Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Chuyện đời của hai người phối ngẫu

Anh công nhân Arturo Massolari làm ca đêm, tan việc vào lúc sáu giờ sáng.

Để trở về nhà anh phải đi rất xa, bằng xe đạp vào lúc đẹp trời, dùng xe điện công cộng trong những tháng mưa hay trong mùa đông. Anh về tới nhà vào khoảng 6:45 tới 7:00, nghĩa là đôi khi sớm hơn hoặc đôi khi trễ hơn lúc cái chuông báo thức của vợ anh, Elide, reo vang. Thường thì hai thứ tiếng động: tiếng chuông báo thức và tiếng chân anh bước vào nhà cùng chồng chéo nhau trong tâm thức của Elide, tới với chị trong giấc ngủ say, giấc ngủ ngon lành lúc sáng sớm mà chị tìm cách kéo thêm vài giây nữa úp mặt sâu vào gối. Rồi chị nhỏm người dậy trên giường và quơ đại cánh tay vào áo khoác, tóc phủ kín mắt. Chị xuất hiện như thế trong gian bếp, nơi Arturo đang lôi từ trong túi ra những hộp trống mà anh mang theo tới chỗ làm: hộp đựng đồ ăn, bình nước nóng và anh đặt vào bồn rửa. Anh đã bật bếp và đặt cà phê lên nấu. Ngay khi anh nhìn chị, Elide đưa bàn tay vén tóc, để cố mở mắt, cứ mỗi lần chị lại thấy mắc cỡ bởi cái hình ảnh đầu tiên mà chồng chị trông thấy khi bước vào nhà, lúc nào cũng xộc xệch với vẻ mặt còn ngái ngủ. Khi cả hai ngủ cùng nhau thì lại khác, họ trông thấy nhau vào buổi sáng và tỉnh giấc nồng cùng nhau, đều giống nhau cả.

Đôi khi anh vào phòng để đánh thức chị, với một tách nhỏ cà phê, một phút trước khi đồng hồ báo thức reo; lúc này mọi thứ đều tự nhiên, khuôn mặt méo mó cố thoát ra khỏi giấc ngủ mang một vẻ lười biếng ngọt ngào, cánh tay trần giơ cao để duỗi người ra chuyển sang vòng vào cổ anh. Họ ôm lấy nhau. Arturo mặc một cái áo khoác dày không thấm nước; khi anh tới gần chị hiểu thời tiết bên ngoài thế nào: mưa hay sương mù hay tuyết đổ, tùy thuộc vào áo anh ẩm ướt hay lạnh ngắt. Nhưng chị vẫn hỏi anh:

- Thời tiết thế nào? - Và anh tuôn tiếp những lời phàn nàn pha lẫn châm biếm thường khi, từ tóm tắt lại những thứ bất tiện đến với anh, bắt đầu từ đoạn cuối: đoạn đường trên xe đạp, thời tiết anh gặp phải khi rời nhà máy, khác hẳn cái thời tiết của tối hôm trước lúc anh đến, những chuyện xảy ra ở chỗ làm, những tin tức lan truyền trong xưởng và cứ thế.

Ở vào cái giờ đó, ngôi nhà ít được sưởi ấm nhưng Elide cởi hết quần áo, rùng mình vì lạnh, chị rửa ráy trong phòng vệ sinh nhỏ. Anh vào theo sau, từ tốn hơn, anh cũng cởi áo quần và rửa ráy, anh chậm chạp rửa hết những bụi bặm và dầu mỡ trong xưởng máy. Cả hai cùng đứng đó quanh cái bồn rửa, gần như trần truồng, một chút tê cóng, thỉnh thoảng thúc vào nhau lúc đang xả cho hết xà phòng trên tay hay kem đánh răng và họ tiếp tục nói với nhau những gì cần nói, cái thời điểm thổ lộ tâm tình, đôi khi lúc giúp lẫn nhau kỳ cọ cái lưng thì xen vào một cái vuốt ve và họ ôm lấy nhau.

Nhưng chỉ được chút xíu, Elide: - Chúa ơi! Bây giờ đã là mấy giờ rồi! và chạy đi xỏ vào quần nịt tất, váy, mọi thứ đều ở tư thế đứng, vội vàng, chiếc lược chải lên xuống mái tóc, thò mặt nhìn vào tấm gương trên kệ, môi ngậm chặt những cái kẹp. Arturo theo sau chị, anh đốt điếu thuốc, đứng đó nhìn, hút thuốc và mỗi lần đều dường như khó xử vì phải ở đó mà không làm giúp gì được. Elide đã sẵn sàng, chị xỏ áo khoác ở ngoài hành lang, họ hôn nhau, chị mở cửa và anh nghe thấy liền ngay tiếng chị chạy xuống cầu thang.

Arturo còn lại một mình. Anh dõi theo tiếng gót giày của Elide trên các bậc cấp và khi không còn nghe thấy nữa anh tiếp tục theo chị bằng tâm tưởng, tiếng lộp cộp vội vã trong sân, nơi cổng, vỉa hè, cho tới chỗ trạm xe điện. Ngược lại tiếng xe điện anh lại nghe rất rõ: rít vang, dừng lại, tiếng đập của bậc thang mỗi khi có người lên xe. “Đây rồi, đón được xe rồi”, anh nghĩ vậy và thấy dáng vợ níu vào đám đông công nhân nam nữ trên chuyến xe “số 11” để tới nhà máy mỗi ngày.

Anh tắt thuốc lá, đóng cửa sổ che tối và leo vào giường. Chiếc giường vẫn còn đó như khi Elide rời giường lúc thức dậy, nhưng bên phía của anh, Arturo, vẫn phẳng lì như vừa mới dọn lại. Anh ngủ trên phần giường của mình, cho sướng, nhưng sau đó thò một chân qua kia, nơi vẫn còn hơi ấm của vợ, rồi tiếp theo thò thêm chân kia qua nữa và từ từ anh nhích qua phần giường của Elide, trong cái hốc ấm áp vẫn còn nguyên hình dạng cơ thể của chị, úp mặt vào cái gối của chị, trong mùi hương của chị và ngủ thiếp đi.

* * *

Khi Elide về lại nhà lúc chiều tối, Arturo đã quanh quẩn trong các phòng từ lâu: anh đốt lò sưởi, bỏ thứ gì đó lên nấu. Trong mấy tiếng đồng hồ trước bữa tối anh làm một vài việc như dọn dẹp lại giường ngủ, quét nhà cửa, kể cả bỏ giặt những thứ cần giặt. Có thể sau đó Elide thấy mọi thứ được làm một cách cẩu thả nhưng thật sự mà nói anh không có cố gắng hơn nữa: những gì anh làm chỉ là một thứ nghi thức để chờ đợi chị, gần giống như tới gần với chị mà vẫn chỉ ở quanh các bức tường nhà, trong khi bên ngoài đèn đã được thắp lên và chị đi vào các cửa hàng giữa cái không khí tất bật thiếu thời gian của khu phố nơi mà nhiều phụ nữ đi mua sắm vào buổi tối.

Cuối cùng anh nghe tiếng bước chân lên cầu thang, khác hẳn so với buổi sáng, bây giờ trở nên nặng nề bởi vì Elide đi lên mệt mỏi vì nguyên ngày làm việc và xách nặng. Arturo chạy ra tới ngoài sảnh cầu thang, lấy những túi xách từ tay chị, họ vừa nói chuyện vừa bước vào nhà. Chị thả mình xuống chiếc ghế trong bếp, chưa kịp cởi áo khoác, trong khi anh lấy đồ từ trong các túi ra. Rồi:

- Nào, thẳng người lên nào, - chị nói và đứng dậy, tháo áo khoác ra và thay đồ trong nhà.

Họ bắt đầu chuẩn bị đồ ăn: buổi tối cho hai người, bữa ăn dặm để anh mang tới nhà máy cho lúc giải lao lúc một giờ sáng, bữa sáng mà chị mang tới nhà máy sáng hôm sau và thứ để dành sẵn cho anh ngày mai lúc thức dậy.

Chị nửa làm nửa ngồi vào chiếc ghế rơm và nói với anh những việc phải làm. Anh ngược lại, đã được nghỉ ngơi nên đi quanh, muốn tự mình làm hết nhưng lúc nào cũng hơi lơ đãng, đầu óc để ở nơi khác. Những lúc đó, thỉnh thoảng họ dẫn tới xô xát, nói với nhau những lời thô lỗ bởi vì chị muốn anh để ý hơn vào những việc mình làm, chăm chút hơn hoặc là theo cùng chị, gần gũi chị hơn, cho chị nhiều an ủi hơn. Anh thì ngược lại, sau cái mừng rỡ đầu tiên lúc chị quay về, đầu óc anh đã để bên ngoài nhà, gắn chặt với cái suy nghĩ chẳng mấy chốc nữa anh phải đi.

Bàn ăn đã dọn ra, mọi thứ được đặt sẵn sàng trong tầm tay để khỏi phải đứng dậy, lúc này là lúc cái khao khát nhen lên ở cả hai người là có quá ít thời gian ở bên nhau, đến độ không thể đút cho nhau ăn, từ cái mong muốn ngồi lại đó tay nắm tay. Chưa kịp uống xong cà phê thì anh đã đứng sau cái xe đạp để coi mọi thứ ổn chưa. Họ ôm nhau. Dường như  chỉ cho tới lúc này Arturo mới biết vợ anh mềm mại và ấm áp thế nào. Nhưng anh đã nhấc xe đạp lên vai và cẩn thận bước xuống cầu thang.

Elide rửa chén, coi ngó lại căn nhà từ đầu tới cuối, nhìn những gì mà chồng đã làm, lắc đầu. Giờ thì anh chạy trên những con đường tối tăm, hiếm hoi vài ngọn đèn pha, có lẽ anh đã đi quá trạm điều gas. Elide lên giường, tắt đèn. Chị ngủ nơi phần giường của mình, kéo một chân về phía của chồng để tìm hơi ấm của anh, nhưng mỗi lần chị đều nhận ra nơi chị nằm ngủ luôn ấm hơn, chứng tỏ rằng Arturo cũng ngủ tại đó, khiến chị cảm nhận được một sự dịu dàng tuyệt vời. 

Liên Hương dịch

__________________________

Từ Italo Calvino, Câu chuyện đời của hai người phối ngẫu, trong tập Các truyện ngắn, NXB Einaudi, Torino, 1976

 

ITALO CALVINO - Liên Hương dịch
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 337

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground