Aung Thin là một nhà văn ở Miến Điện đã dành rất nhiều tâm huyết vào việc giáo dục và khuyến khích thế hệ trẻ trở thành những công dân tốt.
Ông sinh ngày 17 tháng 4 năm 1927 ở thị trấn Taungdwingyi, vùng Magway và qua đời ngày 25 tháng 10 năm 2014 tại San Chaung, Yangon. Bài báo đầu tiên của ông được in trên tạp chí Myawaddy vào năm 1959. Năm 1960 ông trở thành trợ giảng tại Đại học Yangon. Ông đã viết hơn 50 cuốn sách về các thể loại đạo đức, kiến thức văn hóa và giáo dục thanh niên. Ông được trao giải thưởng Văn học Quốc gia năm 2012.
Tôi làm giảng viên tại Đại học Yangon từ đầu thập niên 1960. Trước đó, tôi dạy ở một trường phổ thông tại thị xã Taungdwin-gyi, quê nhà của tôi. Có thể bị cho là khoác lác khi nói rằng tôi là một giáo viên giỏi ở cả hai nơi. Tôi nghĩ thực ra thì một giáo viên giỏi không có gì ghê gớm lắm, chẳng cần nỗ lực hay tài năng gì nhiều.
Tuy nhiên, những gì tôi chứng kiến được trong chuyến về thăm quê năm 1963 đã khiến tôi cảm thấy chột dạ.
Khi tôi về đến quê nhà thì các trường học vừa bắt đầu học kỳ mới và tôi tự cho điểm kém vì còn lâu tôi mới được giáo viên giỏi.
Để tôi giải thích chuyện này.
Trong chuyến về thăm Taungdwin-gy, tôi thích ở chùa Shwe In Taung vì gần đó có một viện bảo tàng nhỏ do tôi và một vài người bạn thân trong ban giám đốc điều hành. Chúng tôi thường gặp nhau ở đó vào buổi tối. Trên đường đến bảo tàng, tôi thường ghé trường học gần chùa để báo cho U Nyan Sein, bạn tôi đang dạy ở đó biết rằng tôi sẽ đợi anh. Anh là một giáo viên mỹ thuật nhưng anh dạy đọc và viết cho trẻ mới vào trường mẫu giáo.
Một hôm tôi đến cửa lớp để bảo anh ấy đến bảo tàng sau khi hết giờ dạy. Tôi thấy anh đang vẽ trên bảng và tôi nán lại để xem thử cái gì. Những cháu bé lên năm đang yên lặng ngồi chờ. Chỉ vài nét khéo léo, chúng đã nhận ra một nhân vật hoạt hình và đồng thanh kêu lên:
“Ninja Rùa!”
U Nyan Sein vẽ thêm một cây gậy.
Bọn trẻ lại đồng thanh:
“Nó đang cầm gậy”.
Rồi sau đó:
“Nó đang hút ống điếu”.
U Nyan Sein quay xuống lớp:
“Một hôm Ninja Rùa đi dạo chơi, đố các cháu biết nó sẽ gặp ai, nào?”
Anh quay lại bảng và vẽ một hình khác cách xa hình cũ về phía phải của bảng.
“Ninja Thỏ,” bọn trẻ ré lên.
“Thế rồi, Ninja Thỏ nói với Ninja Rùa...”
Anh ấy bắt đầu kể chuyện. Tôi không nhớ gì thêm vì phải vẫy tay chào để đi.
Anh ấy cười, nói: “Mời thầy nghe nữa chứ!”
Tôi hẹn anh chiều tối gặp nhau.
Hai, ba ngày sau đó, tôi thấy anh chỉ vẽ hình và kể chuyện nên tôi hỏi anh sao không dạy gì cả.
“Dạy đọc và viết thì lúc nào cũng được,” anh trả lời. “Bạn nhận xét đúng, mình cố ý làm như vậy. Vì thời gian này cần làm cho trẻ thích học, thích đến trường, không sợ. Đây là bước quan trọng”.
Tôi nghĩ có lẽ anh nói đúng và hôm sau quyết định ở lại xem anh dạy.
Có một cháu ngồi hàng đầu khóc đến sưng mắt.
Nó chẳng thèm nhìn tranh vẽ hay nghe chuyện. Nó khóc liên miên, không dứt. Nó luôn nhìn ra cửa sổ và tôi thấy một cụ già, có lẽ là bà của nó, đang ngồi dưới gốc cây me.
Một lát sau, U Nyan Sein gọi bà cụ:
“Về nhà đi bà ơi. Đừng lo cho nó. Nếu bà còn ngồi đó thì cháu không dỗ cho nó nín được đâu”.
Nghe vậy, thằng bé khóc ré lên. Bà cụ có vẻ tần ngần không muốn đi.
“Vụ này khó đây. Mấy bà già này còn khó giải quyết hơn mấy đứa trẻ.” Anh nói với tôi.
Rồi anh ấy gọi bà: “Làm ơn bà đi khuất qua cái góc kia để thằng bé không nhìn thấy”.
Bà cụ chậm chạp rời đi. Đám trẻ hú lên, làm rung cả phòng.
U Nyan Sein tiếp tục kể chuyện trong khi thằng bé vẫn khóc. Nó khóc vài phút cho đến khi U Nyan Sein ngừng kể và mỉm cười nhìn thằng bé.
“Nào, các cháu, hình như bạn nhỏ này dùng không hết nước mắt, tại sao các cháu không khóc để giúp bạn dùng hết cho nhanh?”.
Ngay lập tức, bọn trẻ bắt đầu giả khóc. Chúng khóc rất hăng, tay quệt nước mắt và rên hu hu. Phòng học ồn ào như cái đám.
Thằng bé ngừng khóc, ngạc nhiên nhìn quanh, vẻ bối rối.
Bọn trẻ ngừng khóc. Trông thấy cảnh này, tôi không nén được cười.
U Nyan Sein tiếp tục kể chuyện. Một lúc sau, thằng bé lại khóc, cả lớp lại cùng khóc với nó, khóc cho hết nước mắt. Sau đó, không còn nước mắt nữa, cả thật lẫn giả.
Hôm sau tôi đến lớp anh ấy sớm hơn. Thằng bé ấy có vẻ đã khóc trước đó nhưng đã nín rồi. Thầy nó có vẻ phấn khởi. Anh nói với lớp: “Này, các cháu. Hôm nay thầy sẽ cho các cháu mấy trái mận, các cháu có thích không?”
“Vâââng aaaạ!” bọn trẻ trả lời.
“Ai thích thì đưa tay lên!”
Những ngón tay nhỏ bé đưa lên. Thằng bé hay khóc không đưa tay lên nhưng há hốc miệng nhìn thầy nó: thật có mận hay không, thằng bé hình như đang tự hỏi. Tôi cũng vậy.
U Nyan Sein quay lại bảng. Anh vẽ một vòng tròn và thêm một cái cuống ở phía trên.
“Trái mận đây... ai trước? Cháu, cháu là người nhỏ nhất... lên đây!”
Anh giả vờ hái trái mận từ bảng, ném cho một cháu. Cháu này cũng giả vờ chụp và ăn, miệng nhai bỏm bẻm. Cả lớp ồ lên thích thú.
“Đây, một trái nữa này!” Anh vẽ một trái khác, hái và ném. Anh nói: “Trái này không ngọt, không tròn lắm, hơi dài. Cũng tạm được, thử xem nó chua thế nào”.
Thằng bé được ném mận chu miệng lên, nói: “Chua quá!”. Bọn trẻ cười ré lên. Có mấy đứa kêu to: “Cho con với! Trái tiếp cho con!”
“Trái này thúi rồi. Có mùi ghê lắm”.
Anh vẽ một vòng tròn lồi lỏm không đều.
Thằng bé được ném nhăn nhó mặt mày, ra vẻ hôi lắm.
Các cháu bé năm tuổi được một buổi vui vẻ. Màn nhặt mận rất thành công.
Hôm sau, một bước mới được áp dụng.
“Hôm nay, thầy mua mận của các cháu, mỗi lần năm quả”, anh ấy cho học sinh biết. “Nhưng chỉ trái ngọt mới được điểm. Thầy không mua quả chua hay thối, nên các cháu không có điểm. Nào, hãy xem thầy vẽ trái mận ngọt thế nào nhé... nhìn đây”.
Anh vẽ lên bảng một vòng thật tròn theo chiều kim đồng hồ.
“Còn trái mận thối thì thế này”. Anh vừa nói vừa vẽ một vòng ngược kim đồng hồ.
Học trò đưa tay lên và làm động tác theo anh.
“Thế này! Không phải thế này!” chúng đồng thanh nói theo anh.
Tôi tự hỏi làm sao anh có thể kiểm tra ai vẽ ngược kim đồng hồ vì anh không thể quan sát hết tất cả bọn trẻ cùng một lúc.
Một cánh tay nhỏ bé giơ lên: “Thưa thầy, bạn này vẽ mận thối, thế này”. Cánh tay ấy vẽ một vòng ngược kim đồng hồ.
Bạn bên cạnh vừa nói vừa vẽ vào khoảng không, “Không, không. Cháu vẽ thế này này”, dùng tay vẽ một vòng theo chiều kim đồng hồ. À ha, tôi nghĩ, bọn trẻ kiểm tra lẫn nhau.
Hóa ra việc hái mận này có chủ đích: Bảng chữ cái Myanmar dựa trên những đường tròn.
Bọn trẻ chăm chú vẽ những “trái mận” trên bảng con.
Sau khi mỗi cháu vẽ xong năm “trái mận”, chúng mang lên để thầy kiểm tra.
“Ồ, trái này chua, lần sau thầy không mua đấy nhé. Nhưng lần này thì thầy mua,” anh nói và cho điểm. Bọn trẻ vui vẻ xuống lớp.
Thằng bé hay khóc mang bảng con lên với vẻ e thẹn.
“Cháu khóc nhiều nhưng mận cháu ngọt lắm!” U Nyan Sein nói với nó. Thằng bé chạy nhanh về chỗ, có vẻ rất sung sướng, và tôi để ý thấy nó mang bảng con lên nhiều lần nữa, lần nào cũng có vẻ sướng lắm.
Hôm sau bắt đầu một bài mới. Anh yêu cầu mỗi cháu đứng dậy và nói tên của mình. Sau đó anh viết một mẫu tự “Ka” (Mẫu tự đầu tiên trong bảng chữ cái)* lên bảng.
Nào, tất cả các cháu đều có tên... lần lượt cho thầy biết tên của cháu... Ồ, tên đẹp lắm!... Tên hay lắm!... Tên dễ thương lắm!.. Các cháu nghe đây. Anh bạn trên bảng này cũng có một tên. Tên bạn là 'Ka'. Đừng quên nhé. Các cháu thích người ta gọi đúng tên mình, đúng không? Thì bạn này cũng vậy.
Và anh tiếp tục với tất cả chữ cái theo cách ấy.
Sau khi xem bạn tôi dạy, tôi thật sự cảm thấy chột dạ. Tôi có phải là một giáo viên giỏi hay không? Tôi có dạy học sinh của tôi tốt như anh ấy hay không?
A.T
Nguồn: Tạp chí Non Nước
http://vannghedanang.org.vn/nonnuoc/chitiet.php?id=3082&so=125