Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 19/03/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hình tượng Bác Hồ trong phim truyện điện ảnh Việt Nam

Phim truyện điện ảnh về đề tài Bác Hồ - dấu ấn và thành tựu

Văn học nghệ thuật sáng tạo về đề tài lãnh tụ Việt Nam những năm gần đây đã đạt được nhiều dấu ấn và thành tựu quan trọng. Đây là mảng đề tài lớn luôn thu hút sự quan tâm, trăn trở của văn nghệ sĩ; sự kỳ vọng, đón đợi của cộng đồng xã hội. Sáng tạo về đề tài này, văn nghệ sĩ không chỉ làm sống lại những giai đoạn lịch sử hào hùng, với nhiều sự kiện, biến cố lớn lao, trọng đại của dân tộc trong tiến trình bảo vệ và xây dựng đất nước; mà còn khẳng định, ngợi ca những con người đã góp phần lãnh đạo cuộc cách mạng thắng lợi, đem lại nền độc lập, thống nhất cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Quay về lịch sử, nối kết thực tại, bằng cảm hứng dân tộc và thời đại, những sáng tạo nghệ thuật về đề tài lãnh tụ sẽ khơi dậy ý thức lòng tự hào dân tộc, tinh thần yêu nước và ý thức trách nhiệm của nhiều thế hệ đối với vận mệnh quốc gia, dân tộc.

Trong số những lãnh tụ kính yêu của dân tộc thời đại mới, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh chính là hình tượng được khắc họa nhiều nhất và cũng đạt được nhiều thành công nhất. Đó là nguồn cảm hứng lớn lao và bất tận trong sáng tạo của các văn nghệ sĩ ở nhiều loại hình nghệ thuật. Bên cạnh hội họa, điêu khắc, âm nhạc, sân khấu; văn học và điện ảnh là hai loại hình có được nhiều dấu ấn và thành tựu hơn cả. Trong văn học, người đọc không còn xa lạ với hình ảnh người con ưu tú của dân tộc - Hồ Chí Minh được tái hiện chân thực, sinh động, sắc nét trong các sáng tác tiêu biểu của Tố Hữu (Sáng tháng NămBác ơiTheo chân Bác), Minh Huệ (Đêm nay Bác không ngủ), Chế Lan Viên (Người đi tìm hình của nước), Hồ Phương (Cha và con), Sơn Tùng (Búp sen xanhBông sen vàng), Hải Như (Chúng cháu canh giấc Bác ngủBác Hồ ơi), Hoàng Quảng Yên (Mặt trời Pác BóGiải phóngTrông vời cố quốc), Nguyễn Thế Quang (Khúc hát những dòng sông)… Trong lĩnh vực điện ảnh, bên cạnh thành tựu của dòng phim tài liệu đã được khẳng định với những tác phẩm tiêu biểu như Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ Chủ tịch (đạo diễn Quang Huy, 1960), Bác Hồ sống mãi (đạo diễn Nguyễn Quang Trung, Lại Văn Sinh, 1970), Chúng con nhớ Bác (Nguyễn Văn Thông, 1973), Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh (đạo diễn Phạm Kỳ Nam, 1974), Những giờ phút cuối đời Bác HồBác đi chiến dịch (đạo diễn Phạm Quốc Vinh, 1990), Hồ Chí Minh - Chân dung một con người (đạo diễn Bùi Đình Hạc, 1990)…, phim truyện nhựa mặc dù xuất hiện muộn hơn (bộ phim đầu tiên lấy đề tài Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh được sản xuất năm 1990) nhưng cũng đã để lại những dấu ấn không nhỏ. Kể từ năm 1990 đến nay đã có 7 bộ phim được công chiếu và được công chúng đón nhận: Hẹn gặp lại Sài Gòn (đạo diễn: Long Vân, kịch bản: Sơn Tùng, 1990), Hà Nội mùa Đông năm 46 (đạo diễn: Đặng Nhật Minh, kịch bản: Đặng Nhật Minh, Hoàng Nhuận Cầm, 1997), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông (đạo diễn: Nguyễn Khắc Lợi, Viên Thế Kỷ, kịch bản: Hữu Mai, 2003), Vượt qua bến Thượng Hải (đạo diễn: Triệu Tuấn, Phạm Đông Vũ, kịch bản: Hà Phạm Phú, Lê Ngọc Minh, Giả Phi, 2010), Nhìn ra biển cả (đạo diễn: Vũ Châu, kịch bản: Nguyễn Thị Hồng Ngát, 2010), Thầu Chín ở Xiêm (đạo diễn: Bùi Tuấn Dũng, kịch bản: Đinh Thiên Phúc, 2015), Nhà tiên tri (đạo diễn: Vương Đức, kịch bản: Hoàng Nhuận Cầm, 2015).

Do bối cảnh và thời điểm lịch sử được các nhà làm phim lựa chọn tái hiện khác nhau, nên mỗi phim là một “lát cắt” về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh gắn liền với các giai đoạn lịch sử đất nước trong suốt nửa đầu thế kỷ XX đầy biến động. Nối kết các mảnh ghép ấy lại với nhau, người xem có thể hình dung một bức tranh tương đối hoàn chỉnh về chân dung vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc với những dấu mốc quan trọng trong quá trình hình thành nhân cách và sự nghiệp cách mạng, cùng các mảng màu sinh động về tính cách, tâm hồn, tình cảm; tài năng, bản lĩnh, phẩm chất. Từ chân dung lịch sử đến sáng tạo nghệ thuật, các tác giả đã phục hiện hình tượng Một Con Người mang trong mình lý tưởng độc lập dân tộc, thống nhất đất nước; khát vọng hòa bình, tự do; tình cảm yêu nước, thương nòi; sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng tư cho sự nghiệp cứu nước, hạnh phúc của nhân dân; yêu đời, yêu người, hết sức vĩ đại nhưng cũng rất đỗi bình dị; phong thái ung dung, tự tại; tài năng hết mực, phẩm chất cao quý, bản lĩnh phi thường, sức sống mạnh mẽ…

Hình tượng Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh từ chân dung lịch sử đến sáng tạo nghệ thuật

Tài năng, phẩm chất và bản lĩnh

Các nhà làm phim đã có lý khi lựa chọn những thời điểm cam go, khó khăn trong lịch sử cách mạng Việt Nam, và đặt nhân vật vào những thử thách gian nguy, những cuộc đấu tranh khốc liệt để làm rõ tài năng, phẩm chất và bản lĩnh của nhà cách mạng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. Mỗi bộ phim đã tiếp cận, phân tích, luận giải những khía cạnh khác nhau của con người và sự nghiệp cách mạng của vị lãnh tụ. Không thần thánh hóa, huyền thoại hóa, ca ngợi một chiều; các nhà làm phim đã thực sự thể hiện cái nhìn khách quan, tôn trọng sự thật lịch sử, và trên hết là gắn tư tưởng, tình cảm, tâm hồn, số phận của Người với số phận, tiếng nói dân tộc, khát vọng, lý tưởng nhân dân: “Suốt đời tôi chỉ có một ham muốn, một ham muốn tột bậc, đất nước ta được hoàn toàn độc lập, nhân dân ta được hoàn toàn tự do, ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.

Nhìn ra biển cả và Hẹn gặp lại Sài Gòn đã cho người xem thấy được tài năng, phẩm chất và bản lĩnh Hồ Chí Minh được hun đúc trong buổi ban đầu khi Người đang là chàng trai trẻ mang trong mình khát vọng, hoài bão lớn lao giải phóng dân tộc, cứu nước cứu dân. Bao xót xa, phẫn nộ khi nhìn thấy cảnh đồng bào lầm than dưới ách đô hộ của thực dân Pháp; những suy tư, trăn trở trước sự lựa chọn con đường đấu tranh có phần rơi vào bế tắc, không tưởng của các vị tiền bối; tất cả đã thôi thúc chàng thanh niên trí thức dấn thân vào cách mạng, quyết tìm ra con đường đúng đắn dẫn dắt nhân dân làm cuộc cách mạng tự giải phóng cho chính mình. “Muốn làm việc lớn phải dám ra biển cả”, một ý nghĩ dũng cảm bên trong một tư tưởng lớn đã dần thành hình trong những thời khắc khó khăn nhất của dân tộc. Ngay từ thời niên thiếu, Nguyễn Tất Thành đã có những suy nghĩ và phẩm chất khác người, biểu hiện cho lòng tự tôn dân tộc, ý chí hào hùng, cho tinh thần bất khuất, khát vọng lớn lao. Chính điều này đã báo hiệu tư cách một vĩ nhân - anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất.

Tài năng, bản lĩnh và phẩm chất tuyệt vời ấy tiếp tục được các nhà làm phim thể hiện và khẳng định qua những bước đường cách mạng của Người, từ Thái Lan (Thầu Chín ở Xiêm), Hồng Kông (Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông), Hạ Môn, Thượng Hải (Vượt qua bến Thượng Hải), đến những ngày Đông ở Hà Nội (Hà Nội mùa Đông năm 46), những năm tháng khốc liệt nơi chiến khu Việt Bắc (Nhà tiên tri). Trong Thầu Chín ở Xiêm, Người đã thể hiện được tầm nhìn xa khi vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, nối kết những người yêu nước, quyết tâm thành lập cơ sở Đảng, chuẩn bị cho việc hợp nhất ba tổ chức Cộng sản thành Đảng Cộng sản Việt Nam. Đây là sự kiện được lịch sử ghi nhận có ý nghĩa lớn lao đối với cách mạng Việt Nam khi chính thức có một tổ chức đứng ra lãnh đạo, dẫn dắt nhân dân làm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Tiếp đó tại Hồng Kông (Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông), Hạ Môn, Thượng Hải (Vượt qua bến Thượng Hải), Người đã làm nên những “cuộc vượt thoát” vĩ đại giữa vòng vây của kẻ thù bằng tài năng, ý chí, nhân cách, phẩm hạnh và lòng kiên trì với sự giúp sức của những người bạn yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên thế giới. Hình ảnh của người tù vĩ đại Hồ Chí Minh không chỉ hiện diện với tư cách một nhân cách lớn, mà đó còn là hình ảnh biểu tượng cho một dân tộc chính nghĩa, yêu chuộng hòa bình, tranh đấu cho nền độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, sự tự do của nhân dân. Chính tài năng, bản lĩnh và phẩm chất phi thường ấy có sức lan tỏa vô cùng mạnh mẽ khiến ngay cả những người xa lạ như vợ chồng luật sư Loserby, vợ phó Thống chế Hồng Kông, già Lý cùng những người dân Việt kiều và nhiều người bạn quốc tế giúp sức những lúc nguy nan.

Khi trở thành lãnh tụ chèo lái con thuyền cách mạng, Chủ tịch nước Cộng hòa non trẻ; tài năng, bản lĩnh ấy lại một lần nữa được khẳng định trong những thời khắc cam go nhất của đất nước. Trong Hà Nội mùa Đông năm 46, nhà làm phim đã tập trung tái hiện thời điểm trọng đại quyết định vận mệnh dân tộc, qua đó khắc họa hình ảnh Hồ Chí Minh với những quyết sách sáng suốt, đầy trí tuệ. Đối với những người dân Việt Nam sống trong thời khắc những ngày cuối năm 46, những quyết định có tính chất lịch sử của người lãnh đạo cuộc cách mạng là bước ngoặt lớn cho số phận của đất nước, của mỗi người dân Việt Nam. Hơn ai hết, sau biết bao mất mát, hi sinh của nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh và tất cả người dân đều không muốn xảy ra chiến tranh, chỉ muốn giải quyết mọi việc với người Pháp bằng thương lượng hòa bình. Trong cuộc đấu trí đầy căng thẳng này, Người đã làm mọi cách thông qua đối nội và đối ngoại để mong sớm đưa đất nước bước ra khỏi cuộc chiến, trở thành nước độc lập, thống nhất. Về đối nội, Người vừa phải thuyết phục, làm cho mọi người dân thấu hiểu sự khó xử của mình trong hành động kí hiệp ước đình chiến, tránh tối đa mọi tổn thất không cần thiết; lại vừa thể hiện được sự kiên quyết, ý chí sắt đá của người đứng đầu đất nước, khẳng định tư tưởng độc lập cho dân tộc, tự do cho nhân dân. Về đối ngoại, các hoạt động ngoại giao bằng những cuộc gặp gỡ, thư từ trao đổi linh hoạt, kiên quyết, mềm dẻo, vừa thể hiện tư tưởng nhất quán của dân tộc Việt Nam, vừa tranh thủ sự ủng hộ bên ngoài. Ngoài ra, nhà làm phim còn tập trung phân tích, miêu tả cuộc đấu tranh tâm lý đầy phức tạp ở Người, qua đó khắc họa tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong những giờ khắc quyết định có tính lịch sử trọng đại này. Tư tưởng, bản lĩnh người đứng đầu nhà nước non trẻ đã được nhà làm phim tái hiện một cách chân thực, rõ nét, sinh động với khẩu khí đanh thép, cương quyết của Hồ Chí Minh trong “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến” năm 1946: “Chúng ta muốn hoà bình, chúng ta phải nhân nhượng, nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa”, “Chúng ta thà hi sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”.

Trong Nhà tiên tri, phẩm chất anh minh, thông tuệ, sự sáng suốt trước mọi biến cố của Hồ Chí Minh một lần nữa được thể hiện trên nhiều phương diện. Người đã nhìn thấy những bước đi của lịch sử, của tương lai dân tộc, giống như một “nhà tiên tri” tài năng. Tại chiến trường Việt Bắc năm 1947 - 1948, giữa lúc cuộc chiến đang diễn ra ác liệt nhất, Người đã tiên đoán ngày 10/10/1954 là Ngày Giải phóng Thủ đô. Nhờ vào tài phán đoán tình huống, Hồ Chí Minh cùng các đồng chí của mình đã có những quyết định đúng đắn, và quan trọng hơn cả là niềm tin lớn lao vào thắng lợi tất yếu của cuộc cách mạng. Ngay lúc bắt đầu cuộc kháng chiến, Người đã ra lệnh: Trường kỳ kháng chiến để đập tan mưu mô “đánh mau thắng nhanh” của thực dân Pháp. Những tiên đoán của Người về tình thế và những hành động của địch, đã giúp cho cách mạng có sự chuẩn bị các kế hoạch tiếp theo, nhờ đó tránh được những mất mát, tổn thất, để đi đến thắng lợi cuối cùng. Với kết cấu chặt chẽ của các chi tiết, cùng sự đan cài các tình huống gay cấn, hấp dẫn, nhà làm phim đã cho thấy tầm nhìn chiến lược, khả năng tiên đoán thiên tài của Người trước những biến thiên lịch sử, từ đó góp phần vào thắng lợi cuối cùng của cuộc cách mạng.

Vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm, tính cách

Bên cạnh khai thác hình tượng Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh qua quá trình hình thành nhân cách, những chặng đường hoạt động cách mạng cùng tài năng, bản lĩnh, phẩm chất lãnh tụ; các nhà làm phim còn tập trung miêu tả, tái hiện hình ảnh của Người với vẻ đẹp tâm hồn, tình cảm, tính cách. Đây vừa là mảnh đất màu mỡ cho những sáng tạo, hư cấu nghệ thuật; nhưng cũng là thách thức, khó khăn không nhỏ đối với người nghệ sĩ. Lằn ranh mong manh của hiện thực và hư cấu, sáng tạo và bịa đặt, cái thiêng và “giải thiêng”, đòi hỏi tài năng, bản lĩnh của chủ thể sáng tạo. Tái hiện cái vĩ đại, phi thường để không rơi vào sự thần thánh hóa một chiều, sự “tô hồng”, khuôn mẫu, giản đơn đã là một chuyện khó khai thác cái đời thường, tình cảm riêng tư, góc khuất tâm hồn để không sa vào sự thô tục, bản năng, tự nhiên lại càng khó hơn gấp bội. Với vị lãnh tụ, “cha già dân tộc” như Chủ tịch Hồ Chí Minh lại càng đòi hỏi người nghệ sĩ sự thận trọng, kỹ lưỡng trong việc xử lý từng chi tiết.

Sáng tạo văn học nghệ thuật về đề tài Bác Hồ nói chung, trong lĩnh vực phim truyện điện ảnh nói riêng đã có những đổi mới trong cái nhìn và cách nhìn về hình tượng lãnh tụ. Hình ảnh lãnh tụ không còn khô khan, một chiều trong cái nhìn lịch sử, chính trị; mà đã được khai thác, soi rọi từ góc nhìn đời thường, với những góc khuất trong tâm hồn, tính cách, chiều sâu của thế giới nội tâm, tình cảm. Chúng ta đã từng bắt gặp hình ảnh gần gũi, thân thuộc của Bác trong thơ Tố Hữu, Minh Huệ, Chế Lan Viên, trong tiểu thuyết của Hồ Phương, Sơn Tùng, Nguyễn Thế Quang… Và nay, một lần nữa hình ảnh ấy lại được tái hiện đầy xúc động trên màn ảnh. Chính góc nhìn này đã khẳng định phẩm chất nhân văn trong nhân cách văn hóa Hồ Chí Minh: yêu đời, yêu người, ung dung, tự tại, lạc quan, hết sức vĩ đại nhưng cũng rất đỗi đời thường. Nó là dấu hiệu của sự đổi mới trong tư duy, cảm thức, cách tiếp cận và hình thức biểu đạt của các nhà làm phim đương đại nhằm thể hiện cái nhìn nhiều chiều, đa dạng về nhân cách, con người lãnh tụ. Những góc khuất thẳm sâu nơi tâm hồn, những giây phút suy tư trầm lặng, những mối quan hệ đời thường với gia đình, đồng chí, người dân, những tình cảm cá nhân riêng tư, thiêng liêng, không những không làm mất đi hình ảnh cao đẹp của vị lãnh tụ trong tâm thức ngưỡng vọng, tự hào của người Việt; mà còn tôn lên nét gần gũi, thân thuộc, bình dị, đời thường của Người. Chính điều này đã mang lại giá trị nhân văn sâu sắc trong các sáng tác văn học nghệ thuật nói chung và điện ảnh nói riêng về đề tài lãnh tụ.

Trong Nhìn ra biển cả và Hẹn gặp lại Sài Gòn, bên cạnh việc khai thác hoài bão, lý tưởng, khát vọng cứu nước, cứu dân của chàng thanh niên trí thức Nguyễn Tất Thành, các nhà làm phim còn khắc họa những giây phút rất “đời”, rất “người” ở Người. Mọi sinh hoạt, lời ăn tiếng nói, thậm chí cả những thói quen, sở thích rất bình dị đều được các tác giả trân trọng thể hiện, khiến người xem luôn cảm nhận được sự gần gũi, thân thuộc, đời thường nơi Người. Đặt trong mối quan hệ đa chiều với dân tộc, nhân dân, với gia đình, quê hương, với học trò, người dân, với tình bạn, tình yêu…, các nhà làm phim đã khai thác ở Người những phương diện nhân bản nhất của một con người. Ở đó có nỗi nhớ nhung, quyến luyến gia đình, đặc biệt là hình ảnh người mẹ thân thương luôn nặng trĩu trong từng bước chân, mỗi ý nghĩ của người con Nguyễn Tất Thành. Ở đó còn là những tình cảm rất tự nhiên của thầy giáo Nguyễn Tất Thành với các học trò thân thiết của mình. Đáng chú ý là tình yêu đơn phương của cô con gái ông chủ hãng nước mắm (trong Nhìn ra biển cả), của Út Vân, con gái ông Tư Đờn, ân nhân của Người (trong Hẹn gặp lại Sài Gòn) với người thanh niên Nguyễn Tất Thành. Chi tiết Nguyễn Tất Thành quỳ bên mộ mẹ, từ biệt cha; hay hình ảnh chia tay Út Vân, người con gái miền Nam xinh đẹp, dịu dàng với lời hẹn ước “hẹn gặp lại Sài Gòn” thật sự là những chi tiết gây xúc động cho người xem. Với chàng thanh niên giàu tình cảm này, việc từ bỏ gia đình, hi sinh hạnh phúc vừa mới chớm nở thật sự không dễ dàng; song, chính điều này một lần nữa khẳng định ý chí của Người, sẵn sàng hi sinh hạnh phúc riêng tư cho sự nghiệp độc lập dân tộc, hạnh phúc nhân dân.

Xây dựng hình tượng nhân vật hư cấu Phương Thảo, tác giả bộ phim Vượt qua bến Thượng Hải, một mặt nói lên tình cảm vô hạn của những người dân Việt kiều đối với lãnh tụ Hồ Chí Minh; mặt khác, thông qua mối tình đơn phương của Phương Thảo với “anh Tư” (mật danh của Nguyễn Ái Quốc), nhà làm phim muốn “đời thường hóa” hình tượng Bác Hồ với các chi tiết: Người vừa ăn khoai vừa cười (khoai dính trên miệng) với Phương Thảo, chút lưu luyến khi nắm tay nữ bác sĩ, cái nhìn xa xăm với đôi mắt đỏ rớm lệ khi biết tin cô đã mất. Bên cạnh đó, nhà làm phim còn khai thác tinh thần nhân văn cao cả của Người thông qua những việc làm tưởng chừng như rất nhỏ bé. Khi 11 người con của các liệt sĩ tham gia cách mạng ở Thượng Hải bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt, Người đã viết thư cho bà Tống Khánh Linh đề nghị trợ giúp, giải thoát các em; sau đó, vượt qua nỗi lo sợ hiểm nguy đến tính mạng, Người đã đích thân đến thăm nom, hỏi han các em. Hay hình ảnh Người chơi đồ chơi cùng các em, tận tay đưa thư đến Văn phòng bà Tống Khánh Linh đã phần nào nói lên cốt cách yêu thương, trân trọng con người của Bác. Cũng như trong Nhìn ra biển cảHẹn gặp lại Sài Gòn, nỗi nhớ nhung gia đình, quê hương luôn giày vò tâm trí Người; nay lại càng dâng lên khi Người xa quê hương, Tổ quốc trong Vượt qua bến Thượng Hải. Nỗi bâng khuâng khi nghe khúc hát quê hương, tiếng dệt cửi vang lên trong đêm khuya; hay đêm giao thừa, Người dâng mâm ngũ quả, thắp hương cầu khấn; mời những người bạn Trung Quốc thưởng thức món bánh chưng trong bữa cơm Tất niên là những chi tiết rất xúc động về một người con luôn đau đáu nỗi nhớ thương quê nhà, đồng bào.

Trong mỗi chặng đường cách mạng, nơi Người sinh sống và hoạt động, chính tình cảm chân thành, tính cách gần gũi, phong thái ung dung, tự tại, ẩn sâu là sự thông minh, uyên bác, lịch lãm trong bất kỳ tình huống, hoàn cảnh nào đã thu phục lòng người, xóa bỏ mọi ranh giới, rào cản về quốc tịch, địa vị, đẳng cấp, hướng mọi người vào tình cảm chung: lòng yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa và tình yêu thương con người. Sự quan tâm, chia sẻ với người bạn tù già đồng cảnh ngộ (trongNguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông); tiếp đón ân cần các cụ già tỉnh Thái Bình lên thăm, tiếp đại diện cao ủy toàn quyền Pháp ngay trên giường bệnh tại Bắc Bộ Phủ, trò chuyện tự nhiên, hài hước với họa sĩ Hân, hỏi han chuyện vợ con của luật sư Lâm, gửi thư thăm hỏi đến những gia đình bị nạn, đồng ý để đứa con của người phục vụ cùng được lên Việt Bắc… (trong Hà Nội mùa Đông năm 46); tất cả đã tạo dựng hình tượng Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh cao cả, vĩ đại bởi lòng yêu nước, thương dân, bản lĩnh và nhân ái, nhưng cũng rất đời, rất thực.

Hình ảnh vị lãnh tụ đời thường, bình dị lại một lần nữa được thể hiện trong Nhà tiên tri. Người hiện lên gần gũi, tự nhiên trong cách ăn mặc, nói năng, đi lại, trong cách phổ biến các chiến lược, quyết sách đến chiến sĩ, đồng bào nơi núi rừng Việt Bắc. Những trận ốm thập tử nhất sinh, tình cảnh “nằm gai nếm mật” giữa sự bao vây, săn đuổi của kẻ thù, rơi lệ khi đứng bên mộ người chiến sĩ thông tin bị tắt thở vì cố chạy thật nhanh về báo tin mật, lúc cụ Nguyễn Văn Tố hi sinh trong khi đóng giả Bác, đánh lạc hướng quân thù, và khi nhận được tin anh cả Khiêm mất. Những chi tiết đời thường ấy đã khắc họa chiều sâu tâm hồn, những xúc cảm vừa bình dị, vừa cao cả của Người. Cùng với đó, những giây phút thong dong câu cá, rong ngựa xuyên rừng; trò chuyện, đặt tên cho chiến sĩ; đi thuyền, làm thơ trên sông Đáy thơ mộng… đã phần nào thể hiện được vẻ đẹp ung dung, thanh thoát, thư thái trong tâm hồn người nghệ sĩ lớn.

Những câu chuyện vĩ đại và đời thường, cao quý và bình dị của Hồ Chí Minh được các nhà làm phim trân trọng thể hiện đã truyền đi bức thông điệp lớn lao về khát vọng hòa bình, ý thức độc lập, sức sống mãnh liệt của mỗi người dân Việt Nam, không chỉ có ý nghĩa quan trọng trong hành trình lịch sử bảo vệ và xây dựng đất nước, mà còn có giá trị lớn lao ở thời điểm hiện tại khi vận mệnh dân tộc đang đứng trước những khó khăn, thách thức không nhỏ bởi sự biến động của tình hình trong nước và trên thế giới. Với sứ mệnh lớn lao đó, 7 bộ phim được thực hiện và công chiếu trong những năm vừa qua là không đủ, nếu không muốn nói là vô cùng ít ỏi khi đặt bên cạnh cuộc đời, sự nghiệp vĩ đại cùng sức lan tỏa lớn lao của tư tưởng, nhân cách Hồ Chí Minh trong đời sống tinh thần, văn hóa Việt Nam và các dân tộc yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Văn học nghệ thuật trong đó có điện ảnh cần nhiều hơn nữa những tác phẩm khai thác các sự kiện, biến cố ở nhiều thời điểm khác nhau trong cuộc đời, sự nghiệp Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là thời kỳ Người lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Quan trọng hơn, các tác phẩm phải mang tầm cỡ lớn, với nhiều đột phá, đổi mới, tìm tòi không chỉ ở đề tài, chủ đề, cảm hứng, tư tưởng; mà còn ở giá trị thẩm mỹ và hình thức biểu đạt. Những tác phẩm nghệ thuật về đề tài lãnh tụ phải truyền được cảm hứng cho người thưởng thức, giúp họ có thêm những nhận thức mới, nhận diện được gương mặt lịch sử, thấu hiểu, đồng cảm với những đau thương và vinh quang, nhọc nhằn và kiêu hãnh của cha ông; qua đó giáo dục những bài học giá trị, sâu sắc về tình yêu quê hương đất nước, ý thức tự hào dân tộc, lòng nhân ái, bao dung và trách nhiệm với những di sản lịch sử, văn hóa, tinh thần lớn lao, hào hùng, vinh quang của biết bao thế hệ đã xây dựng nên.

N.V.H

 

 

 

_____________________

Tài liệu tham khảo:

1. Minh Châu (2017), “Nhân vật lịch sử cách mạng Việt Nam, bao giờ có phim?”, nguồn: http://vannghethainguyen.vn/ctview/id/8099

2. Trần Hinh (2013), “Thành công của hiện thực và hư cấu trong phim truyện cách mạng Việt Nam Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nguồn: http://www.tapchicongsan.org.vn

/Home/Thong-tin-ly-luan/2013/23438/Thanh-cong-cua-hien-thuc-va-hu-cau-trong-phim-truyen-cach.aspx

3. Lê Thị Hồng (2015), “Hình tượng Bác Hồ qua phim Nhà tiên tri”, nguồn: http://baoquangninh.com.vn/van-hoa/201508/hinh-tuong-bac-ho-qua-phim-nha-tien-tri-2280564/

4. Phan Đình Mậu (2010), “Làm phim về Hồ Chí Minh”, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật, số 311, tháng 5/2010.

Nguyễn Văn Hùng
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 287

Mới nhất

Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực

18/03/2024 lúc 00:07

TCCVO - Chiều 15/3, tại thị trấn Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, UBND tỉnh Quảng Trị và Ủy ban chính quyền tỉnh Savannakhet (Lào) phối hợp tổ chức Hội thảo “Khu kinh tế thương mại xuyên biên giới chung Lao Bảo - Densavan: Từ ý tưởng đến hiện thực”.

Liên hoan dân vũ chủ đề: "Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng"

16/03/2024 lúc 06:02

Chào mừng kỷ niệm 114 năm ngày Quốc tế phụ nữ (08/3/1910 - 08/3/2024), 1984 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng; Hướng đến kỷ niệm những sự kiện lớn của quê hương đất nước; kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7-2024), Sáng ngày 07/3/2024, Công đoàn viên chức tỉnh tổ chức Liên hoan dân vũ trong nữ Công chức, viên chức, người lao động (CCVCLĐ) năm 2024 với chủ đề “Nữ công Công đoàn viên chức tỉnh Quảng Trị tự tin, tỏa sáng”.

Phát huy vai trò “báo chí kiến tạo, báo chí giải pháp”

15/03/2024 lúc 07:05

TCCVO - Sáng ngày 13/3/2024, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo tỉnh tổ chức hội nghị giao ban công tác báo chí tháng 1 và 2 năm 2024 và định hướng một số nhiệm vụ trọng tâm tuyên truyền trong thời gian tới. Đồng chí Hồ Đại Nam, UVBTVTU, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chủ trì hội nghị.

Tiếp tục xây dựng đội ngũ nghệ sĩ đoàn kết, nhiệt huyết, tâm huyết và sáng tạo để có nhiều tác phẩm chất lượng phục vụ Nhân dân

15/03/2024 lúc 06:10

(TCCVO) Sáng ngày 14/3/2023, Phân hội Nhiếp ảnh Quảng Trị và Chi hội Điện ảnh Việt Nam tỉnh Quảng Trị tổ chức gặp mặt nhân kỷ niệm 71 năm ngày truyền thống Nhiếp ảnh và Điện ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2024). Đến dự có Nhà thơ Nguyễn Văn Dùng - Bí Thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh cùng đông đảo hội viên tham dự.

Mùng hai

14/03/2024 lúc 17:37

Truyện ngắn của VÕ ĐĂNG KHOA

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

20/03

25° - 27°

Mưa

21/03

24° - 26°

Mưa

22/03

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground