ của đồng sâu núi dựng mà cuộc chiến đấu tử sinh này gọi về.

Tôi vốn là người Hà Tĩnh. Vào Quảng Trị để "Theo anh Vận đánh trận Nam Đông" từ những ngày đầu đánh Pháp. Vào Quảng Trị để hát hò với Đá Nổi (Ba Lòng), Gia Độ (Cửa Việt) để bây giờ thảng thốt được vào thơ "Sông Ba Lòng ơi ta muốn áp tai nghe. Đôi bờ phì nhiêu phập phòng ngực thở. Ta cúi hôn từng cụm lá chua me…"

Cũng không ít câu mòn sáo, lên giọng, lên gân. Nhưng biết làm sao được. "Một lớp học em ta rung trong tầm đại bác. Gọi lòng ta vuốt nhọn mũi lê đâm". Rồi "Đêm Quảng Trị giục canh gà gọi sáng. Cờ ta bay đỏ rực lũy tre làng". Hình như sau này tôi hàm súc hơn trong sáng tạo ý, câu. Nhưng cái khuôn sáo trong "Đêm Quảng Trị" ăn đứt phần thành thật trong lòng tôi với mảnh đất này.

* * *

Chúng tôi vào nhà hầm của Sở chỉ huy tiền phương. Tôi khẽ reo lên "Ôi, anh Chưởng. Thiếu tướng Lê Chưởng". Anh Chưởng kéo tôi vào gần "Tưởng Vũ Ngàn Chi là ai. Té ra là mi à!".

- Thì tôi cũng mất một đêm đoán già đoán non về cái tên "Tín" ký dưới bức điện của anh đó thôi.

Tất cả căn hầm như rung lên vì trận cười gặp gỡ.

Các tiết mục biểu diễn được hoan nghênh nhiệt liệt. Người xem bao dung. Người xem cởi mở. Và gần cuối chương trình, tôi bước ra. Lê Lự theo tôi và "Đêm Quảng Trị" được xuất bản bằng giọng nhâm này lần thứ nhất. Tất cả im lặng. Như có thể nghe rõ chiếc lá rừng trở mình tránh cái nắng Quảng Trị khắc bạc. Ông Lê Chưởng đứng dậy cầm tay tôi và ngoảnh lại phía người xem "Nghe lần nữa hí. Lần ni tác giả đọc. Vũ Ngàn Chi tức Phạm Ngọc Cảnh đọc".

Lần đọc này khác lần "viết" đêm qua. Những khuôn mặt đang ngồi nghe tôi đều biến dạng. Này là anh Hà Văn Lâu, Trần Qúy Hai, Nghiêm Kình. Này la nhà viết kịch Bửu Tiến, Đình Quang, Cao Xuân Hạo. Này là Tân Nhân, Quang Tụng, Xuân Đàm, Minh Tịnh… Họ về đây cả, vây quanh lấy cái "Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận đánh". Ông Lê Chưởng rút khăn, chấm chấm lên khóe mắt. Đó là lời chia sẻ với tôi. Tôi nhìn thẳng vào ông và hầu như ông nghe hết những gì tôi đang khát cháy sau sáu mươi câu thơ trong bài "Đêm Quảng Trị". Tôi cũng đang nghe ông. Niềm khát cháy vì quê hương. Từ cái đêm thành lập chi bộ phường Sắn rồi ông ra đi. Trở thành một người cộng sản rồi một chiến sĩ. Từ một tay súng đánh Pháp ông có mặt ở trận Điện Biên trong đội hình chiến đấu của đại đoàn 304. Từ người đứng đầu cơ quan tuyên huấn của quân đội đến vị tướng lãnh đạo dọc viện chính trị của toàn quân rồi trở về quê hương Quảng Trị.

Cuối buổi biểu diễn, ông gặp tôi. Kéo tôi ra bờ suối vắng và hỏi nhỏ:

- Có muốn về Ba Lòng không?

- Bao giờ ạ? Tôi hỏi lại.

- Vài đêm nữa, sẵn sàng chứ.

- Vâng. Tôi đã có mặt ở quê hương của anh rồi.

Cả quân khu không ai biết chuyện này. Nhất là các đồng chí cán bộ ở cơ quan bảo vệ. Tôi mới vào quân khu và chưa kịp nộp lý lịch để xét độ an toàn khi chọn một người tham gia trận đánh lớn. Tất nhiên tôi cũng biết phận tôi. Ông Lê Chưởng "phá luật", cho tôi dự trận đánh vào cứ điểm của Mỹ ở Ba Lòng. May ra thì đứng ở vòng ngoài mà ngắm quang cảnh "nở hoa trong lòng địch". Năm ấy chiến thuật này của bộ đội đặc công ta đang làm Mỹ Ngụy kinh hoàng.

Có khâu nào đó trong công tác chuẩn bị đánh giá tình hình giặc Mỹ ở Ba Lòng chưa tốt, Bộ Tổng tham mưu không cho nổ súng. Ông Lê Chưởng và toàn bộ các sĩ quan tùy tùng theo ông về quân khu.

- Gặp lại ở quân khu hí. Còn nhiều cơ hội  ra trận.

Tôi nhìn theo vị tướng lội qua suối ra đường trục. Chỉ khác mọi người là ông không phải đeo ba lô. Bóng ông lẫn vào đám người mặc áo cổ vuông, quần đùi, tay chống gậy và đầu đội mũ tai bèo.

* * *

Mấy chục năm ở cùng một cơ quan Tổng cục chính trị, ông chỉ biết tôi là một diễn viên kịch nói. Trước ngày trở về quê hương chiến đấu ông và bà Diệu Muội còn đến xem tôi diễn vở "Nổi gió". Tôi cũng chỉ biết ông là vị tướng đức độ. Vào Trường Sơn tự nhiên tâm đắc như anh em, bạn bè. Bởi thơ là cầu nối. Ông võ vẽ nên cần có tri kỷ tri âm. Văn công quân khu ở cách địa đạo của ông một quả núi, một con suối nhỏ. Có đêm, đã sang canh ba canh tư gì đó, công vụ của ông sang tôi.

- Chú Tín mời anh sang chơi.

Ông đón tôi tận cửa hầm. Phần vì ánh lửa không tỏa tràn khuôn mặt, phần vì ông vỗ tay lên trán liên hồi. Tôi hỏi ngay: "Anh ốm à?". "Không, ốm đau chi mô. Làm bài thơ, đang bí. Không sao chợp mắt được. Liền gọi nhà thơ sang gỡ giúp cái thế cam go đang hành hạ đó."

- Bí thơ còn hơn ốm đấy anh Tín ạ.

Ông cười. Chia cho tôi một bao thuốc lá Quân Tiếp Vụ.

- Có lẽ thế thật.

Chiều hôm ấy, bản tin Hà Nội vọng vào. Không quân Mỹ leo thang vào Thủ Đô. Đài tiếng nói Việt Nam có bài bình luận gay gắt và hùng hồn. Ông bỏ cơm và ngồi vào bàn nứa cạnh bếp lửa. Bài thơ "Hà Nội lòng ta" ra đời. Nhưng quả là "ca đẻ khó" nên ông gọi tôi. Nhuận bút của ông mấy câu thơ gỡ bí cho ông là bát cháo gà. Không biết công vụ của ông tìm đâu được chú gà lớn bằng hai con chèo bẻo.

Nhiều lần sau, ông gọi tôi sang. Khi là một cuộc đàm đạo về nội dung. Khi tôi phải dựng giáo án vừa thuyết trình về thể loại. Cuộc nào cũng được mời ở lại ăn cơm. Và bên đoàn văn công, anh em được dịp xẻ xuất ăn của tôi thêm cho mỗi người một thìa.

Một lần tôi theo ông xuống đơn vị. Trên đường có bao nhiêu chuyện kể. Nhờ ông mà tôi thuộc hơn về Quảng Trị, dù kháng chiến lần trước tôi đã ngang dọc dưới đồng bằng. Khi Gia Đẳng, Phù Liêu. Khi An Cư, Mai Xá. Đến trạm nghỉ, ông vừa dừng bước là công vụ, bác sĩ kéo ngay vào hầm. Đo huyết áp, rồi tiêm, rồi uống. Tôi ngồi ngoài bóng cây mà hút thuốc ung dung.

- Nhà thơ kí - Ông chỉ tay về phía tôi - Quý hiếm kém gì mà có tiêm chích gì đâu. Sao cứ nhằm vào tôi. Nói rồi ông cười. Bởi các sĩ quan, bác sĩ tháp tùng ông cứ theo "điều lệnh" mà làm, không mảy may thay đổi.

Quá trưa, chúng tôi dừng ăn cơm nắm. Một tốp đồng bào Tà Ôi đi qua. Đã chấm chân vào suối rồi họ còn quay lại. Họ nhìn chằm chằm vào từng nắm cơm. Những con mắt như muốn lồi bật ra mà bay tới chúng tôi. Ông Chưởng vẫy họ lại gần. Dốc gói muối còn nhúm hạt vào từng bàn tay đồng bào ngửa ra. Chúng tôi làm theo. Mấy bà mẹ già đè cái lưỡi ấn chặt xuống lòng bàn tay. Phần hạt chia cho con cháu cả rồi. Ông Chưởng đi về phía suối. Vờ như đi rửa tay, rửa mặt. Tôi biết ông khóc. Chúng tôi tiếp tục lên đường mà mắt ông còn đỏ hoe. Nét nào trên khuôn mặt ông cũng già xọm lại.

* * *

Ở cuộc chống Mỹ trên quê hương, nét thi sĩ trong ông hun đúc thành gánh mặng. Võ vẽ ra câu chữ, ý tứ nhưng sâu nặng ở tấm lòng. Tôi quý ông. Không phải vì ông là người cuối cùng ở cấp quân khu ký vào quyết định đề bạt hay cảnh cáo tôi mà vì ông nặng nợ với con người. Tôi đã từng biết có vị cán bộ cao cấp nọ chia cái gậy đi rừng cho đồng bào dân tộc nắm lấy thay cái tay chào hỏi: "Biết chi mà bắt tay". Câu nói phủ phàng ấy như gió độc ở Trường Sơn nơi tôi ở một thời.

Ông Chưởng khóc trên hạt muối nghèo. Sau Mậu Thân 1968, ông khóc nhiều hơn. Đôi khi là sau một cuộc họp Khu ủy hay cái gì gì đó. Nét thi sĩ ấy không giữ ông lâu trên cương vị tướng Chính ủy quân khu. Tôi chỉ gặp ông béo tốt, phương phi ngoài trận mạc. Như đêm đầu tiên ở Quảng Trị, ông ra thị sát trận Ba Lòng. Như đêm rời căn cứ đi đánh Huế năm 1968. Rồi ông được gọi về hậu phương. Rồi ông bất đắc kỳ tử vì một tai nạn giao thông. Rồi ông là tấm ảnh được bà Diệu Muội phóng to sau bát hương nghi ngút khói. Tôi nhìn lên khuôn mặt hiền từ ấy mà nhẩm đọc để thương ông. Tôi nhẩm đọc bài "Đêm Quảng Trị". Bài thơ mà ông thích. Và ông đã không giấu nổi trong đêm địa đạo tù mù ánh lửa "Nghe Cảnh đọc Đêm Quảng Trị, mình náo nức làm thơ". Mấy chục năm nay, tôi không gặp lại ông để hỏi rạch ròi. Việc cù rủ ông vào thi nghiệp là công hay tội? Ông tướng làm thơ, bây giờ là chuyện đã thường. Bây giờ là mốt xướng hóa để tỏ bày cái chí khí một thời. Ông làm thơ từ trận mạc. Để mà rơi nước mắt, để mà gầy xọp đi. Để mà chuốc cái khổ vào thân. Dù cái thân đã cõng cái tuổi sang khúc xế già.

Tôi nhớ ông. May là có những bài thơ võ vẽ của ông. Có dịp đi học miền Trung bằng tàu hỏa hay bằng xe, tôi hướng lên phía núi. "Đêm Quảng Trị dắt ta vào trận đánh". Tôi nhẩm đọc như một lời vái tạ.

                                                                                               P.N.C

Phạm Ngọc Cảnh
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 59 tháng 08/1999

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground