Cuộc khởi nghĩa Duy Tân xẩy ra cách đây vừa đúng 80 năm, các yếu nhân của cuộc khởi nghĩa như vua Duy Tân, các nhà chí sỹ Trần Cao Vân và Thái Phiên… đã thành người thiên cổ, nhưng mãi mãi nó vẫn cứ là một dấu ấn đậm trong những trang sử hào hùng của dân tộc ta.
Vinh dự thay, đã có một người phụ nữ Quảng Trị được chọn làm người liên lạc tin cẩn cho cuộc khởi nghĩa đó: Bà Trương Thị Dương.
Các nhà nghiên cứu khi viết về cuộc khởi nghĩa Duy Tân đều còn nhắc đến bà Trương Thị Dương với tiểu sử tóm tắt: Bà người xóm Trầm, làng Tân Điền huyện Hải Lăng, Quảng Trị. Người ta thường gọi bà theo tên chồng bà là Bát Mang vì theo chồng bà ở lính được hàm bát phẩm. Sợ chồng biết mình hoạt động cách mạng. Bà đã ly dị và trở thành người liên lạc quan trọng cho Việt
Các yếu nhân của Việt
Việc không thành và cũng chưa biết đến khi nào mới lại có cơ may phục quốc, cố giắng cuối cùng của những người còn sống sót sau cuộc khởi nghĩa là làm sao đưa được hài cốt hai lãnh tụ ra khỏi khu vực pháp trường!. Người trực tiếp làm việc nghĩa đó lại chính là bà Trương Thị Dương. Dưới đây là đôi lời tự thuật của bà về lai lịch nấm mồ chung của hai nhà yêu nước Thái Phiên và Trần Cao Vân:
Ngày 5 tháng 5 năm Ai Sửu (25.6.1925) tôi và người cháu gọi bằng dì là Đặng Khánh Di vừa đi đến cầu Văn Can bỗng một chiếc guốc bị gãy, tôi nghi hoặc có điều gì không hay chăng?
Đến chùa Đại Trung gặp ông trị sự chùa Nguyễn Hữu Cảnh, ông giục tôi đi không do dự.
Ba giờ sáng hôm sau chúng tôi đi thẳng đến chỗ di hài hai cụ. Người giữ nấm mồ ấy là Thủ Ty, y có người con bị bệnh phung (phong hủi) làm chòi ở giữ, người lạ tự nó bắt. Tới nơi tôi cho thằng phung ba đồng, trả cho Thủ Ty sáu đồng và thuê năm người nữa với thủ Ty, hai mươi bốn đồng. Tôi nói mộ của ông chú tôi xin dời.
Hốt cốt lên, tôi lấy giấy tinh gói lại và bỏ vào hai thúng đầy. Để đó cho Thủ Ty lo, tôi đi trước qua cửa Chánh Tây ngồi đợi. Vì thế khi hốt xong bọn làm thuê thấy vắng tôi thì thắc mắc hỏi, Thủ Ty nói tôi thiếu tiền, phải qua trước mượn tiền, anh em gánh qua bên ấy sẽ trả đủ. Bọn họ sinh nghi dùng dằng mãi không chịu gánh. Nhưng vì thiếu tiền nên cuối cùng cũng phải gánh.
Nhận hài cốt ở cửa Chánh Tây tôi trả tiền đủ rồi thuê hai chiếc xe kéo: một chiếc chở cốt, một chiếc chở ông Cạnh và thằng Di. Xe đi thẳng lên tháp Kiết Ma gần chùa Chân Lâm. Tôi đặt cốt lên bàn, thắp hương ngồi giữ. Đến sáng ngày tôi thuê trùm Ngữ mua hai tàu sành cùng giấy, rượu, rửa sạch cốt bỏ vào tiểu. Trải qua chín năm mà hai di cốt vẫn còn nguyên vẹn: cốt của cụ Thái vàng rực, bỏ vào tiểu sành còn dư, phải lấy bớt giấy lót ra mới được. Còn cốt của cụ Trần kém hơn. Lúc lâm chung cụ Thái mặc áo lương, máu dính vào cốt, gỡ ra nghe sạt sạt. Cụ Trần bận áo vải dù, cũng dính sát vào cốt. Tôi thuê người đào huyệt và đắp nấm bốn đồng. Tưởng bí mật như rứa là yên, không ngờ chừng 11 ngày sau được tin lính Phủ Thừa lên gác chờ bắt những người còn tin tưởng các nhà cách mạng. Tin này ông Cảnh báo cho tôi. Tôi thừa lúc đêm khuya thuê bốn người hết một đồng đem chôn nơi khác, nhưng để đánh lạc hướng, chỉ chôn chung một ngôi mộ. Nơi đã dời đi, tôi cho đắp lại thành hai nấm tử tế, rào dậu kỹ càng, làm như không có ai động chạm đến. Thế là nơi ấy vẫn có hai năm mồ mà không có cốt người?
Đến năm 1956, tôi mới dựng bia, trong khắc hai hàng chữ Hán: “Trần Cao Quý Công " và "Thái Duy Quý Công" (1) cái bia ấy có thừa một chữ Duy vì họ cụ Thái không có chữ lót. Đến nay nấm mồ ấy vẫn còn. (2)
Vậy là nhờ có tâm huyết của bà Trương Thị Dương mà đến nay hài cốt của hai nhà yêu nước Trần Cao Vân và Thái Phiên vẫn còn đựơc giữ gìn nguyên vẹn để người sau được đến viếng tỏ lòng kính mến và tiếc thương vô hạn. Sách vở viết về bà hiện còn quá ít, nhưng với một người phụ nữ đã dám hy sinh có hạnh phúc riêng và trung thành đến cùng với một cuộc khởi nghĩa như thế, vẫn rất đáng tự hào cho giới phụ nữ và cho quê hương Quảng Trị.
V.H.L.