Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Đường tới thiên đàng

LTS: Nhà văn Abidah El Khalieqy, sống tại Yogyakarta (Central Java, Indonesia), có nhiều truyện ngắn in ở các báo và tạp chí. Bà là tác giả của năm tiểu thuyết, một trong số này là Perempuan Berkalung Sorban (Người đàn bà đội khăn), tiểu thuyết đã được dựng thành phim. Bà cũng có một tập truyện ngắn và một tập thơ.

Khi mẹ tôi chết, mặt của bà thay đổi. Tôi là người đầu tiên chú ý đến điều đó. Khi các thành viên khác trong gia đình và bạn bè đến tỏ lòng thương tiếc bà, điều tôi thấy trong mắt họ là sự nghi ngờ, không ai tin được rằng người chết là mẹ tôi. Ngay cả anh tôi, đã ba năm không gặp mẹ, khi nhìn xác bà, đã nói thẳng rằng người chết là dì tôi, dì út trong gia đình mẹ. Các bác sĩ và y tá đã chăm sóc cho mẹ trong bệnh viện cũng ngạc nhiên, không ai có thể tin vào mắt mình.

Đứng một mình trong góc xa nhất của gian phòng, tôi chú ý vẻ mặt của mọi người đến nhìn thi thể mẹ. Vẻ mặt tự nhiên của họ giúp tôi dễ dàng đoán được ai là người yêu mến bà và ai thì không. Tôi mỉm cười, tôi chắc chắn, khi tôi nhận ra chỉ có một người duy nhất đã bậm môi khi nhìn bà - người đó không ai khác hơn là cha tôi.

Một tiếng chuông điện thoại reo trong tim tôi. “Ông ấy ghen, cực kỳ ghen”, một giọng nói không cần nối dây lên tiếng. Với nụ cười thiên thần trên môi bà, mẹ tôi trông rất trẻ, như thể bà đã trở về với thời thiếu nữ của bà, vào ngày bà lập gia đình hai mươi năm trước. 

“Đây là khuôn mặt thật của tôi”, mẹ thì thầm dịu dàng, “khuôn mặt của cô dâu mới trong đêm động phòng”. Bà nói rõ ràng và xác định: “… một đêm bắt đầu bằng cuộc tiệc tưng bừng tại ngôi nhà mới của chúng tôi đối diện đền thờ Hồi giáo lặng yên, nhưng lại kết thúc bằng những cú đấm vào thân thể và những kỷ niệm đau đớn”.

Bà tiếp tục không hề ngập ngừng, gợi lại thời điểm đau đớn trở thành phần đời của bà: “Chính là vẻ mặt này trên khuôn mặt của tôi đã làm ông ấy đá tôi, đã khuấy lên tánh ghen vô tận trong ông ta, làm ông ta chửi tôi, và chiếm đoạt tôi bằng bạo lực trong đêm động phòng - mà chỉ vì tôi thực hiện tahajud1, lễ cầu nguyện lúc nửa đêm, tại ngôi đền thờ đối diện nhà”.

Như thể chứng kiến được cảnh tượng đáng sợ, tôi cảm thấy cơ thể mình bắt đầu run lên, là điều tôi luôn luôn nghiệm thấy khi cảm xúc của tôi dâng tràn. Tôi cảm thấy một luồng hơi nóng, một cơn đau đớn, một đợt phập phồng trong lồng ngực, và tôi rớt những giọt nước mắt đầu tiên thương mẹ.

Trong năm người con của gia đình, tôi là đứa con gái duy nhất. Có lẽ vì lý do đó, tôi chia sẻ với mẹ cảm xúc tương đồng nhất định - dù cả năm anh em tôi đều sinh ra từ một sinh cung của người vợ thứ tư của ngài Hajji Kamil vô cùng giàu có.

Người ta gọi cha tôi là người đàn ông giàu có và chúng tôi, những đứa con của ông, chết chìm trong đống tài sản của ông. Chúng tôi bị nhận chìm trong một thứ tình cảm cộng đồng không phân biệt được giữa một người đàn ông, vợ ông ta và con ông ta. Chúng tôi bị xem như là tài sản của người cha nổi tiếng, đẹp trai và quyền lực.

Tôi đến gần cha tôi. “Cha, cha có thấy gì không? Sao cha lại cau mày?”

“Ồ có, cha thấy có gì là lạ trên cơ thể của mẹ con. Hẳn là chứng bệnh của bà đã làm thay đổi bề ngoài như thế”. 

“Bác sĩ nói mẹ bị xuất huyết não. Điều đó không rõ sao? Nhiều người chết vì xuất huyết não, nhưng con chưa hề nghe nói chứng xuất huyết não làm thay đổi diện mạo nạn nhân”.

“Ai biết được! Mẹ con lạ lùng lắm… Bây giờ mà còn cười, khi đã chết”.

“Con không hiểu. Đối với con, cái chết của mẹ dường như thích hợp và mẹ chẳng buồn gì. Thậm chí còn có thể nói cái chết mang lại hạnh phúc cho bà. Nhìn nụ cười của mẹ kìa. Cha có từng thấy nụ cười nào đẹp như thế không? Thậm chí trên phim cũng không có nụ cười đẹp như thế”.

“Con nói gì lạ thế? Và con biết gì chứ? Con chỉ là một đứa hỉ mũi còn chưa sạch!”.

“Con chắc chắn mẹ đã chết một cái chết đẹp - husnul khatimah2, như người ta nói”.

“Hừ! Đi kiếm gì làm đi, giúp dì con một tay! Đi đi!”.

“Nhưng con muốn ở đây với mẹ. Đây là lần cuối con được ở gần bên bà. Con muốn cầu nguyện cho bà, cha à”.

Chúng tôi vẫn còn căng thẳng khi xe Ambulance đến nhưng tôi sẽ không để cho bất kỳ ai, ngay cả cha tôi, chia cách tôi và mẹ.

“Em là phụ nữ, em không đủ sức. Anh sẽ đi theo xe cứu thương”, anh tôi nói với tôi.

“Em đủ sức”, tôi kiên trì. “Suốt thời gian mẹ ở trong bệnh viện, em đã đợi ở đó, bên cạnh bà. Anh không phải lo. Em chỉ vui khi được ở bên bà”.

“Anh không muốn nghe em nói liên tu như vậy”.

“Mà đàn ông cũng khóc vì nhiều chuyện chẳng có lý do gì để khóc. Em sẽ không khóc vì cái chết của mẹ. Nhìn đi! Em sẽ cười cùng mẹ cho tới khi bà về chỗ của người”.

“Chỗ của ai?” anh tôi hỏi, lặng người.

“À, rõ ràng không phải chỗ mà anh đang nghĩ đến!”.

“Em buồn cười thật!”, anh lầm bầm nói trong khi bỏ đi.

“Còn anh thì ngốc hơn cả em nữa”, tôi mắng và cười thầm với mình.

Cuối cùng thì tôi và dì tôi theo xe hồng thập tự đi cùng xác của mẹ tôi. Vì là ban đêm, lưu lượng xe khá ít và chỉ mất năm giờ đồng hồ từ Yogyakarta đến Jombang. Trong chuyến đi, dì tôi ngủ trên ghế của dì. Tôi, gà gật và cố thức cầu nguyện.

Một lúc, tôi liếc nhìn đồng hồ tay và thấy đã mười hai giờ ba mươi sáng - vừa quá nửa đêm.

“Phải! Chính xác mười hai giờ ba mươi phút cách đây hai mươi mốt năm tôi đã bước ra khỏi nhà”, mẹ nói. “ Đêm ấy tôi cảm thấy một sự khát khao mãnh liệt muốn mở cửa nhà để sang bên thánh đường. Tim tôi đầy những hoa hồng, mặt tôi bừng sáng sự trinh bạch. Tôi vội vã, như thể Người đang đợi tôi trong mihrab3, ở đó tôi sẽ nhìn thấy thánh địa Mecca và cầu nguyện. Ngượng ngùng vì sự chậm chạp của mình, tôi lên cầu thang đến đền thờ. Trong khi cầu nguyện, chốc chốc tôi lại úp mặt xuống đất, hết lần này sang lần khác. Tôi chạm trán mình xuống nền trước cái nhìn của Người. Tôi đã ở đấy bao lâu trong sự cầu xin, tôi không thể biết được, mà người ta không được tính toán đến thời gian bỏ ra vì Người. Nhưng sau đó, khi tôi trở về căn nhà mới của mình, ngay khi tôi đặt một chân vào cửa, một cú đá khủng khiếp làm tôi nghẹn thở - rồi cú đấm đầu tiên và sau đó là nhiều cú đấm khác tiếp theo, phát xuất từ lòng căm ghét cực độ”.

Miệng tôi há hốc. Tôi nghĩ mình đã có thể hiểu hầu hết mọi điều trong cuốn sách đời của mẹ tôi, nhưng hình như mắt tôi bị mây mù che kín và không đủ tinh để giải mã hoàn toàn bộ mã bí mật của nó nói về định mệnh của mẹ. Mẹ tôi, người vừa gần gũi lại vừa xa xôi… Bà đã che giấu nỗi đau bí mật của bà mới khéo làm sao, che giấu nó với sự độ lượng vô tận và lòng kiên nhẫn nổi tiếng của bà.

“Trong khi chỉnh lại đích đến của cú đá của ông, cha con nói, “Mày nghĩ mày là tín đồ duy nhất hay sao! Mày nghĩ mày là người sùng tín duy nhất hay sao! Nghe này! Bắt đầu từ hôm nay, tao là chồng mày. Tao có quyền đối với mày hơn bất kỳ ai. Và về phần mày, mày phải tuân lệnh tao hơn bất kỳ lệnh của ai. Sự trung thành của mày là vô điều kiện và chỉ dành cho mình tao thôi. Hiểu không?”.

“Nhưng khi em đi nhà thờ thì anh đang đánh bài…”

“Câm đi! Tao không cãi với mày!”.

“Vậy thì em sẽ câm”, mẹ đơn giản nói, “và đã câm miệng suốt hai mươi năm tiếp theo. Chỉ một mình cha con là có quyền nói. Mẹ là người câm, lặng thinh nhìn những giấc mộng đời trôi qua, sống trong thế giới im lặng lạnh lẽo và đáng sợ như mũi dao của thần chết. Mẹ là nạn nhân của cha con. Từng phút từng giây ghi nhớ những huấn lệnh của ông để làm sao trở thành một nạn nhân kiểu mẫu - và mỉm cười hòa nhã trong khi sắp bị nhục hình. Bây giờ mẹ đã thỏa mãn giấc mơ của ông. Mẹ là nạn nhân thần thánh của ông, người ta nghĩ mẹ chết vì ông”.

“Chỉ khi ông đột ngột thấy mẹ đang mỉm cười như thế này ông mới nhận ra nụ cười của mẹ là nụ cười mẹ có trên khuôn mặt khi trở về từ thánh đường hai mươi năm trước - trước khi ông bắt đầu đánh mẹ. Trong suốt hai thập kỷ tiếp theo ông đã lùng kiếm nụ cười mà bây giờ mẹ đang có trên môi, ông khao khát nó và mơ tưởng nó suốt ngày đêm. Nhưng tất cả những gì ông tìm thấy chỉ là huyễn ảo vì môi mẹ đã bị niêm kín bằng máu khô, loại máu đã trào ra từ miệng mẹ khi ông bóp họng mẹ bằng bàn tay lỗ mãng của ông”.

Mẹ hít sâu trước khi nói tiếp với tôi: “Con biết bây giờ là mấy giờ không? Phải, mười hai giờ ba mươi sáng. Vào những đêm tiếp theo trong tháng đầu tiên mẹ là cô dâu, mẹ đều có nỗi khát khao đó, mà không thể bị kiểm soát bởi bất kỳ sức mạnh nào, là trong sự hiện diện của Người và cầu nguyện trước Người. Nỗi khát khao của mẹ tấn công mọi hạn chế và cấm đoán: chỉ nụ cười của Người với sự phủ phục của mẹ và những lời cầu nguyện là có thể khuất phục chúng. Trong một góc phòng của cô dâu mới, mẹ cúi đầu chạm đất lặp đi lặp lại và lần chuỗi tràng hạt với sự nhịp nhàng chứng thực cho sự giao tiếp mãnh liệt của mẹ với Đấng Sáng tạo của chúng ta”.

“Có lẽ mẹ đã thở mạnh mà không nhận ra, nhưng hình như, đôi tai kia đã bị châm chích bởi âm thanh ấy, và lúc ấy chính mẹ đã bị đốt cháy thê thảm bởi ngọn lửa ghen tuông bùng phát làm cho hệ thần kinh, trái tim và lý trí của cha con rống lên và tràn đầy sức mạnh… Và làm sao mẹ có thể quên được sợi dây nịt da cá sấu của ông treo ở trong phòng, nó quá cứng, quá nặng và quá độc ác! Ông nắm sợi dây nịt, đưa lên cao, và quất xuống lưng mẹ hàng chục, hay hàng trăm lần. Sự im lặng của mẹ làm ngọn lửa ghen tuông nơi ông bùng phát dữ dội hơn bao giờ hết. Mẹ ngất đi và hôn mê mãi cho tới khi tiếng chuông nhắc giờ nguyện buổi sáng vọng vào tai mẹ”.

Trong một lúc, mẹ không nói gì. Mắt bà nhìn vào bầu trời xa và một nụ cười, nụ cười của một thiên thần ở cõi thiên đàng, thoảng qua trên môi bà.

“Mẹ chắc là con muốn biết những gì xảy ra khi ấy”, mẹ tôi nói. “Có thể cha con thực sự đã nghĩ là mẹ điên. Và tại sao không chứ? Sau từng ấy sự chịu đựng vô hạn và đau đớn ông đã gây ra cho mẹ, điều lạ lùng là, sự khao khát có Người của mẹ chỉ mãnh liệt hơn. Hầu như chẳng có gì quá khó khăn khi mẹ phải chịu đựng. Mỗi hơi thở, mỗi nhịp tim mang khuôn mặt của Người lại gần mẹ hơn. Mẹ thường dễ bị giật mình đến thót người. Khi mẹ nấu ăn trong bếp, mẹ chợt nhìn xuống để thấy cá đang chiên đã hóa than trong chảo. Hay nhiều đêm, như thể nghe có tiếng gõ cửa, mẹ mở cửa trước nhưng không thấy gì. Thái độ và hành động của mẹ làm cho cha con nghĩ rằng mẹ đã bị nguyền rủa. Ông thường nghĩ rằng các vị thần đã ám ảnh mẹ”.

Tôi muốn bấu cánh tay mẹ nhưng sự buồn ngủ đã ngập tràn tôi.

“Chính vào ngày cha con rời nhà để đi giao dịch hay làm gì khác, lúc ấy là buổi sáng, tầm chín giờ, mẹ đã thực hiện lễ tắm gội và lòng tràn đầy ước mong giao tiếp với Người. Lời nguyện của mẹ mãnh liệt đến mức, trong khi cúi sát người cầu xin, đã không nghe thấy tiếng xe của cha con về tới nhà. Hình như đó là sự phủ phục cuối cùng của mẹ trước khi mẹ thật sự đến gặp Người. Cú đấm vào đầu mẹ, sự va chạm của đầu mẹ vào nền gạch cứng bóng loáng quá mạnh, giống như một cơn sấm chớp đột ngột bùng phát, phản ánh trong cái nhìn hoang dại nơi mắt cha con khi ông bóp họng mẹ mà kéo mẹ đứng lên và không buông mẹ ra cho tới khi mẹ ngã, gần như chết, xuống nền”.

“Rồi sao nữa, mẹ?”

“Đột nhiên vạn vật tối sầm. Đen như mực. Toàn bộ thế gian chìm trong im lặng. Nhưng rồi, ở xa xa, có một ánh sáng lạ lùng, sáng và rõ ràng dần lên. Đó là một cỗ xe ngựa làm bằng ánh sáng, vây khắp bởi nguyệt quang của bảy vầng trăng, đến để đón mời mẹ - giống như trong tưởng tượng của một đứa trẻ. Và mẹ mỉm cười, vui sướng bởi phép lạ của một pháp sư mà thậm chí cả ngàn bài thơ cũng không thể miêu tả được. Chặng đường chiếc xe ngựa đi qua dường như rất nhỏ - không xa hơn chặng đường từ phòng cưới của mẹ đến thánh đường trước nhà mà mẹ đã băng qua hai mươi năm trước - khi xe mang mẹ đến nơi Người. Và đó là nơi mẹ tìm thấy sự yêu thương hoàn hảo, mà giờ đây bộc lộ trong nụ cười trên môi mẹ”.

“Cha con có quyền ghen với Người không?”, mẹ trầm tư.

Chiếc Ambulance vẫn lướt đi trên đường, được truyền sức bởi hàng trăm thiên thần. Bên dưới một bầu trời phủ mây đẫm nước, tôi cố lau đi nước mắt. Nhưng rồi những đóa hồng tình yêu thương nở hoa và đổ đầy tim tôi niềm hãnh diện. Mẹ tôi, biển yêu thương của tôi, đang thật gần với thiên đường được tìm thấy ngay dưới chân mình. Tạm biệt mẹ. Thượng đế ơi! Hãy đón bà với bàn tay yêu thương của người. Amen.

                                                   Võ Hoàng Minh
dịch từ bản tiếng Anh “Road to Heaven” của John H. McGlynn

 

___________________

1 Tahajjud: Lễ cầu nguyện ban đêm của tín đồ Hồi giáo. Lễ này có tính chất tự nguyện, không phải là nghi thức bắt buộc, tuy nhiên vẫn được khuyến khích thực hiện.

2 Husnul Khatimah: Theo tín ngưỡng Hồi giáo, đời sống có nhiều hình thức từ khổ đau đến hạnh phúc, tuy nhiên chết chỉ có hai lọai: cái chết tốt và cái chết xấu, ví như thiên đàng và địa ngục. Husnul Khatimah là cái chết tốt, người chết được thiên thần đón nhận vì đã chết trong đức tin Hồi giáo và vì đã làm những việc tốt trong đời.

3 Mihrab: Là một hốc tường hay một gian phòng trong thánh đường Hồi giáo chỉ hướng về thánh địa Mecca. Tín đồ hướng theo địa điểm này mà cầu nguyện.

(Tất cả chú thích của người dịch).

ABIDAH EL KHALIEQY
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 270

Mới nhất

Chiều không tắt nắng

27/03/2024 lúc 16:33

Truyện ngắn của THỦY VI

Hội VHNT tỉnh trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm “Trường Sa - Quảng Trị: Sắc màu biên cương”

23/03/2024 lúc 16:22

TCCVO - Chiều 22/3, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị tổ chức trao tặng sách và tác phẩm ảnh triển lãm

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/03

25° - 27°

Mưa

31/03

24° - 26°

Mưa

01/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground