Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phương thức sử dụng công điền ở Câu Hoan

T

ừ lâu trong lịch sử, làng là một đơn vị kinh tế và văn hóa với diện mạo riêng rất đa dạng, phong phú. Mỗi làng có một khuôn lãnh thổ với số lượng đất đai và kết cấu các loại ruộng đất, cách quản lý, sử dụng cũng không giống nhau. Các làng xã ở Quảng Trị nói chung, làng Câu Hoan nói riêng, cho đến thế kỷ XIX, ruộng đất công còn tồn tại khá phổ biến (1). Cách quản lý, phân phối loại ruộng đất này phụ thuộc vào nhiều yếu tố và có ảnh hưởng đến đời sống kinh tế, sinh hoạt văn hóa của các tầng lớp dân cư, các tổ chức tập thể và cộng đồng làng xã… Theo bộ điền làm năm Gia Long thứ 15 (1816) làng Câu Hoan có 941 mẫu 6 sào 9 thước 9 tấc ruộng đất các loại thì công điền đã chiếm 620 mẫu 9 sào 4 thước. Đợt làm bộ điền năm Thành Thái thứ 7 (1895), tổng số ruộng đất các loại còn 933 mẫu 9 sào 8 tấc 6 phân, công điền vẫn chiếm 627 mẫu 1 thước 5 tấc (2). Trong tập tài liệu của làng còn lưu trữ được bản khoán ước làm ngày 25 tháng 6 năm Tự Đức thứ 9 (1956). Khoán ước có 25 điều khoản thì đã có 15 điều quy định việc cấp ruộng đất công chỉ cho các hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, trường học, công dụng điền, lương điền.v.v… 10 điều còn lại quy định về việc bảo vệ các công trình công cộng trong làng, các chức vụ và trách nhiệm của Hội đồng làng, quyền lợi và nghĩa vụ của dân Hạ bạn (bến bãi)… Theo văn bản này số ruộng đất công của làng trước khi chia cho các thành viên được giành chi cho các khoản với số lượng cụ thể là:

- Công dụng điền: 38 mẫu, 3 sào, 14 thước

- Tế tự (đình, chùa, lế tiết nông nghiệp): 28 mẫu 1 sào

- Học điền: 9 mẫu 5 sào

- Thủ bộ, lý trưởng: 2 mẫu

- Lương điền: Mỗi người lính 1 mẫu

Trừ ruộng cấp lương điền cho lính, ruộng phù sa cho các cụ già không có số liệu cụ thể, số ruộng trích lại đợt này là 77 mẫu 9 sào 14 thước. Đây không phải là con số cuối cùng và cố định. Chẳng hạn, để khuyến khích học trò giỏi, làng có Hội ước quy định thưởng tiền và ruộng cho những người đỗ đạt qua các kỳ thi số lượng từ 1 mẫu đến 3 sào được canh tác suốt đời (ngoài ra còn kèm theo tiền và lễ tạ gồm trâu, bò, lợn). (3)

Ruộng đất công của làng nhiều nên hễ có việc gì cần chi tiêu, câc vị chức sắc, trưởng lão, lý dịch đem cho thuê hoặc bán có khi hàng trăm mẫu. Đặc biệt, khoản “công dụng điền” thì ngày càng gia tăng. Làng có khoản công dụng điền để lý dịch chi tiêu, các giáp cũng được cấp công dụng điền rất nhiều gồm cả ruộng, vườn tranh, rừng cây. Các giáp còn trực tiếp quản lý các ruộng giành cho lễ tiết nông nghiệp: Hạ Ương, Na Lễ, Dương Lễ, Miếu Âm hồn… với số lượng khá lớn. Tập tài liệu của làng còn ghi được thể thức chia ruộng đất, rừng cây cho 4 giáp năm 1870 theo cách phân hạng định giá. Lần chia này, số lượng mỗi giáp tăng lên nhiều, không cỏn giữ ở mức như khoản ước năm 1856 (riêng ruộng, giáp ít nhất là 30 mẫu 5 sào, giáp nhiều nhất là 30 mẫu 9 sào với giá tiền từ 150 đến 155 quan). Trong một số văn bản giấy tờ còn ghi lại tư điền của làng được đặt làm ruộng biếu cho những người có công với làng. Người được nhận ruộng biếu có quyền sử dụng suốt đời, trong một số trường hợp được cấp làm tư điền luôn (ví dụ quy định thưởng ruộng cho những người đóng góp với làng xã số tiền lớn trong các dịp làng quyên) (4). Khó mà biết được chính xác con số các loại ruộng làng trích ra vì nó gồm nhiều loại và cũng biến đổi theo năm tháng, có việc thường chi theo lệ và có việc bất thường chi. Chẳng hạn, để bù vào số tiền thuế ruộng của xã thiếu hụt năm 1863 và 1864 gồm hơn 600 quan, lý trưởng đã trình với Hội đồng xã xin “phát mãi” gấp 37 mẫu 4 sào ruộng và 4 phần ruộng xứ phù sa, 4 phần đất biền tranh, cộng được 961 quan tiền thanh toán vào khoản thuế thiếu của hai năm trên (5).

Số ruộng đất trích chi các khoản quá nhiều và sử dụng cũng đa dạng. Dưới đây, chúng tôi xin trích giới thiệu một đoạn trong bản báo cáo của Hương lão, Lý dịch trong xã với đạo Quảng Trị năm 1867, để thấy cụ thể hơn tình trạng sử dụng, phân bố các loại ruộng đất của làng khi ấy. “…Nay xem địa bộ còn ghi thực trưng công, tư điền thổ và ruộng tam bảo công 940 mẫu hơn. Trong số ấy đã trừ mở rộng sông Vĩnh Định và bán cho thôn Thuận Nhơn cộng hơn 44 mẫu. Đất đai, dân cư là 104 mẫu, ruộng bù tô 209 mẫu. Năm Tự Đức thứ 18 lại trích làm ruộng xã thương 60 mẫu. Hợp cộng đất, ruộng 423 mẫu, 517 mẫu ruộng đất còn lại xã chúng tôi thiết lập xơ chí đình làng nhà thờ, miếu võ, tự điền cùng ruộng lương điền, công dụng điền cho các chức sắc và lính tráng là 290 mẫu. Chỉ còn hơn 227 mẫu phân cấp cho các hạng dân xã  để độ dụng hàng ngày và chịu nộp thuế (6). Nếu đem so sánh với số lượng công điền ghi trong bộ điền thì năm 1816 thì ruộng còn lại để quân cấp cho các hạng dân trong xã chỉ chiếm một tỷ lệ khiêm nhường - hơn 30%. Trừ các loại cấp cho cá nhân và hai chùa còn hầu hết số ruộng trích lại đều được phân hạng, định giá tiền cho thuê để chi tiêu như lệnh cấp. Trong đó nhiều loại trở thành đặc ân cho một số người thuộc đẳng cấp trên. Một bản bổ sung Hương ước ghi: “Năm trước nguyên có trích ra số ruộng đã đo đạc phân hạng, định giá chiếm theo phẩm hàm cao thấp nhận mua để hàng năm lấy tiền mua lễ vật cúng tế và chi tiêu việc làng” (7). Nhiều tư liệu khác cũng phản ánh tinh thần này.

Tình trạng cho thuê ruộng đất công ở làng diễn ra khá phổ biến nhất là vào thế kỷ XIX, nửa đầu XX. Người ở các làng khác cũng được đến đây thuê ruộng, thậm chí mua hẳn để cày cấy hoặc phát canh thu tô. Ví dụ, vào năm 1846 làng cho thuê 93 mẫu 1 sào ruộng, trong số này, các chủ người ngoài làng nhận thuê 54 mẫu 4 sào (8). Đây là nét khác biệt với nhiều làng xã khác, nhất là ở đồng bằng Bắc Bộ.

Theo lệ làng, ruộng đất công sau khi đã trích chi các khoản trên còn lại đem chia đều cho các giáp để rồi từng giáp mới phân chia đến các thành viên của mình. Ở đây giáp là đơn vị cơ sở của làng. Câu Hoan ngày trước chia quan viên, chức sắc và dân đinh thành bốn giáp gọi theo tên 4 xóm. Các giáp trưởng, quan thủ chi của giáp nằm trong bộ máy điều hành công việc làng xã. Khi nhận khẩu phần ruộng công, dân trong mỗi giáp cũng được phân hạng theo “phép nước lệ làng”. Câu Hoan có tiếng là làng nhiều ruộng đất, nhưng thực tế khẩu phần công điền từ đầu thế ký trước chưa bao giờ vượt quá 5 sào. Chẳng hạn, theo bản báo cáo của hương lão, lý dịch xã năm 1867 (1867), trong số 227 mẫu ruộng đất công còn lại được chia cho 530 người thuộc các hạng sau: Chức sắc: 45 vị; Biền binh các loại: 55 người; Dân chính nạp:76 người; Hạng viên tử: 8 người; Các hạng lão nhiêu, lão hạng và cô nhi, quả phụ có: 346 người.

Làng Câu Hoan không thiếu ruộng đất, phần hoang nhàn còn nhiều hàng năm vẫn tiếp tục được khai khẩn, nhưng vào những năm nửa sau thế kỷ XIX, tư liệu ở làng cho biết nhiều năm đói kém, dân làng bỏ quê phiêu tán khá đông, kinh tế tiểu nông sa sút. Có những năm làng thiếu thuế ruộng với số lượng lớn do người được cấp ruộng đã phiêu dạt, xã phải bán hàng loạt ruộng để bù thuế. Thế là ruộng đất lại tập trung vào tay địa chủ, nhà giàu ở địa phương và các xã lân cận. Biện pháp quyên góp cứu đói và quỹ xã thương của làng cũng không  giải quyết được. Đó chính là tình trạng khá phổ biến của nông thôn  nhiều vùng trong cả nước bấy giờ. Như vậy, về kinh tế, ruộng công và chế độ phân cấp đã ràng buộc người nông dân vào làng xã. Khi mất mùa đói kém, họ có thể đi nơi khác, nhưng trước sau vẫn trở về làng cũ vì họ còn khẩu phần công điền ở đấy với bao nghĩa vụ…

Nhìn chung lại vấn đề sở hữu, tình hình phân bố sử dụng ruộng đất ở làng Câu Hoan thời phong kiến rất phức tạp. Làng xã thực sự là đơn vị sở hữu và điều tiết, phân phối nguồn tài sản lớn nhất của cộng đồng trên cơ sở: “Phép nước lệ làng”. Hương ước và các bản bổ sung, các hội ước… của làng đều thường xuyên có những sửa đổi quy định mới về việc bảo vệ, phân phối, sử dụng các loại ruộng đất thuộc quyền quản lý của làng. Đó là nguyên nhân quan trọng làm cho bộ phận ruộng đất công ở đây dược duy trì số lượng lớn và ngày càng gia tăng do thường xuyên có diện tích mới được khai thác đưa vào sử dụng. Ruộng đất công còn nhiều nhưng với cách phân phối, sử dụng như trên đã không mang lại những hiệu quả thiết thực, kinh tế tiểu nông và đời sống nông dân vẫn sa sút. Chế độ quân cấp và các loại ruộng làng, ruộng giáp, ruộng họ… làm cho các mối quan hệ cộng đồng thêm phức tạp, chồng chéo nhau và góp phần níu kéo người nông dân…

B.T.T

 

 

 

___________

(1) Năm 1852 theo lời tâu của “Thượng thư bộ hộ Hà Duy Phiên với vua Tự Đức thì trong cả nước lúc đó duy chỉ có hai tỉnh Thừa Thiên, Quảng Trị ruộng công nhiều hơn ruộng tư.

(2) Bộ điền làm năm Gia Long lập ngày 15 và năm Thành Thái thứ 7- bản chữ Hán- lưu tại địa phương.

(3) Bản hội ước xã Câu Hoan lập ngày 01 tháng 9 năm Tự Đức thứ 12 (1859)- nguyên bản chữ Hán.

(4) Bản bổ sung Hương ước làm năm 1865 - (Tự Đức XVIII).

(5) Tờ trình bán ruộng đất do Lý trưởng Đặng Hữu Thanh làm ngày 01 tháng 10 năm 1870.

(6) Theo báo cáo của hương lão, lý dịch xã Câu Hoan trình các quan doanh điền sứ đạo Quảng Trị làm ngày 04 tháng 8 năm Tự Đức thứ XX (1867).

(7) Biên bản bổ sung Hương ước làm ngày 25 tháng giêng năm Tự Đức thứ 24 (1871).

(8) Bản báo cáo của hương mục, giáp trưởng năm Thiệu Trị thứ 6 (1846) và biên bản họp của viên quan, trưởng lão xã Câu Hoan ngày 07.2.1852 và ngày 21 tháng giêng năm 1872.

 

Bùi Thị Tâm
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 11 tháng 08/1995

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

2 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

5 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground