Nước ta nhiều kẻ tôi trung
Tấm lòng tiết nghĩa rạng cùng tuyết sương,
Hoàng Diệu với Nguyễn Tri Phương
Cùng thành còn mất làm gương để đời.
Ngay cả Phan Thanh Giản, người đã thay mặt triều đình ký Hòa ước 5 – 6 - 1862, "chịu nhượng hẳn cho Pháp 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ và Côn Đảo", tiếp sau đó, năm 1867 - giao cả thành Vĩnh Long, rồi An Giang, Hà Tiên cho Pháp và quay về với chén thuốc độc - cũng không hẳn chỉ nhận ở hậu thế sự phê phán...
Chính từ trong bối cảnh cụ thể của lịch sử, mà có nhiều nhân vật còn phải được tiếp tục suy ngẫm, trong đó có Nguyễn Văn Tường.
* * *
Tiểu sử Nguyễn Văn Tường thời nhỏ cũng có nhiều đặc biệt. Nguyễn Văn Tường, người xã An Cư, tỉnh Quảng Trị, cha làm thợ mộc, từng tham gia một cuộc nổi dậy ở địa phương. Vì tội của cha nên Tường không được đi thi. Đến đầu thời Tự Đức, được miễn xá, ông mới được thi và đậu hết các bậc. Chính Nguyễn Văn Tường đã viết: "Khởi đầu, tiếc thay! Bản án đã không cho tôi thi. Sau được ơn huệ cao cả của Hoàng đế, tôi đã dự thi và đậu số một" (1852).
Nguyễn Văn Tường bắt đầu sự nghiệp quan trường bằng cách tập sự trong các bộ, rồi nhận một vị trí trong Bộ Hình. Và sau khi làm việc nhiều năm ở các tỉnh, Tường được gọi về làm Biện lý trong Bộ Binh. Ông nổi lên về mặt chính trị kể từ khi làm Phủ Doãn Phủ Thừa Thiên vào năm 1864. Nhưng vì các cuộc đảo chính của Hồng Tập nổ ra vào những năm 1864 và 1866, trong khi ông đảm nhiệm địa hạt kinh đô nên ông bị giáng chức và bị sai đi làm lính ở Bắc Kỳ. Suốt bảy năm, ông sống trong doanh trại. Nhờ Trần Tiến Thành tiến cử, Tường được gọi về kinh năm 1873 và liền được đặt làm phó sứ cho phái đoàn phụ trách điều đình với chính phủ Pháp.
* * *
Nhiều tài liệu nhận định về Nguyễn Văn Tường là: "Đại thần nhà Nguyễn, một trong những người đứng đầu phe chủ chiến". Cho đến khi bị Pháp đày đọa, hoạt dộng của Nguyễn Văn Tường có nhiều điều đáng được chú ý. Chúng tôi xin thử đề cập đến một số mặt hoạt động đó.
1. Nguyễn Văn Tường đã tham gia vào việc ký Thỏa ước 1874 với Pháp và với tư cách Phó sứ. Điều có thể thấy là trong số hòa ước mà triều đình Huế đã ký với Pháp vào các năm 1862, 1863, 1864... thì Thỏa ước 1874 ít gây sự đau đớn và phẫn nộ trong lòng dân nhất.
..."Triều đình Huế thừa nhận chủ quyền của Pháp trên phần đất Việt Nam kể từ địa giới phía Nam tỉnh Bình Thuận trở vào Nam. Nước Pháp thừa nhận chủ quyền của vua nước Nam trên phần đất Việt Nam kể từ địa giới tỉnh Bình Thuận trở ra Bắc...".
Trước khi hòa ước được ký, thực dân Pháp đã làm chủ cả Nam Kỳ, đã chiếm Hà Nội, một số tỉnh khác ở Bắc Kỳ như Hải Dương, Nam Định, Ninh Bình. Với thỏa ước đã ký, Pháp đồng ý trả lại Hà Nội và các tỉnh chúng đã chiếm ở Bắc Kỳ.
Mặc dù ở vị thế Phó sứ, nhưng Nguyễn Văn Tường là nhân vật quan trọng trong thương thuyết để tiến tới việc ký thỏa ước. Về việc này Tsubôi (người Nhật), tác giả sách “Nước Đại Nam đối diện với Pháp và Trung Hoa” có nhận định: “Sự thành công của các cuộc thương thuyết tạo cho Tường một uy tín rất lớn trong triều đình".
Sau ký thỏa ước nói trên, Nguyễn Văn Tường được cử làm Thượng thư Bộ Binh rồi đặt Thượng thư Bộ Hộ kiêm Thương bạc đại thần.
2. Trong suốt cả thời kỳ làm quan dưới triều Tự Đức, Nguyễn Văn Tường đã đề xuất với nhà vua không ít các biện pháp về quốc phòng và ổn định về xã hội. Những tài liệu thuộc phạm vi này đều được nhóm tư liệu Hán - Nôm lịch sử cận đại Việt Nam tại thành phố Hồ Chí Minh sưu tập và đang dịch thuật, trong số này có nhiều tài liệu rất đáng được chú ý.
- Bản tấu ngày 22 – 3 - 1868 nói về âm mưu Pháp và đề nghị cải cách nội trị.
- Bản tấu về âm mưu xảo quyệt của các nước phương Tây và tình hình cụ thể ở Nam Kỳ (không ghi rõ ngày).
- Bản tấu ngày 10 – 8 - 1783, trình bày ý định chiếm đóng Nam Kỳ lâu dài của Pháp và đề nghị không cử sứ bộ đi Pháp.
- Bản tấu đề xuất cách giải quyết việc xung đột giữa dân lương và dân đạo ở Quảng Trị (không rõ ngày).
- Bản tấu đề nghị mở trường dạy học ở Nam Kỳ để kích thích sĩ dân (không rõ ngày)...
Từ sau khi ký Thỏa ước 1874, Tường vẫn là một nhân vật làm cho nhiều người Pháp thực dân không thích.
Trong một bức thư gửi cho Thống đốc Nam Kỳ, từ Huế ngày 30 – 1 1 - 1881, Rheinart viết: "Khi trở thành đứng đầu phe cứng rắn, chính Tường đã xúi giục Tự Đức coi thường Hiệp ước 1874".
Một bức thư khác của Champeaux, Đại biện tại Huế gửi Thống đốc Nam Kỳ ngày 6 – 2 - 1881, có viết:
"Quan Thương bạc (Nguyễn Văn Tường) vẫn còn là Thượng thư Bộ Hộ và Thứ trưởng Viện cơ mật. Với tư cách sau, ông vẫn còn có thể chống đối chúng ta. Muốn thoát nạn, ta còn phải đập ông tan tành cả ở phía ấy".
Trong thực tế, thực dân Pháp rất ghét Nguyễn Văn Tường và tìm mọi cách vô hiệu hóa nhân vật này.
3. Cùng với Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường đã xác định vị trí hoàng đế của Hàm Nghi - một nhà vua thật sự có tinh thần yêu nước (như về sau càng chứng tỏ). Ngày 2 – 8 - 1884, tại Điện Thái Hòa, đình thần Tôn Ưng Lịch (Hàm Nghi) lên ngôi vua.
Ngay hôm sau, Rheinart đại diện cho Pháp tại Huế kháng nghị: "Nước Nam có việc lập vua mới. Khâm sứ không được biết để dự lễ tân tôn. Yêu cầu triều đình nước Nam cho làm lại lễ đó với sự có mặt của đại diện nước Pháp".
Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cho rằng: "Bảo hộ không có nghĩa là can dự mọi việc của triều đình, của Hoàng Tộc" và viện cớ hoàng gia đang bối rối về tang vua cũ, miễn làm lại lễ tân tôn.
Rheinart không đồng ý, điện ra Hà Nội. Ngay sau đó tàu chiến Pháp chở quan năm Gérier, 600 lính Pháp cùng hai khẩu đại bác đến Huế, định hạn cho triều đình nước Nam trong 12 giờ tới phải làm lễ lên ngôi, trước sự có mặt của đại diện Pháp.
Tường bàn với Thuyết: "Họ không bắt ta phải chọn Hồng Hưu hoặc người khác làm vua là được. Còn việc làm lại lễ thì ta nên nhân nhượng cho qua".
Lễ đăng quang được làm lại. Trước kia, vua Hiệp Hòa cũng như vua Kiến Phúc, mỗi khi tiếp kiến đại diện nước Pháp đều từ ngai vàng đi xuống hoặc đứng lên đón đợi. Lần này, vua Hàm Nghi vẫn ngồi trên ngai để nghe diễn văn của Gérier công nhận. Rheinart khó chịu nhưng phải cố nén.
Trong việc xác định vị trí ngôi vua Hàm Nghi, có sự đóng góp của Nguyễn Văn Tường.
4. Căn cứ Tân Sở thực sự có giá trị chống Pháp về mặt thực tiễn như thế nào, đó là một vấn đề. Nhưng điều dễ thấy là căn cứ Tân Sở có thể được xem như là một biểu tượng của ý chí chống Pháp. Và không thể phủ nhận vai trò của Nguyễn Văn Tường trong việc tham gia xây dựng căn cứ Tân Sở.
Tác giả Phan Khoang viết: "Tân Sở - nơi Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lập nên để phòng việc thiên đô, tị nạn". Từ khi Tự Đức còn sống, đã có hàng nghìn dân phu đào hầm, đắp lũy. "Chính Nguyễn Văn Tường đốc công việc xây thành. Xem cách sắp đặt ở đây thì thấy hai ông Tường - Thuyết cũng biết ít nhiều binh pháp".
Với căn cứ Tân Sở, Nguyễn Văn Tường thực sự là người quyết chống Pháp.
* * *
Với tất cả những dữ kiện đã có, Nguyễn Văn Tường là con người thuộc vào số lực lượng có tinh thần chống Pháp, bảo vệ chủ quyền đất nước. Về mặt này, Nguyễn Văn Tường đáng có sự trân trọng.
Có một số vấn đề cần được tiếp tục làm sáng tỏ về Nguyễn Văn Tường, sau khi "Kinh thành thất thủ" phải chăng là đã mong muốn ở lại "lẻn vào nhà thờ Kim Long gặp giám mục Caspar" tìm cách đầu thú Pháp hay là vì đã phải "ở lại theo lệnh Tam cung" - như Đại nam thực lục đã ghi chép. Do tình thế bắt buộc, thấy rằng con đường phía trước đã mờ mịt hay là có những mưu đồ cá nhân mà Tường đã về lại Huế?
Trong vấn đề này, chúng tôi để nhận định - cần có thêm tư liệu. Vì xét toàn bộ quãng đời từ trước mà Nguyễn Văn Tường đã có chưa thể thật sự giải đáp lo-gic về “mưu đồ cá nhân" nhỏ bé của Nguyễn Văn Tường về sau.
Và Nguyễn Văn Tường đã nhanh chóng đón nhận bi kịch. Tôn Thất Thuyết đã cho người về Huế đốt nhà của Nguyễn Văn Tường trong kinh thành gần cửa Đông Ba ngày 24 – 7 - 1885. Sau hai tháng, không thấy Hàm Nghi về lại kinh đô, thực dân Pháp đã đày Nguyễn Văn Tường ra Côn Đảo, rồi Tahiti, để đến ngày 3 – 7 - 1886 chết vì bệnh ung thư cổ. Pháp cho đem thi hài ông an táng tại quê. Cho đến năm 1889, sau khi lên ngôi, Thành Thái còn cho lính quật mộ ông lên, dùng gậy sắt đánh vào quan tài để "trị tội".
Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết - cả hai đều là đối thủ rất phiền hà đối với thực dân Pháp và cả hai ông đều thất bại. Dẫu sao, với Tôn Thất Thuyết, trước sau là một nhân vật trọn vẹn chống Pháp đến cùng và không bị lịch sử nghi vấn. Nhưng để công bằng, sử học có trách nhiệm tiếp tục giải đáp đầy đủ và hoàn thiện hơn về một số điều còn nghi vấn với Nguyễn Văn Tường cũng như đang tiếp tục giải tỏa những băn khoăn của hậu thế đối với Phan Thanh Giản.
Đ.T.T - P.H.V