Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 27/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hài hòa giữa yêu cầu xã hội và khát vọng nghệ sĩ

Từ góc nhìn triết học, đạo đức và nghệ thuật(1) là hai hình thái ý thức trong thượng tầng kiến trúc. Mỗi phạm trù có nội hàm và chức năng, nhiệm vụ riêng, như là sợi dây neo để con người thật sự là con người. Chúng độc lập với nhau nhưng lại có quan hệ mật thiết với nhau. Độc lập, vì không thể thay thế cái này cho cái kia và ngược lại. Để hoàn thiện con người, mỗi phạm trù có tác động, chi phối hành vi rất khác nhau, bằng những phương thức khác nhau. Quan hệ chặt chẽ, vì cùng hướng về và tác động vào đời sống tinh thần của con người, vươn tới sự tốt đẹp, phong phú, cao thượng của bản chất người. Nghệ thuật không có đạo đức thì không còn giá trị. Truyền tải đạo đức thông qua nghệ thuật là con đường dịu dàng, sâu xa, lâu bền vững chắc.

Từ xa xưa, khi con người hình thành xã hội, những điều truyền lại đời sau là những kinh nghiệm tích lũy từ cuộc sống, nhằm duy trì phát triển nòi giống, cộng đồng, trong đó có những điều tốt đẹp thuộc về lĩnh vực cư xử, ứng xử trong quá trình sống. Từ manh nha của đạo đức, dần dần, khi phát triển đến một mức độ nhất định, xác lập các phạm trù đạo đức, nghệ thuật, thì nhiệm vụ “văn dĩ tải đạo”, truyền đạo đức đến với công chúng, hẹp hơn là người đọc, là một quan niệm được đông đảo đồng tình.

Đạo đức chính là “bàn cân” để nhìn nhận, định giá một hành vi, một con người, một xã hội. Điều này được dựa vào những tiêu chí cộng đồng xã hội đặt ra. Trong lịch sử loài người, quá trình phát triển và thay thế các phương thức sản xuất của xã hội, đều có quy định về đạo đức, dù mức độ đơn giản và phức tạp có khác nhau. Từ chế độ cộng sản nguyên thủy qua chế độ chiếm hữu nô lệ, lên phong kiến, tư bản chủ nghĩa, xã hội chủ nghĩa đều có nguyên tắc và tiêu chí của mình. Trên tiến trình đó, mỗi phương thức, mỗi thời đại hình thành những hình mẫu lý tưởng cho thời đại mình. Những người anh hùng của lịch sử chính là những hình mẫu cho cách định giá và đề cao theo tư tưởng thời đại. Văn học, nghệ thuật là phương tiện góp phần vinh danh và làm bất tử những hình mẫu đó. Trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, trong xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, chúng ta cũng nêu lên những tiêu chí về con người lý tưởng, và từng có nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đã phản ánh những hình mẫu lý tưởng được xã hội tôn vinh và đề cao.

Yếu tố đầu tiên và cốt lõi của đạo đức có lẽ là lòng yêu nước. Một vài thí dụ trong lịch sử của Việt Nam cũng có thể chứng minh nhận định đó. Thời Trần, Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn trong Dụ chư tỳ tướng hịch văn, quen gọi là Hịch tướng sĩ giãi bày lòng yêu nước thật gan ruột, ai nghe cũng cảm tận cõi lòng: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, chỉ tức rằng không xả thịt, lột da, phanh thây, uống máu quân thù...” Gần chúng ta hơn, Nguyễn Đình Chiểu đau khổ trước sự giầy xéo của Tây dương xâm lược, mắt bị mù không thể cầm súng, cầm gươm cùng nghĩa quân đánh giặc, ông dồn nén nhiệt huyết của mình diễn tả cho được cái ý thức không đội trời chung với kẻ thù: “Thà đui mà giữ đạo nhà/ Còn hơn có mắt ông cha không thờ”. Ông tự răn mình, cũng là nói với người đời, quan niệm văn chương của ông “Chở bao nhiêu đạo thuyền không khẳm/ Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà”. Nhà yêu nước Phan Bội Châu bày tỏ chí khí và nhiệt huyết của mình lúc dân tộc đang còn nô lệ “Nghĩ lắm lúc bầm gan tím ruột/ Vạch trời cao mà tuốt gươm ra”. Rồi Nguyễn Ái Quốc trong Bản án chế độ thực dân Pháp, Trần Huy Liệu, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy, Tố Hữu... khi bị giam cầm, đã tranh đấu quyết liệt với kẻ thù, để chiến đấu cho lý tưởng cách mạng, chống lại chủ nghĩa cá nhân. Chính lòng yêu nước đã hun đúc nên phẩm chất con người cách mạng. Và trong văn học cách mạng, vấn đề đạo đức cũng được quán xuyến trong tác phẩm.

Cùng tình yêu đất nước là tình yêu con người. Đây là lòng nhân, tình yêu thương đồng loại, trước hết là người lao động, thể hiện qua cách nhìn và tư tưởng đặt ra trong tác phẩm. Thật ra, trước đây, do cách nhìn hẹp và cực đoan, có tâm lý chỉ nói và nhấn đến tình yêu thương người nghèo khổ, những người thuộc loại dưới đáy của xã hội. Trong chế độ còn áp bức bốc lột thì điều đó cần thiết, đúng đắn, nhưng chưa đầy đủ, toàn diện. Điều này mới chỉ dừng ở tình thương, mà chưa vươn đến tình yêu. Nay, khi xã hội tiến lên những bước dài trong quan niệm về đạo đức mới, thì văn nghệ không chỉ phản ánh và đề cao tình thương, tình yêu, mà phải vươn tới việc đề cập bởi nhãn quan cao thượng, tầm nhìn và đối tượng cần mở rộng, tôi nghĩ đó chính là ý thức mới trong văn nghệ.

Đạo đức xã hội lại liên quan mật thiết đến lương tâm và thời cuộc. Thí dụ việc Thúy Kiều bán mình chuộc cha là việc làm đúng với lương tâm, nên tình tiết này ai cũng đều xúc động và cho là đúng đắn. Nhưng trường hợp Từ Hải lại là một hoàn cảnh khác, đối tượng khác nên có sự mâu thuẫn giữa người viết và thời cuộc. Nguyễn Du đã xây dựng Từ Hải như một “anh hùng” không chịu khuất phục tôn ty trật tự phong kiến “Dọc ngang nào biết trên đầu có ai”. Song ông đã bế tắc, không vượt quá tư tưởng trung quân của người trí thức phong kiến mà ông và gia đình là một mắt xích. Vì thế, ông phải để Từ Hải “Bó thân về với triều đình” là một giải pháp hợp lý. Vì trước đó Nguyễn Du đã dành cho Từ Hải những dòng ngợi ca hào sảng, bây giờ không thể dễ dàng hèn nhát đầu hàng như một tên vô lại. Và từ Hải phải chết đứng. Thời cuộc không cho Nguyễn Du “đẩy” Từ Hải đi xa hơn, thành con người của giai tầng khác, vượt lên, chiến thắng lý tưởng mà anh ta từng theo đuổi. Hiểu điều này chúng ta sẽ thông cảm hơn với những điều xử lý “phá cách” trong tác phẩm và cũng thông cảm hơn với những ai bị mắc kẹt trong lý luận giao điều. Nhân trường hợp Nguyễn Du, nhìn rộng ra, không ai thay thế được nghệ sỹ xử lý, giải quyết số phận nhân vật, mở ra suy nghĩ về lý tưởng mới. Tính táo bạo, trí tuệ, tầm nhìn quyết định nhà văn có dám đến với cái mới hay không. Và đó cũng chứng tỏ bản lĩnh, tài năng của nghệ sĩ.

Thực ra, bất cứ ai coi mình là nghệ sĩ đều mong muốn đem tài năng phục vụ cho cái đẹp, cái thiện, cái cao thượng, thông qua phạm trù đạo đức. Đấy là nói chung, song nhìn từ tiến trình phát triển của lịch sử phải trải nhiều thử thách để đi đến những quy định thống nhất trong cộng đồng.

Khi quy định được thiết lập, mọi sự vi phạm sẽ phải trừng phạt. Cả phía đối tượng và người bảo vệ. Xét về lề luật, có lẽ phải đến chế độ phong kiến mới có hệ thống. Khi thế lực nào xâm phạm đến quy định về đạo đức của họ, bằng mọi cách họ chống lại, thậm chí có thể phải hy sinh. Hiện thực trong tác phẩm bi kịch của Corneile, Racine chính là xung đột về những vấn đề như vậy. Vì danh dự dòng họ bị xúc phạm, dù phải đổ máu, tình yêu tan vỡ, cũng không thể chối từ, không thể tha thứ.

Song, nhìn từ khía cạnh khác, trong tiêu chí đánh giá đạo đức, có những phần chung giống nhau, lại có những phần riêng khác nhau. Phần chung là cảm nhận về cái đẹp có phần khách quan, (như bông hoa, sắc đẹp, hành động cao thượng), cái nhân đạo nhân bản đối với con người, nhất là những người nghèo khó, thân yêu, ruột thịt. Tuy vậy, trước đây, một số người quá nhấn mạnh yếu tố giai cấp, yếu tố thế giới quan, nên đã đưa ra nhận định có phần khắc nghiệt và chưa toàn diện. Nhà phê bình Hoài Thanh đã từng bị cho là “vị nghệ thuật”, phi giai cấp khi đưa ra luận điểm về cái đẹp khách quan của bông hồng. Có lẽ đấy là sự việc tồn tại ở thời lý luận còn đơn giản, nay không mấy người nghĩ vậy. Song dù sao, lập luận cũng phải cho toàn diện, khoa học, chứ sơ hở cũng dễ bị qua chụp nguy hiểm.

Nhưng từ một góc nhìn khác, đạo đức là phạm trù có chuyển động/ chuyển biến theo thời gian. Trong quá trình phát triển của loài người, xã hội mới hình thành sẽ nảy sinh tiêu chí mới phủ định những tiêu chí không còn thích hợp. Đối với mỗi phương thức sản xuất hay ngay trong cùng một chế độ xã hội, cũng có những thay đổi, chuyển động theo quy luật phủ định biện chứng. Trên thế giới, không ít quốc gia sau những đụng độ, quan hệ mới mở ra, nhiều vấn đề được nhìn nhận lại, định giá lại. Ở Việt Nam, từ khi tiến hành Đổi mới, rất nhiều vấn đề trong kinh tế, chính trị, văn học, nghệ thuật được hiểu rộng ra, đánh giá lại, toàn diện và khoa học hơn, cũng nảy sinh lắm vấn đề trong thực tiễn. Có người bảo là sai, hữu khuynh, xét lại; lại có người nồng nhiệt hoan nghênh. Có khi chỉ là tiêu chí nhiều khi chưa thống nhất. Để tránh những cuộc tranh luận “ông nói gà, bà nói vịt” một cách vô bổ, đi tới đồng thuận, cần thống nhất về khái niệm và đưa ra những tiêu chí khách quan. Hiểu thấu đáo tất cả lý do gây ra hạn chế của văn học, nghệ thuật một thời, thì cũng có thể hiểu bước phát triển trong quá trình chuyển động này.

Nhưng văn học, nghệ thuật có những đặc điểm giống với ngành y là những tác động phụ, tác động ngược, gọi là chống chỉ định. Đấy là điều người ta không muốn, nhưng lại có thể xảy ra. Cần biết quy luật này để có cách xử lý đúng đắn nhất. Không muốn mà nó vẫn có, nên phải đề phòng. Nhiều khi mục đích là tốt, nhưng tác động của nó lại là xấu. Ví như chuyện tình dục theo nghĩa khách quan thật sự không có gì xấu, bởi như Karl Marx nói “mọi cái thuộc về con người đều không xa lạ với tôi”. Nhưng không phải mọi tác phẩm đề cập đến tình dục đều là có lợi, phù hợp với đạo đức. Những trang sách dành cho trẻ em, những đối tượng chưa có sự từng trải nhất định, lại miêu tả chuyện tình dục đậm đặc và nhầy nhụa thì đâu phải tốt, mà ngược lại, điều đó phải coi là tiêu cực.

Từ thực tiễn trên đây, kết hợp với nhận thức về bản chất người nghệ sĩ trong sáng tạo, theo tôi là, cần điều tiết cho được sự hài hòa giữa yêu cầu xã hội và khát vọng nghệ sĩ. Chúng ta đều biết, người nghệ sĩ có bản lĩnh là người biết xem xét, đánh giá sự việc, hiện tượng, con người theo cách thức và tri thức của mình. Họ mang trong mình phẩm chất, nói như Lỗ Tấn, “Trợn mắt coi khinh ngàn lực sĩ/ Cúi đầu làm ngựa lũ nhi đồng”, hoặc là người “Bần tiện bất năng di/ Uy vũ bất năng khuất”. Mâu thuẫn cần giải quyết ở đây là: trong khi người nghệ sĩ chỉ trung thực với chính mình, không chấp nhận mệnh lệnh trái với suy nghĩ của họ, thì, việc bắt buộc tuân theo quy định đạo đức (một cách tự giác), điều tiết quy chuẩn xã hội lại luôn luôn là cần thiết. Đấy là chưa kể những xung đột, sai lầm ở cả hai phía, đều có thể xảy ra. Cưỡng lại dòng chảy, có thể bị tiêu diệt, mà a dua, xu thời rất có thể nhân rộng sai lầm. Tính biện chứng là ở đây và ứng xử sai lầm cũng từ đây khi nghệ sĩ phải trả lời các tình huống bắt gặp trong cuộc sống.

Một điều cũng cần quan tâm hiện nay là, trong tâm lý sáng tạo của đông đảo văn nghệ sĩ, nhiều người không thích chạy theo phong trào, không muốn hòa lẫn vào đám đông. Họ muốn tự tìm một lối đi, để chiêm nghiệm, khẳng định bản lĩnh cũng như phong cách sáng tạo. Hơn nữa, từ thực tiễn, lao động sáng tạo theo kiểu phong trào, thường cho hiệu quả thấp. Văn nghệ theo kiểu đó vừa lãng phí nhân công, trùng lặp về đề tài, về sản phẩm. Rất ít những thành công độc đáo trong những chuyến đi đông đúc. Có thể là nhận xét riêng, nhưng qua kiểm nghiệm của bản thân, tôi vẫn nghiêng về phía cho rằng, với những khảo sát, khám phá riêng lẻ, kết hợp cách nhìn, cách nghĩ, cách thể hiện bằng hình tượng và thể loại hợp lý, sự thành công sẽ cao hơn. Có người thích đề cao yếu tố cô đơn, coi là điều kiện tiên quyết để sáng tạo có giá trị, cũng là cực đoan, không thích hợp trong quản lý. Vấn đề là làm sao phát huy tối đa yếu tố cá nhân trong sáng tạo, tránh lối mòn và giản đơn trong suy nghĩ, mà người nghệ sĩ lười rất dễ mắc phải.

Điều này cũng không có gì khó hiểu khi quan sát một vài hiện tượng trong văn học, nghệ thuật gần đây. Trước kia, viết về cải cách ruộng đất, thường chỉ thấy những mặt tích cực, người nghèo có ruộng, đời sống khá lên, bóc lột giảm đi, dân tình phấn khởi, tinh thần chiến đấu của bộ đội nơi mặt trận được khích lệ. Nay, về đề tài này thì nhan nhản những chuyện xử lý oan sai, ngủ lang chửa hoang ngập tràn các trang sách. Trước kia viết về chiến tranh thì ta thắng địch thua dễ dàng, địch tàn ác, phi nhân, nay thì chiến tranh chỉ là chém giết, huynh đệ tương tàn, không có chính nghĩa và phi nghĩa. Hình ảnh kẻ thù còn được tô son vẽ phấn cho hào hoa, văn hóa, trí tuệ, ga lăng... trong một  số cuốn sách.

Trên một bình diện khác, văn học, nghệ thuật cũng đang khá sôi động với vấn đề tìm điển hình cho sáng tạo. Ý tưởng đi tìm nhân vật điển hình, nhân vật trung tâm của văn học hôm nay cũng là cần thiết. Nếu như trước đây, trong thời kháng chiến, vấn đề quan trọng hàng đầu là đánh giặc, giành cho được độc lập dân tộc. Như vậy phẩm chất anh dũng trong chiến đấu được coi là nhiệm vụ hàng đầu, tiêu chí hàng đầu. Bây giờ, là thời của xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đối tượng và giai tầng nào sẽ là nhân vật trung tâm. Người quan niệm hiện nay là thời của kinh tế tri thức, vậy mẫu người lý tưởng phải là doanh nhân và trí thức. Trong khi đó các tầng lớp công nông binh vẫn là những thành phần quyết định sự sống còn của xã hội xã hội chủ nghĩa, vậy nhân vật trung tâm sắp xếp thế nào là chuẩn mực?

Tôi vẫn nghĩ muốn giải quyết vấn đề này còn phải bắt đầu từ yếu tố tài năng. Khi mặt bằng tư duy giống nhau thì rất khó đòi hỏi chất lượng đặc biệt, đỉnh cao xuất sắc. Nhưng nếu đúng là tài năng thì vấn đề hoàn toàn khác. Tài năng sẽ không suy nghĩ như người bình thường, ý tưởng của họ không cùng bình diện mà người thường nghĩ tới, bàn tới.

Đấy là chưa nghĩ đến những nguyên cớ khác. Chẳng hạn, nỗi lo sợ vô cớ lưu truyền. Người viết văn ở ta, vẫn có thể do nhiều nguyên nhân, khi cầm bút thường tự biên tập văn mình, ý nghĩ của mình, có điều gì hơi khác lề luật chung là lo vi phạm đạo đức. Điều này thể hiện rõ nhất khi viết nhật ký, hồi ký. Người viết chỉ muốn biểu thị những điều đúng theo nhận thức xã hội, chứ ít khi dám ghi lại điều mình suy nghĩ là sai. Nhiều khi, để cho sự việc đúng như ý nghĩ của người viết, họ còn hư cấu thêm những chuyện không hề xảy ra trong thực tế, nói cách khác là thà vi phạm tính chân thực chứ không thể vi phạm tính đạo đức. Như vậy, văn học vì yêu cầu phục vụ trở thành phản lại chính người mong đợi, tin tưởng mình. Về lâu dài, điều đó trở thành mũi dao tự đâm của văn học. Đó chính là phản đề của văn chương.

Còn một vấn đề cần quan tâm, là trong nhiều văn kiện, chúng ta chỉ nhấn vào những phần tốt đẹp, những yếu tố tích cực, song thực tế cuộc đời lại không như vậy, khi gặp những trường hợp như thế sẽ không dễ giải quyết. Chúng ta không thể lảng tránh thực tế. Như vậy cần hiểu phong trào, hiểu con người, với tất cả những mặt tốt và xấu trong con người và phong trào, để từ đó tìm ra những điều phù hợp với mục tiêu mà nghệ sĩ lựa chọn. Từ đó chọn ra vấn đề quan trọng nhất mà cộng đồng quan tâm lại cũng chính là vấn đề mà nghệ sĩ quan tâm. Phải vượt lên trên những định kiến, những rào cản vô hình và hữu hình trong con người mình để tạo ra sự hưng phấn và trạng thái tự do tư tưởng nhất khi bước vào sáng tạo. Chỉ có như thế mới tạo ra sản phẩm đúng với tâm huyết và trí tuệ của mình. Câu nói của nhà văn Sôlôkhốp năm nào: Tôi sáng tác theo chỉ thị của trái tim nhưng trái tim tôi thuộc về Đảng, theo tôi là một định nghĩa giàu trí tuệ, hóm hỉnh lại hết sức chính xác về lý luận. Như vậy, sự hài hòa này sẽ tạo ra hiệu quả và cộng hưởng cùng nhau trong tác động vào con tim người đọc. Và có lẽ cũng chỉ như thế hiệu quả mới mang ý nghĩa thực.

Cũng nên nhìn nhận vấn đề đạo đức trong văn học, nghệ thuật một cách cởi mở, không thể duy trì ý chí, không ép buộc người nghệ sĩ phải thực hiện những điều mà họ chưa sẵn sàng, hay chưa kết hợp giữa cái chung và cái riêng trong sáng tạo. Như vậy họ sẽ chỉ đem bán cái họ hùa theo, chứ không phải sản phẩm họ dồn tâm huyết mà xã hội lại đang cần. Từ đó, rất dễ xảy ra tình trạng người đọc chấp nhận hay không chúng ta không thể kiểm soát được. Văn nghệ truyền tải đạo đức tới xã hội là rất cần nhưng không phải là thứ ép buộc mà đạt hiệu quả.

Từ đó, chúng ta rất nên quan tâm đến yêu cầu này: yêu cầu nêu gương. Trong Điều lệ Đảng, tôi thấy có một điều rất hay là người đảng viên phải gương mẫu, phải nêu gương trước quần chúng. Người viết về đạo đức, truyền bá vấn đề đạo đức cho người khác, cho xã hội mà không là tấm gương sáng thì rất khó thuyết phục người khác. Trong sáng như Chủ tịch Hồ Chí Minh mà kẻ xấu vẫn tìm mọi cách xuyên tạc, bôi nhọ, huống chi những người bình thường, ai chẳng có xấu tốt đan xen, chồng lấn. Dẫu sao, tôi vẫn nghĩ ta cần lấy cái tốt làm nét chủ đạo, thì bao giờ sức cảm hóa cũng mạnh và sâu. Hơn nữa, trong suy nghĩ, lập luận, thể hiện cần phải trung thực, chân thành, có lí lẽ. Các cụ xưa chẳng đã tổng kết: “nói phải củ cải cũng nghe” kia mà.

 

L.Q.T

 

 

 

____________

(1) Khái niệm này bao gồm các loại hình phản ánh hiện thực bằng hình tượng thẩm mỹ như: Văn học, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, sân khấu, điện ảnh... mà hiện nay trong đời sống thường dùng là văn học nghệ thuật, hoặc gọi tắt là văn nghệ.

 

LÊ QUANG TRANG
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 249

Mới nhất

Đại hội Phân hội Văn học tỉnh Quảng Trị, nhiệm kỳ 2024-2029

5 Giờ trước

Ngày 26/4/2024, Phân hội Văn học-Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị đã tiến hành Đại hội VII, nhiệm kỳ 2024-2029 nhằm tổng kết, đánh giá hoạt động nhiệm kỳ qua và xây dựng phương hướng hoạt động trong nhiệm kỳ mới.

Chùm thơ Trần Đức Tín

24/04/2024 lúc 17:21

Nhà thơ Trần Đức Tín, bút danh Khét, sinh năm 1989, quê quán Cà Mau, hiện đang làm

Long trọng tổ chức Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam

19/04/2024 lúc 17:46

Sáng nay 19/4/2024, Trường PTDT Nội Trú Gio Linh long trọng tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam.

Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 ra mắt mô hình “Phụ nữ, Cà phê và Sách”

19/04/2024 lúc 16:43

Sáng nay 19/4, Hội Liên hiệp Phụ nữ Phường 1 (thành phố Đông Hà) tổ chức Lễ ra mắt mô hình “Phụ nữ,

Sôi nổi hội thi Kể chuyện theo sách với chủ đề “Chúng em yêu hòa bình”

12/04/2024 lúc 16:01

Ngày 11/4, Thư viện tỉnh Quảng Trị phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Đông Hà tổ chức hội

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

28/04

25° - 27°

Mưa

29/04

24° - 26°

Mưa

30/04

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground