Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 30/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Anh còn nợ em

B

ao năm rồi tôi mới đặt chân đến nơi này. Nói đúng hơn năm nào tôi cũng đến nhưng chỉ đến duy nhất một “ngôi nhà”, nơi có em tôi. Còn tham quan xứ sở mà có một thời tôi đã gắn bó thì lại quên bẵng. Ngày đó, tôi yêu nơi này lắm, yêu cánh đồng lúa bạt ngàn, yêu những bóng tre xanh mát, yêu con sông quê bên lở bên bồi, yêu những bãi dưa, ruộng ngô dài tít tắp được dòng phù sa nuôi dưỡng, yêu những người nông dân “Bán mặt cho đất bán lưng cho trời”, yêu những đồng nghiệp năng nổ, nhiệt tình. Hằng năm, tôi cứ đến từ một nơi và đi cũng từ một nơi, như một quán tính đã được lập trình sẵn. Lần này là ngoại lệ, tôi muốn đi dạo, hình như điều mà một con người không thể bỏ được đó là suy nghĩ, mỗi lần dạo bộ và không suy nghĩ là niềm vui bất tận của từng tế bào trên cơ thể tôi. Tôi đang thả lỏng mình, dạo bộ trên bờ hồ, ngồi nhìn những chùm bằng lăng tím thẫm chợt thấy nao lòng…

Ngày đó, tôi là hiệu phó một trường trung học, em là một cô giáo mới về trường. Về dạy được một tuần, tôi liền đưa lịch dự giờ. Tôi nghĩ bụng: “Một cô tiểu thư với vẻ đẹp đài các, kiêu sa thì chắc đi dạy cũng chỉ là một hình thức chưng diện”. Thế nhưng tôi và cả tổ bộ môn đã ngạc nhiên trước phong thái sư phạm chuẩn mực của em, thao tác rất nhuần nhuyễn, cứ như một giáo viên có thâm niên, kiến thức chuyên môn vững vàng và có một điều đặc biệt là em làm chủ được tiết dạy, không bị học sinh cuốn, tiết học trôi qua nhẹ nhàng và em đã xử lí các tình huống sư phạm rất nghệ thuật.

Chỉ sau một năm công tác, tôi mạnh dạn đưa em đi Hội giảng huyện. Với số điểm cao nhất đợt hội giảng đó, em được chọn đi Hội giảng tỉnh. Tiết Văn của em- “ Hồi hương ngẫu thư” của Hạ Tri Chương - một văn bản thơ Đường không dễ dạy nhưng em đã được xếp loại xuất sắc. Sau bao nhiêu nỗ lực và phấn đấu, em đã được Hiệu trưởng bổ nhiệm làm Tổ trưởng chuyên môn trong khi tuổi còn quá trẻ.

Em còn được đưa vào tổ chuyên viên Văn của Phòng giáo dục trong khi tuổi đời còn thua tuổi nghề của nhiều đồng nghiệp. Em rất thẳng tính, mỗi khi đi thanh tra chéo, em góp ý thẳng thắng với mong muốn họ sẽ tiếp thu và tiến bộ chứ không có ý là “bới lông tìm vết” để trù dập. Nhiều lúc, trường này nhìn trường kia nên còn nể nhau nhưng em không màng chuyện đó. Hay thì khen và học hỏi, sai thì góp ý thẳng thắng và đưa ra cách khắc phục. Một anh trong Phòng giáo dục gặp tôi, lắc đầu:

- “Lính” anh giỏi thiệt nhưng thẳng tính quá, đáng lẽ làm giám khảo Hội giảng huyện nhưng bộc trực kiểu này chỉ phù hợp đi thanh tra. Khi thanh tra nên chỉ ra cái sai, người ta sẽ sợ mà lo sửa, còn Hội giảng, sai nói sai, đúng nói đúng thì mấy ai đạt.

Có một năm, trường tôi được thanh tra toàn diện, các đồng nghiệp trách móc:

- Bữa em đi thanh tra, em trù dập người ta, bữa nay tới người ta trù dập mình. Em thì không sao rồi, chỉ tội cho mấy anh chị em trong tổ Văn của em.

- “Cây ngay không sợ chết đứng”. Em cười rất vô tư.

Thanh tra về, rất nhẹ nhàng, đưa lich dự giờ cả tuần, không có tên em, em gặp chị giáo viên là thanh tra thắc mắc:

- Chiều mai em có tiết? Sao chị không dự?

- Em cứ dạy đi nha, chiều mai chị bận rồi.

Chiều đó em cũng dạy bình thường, vì tiết đôi nên em không ra khỏi lớp, trống tiết ngồi giữ máy (em hay dạy giáo án điện tử dù không dự giờ). Trống vào tiết, tự dưng cả lớp đứng dậy. Em ngạc nhiên “Ủa, mình ngồi trong lớp sao các em lại chào?”. Ngước lên, nhìn thấy cô thanh tra bước vào lớp, em ngỡ ngàng nhưng vẫn thực hiện tiết dạy như đã thiết kế. Mặc dù bị động nhưng tiết dạy của em vẫn được xếp loại giỏi. Sau khi góp ý, cô thanh tra nói:

- Giáo án điện tử của em rất xuất sắc, cho chị cóp nha. Chị sẽ đem về chia sẻ với anh em trong tổ.

 

Đồng nghiệp em bức xúc, nghĩ là em bị “báo thù” dù không có tội nhưng em vẫn vui vẻ, không ca cẩm nửa lời, không trách móc, giận dữ và em xem đó chỉ là một sự cố ngoài ý muốn. Riêng tôi, một người làm chuyên môn, qua tình huống đó, tôi càng nể em vì nghĩ em đã vượt qua chướng ngại vật một cách ngoạn mục.

Vì sự tận tụy của em với học sinh, vì tinh thần trách nhiệm của em trong công tác giảng dạy mà cánh mày râu chúng tôi đôi khi phải thấy chạnh lòng vì học trò giành cho em quá nhiều tình cảm. Đề tài nói chuyện của học sinh trong giờ ra chơi vẫn là lấy em ra để khen ngợi.

Minh họa : TRƯƠNG MINH DỰ

 

Có lần vì ganh tị với em nên tôi cố tìm cách để làm giảm uy tín của em trong lòng đồng nghiệp và học trò. Tôi cố tình lấy quyền của một người quản lí nhiều lần kiểm tra hồ sơ sổ sách đột xuất, không ngờ tôi bị “sốc” khi thấy em có đủ tất cả các loại hồ sơ sổ sách. Giáo án được soạn trên máy vi tính, rất khoa học và trực quan. Em dạy rất nhiều Giáo án điện tử ( thể hiện cả trong giáo án) hầu như mỗi tuần đều có một bài. Tôi ngấm ngầm khâm phục em. Không tìm được điểm yếu của em, tôi không thỏa mãn. Thế là tôi thông báo dự giờ đột xuất, chỉ báo trước dăm phút rồi vào lớp dự giờ dù trước đó giả vờ tung tin học kì này sẽ không dự giờ đột xuất. Tôi muốn em chủ quan và bị động, tâm lí chưa chuẩn bị trước thì đằng nào cũng “lòi” ra những sơ hở để tôi trù dập. Thế nhưng tôi đã bị em “chinh phục”. Một tiết dạy thành công trên sức tưởng tượng của tôi. Em dẫn dắt từng mục, từng phần của bài học vô cùng chặt chẽ và khoa học. Cách em truyền đạt kiến thức rất hiệu quả. Tôi đã ú ớ khi mời em xuống góp ý. Quả thật tôi đã không đạt được điều mình muốn mà còn bị em “công kích” mạnh bởi chuyên môn vững chắc của mình. Từ đó, tôi nhìn em bằng con mắt thán phục và kính nể. Đồng thời tôi cũng thấy thẹn với em, xấu hổ vì ý đồ không lành mạnh, không vô tư, không công tâm của mình. Công tư lẫn lộn, dù biết rằng chỉ một mình tôi biết điều này nhưng trong sâu thẳm tôi vẫn luôn áy náy.

Năm Bộ Giáo dục phát động thực hiện “hai không”, với trách nhiệm của một người làm công tác chuyên môn, tôi đã trao đổi với anh em và yêu cầu các tổ bộ môn kí cam kết thực hiện. Đầu năm học sau, em được phân dạy Ngữ Văn 6, sau khi kiểm tra chất lượng, em gặp tôi chau mày: “Đầu vào năm nay yếu quá anh ạ!”. Sau một tháng giảng dạy, em đưa tôi danh sách học sinh đọc chậm viết sai nhiều và khẳng định đây là hiện tượng “ngồi nhầm lớp”. Nhìn dãy dài tên học sinh, tôi nhăn mặt, khó chịu: “Em rút ngắn lại đi, kiểu này trường mình nổi tiếng bất đắc dĩ đó, phóng viên hay tin họ về là không hay. Hiện nay, “ngồi nhầm lớp” là vấn đề nhạy cảm, mình lơ đi, tránh phiền phức”. Tôi gằn mạnh từng tiếng. Em thiu thỉu bước ra, ra đến cửa em lại vào: “Em nghĩ, mình cũng cố gắng bằng mọi cách, phù đạo chẳng hạn để giúp những em học sinh này “ngồi đúng chỗ”. Thực ra nói học sinh “ngồi nhầm lớp” là không đúng, giáo viên cho học sinh “ngồi nhầm lớp” mới chính xác, các em làm sao mà tự “ngồi nhầm”. Em nghĩ thầy nên trao đổi với trường tiểu học”.

Cuối năm, số học sinh yếu kém phải thi lại nhiều, từ môn em phụ trách. Tôi bực mình: “Kết quả học lực của học sinh phần nào thể hiện năng lực dạy dỗ của giáo viên”. Bực thì nói cho đã miệng chứ tôi hoàn toàn tin tưởng vào năng lực sư phạm cũng như chuyên môn của em. Sau khi thi lại, số học sinh ở lại lớp lên đến 20, cả khối 6. Tôi đã không trao đổi với em, vì tôi biết với tính cách của em thì em sẽ không bao giờ chấp nhận. Tôi đã  tự tiện khống điểm cho học sinh và đưa các em lên lớp 7 hàng loạt. Đầu năm học, em không thấy các học sinh ở lại lớp nên đã lao thẳng vào phòng tôi thắc mắc: “Em nhớ học sinh ở lại lớp nhiều lắm, nhưng sao giờ dạy 6 em chỉ thấy có vài em học sinh cũ, có nhầm lẫn gì không anh ?”. Tôi khẳng định nhát gừng, cộc lốc: “Không nhầm”. Em không phục: “Nếu anh làm như vậy thì anh cũng mắc bệnh thành tích đó’”. Tôi bực mình, đập mạnh xuống bàn: “Em lấy tư cách gì để phê bình tôi đây?”.

Chiều đó, trong cuộc họp chuyên môn, tôi thông báo: “Hiện nay, vấn đề bệnh thành tích và học sinh ngồi nhầm lớp là vấn đề nhạy cảm đang được xã hội quan tâm. Báo chí ồ ạt đưa tin, phanh phui nếu nơi nào có hiện tượng đó. Tôi đề nghị các anh chị em như sau: nếu có phóng viên về trường, các anh chị không được tự ý nói nếu được phỏng vấn. Muốn nói gì phải trao đổi với Ban giám hiệu trước”. Nói xong, cả hội đồng sư phạm im phăng phắc, em giơ tay phát biểu: “Em nghĩ, các anh chị em ở đây đều có quyền được nói điều mình biết khi phỏng vấn”. Tôi bực mình, gắt gỏng: “Em có tin là với quyền hạn của một hiệu phó, tôi sẽ kiểm điểm em vì tội không chấp hành mệnh lệnh của thủ trưởng và đề nghị cấp trên thôi việc em không?”. Em ngồi xuống, mặt ấm ức.

Tôi vẫn nhớ như in một ngày mùa đông. Ngày hôm ấy, những trận mưa như trút nước, địa phương – nơi có ngôi trường, bị lũ lụt. Nước ngập mọi nơi, nước dâng lên lênh láng, nước ngập ruộng đồng, nước ngập nhà cửa, nhìn đâu đâu cũng chỉ thấy nước và nước. Mọi người phải leo lên mái nhà để ngồi chờ nước rút, những tiếng la hét vì mất của cải, tiếng than vãn vì gia cầm, gia súc bị nước dập lềnh bềnh, tiếng kêu la khóc thét vì sách vở bị ướt nhèm, con cái bị đuối nước… một bầu không khí ảm đạm, mất mát bao trùm lên vùng đồng bằng vốn rất thanh bình và đẹp bởi có vựa lúa tươi tốt này.  

Em không áo phao, lăn lộn trong lũ để đi thăm hỏi học sinh của mình. Khi đến một ngôi nhà gần sông, em thấy học sinh đang “giã gạo”, em lao ra kéo học sinh và hô hoán đội cứu hộ. Học sinh được em đưa lên xe ca, mọi người đưa tay kéo em lên cùng nhưng em lắc đầu, vội khom xuống nước vớt sách vở học sinh đang trôi lềnh bềnh, quyển sách Ngữ Văn 6 đang dập dềnh trong nước, trôi xa, trôi xa, gần mép bên lở của dòng sông quê. Em không ngần ngại, vội lao tới chụp quyển sách. Một tiếng “ầm”, dòng sông đã bị sạt lở, chỗ em đứng đã rơi tõm xuống dòng nước lũ đục ngầu, cuồn cuộn chảy, cơn lũ đã mang em đi. Chúng tôi đứng nhìn tảng đất bị rơi mà tim đau nhói, quả tim như có một bàn tay bóp chặt, khó thở. Lồng ngực như bị một tảng đá nặng đè lên.

Thấm thoát đã nhiều năm, em đã thực sự rời bỏ chúng tôi. Thiếu em, ngôi trường trở nên trống trải, vắng lặng lạ thường. Hiu hắt và u ám. Hằng năm, vào mùa đông, tôi đều đến mộ thăm em. Đứng trước em, tôi xấu hổ vô cùng, tôi nhận ra mình “tồi”, một gã đàn ông nhu nhược, không có bản lĩnh. Tôi luôn dằn vặt và ray rứt vì hành động của mình. Tại sao lúc đó tôi lại nhỏ nhen ti tiện như vậy? Là đồng nghiệp đáng lẽ phải yêu thương, đùm bọc, nâng đỡ lẫn nhau. Đồng nghiệp “thành công” thì mình phải vui, tự dưng lại nhỏ mọn, có một ý nghĩ cay độc là trù dập. Tôi đã có lỗi với em thật nhiều, thật nhiều.  

Lúc này, mùa đông đã mang những hơi lạnh đến, mùi ẩm mốc bốc lên, đôi môi run cầm cậm, tím tái, tôi đang đứng trước mộ em. Ngôi mộ cỏ phủ um tùm, hoang vắng và lạnh lẽo. Hơi lạnh của gió và của ngôi mộ nhỏ càng làm giá buốt tim tôi. Nhìn ngôi mộ thiếu hơi ấm con người, tôi đau lòng cùng cực. Dường như mọi người đã quên em rồi thì phải? Chắc em đã là dĩ vãng của nơi này, tên em đã chìm vào ngàn cái tên khác. Người mất thì cũng đã mất rồi, người sống thì phải tiếp tục, vì hiểu điều này nên tôi miễn cưỡng bằng lòng và chấp nhận. Tôi bỏ trước mộ em một chùm bằng lăng tím thẫm. Thắp cho em một nén nhang. Tôi làm như vậy để em thanh thản. Bỗng giật mình, mắt cay xốn: “Mình làm vậy để em thanh thản hay mình thanh thản?”

Rệu rã bước chân ra về, lang thang trên con đường mòn. Bỗng văng vẳng lời bài hát năm xưa. Kí ức lại ùa về, tâm trạng tối sầm, tôi không thấy cái hay của bài hát này nữa. Bài hát đã bị biến điệu vì một vết rạn. Đã có một vết nứt sâu hoắm, rách toác trong bài hát tôi yêu. Vết thương nằm giữa tim, nhức nhối và đau thốn.

Bầu trời như thấp xuống, những đám mây vần vũ, hơi lạnh ngùn ngụt bốc lên. Cái lạnh xồng xộc ùa về, gió nghênh ngang giầy xéo mọi nơi. Mấy đứa nhỏ chăn bò ven nghĩa địa co rúm, run cầm cập. Mùa đông đã về, khi còn nhỏ, tuổi thơ tôi đẹp lắm, thích nhất là mùa đông để được lội nước đi xem lũ, đan lờ bắt cá. Lớn một chút lại thèm ngắm mưa để làm thơ con cóc tặng người tình. Bây giờ…kể từ ngày ấy… với tôi, điều làm tôi ám ảnh và sợ hãi nhất đó là mùa đông. Mùa đông, với ai đó có thể rất đẹp nhưng với riêng tôi thì mùa đông luôn buồn …Tôi đã quyết định chuyển trường, về quê vợ công tác kể từ mùa đông năm ấy. Với tôi, đó là cách giải thoát tốt nhất. Tôi không muốn nhìn thấy một hình ảnh nào thuộc về quá khứ, thuộc về kỉ niệm của em và tôi.

Bà xã thấy đi chơi về, vặn hỏi:

- Vui không anh? Quay về nơi từng công tác một thời chắc có nhiều kỉ niệm, gặp nhiều người quen lắm hả?

- Ừ! Vui có buồn có. Chỉ gặp được một người quen.

- Sao anh lại khác người thế. Đi chơi lại chọn mùa đông để đi?

- Vì anh thích mùa đông nhất.

- Em nhớ anh nói anh sợ mùa đông, anh ghét mùa đông nhất mà.

Tôi không trả lời được câu hỏi này, sự im lặng cuộn lấy tôi, tê tái. Tôi thích mùa đông nhất vì mùa đông làm tôi nhớ về em, tôi ghét mùa đông nhất vì nó nhắc tôi một “món nợ” mà tôi còn mắc. Tôi tự hứa với lòng, mùa đông sang năm, khi đứng trước mộ em, tôi sẽ nói, lời nói từ trái tim: “Bao nhiêu năm nay anh còn nợ em, anh nợ em một lời xin lỗi”.

N.T.B.N

 

 
 
NGUYỄN THỊ BÍCH NHÀN
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 206 tháng 11/2011

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

01/05

25° - 27°

Mưa

02/05

24° - 26°

Mưa

03/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground