Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Mối tình lưu luyến

Truyện ngắn của REUNGSAK KAMTHORN (Thái Lan)
Thoạt đầu, khi đến đám tang, ông chẳng nghĩ ngợi gì. Ông không nói chuyện với người thân của bà mà chỉ bước vào thành kính chia buồn. Sau đó đến ngồi một mình trong góc, chỉ đáp lời với ai đến chào. Với bà Jan cũng vậy. Họ không trò chuyện nhiều; chỉ trao đổi vài lời khi gặp lại, như những người quen cũ vẫn làm. Có vẻ như họ chỉ bắt đầu thân mật sau lễ hỏa táng chồng bà.

Reungsak Kamthorn sinh năm 1960 ở Thái Lan, là một nhà báo, đồng thời là tác giả của nhiều truyện ngắn trên các tạp chí. Truyện ngắn này được viết năm 1992, in số tháng 6 năm 1994 trên Caravan, một tạp chí hàng tháng ở Bangkok. Sau đó được đăng lại trên tạp chí Kyoto số 50 năm 2002.

Mỗi ngày ông đều đi ngang qua nhà bà và ghé vào hỏi xem bà có nhà không. Nếu không, ông đi ngay lập tức, nhưng nếu có, ông sẽ chuyện trò với bà một lúc rồi ra về. Hơn thế, ông không bao giờ đến tay không. Ông mang theo những hộp cơm thịt gà hoặc thịt lợn thái mỏng, mấy gói cà phê đen đá, kẹo hoặc cam, và lần nào cũng để chúng lại.

Những lần đến thăm ông không làm phiền ai cả, vì ông là người tử tế. Dù năm nay đã bảy mươi nhưng trông vẫn còn khỏe mạnh. Ông ăn mặc chỉnh chu, áo quần sơ vin, đầu chải gọn gàng. Con trai ông là một thẩm phán rất được người làng quý trọng; khi mọi người gặp khó khăn, họ đến nhờ và anh đã giúp đỡ họ hết mình.

Về phần bà Jan, bà cũng không bận tâm lắm. Nếu bà và ông thân thiện với nhau, đó là vì họ đã biết nhau từ khi còn thiếu niên, hà cớ sao bây giờ lại khác cho được.

Tuy nhiên, ngày tháng trôi qua, mọi người trong nhà bà Jan bắt đầu coi ông như một trò đùa, vì thói quen mỗi ngày đều mang theo hộp cơm gà và gói cà phê đá. Đôi khi họ nhẹ nhàng trêu chọc ông, nhưng dường như ông không bận tâm.

Nếu con cái của bà cười nhạo ông, thì đó là do bà Jan. Bà thường ngồi mơ màng và khi được hỏi, bà đỏ bừng mặt xấu hổ. “Hôm nay ông Thong-in không đến sao bà?”. Hoặc có khi: “Bà đang mơ mộng về ai vậy bà?”. Nếu có trả lời, bà sẽ mắng họ: “Đừng thô lỗ, hãy nhớ là con đang nói chuyện với ai.” Nhưng mà, những người trẻ tuổi đã đúng - bà thực sự đã suy nghĩ lung lạc. Bà không thể không lo lắng cho ông ấy. Bây giờ ông ấy ở đâu? Đã có ai chuẩn bị đồ ăn cho ông chưa? Muộn rồi, sao ông không đến? Hay ông ấy bị ốm? Có ai chăm sóc cho ông không?…

Bà Jan thường ngồi trên chiếc ghế sofa cũ bên cạnh chiếc bàn, nơi bà đặt những hộp thiếc, lọ thuốc, và cả những đồ dùng cá nhân quý giá khác. Đôi khi con gái bà vốn là một giáo viên, tỏ vẻ khó chịu khi cô ấy đi dạy về và nhìn thấy đống hỗn độn. Cô sẽ giúp bà xếp chọn và vứt bỏ vài thứ vì "mẹ không muốn mất mặt khi ông ấy đến sao".

Ánh mặt trời chiếu vào tủ lạnh, bà đi đóng cửa sổ và nhìn ra cổng qua song sắt. Ngày nào cũng thế, khi mặt trời rọi tới tủ lạnh, ông ấy sẽ xuất hiện ở cổng.

Bây giờ ông ấy ở đâu? Ông bị ốm à? Bà không ngại việc đến thăm ông, nhưng bà sợ đứa cháu sẽ khiến mình xấu hổ khi hỏi những câu như: "Bà luôn phàn nàn là mình không thể đi lại vì đau đầu gối, vậy làm sao bà có thể tới nhà của cụ Thong-in hôm nay?".

Minh họa: THANH THỌ

Minh họa: THANH THỌ

Cái quỷ gì thế chứ? Họ đã biết nhau từ lâu, sao bây giờ mới bắt đầu nghĩ về nhau kiểu này? Chỉ từ khi chồng mất, bà mới cảm thấy như vậy, thêm nữa, bà vẫn đang để tang! Tại sao bà lại cảm thấy bối rối? Hay một linh hồn ma quỷ nào đó đã đến hành hạ bà và khiến bà cảm thấy xấu hổ mỗi khi nói rằng, già rồi, bà đã gần đất xa trời rồi, làm sao còn có những suy nghĩ lạc lõng như thế này?

Khi chìm đắm trong những suy nghĩ như vậy, bà phải tìm một cái gì đó để làm hòng ngăn chặn những tưởng tượng lung tung. Bà vào bếp, thấy không được gọn gàng, bà cầm chổi quét sàn, nhưng lại không kìm được việc rướn cổ về phía cổng.

Xong phòng bếp, bà đi dọn phòng khách. Khi mắt bà nhìn lên bức ảnh con gái trong bộ đồng phục giáo viên, bà cảm thấy thanh thản toại nguyện. Chẳng phải chính hai bàn tay này đã đưa con gái đi học cho đến khi cô trở thành một giáo viên được mọi người kính trọng sao?

Mấy hôm nay, có một điều khang khác: bà thích ngắm mình trong gương. Dẫu biết thời gian đã làm mình già đi, song bà vẫn muốn kiểm chứng. Bà chỉ còn lại mấy cái răng và chúng không còn khỏe để nhai mọi thứ, nhưng bà cảm thấy vậy cũng tốt lắm rồi. Càng nghĩ như thế, bà càng thấy xấu hổ về bản thân mình. Nhìn mà xem: tóc tôi đã bạc trắng hết cả, mặt mũi nhăn nhúm, vậy mà ông cứ dày mặt đến gặp tôi!  Hài thật chứ? Bà tủm tỉm cười một mình.

"Bà nhìn vào gương suốt mấy hôm nay, bà nhỉ. Còn nước hoa và son môi đâu rồi? Cháu sẽ lấy chúng cho bà nếu bà muốn.” Cô cháu gái xinh xắn của bà, mười tám tuổi, đã xuất hiện từ bao giờ. Bà Jan thực sự xấu hổ, vì những gì cháu gái vừa nói.

"Cháu lại đi đâu? Cháu không bao giờ ở nhà những ngày này."

"Cháu không giống bà, bà biết mà. Cháu không thể chỉ ngồi và chờ ai đó mang cho mình một phần cơm gà ngon mỗi ngày. Không ai mua nó cho cháu và nếu cứ ở đây, cháu sẽ đói mất."

"Ăn nói như gái hư, lắm chuyện như con vẹt!" Nói đến đây, bà Jan giận dỗi.

"Không phải vậy à? Cháu nói điều gì không đúng sao."

Chỉ tại cách cư xử kỳ quặc của ông ấy mà mấy đứa cháu cứ miệt thị mình. Chính ông ta là người đang khiến mình mất mặt với những người thân và họ hàng. Khi đang nghĩ ngợi vẩn vơ, bà nghe cháu gái gọi to: "Ông ấy đến rồi, bà ơi, dáng đi mạnh mẽ, tay xách cơm gà".

Chừng đó đủ để tim bà Jan rung lên vì sung sướng, như thể nó đã được ngâm trong nước thánh, hoặc như thể một cơn mưa rào bất ngờ ập xuống những cây cỏ đang khô héo giữa mùa hạn. Bà giả vờ không nghe thấy, không trả lời bất cứ điều gì và vẫn thản nhiên, nhưng trong lòng bà không thể không cảm thấy phấn khích khi sắp được gặp ông.

Bà nghe thấy ông hỏi đứa cháu gái: "Bà có ở trong không?"

Những đứa trẻ gần đó lại trêu chọc ông: "Không. Bà vừa đi chợ, nhưng ông có thể để lại cơm gà cho chúng cháu."

Mấy đứa trẻ không tôn trọng người già. Sao chúng lại nói dối ông? Bà rất muốn gọi, nhưng sợ đứa cháu gái sẽ làm bà xấu hổ một lần nữa, vì vậy bà ngồi yên.

"Bà đi lâu chưa?"

"Vừa mới thôi. Nếu ông đuổi theo bây giờ, ông sẽ bắt kịp bà đấy".

Mọi thứ trở nên yên lặng. Có lẽ ông ấy đã đi rồi. Ý nghĩ đó khiến bà vô cùng tức giận. Tại sao chúng lại cư xử như vậy với ông?

"Ông ơi… Ông ơi, đừng tin chúng. Bà không đi đâu cả. Bà ơi, bạn già của bà ở đây này. Sao bà im lặng thế?” Đó là tiếng cháu gái bà. Liền ngay đó, vang lên một tràng cười.

Khi bà Jan ra mở cửa cho ông, bà nhận ra rằng, dù trên khuôn mặt ông còn khá giận, đôi mắt sau cặp kính đen của ông vẫn lấp lánh niềm vui.

Bà mời ông vào và ngồi xuống như mọi ngày, đi lấy cho ông một cốc nước rồi lặng lẽ ngồi xuống. Bà im lặng một lúc lâu vì sợ sẽ để lộ cảm xúc thật của mình khiến bọn trẻ bên ngoài đàm tiếu.

Nhiều ngày trôi qua, mối quan hệ giữa ông Thong-in và bà Jan càng trở nên đậm sâu, đến mức có những ngày ông đến lúc bình minh và không chịu về trước lúc chạng vạng. Điều này khiến con gái của bà Jan vô cùng khó chịu, cô cảm thấy xấu hổ vì việc làm đáng ghét của mẹ mình. Ở tuổi già, mẹ cô nên quan tâm đến những chuyện tâm linh thay vì vô bổ với chuyện tình cảm.

Một buổi tối khi ông đến thăm, cô con gái nhìn mẹ thăm dò nhiều lần, và khi thấy bà giả vờ không để ý, cuối cùng cô quyết định lên tiếng.

"Gia đình bác có biết bác đã ở đây cả ngày không? Cháu chắc rằng bây giờ họ lo lắng lắm."

"Chúng biết. Tôi báo với chúng mỗi khi đến đây," ông nói, sau đó đưa mắt nhìn chỗ khác.

“Cháu nghĩ trời sắp tối và tốt hơn hết bác nên quay về ăn tối cùng gia đình. Bác có thể quay lại vào ngày mai."

Cả ông và bà đều cảm thấy có gì đó đè nén lồng ngực. Những người cao tuổi như họ không nên để con cháu ra lệnh như vậy. Sự xấu hổ khi buộc phải rời khỏi nhà khiến ông không thể đứng dậy được ngay lúc đó, thế nên ông tỏ ra ngoan cố và tiếp tục ngồi một lúc rồi mới đi.

Ông Thong-in rất muốn nói với những người khác, để họ hiểu ông hơn, rằng khi ông và bà Jan ở tuổi thiếu niên, họ đã yêu nhau, yêu nhau đến mức thắm thiết. Từng say đắm vì nhau, yêu nhau đến mức sẵn sàng bỏ trốn, nhưng cha mẹ của họ đã ngăn cản, cho rằng họ không hợp nhau và cuối cùng họ đã chia tay. Bà Jan đã lấy chồng trước, và ông đã thất tình suốt năm năm cho đến khi ông kết hôn. Trong suốt năm mươi ba năm kể từ đó, ông đã phải sống trong nỗi buồn, kìm nén cảm xúc của mình, cúi đầu trước những ràng buộc của xã hội và cố gắng trở thành một người cha tốt của con trai mình.

Sức mạnh của tình yêu dữ dội đến nỗi không một định kiến nào có thể ngăn cản được. Một khi ngọn lửa tình yêu âm ỉ trong trái tim trở nên bỏng cháy không thể chịu đựng nổi, thì họ phải làm gì đó.

"Tốt hơn là chúng ta nên làm điều gì đó cần thiết, để mình có thể sống hạnh phúc bên nhau?" Ông Thong-in ngỏ ý vào một buổi tối khi họ ở bên nhau.

Bà lão nhìn ông như không thể tin vào tai mình nhưng chưa vội trả lời. Bà lấy điếu thuốc quét qua môi và răng, ngồi suy nghĩ một lúc rồi nói: "Cả hai chúng ta đều già rồi. Chúng ta không thể liều lĩnh như mấy đứa trẻ để cho hàng xóm đàm tiếu."

"Nhưng nếu chúng ta không làm vậy, họ sẽ còn đồn thổi nhiều hơn nữa," ông Thong-in quả quyết.

"Vậy hãy nói xem ông muốn tôi làm gì."

Tim ông Thong-in đập thình thịch. Những gì ông cảm thấy bây giờ không khác gì điều ông đã cảm thấy lần đầu tiên. Ông vẫn còn nhớ cái ngày cách đây rất lâu khi họ hẹn nhau ở lễ hội đền để cùng nhau xây mộng ước. Cô gái xinh đẹp tên Jan đã hỏi anh điều tương tự sau khi cô ấy thuộc về anh trong đêm đó.

Ông mỉm cười với bà trước khi trả lời một cách chân tình: "Nếu bà không phiền và thực sự muốn tôi trở thành người bạn đời, tôi sẽ bảo con trai tôi đến nói chuyện với con gái của bà."

Ông nghĩ ý tưởng của mình là đúng và mọi thứ sẽ ổn thỏa. Con trai ông là một thẩm phán được mọi người kính trọng. Nếu anh ấy đến và yêu cầu con gái của bà Jan về chuyện bà mẹ, cô ấy chắc chắn sẽ không từ chối. Con trai ông chắc cũng không có vấn đề gì, vì mẹ nó đã mất hai mươi năm rồi.

Họ nhất trí với nhau rằng mỗi người sẽ giải quyết vấn đề với các con của họ. Ông Thong-in tiến hành nói chuyện với con trai mình, nhưng rất khó để ông tìm ra thời điểm thích hợp để làm điều đó, vì ông phải thăm dò biểu hiện của con trai, để đảm bảo rằng anh ấy đã sẵn sàng lắng nghe hoàn cảnh của mình. Cuộc trò chuyện khiến ông hoàn toàn thất vọng.

"Sao bố lại thế này hả bố? Con không hiểu nổi. Nếu bố làm thế, mặt mũi nào con nhìn người ta?” - Con trai ông nói với giọng run rẩy.

Ông cảm thấy khuôn mặt mình tê dại vì xấu hổ. Ông không ngờ rằng tình hình sẽ diễn biến theo cách này.

Con trai ông nói cũng đúng: anh ta là một thẩm phán, được mọi người coi trọng. Còn đâu thể diện nếu bạn bè của anh, những người hàng xóm hoặc bất cứ ai khác chế nhạo vì bố anh ta đã gây ra trò cười? Điều gì sẽ xảy ra nếu các tờ báo đăng một tin đại loại: "Ông già ô uế làm nhục con trai mình, một thẩm phán, bằng cách tái hôn ở tuổi bảy mươi!"

"Ở tuổi của bố, tại sao bố không theo đạo? Bố nên đến chùa để đầu óc thoát khỏi những suy nghĩ kiểu này."

Ông không biết phải nói như thế nào. Nếu ông bảo với anh ta rằng ông và bà Jan đã yêu nhau từ thời trẻ của họ, nó sẽ giống như một câu chuyện cổ tích nào đó mà ông đã đưa ra để ngụy biện.

Với bà Jan, bà cũng gặp phải vấn đề tương tự. Sau khi nói chuyện với con gái, bà cảm thấy mình như một mụ già biến thái.

"Mẹ không làm gì cả. Mẹ chỉ muốn tham khảo ý kiến ​​của con. Hãy ngừng la hét như thế. Hãy nghĩ về những người hàng xóm." Bà xua tay, ra hiệu cho con gái mình hạ giọng.

"Mẹ không quan tâm đến danh dự của con!"

"Tiếp tục, tiếp tục hét đi nếu con không phiền những người hàng xóm."

"Dù con có hét hay không cũng không có gì khác đâu; mọi người đều biết hai người đã làm gì."

"Làm gì là làm gì, ôi trời? Mày đừng có mà coi thường mẹ như thế!” - Lần này bà lớn giọng vì không thể cho phép con gái vu vạ mình.

Bà vừa đau đớn vừa xấu hổ khi ở tuổi này còn bị con cháu chê bai. Không ai biết bà đã khóc một mình trong bóng tối suốt đêm. Bà liên tục tự vấn rằng linh hồn quỷ dữ xấu xa nào đã khiến mình ra nông nỗi này, tại sao mình phải theo ông ấy mặc dù chuyện tình của hai người đã bị đứt quãng từ lâu rồi.

Sau khi được tư vấn để loại bỏ và kiềm chế ham muốn, họ đồng ý đến chùa để tịnh hóa đầu óc mình thông qua những lời dạy của Đức Phật, như lời đề nghị của con cái họ.

Tuy nhiên, sau khi vào chùa không lâu, ông Thong-in quyết định rời đi, vì những lời dạy của Đức Phật không làm giảm bớt nỗi đau khổ của ông. Ngược lại, ông cảm thấy càng ngồi thiền lâu, tâm trạng ông càng rối bời. Ông đã đi đến kết luận rằng cách duy nhất để thoát khỏi nỗi đau khổ của mình là khi được những người khác hiểu và thông cảm.

Đêm hôm đó, sau khi ông và bà quyết định sẽ cùng nhau bỏ trốn và đã chọn thời điểm cho việc đó, họ bí mật nhét quần áo và những đồ dùng vào túi du lịch của mình. Ông Thong-in dặn bà nên mang theo càng ít càng tốt, để đỡ vướng víu khi họ đi lại. Ba hoặc bốn món quần áo là đủ, bà có thể mua thêm một ít nữa khi đã tìm được nơi ổn định.

"Ông đã nghĩ kỹ chưa?" Bà Jan hỏi, để chắc chắn một lần nữa.

"Tất nhiên rồi. Nếu cứ để mọi thứ tiếp tục như thế này, chúng ta càng khiến họ mệt mỏi mà thôi. Hơn nữa, bây giờ chúng ta đã già và dù sao cũng sẽ chết trong vài năm nữa thôi."

"Nhưng tôi lo lắng cho con gái mình, tôi sợ nó sẽ cảm thấy trống trải", bà Jan nói rồi bật khóc.

Hai mẹ con đã ở bên nhau suốt quãng đời cô ấy, vậy tại sao, tại sao, lại phải chia tay nhau bây giờ? Suốt chặng đi, bà Jan không ngừng phàn nàn rằng bà đang nhớ con gái và các cháu của mình.

Ông Thong-in đưa bà đến một ngôi nhà nhỏ ở tỉnh Rayong. Đó cũng chính là nơi mà ông đã từng cùng cô gái xinh đẹp tên Jan tay trong tay men dọc một bãi biển cát trắng mịn. Ông vẫn nhớ sự tự do của những cánh hải âu sà xuống giữa làn nước biển xanh thẳm; những con cua đất nhỏ nhưng nhanh nhẹn thách thức đôi trẻ chạy theo và bắt chúng, thật là vui; và bãi cát trải dài trên đó họ đã cùng nhau khắc lên những lời thổ lộ tình cảm sâu kín nhất của họ với Đất Mẹ: "Mình sẽ yêu nhau mãi mãi."

Những khoảnh khắc ấn tượng này đã chìm sâu nơi bí mật của trái tim ông suốt năm mươi ba năm, một khoảng thời gian dài đến nỗi đôi khi ông quên mất rằng mình từng có một mối tình đầu. Ông không ngờ đời mình lại có một ngày được nếm lại vị ngọt của quá khứ. Cái ngày mà, họ đã móc hai ngón tay út của mình vào nhau và chọc ghẹo nhau khi chạy dọc bãi biển, như bao cặp đôi trẻ yêu nhau khác. Nhưng hôm nay, chỉ cần đi dạo cùng nhau mà không cần đụng chạm hay âu yếm cũng khiến ông quá đỗi hạnh phúc.

“Đầu gối của bà còn đau không?” Ông hỏi với vẻ quan tâm.

"Cũng còn chứ."

"Tôi sẽ xoa bóp cho bà khi chúng ta quay về. Tôi đã mang theo một ít thuốc mỡ."

Bà Jan không trả lời. Đầu óc bà vẫn đang rối bời. Bà nhớ những người thân. Giờ này, chắc họ đang ngược xuôi tìm kiếm bà.

Nơi họ ở là một căn phòng nhỏ của dãy nhà được xây để cho thuê. Họ chuyển đến ngay khi trả tiền thuê nhà. Đây là đêm đầu tiên họ ngủ chung giường. Dù họ đã từng biết về cuộc sống hôn nhân, nhưng đây mới là đêm đầu tiên của họ bên nhau - đêm đầu tiên của cuộc sống mới, đêm đầu tiên gắn bó nhau cho đến khi cái chết sẽ chia lìa họ.

Bà lạy Phật, đọc kinh hồi hướng công đức cho những người đã khuất và cầu xin thổ thần đất đai che chở. Sau đó bà quay ra sát mép mùng và nằm như bất động. Còn ông Thong-in cứ liên tục xoay qua trở lại nhưng không thể tìm được tư thế thoải mái. Ông không biết mấy giờ rồi, chắc đã khuya lắm, vì chiếc đài trong ngôi nhà liền kề đã ngừng phát sóng từ lâu vẫn cứ sôi rò rò, có lẽ chủ nhân của nó đã quên tắt đi trước khi chìm vào giấc ngủ.

Mặc dù họ đã tắt điện, nhưng một bóng đèn neon bên ngoài vẫn tỏa ra ánh sáng yếu ớt vào phòng và ông có thể thấy bà Jan đang nằm vắt tay lên trán. Ông đưa một bàn tay đặt lên bụng bà, nơi đang phập phồng lên xuống khi bà thở.

"Bà vẫn chưa ngủ à?"

"Chưa. Tôi đang nghĩ về con gái. Bây giờ, chắc họ đang nóng lòng tìm kiếm."

Thoáng chốc, ông không nói gì. Ông để bà trôi theo dòng suy nghĩ của mình. Một lúc sau bà bắt đầu cảm thấy khó chịu khi nhận ra bàn tay đang đặt trên bụng mình vụng về di chuyển lên xuống khiến bà nổi hết cả da gà.

“Ông muốn?” Bà hỏi.

‘Hừm…’

Đó là những lời nói thốt ra từ lòng họ. Họ chỉ nói những gì nảy ra trong đầu, không có sự giả vờ.

Bà cởi xà rông(1) rồi đến áo cánh và để ông vuốt ve bà một lúc trước khi bà đưa tay vuốt đùi ông.

"Nhưng bà vẫn còn khập khiễng!"

"Hừm…"

"Bà có muốn tôi giúp?"

"Hừm…’

Đó là một cách thể hiện sự quan tâm lẫn nhau hơn là đam mê tình dục.

"Được rồi. Ông ngủ đi"

"Sao thế?"

"Tôi biết ông đang mệt mỏi, tôi hiểu mà."

"Nghe lời bà vậy. Nghỉ ngơi thôi."

Càng về khuya, trời càng lạnh. Ông đã ngủ từ lâu còn bà vẫn nằm vắt tay qua trán. Dù mệt mỏi nhưng bà vẫn lo lắng cho con gái và các cháu. Bà tự trách mình về những gì đã làm; lẽ ra bà không nên rời chúng và đi xa như vậy. Bây giờ chúng thế nào? Chúng đã ăn gì chưa?

Ngày mai, bà sẽ bảo ông Thong-in đưa về nhà.

Tuyết Trinh dịch từ bản tiếng Anh trên tạp chí Kyoto

 

____________________

(1) Xà rông: một mảnh vải dài quấn quanh người và thắt ở eo hoặc dưới nách, theo cách mặc truyền thống ở Thái Lan. (ND chú thích)

 

REUNGSAK KAMTHORN (Thái Lan)
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 336

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground