Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/12/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Gói tro hoan hỷ

LTS: Outhine Bounyavong (1942 - 2000) là một nhà văn đương đại nổi bật nhất ở Lào. Ông sinh ra ở Sayabouri, một tỉnh miền tây bắc Lào và lớn lên ở thủ đô Viêng Chăn. Outhine làm nhiều công việc khác nhau trong suốt những năm 1960, sau đó bắt đầu in những truyện ngắn trên báo và tạp chí. Truyện của ông ca ngợi đức tính giản dị, lòng nhân ái, những tập quán bản làng, qua đó ông nêu cao những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của nhân dân Lào.

Truyện ngắn của OUTHINE BOUNYAVONG (Lào)

Khi Nang Piew tắm rửa xong, mặt trời chưa khuất núi hẳn. Những tia nắng vàng rọi qua mấy ngọn cây bên sông, lấp lánh xuống mặt nước êm đềm. Cô choàng tấm vải nhàu nhò lên cánh tay và chuẩn bị leo lên bờ sông. Ngay lúc đó, một vật gì sáng bóng trên mặt đất đập vào mắt cô. Cô cầm nó lên xem kỹ. Đó là một vật nặng... có giá trị - một chiếc thắt lưng bằng bạc!

Cô nhìn xung quanh. Cách đó vài bước, bên sông có hai hay ba người đang tắm. Họ không để ý đến cô, thế nên cô giấu món đồ vừa phát hiện dưới tấm vải ướt và tiếp tục đi lên con dốc về nhà, tim cô đập thình thịch. Cô vẫn chưa biết nên đi tìm chủ nhân của chiếc thắt lưng hay giữ nó cho riêng mình. Tuy nhiên, việc đầu tiên của cô là rời khỏi khu vực bờ sông càng nhanh càng tốt trước khi có ai nhìn thấy cô ở đó.

Minh họa: TRƯƠNG ĐÌNH DUNG

Minh họa: TRƯƠNG ĐÌNH DUNG

Lúc qua khỏi dốc, cô chạm phải Nang Oie đang vừa đi vừa chạy về phía sông với vẻ mặt lo lắng.

"Bạn có thấy chiếc thắt lưng bạc của mình không?" Nang Oie hỏi.

"Ôi không!" Nang Piew thốt lên, cố gắng giữ giọng bình tĩnh nhất có thể.

Nang Oie tiếp tục đi mà không thắc mắc gì nữa, vì cô đang vội tìm món đồ bị mất của mình.

Khi về đến nhà, Nang Piew vuốt ve chiếc thắt lưng với đôi tay run rẩy. Cô chưa từng ăn cắp hay nhặt được những đồ vật giá trị. Sau khi quấn chiếc thắt lưng quanh eo, cô quay trái quay phải trước gương. Cô nhìn mình trong gương và thấy một khuôn mặt không vui, lo lắng, nghi ngại... đầy những câu hỏi.

"Có lẽ người ta sẽ phát hiện ra mình đang giữ nó," ý nghĩ đầu tiên thoáng qua.

"Làm thế nào mà họ biết được, vì rất nhiều người đến bến sông để tắm. Thật vậy, hầu hết mọi người trong làng đều dùng chung chỗ đó", cô trấn an bản thân và cố gắng không nghĩ ngợi.

"Mình có nên nói với cha mẹ về chuyện này không?" cô băn khoăn.

"Chà, nếu mình làm vậy, cha mẹ có thể sẽ bắt phải trả lại. Nhưng mình đã lỡ nói với Nang Oie rằng mình chưa nhìn thấy nó. Bây giờ nếu chối lại lời nói của mình thì thật không hay chút nào."

Nang Piew vắt óc suy nghĩ nhưng không thể tìm được cách giải quyết. Một mặt, cô muốn trả lại chiếc thắt lưng bạc, nhưng mặt khác, cô rất muốn giữ nó cho riêng mình. Cô là con của một cặp vợ chồng nông dân nghèo nàn thiếu thốn. Nếu giữ chiếc thắt lưng, cô phải đợi rất lâu mới có thể đeo nó, vì cô sống trong ngôi làng nhỏ nông thôn, nơi mọi người đều biết nhau. Khi một người đeo đồ của người khác, mọi người trong làng đều biết ngay. Phải rất lâu người làng mới quên được vật mất tích này. Đến lúc đó, cô sẽ giải thích thế nào với cha mẹ về chiếc thắt lưng? "Con lấy chiếc thắt lưng đó ở đâu?" họ sẽ hỏi. Chuyện dường như càng lúc càng trở nên phức tạp hơn. Cô sẽ phải nói dối thế nào để cha mẹ tin?

Cô nghĩ về Nang Oie, người sống ở xóm cuối làng. Cô gái ấy mới lớn và bắt đầu đeo chiếc thắt lưng bạc cách đây hơn một năm. Trước đó, cô ấy đeo một chiếc thắt lưng bình thường. Cô không được phép dùng chiếc thắt lưng bạc vì sợ rằng có thể làm mất nó. Mẹ của Nang Oie mất khi cô mới mười tuổi. Bốn năm sau, cha cô lấy vợ khác. Người mẹ kế mới dọn đến ở được hai năm. Nang Piew nhớ rất rõ sự ra đi của Pa Soi, mẹ của Nang Oie. Bà qua đời do băng huyết sau khi sinh đẻ, để lại sáu đứa con thơ dại. Đó là khoảng thời gian buồn bã của cả làng.

Khi nhớ về chuyện đau buồn này, Nang Piew muốn trả lại chiếc thắt lưng. Nhưng một ý nghĩ khác đã ngăn cản cô làm chuyện đó. Không ai nhìn thấy cô với chiếc thắt lưng, vì vậy sẽ không thành vấn đề nếu cô ấy quyết định giữ nó. Lỡ sau này có chuyện gì, cô có thể bán chiếc thắt lưng ở một cửa hàng trang sức trong thị trấn. Tuy nhiên, lương tâm vẫn nhắc nhở cô rằng không trả lại đồ đạc của người khác là không tốt. Đó là một tội lỗi. Cô giấu chiếc thắt lưng ở một nơi kín đáo và rời khỏi phòng. Cô nhìn trái nhìn phải với suy nghĩ lo lắng rằng có thể Nang Oie đã theo cô về nhà.

Ngay tối hôm đó, vị trưởng làng đã tổ chức một cuộc họp tại nhà ông. Những người đã đi tắm ở sông trước khi mặt trời lặn được yêu cầu tham dự. Gia đình Loong Pong, nhà nằm cạnh bờ sông, đã thấy ​​một số người đang tắm vào thời điểm đó. Trong số đó có Nang Piew và bốn hoặc năm người lớn tuổi trong làng. Trưởng làng và các vị chức sắc thông báo tình hình, rồi khuyên ai đã nhặt được chiếc thắt lưng hãy trả lại cho chủ nhân của nó. Một cuộc thảo luận sôi nổi. Cho đến khi kết thúc, vẫn không ai thú nhận.

Trưởng làng buộc phải đưa ra một cách giải quyết khác. Ông bảo những người liên quan hãy gói tro vào lá chuối. Mọi người sẽ mang theo gói tro của mình vào tối hôm sau đến nhà của trưởng làng. Điều này sẽ cho thủ phạm thời gian để tự soát xét lỗi lầm của mình.

Trên đường về nhà, Nang Piew cố gắng tỏ ra bình thường nhất có thể, nhưng càng cố gắng, cô càng trở nên bất thường. Có cảm giác, dường như mọi ánh mắt đổ dồn về phía cô. Nếu cô ho, tiếng ho nghe có vẻ bất thường. Khi cô cười, nét mặt nom thật gượng gạo và vô hồn. Khi cô nói, lời của cô có vẻ thiếu chân thành. Lòng cô trĩu nặng. Cô không vui cho lắm. Cô liên tục lo sợ rằng mọi người sẽ đến lục soát nhà mình để tìm chiếc thắt lưng.

Hôm sau, khi đang ngồi trong nhà, trầm ngâm suy nghĩ về chiếc thắt lưng bạc và băn khoăn không biết nên làm gì với nó, cô nghe giọng nói của Nang Oie ngoài cổng.

"Dạ thưa! Có ai ở nhà không?" Nang Oie gọi.

Nang Piew giật mình. Cô tiến lại gần bức tường và nhìn qua một cái lỗ, thấy Nang Oie bước vào sân. Đột nhiên mẹ của Nang Piew, đang nhuộm vải ở phía sau, đáp lời Nang Oie, "Bác ở đây!"

"Ôi, cứ tưởng không có ai ở nhà vì vắng lặng quá. Mẹ cháu sai cháu đến mượn thang để hái lá trầu. Bà định đi thăm họ hàng và muốn mang một ít trầu làm quà."

"Ở phía trước bên phải đấy. Cái thang để bên hông nhà kho. Nhân tiện, Oie, cháu đã tìm thấy thắt lưng chưa?"

"Chưa, thưa bác. Cháu e rằng nó đã mất tiêu rồi. Mẹ rất khó chịu với cháu. Bà trách cháu lơ đãng."

Ở trong nhà, Nang Piew im lặng lắng nghe. Khi đã chắc chắn rằng Nang Oie không phải đến đây để hỏi về chiếc thắt lưng, cô cảm thấy nhẹ nhõm hơn một chút và đi xuống gặp cô bạn ở sân.

"Mẹ kế của bạn định đi đâu, Oie?" Nang Piew hỏi, cố gắng giữ giọng bình tĩnh và thân thiện.

"Bà ấy nói là bà sẽ đến Bahn Lak Sao để nhờ người thân tìm giúp một người thầy bói có thể cho biết chiếc thắt lưng của mình ở đâu. Chắc bà sẽ đi vào ngày mai hoặc ngày kia."

Nghe điều này, Nang Piew cảm thấy lo lắng hơn và khá vội vàng, dẫn Nang Oie đến kho lấy thang. Cô giúp Nang Oie vác phía cuối chiếc thang rồi đi phía sau cô ấy.

"Thế ra bạn vẫn chưa tìm được thắt lưng à?" Nang Piew hỏi.

"Chưa, Piew ơi. Mình đã tìm khắp nơi. Ôi, mình nhớ nó quá."

"Có khi nào nó rơi xuống sông." Nang Piew cố gắng làm lay chuyển niềm tin của Nang Oie rằng ai đó đã lấy nó.

"Không, mình không nghĩ vậy. Mình đã tìm khắp chỗ nước đó mà vẫn không thấy nó."

Hai người đến cổng trước. Nang Piew thả cuối thang ra và để Nang Oie tự vác về nhà vì nó không nặng lắm.

Tối hôm đó, lại một cuộc họp diễn ra tại nhà trưởng làng. Đám đông tụ tập lần này đông hơn bình thường. Mọi người đến xem và cùng chứng kiến ​​sự kiện. Những người liên quan sẽ mang gói tro của họ đến một căn phòng trống rồi bỏ vào trong một cái giỏ có nắp đậy. Bằng cách này, không ai biết gói nào thuộc về ai. Mỗi người bỏ gói đồ trong phòng, rồi bước ra ngồi đợi cùng mọi người. Nang Piew đặt gói tro của mình giữa gói của những người khác. Mỗi gói được bọc trong lá chuối, chứa tro và ớt, tượng trưng cho nỗi đau nóng xót của những kẻ trộm cắp.

Sau khi gói cuối cùng được mang vào, trưởng làng đem tất cả ra ngoài và đặt trước đám đông. Đây chính là lúc mọi người đã chờ đợi: mở các gói đồ. Một trưởng lão được chọn mở các gói. Ông mở từng gói một cách cẩn thận và bình tĩnh. Đầu tiên, ông ta rút chiếc que ghim gói, sau đó ông mở lớp bọc lá chuối ra, và cuối cùng ông dùng que khuấy tro từ từ. Đám đông nín thở xen lẫn lo lắng và chờ đợi.

Gói đầu tiên chỉ có tro và ớt, gói thứ hai cũng thế. Từ gói thứ ba, trưởng lão chỉ khuấy tro hai hoặc ba lần. Ông không cần phải khuấy nó quá nhiều vì thắt lưng là một vật lớn. Ngay sau khi gói lá được mở ra, người ta có thể dễ dàng nhìn thấy thắt lưng có ở đó hay không, chẳng như một chiếc nhẫn hay một cái bông tai, cần phải tìm kiếm kỹ lưỡng.

Việc mở gói thu hút sự chú ý của đám đông. Mọi người chăm chú theo dõi. Không ai nói, thậm chí không chớp mắt. Như thể việc phát hiện ra một cái nồi vàng vừa mới được đào lên khỏi lòng đất. Việc mở các gói tiếp tục đều đặn, hết mười lăm gói nhưng thứ cần tìm vẫn không xuất hiện. Vài người cho rằng điều này thật lãng phí thời gian. Gói thứ mười sáu, mười bảy và mười tám giống nhau. Vị trưởng lão cảm thấy hơi nản lòng, nhưng ông buộc phải tiếp tục.

Khi ông rút chiếc que ghim gói thứ mười chín và mở những chiếc lá, một đống tro lớn đổ xuống để lộ ra một vật sáng bóng. Mọi người reo hò thích thú. Có những tiếng la hét sung sướng của những người đến xem cũng như từ những người đã mang tro tới, kể cả người đã trả lại chiếc thắt lưng mà không ai có thể biết tên. Tiếng hét lớn hơn cả là từ Nang Oie, chủ nhân của chiếc thắt lưng, người đang nghẹn ngào vì sung sướng. Sự huyên náo ồn ào ấy tượng trưng cho tình yêu thương, vị tha, sự chân thành, tình bằng hữu đã được mọi người trong ngôi làng này gìn giữ lưu truyền từ bao đời nay.

Việc mở các gói tro kết thúc ở lần mở thứ mười chín. Mặc dù vẫn còn năm gói, mọi người cảm thấy không cần phải tiếp tục mở nữa.

Hồng Nữ dịch từ bản tiếng Anh

trên tạp chí Critical Asian Studies, Vol. 32, No. 4 (2000)

OUTHINE BOUNYAVONG (Lào)
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 336

Mới nhất

Đồng cảm “Bốn mùa thương nhớ”

23/12/2024 lúc 17:07

Trong cuộc sống của con người thì sự ăn quan trọng vào bậc nhất. Cổ nhân có câu, dịch nghĩa ý rằng: Nước lấy dân làm trời, dân lấy ăn làm trời. Ăn không chỉ để sống, để tồn tại, để lao động, cống hiến mà còn là để khoái khẩu, để thưởng thức, suy ngẫm và trải nghiệm, đó là quan trọng như trải nghiệm ăn uống. Sự ăn không chỉ thỏa mãn đời sống vật dục tất yếu, bình thường và lành mạnh mà còn là văn hóa, hồn vía, là tâm tình, kỷ niệm, là da diết muôn vàn, đến nỗi một người Quảng Trị xa xứ như ký giả Nguyễn Linh Giang dường như cứ luôn mang mang tâm trạng hồi cố, hoài niệm theo Bốn mùa thương nhớ (tập tản văn, NXB Thanh Niên, 2024).

Ký ức chiến tranh trong truyện ngắn Văn Xương

23/12/2024 lúc 17:04

Văn Xương (tên thật Nguyễn Văn Bốn) không phải là một tác giả xuất hiện sớm và có thành tựu sáng tác nổi bật ở Việt Nam. Anh sinh năm 1959 và thuộc lớp những người cầm bút của thời kỳ đổi mới. Những truyện ngắn đầu tiên của anh được giới thiệu trên một số tạp chí, báo địa phương và trung ương khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta đã lùi xa.

Theo những bước quân hành

23/12/2024 lúc 17:00

Chủ đề người lính là một đề tài lớn, xuyên suốt trong dòng chảy văn học cách mạng Việt Nam và kéo dài đến hôm nay. Đó là một hiện thực khách quan bởi lịch sử đất nước gắn với trường kỳ kháng chiến; và khi xây dựng cuộc sống mới, thì người lính luôn là lực lượng xung kích đi đầu, đồng hành cùng nhân dân. Có thể hình dung sự vẻ vang ấy qua những tác phẩm trong tập sách Vang mãi khúc quân hành (Nhà xuất bản Thuận Hóa, 2024).

Nắng trên thành cổ; Người lính hát

23/12/2024 lúc 16:56

Nắng trên thành cổ Một rêu phong trên tường thành muôn năm cũMột nguyện cầu dài trong chấp chới tiếng chuông xaMột thanh xuân giữa ầm

Trăng biên giới; Có một nơi xa nào

23/12/2024 lúc 16:54

Trăng biên giới Ánh trăng là ánh đènĐêm tuần tra biên giớiBước chân không biết mỏiTrăng làm bạn thân quen Trăng lên cao dốc đứngNhìn rõ những

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/12

25° - 27°

Mưa

28/12

24° - 26°

Mưa

29/12

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground