C |
ác vì sao vẫn còn lấp lánh trong bình minh. Chúng như những ký ức hạnh phúc đang thắp sáng một cuộc đời đang đi đến kết thúc. Một ông lão đang bước đi trong thị trấn, thi thoảng kéo chiếc áo choàng sờn rách sát vào cơ thể để che chắn gió lạnh. Từ các ngôi nhà hai bên đường vọng ra những âm thanh của các chiếc máy xay và giọng hát ngọt ngào của những người phụ nữ khi họ đang làm việc. Chúng như giục bước chân cô độc của lão. Ngoại trừ tiếng chó thi thoảng sủa, tiếng bước chân vội vã của một người lao động đi làm sớm và tiếng chim thảng thốt thì cả thị trấn hoàn toàn im ắng. Hầu hết cư dân thị trấn đang ngủ say vì trời đông lạnh lẽo. Cái lạnh đã sử dụng giấc ngủ để mở rộng sự thống trị của nó ra khắp mọi vật. Nó như một người bạn phản trắc đang ru những nạn nhân có chọn lọc của anh ta ngủ bằng những nụ cười âu yếm. Lão già đôi lúc run rẩy nhưng vẫn nặng nhọc bước qua được khỏi cổng thị trấn để đến một con đường thẳng. Đến đó, lão bước chậm hơn, tay chống vào chiếc gậy cũ của mình.
Khi nhìn thấy chiếc cổng vòm bằng gỗ của tòa nhà, niềm vui tràn ngập trong lão, như niềm vui của kẻ hành hương vì đã đi tới được nơi cần tới. Trên cổng vòm có treo một tấm bảng cũ viết bằng sơn: BƯU ĐIỆN. Lão già lặng lẽ đi vào và tới ngồi trên một chiếc ghế băng. Từ phía sau bức tường vọng ra tiếng nói yếu ớt của hai, ba người đang bận rộn với công việc hàng ngày của họ.
“Thanh tra cảnh sát”, giọng nói sắc lẹm vang lên từ phía trong. Lão già giật mình khi nghe giọng nói nhưng rồi lại thu mình lại ngồi chờ. Niềm tin và lòng thương yêu làm lão không thấy lạnh.
Viên thư ký lần lượt đọc địa chỉ viết bằng tiếng Anh trên các bì thư và quẳng chúng cho những người đưa thư. Do thạo việc nên anh ta đọc rất nhanh: cao ủy, thanh tra, thủ thư..., vừa đọc vừa quẳng thư ra.
Giữa lúc đó, có một giọng nói đùa cợt vọng ra: “Ông Ali!”.
Lão già đứng dậy, mắt trông lên trời để cảm ơn, chân bước tới và lấy tay vịn cửa.
“Tôi đây ạ”.
“Vâng. Ai đó?”.
“Anh gọi ông Ali phải không? Tôi đây. Tôi đến để nhận thư”.
“Ông ta là ông già không bình thường. Ông ta cứ hằng ngày chờ chúng ta gọi tới để nhận những lá thư không bao giờ đến”, viên thư ký nói với ông trưởng bưu điện.
Ông lão chầm chậm đi trở lại chiếc ghế băng mà ông đã ngồi năm năm nay.
Lão Ali từng là một thợ săn thông minh. Khi các kỹ năng săn bắn gia tăng thì tình yêu ông dành cho nó cũng gia tăng. Cuối cùng, thật khó cho lão nếu một ngày trôi qua mà lão không đi săn. Săn bắn như một thứ thuốc phiện trong khẩu phần hàng ngày của lão. Khi lão giương súng về phía một con chim mà trong mắt kẻ khác là vô hình thì như người ta nói, con chim đã nằm gọn trong túi xách của lão. Đôi mắt tinh anh của lão có thể thấy được một con thỏ rừng đang thu mình lại. Dù các con chó săn không phát hiện ra được là con thỏ đang ma mãnh ẩn náu trong bụi cây, đôi mắt sáng của lão Ali vẫn có thể thấy được hai tai của nó và trong khoảnh khắc tiếp theo, nó bị lão hạ gục. Ngoài việc săn bắn, lão còn thường đi lại với những người đánh cá là bạn của lão.
Nhưng khi hoàng hôn của cuộc đời ập đến, lão từ bỏ các đam mê cũ và cuộc đời lão rẽ sang một bước ngoặt mới. Đứa con gái duy nhất của lão là Miriam có gia đình. Chồng của chị là một người lính và chị đi theo anh ta đến đơn vị của anh ta ở Punjab. Trong năm năm trời, lão không có tin tức gì về con gái và do đó, lão một mình kéo lê cuộc sống buồn tủi. Giờ thì lão đã thấm được ý nghĩa của tình yêu thương và sự phân ly. Lão không còn hứng thú với việc săn bắn và không còn cười trước hình ảnh các con chim non sợ hãi vì mất cha mẹ.
Mặc dù bản năng của một thợ săn nằm trong xương cốt nhưng sự cô độc đã ập đến với lão kể từ ngày Miriam theo chồng và giờ, sau khi từ bỏ thú săn bắn, lão cũng không còn được thế giới hoang dại ngưỡng mộ nữa. Lão trầm tư và đi đến kết luận rằng, cuộc đời được xây đắp bằng tình yêu và nỗi đau vì chia lìa là không thể tránh khỏi. Nghĩ vậy, lão ngồi khóc đắng cay. Từ ngày con gái lão đi, lão dậy từ lúc 4 giờ sáng và đi ra bưu điện. Trong cả cuộc đời mình, lão chưa bao giờ nhận được một lá thư nhưng giờ, với hy vọng và niềm tin tràn ngập, lão luôn cho là lá thư đầu tiên sẽ đến với lão.
Tòa nhà bưu điện, một trong những tòa nhà lãnh đạm nhất thế giới, trở thành điểm hành hương của lão. Lão luôn luôn ngồi trên một chiếc ghế ở một góc tòa nhà và khi biết được thói quen của lão, người ta cười. Nhân viên bưu điện bắt đầu trêu chọc lão. Dù không có lá thư nào gởi cho lão nhưng họ vẫn gọi to tên lão để được thấy lão nhổm dậy và đi tới chỗ phát thư. Nhưng với niềm tin vô bờ bến và sự nhẫn nại khôn cùng, hàng ngày lão vẫn đến bưu điện rồi trở về với hai bàn tay trắng.
Khi lão Ali đang đợi, những nhân viên văn thư cũng đến để nhận thư của công ty họ và lão sẽ được nghe họ bàn tán về các vụ tai tiếng của sếp của họ. Những nhân viên văn thư trẻ này đội khăn xếp sạch sẽ, mang giày kêu cót két và luôn hào hứng biểu lộ cảm xúc. Khi họ đến, cửa được mở ra và viên trưởng bưu điện, một người đàn ông có cái đầu nhìn u ám và khó tả của một trái bí, đã ngồi vào ghế. Chẳng có vẻ sôi nổi nào trên khuôn mặt ông ta. Những người có khuôn mặt như thế thường là giáo viên trường làng, thư ký văn phòng hoặc phụ trách bưu điện.
Một ngày nọ, lão đến như mọi khi và khi lão đang ngồi trên ghế thì cửa mở.
“Thanh tra cảnh sát”, viên nhân viên bưu điện gọi và một người trẻ nhanh chóng tiến đến nhận thư.
“Giám thị”. Một nhân viên văn thư khác tiến đến. Viên nhân viên bưu điện như một tín đồ của thần Vishnu, lặp đi lặp lại hàng ngàn cái tên quen thuộc.
Cuối ngày, mọi người về nhà, lão Ali cũng đứng dậy, chào tạm biệt tòa nhà bưu điện như thể nó đang chứa các thánh tích quý giá và ra về, bước đi bằng hình dáng đáng thương.
“Lão già đó có bất thường không nhỉ?”, viên trưởng bưu điện hỏi.
“Ai vậy anh? Ồ, em nhớ rồi”, viên nhân viên bưu điện đáp. “Lão đã đến đây hàng ngày trong năm năm qua, dù thời tiết có thế nào. Nhưng chẳng có ai gởi thư cho lão cả”.
“Tôi biết chứ! Ai đâu mà có thời gian để mỗi ngày viết một lá thư”.
“Nhưng lão cũng đáng thương. Kiếp trước lão phạm nhiều tội, thậm chí đã làm đổ máu trong thánh đường nên bây giờ phải trả giá”, người đưa thư lập luận.
“Những kẻ kì dị là những kẻ bất bình thường”, viên trưởng bưu điện nói.
“Đúng. Có lần tôi thấy một kẻ không bình thường ở Ahmedabad. Anh ta chẳng làm gì ngoài việc dồn cát lại thành từng đống. Tôi còn thấy một người khác có thói quen hằng ngày đi ra giữa dòng sông vốc nước đổ lên các tảng đá”.
“Ô, những chuyện em kể chưa là gì. Tôi biết một người không bình thường chỉ bước tới bước lui cả ngày, người thứ hai thì chỉ đọc thơ còn người thứ ba thì tự vả vào mặt anh ta rồi khóc do bị đánh”.
Và mọi người trong bưu điện đều nói về những người điên. Tầng lớp lao động có thói quen cùng nhau nói về một chuyện gì đó khi giải lao. Sau khi lắng nghe, ông trưởng bưu điện đứng dậy và nói:
“Hình như người điên chỉ sống trong thế giới của họ. Với họ, chúng ta có lẽ cũng là những người điên. Thế giới của họ khá giống với thế giới của các thi sĩ, tôi nghĩ vậy!”.
Ông ta cười khi nói những từ cuối cùng, mắt nhìn các nhân viên. Sau đó ông ta đi ra ngoài và văn phòng trở nên vắng lắng trở lại.
Đã nhiều ngày rồi, lão Ali không đến bưu điện. Không có ai có sự đồng cảm và thấu hiểu để đoán nguyên do nhưng tất cả đều tò mò muốn biết điều gì đang xảy ra. Cuối cùng, lão lại đến nhưng giờ, lão thở hổn hển, khuôn mặt có khí sắc của cái chết. Hôm đó, lão không còn giữ được kiên nhẫn nữa.
“Thưa ông trưởng bưu điện”, lão cầu xin, “có lá thư nào mà Miriam gởi cho tôi không?”.
Ông trưởng bưu điện cần đi công việc và đang vội vã.
“Ông là kẻ quấy rầy!”, ông ta nói.
“Tôi tên là Ali”, lão Ali đãng trí đáp.
“Tôi biết rồi! Tôi biết rồi! Nhưng anh nghĩ là Miriam đã gởi thư bảo đảm cho anh sao?”.
“Nên cần ghi vào sổ. Điều này sẽ có hiệu quả nếu có thư đến mà không có tôi ở đây”. Lão có biết chăng, ngoại trừ cha chị thì cái tên Miriam đối với người ta không đáng giá bằng một cái bánh nướng.
Ông trưởng bưu điện đã mất bình tĩnh. “Ông nói gì vớ vẩn vậy?”, ông ta thét. “Đi đi! Ông nghĩ chúng tôi ăn thư khi nó về à?”. Sau đó, ông ta bỏ đi. Lão Ali chầm chậm bước ra, sau vài bước lại ngoảnh đầu nhìn tòa nhà bưu điện. Hai mắt lão đẫm nước mắt bất lực. Sự kiên nhẫn của lão đã cạn kiệt, nhưng niềm tin và hy vọng được biết tin tức từ con gái vẫn còn.
Lão Ali nghe có tiếng bước chân của một nhân viên bưu điện ở phía sau mình và lão quay lại.
“Cháu ơi!”, lão nói. Viên nhân viên ngạc nhiên nhưng vì là người tử tế nên anh ta nói, “Dạ bác!”.
“Nào, nhìn đây cháu!”. Lão Ali giơ ra một chiếc hộp thiếc nhỏ và lấy ra từ đó 5 đồng guinea vàng rồi dúi vào tay viên nhân viên, “Đừng giật mình”, lão nói. “Tiền này sẽ không còn hữu ích cho tôi nhưng sẽ hữu ích cho anh. Anh có thể làm cho tôi một việc không?”.
“Việc gì vậy bác?”.
“Anh có thấy gì ở trên trời không?”, lão Ali nói, tay chỉ lên trời.
“Thiên đường”.
“Thánh Allah ở đó và có ngài chứng kiến, tôi trao anh món tiền này. Khi thư con Miriam đến, anh nhớ gởi lại cho tôi”.
“Gởi đi đâu?”, viên nhân viên bối rối hỏi.
“Tới ngôi mộ của tôi”.
“Gì ạ?”.
“Vâng. Đúng vậy. Hôm nay là ngày cuối cùng của đời tôi. Đã 5 năm rồi không được thấy con gái tôi, không được đọc thư nó”. Nước mắt ứa ra trong mắt lão khi viên nhân viên từ từ bỏ đi, với 5 đồng guinea vàng trong túi.
Sau đó, không ai còn thấy lão nữa và họ cũng không màng hỏi đến lão.
Tuy nhiên, một ngày nọ, tai họa ập đến với ông trưởng bưu điện. Con gái ông bị bệnh nặng, đang ở một thị trấn khác và ông ta đang bồi hồi chờ tin tức của cô ấy. Thư từ được mang vào, chất thành một đống trên bàn. Thấy có một lá thư có màu sắc và hình dáng như mình trông đợi, ông trưởng bưu điện chộp lấy. Thư đề địa chỉ của lão Ali và ông ta đánh rơi nó xuống như thể nó làm cho ông bị sốc như khi bị điện giật. Tính cách cao ngạo của một viên chức đã từng làm phai nhạt sự âu lo và đồng cảm dành cho người khác, làm con tim ông ta cứng đơ. Ông ta biết ngay rằng đây là lá thư lão Ali chờ đợi. Nó chắc chắn là thư con gái Miriam của lão.
“Lakshmi Das!”, ông ta gọi tên viên nhân viên mà lão Ali đã trao tiền cho.
“Dạ?”.
“Đây là thư của lão Ali. Lão đang ở đâu?”.
“Em sẽ đi tìm”.
Viên trưởng bưu điện không nhận được thư của con gái trong cả ngày đó. Ông ta suốt đêm lo lắng, thức dậy lúc ba giờ sáng và đi đến bưu điện. “Khi lão Ali đến đây lúc 4 giờ, mình sẽ trao thư cho lão”.
Giờ thì ông trưởng bưu điện đã hiểu được nỗi lòng của lão Ali và của chính mình. Sau một đêm bồi hồi và lo âu chờ đợi tin tức của con gái, ông ta thấy đồng cảm với lão Ali tội nghiệp - người đã hằng đêm trong 5 năm qua sống với tâm trạng tương tự. Vào lúc 5 giờ sáng, ông ta nghe có tiếng gõ cửa nhẹ và chắc đó là lão Ali. Ông ta chồm dậy mở tung cửa bằng trái tim đau khổ của một người cha giờ đã thấu hiểu nỗi lòng của kẻ khác.
“Mời bác vào, bác Ali”, ông ta nói to, tay đưa thư cho lão già đang đứng lom khom vì tuổi tác. Lão Ali chống gậy, nước mắt chảy ướt mặt, như lúc viên nhân viên bưu điện bỏ lão đi sau khi lão trao tiền cho anh ta. Nhưng lúc đó gương mặt lão khắc khổ, không tươi sáng như bây giờ. Lão nhướng mắt lên và có một thứ ánh sáng kỳ dị trong đó, làm ông trưởng bưu điện lùi lại vì sợ hãi và ngạc nhiên.
Lakshmi Das nghe có giọng nói của ông trưởng bưu điện khi anh ta trở về từ một khu phố khác. “Ai vậy anh? Lão Ali à?”, anh ta hỏi. Nhưng ông trưởng bưu điện không để ý đến anh ta. Ông đứng mở to mắt nhìn chằm chằm vào ô cửa, nơi lão Ali vừa biến mất. Lão đi đâu? Cuối cùng, ông ta quay sang Lakshmi Das. “Đúng. Tôi vừa nói chuyện với lão Ali”, ông ta nói.
“Lão Ali đã mất rồi ạ. Nhưng hãy trao thư của con gái lão cho em”.
“Gì hả? Nhưng khi nào? Anh có chắc không, Lakshmi Das?”.
“Dạ, chắc như vậy ạ”, viên nhân viên nói. “Lão mất đã ba tháng rồi ạ”.
Ông trưởng bưu điện thấy lòng rối bời. Lá thư của Miriam vẫn còn nằm cạnh cửa, hình ảnh lão Ali vẫn như đâu đây. Ông ta lặng nghe Lakshmi Das kể lại câu chuyện trong lần cuối cùng anh ta gặp lão nhưng vẫn chưa hết bàng hoàng khi nghĩ đến tiếng gõ cửa và đôi mắt đẫm nước của lão. Ông ta lúng ta lúng túng. Ông ta thực sự đã thấy lão Ali? Hay là ảo ảnh? Hay đó có thể là Lakshmi Das?”.
Cuộc sống hàng ngày vẫn tiếp tục. Viên nhân viên đọc to địa chỉ - Thanh tra cảnh sát, giám thị, thủ thư - và quẳng thư ra.
Nhưng viên trưởng bưu điện nhìn chúng như thể chúng đang chứa những trái tim ấm áp đang đập. Ông không còn nghĩ chúng gồm có bì thư và lá thư. Ông thấy chúng như những con người.
Tối hôm ấy, người ta nhìn thấy Lakshmi Das và ông trưởng bưu điện đi chầm chậm về phía mộ lão Ali. Họ đặt lá thư lên mộ và trở về.
“Lakshmi Das, anh có phải là người đầu tiên đến bưu điện sáng nay không?”.
“Dạ đúng. Em là người đầu tiên”.
“Sao... Không. Tôi không hiểu...”.
“Không hiểu gì ạ?”.
“Ồ, không sao”, viên trưởng bưu điện nói ngắn gọn. Về tới bưu điện, ông rẽ Lakshmi Das ra và đi vào. Trái tim của một người cha vừa thức giấc trong ông làm ông thấy ăn năn vì đã không chịu hiểu nỗi âu lo của lão Ali. Ông lại thức một đêm nữa trong lo lắng, bồn chồn. Trong khổ đau và ân hận, ông ngồi bên lò sưởi đốt bằng than để chờ tin tức con gái.
Trần Ngọc Hồ Trường
dịch từ Indian Short Stories, 1900 - 2000,
E.V. Ramakrishnan biên soạn, Sahitya Akademi, 2000.