Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 06/05/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Hoàng Hữu Chấp người chiến sĩ kiên cường

    

Hoàng Hữu Chấp sinh năm 1916, tại làng Bích Khê, Triệu Phong, Quảng Trị. Năm 1931, tham gia cách mạng được Tỉnh ủy giao phụ trách Đoàn Thanh niên Cộng sản, đồng thời phụ trách cơ quan in của Tỉnh ủy. Ngày 20 – 2 - 1932 bị địch bắt, và kết án 7 năm tù.
 

Sau gần ba năm bị giam, bị tòa Nam án Quảng Trị buộc vào tội “Phá rối trị an”. Năm 1934, Hoàng Hữu Chấp được trả tự do. Vừa ra khỏi tù, anh trở lại hoạt động ngay và gây dựng cơ sở đảng ở Triệu Phong, Vĩnh Linh, địa bàn trước đây anh đã từng công tác, có công xây dựng lại Đảng bộ Quảng Trị, tham gia Tỉnh ủy.

Cuối năm 1936, đồng chí Lê Duẩn từ nhà đày Côn Đảo trở về. Được sự giúp đỡ, dìu dắt của đồng chí Lê Duẩn, anh đã cùng với nhiều đồng chí khác trong tỉnh ra sức hoạt động gây dựng lại Đảng bộ.

Nhờ công tác tích cực của anh và nhiều đồng chí khác, phong trào Mặt trận Dân chủ ở Quảng Trị lên khá cao. Đầu năm 1937, nhân dịp Bơ-rê-viếc được Chính phủ bình dân Pháp cử sang làm toàn quyền ở Đông Dương và Gúyt-tanh Gô-đa sắp sang điều tra tình hình ở Đông Dương, Hoàng Hữu Chấp cùng anh em tù chính trị đã đánh điện bày tỏ nguyện vọng toàn xá chính trị phạm, tự do báo chí, tự do nghiệp đoàn… và vận động đón tiếp Gô-đa thành phong trào quần chúng rộng rãi khắp các phủ, huyện trong tỉnh. Đáng ghi nhớ là cuộc biểu tình ngày 26 – 2 - 1937, có hàng vạn người tham gia dọc theo đường Quốc lộ 1 từ Vĩnh Linh đến Quảng Trị vào Huế.

Sau các cuộc biểu tình này chính quyền cai trị ở địa phương ra sức hạn chế những hoạt động của Hoàng Hữu Chấp. Tháng 3 - 1937,  chúng kiếm cớ bắt anh và phạt anh một tháng tù về tội “vi phạm lệnh quản thúc” nhân một chuyến đi công tác từ Triệu Phong lên Cam Lộ. Nói về việc bắt giam trái phép Hoàng Hữu Chấp, tờ báo Tập hợp (Ras-Seeblement), một tờ báo công khai của Đảng xuất bản ở Hà Nội hồi bấy giờ, số ra ngày 23 – 3 - 1937 viết: “Hoàng Hữu Chấp, cựu chính trị phạm bị quản thúc rất nghiêm ngặt. Người ta đặt người đứng gác ở nhà anh. Anh bị làm phiền nhiều mỗi khi có người lạ đến thăm. Nhất là sau những ngày đón tiếp Gô-đa tình hình lại càng tệ hại hơn. Một hôm hai người đàn bà qua đường ghé vào nhà Chấp để mua mía, đang hỏi giá mía để mua thì bị bắt và dẫn đến huyện đường. Chỉ sau khi Chấp kịch liệt phản đối, hai người đàn bà đó mới được thả ra. Tên Tri huyện rất căm thù Chấp. Một hôm, Chấp đến huyện Cam Lộ, một huyện bên cạnh để kiếm việc làm ăn, tên Tri huyện Triệu Phong bèn ra lệnh bắt Chấp và áp giải về nhà lao tỉnh. Để phản đối hành động bắt người độc đoán đó, Chấp đã tuyệt thực từ ngày 15 – 3 - 1937”.

Sau một tháng bị giam, Hoàng Hữu Chấp đã được thả ra. Ra tù lần này, anh hoạt động thận trọng hơn, đi sâu vào quần chúng, xây dựng cơ sở bí mật. Anh ra Vĩnh Linh lập Huyện ủy Vĩnh Linh, đến Cam Lộ lập Huyện ủy Cam Lộ.

Ngày 28 – 6 - 1937, Đại hội đại biểu toàn tỉnh của Đảng bộ Quảng Trị họp tại Phú Long (Hải Lăng) đã thảo luận về nhiều vấn đề, kiểm điểm các cuộc đấu tranh vừa qua và bàn phương hướng công tác trong thời gian tới, nhất là cuộc đấu tranh chống thuế trong vụ lúa tháng 5 - 1937. Đại hội bầu Ban Tỉnh ủy chính thức, Hoàng Hữu Chấp được cử làm Bí thư. Tờ báo Tranh đấu, cơ quan tuyên truyền của Đảng bộ Quảng Trị được sự giúp đỡ của anh xuất bản trong dịp này. Đại hội Đảng bộ Quảng Trị họp đánh dấu mốc lịch sử là hệ thống tổ chức của Đảng trong toàn tỉnh được phục hồi, các tổ chức quần chúng được phát triển mạnh mẽ, phong trào đấu tranh của nhân dân Quảng Trị lên cao. Đó là cuộc đấu tranh chống thuế năm 1937.

Hoàng Hữu Chấp ngày đêm bám sát phong trào, lãnh đạo quần chúng đấu tranh, thường xuyên về tận thôn xóm kiểm tra phong trào, chỉ đạo cụ thể các cuộc đấu tranh của quần chúng. Hàng nghìn nông dân từ các làng xa xôi, hẻo lánh ở Cam Lộ, đến các làng ven biển nghèo đói ở Gio Linh, trong tháng 5 - 1937, kéo đến “Động Cồn Tiên” để nghe anh Hoàng Hữu Chấp và Hồ Xuân Lưu nói chuyện về chống thuế và hoãn thuế. Quần chúng hưởng ứng nhiệt liệt. Phong trào đấu tranh chống thuế từ đó lan rộng và kéo dài hàng tháng khắp vùng nông thôn trong tỉnh. Ở Quảng Trị có cả thảy 480 làng thì có 160 làng có phong trào đòi hoãn thuế, bằng cách nộp thuế làm hai lần.

Ngày 26 – 6 - 1937, ở Vĩnh Linh có rải truyền đơn đòi hoãn thuế, chống phù thu lạm bổ, bãi bỏ “bách phân phụ thu”. Đòi thả những người bị bắt. Trước phong trào đấu tranh sôi nổi của quần chúng bọn thống trị hoảng sợ tìm cách bắt những người cầm đầu phong trào. Đêm 15 rạng ngày 16 – 9 - 1937, chúng bắt Hoàng Hữu Chấp kết án và giam anh tại nhà lao Quảng Trị. Ở trong nhà tù, Hoàng Hữu Chấp đã tổ chức và giáo dục những người cùng bị giam và lãnh đạo họ đấu tranh chống chế độ hà khắc của lao tù và bọn chủ thầu bớt xén suất ăn. Báo Tin tức xuất bản ở Hà Nội ngày 9 – 7 - 1938, đã đăng bài: “Tình cảnh tù chính trị ở nhà lao Quảng Trị” phản ánh cuộc đấu tranh này. Bọn thống trị Pháp rất tức tối nhưng không thể đàn áp được cuộc làm reo này. Trong công văn ngày 16 – 7 - 1938, gửi lên Khâm sứ Trung Kỳ, tên Hăng-ri Môn (Henri Moll) Công sứ Quảng Trị hồi bấy giờ có viết như sau: “Chỉ có roi mây mới thu được kết quả tốt. Nhưng khốn thay việc dùng roi mây bị cấm”. Cuộc làm reo này của tù chính trị ở nhà lao Quảng Trị thu được thắng lợi hoàn toàn. Bọn thống trị đã phải nhượng bộ, phạt chủ thầu và tăng thêm gạo ăn hàng ngày của tù. Tuy vậy, chúng vẫn tìm cách trả thù. Ngay sau cuộc đấu tranh kết thúc, người cầm đầu là Hoàng Hữu Chấp bị đày vào Nha Trang, đến cuối năm 1941, anh lại bị đày lên Buôn Ma Thuột.

Hoàng Hữu Chấp còn là người đã góp phần tích cực tổ chức các cuộc vượt ngục ở nhà tù. Năm 1932, anh đã cùng với anh chị em tù ở nhà lao Quảng Trị tổ chức cho Lê Chưởng, Hồ Chơn Nhơn và Trần Hoành vượt ngục để bổ sung cho cán bộ phong trào ở bên ngoài. Mười năm sau (1942), anh lại tổ chức cho các anh Bùi San, Hồ Xuân Lưu và Trần Hồng Chương vượt ngục tại nhà đày Buôn Ma Thuột. Mỗi lần tổ chức vượt ngục cho đồng chí mình là mỗi lần anh sẵn sàng chịu đựng đòn tra tấn cực hình của địch. Năm 1943, mãn hạn tù, Hoàng Hữu Chấp ra hoạt động lại rồi bị bắt, bị kết án và bị đày lên Buôn Ma Thuột lần thứ hai. Ra tù rồi vào tù coi như là lẽ sống của anh.

Chính quyền cai trị cứ tưởng mỗi lần bắt được anh đem đi giam, đem đi đày ải là hy vọng làm nhụt chí khí chiến đấu của anh, nhưng chúng đã lầm to. Vì ra tù lần sau anh lại hăng say, sôi nổi hơn lần trước.

Sau ngày chính biến Nhật (tháng 3 - 1945), Hoàng Hữu Chấp ra tù và được Đảng phân công về hoạt động ở Khánh Hòa. Anh đã tích cực vào việc xây dựng Đảng bộ và Mặt trận Việt Minh tỉnh Khánh Hòa, lãnh đạo nhân dân địa phương khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng 8 - 1945 thắng lợi. Anh được cử làm Chủ nhiệm Việt Minh tỉnh Khánh Hòa.

Giặc Pháp quay trở lại đánh chiếm nước ta. Đầu năm 1946, chúng cho quân đổ bộ đánh chiếm Khánh Hòa, Hoàng Hữu Chấp cùng các đồng chí trong Tỉnh ủy Khánh Hòa lãnh đạo dân quân địa phương anh dũng chống Pháp. Giữa năm 1946, trong khi đang công tác ở vùng địch hậu, anh bị địch bắt và đem bắn tại Nha Trang.

Anh Hoàng Hữu Chấp nay không còn nữa, nhưng đồng bào, đảng viên và cán bộ Quảng Trị, Khánh Hòa vẫn còn ghi mãi tên anh: “Hoàng Hữu Chấp - Người chiến sĩ cộng sản kiên cường”.                                                                               

                                                                                                                L.K.Q

Lê Kim Quế
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 29 tháng 02/1997

Mới nhất

Hòn ngọc Bali giữa biển xanh

30/04/2024 lúc 17:44

 Người Việt đi du lịch Bali, hầu như chỉ biết đến những bãi tắm xa

Tự do xanh quá, mênh mông quá

30/04/2024 lúc 04:11

Thơ ca không phải là ghi chép lại lịch sử nhưng lịch sử qua thơ mang một vẻ đẹp bất ngờ và độc đáo không thể hình dung hết. Tuy nhiên, để làm được điều đó, thi sĩ phải thực sự tài năng và có cơ hội tiếp cận được hiện thực lộng lẫy trong những thời khắc có một không hai của lịch sử. Hai mươi năm đánh trận trường kỳ, cả dân tộc không đêm nào ngủ được, cả dân tộc hành quân ra trận, cả dân tộc đội triệu tấn bom để hái mặt trời và có ngày Chiến thắng 30 tháng tư năm 1975, cũng là ngày mở ra cánh cửa hòa bình, thống nhất non sông cho đất nước.

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

07/05

25° - 27°

Mưa

08/05

24° - 26°

Mưa

09/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground