Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 08/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hương bưởi một thời Gio Cam

Xin bắt đầu câu chuyện bằng một bài thơ “thực cảnh” của một người lính Trung đoàn 27 - Triệu Hải viết tại mặt trận Gio Cam (tên gọi từ địa bàn hai huyện Gio Linh và Cam Lộ thời chống Mỹ). Bài thơ có tựa đề rất đơn giản: Kho Cây Quýt.

Tên bài thơ cũng là tên kho vũ khí dã chiến của bộ đội giải phóng Bắc Quảng Trị được hình thành tại một góc vườn hoang thuộc xã Tân Kim, Cam Lộ, Quảng Trị. Nguyên đây là một cái làng cũ, dân đã bị địch dồn vào ấp chiến lược, nên vườn đã trở thành rừng hoang với vài ba gốc cam, quýt còn sót lại, vì vậy khi lập kho, các chiến sĩ ta cứ nôm na là… kho Cây Quýt.

Kho Cây Quýt

Ngổn ngang cây đổ cản đường đi

Cam quýt ở mô, nỏ thấy chi

Pháo sáng lập lòe màu hấp hối

Máy bay rền rỉ giọng lâm ly...

 

Đầu hôm hàng đến kho đầy ắp

Rạng sáng quân ra vác sạch lỳ

Chen giữa mùi bom, mùi thuốc súng

Thoảng mùi hoa bưởi... một đôi khi.

Bài thơ mở đầu bằng nét “ký họa” rất thực, và không thể thực hơn: Ngổn ngang cây đổ cản đường đi. Hẳn rằng khi nghe mô tả kho nằm trong khu vườn có mấy cây quýt mà thành tên, nên Cam quýt ở mô, nỏ thấy chi cũng chính là tâm trạng ngỡ ngàng của người lính trước cái tên không giống... cái kho chút nào. Nhưng cũng chỉ vậy thôi, người lính nhận diện ngay khung cảnh trận mạc: Pháo sáng lập lòe màu hấp hối / Máy bay rền rỉ giọng lâm ly.

Vậy nhưng chính cái kho thời chiến thu mình giữa ngổn ngang cây đổ vì bom pháo đó lại như “cái nồi Thạch Sanh”, để rồi: Đầu hôm hàng đến kho đầy ắp / Rạng sáng quân ra vác sạch lỳ. Hai câu thơ này cũng cho thấy cả một không gian khẩn trương, hối hả, dấu hiệu của chiến dịch đánh lớn đang định hình trên chiến trường.

Đến đây, ngỡ như đã quá đủ với 6 câu thơ tả thực khung cảnh và tầm quan trọng của nhà kho dã chiến trước mùa chiến dịch. Vậy nhưng tác giả lại làm người đọc bất ngờ với hai câu kết: Chen giữa mùi bom, mùi thuốc súng / Thoảng mùi hoa bưởi... một đôi khi.

Cựu chiến sĩ bộ đội địa phương, du kích mật của mặt trận Gio Cam và những chiến sĩ giải phóng Trung đoàn 27 Triệu Hải gặp nhau trong cuộc hành hương truyền thống của các CCB Trung đoàn - Ảnh: L.B.D

Cựu chiến sĩ bộ đội địa phương, du kích mật của mặt trận Gio Cam và những chiến sĩ giải phóng Trung đoàn 27 Triệu Hải gặp nhau trong cuộc hành hương truyền thống của các CCB Trung đoàn - Ảnh: L.B.D

Quả là một sự bất ngờ cho cả tác giả và người đọc, bởi đang khi chen giữa mùi bom, mùi thuốc súng, anh lính giải phóng bỗng nhận ra thoang thoảng hương hoa bưởi thơm dịu nhẹ ấy từ những nữ du kích, bộ đội địa phương xen cùng các chiến sĩ chủ lực đổ về, hối hả nhận lương thực, vũ khí rồi tỏa về các hướng chuẩn bị chiến dịch. Chỉ vậy, với thoảng một đôi khi cái mùi hương bưởi vương trên tóc của những o Cam, o Chanh... nào đấy, như quá đủ để người lính trận mạc nhận biết một cách rất tinh tế và lãng mạn về vẻ đẹp tuyệt vời của cuộc sống ngay tại nơi chiến trường ác liệt đó. Để rồi thắp sáng niềm tin và nghị lực cho những người chiến sĩ giải phóng quân trước khi vào trận đánh. Hơn thế, cái thoang thoảng mùi hoa bưởi đó còn là một dự báo hiện hữu và tinh tế về một chiến dịch lớn, rất mới, hơn bất cứ một chiến dịch nào mà những người lính dạn dày trận mạc từng nếm trải sắp bắt đầu.

Và rồi cuối cùng thì cái “giờ G” loáng thoáng qua ý tứ của một bài thơ nhỏ của một người lính cũng “lộ” hẳn thành trận đánh mở màn cho chiến dịch lịch sử tổng tiến công giải phóng Quảng Trị xuân 1972. Khi những cánh quân thuộc các sư đoàn chủ lực, bộ đội địa phương đồng loạt tấn công vào các cứ điểm sâu trong sào huyệt quân thù, những người lính giải phóng vẫn nhận ra giữa mùi bom, mùi thuốc súng khét lẹt của chiến trường đôi khi vẫn thoảng mùi hương bưởi, hương chanh của những đội nữ chiến sĩ du kích mật, cơ sở cách mạng vương theo từng hướng tiến công của chiến dịch.

Bây giờ, chiến tranh đã lùi xa. Những người lính và những o Cam, o Chanh mặt trận Gio Cam Quảng Trị đã vào tuổi thất thập, giã từ nghiệp binh đao trở về với đời thường. Vậy nhưng giữa cuộc sống bộn bề lo nghĩ chuyện áo cơm, những đồng chí, đồng đội vẫn không thể quên và chắc chắn sẽ không bao giờ quên được cái mùi hoa bưởi dẫu rằng chỉ “thoảng một đôi khi” trong thời trận mạc năm nào.

L.B.D

____________

* Tác giả bài thơ là Thiếu tá CCB Ngô Minh Hớn, Trung đoàn 27 Triệu Hải - Sư đoàn 390 Quân đoàn 1.   

LÊ BÁ DƯƠNG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 342

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

09/05

25° - 27°

Mưa

10/05

24° - 26°

Mưa

11/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground