Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 26/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Có một mùa xuân chín trong thơ

“Mùa xuân chín” là tên một bài thơ của thi sĩ Hàn Mặc Tử. Đó là vẻ đẹp sinh thành “chín” trong tâm trạng rạo rực lòng người, “chín” trong cả cảm thức trỗi dậy của mùa xuân, sức xuân. “Chín” cả niềm hối tiếc, muốn níu giữ xuân đã qua và hồi hộp ngóng chờ xuân sắp tới. Đó là một trong những bài thơ hay nhất, “chín” nhất của Hàn Mặc Tử. Và cũng là một thi phẩm viết về mùa xuân đến độ “chín”: lan tỏa, nồng hậu.

Thơ xuân, hay nói chính xác hơn là thơ viết về mùa xuân luôn chứa chan nỗi niềm tâm trạng từ vẻ đẹp của thiên nhiên. Mùa xuân là mùa khởi đầu cho một năm. Xuân ở đây không chỉ là mùa (thời gian tự nhiên vật lý) nó còn hàm nghĩa các giá trị thuộc về bản sắc cá thể với những vẻ đẹp trong tâm hồn con người. Bởi trong cốt lõi của con người thi sỹ đã dâng trào mỹ cảm về xuân mới.

Sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta rất yêu thiên nhiên. Người thích ở nhà sàn lộng gió, thích dựng nhà bên suối để được nghe “Tiếng suối trong như tiếng hát xa”. Người rất thích non cao sông nước. Và qua những bài thơ xuân của Bác ta có thể hình dung ra cốt cách cao đẹp tinh thần của người - một vĩ nhân cũng là một thi nhân. Bài thơ “Nguyên tiêu” của Bác là một bài thơ hay trong văn chương Việt Nam. Trong những năm tháng ở chiến khu Việt Bắc, Bác lãnh đạo nhân dân ta tiến hành kháng chiến chống thực dân Pháp trường kỳ. Phải sống trong hoàn cảnh thiếu thốn, bận trăm công ngàn việc nhưng cảm xúc về thiên nhiên của mùa xuân đất nước vẫn không hề vơi cạn trong tâm hồn Bác: “Rằm xuân lồng lộng trăng soi / Sông xuân nước lẫn màu trời thêm xuân / Giữa dòng bàn bạc việc quân / Khuya về bát ngát trăng ngân đầy thuyền”. Hình ảnh con thuyền cách mạng bát ngát trăng ngân như ánh lên niềm lạc quan vừa toát lên vẻ đẹp ung dung tự tại, chủ động của vị lãnh tụ kính yêu đã hòa mình vào vẻ đẹp vĩnh cửu của ánh trăng, của vũ trụ. Sau này Bác viết một số bài thơ chúc Tết đều có hình ảnh của mùa xuân với cái nhìn biện chứng: “Ví không có cảnh đông tàn / Thì đâu có cảnh huy hoàng ngày xuân” (Tự khuyên mình). Hay mùa xuân là cái mốc định hướng đến tương lai trong sự vận hành của con đường cách mạng, của thời gian: “Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua / Thắng trận tin vui khắp nước nhà…” (Thơ chúc Tết 1968).

Đi ngược lại thời gian ta thấy trong văn chương xưa mùa xuân là một đối tượng thẩm mỹ được các nhà thơ chọn như là một người bạn tâm giao để bộc lộ những nỗi niềm tâm trạng của mình với những xúc cảm mới. Nguyễn Trãi cảm nhận về xuân với sinh khí mới tựa như đã thấm vào dòng nhựa âm thầm mà kín đáo thổi bùng lên sức xuân: “Tự bén hơi xuân tốt lại thêm / Đầy buồng lạ, màu thâu đêm / Tình thư một bức phong còn kín / Gió nơi đâu gượng mở xem” (Cây chuối).

Với các nhà thơ mới (1932 - 1945) thì xuân còn hàm chứa ý niệm về thời gian và vẻ đẹp con người, cuộc đời đồng thời còn là biểu trưng của tình yêu. Mùa xuân kèm với tính chất ấm áp, hài hòa, tươi vui đầy sắc màu, đầy sức sống: “Trong làn nắng ửng khói mơ tan / Đôi mái nhà tranh lấm tấm vàng / Sột soạt gió trêu tà áo biếc / Trên giàn thiên lý bóng xuân sang” (Mùa xuân chín). Hay như thi sĩ Xuân Diệu vốn là người cô đơn vô vọng trong tình yêu thế mà khi bắt gặp mùa xuân ông đã hồn nhiên thốt lên: “Xuân đang tới nghĩa là xuân đang qua / Xuân còn non nghĩa là xuân sẽ già” (Vội vàng). Xuân chín, xuân non là những định tính của thái cực trong tâm hồn các thi sĩ đều có lý cả. Với họ xuân đang thì, xuân đang vận động, xuân là khởi đầu và xuân cũng là hi vọng. Đến như Huy Cận, một thi sĩ của vũ trụ mà có lúc ngẩn ngơ như trẻ nhỏ: “Nằm im dưới gốc cây tơ / Nhìn xuân trải lụa muôn tờ lá non” (Trông lên). Chế Lan Viên với trầm mặc suy lý trước “Điêu tàn” thì khi bén hơi xuân, hơi thơ ông bỗng nhiên sắc thái khác: “Đây pháo đỏ lập lòe trong nắng chói / Đây hoa đào mỉm miệng đón xuân tươi”. Có lẽ mùa xuân đã đánh thức trong lòng các thi nhân những mầm sống trải rộng dài với không gian xuân có sức lan tỏa và giao hòa cộng hưởng. Có lẽ sau một mùa đông u ám thì nắng xuân, nắng mới ùa vào xua đi cái lạnh lẽo không chỉ của thiên nhiên mà của cả nỗi niềm tâm trạng những cái tôi cá nhân u uất bé nhỏ. Thi sỹ đồng quê Anh Thơ đã say đắm với: “Trời hơi lạnh và nắng vàng hơi hửng / Lúa xanh đồng rợn sóng tận chân mây” (Ngày xuân). Ta chợt nhớ đến hai câu thơ viết về mùa xuân tuyệt hay của đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều: “Cỏ non xanh rợn chân trời / Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”. Chữ “rợn” của hai thi sỹ là cảm giác ngỡ không tin được vừa phấp phỏng tin yêu vừa chênh chao choáng ngợp.

Mùa xuân trong cảm quan của các thi sỹ thơ mới mang những nguồn sống mạnh mẽ, khỏe khoắn. Xuân không chỉ là đào mai khoe nở, liễu xanh, khói biếc, cỏ non… mà xuân gần gũi hơn hiện diện trong cuộc sống với một nông thôn thuần Việt, cảm thức Việt với mái nhà tranh, giàn thiên lý, sắc pháo đỏ, má hồng thiếu nữ. Họ biểu hiện tự do trực tiếp trước thời gian vũ trụ. Xuân đến trong rạo rực tâm hồn Nguyễn Bính: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay / Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy / Hội làng chèo Đặng đi ngang ngõ / Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay” (Mưa xuân).

Xuân như là sự khai mở vừa vun đầy vừa non tơ của một sự bắt đầu. Xuân được ghi nhận như là một thời khắc đẹp nhất của đời người, là xuân xanh, xuân tình, xuân sắc: “Xuân trẻ, xuân non, xuân lịch sự / Tôi đều nhìn thấy trên môi em / Làn môi mong mỏng tươi như máu / Đã khiến môi tôi mấp máy thèm” (Gái quê, Hàn Mặc Tử). Nếu như thi sỹ Hàn Mặc Tử chân thật ngỡ như có chút vụng về đáng yêu, có chút bản năng hồn nhiên thì Nguyễn Bính lại lãng mạn một cách lãng tử và tài hoa: “Đã thấy xuân về với gió đông / Với trên màu má gái chưa chồng” (Xuân về). Xuân đến là thời khắc đất trời bước vào mùa đẹp nhất sinh sôi nảy nở, hoa cỏ tốt tươi thiên nhiên giao hòa. Cũng vậy, với con người xuân chính là tuổi trẻ là tình yêu là những nhiệm màu của ái ân tình tứ với bao cung bậc đan xen. Có buồn vui, có tiếc nuối: “Xuân này đến nữa đã ba xuân / Đốm lửa tình duyên tắt nguội dần” (Cô lái đò, Nguyễn Bính). Hay:“Sắc tàn, hương nhạt, mùa xuân rụng” (Xuân rụng, Xuân Diệu). Vì thế trân trọng mùa xuân, sắc xuân, hơi xuân, níu kéo xuân là một tâm trạng có thật. Nỗi buồn cũng có một vẻ đẹp quyến rũ riêng của nó. Một sự cuống quýt vồ vập, “Hỡi xuân hồng ta muốn cắn vào ngươi” như tâm trạng của Xuân Diệu cũng là một thái độ sống cháy bỏng trước đất trời sang xuân. Mới biết từ xuân tinh thần đến xuân vật chất, từ xuân vô hạn đến xuân hữu hạn, thước đo của thời gian luôn hiện hữu đồng hành với một sự sống tươi ròng bất tuyệt.

Có một thi sỹ đồng thời là một nhà hoạt động cách mạng trong dọc hành trình thơ mình, mùa xuân như là những cột mốc đánh dấu của cả tiến trình Đất nước, đó là nhà thơ Tố Hữu. Tố Hữu là một trong những nhà thơ đã tiếp nối truyền thống thơ xưa khi viết về mùa xuân. Có lẽ ít ai say mê và dành cho mùa xuân nhiều trang thơ đặc sắc, đắm say lòng người như Tố Hữu. Qua thơ ông dễ nhận thấy Đất nước trong từng giai đoạn lịch sử. Nhà thơ đã gửi gắm trong mùa xuân nỗi niềm sâu kín, tình cảm trong sáng, hình tượng nghệ thuật đẹp đẽ phong phú có tính dự báo cao. Hơi thở mùa xuân vừa nồng nàn đắm say tha thiết vừa hào hùng hoành tráng mang âm hưởng thời đại. Mùa xuân trong thơ ông gắn liền với khúc ca ra trận, là mệnh lệnh tiến công, là lời kêu gọi cổ vũ hào hùng của cả dân tộc: “Anh chị em ơi! Hãy giương súng lên cao, chào xuân 68 / Xuân Việt Nam / Xuân của lòng dũng cảm” (Bài ca xuân 68). Nhân vật trong thơ xuân là con người thể hiện tập trung phẩm chất của dân tộc nâng lên thành hình tượng anh hùng mang tầm vóc thời đại, nhiều khi được thể hiện bằng bút pháp thần thoại hóa. Mạch thơ cuộn chảy khi nói về xuân song hành với hình ảnh đẹp đẽ với anh chiến sỹ giải phóng quân: “Ai đến kia rộn rã cùng xuân / Hoan hô anh giải phóng quân / Kính chào anh con người đẹp nhất”. Tố Hữu còn có những tứ thơ viết về những con người bình dị, những nàng xuân: “Ôi những nàng xuân rất dịu dàng / Hát câu quan họ chuyến đò ngang / Nhẹ nhàng tay cấy bên sông ấy / Súng khoác trên vai chẳng ngỡ ngàng” (Xuân sớm). Ở đây đã không còn cái tôi thi sĩ như trong thơ mới mà âm hưởng chung dào dạt cộng hưởng với cả cộng đồng xã hội. Vì thế sức xuân trong thơ Tố Hữu chính là sức sống nội sinh tiềm tàng của cả một dân tộc.

Với Tố Hữu, mùa xuân gắn liền với Đảng, với Bác Hồ kính yêu. Nhà thơ đã có hẳn một tráng khúc dài “Với Đảng, mùa xuân”. Trong bài “Một nhành xuân” thi sỹ đã có những liên tưởng gắn kết hai hình ảnh thiêng liêng đó: “Chỉ biết vậy từ khi ta có Bác / Đảng cùng ta như cội liền cành / Là mùa xuân vô tận lá tươi xanh”. Tố Hữu luôn dành cho Bác tình yêu thương chân thành nhất, nồng ấm nhất với sự biết ơn sâu sắc nhất. Bác cũng chính là tượng hình của mùa xuân dân tộc: “Bác ơi! Tết đến giao thừa đó / Vẫn đón nghe thơ Bác mọi lần / Ríu rít đàn em vui pháo nổ / Tưởng nghìn tay Bác vỗ sang xuân” (Theo chân Bác), hay: “Bác Hồ gọi ấy là mùa xuân đến…” (Bài ca xuân 68).

Một bài thơ viết về mùa xuân đã được âm nhạc chắp cánh bay xa, trở thành giai điệu thiết tha trong lòng mỗi người, đó là “Mùa xuân nho nhỏ” của nhà thơ Thanh Hải qua giai điệu thiết tha của nhạc sỹ Trần Hoàn. Tiếng là mùa xuân nho nhỏ nhưng âm vọng của nó đã vang lên cộng hưởng với nhịp bước hành quân xao xuyến của điệp trùng những người lính ra trận: “Mùa xuân người cầm súng / Lộc giắt đầy trên lưng”. Từ những âm thanh xôn xao náo nức của một bức tranh xuân tuyệt đẹp nhà thơ Thanh Hải đã suy tư về sự phát triển của đất nước: “Đất nước bốn nghìn năm / Vất vả và gian lao / Đất nước như vì sao / Cứ đi lên phía trước”. Trong không khí đất nước vào xuân nhà thơ cảm nhận được một mùa xuân tươi trẻ rạo rực trong tâm hồn con người: “Ta làm con chim hót / Ta làm một nhành hoa / Ta nhập vào hòa ca / Một nốt trầm xao xuyến”. Nốt trầm là nốt nhạc tạo lên sự lắng đọng sâu xa góp vào khúc ca xuân. Từ khát vọng hội nhập nhà thơ thể hiện rõ hơn khát vọng cống hiến của mình: “Một mùa xuân nho nhỏ / Lặng lẽ dâng cho đời / Dù là tuổi hai mươi / Dù là khi tóc bạc”. Mỗi con người đều có thể góp một phần công sức của mình như một “mùa xuân nho nhỏ” để tô thắm thêm hương sắc cho quê hương đất nước.

Nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm trong “Lời chúc hoa đào” đã đắm say với vẻ đẹp trường tồn vĩnh cửu của tình yêu con người: “Muốn ôm em thật lâu / Giữa nhà ga trái đất / Anh định nói một câu / Bỗng tự dưng quên mất / Và mùa xuân thứ nhất / Và nụ hôn đầu tiên / Hoa đào chia đều tất / Cho anh và cho em”. Nhà thơ Hữu Thỉnh - một thi sĩ tài hoa khi trở lại với mùa xuân đã rạo rực bay bổng: “Cả khu vườn cũng vừa trở lại / Kịp làm nên tháng giêng / Những mầm cây ríu rít nói về em / Em đỏ thắm một mình đi giữa lá” (Trở lại mùa xuân). Đó chính là sức xuân hồi sinh lộng lẫy, thiết tha, giao hòa giữa con người với vũ trụ.

Cảm nhận về mùa xuân chính là cảm nhận về thời gian thay đổi qua các giai đoạn lịch sử với nhiều cung bậc. Chính vẻ đẹp thiên nhiên với nỗi niềm tâm trạng của thi sĩ đã làm lên sức sống thơ xuân.

N.N.P

Nguyễn Ngọc Phú
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 280 tháng 01/2018

Mới nhất

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Khai mạc Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam tỉnh Quảng Trị năm 2024

11/04/2024 lúc 00:52

TCCV Online - Sáng nay 10/4, tại Thư viện tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị tổ chức khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024. Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam tham dự.

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

27/04

25° - 27°

Mưa

28/04

24° - 26°

Mưa

29/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground