Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gặp lại chứng tích tâm thức một thời

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng sinh năm 1939 tại Huế, nguyên quán làng Quảng Điền, xã Triệu Đại, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Khi mới ngoài hai mươi tuổi, bà đã viết tác phẩm đầu tay là truyện dài kỳ Vòng tay học trò đăng trên tạp chí Bách khoa năm 1964. Đến năm 1966, Vòng tay học trò được xuất bản thành sách, được tái bản bốn lần chỉ mấy tháng sau đó với trên hai vạn bản. Tác phẩm đầu tay vừa được bạn đọc nồng nhiệt đón nhận nhưng cũng gây nên những ý kiến trái chiều.

Đó là câu chuyện về một cô giáo trẻ đẹp tên Trâm từ Sài Gòn lên Đà Lạt dạy học trường nam sinh. Căn nhà cô ở có hai tầng rộng rãi nên cho một nam sinh tên Minh ở nhờ. Cậu học trò bản tính mạnh mẽ phóng khoáng, hút thuốc uống rượu và cả ngỗ nghịch tuổi trẻ. Tưởng như trái ngược về cả cách sống và khoảng cách tuổi tác, thứ bậc, song giữa cô và trò lại nảy sinh tình cảm sâu đậm. Thứ tình yêu vượt qua những giới hạn, phải vật lộn giữa những dị nghị bên ngoài lẫn xa xót bên trong tâm hồn mỗi người. Câu chuyện tình rơi vào bế tắc ấy được giải tỏa bằng xung đột nội tâm mạnh mẽ ở kết truyện, bạn đọc phải đi hết hơn bốn trăm trang sách mới biết được.

Vòng tay học trò được Nguyễn Thị Hoàng viết liên tục bằng tay trên giấy chỉ trong một tháng. Viết một hơi mấy chục trang vứt bừa bộn giữa nhà. Đến một hồi thì mới ngưng để xếp lại và chuyển luôn cho nhà xuất bản không kịp đọc sửa. Sự say đắm trong lối làm việc ấy là bởi truyện dài kỳ trên báo đòi hỏi và bởi câu chuyện đầu tay này được viết nên từ những trải nghiệm chính cuộc đời tuổi hai mươi của tác giả.

Nguyễn Thị Hoàng và Vòng tay học trò không chỉ là hiện tượng, bởi mười năm tiếp theo, bà cho ra đời thêm gần 30 cuốn sách gồm tiểu thuyết và truyện ngắn, chứng tỏ năng lượng sáng tạo dồi dào và lối làm việc nghiêm túc. Sau đó, từ năm 1975 dường như Nguyễn Thị Hoàng không còn xuất bản thêm nữa, chỉ xuất hiện hiếm hoi một vài bài viết. Những tưởng chìm vào quên lãng thì thật may, đầu năm 2021, công ty sách Nhã Nam và NXB Hội Nhà văn cho ấn hành trở lại 5 tiểu thuyết của Nguyễn Thị Hoàng, đó là: Vòng tay học trò, Một ngày rồi thôi, Cuộc tình trong ngục thất, Tiếng chuông gọi người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh.

Tác phẩm Nguyễn Thị Hoàng được in lại khiến bạn đọc thích thú với bìa sách kiểu xưa. - Ảnh: T.A

Tác phẩm Nguyễn Thị Hoàng được in lại khiến bạn đọc thích thú với bìa sách kiểu xưa. - Ảnh: T.A

Một ngày rồi thôi bắt đầu từ biến cố hạnh phúc một gia đình ở Huế. Khi người vợ bỏ đi, người chồng chìm trong những u uẩn đau xót tiếc nuối. Đó cũng là khoảng thời gian biến đổi tâm lý sâu sắc hai người con gái: Diễm và Nguyện. Câu chuyện đi vào những vòng luẩn quẩn của tình yêu, sự thứ tha, những mặc cảm tội lỗi, cả những tư tưởng phong kiến áp đặt và chi phối. Ba tiểu thuyết Tiếng chuông gọi người tình trở về, Tuần trăng mật màu xanh, Cuộc tình trong ngục thất đều cùng chung một chủ đề và không khí của những năm đầu 1970, thời chiến trận đỉnh cao khắc nghiệt, khi ấy cuộc sống và tâm trạng của những người trẻ bị chao đảo song vẫn đầy khao khát tự do thanh bình.

Tác phẩm Nguyễn Thị Hoàng đều dày dặn về dung lượng và có một hệ thống nhân vật khá phong phú, một bối cảnh mật tập những nơi chốn nổi tiếng ở Huế, Sài Gòn và Đà Lạt. Từ sự trải nghiệm nơi vùng đất sống, nhà văn đưa vào tác phẩm một cách sinh động và sử dụng ngôn ngữ hội thoại tự nhiên, gần gũi. Có thể bắt gặp những ký ức xưa qua hình ảnh chiếc xe Peugout, ngôi nhà lầu cũ kỹ mà trước cổng thường gắn biển đề “đi vắng”, điệu huýt sáo những bản nhạc ngoại...

Ở cửa phòng khách, Trâm treo một miếng bìa dày, hai mặt viết “Đi vắng” một chữ xanh, một chữ đỏ. Trâm dặn một vài người bạn thân hễ thấy chữ đỏ lật ra phía ngoài là chủ nhà đi vắng thật. Nếu chữ xanh thì đi vắng giả nghĩa là có ở nhà, cứ việc gõ cửa vào. Như vậy người lạ lúc nào cũng thấy đi vắng và Trâm khỏi phải tiếp những người không thân. Những lúc cao hứng, muốn tiếp cả khách thập phương không cần “tuyển lựa tài tử” thì Trâm dẹp luôn cái bảng đó. (Vòng tay học trò)

Tiểu thuyết dài kỳ trên báo xưa mà người ta gọi là feuiletton thường chủ ý diễn đạt chi tiết và nhiều hội thoại. Văn Nguyễn Thị Hoàng cũng thế, viết kỹ càng đến mức đọc vào cảm giác nhìn thấy được cảnh sắc. Dù là Đà Lạt, Sài Gòn hay Huế cũng đều có những góc đường, những khu vườn, những căn nhà được miêu tả nên thơ.

Tất cả bỗng trở về thật đột ngột một buổi sáng, một phút giây nào đó trong căn phòng thơm mùi phấn son và nước hoa của Hảo, Hiệp bỗng lắng nghe im hơi tiếng guốc giòn giã reo vui ngoài đường nhựa, tiếng một gánh hàng nặng trĩu kĩu kịt đòn gánh đi về phía chợ đông, và đâu đó, như từ ấu thơ vọng lại, tiếng kêu vù vù của những con ruồi xanh đuổi bắt nhau trong thinh không giăng mắc tơ trời óng ánh. (Một ngày rồi thôi)

Một câu văn dồn nén như một đoạn văn. Đấy là lối văn đẹp đến bàng hoàng khi nhà văn vừa lột tả cả không gian, thời gian và tâm trạng người trong không gian ấy. Viết kỹ và viết nhanh là một đặc điểm sáng tác của Nguyễn Thị Hoàng, bởi theo bà dù viết tay hay viết bằng máy chữ thì tốc độ cũng nhanh bằng hoặc nhanh hơn tốc độ những gì chất chứa.

Tiểu thuyết đương đại hôm nay với những kỹ thuật mới đôi khi bị bạn đọc coi khó hiểu, đánh đố. Thì đọc lại các tác phẩm Nguyễn Thị Hoàng, ta như được thư giãn thật sự, vì lối kể chuyện tuyến tính trình tự. Nhưng nói như thế không có nghĩa là Nguyễn Thị Hoàng thiếu những cách tân về tiểu thuyết. Ta có thể thấy thủ pháp cắt chuyển cảnh mà đến nay các tiểu thuyết gia đang sử dụng thì từ năm mươi năm trước, Nguyễn Thị Hoàng cũng đã áp dụng trong Một ngày rồi thôi rất tự nhiên và có nghề.

Điều đáng nói trong lần in này là sách được làm công phu, bìa cứng, bên cạnh bản in phổ thông còn những bản đặc biệt cho giới chơi sách sưu tập. Bìa sách được vẽ theo phong cách Retro gợi nhớ một thời quá vãng. Hình thức ấy cũng hài hòa với nội dung, bởi văn xuôi Nguyễn Thị Hoàng có thể xem là dòng văn chương đô thị, với những thay đổi mạnh mẽ trong ý thức người viết nhờ tiếp nhận các tư tưởng hiện sinh mới.

Vì em? Không, Minh lầm, tôi ích kỷ và không bao giờ vì ai cả. Nếu Minh cảm thấy tôi liều cho Minh, tôi làm gì cho Minh là vì tôi cảm thấy sung sướng được làm thế. Tôi tìm niềm vui cho tôi, tôi mặc những ảo tưởng hạnh phúc cho tôi, tôi tự mang cho mình những nhãn hiệu… Tôi vì tôi, vì mình tôi. (Vòng tay học trò)

Đọc lại Nguyễn Thị Hoàng như sống lại cả một quãng thời gian giữa thế kỷ hai mươi đầy biến động, ở đó con người vẫn khát khao sống và yêu, vẫy vùng để vượt qua những giới hạn rào cản. Và như thế, người đọc cùng gặp lại chứng tích tâm thức một thời.

 

TRÚC AN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 337

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

44 Phút trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground