Một phía Bắc với châu thổ sông Hồ màu mỡ, một phái trời Nam mênh mông đồng ruộng châu thổ Cửu Long giang phì nhiêu, nối hai vựa lúa ấy của dải đất hình chữ S này là chiếc đòn gánh miền Trung mảnh gầy gian truân – một vệt đồng bằng chạy giữa, bên này là Trường Sơn, bên kia là bờ cát trắng. Trường Sơn đại ngàn bị hủy hoại hàng năm làm gia tăng lũ lụt khiến miền Trung đã nghèo càng thêm khó, bờ cát phái đông chạy từ Thanh – Nghệ - Tĩnh đến tận mênh mang cát vùng mũi Né (Phan Thiết), theo gió theo mưa mà lấn dần theo cách: “Cát bay cát nhảy, cát chảy, cát lấp” phủ lên những thửa ruộng nghèo, làm sao chế ngự được cát, tạo được sự sống trên những “tiểu sa mạc” này? Sau hàng chục năm miệt mài theo đuổi “nghiên cứu” với… Cát, một phương án của Phó tiến sĩ Hoàng Phước – Giám đốc Sở Thủy lợi Quảng Trị, đã mở ra tương lai cho miền cát xứ sở này, và không chỉ dừng lại ở đó, nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu lưu ý đến công trình của ông…
KHÔNG PHẢI CHUYỆN “DÃ TRANG XE CÁT”…
Trước năm 1975, dưới chế độ cũ đã có một số người quan tâm đến việc chống cát bay cát lấp và khai thác tiềm năng vùng cát, tuy nghiên những công trình này cũng chưa mang lại kết quả đáng kể. Đang chú ý là các biện pháp của hai kỹ sư Tham Thụy và Phan Liêu. Vốn là người quê miền cát Hải Lăng, ông Tham Thụy đã dành nhiều thời gian cho việc chế ngự “cát bay, cát chảy…” ở quê nhà nhưng những phương án của ông mới chỉ dừng lại ở việc tổ chức đắp đê ngăn các dòng suối trên cát, không cho dòng chảy mang cát về lấp đồng ruộng. Biện pháp này chỉ tập trung nước về một chỗ, không thực hiện được việc tạo độ ẩm rãi đều cho cát, không kết hợp được các biện pháp Nông-Lâm để có thể canh tác được trên đất cát và vì thế cũng chỉ ngăn được “cát chảy” mà không chặn được “cát bay”. Kỹ sư Phan Liệu cũng đã lưu tâm tới việc này nhưng những cố gắng của ông mới chỉ dừng lại ở chỗ nghiên cứu tính chất lý – hóa của vùng cát chứ chưa có phương án thực hiện cụ thể. Dẫu sao chăng nữa đấy cũng là những tiền đề cho kỹ sư Hoàng Phước – lúc còn là một cán bộ trẻ của Sở Thủy lợi Bình Trị Thiên bắt tay vào công trình nghiên cứu của mình.
Miền trung với hơn 400.000 héc ta cát, tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) có đến 100.000 héc ta và trong đó riêng Quảng Trị đã 30.000 héc ta cát, lớn hơn diện tích đất sản xuất của toàn tỉnh. Hàng năm cát lấn sâu vào ruộng từ 5-7 mét, suốt dọc một chiều dài hàng chục ki lô mét bờ biển. Nhiều miệt vườn của dân cư miền biển, mùa trước còn xanh cây trái, qua vụ sau cát đã lấp dày, bàn chân bước đi, sục lún vào cát bỏng. Chế ngự được cát sẽ cứu được hàng ngàn héc ta ruộng bị cát lấp hàng năm, đồng thời cải tạo môi trường sinh thái cho một vùng rộng lớn, lo được cuộc sống cho một bộ phận dân cư miền biển. Tất cả những điều ấy đã thôi thúc kỹ sư Hoàng Phước hành động. Không tính hết bao nhiêu ngày nắng, ngày mưa, anh đã lội cát dọc theo biển từ Thanh Hương (Hương Điền ) ra tận Cửa Việt, không đếm hết bao nhiêu bữa cơm được “chan” bằng bão cát, không nhớ hết bao nhiêu phút giây thao thức trước trang giấy cũng trắng nhức nhối như miền cát réo gọi. Bắt tay vào công trình này từ năm 1978, vậy mà mãi đến năm 1990, kỹ sư Hoàng Phước mới cho ra đời một thí nghiệm có “tính lịch sử” – Khởi nguyên cho quá trình chinh phục xứ cát. Đấy là môt thí nghiệm khá giản dị, nhưng để có được thí nghiệm ấy… làm sao mà tính hết.
Với hai bộ thùng, mỗi bộ có hai thùng lồng vào nhau, thùng ngoài đóng vai trò cho ổn định cát cho việc đo chỉ số ở thùng trong – (thùng thí nghiệm). Thùng ngoài có đường kính lớn hơn thùng trong 2cm, cao 60cm và đều không có đáy. Đem hai bộ thùng chôn vào cùng nơi đại diện cho vùng cát để làm thí nghiệm. Bộ thùng thứ nhất chứa hoàn toàn cát trắng, còn bộ thùng thứ hai lớp cát từ mặt đất đến mức ngầm có trộn 5% lượng mùn. Sau thời gian thí nghiệm, đem cân hai bộ thùng thì thấy sự chênh lệch trọng lượng sau hai lần cân. Mức nước ngấm lên ở thùng có mùn là 26,1 lilimét, thùng chứa toàn cát nước chỉ ngấm 11,5 milimét, như vậy ở cát có mùn lượng mao dẫn lớn gấp đôi so với cát không mùn. Một phương án được hình thành: Muốn cho cát trở thành đất trồng trọt với cây rễ nông thì phải làm cho cát ỔN ĐỊNH, tạo ĐỘ ẨM, tạo MÙN. Cát ổn định thì cây cỏ sẽ mọc, khi cỏ lụi tàn sẽ tạo ra mùn, mùn ấy nuôi cỏ tốt hơn và lượng mùn ngày càng tăng nhanh hơn, chu kỳ này càng hiệu quả nếu đưa thêm phân xanh phân chuồng vào cát. Đồng thời với phương án này là ngăn các dòng suối không cho đổ vào đồng để tách nạn cát chảy theo dòng vào ruộng, đồng thời tạo ra một hệ thống các hồ nước nhỏ phân bố đều trên vùng cát. Tại những nơi chuẩn bị cho việc triển khai phương án này đều được phân thành các ô vuông, những “băng cây” này vừa chống được nạn cát bay đồng thời ổn định được cát trong ô. Cát ổn định thì cỏ sẽ mọc được, cho thêm một lượng phân xanh, phân chuồng để tạo thêm mùn, chỉ sau vài năm là có thể trồng trọt được. Thành công này đã khiến Bộ Thủy Lợi ( nay là Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn) chú ý và nâng đề tài lên cấp nhà nước. cuối năm 1991, hội thảo “chống sa mạc hóa, cải tạo môi sinh môi trường vùng cát ven biển Quảng Trị” được tổ chức tại Hà Nội đề tài được đánh giá cao và kỹ sư Hoàng Phước đã bắt tay vào làm luận án phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật chuyên ngành “Thủy văn lục địa và nguồn nước”. Đấy là nói chuyện lúc đề tài thành công, còn mười lăm năm theo đuổi công việc chế ngự và cải tạo vùng cát ven biển miền Trung, khó mà kể hết những gian nan ông đã chịu cũng như những hoài nghi “Dã tràng xe cát biển Đông” của nhiều người khi thấy ông “can đảm” lao vào đề tài học búa này – mà không hoài nghi sao được khi ở nhiều nước trên thế giới, đầy đủ phương tiện nghiên cứu cũng như tiền bạc mà cũng chưa chặn đứng được “nạn cát” huống nữa là ông, một kỹ sư ở một tỉnh nghèo?
ĐỜI CÁT – ĐỜI CÂY – ĐỜI NGƯỜI…
Ai đã một lần leo lên các đồi cát chập chùng duyên hải miền Trung trong mùa gió mới thấy hết cái gian nan của người miền cát. Cát bay như roi quất vào da thịt, đồi cát cao, ruộng thấp, cát lấp vườn, lấp rẫy, có nhà cứ lùi dần, lùi dần rồi không còn đất để lùi nữa. Về với những mảnh làng xứ biển bấy giờ ám ảnh cay cực vẫn còn lưu dấu trên những nấm mồ, vì có ngôi mộ chôn trên cát hôm nay, không kịp dựng bia, sáng mai ra đã không còn dấu vết bởi chi một cơn gió xoáy ngang qua là mồ cũng phẳng như bình địa. Dân ở đây chôn cất xong là kiếm đá xếp chèn dày đặc trên nấm, giữa những ô sinh thái xã Hải Quế, miệt Hội Yên tôi vẫn thấy hàng trăm ngôi mộ chất ngất đá, trĩu nặng những phận đời xứ cát. Giờ thì trên cát đã có cỏ. Vâng, sự sống bắt đầu từ cỏ. Khi những ô vuông giữ cát nằm lại trong lòng mình thì cỏ bắt đầu nhú mầm tìm sự sống trên cát trắng. những mầm cỏ lên xanh rồi tàn lụi, rồi lên xanh hơn nhờ những lớp cỏ lụi trước đây đã hóa thành mùn, thành phân. Những lứa cỏ chết đi cho những mầm cỏ mới phôi thai. Cỏ, đấy là tiếng reo vui đầu tiên của cát bắt đầu sống theo đời…đất. Cỏ thắp lên niềm hy vọng cho những ngư dân miền cát, bởi nhọc nhằn, khốn khó hơn cả vẫn là đời sống độ nhật của họ vẫn trông chờ vào biển. Mà đi biển chỉ có cánh con trai, đàn ông khỏe mạnh, còn phụ nữ, trẻ em, người già ngồi trông nhà để chiều chiều ra biển ngóng tìm dáng người trở về sau bao ngày lênh đênh theo từng con sóng, từng nhịp triều, phấp phỏng áo cơm. Một cách nhân đạo nhất, mang đầy ý nghĩa nhân văn - xã hội là chính đề tài cải tạo vùng cát đã tạo ra công ăn việc làm cho tầng lớp phụ nữ - trẻ em – người già nơi đây (chiếm 75% dân số vùng cát)
Không xa lạ gì những quê biển Triệu Phong, Hải Lăng, không xa xôi gì những bãi cát bời bời nắng gió, và tôi đã thực sự xúc động khi ghe thăm một hộ gia đình đã “giã làng ra cát” nơi Hội Yên, được ăn miếng dưa hấu đỏ tươi, ngọt đến não nùng của nhà anh Trần Đán và chị Lê Thị Thúy. Trên một “ô sinh thái” anh Đán đã trồng tám sào dưa, hai sào khoai lang, những trái dưa dầu tiên sau hàng vạn năm đời cát chỉ trắng “hau hau” mịt mù bay theo phong ba bão động. Bởi vậy khi những trái dưa đầu tiên chín trên ruộng, anh Đán đã lặn lội tìm những người cán bộ thủy lợi từng lặn lội về đây bày cho dân cách trồng cây quanh bờ lô, cách bón mùn tạo độ ẩm, những người cấp cho hạt giống và nhen hóm trong anh ngọn lửa niềm tin về một tương lai miền cát. Vâng, trên cái ruộng dưa đang chín ngổn ngang, những trái dưa to bằng chiếc mũ cối xanh thẫm màu vỏ, đỏ tươi sắc ruột ấy, chỉ vài năm trước lá trắng nhức mắt màu cát, không cả một ngọn cỏ, nói gì đến quả ngọt, chồi xanh. Ấn tượng ấy càng được nhân lên khi về thôn Linh Chiểu (Triệu Sơn, Triệu Phong). Sau khi đưa các ô sinh thái vào canh tác, Sở Thủy Lợi đã tìm cho bà con giống dưa hấu Nhật Bản, giống dưa này đặc biệt thích hợp với đất cát vừa được cải tạo ở nơi đây. Có bốn mươi hộ gia đình đã gieo mầm ấm no trên những ô ruộng cát Triệu Sơn.Và không chỉ dừng lại ở một vài làng xã, đề tài đã được tiến hành trong một số tỉnh miền Trung với phương thức kết hợp nhiều biện pháp thủy lợi – nông nghiệp – lâm nghiệp.
Thôi thì không cần phải lãng mạn xa vời, chỉ nhìn những đứa trẻ làng biển đang cầm những miếng dưa trên tay, nhìn những người mẹ đang tưới dưa nét mặt ngời lên tin cậy, cũng đủ để biết rằng “đời cát” đang lấp lánh những dòng huyền thoại. Chỉ tính riêng ba tỉnh Bình Trị Thiên với lực lượng lao động vùng cát đã có trên 310.000 người gồm 75.000 hộ - đã có chương trình đưa dân đi vùng kinh tế mới phải đầu tư rất nhiều khi cát đã trở thành đất canh tác, không “di dân” mà chỉ cần “giản dân” bởi nơi đây cát cập kề làng, thay cho việc xây dựng mới các công trình phúc lợi nên đầu tư cho các hộ gia đình về giống cây con thích hợp trên vùng cát, để họ phát huy hết hiệu quả kinh tế của miền đất mới.
(sẽ là thiếu sót nếu không nói thêm một điều rằng, sau khi bảo vệ thành công luận án Phó tiến sĩ về đề tài này, Giám đốc Sở Thủy lợi Hoàng Phước còn được Chủ tích nước ghi nhận những đóng góp của ông cho ngành, cũng như hiệu quả của các công trình mà ông chủ trì, nghiên cứu, đã trao tặng cho ông Huân chương Lao Động hạng ba!)
L.Đ