Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 20/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Súng, đâu có ai cần?

Nai Phan là người nổi tiếng trong xóm. Không phải vì ông là vũ công chân múa nhẹ như bụi đường, cũng không phải vì ông xả thân vào lĩnh vực chính trị hay trường văn trận bút. Có lẽ ông nổi tiếng nhờ có tài xào nấu cơm chiên ngon lành, nhưng ngay cả nếu tài kia không hay ho gì mấy, ông cũng nổi tiếng như thường, bởi vì ông hay cho khách hàng mua chịu bao nhiêu cũng được.

Ông thích cho trẻ con kẹo, cho không, không lấy tiền. Dĩ nhiên là bà vợ phàn nàn, nhưng ông trả lời: “đáng giá một hai chục satang thì đâu làm giàu làm có gì được”. Ông Than Khun, một công chức cao cấp sống trong vùng, mỗi khi thèm cà-phê thường biểu con mình: “Lại mua cà-phê đằng tiệm ông Nai Phan, ổng bỏ nhiều sữa. Ổng có nuôi một con bò để lấy sữa đó!”

Trong vùng có một người uống rượu như hũ chìm, hay đến tiệm ngâm nga chuyện thơ Khun Chang và Khun Phaen, thường thì Nai Phan chú ý lắng nghe. Sau khi ngâm nga xong, người nghiện rượu xin một ly trà đá. Nai Phan vui lòng cho ngay, còn thảy thêm một cái bánh để thưởng tài.

Vào mùa mưa, Nai Phan thường nói với đám học trò con gái: “Mấy cô bé nè, mấy cháu lội trong bùn đất cực khổ, từ rày về sau có thể xách giày dép đi chân không tới tiệm bác, rửa cẳng chân sạch sẽ rồi hãy mang dép giày”. Ông ta luôn luôn cho chúng nước để rửa chân bùn đất.

Nhưng hễ tới đúng tám giờ tối là ông ta đóng cửa tiệm. Bạn bè thường khuyên lơn: “Anh phải mở cửa ban đêm chớ, đêm bán đắt, chẳng mấy chốc anh sẽ phất lên làm giàu”.

Nai Phan cười trả lời hóm hỉnh: ”Ngủ sớm khoái hơn làm giàu mau!”

Câu nói động lòng những người giàu hơn Nai Phan, giàu nhưng không bao giờ thoả mãn với sự giàu sang của mình, vẫn đôn đáo để kiếm chác thêm thêm mãi.

Người sống trong vùng, buổi tối về nhà sau một ngày chạy theo lợi nhuận, thấy Nai Phan nằm trên cái ghế dựa, nói nói cười cười vui vẻ với vợ thì nhủ thầm: “Trông họ hạnh phúc làm sao ấy, khỏi bận bịu lo lắng chuyện bạc tiền. Họ sung sướng hơn mình thiệt”.

Một đêm nọ, vợ đi coi hát, Nai Phan ở nhà một mình. Trời đang tối, ông sửa soạn đóng cửa tiệm thì một người thanh niên chạy xầm vào.

“Thưa, ông cần gì?” Nai Phan hỏi.

Thay vì trả lời, người lạ mặt rút ra khẩu súng lục, chĩa thẳng vào ngực Nai Phan. Ông không hiểu chuyện gì, nhưng cảm thấy có điều bất ổn.

“Đưa tiền đây” - người thanh niên nạt bằng giọng cọc cằn thô lỗ - “đưa hết đây, có bao nhiêu đưa hết. Giết người bây giờ là chuyện quá thường rồi, thiên hạ bắn nhau như cơm bữa. Nếu tôi giết ông thì cũng không phải là chuyện lạ, mà nếu ông giết tôi thì cũng chẳng phải là chuyện trời long đất lở gì đó. Vậy thì đưa mau lên đi. Nếu không đưa tiền thì ăn đạn”.

Nai Phan không run. Ông đứng yên bình tĩnh và nói bằng giọng đối thoại: “Tôi sẽ đưa anh tiền, nhưng không phải vì cây súng của anh đâu nhé. Tôi đưa tiền vì hình như anh rất cần tiền. Có thể là cần đến nỗi không có không được. Đây... Đây... tất cả số tiền tôi có đây. Lấy đi rồi mau về nhà. Ai biết được? Có thể là mẹ anh đang đau nặng, có thể là bà ta không cơm cháo gì mấy ngày nay. Về mau đi, có thể là nhiều người đang đợi anh ở nhà, đang ngóng trông không biết anh có đem tiền về không. Nhiều sinh mạng đang chờ anh đem tiền về. Tôi sẽ không báo cảnh sát đâu. Có khoảng chín trăm bạc mặt đây, có thể nhiều hơn chút đỉnh... lấy đi”.

Ông ta để tiền lên bàn nhưng dường như tay súng trẻ không thu đủ can đảm để nhận.

“Tại sao anh không lấy?” Nai Phan hỏi. “Coi nè, sao tôi lại phải gạt anh chớ? Tôi biết anh đang gặp khó khăn. Lúc nầy mọi người chúng ta ai cũng gặp khó khăn hết. Tôi không nghĩ anh là một người tệ. Đâu ai muốn trở thành trộm cắp nếu có thể sống được như người bình thường. Có thể là cha anh bịnh tim ngặt nghèo anh phải săn sóc. Đem tiền về chữa trị cho cha anh đi, nhưng đừng dùng hết cho thuốc men nhé! Tin tôi đi, bác sĩ chữa được bệnh tật của thân thể nhưng con người cũng cần chữa trị cái thần trí và tâm hồn nữa. Hãy mua vài đóa hoa thơm. Một bó hoa cho mẹ anh chưng trên bàn thờ. Đêm nào tôi cũng làm như vậy. Không cần gì phải biết thiêng thiêng là cái gì, ở đâu. Chỉ cần cảm nhận sự an bình trong tâm hồn mình là đủ. Niết Bàn là vậy đó! Nhưng mà để súng xuống đi chớ. Anh sẽ cảm thấy thoải mái ngay. Ai cầm súng cầm đạn thì không biết thanh thản là gì đâu. Sợ hãi, nghi kỵ giày xéo lòng. Cảm thấy nguy hiểm cận kề. Tay còn cầm súng thì không ai thấy sung sướng được”.

Người thanh niên bỏ súng vào túi quần, ngoan ngoãn như một đứa trẻ. Anh ta đưa tay lên làm cử chỉ chào giã biệt Nai Phan, con người nổi tiếng vì món cơm chiên, cà-phê và lòng hào phóng.

“Tôi thà bắn tôi một phát còn hơn là bắn ông”, anh ta nói.

“Đừng có nói điên nói khùng nè”, người chủ quán nói trong khi đưa tiền ra cho người thanh niên. “Tất cả có bao nhiêu đó. Của anh đó. Không phải cho vì giận dữ đâu nhé. Tôi biết là trại giam đầy chật, nhưng không phải đầy những kẻ tội phạm. Anh cũng là người như tôi, như mọi người khác; bất cứ ai, ngay cả một thầy tu, cũng làm như vậy thôi, nếu rơi vào cảnh vô cùng tuyệt vọng”.

Người thanh niên ngồi xuống. “Tôi chưa từng gặp ông và tôi cũng chưa từng gặp ai nói năng như ông. Tôi không lấy tiền của ông đâu, nhưng tôi bỏ súng đi rồi đó. Bây giờ thì tôi về nhà với mẹ như ông đã dạy”. Anh ta ho vài tiếng và tiếp tục: “Tôi là đứa con bất hiếu. Tiền mẹ tôi đưa cho, tôi nướng vào cá ngựa hết, nếu còn lại chút nào thì lại tiêu vào rượu chè...”.

“Nhân sinh là bất toàn mà, ai cũng lầm lỗi. Đời là gì nếu không phải là một sự pha trộn những thử nghiệm, lỗi lầm và thất bại?” Nai Phan nói.

“Ông biết đó, tôi không được khỏe”, người trẻ tuổi tiếp tục. “Ông có nghe tiếng ho của tôi không? Tôi nghĩ là tôi bị lao rồi. Đáng đời tôi, vì tôi đã làm nhiều điều quấy. Đáng chết đi càng sớm càng tốt. Không được sống nữa, sống chỉ chật đất mà thôi. Xin cám ơn ông. Vĩnh biệt ông”.

“Anh không cần phải đi ngay. Ở lại thêm chút nữa đi, mình nói chuyện. Tôi muốn biết về anh. Anh ở đâu? Anh thích gì? Tôi muốn nói anh tin tưởng điều gì?”

Người thanh niên lắc đầu tuyệt vọng. “Tôi không biết bây giờ mình về đâu nữa. Tôi có thể về đâu nữa chớ? Tôi tin tưởng gì à? Không biết nữa. Dường như trên đời nầy không có gì đáng để tin tưởng hết. Tôi ở trong tình huống khốn khổ ngay từ lúc mới sanh ra đời. Bởi vậy không lấy làm lạ là tôi không thích bà con cật ruột. Lắm khi tôi nghĩ rằng mọi người đều có trách nhiệm về điều không may của tôi. Tôi không muốn kết bè kết bạn. Tôi không tin tưởng ai hết. Tôi ghét cách người ta nói chuyện với nhau, cách họ sống, cách họ thương yêu, cách họ khen ngợi, cách họ cười cợt...”

Nai Phan gật đầu biểu đồng tình. “Ai cũng thỉnh thoảng có những tình cảm như vậy”.

“Ông tin không nè? Tôi không còn thích bất cứ thứ gì nữa. Tôi chán hết mọi thứ. Cả thế gian nầy như hư vô đối với tôi. Vô sắc, không có thứ gì để con người bám víu vào hay để thiết tha. Nếu thật sự tôi muốn làm việc, tôi nghĩ là có thể tìm được việc. Nhưng tôi ghét thấy con người một cách thậm tệ, tôi không muốn nhận một ân huệ gì từ con người. Ở công việc nầy một tuần, sang công việc kia hai ba tuần. Tôi không trụ ở đâu lâu hết.”

“Anh có đọc sách không?”

“Trước đây thì có. Nhưng bỏ rồi. Bây giờ cũng không thèm đọc báo nữa? Đọc để làm gì chớ? Tôi biết rõ những gì đăng trong đó mà. Toàn chuyện bắn nhau, cướp giật, giết người. Khác là thay đổi tên người tên đất, nhưng chuyện thì cũng vậy thôi.”

Người thanh niên chà chà cằm mình rồi nhìn Nai Phan nheo nheo mắt nghĩ ngợi. “May cho ông, ông không biểu lộ chút gì sợ hãi hay giận dữ khi tôi chĩa súng đe dọa. Nếu không thì tôi đã giết ông rồi. Đời nầy đầy rẫy người biểu lộ sự giận dữ, những người có tâm hồn hạ tiện ấy mà, họ luôn luôn mở miệng kêu gào rằng nền văn minh nầy và nền luân lý nầy đang băng hoại. Tôi không tin điều đó. Tôi không tin rằng vì có cả trăm, cả ngàn người làm bậy thì tất cả mọi người khác phải làm bậy theo. Bây giờ thì tôi biết rằng mình đến đây không phải vì tiền mà vì muốn chứng minh cho chính tôi rằng mình tin tưởng đúng. Tôi thường nghĩ rằng mặc dầu thế giới nầy đã mất hết hi vọng và đang chìm xuống vực thẳm không đáy tuyệt cùng, đang bị làm cho dơ dáy và hư hoại do tội lỗi của con người, vẫn có thể còn ít nhứt là một người, là người không phải vì ông ta giống con người mà vì là một con người thật sự đúng nghĩa của nó. Người nầy phải biết cách thương yêu đồng loại, phải biết làm sao để được kính trọng. Nhưng tôi đã không thể tin tưởng như vậy vì chưa bao giờ được gặp một người như vậy. Biết bao nhiêu năm trời nay tôi ao ước, xin cho tôi được gặp một người không xấu xa bỉ ổi vì thế giới nầy xấu xa bỉ ổi; gặp để tôi tin tưởng rằng vẫn còn có sự tốt, sự thiện, để tôi có đủ nghị lực tiếp tục sống. Bây giờ thì tôi đã gặp được người đó. Ông đã cho tôi tất cả những gì tôi mong muốn rồi. Không còn gì cần phải cho thêm nữa. Tôi về nhà đây. Chắc chắn trong trí tôi tôi sẽ không thù ghét thế giới nầy nữa. Sau cùng tôi đã khám phá ra cách sống mà tôi mong muốn.”

Người thanh niên lạ mặt dường như vui hơn. Anh ta đứng dậy dợm bước đi, rồi, nhớ lại, anh rút cây súng ra, đưa cho người chủ quán.

“Xin nhận vật nầy. Tôi không còn cần nó nữa. Đó là dấu hiệu của sự hung hăng. Người nào cầm súng thì không còn ưa ai, không còn trọng ai nữa. Anh ta chỉ trọng cây súng mà thôi. Bọn cướp có thể sống bằng súng, nhưng cuộc sống của họ luôn luôn bị quấy động vì nghĩ rằng kẻ thù có thể tấn kích bất ngờ. Họ không bao giờ có thì giờ ngắm mặt trời chiều hay ca hát vẩn vơ. Khi mà con người không có thời giờ để ca hát vẩn vơ, thì thà là làm một con dế mèn hay một con sáo sậu còn hơn.”

Tay súng mỉm cười sung sướng. Khi vẫy tay chào từ giã, anh nói thêm: “Tôi sẽ trở lại để thăm ông, nhưng đừng để tôi thấy cây súng nữa. Súng là kẻ thù của cuộc sống thuần khiết. Chào.”

Người lạ mặt biến mất trong màn đêm. Người chủ tiệm cúi đầu xuống quan sát vật mình mới có. Ông nghĩ ngày mai mình sẽ bán nó đi. Ông đang rất cần một cái máy lọc cà-phê.

 

Nguyễn Văn Sâm dịch

theo bản tiếng Anh trong Short Story International

 

 

VILAS NANIVAT
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 261

Mới nhất

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024

09/04/2024 lúc 17:57

TCCV Online - Sáng ngày 9/4/2024, tại thư viện tỉnh Quảng Trị đã diễn ra lễ phát động Cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc tỉnh Quảng Trị năm 2024.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

21/04

25° - 27°

Mưa

22/04

24° - 26°

Mưa

23/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground