Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Con ruồi

1.

Dịch trạm giữa mùa hè trống không. Chỉ duy nhất một con ruồi có đôi mắt to bị mắc vào mạng nhện trong góc chuồng ngựa tối tăm, nó liên tục búng hai chân sau vào lưới nhện, đong đưa một lúc rồi rơi độp xuống như một hạt đậu. Sau đó, từ đầu cọng rơm đâm xuyên qua trên đống phân, nó bò lên chiếc lưng trần của con ngựa.

2.

Con ngựa với một cọng cỏ khô kẹt vào chiếc răng bên trong, quay tìm người đánh xe già lưng gù.

Người đánh xe đã thua liền ba ván trong trận cờ shogi phía trước tiệm màn thầu bên cạnh dịch trạm.

“Gì chứ? Đừng có càm ràm. Thêm ván nữa đi!”

 Ánh nắng đã rời khỏi mái hiên, đang tiến từ thắt lưng lên trên chiếc lưng gù như một gói hành lý hình tròn của ông ta.

Minh họa: TRƯỜNG ĐÌNH DUNG

Minh họa: TRƯỜNG ĐÌNH DUNG

3.

Một nông phụ hớt hải chạy vào khoảng sân trống vắng của dịch trạm. Sáng sớm nay, bà nhận được bức điện báo nguy cấp của người con trai đang làm việc trong thị trấn. Sau đó đã chạy suốt trên con đường núi dài ba dặm đẫm trong sương.

“Xe ngựa chạy chưa vậy?”

Bà nhìn vào bên trong phòng xa phu cất tiếng gọi nhưng không có ai trả lời.

“Xe ngựa chạy chưa?”

Một tách trà nằm lăn lóc trên chiếc chiếu cong vênh, từ bên trong vệt nước trà bancha màu rượu lặng lẽ chảy ra. Người nông phụ đi lại quanh trong sân, khi đến bên hông tiệm màn thầu, bà lại cất tiếng gọi.

“Xe ngựa chạy chưa?”

“Chạy hồi nãy rồi!”

Tiếng trả lời là của bà chủ nhà ấy.

“Chạy rồi à. Xe ngựa chạy rồi sao. Chạy lúc nào vậy nhỉ. Đến sớm một chút thì tốt rồi, không còn chuyến nào nữa sao?”

Người phụ nữ mếu máo bật khóc trong lúc nói. Nhưng rồi, chẳng buồn lau nước mắt, sau khi đứng sững giữa đường, bà phăm phăm bước đi về hướng thị trấn.

“Chuyến thứ hai sẽ chạy đấy!”

Lão gù đánh xe nói với theo trong khi mắt vẫn dán chặt vào bàn cờ. Người nông phụ dừng bước, lập tức quay lại, nhướng đôi lông mày nhợt nhạt lên.

“Sẽ chạy à. Chạy ngay không? Con trai tôi sắp chết rồi, không biết có kịp không?”

 “Tấn mã à!”

“Được rồi, mừng quá. Đến thị trấn mất bao lâu hả bác? Chừng nào cho xe chạy vậy?”

“Chuyến hai sẽ chạy thôi!” - Người đánh xe đánh cộp một quân cờ.

“Sẽ chạy sao, đến thị trấn mất ba tiếng nhỉ. Có mất đến ba tiếng không bác? Con trai tôi sắp chết rồi, làm ơn chạy giúp kẻo không kịp!”

4.

Từ trong hơi nóng bên bờ ruộng, có âm thanh đập lấy hạt cây Tử Vân Anh. Một cặp trai gái đang vội vã đi về phía dịch trạm. Cô gái đặt tay lên kiện hành lý trên vai chàng trai.

“Em mang cho!”

“Gì thế?”

“Nặng mà”

Chàng trai im lặng tỏ ra vẻ rất nhẹ nhàng. Thế nhưng, những giọt mồ hôi chảy xuống từ trán anh mặn chát.

“Không biết xe ngựa đã chạy chưa nhỉ?” - Cô gái lẩm bẩm.

Chàng trai nheo mắt nhìn mặt trời từ bên dưới kiện hành lý.

“Trời có hơi nóng rồi, có lẽ vẫn chưa đâu!”

Hai người lặng im. Có tiếng bò rống.

“Nếu bị biết thì phải làm sao?” - Cô gái nói với nét mặt như sắp khóc.

Chỉ có âm thanh đập Tử Vân Anh đuổi theo họ nghe mơ hồ như tiếng chân người. Cô gái quay lại nhìn phía sau, rồi lại đặt tay lên hành lý trên vai chàng trai.

“Để em mang cho. Vai đỡ rồi”

Chàng trai vẫn cứ im lặng, xăm xăm bước đi. Nhưng, bất chợt, anh lẩm bẩm: “Nếu bị phát hiện, thì lại chỉ chạy trốn thôi!”

5.

Một cậu bé đang ngậm ngón tay được bà mẹ kéo theo đi vào trong sân dịch trạm.

“Mẹ, ngựa kìa!”

“Ừ, ngựa!”

Cậu bé hất tay mẹ ra chạy về phía chuồng ngựa. Sau đó cậu đứng giữa sân cách chừng 2 ken(1), vừa ngắm nhìn con ngựa vừa dậm một chân xuống mặt đất, hét lên “Yaa, yaa”.

Con ngựa ngẩng đầu, vểnh tai lên. Cậu bé bắt chước ngựa cũng ngẩng đầu lên nhưng tai không động đậy. Rồi, chỉ biết liều lĩnh cau mặt lại trước con ngựa, lần nữa dậm chân xuống đất, hét toáng lên “Yaa, yaa!”.

Con ngựa dùng miệng hất cái chốt của thùng cỏ, giấu mặt vào đó và ăn.

“Mẹ, con ngựa!”

“Ừ, ngựa!”

6.

“Ối, chờ đã. Quên mua guốc cho thằng con rồi. Nó thích dưa hấu, thôi thì mua dưa hấu vậy, nó thích mà mình cũng thích, được cả đôi đàng.”

Một quý ông nhà quê đến dịch trạm. Ông ta 43 tuổi. Kết quả của việc chiến đấu liên tục với đói nghèo trong suốt 43 năm, cuối cùng đã kiếm được 800 yên ở buổi môi giới vụ tằm mùa xuân tối qua. Giờ đây trong đầu ông ta đang đầy ắp những dự định cho tương lai. Ông đã quên hết chuyện tối qua, lúc đến nhà tắm nóng công cộng, đã bị cười nhạo vì xách theo cả túi xách đựng xấp tiền 800 yên vào tận khu vực tắm rửa trước.

Người nông phụ đứng dậy khỏi chiếc ghế dài trong sân, bước lại bên ông ta.

“Xe ngựa lúc nào mới chạy nhỉ. Con trai tôi sắp chết rồi, nếu không đến thị trấn sớm, sẽ không gặp được nó nữa mất.”

“Thế thì không được rồi!”

“Đã sắp chạy chưa nhỉ?! Hồi nãy bảo là sắp chạy rồi mà!”

“Đang làm gì thế không biết!”

Đôi nam nữ trẻ đi vào trong sân. Người nông phụ lại đến bên họ.

“Hai người định đi xe ngựa phải không? Xe không chạy đâu!”

“Không chạy à?” - Chàng trai hỏi lại.

“Không chạy sao?” - Cô gái nói.

“Tôi đã chờ 2 tiếng rồi. Không chạy đâu! Đến thị trấn cũng phải mất những 3 tiếng, giờ đã mấy giờ rồi?! Thế này thì đến thị trấn chắc đứng bóng mất!”

“Chắc cũng đúng ngọ!” - Quý ông nhà quê nói xen vào. Người nông phụ quay ngoắt sang ông ta.

“Giữa trưa sao?! Lúc ấy thì chết mất rồi! Sẽ đúng ngọ à?” - Bà ta lại bật khóc trong lúc nói. Nhưng, bà chạy ngay đến trước tiệm màn thầu.

“Chưa đi à? Sao xe mãi chưa đi vậy?”

Người đánh xe gù cứ nằm ngửa, gối đầu lên bàn cờ, quay mặt về phía bà chủ tiệm màn thầu đang giặt những tấm mành tre.

“Màn thầu chưa sôi à?”

7.

Xe ngựa lúc nào mới xuất phát?! Mồ hôi của những người tập trung ở dịch trạm đã khô. Thế nhưng, xe ngựa lúc nào mới chạy?! Chẳng ai biết được! Tuy nhiên, nếu có điều gì mà họ có thể biết được thì đó là bên trong lò của tiệm màn thầu, cuối cùng những chiếc màn thầu đã bắt đầu nở ra. Lý do là người đánh xe gù ở dịch trạm này đang chờ để có được những chiếc màn thầu đầu tiên được hấp xong mà chưa có ai đụng đến trong ngày hôm đó, thói sạch sẽ đến mức ấy là niềm an ủi tối cao của ông khi phải một mình sống từ ngày này sang ngày khác trong ngần ấy thời gian.

8.

Chiếc đồng hồ trên cột dịch trạm điểm mười giờ. Lò hấp của tiệm màn thầu phun khói kêu lên sùng sục.

Xoạt, xoạt, xoạt. Người đánh xe gù xắt cỏ cho ngựa. Bên cạnh chiếc lưng gù, con ngựa uống no nước.

Xoạt, xoạt, xoạt.

9.

Con ngựa được buộc vào xe. Người nông phụ leo lên trước tiên, liên tục nhìn về hướng thị trấn.

“Lên xe đi!” - Lưng gù nói.

Năm người khách cẩn thận bước lên những bậc cấp nghiêng, vào ngồi cạnh người nông phụ.

Người đánh xe gù sau khi nhét những chiếc màn thầu nở như bông trên chiếc mành tre của cửa tiệm vào tạp dề, gập cong chiếc lưng ấy bên trên chỗ điều khiển. Kèn báo hiệu vang lên, tiếng roi ngựa rít lên.

Một con ruồi với đôi mắt lớn bay lên từ trong mùi hôi hám của vết lở loét trên mông ngựa. Sau đó đậu lại trên trần xe, giờ đây nó đã được nghỉ ngơi một chút sau khi thoát khỏi chiếc mạng nhện, lắc lư cùng với chiếc xe chạy đi.

Cỗ xe ngựa chạy dưới hơi nóng hầm hập. Bỏ lại những hàng cây, ngang qua những cánh đồng đậu đỏ trải dài, khi nó lắc lư tiến vào khu rừng giữa một bên là ruộng lanh bên kia là nương dâu, màu xanh của rừng phản chiếu vào mồ hôi trên trán ngựa cũng đong đưa theo.

10.

Trên xe, quý ông nhà quê huyên thuyên nhanh chóng bắt chuyện với mọi người như đã năm năm nay mới gặp được tri kỷ. Chỉ mình cậu bé bám vào cột thùng xe tiếp tục dõi nhìn ra bên ngoài với đôi mắt long lanh.

“Mẹ, lê kìa!”

“Ừ, lê!”

Chiếc roi ngựa đã nằm im trên chỗ điều khiển. Người nông phụ nhìn vào chuỗi dây trên thắt lưng obi của quý ông nhà quê.

“Mấy giờ rồi nhỉ?! Qua 12 giờ chưa? Đến thị trấn chắc đã chiều!”

Ở nơi điều khiển, chiếc kèn đồng đã hết kêu. Người đánh xe, sau khi những chiếc màn thầu trong tạp dề lần lượt rơi xuống dạ dày, lưng trở nên còng hơn và bắt đầu ngủ gật.

Mặc cho con ruồi với đôi mắt to ấy, từ trên xe, lặng phắc ngắm nhìn những bậc ruộng lê, ngước mắt nhìn những vách đá đất đỏ quạch lên dưới ánh mặt trời giữa mùa hạ, cúi xuống trông dòng nước chảy xiết bất ngờ hiện ra, và lắng nghe âm thanh lạo xạo cót két phát ra từ chiếc xe ngựa chạy trên con đường ven vách đá cao mấp mô, giấc ngủ trưa ấy vẫn tiếp tục. Thế nhưng, trong số khách trên xe, kẻ biết được người đánh xe ấy đang ngủ gật có vẻ chỉ là một con ruồi. Con ruồi từ trên trần xe bay sang mái đầu đã bạc đi một nửa đang gục xuống của người đánh xe, sau đó nó đậu lên chiếc lưng đẫm ướt của con ngựa và nhấm nháp mồ hôi.

Xe ngựa lên đến gần đỉnh vách đá. Con ngựa ngoan ngoãn bắt đầu rẽ theo con đường phía trước xuất hiện bên trong miếng che mắt. Thế nhưng, lúc ấy, nó không thể biết về độ lớn của cơ thể nó và bề ngang của chiếc xe. Một chiếc bánh xe trật ra khỏi con đường. Đột ngột, con ngựa bị chiếc xe kéo giật phắt lại. Chớp mắt, con ruồi bay lên. Và, đập vào mắt nó là chiếc bụng của con ngựa bất kham cùng cỗ xe rơi xuống vách đá. Và sau tiếng la hét thất thanh của người và ngựa là một đống những ván gỗ, người và ngựa nằm đè lên nhau, lặng im không nhúc nhích trên bãi sông. Thế nhưng, con ruồi có đôi mắt to, với đôi cánh khỏe khoắn vì đã được nghỉ ngơi thỏa thích cho đến lúc này, chỉ một mình nó, thong dong bay vút lên bầu trời trong xanh.

 

Nguyễn Thống Nhất dịch từ tiếng Nhật

________________________

Nguồn: https://www.aozora.gr.jp/cards/000168/files/2302_13371.html

(1) 1 ken = 1,818m

 

NGUYỄN THỐNG NHẤT
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 346

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground