T |
ìm hiểu và phân tích kỹ một lễ hội dân gian ở vùng nông thôn tỉnh Quảng Trị quả là không dễ. Dù Quảng Trị là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa nhưng qua hai cuộc chiến tranh, nhiều kiến trúc văn hóa vật chất như: đình, chùa, miếu mạo bị tàn phá nặng nề cái còn cái mất. Cái còn thì đã rêu phong hoang phế, hoặc là những kiến trúc mới được xây dựng lại trong những năm gần đây. Những lễ hội dân gian gắn liền với đình, chùa, đền miếu do vậy cứ bị mai một dần đi, mặt khác dù nhu cầu văn hóa tinh thần của đời sống tâm linh là lớn nhưng đời sống hiện tại còn gặp muôn vàn khó khăn chế ngự nên lễ hội có tính quy mô, rầm rộ ít được diễn ra.
Tuy nhiên, lễ hội dân gian là khát vọng tinh thần, là sinh hoạt văn hóa làm nên diện mạo của một vùng đất, tạo nên nhân cách, bản sắc riêng của người dân sống trên vùng đất đó. Nó là yếu tố cơ bản tạo nên sức sống mãnh liệt trong tâm thức của con người, tồn tại cùng con người thuở khai khẩn vùng đất mới, đồng hành trên bước đường con người kiếm tìm hạnh phúc, tạo lập và xây dựng nên những mảnh làng. Tất nhiên bất kỳ một lễ hội dân gian nào đều có những mặt phải và mặt trái của nó. Dưới đường lối đổi mới của Đảng, đặc biệt là đất nước đang triển khai cuộc vận động lớn “xây dựng làng văn hóa, gia đình văn hóa”, vấn đề tìm hiểu và khôi phục một lễ hội dân gian để phát huy những giá trị truyền thống, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, gạt bỏ những yếu tố lạc hậu mang màu sắc mê tín là một việc làm có ý nghĩa nhân bản.
Với suy nghĩ này, chúng tôi làm một chuyến về làng Nại Cửu thuộc xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Tên làng Nại Cửu có nghĩa là chịu đựng thể hiện tính cách bền bỉ, kiên nhẫn chịu đựng mọi khó khăn gian khổ để vươn tới khát vọng ấm no, hạnh phúc của ngôi làng. Làng Nại Cửu từ xưa có nhiều lễ hội như: Lễ thành hoàng, lễ hạ canh, lễ hạ ương, hội thi cày đất khô, hội thi kéo co, thi bơi trãi, hò giả gạo... Tuy nhiên qua nhiều thời gian và hoàn cảnh sống có những đổi thay nên đã dần dần mất đi chỉ còn lại một lễ hội đáng chú ý hơn cả là lễ hội Kỳ yên (hoặc là Cầu an hay Siêu yên) được dân làng Nại Cửu duy trì hàng năm tại đình làng Nại Cửu vào ngày rằm tháng bảy.
Nại Cửu không xác định được xây dựng từ năm nào trong lịch sử, chỉ có thể nói sơ lược như sau:
Năm 1886 bị giặc Pháp đốt, năm 1900 được làm lại bằng tranh tre, năm 1935 lại bị đốt, 1942 làm lại, năm 1958 được sửa chữa thêm, năm 1972 chiến tranh tàn phá, năm 1990 xây lại như hiện tại. Đình Nại Cửu có một đặc trưng riêng biệt là có mái đình (có sắc chỉ của Vua ban) khác với Đình của nơi khác, ngôi đình hiện nay có chiều rộng 6m, chiều dài 14m tọa lạc trên khu đất rộng, quay mặt về hướng nam. Cổng đình có hai câu đối bằng chữ Hán đã mờ vì gió bụi thời gian. Phần sân đình ở giữa là bức bình phong có trang trí một con Nghê làm bằng mãnh vỡ, trên lưng nghê mang một chiếc hộp màu vàng có thắt nơ kiểu bướm (chiếc hộp này tượng trưng bằng sắc của các học sĩ); ở phía Tây, dưới là bức thờ âm hồn, trên có một am thờ văn, chỉ có hai chữ Hán "Thánh Tiên" (chỉ bậc thánh hiền đời trước là Khổng Tử), phía Đông sân đình cũng là bức thờ âm hồn. Mái đình lợp ngói móc, trên nóc có biểu tượng âm dương ở giữa, hai bên nóc có hai rồng đối xứng, 4 góc mái đình là 4 con chim phượng. Mặt trước đình ở trên gần sát mái có 5 bức tranh vẽ chim, thú, cây cảnh; bên trái của đình có bức tranh vẽ rồng trên mây; bên phải là hổ trong rừng (tả thanh long, hữu bạch hổ).
Trong điện thờ gồm có năm gian đặt năm bàn thờ. Ngày xưa thờ thần chủ, nay thờ bằng lư hương.
1. Bàn thờ thứ nhất (ở phía tây): Thờ thổ thần, hai chữ thổ thần viết bằng chử Hán ở trên tường, hai bên có hai câu đối như sau: "Địa hậu bát tiết thảo mộc sum/ Tổ vương tứ thời nhân tài tụ"
Tạm dịch:
"Đất màu mỡ, tám tiết trời trong năm cỏ cây đều tươi tốt
Phúc tổ lớn, bốn mùa tụ hội lắm nhân tài"
Trên bàn thờ của thổ thần có hai lư hương
2. Bàn thờ thứ 2 (giáp bàn thờ thổ thần): Thờ bốn vị tiền khai khẩn của bốn họ: Lê, Nguyễn, Võ và một vị tiền khai khẩn của họ Đinh (vì họ Đinh ở Nại Cửu về sau vô tự nên hình thức thờ chỉ còn là "Đinh gia phụ hưởng"). Trên tường sau bàn thờ có hai chử Hán "Khởi thủy", trang trí hai bên chữ "Khởi thủy" (mở đầu) là hai con chim phượng ngậm đóa sen đứng trên lưng rùa.
3. Bàn thờ thứ ba (tức bàn thờ chánh giữa): Thờ 11 vị thần gồm 7 lư hương, trên tường có ba chữ Hán "Kỉnh như tại" (nghĩa là cung kính mời ngồi) lúc hành lễ ồng thần nào to thì mời ngồi lên bàn thờ này. Mười một vị thần của bàn thờ này được nhà vua sắc phong cho làng Nại Cửu thờ tự. Theo "Quảng Trị tỉnh thành hoàng chí", 11 vị thần đó là:
1. Cao các quảng độ gia tặng dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.
2. Bổn thổ thần hoàng gia tặng tịnh hậu trung hưng thượng đẳng thân.
3. Ngũ hành sắc phong tán hóa mặc vận thuận thành tự điều, tư nguyên trung huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.
4. Chúa ngọc sắc phong, nhân uyển gia tặng trung huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần (Huyền Trân Công Chúa).
5. Hồng nương tiên phi gia tặng trung huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần (thờ bà vú nuôi của Huyền Trân Công Chúa).
6. Cai trị nam dương hầu Hoàng tôn thần.
7. Cai tổng hùng thắng bá Phan Tôn Thần.
Năm vị ngũ hành thờ vào một lư hương, sáu vị kia thờ vào một lư hương. Trang trí hai bên chữ "Kính như tại" giống như ở bức bàn thờ thứ hai.
4. Bàn thờ thứ tư: Thờ ba vị tiền khai khẩn ba họ: Trần, Hoàng, Phan và Lê nhị vị quý công (vị hậu khai canh - khai canh thêm một phường Nại Cửu ở vùng trung du thuộc xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). Trên tường sau bàn thờ có hai chữ "khai nguyên" (nghĩa là mở một kỷ nguyên mới). Trang trí ở hai bên chữ này giống như ở bàn thờ thứ hai và thứ ba.
5. Bàn thờ thứ năm (bàn thờ cuối cùng ở phía đông): Trên tường phía sau bàn thờ có hai chữ "Khoa hoạn" (nghĩa là đỗ đạt làm quan): Thờ những vị đỗ đạt trên con đường khoa cử, làm quan qua các triều đại phong kiến và cả thời hiện đại, biểu hiện của một niềm tôn vinh, tự hào về truyền thống hiếu học. Đó cũng là cách giáo hóa cho các thế hệ hậu sinh noi theo. Hai câu đối bên chữ "Khoa hoạn" là:
"Quang tiên dư hậu võ, văn, toán
Tích tụ kim ba khoa hoạn đạt"
Tạm dịch:
(Rạng rỡ tổ tiên mãi về sau vì võ, văn, toán
Tích tụ truyền đi ánh vàng của khoa bảng làm quan)
Về mặt tổng thể kiến trúc đình Nại Cửu là kiến trúc đối xứng nhau tạo nên sự hòa điệu theo đúng kiến trúc văn hóa phương Đông.
LỄ HỘI KỲ YÊN
Lễ hội kỳ yên ở Nại Cửu đình thực chất là sinh hoạt văn hóa nhằm thỏa mãn khát vọng tinh thần, là cầu mong cuộc sống yên bình, ấm no, hạnh phúc, là niềm tôn kính hướng về trời đất, hướng về các vị anh hùng có công với nước, các vị khai khẩn lập làng, các vị khai canh, các vị khoa bảng làm rạng danh tổ tiên. Đình Nại Cửu ngày xưa không chỉ là nơi tế tự, hành lễ mà còn là trụ sở để các vị nhân sĩ, trí thức hội họp bàn định kế sách ích nước lợi nhà. Từ ngôi đình làng này, bao thế hệ người dân Nại Cửu đã hun đúc được hồn thiêng của ông cha, nguyên khí trời đất, tinh hoa của văn hóa làng được đúc kết qua các tấm gương hiếu học, tiếp tục đóng góp nhiều công lao cho đất nước.
Như đã nói lễ hội Kỳ Yên ở đình Nại Cửu diễn ra ngày rằm tháng bảy hàng năm. Ngày xưa ban tế lễ gọi là ban "Đại hào tộc biểu", thường gồm có lý trưởng, các tộc trưởng, trùm xóm. Ngày nay ban tế lễ gọi là hội đồng gồm các trưởng họ, đội trưởng sản xuất tiến hành họp để tổ chức các bước lễ và phân công người phục vụ lễ, gồm:
- Chấp sự: gồm hai người đánh chiêng trống (phải là những người đứng đầu làng có uy tín cao).
- Một tư chúc: Là người đọc văn tế .
- Một tư văn xướng lễ: Là trưởng ban lễ tế.
- Bốn tư xướng: (hai đông xướng, hai tây xướng).
- Sáu tư hiến: ở ba bàn, một bàn hai tư hiến.
- 29 đồng hầu: đội múa đèn lúc hành lễ, có một đội trưởng chỉ huy.
- 16 cận vệ: (mang các thứ vũ khí giáo mác tượng trưng).
- 4 vị cầm tán để che trên kiệu rước thần.
- Một chánh tế được che lọng xanh.
- Hai bồi tế được che hai lọng xanh - Hai chấp sự được che hai lọng xanh.
- Một ban nhạc cổ gồm bốn người (một trống, hai kèn, một sáo)
Trước chiến tranh, làng Nại Cửu có một kiến trúc văn hóa liên quan đến lễ Kỳ Yên này có tên gọi là Nghè, nằm ở Bèng (vùng đất đầu làng Nại Cửu, tiếp giáp với làng Bích Khê, xã Triệu Long), đây là nơi thờ các vị thần đã nói ở trên (phần mô tả đền thờ, nay đã bị chiến tranh tàn phá). Trước khi đi vào tế lễ Kỳ Yên có ba lễ: Lễ cáo giang sơn, Lễ giết bò lợn để cáo trời đất, quỷ thần (cáo tế sanh) ở sân đình. Lễ thứ hai là lễ nghinh thần tiến hành khoảng giờ Mùi (2giờ chiều tại Nghè). Ban lễ lên đó đánh chiêng trống để rước thần về đình. Đi rước thần gồm có ba kiệu có ba tàn vàng che. Trình tự các kiệu được rước đi như sau:
- Kiệu các vị tiền khai khẩn (trong kiệu có 7 bài vị).
- Kiệu ngũ hành, Chúa Ngọc hồng nương tiên phi (có 5 bài vị).
- Kiệu thứ ba gồm 2 bài vị (một bài vị sâu và một bài vị cạn), bài vị sâu là "Cao các quảng độ đại vương và Thành hoàng", bài vị cạn là "Thổ thần".
Ba kiệu này được rước đi từ Nghè trong tiếng chiêng, trống, sao, kèn rộn rã trên những nẻo đường quanh làng.
Về tới đình, giờ Thân (bốn giờ chiều) ban tế tiến hành tế túc yết (cáo sơ bộ). Lễ vật gồm bò hoặc heo (nguyên con) gọi là tế đại hiến, và chỉ có đình làng Nại Cửu mới được tế đại hiến (Theo ý chỉ của vua Đồng Khánh) còn các đình làng khác thì chỉ được phép tế tiểu hiến (thịt vai) hoặc trung hiến (thịt đầu và bốn móng giò). Ngoài bò hoặc heo ra còn có thêm hương hoa, quả, trầm, trà. Ở am thờ Khổng Tử ngoài sân thì cúng gừng muối.
Lúc "tế túc yết" vị tư chúc đọc bài văn tế có nội dung như sau: (đây là một ví dụ một bài văn tế đình)
"Duy Bảo đại thập bát niên, tuế thứ Nhâm Ngọ thất nguyệt thập tứ nhất
Đại Nam quốc, Quảng Trị tỉnh, Triệu Phong phủ, Bích La tổng, Nại Cửu thôn.
Kim tế chủ, chánh tế cử nhân cập đệ, ngũ phẩm văn giai, hàn lâm viện thị học, bản triều hình bộ tả chủ sự, tiên chỉ Lê châm.
Đồng hương xã, nam phụ lão ấu đẳng. Ngôn niệm, vũ thuận, phong điền, an cư lạc nghiệp nhân kiệt địa linh, bao hàm chi đức. Tư giả bổn nguyệt, khí nhật, thiết lễ cúng tạ thù ân.
Cẩn dĩ hương đăng hoa quả phù lưu, thanh chước bạch soạn, phẩm vật thứ phẩm nghi ghi.
Hữu Cẩn Cung Tiến vu!
Cao các quảng độ gia tặng trung huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần. Bổn thổ tịnh hậu thành hoàng, gia tăng bảo dực trung hưng thượng đẳng thần.
Ngũ hành sắc phong tán hóa, mặc vận thuận thành. Điều tư tương nguyên trung huy dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.
Chúa ngọc sắc phong nhàn uyển gia tặng dực bảo trung hưng thượng đẳng thần.
Cai trì nam dương hầu Hoàng tôn thần
Cai tổng hùng thắng bá Phan tôn thần, bổn thổ chi thần.
Lục tộc tiền khai khẩn Lê, Nguyễn, Võ, Hoàng, Phan, Trần sắc phong linh phù bảo ứng đại lang tôn thần.
Đinh gia hậu khai canh. Lê nhị vị quý công
Thị tùng nhất thiết, tả hữu chư vị thị vệ quí nhân. Phúc nguyện hoàng thiên giáng phước, phước lưu vĩnh vĩnh vô cùng, hậu thổ thi ân giáng miên miên bất tận. Hương dân thanh cát, trưởng ấu hòa bình. Trụ đông, tây, nam, bắc chi tài; nạp xuân, hạ thu đông chi lợi.
Ngưỡng lại tôn thần phò trừ chi gia huệ giả.
Cẩm cáo!"
Tạm dịch:
"Năm thứ 18, Triều Bảo Đại, năm Nhâm Ngọ, ngày 14 tháng bảy.
Nước Việt Nam, tỉnh Quảng Trị, phủ Triệu Phong, tổng Bích La, thôn Nại Cửu.
Nay chủ trương tế, ngài chủ tế là Cử nhân hàm ngũ phẩm văn giai, chức này của Triều đình, làm trưởng phòng của Bộ hình là tiên chỉ Lê Châm.
Cùng với dân làng già, trẻ. Nghĩ rằng mưa thuận, gió hòa, an cư lạc nghiệp, người giỏi đất thiêng là do cái đức của đất trời. Nghĩ vậy, tháng này bày lễ cúng tạ báo ân.
Kính dâng hương, đèn, hoa, quả, cau trầu, nước trong, đồ giấy, các loại phẩm vật không đáng kể để làm nghi lễ.
Kính cẩn cúng lên!
Thần cao các tên Quảng Độ (thời Lê Huy Tông) ban sắc phong là thượng đẳng thần.
Ngài thần hoàng tên là Tịnh Hậu được phong là thượng đẳng thần.
Năm vị tên ngũ hành cũng được phong là thượng đẳng thần.
Chúa ngọc (Huyền Trân Công Chúa) cũng được phong là thượng đẳng thần.
Hồng nương tiên phi (vú nuôi Huyền Trân Công Chúa) được phong thượng đẳng thần.
Ngài cai trị nam dương được phong thần.
Ngài cai tổng Hùng thắng bá được phong thần.
Sáu ngài khai khẩn sáu họ được phong thần.
Ngài họ Đinh là hậu khai canh.
Hai vị khai canh họ Lê (khai canh phường Nại Cửu thuộc xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị).
Đi theo các vị thần có tả hữu các ngài thị vệ.
Trời ban phước xuống thì phước còn mãi mãi, đất làm ơn thì ơn đất cũng mãi mãi không hết. Dân làng trong sạch, già trẻ hòa bình, nhận được tiền tài bốn phương đưa lại và thu hoạch đều được cả bốn mùa.
Cúi mong các vị tôn thần giữ gìn và gia ơn.
Kính cẩn cáo nghênh!
Sau khi đọc văn tế xong, chánh tế và bối tế vái lạy, khấn nguyện trước ba bàn thờ thứ hai, thứ ba, thứ tư (tức hai bàn thờ lục tộc và một bàn thờ 11 vị thần) còn bàn thờ phía đông và phía tây không lạy. Tiếp theo chánh tế và bồi tế, dân làng lần lượt vào ba bàn thờ trên để vái lạy với tất cả sự tôn nghiêm và thần kính.
L.H.V - T.Q
(1) Kỳ sau còn tiếp