Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 05/02/2025 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Quảng Trị những năm đầu kháng chiến

... Sau ký tạm ước 14/9, Bác Hồ về nước, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược khó tránh được, cả nước phải bắt tay vào việc chuẩn bị. Hội nghị quân sự toàn quốc, rồi kỳ họp thứ hai của Quốc hội khóa I, đã biểu thị quyết tâm kháng chiến của nhân dân ta. Tôi đi họp Quốc hội, vừa đến Hà Nội thì được triệu tập đi nghe phổ biến chỉ thị của Trung ương về tình hình và nhiệm vụ cấp bách. Sau hội nghị, một số đại biểu các tỉnh phải xin phép vắng mặt kỳ họp Quốc hội để trở về ngay địa phương, kịp phổ biến chỉ thị của Trung ương và Bác Hồ về tình hình, nhiệm vụ và bắt tay vào việc chuẩn bị đối phó tình hình. Tôi và một số đồng chí các tỉnh Trung bộ được Trung ương bố trí xe đi tốc hành trở về địa phương. Dọc đường chúng tôi ghé qua Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình ở đâu cũng thể hiện không khí khẩn trương. Xế chiều, tôi đến Quảng Trị. Sau khi tiễn các đồng chí khác vào Huế và tiếp tục vào Nam, tôi họp ngay Thường vụ Tỉnh ủy để bàn việc triệu tập Hội nghị Tỉnh ở rộng vào các đêm sau và phân công các đồng chí trong Thường vụ chuẩn bị nội dung hội nghị. Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng vừa khai mạc thì đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Bí thư Xứ ủy họp hội nghị quân sự trở về, tranh thủ phổ biến nghị quyết hội nghị quân sự và các chỉ thị của Trung ương, của Bác Hồ. Đồng chí nêu lên các nhiệm vụ của tỉnh và dặn dò công việc. Hội nghị Tỉnh ủy mở rộng họp trong hai đêm, một ngày. Các mặt công tác nêu ra được bàn luận nhất trí và quyết tâm thực hiện đạt kết quả tốt, hy sinh cao cả, vừa thể hiện sự đồng tâm nhất trí của nhân dân vì nghĩa lớn.

Sau hội nghị, toàn tỉnh đã dấy lên phong trào "hy sinh tất cả để kháng chiến thắng lợi". Thời gian không dài, chỉ trong vòng non hai tháng (từ tháng 11 đến cuối tháng 12) mà nhân dân đã làm biết bao công việc, vừa thể hiện sức mạnh to lớn, sự hy sinh cao cả, vừa thể hiện sự đồng tâm nhất trí của nhân dân vì nghĩa lớn.

Lực lượng dân quân tự vệ được huy động để xây kè ngăn sông, đắp ụ chiến đấu, đường xe lửa bị bóc ray, hầu hết các đường quốc lộ và tỉnh lộ đều bị phá, băm nát. Các cầu lớn nhỏ đều lần lượt phá hoại để cản bước tiến của địch. Các sông đều có đập ngăn hoặc bỏ chướng ngại vật để tàu thuyền không đi lại được. Đập chặn sông Thạch Hãn gần cửa Việt Lào dài hàng trăm mét, hàng vạn nhân dân được huy động để thực hiện kế hoạch "tiêu thể kháng chiến". Hàng trăm biệt thự, nhà kiên cố ở thị xã Quảng Trị, Đông Hà, ở Cửa Tùng, ở các đồn điền dọc đường 9, các nhà ga xe lửa... đều bị phá trụi. Trường học, bệnh xá, xí nghiệp di chuyển về nông thôn. Việc sơ tán nhân dân các thị xã cũng được đặt ta từ đầu do một ban phụ trách với phương châm vận động bà con trở về quê sinh sống. Do dân số thị xã không đông nên hầu hết bà con tự lo liệu được.

Bên cạnh đó những cảnh lao động quên mình của các anh chị dân quân, thanh niên đang ngày đêm chăn sông đắp ụ sẵn sàng tiêu diệt bọn xâm lược. Cả tỉnh sống trong những ngày hào hùng, với khí thế quyết chiến. Hòa nhịp với phong trào chuẩn bị kháng chiến toàn dân, các cơ quan lãnh đạo Đảng và Chính quyền các cấp đang gấp rút sắp xếp lại lực lượng chỉ giữ lại một bộ phận thường trực kiêm nhiệm, còn phần đông chuyển xuống cấp dưới và cơ sở; lựa chọn một số cán bộ nòng cốt tăng cường cho bộ đội, công an. Các kế hoạch phòng trừ gian, tổ chức liên lạc, di chuyển xưởng sản xuất vũ khí, dự trữ lương thực... đều được phân công phụ trách. Nhưng do chưa có kinh nghiệm, chưa hình dung nổi các mặt công tác nên phong trào thì rầm rộ, khối lượng công việc thực hiện được khá lớn, nhiều công việc có tác dụng tốt, nhưng cũng có một số việc đạt hiệu quả ít. Nhưng không khí tích cực của các cấp đã nung nấu tinh thần kháng chiến của nhân dân Quảng Trị, tạo đà thuận lợi cho cuộc kháng chiến ở tỉnh nhà.

...Ngày 19/2, kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Cuộc chiến đấu ở đường 9 bắt đầu và ngày càng ác liệt. Địch cố tập trung lực lượng đánh thọc về Đông Hà ddeer vào Huế giải vây cho quân đội Pháp bị bao vây tại đấy. Quân ta chặn đánh từng bước, gây cho địch nhiều thiệt hại, nhất là trận Rào Quán. Cuộc chiến đấu của quân và dân ta ở đường 9 đã thực hiện vượt yêu cầu đề ra, đã phá vỡ kế hach của địch đưa lực lượng từ Lao Bảo về giải vây Huế và tiến ra thị xã Quảng Trị. Khi mặt trận Huế bắt đầu thì Quảng Trị một mặt phải lo chiến đấu ở đường 9, mặt khác phải tích cực chi veienj cho mặt trận Huế như tăng cường lực lượng chiến đấu, chi viện vật chất. Quảng Trị sau chiến đấu đã được thu gom của quân đội Nhật một số vũ khí, đạn dược, quân lương nhờ đó có một số ít vũ khí được chuyển cho mặt trận Huế lúc bắt đầu kháng chiến (khẩu đại bác 75 bắn thường xuyên lúc ta bao vây quân Pháp pử Huế là từ Quảng Trị chuyển vào).

Trong ba tháng đầu kháng chiến ở Trị thiên, địch bị bao vây ở Huế và cầm chân ở đường 9. Nhân dân Quảng Trị sống trong không khí sục sôi chờ đợi chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu, nên việc địch tràn vào thị xã Quảng Trị và chiếm được thị xã Đông Hà, đã không gây nên sự hoang mang, hoảng loạn đáng kể trong nhân dân.

Ngày 16/2/1947, địch từ phía Nam tiến được vào thị xã. Trên đường từ Mỹ Chánh tiến ra thị xã Quảng Trị, quân địch đã bị bộ đội và du kích chặn đánh. Nhiều nơi gây cho chúng thiệt hại đáng kể. Trung đoàn đã bố trí đánh địch ở thị xã, trong đó có trận đánh bom ở tòa sứ hòng tiêu diệt một phần sinh lực địch nhưng không thành công. Địch từ Huế tiến ra thị xã phải chịu nhiều tổn thất nhưng không nặng lắm.

Lúc chiếm thị xã Quảng Trị, bọn địch một mặt ra sức chấn chỉnh lực lượng, chuẩn bị cùng đánh quân Đông Hà tiến ra Do linh - Vĩnh Linh. Một mặt chúng thường xuyên bắn phá và cho quân đến chiếm đóng các đường quốc lộ và tỉnh lộ, đặc biệt là đường Cửa Việt. Lấn chiếm đến đâu, chúng ra sức bắt mối với bọn Việt gian lập tề, cướp bóc phá hoại mùa màng. Tình hình vùng đồng bằng lúc này khá căng thẳng.

Địch thì hung hăng khủng bố, bọn Việt gian ngóc đầu dậy về hòa với đich hăm dọa quần chúng. Một số cầu an đầu hàng đầu thú, gieo rắc hoang mang trong quần chúng. Cuộc sống nhân dân không ổn định nên họ lo ngại cho tài sản và tính mạng mình. Dân quân, bộ đội lúc đầu hoạt động còn kém hiệu quả càng làm cho quần chúng thiếu tin tưởng. Các đồng chí ở Triệu Phong chỉ đạo sắc bén và quyết tâm cao nên đã kịp thời ngăn chặn sự sút kém của phong trào, đến lúc có nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy phong trào đã được phục hồi.

Đến giữa tháng 4, ở Triệu hải, nhất là Triệu Phong, khí thế của phong trào đã lên cao, dần dần hình thành thế trận giữa ta và địch. Vùng đồng bằng sâu và ven biển ta làm chủ, vùng ven quốc lộ ven thị xã, ngày của địch đêm của ta. Huyện ủy Triệu Phong đã kịp thời nắm bắt tình hình này, bố trí lực lượng chủ lực, dân quân, công an thích hợp, đảm bảo an toàn cho dân, sắp xếp việc đóng cơ quan... tạo ra căn cứ chợ Cạn. Chợ Cạn trở thành căn cứ kháng chiến vùng đồng bằng Quảng Trị, dần dần phát triển vào Hải Lăng, về sau liên hoàn vào cả Phong Quảng. Triệu Hỉa trở thành căn cứ đồng bằng của Quảng Trị và của trận Bình Trị Thiên. Về sau các huyện Do Linh, Vĩnh Linh, Cam Lộ tuy không có các khu vực rộng lớn nhưng cũng có các căn cứ lõm ở đồng bằng như vậy. Từ đó hình thành thế cài răng lược, cuộc đấu tranh dành đất, dành dân, lập tề, phá tề, bảo vệ mùa, phá mùa... diễn ra thường xuyên giữa ta và địch. Đó cũng là nội dung của chiến tranh "càn và chống càn, phá càn" ở chiến trưởng Quảng Trị suốt các năm chống Pháp. Địch ra sức càn quét để tiêu diệt lực lượng ta, lấn chiếm vùng ta kiểm soát, ta thường xuyên chống càn để bảo vệ dân, giữ vùng tự do.

...Cuối tháng 4 và đầu tháng 5 các cơ quan lãnh đạo của tỉnh lần lượt về chiến khu theo địa điểm đã quy định. Và cuối tháng 5/1947, triệu tập Hội nghị Tỉnh ủy ở Khe Su, các đồng chí về dự họp đông đủ. Đây là cuộc họp Tỉnh ủy đầu tiên trong kháng chiến. Sau một buổi nghiên cứu, từng đồng chí báo cáo các mặt công tác và tình hình địa phương. Hội nghị đã bàn nhiều vấn đề quan trọng như tăng cường cho trung đoàn, cho dân quân, lập chiến khu, tổ chức tiếp vận từ các tỉnh về, và từ đồng bằng lên chiến khu. Đặc biệt bàn nhiều vấn đề công tác diệt tề trừ gian, xây dựng cơ sở, cũng cố các cơ quan lãnh đạo của tỉnh. Hội nghị cũng bàn nhiều về tăng gia sản xuất và một số công tác giáo dục, văn hóa.

...Mùa hè 1947, cuộc chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt. Phía ta chịu một sự tổn thất về lực lượng quân sự, về cán bộ, đất đai cũng bị lấn chiếm một số nơi. Nhưng thế trận về cơ bản chưa có gì thay đổi. Vùng đồng bằng, chiến khu chợ Cạn, nhiều vùng căn cứ nhỏ ở các huyện phía Nam vẫn được duy trì, mặc dù phải thường quyên chống càn, bị bắn phá. Vùng chiến khu phía Tây của tỉnh và các huyện đã hình thành liên hoàn từ Bắc tới Nam. Trên phạm vi toàn tỉnh thế trận chiến tranh cũng hình thành rõ nét hơn.

Cuối tháng 9/1947, địch có trận càn lớn lên Hòn Linh và vùng Trấm Bóng, có gây cho ta một số thiệt hại. Sau trận càn này, từ tháng 9/1947, chúng tôi bắt tay vào chuẩn bị  đại hội lần 2 của tỉnh. Và tháng 10/1947, sau khi đã ổn định tình hình, chúng tôi bắt tay tiến hành đại hội từ cơ sở. Đến tháng 12/1947, đại biểu đại hội lần thứ hai của tỉnh khai mạc. Đại hội họp trong 5 ngày với gần một tram đại biểu, đồng chí Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên TW Đảng, tay mặt Liên khu ủy tham dự và chỉ đạo hội nghị. Hội nghị đánh giá cao có tính tổng kết toàn diện tình hình của tỉnh nhà qua một năm kháng chiến. Hội nghị khẳng định qua một năm đối địch với kẻ thù, quân và dân Quảng Trị đã tỏ ra vững vàng hơn, cán bộ trưởng thành dày dạn hơn, nội bộ đoàn kết... Hội nghị cũng nghiêm khắc phê phán các thiếu sót và sai lầm trong lãnh đạo và chỉ đạo của Đảng bộ, nhất là trong công tác trừ gian, lại chủ quan và lơ là cảnh giác nên không kịp thời ngăn chặn chống phá một số âm mưu của địch... Hội nghị nhất trí tán thành các phương hướng và nhiệm vụ công tác do báo cáo của Tỉnh ủy nêu ra, và ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Chí Thanh. Đại hội bầu Ban chấp hành Tỉnh ủy nhiệm kỳ mới về tổ chức tuy đang hoàn cảnh chiến tranh, nhưng đại hội đã được tổ chức chu đáo, có hội trường khang trang rộng rãi, có văn công, văn nghệ. Không khí đại hội sôi nổi vui vẻ và đoàn kết. Bản thân việc tổ chức được đại hội lớn trong chiến tranh ở khu vực với quy mô và hình thức như vậy đã là một động viên lớn cho đại biểu và đảng bộ. Nội dung đại hội cũng khá phong phú, có tính tổng kết những năm đầu chiến tranh, nên mọi người đều phấn khởi về kết quả đã đạt được và tin tưởng ở tương lai. Lúc bấy giờ chưa có nhận định nhưng sau này nhìn lại thì đại hội đúng là kết thúc một thời kỳ kháng chiến trong tỉnh ta, mở ra thời kỳ mới - thời kỳ cầm cự.

Thế là tròn một năm nhân dân ta tiến hành cuộc kháng chiến, từ mò mẫm ban đầu, trải qua bao gấp gáp, có nhiều thiếu sót nhưng với ý chí sắt đá, với lòng quyết tâm, dựa vào dân, phát huy sức mạnh sáng tạo của nhân dân. Quân và dân Quảng Trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ đã bắt đầu viết lên trang sử mới đầy hào hùng, góp phần đáng kể vào sự nghiệp vĩ đại của dân tộc.

Đúng như anh Vĩnh Mai, một chiến sĩ Cách mạng của Quảng Trị, một nhà thơ, một ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, lúc bấy giờ đã viết trong bài thơ về quê hương Quảng Trị sau một năm kháng chiến và đăng trên báo "Tiếng vang" số xuân 1948:

Tiếng súng liêm cửu dậy bốn phương

Quân, dân hò hét rộn sa trường

Một năm chứng tỏ gan kiên khổ

Muôn thuở nêu cao chí quật cường

Trai đã xứng danh trai Quốc Toản,

Gái càng đúng mực gái Trưng Vương

Tiến lên theo bóng cờ pha máu

Lịch sử từ nay đã sang trang.

                                                                                       Đ.T

Đặng Thí
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 41 tháng 02/1998

Mới nhất

Thành phố Đông Hà sôi nổi giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng xuân Ất Tỵ 2025

8 Giờ trước

TCCVO - Sáng 5/2/2025, thành phố Đông Hà tổ chức giải cờ tướng, đẩy gậy và các trò chơi dân gian mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025. Giải đấu thu hút gần 150 vận động viên (VĐV) nam, nữ đến từ 9 phường trên địa bàn thành phố.

Chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025

12 Giờ trước

TCCVO - Tối ngày 28/01/2025 (29 tháng Chạp), tại Quảng trường Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh tỉnh Quảng Trị, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt mừng Đảng, mừng Xuân Ất Tỵ 2025 với chủ đề “Khát vọng vươn mình”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam cùng đông đảo người dân địa phương đến dự.

Thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy Quảng Trị

04/02/2025 lúc 08:35

Sáng ngày 3/2, Tỉnh ủy Quảng Trị tổ chức hội nghị công bố quyết định thành lập Ban Tuyên giáo và Dân vận Tỉnh ủy.

Ngày xuân về Gio Mỹ xem lễ hội cướp cù

02/02/2025 lúc 09:50

TCCVO - Ngày 1/2/2025 (mồng 4 Tết), tại làng An Mỹ, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh (Quảng Trị) đã diễn ra lễ

Ban Chính sách với sứ mệnh kết nối thiêng liêng (Kỳ 2)

01/02/2025 lúc 11:01

Ban Chính sách, Phòng Chính Trị, Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh Quảng Trị được giao nhiều nhiệm vụ quan trọng, không chỉ hỗ trợ tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ mà còn thực hiện các chế độ chính sách đối với người có công với cách mạng...

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

06/02

25° - 27°

Mưa

07/02

24° - 26°

Mưa

08/02

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground