L.T S. Thầy Nguyễn Đức Đôn quê Nghi Lộc - Nghệ An, đỗ cử nhân Hán học năm 1909. Trước khi vào trường Quốc Học Huế dạy học đã có những năm làm huyện đạo huyện Cam Lộ tỉnh Quảng Trị. Trở vào quê dạy học, học trò yêu mến thầy bởi tính đức độ, rộng rải, dễ gần. Thầy đồng thời là em ruột nhà chí sĩ cách mạng nỗi danh phong trào Đông Du là ông Nguyễn Đức Công. Nhân kỷ niệm 100 năm Quốc Học Huế, tạp chí Cửa Việt xin đựoc giới thiệu bài viết của tác giả Lương An về thầy Nguyễn Đức Đôn.
Tôi vào học trường Quốc Học bắt đầu từ niên khóa 1933-1934 và thôi học cuối niên khóa 1936-1937. Bốn năm, lớp A chúng tôi đã được học với gần như tất cả các thầy đang dạy tại trường lúc bấy giờ và gần như thầy nào cũng để lại trong tâm trí chúng tôi ít nhiều kỷ niệm sâu sắc, khiến bây giờ mỗi lần nhớ lại còn thấy biết ơn vô vàn. Gần đây, khi biết trường sắp tổ chức lễ kỷ niệm lần thứ 100 ngày thành lập, do tuổi tác bức xúc, hơn lúc nào hết, tôi cảm thấy phải viết về một trong những vị thầy ấy của mình, như một món nợ lần lửa mãi phải trả. Vị thầy ấy, suốt bốn năm tôi học, lúc nào cũng bận áo đen dài, bịt khăn đóng, chân đi dày hạ, đầu đội nón lông hay che dù đen, có khi không đi xe kéo mà cỡi ngựa đến trường. Thầy dạy môn học ít quan trọng nhất trong chương trình học lúc ấy: chữ Hán
Vị thầy ấy là thầy Nguyễn Đức Đôn.
Thời gian đầu, qua giọng nói, chúng tôi chỉ biết thầy là người Nghi Lộc, Nghệ An, đỗ cử nhân Hán học, trước khi về trường đã từng làm huấn đạo huyện Cam Lộ, mãi về sau mới hay thầy là em ruột của chí sĩ cách mạng nổi danh Nguyễn Đức Công, bí danh Hoàng Trọng Mậu. Dạo đó, thầy đã trên dưới ngũ tuần, tính tình điềm đạm, hiền lành (l). Có lẽ vì biết môn dạy của mình chỉ là môn phụ, ít hấp dẫn, học sinh thường xem buổi học như một tiết “xả hơi” nữa, nên thầy không mấy khi có thái độ nghiêm khắc, căng thẳng như mấy thầy dạy các môn chính. Không giống các ông đồ Nghệ khác, tính tình rộng rãi, dễ gần, không tự ái, có lúc phục thiện đến không ngờ. Tôi còn nhớ cuối niên khóa 1936-1937, trường chuyển thành trường trung học và đổi tên thành “Lycée Khải Định”, cổng trước được xây lại theo kiểu kiến trúc Nhật Bổn, hai cột đắp nổi câu đối của thầy:
Vạn lý xa như lai hổn thất
Bách niên sơn thuỷ kiến cao thanh
(tạm dịch là: Muôn dặm xa thư về một mối
Trăm năm sông núi lại cao xanh)
Tôi về QuảngTrị nghỉ hè, đọc cho ông thân tôi nghe, ông khen hay nhưng lại bảo câu đối này, vế trước thừa chữ “lai”, vế sau thừa chữ “kiến”. Hết hè, trở lại trường, tôi có trình bày với thầy. Tưởng thầy sẽ khó chịu, không ngờ thầy ôn tồn bảo: “Ông cụ nói cũng có lý, nhưng đắp chữ mất rồi, thôi thế cũng chẳng sao, văn Vương Bột mà cũng “Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc” nữa là.
Hai năm học đầu trôi qua. Giữa năm 1936, tình hình chính trị trong nước bắt đầu có những chuyển biến quan trọng. Anh em lớp đệ tam chúng tôi làm tờ báo tay, trao đổi cho nhau về ý kiến học đường cũng như về quân sự. Từ đó, cách dạy của thầy cũng khác trước. Buổi học thực sự rút lại chỉ còn nửa tiếng, thì giờ còn lại thầy đem kể về cuộc đời và đọc thơ văn của các chí sĩ cách mạng trong phong trào Đông Du và Việt Nam Quang Phục cho chúng tôi nghe, học trò ai muốn ghi thì ghi. Hình như để đốc giáo và tổng giám thị người Pháp khỏi chú ý, thỉnh thoảng thầy cho xen vào những giai thoại văn học cổ của Việt
Nhưng đáng nhớ nhất đối với một số anh em chúng tôi-thời ấy là việc thầy đọc cho chép bài Văn tế chí sĩ Hoàng Trọng Mậu. Trước lúc chép, thầy cho biết Hoàng Trọng Mậu, tên thật là Nguyễn Đức Công, anh ruột thầy và giới thiệu có hai câu đối chữ Hán của nhà chí sĩ đọc lên khi bị giam tại Hỏa Lò và lúc ra thọ hình tại pháp trường Bạch Mai, Hà Nội, năm 1916. Vì bản chép có một số chữ ghi chưa chính xác, tôi đã lên nhà thầy phía trên cầu Lòn để hỏi lại. Nhận thấy trong bài có những chữ “Nhớ anh xưa”, “Xót vì máu mủ”, “tình cốt nhục”, tôi hỏi: “Vậy thì tác giả bài văn tế này phải chăng là chính thầy?”, thầy chỉ cười cười và đáp lơ lửng: “Tùy anh tự hiểu”. Tôi ra về, tự nhủ “Lâu nay đọc bài của ai, thấy đều nói rõ tên tác giả riêng bài này thì không, nay hỏi thì thầy bảo mình tự hiểu lấy, vậy chắc là của thầy viết nhưng ngại mật thám Tây làm khó dễ nên thầy không tiện nói thẳng ra mà thôi”. Tôi kể chuyện lại với mấy anh em cùng chép (2), họ cũng đồng tình như thế.
Bài văn tế này qủa là một bài văn yêu nước, nội dung không chỉ là khóc anh mà
còn kích động lòng căm thù đối với giặc nước. Tôi xin giới thiệu lại đây một vài đoạn dẫn chứng:
Ngục Hà Nội già gông tức tưởi, lừng lẫy án “ Việt cảnh quan thông, đồ mưu bạn nghịch”, song rung núi chuyển, Nhạc tướng quân ba chữ kỳ oan;
Trường Bạch Mai kèn trống xôn xao, ngậm ngùi câu “ Xuất sư vị tiệp, ái quốc hà cô”, quỷ khóc thần gào, Văn thừa tướng đôi hang tuyệt bút.
Ôi thương ôi ! Khói độc mù mù, lửa oan phụt phụt
Đá núi Tản muôn tầng chất ngất, hồn vĩ nhân muôn kiếp chưa tan;
Nước sông Coi (3) nghìn khoảnh mênh mông, máu liệt sĩ nghìn thu khó gột.
Khí ấy hẳn quẩn quanh trong tạo hóa, ắt cũng nhờ đời Việt còn cao, đất
còn rộng, cơ chuyển vần sẽ có xuôi nên;
Thù này xin ghi tạc với non sông, dù đến khi sông Lam hết nước, Ngàn Hống hết cây, lòng báo phục hãy còn sắng sốt.
Vì quyển sổ ghi chép mất trong kháng chiến, lúc quân Pháp đốt trụi nhà cửa, năm 1959, tập kết ra Hà Nội, tôi đã nhẩm lại trong trí nhớ và chép gửi đồng chí Trần Huy Liệu, góp thêm tài liệu cho mục phong trào cách mạng qua thơ văn của đồng chí. Tôi rất mừng là toàn bài đã được công bố trên tập san nghiên cứu lịch sử số 4 tháng 6 năm ấy, nhưng lại tiếc là về tác giả Nguyễn Đức Đôn thì đồng chí cho là chưa chắc đúng như tôi đã ghi. Đến năm 1972, tập sách thơ văn yêu nước và cách mạng đầu thế kỷ 20 của Nhà xuất bản Văn học lại giới thiệu bài này với câu ghi chú bên dưới “có người cho là của ông Nguyễn Đức Đôn, em ruột Nguyễn Đức Công (Hoàng Trọng Mậu) làm để tế anh”. Dẫu sao, như vậy cũng là đã một bước nhích gần đến sự thật. Đã 24 năm rồi, điều này vẫn không có ai phản bác cả (mà phản bác sao được?). Bởi vậy, nhân dịp lễ kỷ kiệm
của trường mà thầy đã từng dạy nhiều năm, tôi xin trình bày rõ ra để mong đi đến một kết luận dứt khoát: chính thầy Nguyễn Đức Đôn là tác gỉa bài văn tế chí sĩ Hoàng Trọng Mậu. Tôi nghĩ tuy thầy không đi làm cách mạng, nhưng không phải vì thế mà thầy không thể viết được bài văn tế này. Đã đến lúc chúng ta phải “trả cho César những cái gì của César”. Trừ khi là sai lầm được chứng thực, còn không là lẽ công bằng tôi thiểu.
Ở đây tôi cũng xin nói rõ thêm là thầy Đôn rất giỏi về văn tế. Cuối niên khóa 1935-1936, nhân lúc một số kha khá học sinh bị trường đuổi vì học lười, thầy đã có bài văn tế học trò lười học bằng những “lời than vãn lẫn phăng xe ăn mít” (chữ Pháp lẫn chữ Việt), chữ đối nhau rất sát, đọc lên cả lớp chúng tôi cười lộn ruột. Năm 1940, ông nội tôi mất, anh em tôi là học trò cũ đã vào xin thầy một bài văn tế và chỉ hơn một hôm là đã có cầm về. Cả hai bài này, anh chị em chúng tôi hiện giờ còn thuộc và đã ghi lại.
Giữa những ngày lễ hội vui vẻ và khêu gợi kỷ niệm này của ngôi trường yêu quý, tôi lại nhớ đến thầy. Lúc bấy giờ thầy chỉ là một cái bóng của quá khứ giữa thời đại mới đang chuyển mình, nhưng đối với tôi và chắc hẳn đối với nhiều anh em khác cũng thế, thầy cùng một số thầy dạy vào thời gian ấy vẫn nhập lại thành một luồng ánh sáng dắt dẫn chúng tôi đi khỏi vấp ngã trên đường đời. Cho nên, chưa viết được những lời tri ân và biện bạch này, đối với bản thân tôi còn là một nghĩa vụ bị bỏ quên, hơn thế nữa, là một tội lỗi khôn chuộc.
L.A