N |
guyễn Bính là một nhà thơ tiêu biểu cho một khuynh hướng thơ ca rất đáng trân trọng của phong trào Thơ Mới. Khuynh hướng quay về với cội nguồn dân tộc. Thời kỳ Thơ Mới (1932 - 1945) trong khi các nhà thơ khác muốn đột phá bằng cách thể hiện cái mới mang màu sắc phong cách phương Tây thì Nguyễn Bính lại không đi tìm cái xa xôi để thể hiện mà đột phá trên chính “mảnh đất quê hương”, mảnh đất của đồng bằng Bắc Bộ, cái nôi của truyền thống văn hoá Việt. Nhà thơ vẫn đắm say, mơ mộng với hồn quê, cảnh quê mộc mạc, chất phác với cách ví von so sánh ý nhị duyên dáng với thể thơ 5 chữ, 7 chữ và thơ lục bát truyền thống.
Thơ Nguyễn Bính gần gũi với mọi người, nhất là tầng lớp bình dân nơi thôn dã. Thơ ông giản dị, dễ hiểu, gần với lời ăn tiếng nói của quần chúng lao động. Tiếp thu và học tập văn hoá dân tộc, tìm tòi cách thể hiện mang màu sắc thơ ca dân gian truyền thống và có những cách tân sáng tạo.
1. Hình ảnh làng quê thuần nông:
Trái tim của một người con yêu quê hương cùng với một tâm hồn đa cảm, nhạy cảm của Nguyễn Bính đã cộng hưởng cùng với hồn quê lúa nước vỗ mênh mang theo nhịp sống hàng ngày. Cái hàng ngày mộc mạc tưởng như chẳng có gì qua hồn văn hoá quê lúa nơi ông sinh ra bỗng có sức hút đến lạ kì khiến ai đi xa cũng nhớ về xứ sở:
“Nhà gianh thì sẵn đấy
Vợ xấu có làm sao
Hoa súng nở đầy ao
Mấy sào vườn đất mới
Giồng dâu và giống cam
Không ngại xa người tới
Thăm tôi tôi cảm ơn...”
(Thanh Đạm - 1963)
Và trong bài Thủơ trước:
“Sáng giăng chia nửa vườn chè
Một gian nhà nhỏ đi về có nhau”
Đó là cuộc sống yên bình giản dị hạnh phúc và thơ mộng. Giản dị là một nét văn hoá mộc mạc mà đáng quý trong đời sống của người dân đất Việt.
Mỗi nhà thơ, nhà văn do cảm quan do vốn trải nghiệm và sở trường mà có những nỗi ám ảnh riêng để rồi xây dựng cho mình những biểu tượng trong từng tác phẩm. Ở Chế Lan Viên là tháp đỗ, ở Hàn Mạc Tử là trăng - hồn, ở Thế Lữ là hồ - rừng... và trên cái nền văn minh nông nghiệp lúa nước, Nguyễn Bính đã dừng lại với nỗi ám ảnh của thôn quê đó là Mảnh vườn. Hẳn không ngẫu khi ông chọn điều đó và để rồi cứ lặp đi lặp lại nhiều lần với những định ngữ: vườn nhà, vườn ai, vườn cam, vười dâu, vườn trầu, vườn cũ... “Vườn” với nhiều ý nghĩa khác nhau được thể hiện phong phú trong thơ Nguyễn Bính ví như:
“Em ơi em lại ở nhà
Vườn dâu em đốn mẹ già em thương”
(Lỡ bước sang ngang)
Ở đây “vườn” là nhà khi người chị dặn dò em trước lúc sang ngang.
“Vườn” còn là quê hương khi:
“Đem thân về chốn vườn dân cũ
Buồn cũng như khi chị lấy chồng”
“Vườn” là kỉ niệm tuổi thơ khi Nguyễn Bính viết:
“Nhưng mộng mà thôi, mộng mất thôi
Hoa thừa rượu ế ấy tình tôi
Xa rồi vườn cũ hoa cam rụng
Gặp lại nhau chi muộn mất rồi”
“Vườn” lại mang nét nghĩa hạnh phúc
“Như chuyện Tương Như và Trác Thị
Đưa nhau về ở đất Lâm cùng
Vườn cam trắng xoá hoa cam rụng
Tôi với em Nhi kết vợ chồng”
(Hoa với rượu)
Cũng không hẳn vì nơi chôn nhau cắt rốn của nhà thơ có nhiều vườn tược hoặc các nhân vật trữ tình trong thơ ông gắn bó với nghề làm vườn mà có lẽ như ông Đỗ Lai Thuý đã lí giải bởi một nguyên nhân sâu xa nằm trong cõi tâm linh của người Việt. Cuộc sống ban đầu của dân tộc ta là săn bắt hái lượm rồi tiến dần đến làm nương, làm rẫy. Dần dà dân ta tràn xuống đồng bằng để trồng lúa nước, ruộng trở thành không gian sản xuất chính. Lúc đó nương lui về phái sau, mang chức năng hoài niệm, tín ngưỡng và được bảo lưu trong biến thể của nó là vườn.
Với biểu tượng nông thôn là vườn, thi nhân đã quay trở về với cội nguồn như một nhu cầu để giải thoát trước cuộc sống công nghiệp đang xâm lấn vào xứ sở. Đồng thời tác giả đã lồng dân gian vào dân tộc, tạo ra một hình ảnh “chân quê” lưu dẫn tinh hoa của nền văn minh thôn dã vào văn minh đương đại để rồi từ đó ta không chỉ thấy cái nhìn gần gũi của tác giả mà còn là cái nhìn xa trông rộng, bởi lẽ thay đổi hình thức sẽ thay đổi luôn cả nội dung. Đó cũng là cách nghĩ của người Việt trước sự hiện đại hoá đô thi hoá lúc bấy giờ.
Hình ảnh nông thôn Việt
Những ngôn từ miêu tả giàu hình ảnh, dễ nhận thấy nhưng để nắm bắt được giá trị của những tín hiệu thẫm mĩ thì người tiếp nhận phải là chủ thể đồng sáng tạo mới thấu hiểu được ẩn ý của nhà thơ. Ví như:
“Thông thả dân gian nghỉ việc đồng
Lúa thì con gái mướt như nhung
Đầy vườn hoa bưởi hoa cam rụng
Ngào ngạt hương bay bướm vẽ vòng”
(Xuân về)
Hoặc
“Lợn không nuôi đặc ao bèo
Giầu không dây chẳng buồn leo vào giàn
Giếng khơi mưa ngập nước tràn
Ba gian đầy cả ba gian nắng chiều”
(Qua nhà)
Tất cả đều thể hiện nguyên vẻ thanh bình thôn dị của cuộc sống làng quê. Sắc đỏ của tình yêu cuộc sống ấy bừng cháy từ hoa dâm bụt, quê kiểng ngả mình bên giếng làng vào thơ Nguyễn Bính như thắp lửa trong lòng người đọc. Và nắng vàng rực rỡ của ban mai rơi rơi để nhạt màu khi chiều tà cứ vương vấn hồn người xứ nhiệt đới gió mùa Việt:
“Chùm hoa dâm bụt bên bờ giếng
Nở đỏ như muôn cánh lụa điều
... Nắng vàng rơi mãi bên bờ giếng
Sao nắng vàng không hẹn một lời”
(Nhạt nắng)
Và trong thơ Nguyễn Bính chúng ta nhiều lần thấy xuất hiện những cụm từ: Tơ, tằm vườn dâu, gieo thoi, đưa thoi, nhuộm hồi... Phải chăng qua đó ta nhìn thấy một điều rất rõ về cái nghề truyền thống từ xưa của nông thôn Việt
“Em là con gái trong khung cửi
Dệt lụa quanh năm với mẹ già...”
Nói đến văn hoá Việt
“Nhà em có một gian giầu
Nhà tôi có một hàng cau liên phòng”
(Tương tư)
Ta còn thấy “trầu - cau” trong thơ ông không chỉ là những vật bình thường mà nó còn mang cả tâm trạng của con người:
“Thôn Đoài thì nhớ Thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”
(Tương Tư)
Những sinh hoạt văn hoá như lễ Chùa, hội làng, phường chèo cũng đựơc đổ bóng vào thơ ông:
“Khoá hội chùa Hương đã đóng rồi
Hội đền Hùng nữa, đám thôn tôi...
Mọi làng đặt mã lễ kỳ yên...
Cho khỏi ba Nàng đi rắc đậu...”
(Cuối tháng ba)
Để rồi cứ mỗi mùa xuân lại rộ lên với những đêm hội làng:
“Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay”
(Mưa xuân)
Sinh hoạt văn hoá làng là một phần không thể thiếu của nông thôn Việt
Tất cả các hình ảnh nói trên rất đỗi thân quen và ăn sâu vào tiềm thức cộng đồng người Việt. Bờ dâu xanh, ruộng lúa mướt, sắc hoa đỏ, cúc vàng, đêm hội làng. Tất cả đều có sức níu giữ con người không tuột khỏi gốc rễ, cội nguồn. Và quê hương mãi là nơi nương náu, là chốn tìm về, là sự đùm bọc, tái tạo sức sống của mỗi con người trong cộng đồng làng xã.
2. Hình ảnh con người chân quê nơi thôn dã:
Sau luỹ tre làng, dưới sự chở che của sự vật cây cối đó là những con người thôn dị, chân chất. Họ sống gắn bó với nhau hàng ngàn năm như thế bên cạnh đình làng, dòng sông, giếng nước và những sinh hoạt lao động khác.
Con người ở thơ Nguyễn Bính mang đậm bản sắc văn hoá phương Đông. Con người được đặt ngang hàng với vũ trụ. Trời đất nắng mưa cũng như con người tương tư nhung nhớ:
“Gió mưa là bệnh của trời
Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”
(Tương tư)
Đôi lứa với nhau, cây cối cũng nhớ nhau và miền không gian này nhớ miền không gian khác:
“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông
Một người chín nhớ mười mong một người”
Cảm quan nghệ thuật của người Việt cho phép tác giả tạo ra những tín hiệu thẫm mĩ đa nghĩa nói trên. Con người và thiên nhiên tương cảm, hoà hợp là một trong những nét đặc trưng của văn học phương Đông.
Đời sống sản xuất nông nghiệp đã rèn cho người Việt đức tính cần cù, nhẫn nại, chia sẽ, ôn hoà (đặc biệt là người phụ nữ). Cũng như từ đó tạo nên một đặc trưng văn hoá đáng lưu ý. Đó là văn hoá mang tính dung hợp mềm mại, thiên về hoà, hiếu thuận, linh hoạt, quyết đoán. Các nhân vật trong thơ ông là mẹ, chị, em gái, là cô yếm thắm, cô hái mơ, cô lái đò… Họ đều là người giữ được chữ Nhẫn nhận về mình những nỗi buồn đau, những khó nhọc với sự hi sinh thầm lặng, đó là lòng mẹ (Lòng mẹ). Sẽ là nơi an ủi vỗ về, là chỗ dựa tinh thần cho những tấm lòng xa quê ấy là tình thương của chị (Xuân tha hương). Và đặc biệt mạnh mẽ quyết đoán khi thiếu nữ cảm nhận “lòng thấy giăng tơ một mối tình”. Người con gái mảnh mai mềm mại như lụa trắng ấy đã đi tìm tình yêu. Không thụ động ngồi chờ sự an bài mà cô tự lựa chọn và đi đến với sự lựa chọn của mình trong đêm mưa hội chèo. Sự nhanh nhẹn, nhẹ nhàng của cô khi đi và sự lầm lụi khi trở về trong mưa nặng hạt (Dẫu là mưa xuân) nói lên sự mạnh mẽ quyết liệt trong hành động. Không gặp được người mình yêu cô cay đắng buồn tủi nhưng không mất hết hi vọng:
“Áo mỏng che đầu mưa nặng hạt
Một mình thêm tủi với canh khuya
...Anh ạ! Mùa xuân đã cạn ngày
Bao giờ em mới gặp anh đây?
Bao giờ hội Đặng đi ngang ngõ
Để mẹ em rằng: hát tối nay? ”
(Mưa xuân)
Người chủ động tiếp nhận cái mới vẫn là nữ giới “áo cài khuy bấm”, “khăn nhung”, “quần lĩnh” đã đẩy lùi thứ trang phục cổ xưa “áo tứ thân”, “khăn mỏ qụa”, “quần nái đen”. Người đàn ông có vẻ bảo thủ hơn: “Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa”. Như vậy trong tâm thức người Việt, người phụ nữ luôn là yếu tố thứ nhất không chỉ trong kinh tế (tay hòm chìa khoá), trong gia sự (nội tướng, lệnh ông không bằng còng bà), trong tín ngưỡng (tục thờ mẫu), mà cả trong sự tiếp thu cái mới để phù hợp với sự phát triển của xã hội. Hình ảnh người phụ nữ hoà lẫn cùng “chân quê” và đi vào trong thơ Nguyễn Bính như một minh chứng cho bản sắc văn hoá Việt
Cuộc sống đang biến thiên, văn hoá dân tộc đổi thay dần thì văn học cũng đổi mới như một tất yếu. Vì văn hoá và văn học gắn bó rất chặt chẽ. Hơn nữa, văn học Việt
Truyền thống anh hùng chống giặc ngoại xâm nét đậm đà và đáng tự hào nhất của người Việt
“Chân ngựa đá cũng dính bùn trận mạc
Theo người đi cứu nước chống xâm lăng”
(Bài thơ quê hương)
Cùng với truyền thống đó là tình chung thuỷ bao đời, truyền thống nhân ái nghĩa tình:
“Một đĩa muối cũng mặn tình chồng vợ
Một dây trầu cũng nhắc chuyện lứa đôi”
Con người Việt
“Tưng bừng vua mở khoa thi
Anh đỗ quan trạng vinh quy về làng”
(Giấc mơ anh lái đò)
“Trong triều thi cử vừa xong
Trạng nguyên tôi đỗ, kiệu hồng tôi sang”
(Lạy giời cấm cửa rừng mai)
Mùa xuân là mùa của ước mơ - và mùa xuân trở đi trở lại trong thơ ông với nhiều mong ước. “Thơ xuân” của Nguyễn Bính là ước mơ “đỗ trạng”, là chuyện mai sau chứ không phải chuyện ngày trước:
“Từng gã thư sinh biếng chải đầu
Một mình mơ ước chuyện mai sau
Lên kinh thi, đỗ, làm quan Trạng
Công chúa cài trâm thả tú cầu”
Bằng cái nhìn tinh tế say đắm, Nguyễn Bính đã nhận ra hồn quê sâu đậm ẩn chứa trong thiên nhiên sự vật con người và trong thơ ông, hồn quê, hồn dân tộc còn nhiều vấn đề mà chúng ta chưa khai thác hết. Nhưng dẫu sao đó cũng là điều cần tiếp nối của nhiều người quan tâm khi đến với văn học và đến với những nét văn hoá được lưu giữ một cách độc đáo dưới lăng kính nghệ thuật Trong thơ Nguyễn Bính.
Mã Giang Lân trong lời tựa cho tập thơ Nguyễn Bính (26/04/1991) đã viết: “Tâm hồn dân tộc, giọng điệu dân tộc là chất men để thơ ông thấm vào trí nhớ người đọc...” Khi các tác giả Thơ Mới đi khai thác cái tân kì của thơ hiện đại Pháp thì Nguyễn Bính vẫn mơ mộng say sưa với hồn quê, cảnh quê mộc mạc, với cách so sánh ví von ý nhị kín đáo duyên dáng, với các thể thơ năm chữ, bảy chữ và thơ lục bát quen thuộc. Bên cạnh đó, ta cũng bắt gặp những câu thơ quá mới nên thơ ông vừa giống ca dao mà cũng khác ca dao, vừa cổ điển mà cũng vừa hiện đại. Nguyễn Bính đến với cái mới mà không đánh mất mình, đến với hiện đại mà vẫn lưu giữ hồn dân tộc đậm đà bản sắc văn hoá quê hương. Đó chính là nét duyên trong thơ ông. Cái duyên ấy của thi nhân đã thấm nhuần trong tâm trí của mỗi người con Đất Việt.
N.T.H.N