Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Trị 29/04/2024 Danh sách tạp chí Hotline: 02333 852 458 Đặt báo Giới thiệu tạp chí

Tìm kiếm trên website chúng tôi

X

Cổ thành thấp thoáng

T

ừ Cổ thành trông ra sông Thạch Lệ, cựu binh Lương An chợt rùng mình khi thấy mặt nước rực lên như bị nhuộm bằng máu. Màu đỏ lênh lang phủ hết từ bờ bên này sang bờ bên kia, trong tiếng gió phơn cuồng lên phoàng phoạc dù đã cuối chiều. Gam màu này hình như chưa hề có trong các bức tranh của anh kể cả những tác phẩm đã được giải thưởng Hội Mỹ thuật Việt Nam. Màu đỏ hôm nay như là máu của sông, nó không chảy mà đã quần tụ lại bởi những hồi niệm về chiến tranh của An đang dập dềnh trên mặt nước cùng những bông hoa tươi vừa được thả xuống trước đó chưa lâu. Lạ thật. Người bình thường ai chẳng biết màu đỏ trên sông ấy chẳng qua là do ráng chiều in xuống. Từng quầng, từng vệt ráng đỏ ở nửa bầu trời phía tây đang soi xuống mặt sông, dấu hiệu của những cơn mưa tầm tã sắp về.

Ráng vàng thì gió, ráng đỏ thì mưa, trời đỏ lòm lòm thế ni e sắp lụt lút mặt đó hè, văng vẳng tiếng phụ nữ bên tai. Nắng thì nứt đồng, nứt ruộng, mưa thì thúi đất, thúi đai, chẳng có mô cơ cực như vùng miềng, tiếng một phụ nữ khác đáp lại. Dứt câu, cả hai đều thở dài, thở dài rồi chép miệng, ui chao, nắng cũng cực, mưa cũng cực, thôi, lo nhiều chẳng được chi, việc trời trời mần, việc miềng miềng mần...

Lụt! Lụt ư? Lụt để trận địa, chiến hào ngập nước hết à. Choảng nhau trong mưa thật chẳng dễ chịu chút nào. Bên nào cũng bùn đất nhoe nhoét. Người cứ nặng trình trịch như đeo đá, cơ động muôn vàn khó khăn. Kiểu này, dễ làm mồi cho mấy “hắn” lắm đây! 

Ai vừa ca cẩm thế? Tiếng vọng từ ký ức của mình chăng? Không phải. Hình như... Đúng rồi... Giọng “Cô Thắng” Hà Nội, sinh viên năm thứ hai Tổng hợp Văn.

* * *

Lính tham chiến trận Cổ thành sống sót không nhiều lắm. Lương An là một trong những trường hợp may mắn được lành lặn trở về hậu phương để tiếp tục đến giảng đường đại học. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật Hà Nội, anh sớm trở thành họa sĩ nổi tiếng với những bức tranh đầy ấn tượng về chiến tranh. Những bức tranh màu xám nhấp nhô hình bóng các chiến binh gồ ghề lấm láp giương súng, ôm súng, giữa bộn bề đổ nát tan hoang và nét mặt đàn bà buồn bã thấp thoáng trong mưa ngâu, nắng quái.

Một số lính Cổ thành, tất nhiên là ít thôi trở thành thứ trưởng, bộ trưởng, có chiến binh thời ấy đang giữ trọng trách rất quan trọng của đất nước hiện nay. Lương An vẫn thường gặp họ trên ti vi, chỉ thế thôi, bởi anh thích nhốt mình trong phòng vẽ hay đơn độc lang thang đây đó. Tính anh vốn trầm lặng, sau cuộc chiến càng trở nên trầm lặng. Anh chỉ nói bằng đường nét và màu sắc, số đông đồng đội đã hi sinh là một phần cuộc sống của anh hiện thời. Điểm chung giữa họ và anh là im lặng.

Năm nào cũng thế, vào dịp tháng Bảy dương lịch, cữ tháng Năm âm, Lương An đều trở lại Cổ thành. Vuông đất rộng khoảng bốn cây số vuông này đã trở thành khu tưởng niệm. Có đài chứng tích, có nhà bảo tàng và khá nhiều cây xanh, thảm cỏ. Lương An đi nhiều nơi, đến nhiều vùng trong nước và ngoài nước nhưng anh chưa thấy đâu cỏ xanh đến lạ thường như ở Cổ thành.

Thăm thẳm. Hun hút. Nhức nhối. Cỏ!

Anh nhìn vào cỏ Cổ thành thấy nó luôn ươn ướt, những dòng thời gian ngưng lại ở sắc diệp lục đang dâng đầy hay muôn vàn nước mắt của nỗi đau đọng lại, anh tự hỏi...Tay cọ của anh dường như bất lực trước màu xanh bí ẩn này. Đã đôi lần anh thử dùng sơn dầu pha trộn thành “màu cỏ” ấy và quét nó lên toan nhưng lần nào cũng thất bại. Cỏ trong tranh nhợt nhạt, kém khí sắc, khác xa, rất xa cỏ thực ở Cổ thành. Lương An chán nản buông tay cọ, nghệ thuật trở nên bất lực trước cuộc sống.

An đắm chìm trong cỏ, thầm thì, nhìn vào đâu cũng thấy mày, Thắng ạ! Trai Hà Thành dáng thư sinh, mang tiếng nam nhi mà mặt trái xoan mới kỳ chứ. Lại thêm nước da trắng hồng như con gái. Thời huấn luyện, Thắng thường được chọn đóng vai gái, chả cần phải hóa trang nhiều, “cô thôn nữ” trên sân khấu đã thắt đáy lưng ong, mặt trái xoan, mắt lúng liếng rồi. Biệt hiệu “Cô Thắng” được thay thế cho biệt hiệu “Thắng Tổng hợp Văn” sau đêm liên hoan văn nghệ đầu tiên của Tiểu đoàn. Lương An và Trần Thắng, một văn, một vẽ kết bạn thân thiết với nhau từ thời còn huấn luyện cùng đại đội lính sinh viên trong đợt tổng động viên năm 72. Cả hai, thời ấy cùng tuổi hai mươi, trẻ trung, ham mê nghệ thuật.

Những lúc ngồi riêng hai người, Trần Thắng hay đọc thơ cho Lương An nghe. Chẳng hiểu moi từ đâu ra mà Thắng có những câu thơ “ngoài luồng” nghe gai cả người.

Chúng ta ra đi chiến tranh mùa đông

Ta kịp biết gì đâu

Vừa hết trẻ con đã là người lính...

....

Đừng nói với ta những lời hào nhoáng về chiến tranh...(1)

Chiến tranh không xa lạ với thế hệ thanh niên như Lương An, Trần Thắng. Bom đạn kẻ thù đã ném xuống quê hương của họ từ khi hai người còn là trẻ con. Lương An vốn là dân tuyến lửa “quê Bọ” nên đã nghe tiếng bom giặc rơi sớm hơn, khi đang học lớp hai. Nhưng phải nói rằng, bộ mặt chiến tranh lúc ấy đối với cả hai người chưa gớm ghếc tột đỉnh khi họ trở thành lính tham chiến ở Cổ thành sau này. Cuộc huyết chiến ở Cổ thành đã hút cả “Cô Thắng” lẫn “An Bọ” vào vòng xoáy của bạo lực, dù đã được định danh rạch ròi bên chính nghĩa bên phi nghĩa nhưng cùng chung hiện thực là chết chóc tang thương.

Lượng bom đạn kẻ thù dội xuống Cổ thành tương đương lượng TNT của bảy quả bom nguyên tử Mỹ thả xuống thành phố Hi - rô - si - ma của nước Nhật trong thế chiến Hai. Sau này, tổng kết chiến tranh người ta đã công bố số liệu đó. Thật kinh khủng. “Cô Thắng” không biết được số liệu đó...nhưng “An Bọ” đã hằng đêm trăn trở vì nó. Cơn ác mộng ngột ngạt, sặc sụa mùi bom đạn. Mùi máu của đôi bên trộn vào nhau. Trần Thắng biến mất sau một trận bom ngáo ộp như chưa hề sinh ra ở trên thế gian trong một điểm chốt đánh trả quân lấn chiếm. Cho đến hôm nay vẫn chưa hề tìm thấy hài cốt của cái dáng thư sinh, của khuôn mặt trái xoan ở đâu trong bốn cây số vuông nhức nhối cỏ này.

Đêm vượt Thạch Lệ, An đã dìu Thắng bơi qua sông. Nước từ nguồn đổ về xiên xiết. Pháo sáng rực trời. Đạn ta đạn thù đan chéo, chiu chíu, chằng chịt trên đầu. Này, cái kiểu bơi chó vớ vẩn của mi không vượt được sức chảy của nước sông mô, bám chặt vào tau nhé, Lương An cảnh báo trước cho Trần Thắng. Biết rồi, khổ lắm, nói mãi...Thắng cười cười nói giọng đùa cợt. À, được đấy, tưởng mi sợ quá tè ra quần, trông yểu điểu thục nữ mà dũng khí ra phết, xứng đáng là bạn thân của An Bọ này rồi. Bọ, đừng vội lên mặt nhé, qua bên nớ mới biết ai cứng hơn ai hi, Thắng nhại giọng khu Bốn trêu An. Cả hai cười khì khì như không phải đang chuẩn bị vào chỗ tử.

Xung quanh có rất nhiều tiếng kêu thét. Có người đuối sức bị dòng nước cuốn trôi. Có người trúng đạn giặc...

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm...(2)

Một câu thơ thời hòa bình viết về tình cảnh của những người lính vượt sông để vào Cổ thành mùa hè đỏ lửa ấy. Câu thơ xuất hiện sau thời bom đạn khá lâu, cũng của một người lính Cổ thành. Còn bây giờ, cả An và Thắng đều qua được sông để vào cái cối xay thịt nổi tiếng này. Hai đứa và tất cả những đồng đội còn sống sót đều ướt như chuột lột. Mừng chưa kịp chúc nhau một câu cho ra hồn thì ầm ầm oàng oàng, pháo hạm của địch ngoài biển đã câu vào, cắt luôn hộ khẩu của hai lính sinh viên Sư phạm Hà Nội. Điên tiết, Thắng vác tiểu liên AK chĩa lên trời kéo một băng dài. An lao tới ôm chặt bạn mình chứ không biết việc gì nữa sẽ xảy ra sau đó. Không còn một chút nhu mì hiền lành nào nữa ở Thắng. Sống giữa bầy sói phải biết tru lên như sói. Sống giữa chiến tranh phải biết ứng xử bằng súng đạn. Không giết nó, nó cũng giết mình. Lý lẽ giản đơn như vậy thôi. An tự thanh minh biện bạch cho hành động có thể gọi là bột phát pha chút điên rồ của Thắng.

Để giành giật một chỗ cắm cờ trong Cổ thành cả ta lẫn địch phải mất rất nhiều xương máu. Mùi tử khí bốc lên khắp nơi, mùi xương máu đang tan rửa hủy hoại trong mùi mưa dai dẳng, mùi bùn tanh tưởi.

Ráng đỏ thì mưa...Chẳng sai tí nào cả. Cổ thành hứng đủ những cơn mưa dầm dề cuối hạ. Mặt đất sùi sụt, lọp bọp nước. Mặt ta, mặt địch ngoằn ngoèo những dòng mưa bẩn thỉu, nhớp nháp. Mưa không rửa được dấu vết chiến tranh trên những khuôn mặt sạm đen, hốc hác, hằn sâu thù hận. Nước da con gái trắng hồng của Thắng bay biến đâu mất tang, rất ít khoảng sáng gợi cảm trong Cổ thành đổ nát. Không một viên gạch nào nguyên vẹn. Lổn nhổn. Vỡ vụn. Rêu cũng đỏ màu máu. Lau cỏ cũng thế, đỏ lòm tanh tưởi. Máu khô đét trên từng mét Cổ thành.

Sót lại một chuyện bi hài. Sau triền miên dai dẳng mưa, trời hửng nắng. Đã thấy chút xanh man mác hơi thu ở trên cao. Thắng ngồi trước cửa hầm, mặt đần đần. Có chi mà mặt mi đơ ra như mất sổ gạo rứa? An hỏi. Đần dần giản ra đôi chút và cười cười, Bọ này, đêm qua tao mơ...Mơ thấy chi à? Tao mơ gặp nàng...cả hai đứa khỏa trần ôm nhau...Ui chao, sướng rứa à? An kêu lên. Sướng thật, An à...Nàng đã cho tao...và tao đã tan chảy vào nàng. Trong khi An lim dim mắt hình dung ra cái phút sung sướng tan chảy vào nàng của Thắng (hèn chi đêm qua có lúc hắn ôm mình chặt thế) thì chàng sinh viên Tổng hợp Văn đã lẩm nhẩm đọc thơ.

Em đợi tôi áo trắng

tuổi học trò gió bay

môi dại nói cười

phập phồng ngực thở

gác nhà em cao quá

mái tóc dài lơi lả buổi trưa thơm (3)

Lương An đã từng dựng “tứ” cho một bức tranh từ hồi ức về giấc mơ của Trần Thắng. Bầu thu xanh như dòng sông chảy qua miền trắng. Trên đó có hai cánh buồm màu đỏ được cách điệu từ hai dáng người rất trẻ, một trai một gái đang xõa vào nhau. Và gió, thực ra là giai điệu cất lên từ cỏ lau đã bừng thức sau miên man thiêm thiếp đang thổi căng phồng đôi cánh buồm đỏ. Và những đứa trẻ, thực ra là những mầm nắng giang cánh bay ra từ một khoảng trời rất yên bình. Sự yên bình của giấc mơ đoàn tụ, chất đầy khao khát yêu đương và nhục cảm...

Thêm lần nữa Lương An bất lực trước tấm toan trắng. Anh không thể nào thể hiện nổi ý tưởng của mình, dù nó đã rõ ràng sắc nét đến mức tưởng chừng anh giơ tay ra là cầm nắm được. Còn thiếu một cái gì đó rất cơ bản để bảo hiểm cho sự bình yên. Sự bình yên không của một người, đôi người mà là bình yên vững chải cho đất nước này, dân tộc này. Phải chăng, còn quá nhiều sự chia rẽ, hay là thiếu hụt những thành thực trong hòa giải, hòa đồng. Hình như còn một vế nữa chưa được dựng lên. Anh băn khoăn tìm về Cổ thành mong gặp được lời giải đáp.

Trời tối rất nhanh và mưa đã lác đác rơi xuống. Cỏ đã chìm vào màu đêm miên miết. Lương An quyết định đêm nay sẽ ngủ lại ở Cổ thành trong một gian phòng nhỏ của nhà khách bảo tàng. Mưa đang to dần lên và giăng đều ở ngoài cửa, nước mang hơi lạnh của thế giới khác, thảng thốt chập chờn se se. Mưa...

“Cô Thắng” nói với anh, Bọ vào chiều nay, đúng không? An hơi giật mình, mi chui vô mô mà đến giờ mới ló mặt ra? Chui vào đất chớ chui vào đâu nữa! Thắng cười buồn buồn, à quên, còn một thằng nữa đi cùng mình, Chiến Văn khoa Sài Gòn. An lom lom nhìn. Cạnh Thắng, một dáng người dong dỏng khoác áo rằn ri, khuôn mặt bầu bầu hơi tối. Chào anh, Thắng đã kể cho tôi nghe về anh, Chiến nói, giọng ngàn ngạt. Hai cậu ở với nhau à? An hỏi. Thắng: Chúng tớ nằm cùng nhau, bay cùng nhau đấy. An: Răng lại quen nhau? Thắng: Lính Cổ thành cả mà nhưng hai đứa hai phe và biến cùng một ngày. An: Trong trận B52 ấy à? Thắng: Đúng vậy, bom không phân biệt được đâu là lính đỏ, đâu là lính đen, giết tất. An: Sao cậu không về quê? Thắng: Tớ muốn về lắm nhưng lại thương Chiến, hắn không còn ai ở quê nữa cả, để hắn ở lại Cổ thành một mình tớ không đành lòng. An: Nông nỗi chi mà kết nhau tợn rứa hè? Thắng: Lúc đầu gặp nhau cũng hằm hè nhau dữ lắm, đứa nào cũng nhận mình là vong chính nghĩa, là vong chiến thắng, sau nghĩ lại thấy buồn cười quá, thành cát bụi rồi còn làm gì được nữa đâu mà tranh nhau điều ấy. Đều là vong linh Việt cả mà, đúng không An? An...Thắng: Hai đứa tự thấy không cần thiết phải quan tâm đến chuyện thắng thua nữa mà nên chia sẻ nhau những ấm lạnh trong cõi âm mờ mịt này. Không có cuộc chiến nào ở dưới ấy đâu nhé. An...Thắng: Bọ biết không, Chiến hay đọc thơ Bùi Giáng cho mình nghe đấy,...anh sẽ chết như chưa bao giờ chết...anh sẽ về thăm viếng các em ôi...tấm quần em rách đường tơ...cỏ trong mình mẩy bâng quơ mọc nhiều...bây giờ riêng đối diện tôi...còn hai con mắt khóc người một con, mình thì lại đọc thơ Lưu Quang Vũ cho hắn nghe, gì nhỉ...à, nhớ rồi,...xao xác lá vàng...những mặt nạ của mùa thu đã chết...nước sông chảy trên vai em lấp lánh...lòng như vầng trăng nhọn...chém giữa trời không nguôi...An...Thắng: Hứng lên hai đứa mình còn ngâm nga Kiều, Văn tế thập loại chúng sinh của Nguyễn Du, bình giải bài Thiếu nữ ngủ ngày, Mời trầu của Hồ Xuân Hương, bài Cây chuối của Nguyễn Trãi nữa đấy...

An...

Tiếng chim gọi sáng. Lương An tỉnh giấc. Chẳng có ai trong phòng mình cả. Thắng đâu? Chiến đâu? Hai sinh viên Văn khoa Hà Nội, Sài Gòn vừa đứng bên cạnh mình giờ lại biến đi đâu rồi. Trời ơi, thế giới muôn thuở vẫn sắc sắc không không như thế này à!

Thắng ơi! Chiến ơi! Các bạn đang về đâu, ở đâu trong thăm thẳm sắc cỏ Cổ thành?

   N.H.Q

 

_________

(1) (3) Thơ Lưu Quang Vũ

(2) Thơ Lê Bá Dương

NGUYỄN HỮU QUÝ
Bài viết đăng trên Tạp chí Cửa Việt số 230 tháng 11/2013

Mới nhất

Trên đất đồi đã thôi thuốc súng

28/04/2024 lúc 16:38

Để thấy sự hồi sinh của một vùng đất, đôi khi phải làm khách vãng lai quan sát. Nhận ra

Mùa hoa chêng đỏ

28/04/2024 lúc 16:33

Chưa bao giờ chêng nghĩ mình là một loài hoa được nâng niu, chiều chuộng, cũng không mơ được

Trận pháo kích Cứ điểm 241

28/04/2024 lúc 16:31

Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975, dinh lũy cuối cùng của ngụy quyền Sài Gòn đã sụp đổ, miền

Những người đàn bà tháng Tư năm Bảy lăm

28/04/2024 lúc 16:28

Gần nửa thế kỉ nay, nhiều người viết về lứa trẻ sinh ra dịp 30 tháng 4 năm 1975,

Tạp chí số cũ
Câu chuyện du lịch
tư tưởng Hồ Chí Minh

Thời tiết

Quảng Trị

Hiện tại

26°

Mưa

30/04

25° - 27°

Mưa

01/05

24° - 26°

Mưa

02/05

23° - 26°

Mưa

Nguồn: Weathers Underground