Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Phía trước là con đường

N

hững cánh rừng cây lâm nghiệp và cao su tiểu điền ở các xã vùng đồi phía tây huyện Vĩnh Linh giờ đã phủ xanh trên những quả đồi. Ở đây, chất đất không phải là bazan quanh năm đỏ tươi, tơi xốp như ở các xã phía đông huyện, mà chất đất ở đây là đất sỏi, đất thịt pha cát vốn cằn cỗi, bạc màu. Tuy vậy, cây lưu niên vẫn phát triển, lớn nhanh như thổi nhờ bàn tay chăm sóc của người trồng. Mới chỉ hơn ba năm khai khẩn mà cả một vùng đồi rộng lớn, trước đây vốn hoang hóa, trơ trọi, giờ đã ngút ngàn, biêng biếc một màu xanh. Những căn nhà tạm, và cả những ngôi nhà xây kiên cố đã bắt đầu mọc lên, hình thành lên những bản làng giữa cái màu xanh trải dài tít tắp ấy.

Chuyện bắt đầu từ việc thằng Tạ, con ông Tấn, yêu cái Bông, con bà Bồng cùng xóm. Yêu đương để rồi thành vợ thành chồng là điều hết sức bình thường, chả có gì đáng nói. Khổ một nỗi, cả hai đứa chúng nó, chẳng đứa nào được học hành đến nơi đến chốn. Đứa nào cũng chỉ mới học hết cấp một rồi bỏ, vì không thể theo kịp chương trình. Tuổi chúng cũng đã…hơi lớn và lại đứa nào trông cũng…thô thô, mộc mộc thế nào ấy. Thằng Tạ đã gần ba mươi. Còn cái Bông thì cũng đã hai lăm, hai sáu. Như người ta, tuổi ấy đã một, hai mặt con, chứ đâu có tay không mình rồi như chúng. Được cái, chúng nó đều khỏe. Cả hai đứa, đứa nào cũng vai u thịt bắp, to khỏe, béo tốt. Việc nhà nông, từ cày bừa, gieo cấy…tất tất mọi việc, chẳng ai bì kịp chúng nó. Thằng Tạ là con trai, có hơi…xương xốc, đen đúa một chút. Chứ cái Bông thì, béo ơi là béo! Nhìn nó ai cũng bảo chắc phải lai Tây, lai Tàu gì thì mới đô con như thế. Nó lại khỏe và nghe đâu còn có đôi ba miếng võ nữa cơ. Thế nên, tuy là con gái, nhưng bọn con trai trong làng, đứa nào cũng phải kiềng mặt nó. Nhất là mấy đứa hay rượu chè, quậy phá. Nó khỏe lắm! Hôm phụ nữ tổ chức thể thao, một mình nó thách kéo co với sáu người. Ban đầu nó làm bộ lùi lùi để lấy đà, ai cũng tưởng là nó thua. Thế mà bất thình lình, nó phùng mang, trợn mắt lên, giật một cái, khiến cả sáu người chúi về phía trước, ngã lăn quay ra. Hồi nó chưa yêu thằng Tạ, có một lần, mấy thanh niên làng bên nghe tin có đám cưới, rủ nhau sang chơi, rồi uống rượu say, quậy quạ, gây gỗ với thanh niên trong làng. Con Bông tối ấy cũng có mặt ở đấy. Thấy hai bên càng lúc càng to tiếng, nó vội nhảy ra can. Bọn này thấy đàn bà con gái thì coi thường. Nó nổi khùng lên, xuống tấn, rồi lao vào quật cho bọn kia một trận tơi bời. Có một thằng bị nó kẹp chặt cổ giữa cặp đùi đồ sộ của nó, suýt nghẹt thở, phải kêu oai oái, nó mới chịu nhả ra. Lại có một chuyện khác. Đó là hồi đầu năm, thanh niên trong làng tổ chức làm thủy lợi. Tất nhiên là trong đám ấy có cả nó với thằng Tạ. Đang làm thì thằng Tạ ôm bụng kêu đau. Cũng tưởng là đau bụng vì gió máy gì, nghỉ một lát sẽ khỏi. Không ngờ thằng Tạ cứ càng lúc càng đau, đến nỗi không thể đi được nữa. Ai cũng bảo là thằng Tạ đau ruột thừa. Mà ruột thừa thì cần phải đến bệnh viện gấp, chứ không sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Con Bông nghe vậy thì chẳng trù trừ, tính toán một giây, vác thằng Tạ trên vai chạy một mạch đến trạm xá xã. Kể từ bữa ấy, thằng Tạ có cảm tình với cái Bông, rồi hai đứa phải lòng nhau và yêu nhau.

Khổ một nỗi nữa là khi chúng nó yêu nhau, bà Bồng cứ một mực tuyên bố với nhà trai, là nếu chịu để cho thằng Tạ ở rể, bà mới bằng lòng gả con gái cho. Nếu không thì thôi. Nghe thì có vẻ vô lý, nhưng hiểu hoàn cảnh bà thì lại thấy bà có lý. Bởi, bà chỉ có hai mẹ con. Mà bà thì đã già, không làm lụng gì được nữa. Con Bông là lao động chính. Mọi việc trong nhà, từ cái ăn cái uống, rồi phương này việc nọ, chỉ một tay nó lo. Nay bỗng dưng vắng nó, bà biết chèo chống sao đây? Với lại, ở tuổi gần đất xa trời như bà, không có ai bên cạnh, lỡ khi đêm hôm trái gió trở trời biết kêu ai. Nhưng nhà trai cũng không vừa. Ông Tấn viện cớ tuổi ông cũng đã cao. Rồi thì nhà cũng neo người, chứ đâu có hơn gì bên đây. Ừ, thì cứ cho là ba người đi, cứ cho là nhiều hơn bên này một người đi, nhưng không lẽ cái Yến, em thằng Tạ, nó cứ ở hoài vậy. Rồi sớm muộn gì nó cũng đi lấy chồng chứ! Lúc ấy, hoàn cảnh của ông nào có khác gì bà. Ôi dào, bàn việc cưới hỏi cho con mà cứ ỏm tỏi cả lên, chẳng bên nào chịu bên nào. Thấy không thể ngã ngủ, thằng Tạ vội lên tiếng. Nó xin với hai bên gia đình cho nó được ở rể nhà mẹ vợ. Trước mắt thì như thế, sau này khi cái Yến đi lấy chồng, lúc ấy hãy tính sau. Với lại, theo nó, hai nhà cách nhau cũng không xa lắm, sau này nó với cái Bông có thể đi lại chăm sóc cho cả đôi bên.Thấy thằng Tạ nói có lý, mọi người liền đồng tình. Và thế là đám cưới của đôi uyên ương Tạ - Bông được tổ chức.

Hôm đám cưới, cái Bông mặc bộ áo dài màu trắng. Vì nó có khổ người to béo nên mãi mới tìm thuê được cho nó bộ áo dài quá cỡ này. Người ta bảo, phụ nữ to béo mặc áo dài thường không đẹp. Ấy vậy mà nhìn cái Bông mặc áo dài trông cũng dễ thương lắm! Đặc biệt là vẻ thướt tha, duyên dáng của áo dài làm nó xinh xắn hẳn lên. Nó lại đội khăn đóng, thắt nơ, tô son, điểm phấn nữa…nên nhìn càng đẹp. Lúc cái Bông bước từ trong nhà ra hôn trường, thằng Tạ nhìn vợ không chớp mắt. Nó mụ mẫn cả người khi thấy…một nửa của nó đáng yêu quá! Chắc nó cũng thừa nhận vợ nó đẹp. Nó đứng bên cạnh cô dâu, thỉnh thoảng lại đưa mắt nhìn mọi người cười rất tươi. Có lẽ nó thấy mình là người rất hạnh phúc. Thằng Tạ trong ngày cưới nhìn cũng oách lắm! Com lê đen, sơ mi trắng, cà vạt đỏ, giày nâu. Toàn những thứ mà xưa nay nó chưa hề dùng. Nó bước lộp cộp, lộp cộp đôi giày đánh xi bóng nhẫy, bắt tay ông này một cái, bắt tay bà kia một cái. Rồi đi đi lại lại, sai bọn đàn em, sửa lại cái này, sửa lại cái kia. Trông nó như một vị giám đốc vậy. Chỉ tội răng nó không đẹp, cái vô cái ra, và nhất là răng trên, tất cả đều chĩa về phía trước. Một dạo, dân trong làng thường trêu chọc gọi nó là…Tạ mái hiên. Như có lần đang ở ngoài đồng thì trời mưa, thế là cả bọn nhao nhao lên, “chúng mày ơi, chạy nhanh nhanh đến chỗ thằng Tạ mà trú nhờ mái hiên của nó một lúc”. Nhưng tính nó vốn hiền, chẳng hề giận ai bao giờ. Lúc trên hôn trường, vì nó thấp hơn cái Bông, nên khi đứng bên vợ, nó phải ưỡn người ra phía sau để tăng thêm chiều cao.

Bọn trai làng tuổi choai choai đáo để và nghịch như quỷ sứ. Chúng bịa ra rằng đêm tân hôn của đôi vợ chồng, chúng đã rình bên ngoài và…chứng kiến hết mọi chuyện. Rồi chúng toe toe cái miệng giữa thanh thiên bạch nhật. Rằng, chúng nghe thằng Tạ thở như trâu, còn cái Bông thì rên hừ hừ như lên cơn sốt. Rồi chúng bỗng nghe “rầm” một tiếng như có cái gì đổ, khiến bà Bồng đang ngủ phải giật mình tỉnh dậy, mắt nhắm mắt mở hỏi con: “Tạ ơi, chuyện gì vậy con, gãy giường à?”. Kể xong cả bọn cười chảy nước mắt nước mũi. Chuyện đến tai thằng Tạ cái Bông, nhưng chẳng đứa nào giận, chúng chỉ cười khì khì, đánh trống lảng cho qua chuyện.

Thằng Tạ ở rể bên vợ nhưng ngày ngày vẫn tranh thủ tạt qua nhà mình. Nó cày bừa luôn cả ruộng cho hai nhà. Còn cái Bông và cái Yến thì việc gì cũng làm chung, chả khác nào đổi công ngày trước. Xong việc của nhà này thì qua làm việc cho nhà kia. Gớm, chị dâu em chồng có khác. Đi đâu cũng kè kè bên nhau, còn hơn cả chị em ruột. Thành ra tuy hai nhà mà như một. Còn công việc thì bao giờ cũng xong trước làng. Bà Bồng thấy vậy cũng mừng. Thằng Tạ ở nhà mẹ vợ chăm lắm! Không việc gì mà nó không mó tay vào. Nó chăm làm do bản chất là một nhẽ, còn một nhẽ nữa là thương vợ, không muốn vợ nó phải vất vả. Đôi khi áo quần vợ thay ra chưa kịp giặt, nó thấy là mang ra giếng giặt liền. Cơm nước, chợ búa…nó cũng tranh làm tất. Nhất là từ ngày nó biết vợ nó có bầu, nó thương lắm! Nó đi úp cá cả đêm về nấu cháo cho vợ bồi dưỡng. Nó còn tranh thủ khi vãn việc đồng áng, đi phụ hồ kiếm thêm tiền để dành ngày vợ sinh em bé. Cái Bông tuy là đứa siêng năng, nhưng cũng đôi lúc chểnh mảng, sao bằng đàn ông, con trai được. Từ ngày có thằng Tạ, nhà cửa tươm tất hơn trước rất nhiều. Nương vườn sạch lau lau, không một ngọn cỏ. Nó còn sửa lại chuồng trại để nuôi thêm thật nhiều gà. Nó cười phô hàm răng…mái hiên của nó ra, nói với vợ: “Bông à, anh tin đến ngày em sinh, chúng ta nhất định sẽ có cả một đàn gà vài chục con, tha hồ em ăn.”. Rồi nó ngả đầu vợ nó xuống giường, ghé tai vào bụng để…nghe tiếng chân quẫy đạp của em bé. Nó nựng: “Nào, con yêu của bố, đạp mạnh lên cho bố nghe nào…”. Cái Bông lấy ngón tay dí một cái rõ mạnh vào trán thằng Tạ, nguýt yêu: “Ngố nó vừa vừa thôi ông tướng ạ, mới chưa đầy hai tháng, nó đã thành người đâu mà quẫy với chả đạp.”. Thằng Tạ lại phô hàm răng mái hiên ra cười.

Ủy ban nhân dân huyện có chủ trương di dân lên vùng gò đồi phía tây để xây dựng trang trại, trồng cây công nghiệp. Đối tượng được ưu tiên là những cặp vợ chồng trẻ, đang trong độ tuổi lao động. Cái Bông nghe vậy thì mừng lắm! Vì đó là điều nó khao khát bấy nay. Ngày chưa lấy chồng, nó nhìn bạn bè mà thèm. Cỡ tuổi như nó, đứa nào lấy chồng lấy vợ cũng có mấy sào đất thổ cư, lại là đất bazan, nên trồng được cây công nghiệp. Có đứa nay có vườn tiêu thu mỗi vụ mấy chục triệu đồng. Nhà nó đất chật, lại là đất pha cát bạc màu, không trồng được cây gì nên hồn. Quanh năm, quanh đi quẩn lại, rặt một thứ khoai lang với vài ba loại rau ăn sống chả có gì để đáng gọi là thu nhập. Nay nghe làng có chủ trương mới, nó mừng thầm trong bụng. Nó bảo thằng Tạ đi họp xin đăng ký lấy một suất. Nhưng ác nỗi, ban quản trị chẳng một ai nhất trí. Lý do họ đưa ra là vợ chồng nó đều đang có bố mẹ già, đang cần phải chăm sóc hàng ngày. Bản thân nó lại đang có bầu. Một hoàn cảnh như thế, không thể có đủ điều kiện để lên đó xây dựng trang trại được. Thằng Tạ về nói lại. Cái Bông nghe xong thì thấy lộn cả ruột. Nó xắn quần, le te chạy lên gặp ban quản trị. Mặt nó hầm hầm khi đối diện với chủ nhiệm hợp tác xã: “Các ông chê vợ chồng tôi không đủ khả năng làm việc phải không? Các ông nhầm to rồi. Trong khi nhà các ông thì bờ xôi ruộng mật, thóc lúa đầy bồ, cao su, hồ tiêu sào này mẫu nọ…Còn gia đình tôi thì có gì? Các ông thử nghĩ lại đi. Hay các ông muốn gia đình tôi chết nghèo chết khổ mãi nơi cái thửa đất chó không thèm ỉa ấy? Tôi nói cho các ông biết, vợ chồng tôi tuy vậy nhưng lao động chả thua ai. Các ông có giỏi thì cứ cho người lên đó mà làm thi với chúng tôi, xem mèo nào cắn mĩu nào…”. Nó hoa chân múa tay, nói sùi cả bọt mép ra, rồi ngồi thở. Cái tính…đàn ông của nó thế mà đôi khi được việc. Ban quan trị đã phải ghi tên nó vào danh sách những hộ làm trang trại.

Đêm ấy nằm bên nhau, cái Bông bàn với chồng, là dù thế nào thì cả hai cũng phải lên đó. Trước mắt hãy cứ nhận đất, che tạm một cái lều để làm nơi nghỉ ngơi, trông giữ. Còn lâu dài thì trồng cây công nghiệp, làm lấy cái nhà chắc chắn để  sau này chuyển hẳn lên đó sinh sống. Nó giải thích, bà Bồng tuy vậy nhưng vẫn có thể đi ra đi vào, lo được bữa cơm cho mình. Cho nên ban ngày vợ chồng cứ lên đó làm việc. Tối đến hãy về dưới nhà. Còn nó, tuy có mang nhưng vẫn làm việc tốt. Có khi nó còn làm khỏe là đằng khác. Nhưng khi đưa ý kiến ra thì cả ông Tấn và bà Bồng đều có vẻ không bằng lòng. Bà Bồng chả hiểu đầu cua tai nheo ra sao, cứ đè ngay chàng rể và con gái mà đay mà nghiến: “Ừ, phải rồi, anh chị muốn lên đó để được tự do, để không phải vướng chân vướng cẳng gì với bà già này…”. Còn ông Tấn thì càu nhàu: “Tôi đã chịu nhún nhường bên ấy chấp nhận cho anh ở rể đã là một thiệt thòi. Bây giờ anh chị lại dắt nhau lên tận chốn rừng xanh núi đỏ ấy. Anh chị chả còn biết coi ai ra thể thống gì.”. Cái Bông với thằng Tạ phải giải thích mãi bà Bồng và ông Tấn mới nghe ra.

Rồi hôm nhận đất, mấy đứa có tiền lo lót thế nào mà ban quản trị cấp cho chúng toàn chỗ ngon. Còn vợ chồng nó thì chỗ đầu thừa đuôi thẹo, trên cao dưới thấp, hố bom hố pháo chi chít. Cái Bông lại phải…ra tay để lấy lại sự công bằng. Nó yêu cầu phải bốc xăm, chứ không thể chia theo đội, theo tổ, như ở dưới xuôi được. Ban quan trị thấy nó làm căng quá, không thể không nghe theo. Nhưng mấy đứa được nhận chỗ ngon, giờ chia lại, vấp phải chỗ không ra gì thì có vẻ hằn học với nó. Nhưng ai cũng biết tính nó, và sợ nhất là mấy ngón võ của nó, nên cũng đành ngậm đắng nuốt cay mà cho qua.

Khi cái Bông mang thai tháng thứ bảy thì công việc đã có vẻ hòm hòm. Đất đai đã được san ủi, cày bừa đâu ra đó. Hệ thống tưới tiêu cũng đã được hoàn chỉnh. Chỉ còn chờ mùa mưa đến là có thể đặt cao su giống xuống. Cái Bông vốn đã to béo, nay gần đến ngày sinh, người nó càng to béo, ục ịch hơn. Nó đi đứng nặng nề, khó nhọc, lạch bà lạch bạch như chú vịt xiêm. Nhưng vẫn say sưa cùng chồng làm việc, chả chịu nghỉ lấy một buổi. Đêm về, thằng Tạ tự nguyện ngồi hàng giờ vừa quạt vừa xoa bóp cho vợ. Thỉnh thoảng nó lại trêu vợ nó bằng cách cho ngón tay vào nách vợ mà cù khẽ một cái. Cái Bông bị nhột “ối” lên một tiếng rồi cả hai vợ chồng ôm nhau cười như nắc nẻ. Thằng Tạ vuốt vuốt cái bụng của vợ cảm động nói: “Bông à, đã đến tháng này rồi, mà em cứ đi làm mãi, chẳng chịu nghỉ, anh lo lỡ có chuyện gì…”. Cái Bông nắm chặt tay thằng Tạ ấp trong tay mình: “Anh à, em được các chị bên trạm y tế tư vấn cả rồi. Phụ nữ mang thai tháng thứ bảy, thậm chí tháng thứ tám vẫn có thể làm việc bình thường. Có điều phải biết lượng sức. Em tuy làm việc quần quật cả ngày nhưng cũng biết lượng sức đấy chứ! Với lại, mình có thai, chỉ ngồi một chỗ, không làm việc, sau này sẽ khó sinh…”. Nói rồi nó thiếp đi trên cánh tay của thằng Tạ lúc nào không hay.

Đến cuối tháng thứ tám, lúc con Bông gần sinh thì đằng họ nhà người yêu con Yến đến xin cưới. Thật đúng là rầy rà. Thằng Tạ đêm nằm cứ thở dài thườn thượt. Ừ, cái Yến đi lấy chồng, còn mỗi mình bố nó không ai chăm sóc là một nhẽ rồi. Lo thì lo thật đấy, nhưng chuyện này rồi cũng có cách khắc phục được. Điều làm nó lo nhất là chỉ trên dưới chục ngày nữa vợ nó sẽ sinh. Lại đúng vào thời gian nó phải xuống giống cao su cho kịp thời vụ. Cái gì thì có thể hoãn lại được, chứ trồng cao su, mọi việc nhất nhất đều phải chấp hành đúng quy trình kỹ thuật. Đúng ngày đó, phải có mặt tại vườn để nhận giống, nhận phân, nghe cán bộ kỹ thuật phổ biến lần cuối. Rồi còn phải được họ… cầm tay chỉ việc, trồng thí điểm cho mà làm theo. Thằng Tạ cứ thao thức, trằn trọc cả đêm không sao chợp mắt được. Con Bông cũng không ngủ. Nó nằm hai mắt mở thao láo nhìn lên trần nhà. Nó thương chồng nó và buồn vì nay đã không thể làm gì được nữa. Nhưng nó biết động viên thằng Tạ, ru ngủ thằng Tạ bằng những lời nói ngọt ngào, và cả những cái nguýt yêu, mà nó chỉ dành riêng cho chồng nó.

Suốt thời gian sau đó, thằng Tạ như con thoi cả ngày. Hết chạy ngược lại chạy xuôi. Hết lên trang trại, lại về với vợ xem tình hình ra sao. Rồi lại phải đảo qua an ủi ông Tấn vài câu. Bữa cho ông ít củi, bóp cho ông cái chân đau. Hỏi xem tình hình cưới xin của con Yến ra sao để nó còn liệu bề tính toán, mời trước bà con chòm xóm. Nó rã rời cả người vì mệt vì lo. Nó không ngờ cái kiếp ở rể của nó sao lại long đong đến vậy. Ở rể mà như không phải ở rể. Ở rể mà như người ở giữa, cứ phải lo cho cả đôi bên. Lắm lúc vắt chân lên cổ mà chạy cũng không kịp. Nhưng nó cũng mừng, vì thấy mình tuy mang tiếng “ở rể” nhưng chưa phải nhờ vả gì bên vợ. Nó chưa bị ai cười chê, cho nó là…chó chui gầm chạn, như người đời vẫn thường kích bác. Nó thấy nó tuy ít học, nhưng vẫn giữ được cái tư cách làm người. Không đến nỗi phải phụ thuộc bất cứ điều gì ở vợ hay gia đình bên vợ. Nó thương vợ nó, thương mẹ vợ nó hoàn cảnh mẹ côi con cút, cuộc sống khó khăn. Gần một năm qua nó đã tự làm tự ăn. Vợ chồng đùm bọc, thương yêu lẫn nhau. Nhưng nó vẫn thấy lo, vì chỉ không còn bao lâu nữa, em gái nó sẽ cưới chồng. Lúc ấy vợ chồng nó biết tính liệu sao đây cho ổn thỏa đôi bên? Không lẽ nó cứ một hai bắt vợ phải về bên nhà, ở với nó, để chăm sóc ông Tấn? Nếu như thế thì bà Bồng sẽ ra sao? Thôi thì chẳng còn cách nào hơn, là vợ chồng nó cứ phải làm…con thoi chạy qua chạy về. Coi như hai nhà mà một. Chỉ khác cái không cùng ở, cùng ăn. Biết như thế là vất vả. Vất vả không chỉ vợ chồng nó. Mà ông Tấn, bà Bồng cũng vì thế mà vất vả theo. Thương cha thương mẹ nhưng nó chẳng thể còn cách nào hơn.

 Đúng hôm thằng Tạ lên trang trại, thì ở nhà cái Bông chuyển dạ. Nhưng cái Bông chỉ đau lâm râm một lúc thì hết. Nó nhẩm đếm ngón tay nói với chồng nó, anh à, em có mang hôm nay vừa chẵn chín tháng, chắc phải ít hôm nữa mới sinh, nên anh cứ đi đi cho được việc. Nghe thế thì thằng Tạ an tâm ra đi. Không ngờ thằng Tạ vừa đi được một lúc thì cái Bông lại đau bụng. Cơn đau lần này dai dẳng và có phần dữ dội hơn. Cái Bông biết là mình gần sinh, nó vội nói với bà Bồng đi tìm người, nhờ đưa nó lên trạm xá. Nó còn dặn với mẹ nó, không được cho thằng Tạ biết, vì hôm nay xuống giống cao su…

Thằng Tạ ở trên trang trại làm một mạch từ sáng tới trưa, không nghỉ. Trưa đến, nó thấy bụng đói cồn cào mới chui vào túp lều lấy nắm cơm nguội ra ăn. Nghỉ một lúc, nó đã lại đi làm ngay. Nó thấy lúc này thời gian đối với nó quý như vàng. Nó cần từng phút từng giờ một. Nó làm say sưa như không còn biết trời đất là gì. Không để ý gì xung quanh. Cứ hùng hục, hùng hục…Trời không nắng mà mồ hôi nó túa ra ướt đẫm cả lưng áo. Thỉnh thoảng nó mới dừng lại ngắm nhìn những hàng cao su giống nó vừa trồng. Rồi nó khẽ mỉm cười, khi nghĩ đến rồi đây, chỉ không bao lâu nữa, những cây cao su con này sẽ lớn lên, biến thành cả rừng cao su, tỏa bóng xanh mát. Lúc ấy, vợ chồng nó chỉ việc ngày ngày khai thác lấy dòng nhựa trắng. Nó ước có được một chiếc xe máy để chiều chiều chở vợ đi chơi. Rồi lại ước may thêm cho vợ mấy bộ áo quần mới, vì nó thấy vợ nó chả có được bộ áo quần nào nên hồn…Nó mới nghĩ tới đó thì nụ cười trên môi nó bỗng vụt tắt khi nghe ai đó gọi tên nó, nói rằng, cái Bông đến giờ vẫn chưa sinh được, có lẽ phải chuyển lên bệnh viện huyện, và ở nhà, bà Bồng vừa bị ngã do trượt chân ở sân giếng, sây sát hết cả mặt mày…

Nó vùng chạy. Bán sống bán chết mà chạy. Chưa bao giờ nó chạy nhanh như thế. Trước mặt nó không xa là một ngã ba đường. Ở đó có một lối rẽ về nhà, một lối rẽ lên trạm xá. Nó dừng lại phân vân không biết phải thế nào, không biết phải rẽ vào lối nào. Chưa kịp nghĩ ra, nó đã lại co chân chạy. Vừa chạy nó vừa nghĩ. Thôi thì hãy cứ chạy đã, hãy cứ đến cái ngã ba ấy đã. Đến đó rồi muốn rẽ về hướng nào thì rẽ…

N.N.C

NGUYỄN NGỌC CHIẾN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 230 tháng 11/2013

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground